Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / BOUDA

BOUDA

- Trương Tuyết Mai — published 28/09/2014 16:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
trích từ hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP



BOUDA


Trương Tuyết Mai



Nỗi nhớ


Nếu không có kỳ nghỉ dưỡng ở biển Long Hải, nếu trong Hội đồng giám khảo hội diễn công nhân viên chức thành phố năm ấy – không có mặt Giáo sư nhạc sĩ Thế Bảo, chắc cuộc tình buồn với Georges Boudarel vẫn còn nằm sâu và ngủ yên trong ký ức của tôi. Từng ấy năm, quá đủ cho bụi thời gian che mờ tất cả.

Những người trên xe hôm đó toàn là nhạc sĩ tên tuổi hay giáo sư Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, và là thành viên trong Hội đồng giám khảo của đợt hội diễn văn nghệ công nhân viên chức toàn thành phố vừa qua. Có lẽ ai cũng mong con đường ngắn lại để mau được thư giãn, vì mọi người đã quá căng thẳng bởi các vòng thi ròng rã gần hai tháng trời. Thế rồi chuyện nổ như bắp rang, đủ mọi đề tài, ai cũng tranh nhau nói cười, đôi lúc chẳng để ý đến người khác nói gì nữa. Nhất là anh Thế Bảo, cứ liên tục kể chuyện tiếu lâm làm không ai nhịn được cười. Câu chuyện bỗng chuyển sang đề tài tình yêu từ cổ chí kim, vui buồn đủ cả. Tôi chỉ ngồi im lắng nghe. Bỗng từ hàng ghế phía sau có tiếng ai đó hỏi :

– Tuyết Mai định đóng cửa trái tim mãi hay sao ? Còn trẻ quá mà !

Tiếp đó một giọng nam lấp lửng :

– Nguyễn Du đã nói rồi : “ Chữ tài liền với chữ tai một vần ” là thế. Số phận cả !

Tự nhiên anh Thế Bảo chen vào, giọng quả quyết :

– Mọi người không biết đâu ! Ngày xưa có một thằng Tây yêu Tuyết Mai điên cuồng, làm Thành Lang ghen lồng lộn lên đấy !

Bất ngờ quá ! Tim tôi chợt nhói lên, rồi một ý nghĩ giận dữ thoáng nhanh : “ Sao lại gọi người ta là “ thằng Tây ” chứ ? Không biết ai hơn ai ! ”. Tôi cố trấn tĩnh ghìm cục đắng đang nghẹn cứng trong cổ họng. Chẳng kịp ngăn anh nói, tôi chỉ còn biết quay ngoắt lại phía anh ngồi, hỏi nhỏ :

– Sao anh Bảo biết chuyện đó ?

Tai hại chưa ! Ðáng lẽ phải nói tránh đi, đằng này tôi lại hỏi một câu chẳng khác gì : “ Lạy ông tôi ở bụi này ”, thú nhận điều tôi muốn giữ kín. Tôi không muốn ai biết bí mật ấy, chỉ giữ cho riêng mình và mãi mãi chôn nó thật sâu.

Anh Bảo nhìn tôi ngạc nhiên :

– Em quên anh là thằng bạn chí cốt của Thành Lang à ?

Không chờ tôi trả lời, anh nói thêm :

– Em không nhớ hồi đó, mỗi ngày anh em mình đều gặp Boudarel hai lần tại tiệm cơm Tân An phố Hàng Bông sao ?

Tôi chịu thua. Anh Bảo nói đúng vanh vách. Chắc chắn anh Lang đã tâm sự với bạn chí cốt của mình.

Lại một giọng nam khác từ hàng ghế phía sau hỏi với lên :

– Hồi đó Tuyết Mai đã có chồng chưa vậy ?

Tôi từ tốn trả lời : “ Dạ chưa. Lúc đó em mới mười bảy tuổi thôi ”.

Người đó vẫn chưa buông tha :

– Vậy sao cậu Lang nào đó lại ghen ?

Ðến lượt anh Bảo giải thích :

– Lúc đó Thành Lang đang ráo riết theo đuổi Tuyết Mai, thử hỏi sao không ghen được chứ ?

Tôi nhỏ nhẹ tiếp lời anh Bảo, giọng van xin :

– Em xin các anh chị. Câu chuyện của em buồn và rắc rối lắm, mà cũng đã quá lâu rồi, mình đừng nhắc tới nữa nhé.

Như hiểu được nỗi niềm của tôi, không ai bàn tiếp và chuyển sang đề tài khác.

Được để yên, tôi nhắm mắt tựa đầu vào thành xe, vẽ trong tưởng tượng một không gian ngập tràn ánh sáng, có tiếng suối róc rách, tiếng chim hót cùng muôn vàn hoa thơm cỏ lạ. Trong không gian đó chỉ có tôi và Bouda 1, yêu thương tin cậy, không e sợ, ngại ngần bất cứ điều gì hay thế lực nào.

Rồi chợt như bừng tỉnh cơn mê, tôi thảng thốt tự nhủ : “ Không được ! Không bao giờ được ! Chuyện đó đã xa rồi. Ðừng tạo cho nó đường về. Hãy để trái tim ngủ yên đi ! ”. Nhưng thật vô ích. Những lời nói vô tội vạ kia đã khơi dậy trong tôi một nỗi nhớ tưởng chừng không còn hiện hữu. Tôi nghe vừa nôn nao thúc giục, vừa xót xa dày vò; một mớ cảm xúc khó định nghĩa cứ theo tôi đến tận đêm khuya.


*

        

Nỗi nhớ hành hạ khiến tôi trằn trọc khổ sở, không sao chợp mắt. Tôi choàng dậy khoác áo đi dạo thơ thẩn. Trăng trên biển vằng vặc sáng, rải ánh bạc khắp mặt biển lung linh thật đẹp. Gió từ khơi xa mang hơi biển mát rượi như mơn man da thịt, rồi nghịch đùa làm rối bù tóc tôi. Sóng biển miên man rì rào như một điệu ru. Tôi nghe lòng mình lắng lại. Nỗi nhớ bây giờ chỉ xoa nhẹ trái tim, không còn khiến tôi thổn thức, nức nở.

Ngửa mặt hít thật sâu hương đêm vào ngực, tôi bắt gặp những vì sao khuya nhấp nháy như âu yếm cười với tôi – nụ cười của Bouda. Tôi như người mộng du thì thầm trò chuyện cùng anh đang ở tít trên cao. Rồi bài hát với cái tên Ðợi chờ – viết về mối tình của tôi và anh, đã hình thành từ đêm trắng ấy.

“ Ðợi chờ anh em chẳng tính từng giây, dù mỗi giây bằng hai đầu thế kỷ. Ðợi chờ anh dù mái tóc pha sương, dù cuộc đời chẳng cho em có anh. Ðợi chờ anh em như hóa người hành khất, với niềm vui ngược dòng thời gian mải miết kiếm tìm kỷ niệm về anh. Mặc dòng đời cứ mải miết trôi, em vẫn đợi anh dẫu có muộn màng…”

Tôi thổn thức cùng nỗi nhớ quay quắt tưởng chừng phải rên xiết…

Anh là ngôi sao khuya ấy cứ lấp lánh gọi em, rạng rỡ gọi em…”



Hạnh phúc


Nắng sớm tràn vào nhà óng ả, tôi ra trước thềm vươn vai, hít thở thật sâu cho đầy buồng phổi khí trời ban mai thanh khiết. Tôi phải thở thật nhịp nhàng đúng bốn thì theo bài tập yoga đã học được từ một người bạn. Mỗi sáng chỉ cần thở được mười lần như thế là tôi đã như được tiếp thêm năng lượng, thật khoan khoái, dễ chịu. Tuy nhiên tôi vẫn không quên thói quen sau đó là phải tập bài thể dục buổi sáng.

Sớm nào cũng vậy, tôi rất hăm hở với công việc đầu tiên là ra hồ cho cá ăn. Những chú cá chép, cá diêu hồng vừa thấy bóng tôi bên hồ là biết sắp được cho ăn. Chúng bơi rất nhanh về phía tôi, chen lấn, quẫy nhoài tranh cướp mồi làm nước bắn tung tóe, ướt hết quần áo, mặt mũi. Nhưng tôi lại mỉm cười với chúng. Nhìn cá ăn rồi bơi lội tung tăng, vô tư trong làn nước mát, tâm hồn tôi bỗng chốc nhẹ tênh, lòng dạ thơ thới. Sau đó, tôi ra góc vườn bên hông nhà nơi có mấy dây bầu, dây mướp, xem chúng có kết nhiều nụ hay đã ra hoa chưa. Liếp rau cải xanh có tốt tươi hay đã bị sâu cắn phá hết trong đêm qua. Còn những chậu hoa hồng, lan đất, trà my trước sân nhà, bốn mùa tỏa hương ngào ngạt, chúng cũng đang chờ tôi tới nâng niu, chăm sóc mỗi sớm. Và những cây xoài, cây nhãn sau vườn, chẳng biết trận giông hồi khuya có làm trái non rụng nhiều không ? Thế nào tôi cũng phải tới thăm. Buồn thay, nỗi băn khoăn lo lắng của tôi đã không sai chút nào. Nhìn những trái non lìa cành nằm lấm láp trên mặt đất - lòng tôi xốn xang, trĩu nặng.

Ðiểm dừng cuối cùng của cuộc dạo chơi ban mai ấy là nơi có giàn phong lan. Sớm nào tôi cũng đến thăm giàn lan của mình, săm soi từng giò xem có lưỡi mèo nào mới nhú không. Hễ có nụ lan nào sắp hé nở là tôi đem ngay vào trong nhà rông, giữ gìn cẩn thận để hương sắc lan bền đẹp lâu hơn. Nhiều khi tôi chẳng làm gì, chỉ im lặng ngắm hoa, rồi miên man suy nghĩ lẽ đời. Cũng lạ, chỉ có vậy mà không bao giờ tôi thấy chán. Nên láng giềng của tôi có người từng nhận xét : “ Sớm nào bà Mai cũng bị những giò phong lan hít chặt ”.

Vườn nhà tôi ít có loài lan quý hiếm, đắt tiền như những “ vườn lan biệt thự ” của các đại gia. Lan của tôi chỉ có Cattleya, Mayneal Schullazy, Dendrobium, Hồ điệp, Vũ nữ … và Cattleya Portia. Có lẽ tôi dành tình yêu nhiều nhất cho lan C.Portia. Tuy biết C.Portia chỉ cho tôi mỗi năm một lần hoa vào tháng Bảy dương lịch, mà tôi vẫn hồi hộp, trông chờ giờ phút hoa hé nở. Bông C.Portia to gần bằng bàn tay xòe, cánh hoa đầy đặn màu tím thẫm có pha chút vàng kiêu sa. Đem ra ngoài nắng sẽ thấy trên mỗi cánh hoa đều sáng lóng lánh những hạt li ti, như có ai đem bụi kim cương rắc đều lên đó. Hương thơm C.Portia thì không gì so sánh được, nó vừa đằm sâu nồng nàn lại vừa dịu dàng sang trọng, quyến rũ lạ lùng. Mỗi lần C.Portia nở, tôi ra vườn thăm hoa không biết bao nhiêu lần trong ngày. Hương hoa tỏa lan ngất ngây khiến tôi như chìm đắm vào một thế giới khác đầy mộng mị. Nó như một hòa âm phức hợp vừa đẹp kiêu sa mà gần gụi, lại vừa sâu lắng, thâm trầm mà dữ dội. Tôi thường hớn hở khoe với bạn bè về loài hoa C.Portia đặc biệt của mình.

Bạn bè thường rất ngạc nhiên khi biết vườn nhà tôi có cả lan rừng, loài hoa dại đeo bám chằng chịt trên những thân cây khô quanh nhà rông trông rất đáng yêu. Nhìn thoáng bên ngoài có vẻ cằn cỗi thô ráp, nhưng nó lại có một sức sống bền bỉ dẻo dai đáng kinh ngạc. Tôi rất thích thú khi đứa em trai tặng những giống lan đã lấy được từ rừng sâu Hàm Tân. Tôi đã đi học bạn bè cách nuôi lan rừng sao cho chóng thích nghi nhất. Suốt ngày tôi siêng năng làm việc trên mảnh vườn nhỏ của mình, như một người làm vườn thực thụ. Tôi tạo những thân cây khô rồi cho lan bám vào đó. Phải gần một năm sau lan rừng mới thích nghi được với môi trường mới. Cứ thế lan xanh tươi, sinh sôi nảy nở, rồi cho tôi những chùm hoa rừng thơm ngát.

Còn gì thích thú với người đã luống tuổi như tôi, bằng một góc rừng ấm áp trong khu vườn nhỏ ngoại ô Sài Gòn. Tôi cũng mong lưu giữ chút ký ức còn lại của một thời. Có vậy thôi, nhưng với tôi là những điều ấp ủ sâu nặng, chỉ chia sẻ được bằng sự cảm thông chứ không dễ nói hết bằng lời.

Lan rừng cũng có nhiều loại lắm. Lan Tai thỏ xinh xinh trông rất đáng yêu, đặc biệt chỉ có hai chiếc lá nhỏ được xếp bên nhau giống như đôi tai thỏ vậy. Trúc Lan thì thân mảnh khảnh vươn dài đài các, rũ xuống mềm mại trông thật liễu yếu đào tơ. Bông Trúc lan nằm ở đầu ngọn, nở trắng muốt chỉ bằng đầu ngón tay út, nhưng thơm ngất ngây. Trúc lan phận mỏng, chỉ nở và tỏa hương trong một ngày rồi lặng lẽ biến dạng. Còn lan Ngọc điểm cũng rất đặc biệt, mỗi năm chỉ cho hoa một lần vào cuối tháng Mười hai dương lịch. Bông Ngọc điểm khi nở chỉ bằng đầu ngón tay cái, từng chùm chúc xuống giống như những chùm nho, nhưng màu trắng pha chút tím, chúm chím làm duyên mà lại thơm ngào ngạt. Không biết Ngọc Điểm sống bằng gì mà vẫn không ngừng cho ra những chiếc rễ dài khỏe mạnh, buông thẳng đứng xuống đất như thách thức.

Tôi rất thương Quế hương vì nó chịu cực rất giỏi, hoàn cảnh nào Quế hương cũng sống được. Quanh năm đeo bám trên thân cây khô khốc. Giữa cái nắng Sài Gòn tháng Tư, chang chang như lửa đổ mà Quế hương vẫn trổ bông dày đặc các nhánh, vươn cao thẳng đứng đầy kiêu hãnh trên nền trời xanh. Mỗi lần nhìn Quế hương tươi thắm trong nắng như thế, lòng tôi lại nao nao, ngậm ngùi…



*



Ðang miên man trong dòng suy ngẫm, tôi chợt giật mình vì tiếng điện thoại bàn reo vang hối thúc, tôi phải gắng chạy thật nhanh vào nhà để nhấc máy cho kịp :

– A lô, dạ thưa tôi nghe.

Ðầu dây bên kia là giọng Linh Giang – con trai tôi, rất vui vẻ :

– Chào mẹ, con đây mà. Có tin vui mẹ ơi !

– Ủa, tin vui gì vậy con ?

– Ðã có thông tin về ông Boudarel mẹ ạ.

– Vậy sao ? Con không đùa chứ ? Tin vui gì nói mau đi !

– Con nói thật mà. Mẹ bất ngờ lắm đúng không ?

– Trời ! Nếu đúng thì Trời Phật đã thương mẹ thật rồi !

Chưa hết bàng hoàng vì tin vui bất ngờ, tôi cố tự trấn an để bình tĩnh hỏi con thêm cho rõ :

– Thông tin đó từ đâu vậy hả con ?

– Cách đây vài ngày mẹ có nhờ Diễm Hà tìm giúp thông tin về ông Boudarel, đúng không ? Chỉ nhớ tên thôi mà Hà đã tìm được tin tức của ông đó mẹ.

– Ờ, mẹ có nói là sẽ đưa địa chỉ cũ của ông để Hà lần tìm cho tiện. Hôm sau không ngờ tụi con đi sớm quá, mẹ chưa kịp đưa địa chỉ mà sao Hà tìm được hay quá vậy.

Linh Giang tranh thủ khoe với mẹ về người yêu của mình, giọng hồ hởi hẳn lên :

– Diễm Hà giỏi lắm mẹ ơi. Mẹ thưởng nhé !      

– Ừ, mẹ sẽ thưởng lớn.

– Con gọi về báo tin vắn tắt để mẹ mừng, còn cụ thể thế nào, mẹ sẽ nói chuyện với Hà để biết thêm nhé.

Bỗng Linh Giang cao giọng reo vui bất ngờ :

– A ! May quá Hà mới đến. Con chuyển máy cho Hà nghen mẹ.

Hà reo lên trong máy với tôi :

– Con chào bác. Ông Boudarel vẫn còn sống bác ơi !

– Diễm Hà hả con ? Bác cảm ơn con rất nhiều nghen. Nhờ con mà bác có được niềm hạnh phúc bất ngờ này. Thông tin về ông Boudarel thế nào, con mau nói cho bác nghe đi.

– Con đã nhờ bác gái của con ở Paris tìm giúp thông tin về ông. Bác con đã hỏi thăm qua nhiều bạn bè. Rất nhiều người biết tên tuổi ông, không những vì ông là một giáo sư tiến sĩ nổi tiếng, mà còn vì ông là người bạn chí cốt của nhân dân Việt Nam. Nhưng khổ nỗi là không ai biết ông hiện nay đang sống và làm việc ở đâu. Có người biết ông trước đây là giáo sư dạy ở Ðại học Denis Diderot, nhưng bây giờ không biết còn dạy ở đó nữa không. Trong thư điện tử bác con còn nói : “ Ông đã bị tố cáo trên báo chí một thời gian dài, nên không có tên ở sổ danh bạ. Phải giấu tên cho dễ trốn ! ”.

Diễm Hà vẫn thường ăn nói từ tốn, chậm rãi lắm ; còn tôi thì đang rất sốt ruột muốn nghe, muốn biết thật nhiều thông tin về ông :  

– Hà ơi, nói mau lên chút được không con ?

– Trong thư bác con còn cho biết : “ Những năm đầu thập kỷ chín mươi, những người lính Pháp thua trận ở Việt Nam tố cáo ông đã theo Cách mạng sát hại hàng nghìn tù binh Pháp tại trại giam M113 ở chiến khu Việt Bắc ”. Họ còn đòi lật lại vụ án tử hình vắng mặt ông Boudarel mà chính phủ Pháp trước đây đã tuyên án. Chuyện này đã tùm lum trên báo chí Paris suốt thời gian rất lâu. Vì vậy mà bác ấy đã phải trốn biệt.

Tôi bức xúc quá, hấp tấp cướp lời :

– Nhưng bản án tử hình đó đã được thay đổi hoàn toàn khi tướng Charles de Gaulle lên nắm quyền rồi mà. Tướng Charles de Gaulle đã ban hành sắc luật ân xá tháng 6 năm 1966 – nó không chỉ được thi hành cho một bản án tử hình của ông Boudarel, mà còn ân xá cho tất cả tù binh của hai cuộc chiến tranh Ðông Dương và Algeria. Ðiều đó cả thế giới đều biết, vậy mà họ còn đòi lật lại, đòi xới tung lên nữa sao con ? 

– Bác ơi, Pháp là một xã hội tự do, ai cũng có thể nêu lên chính kiến của mình. Còn phải trái hay công bằng ra sao, thì cần phải chờ đợi luật pháp nhà nước xem xét, phân minh bác ạ.

Tôi như người thất thần, nhưng để bớt căng thẳng, cũng gắng hỏi Hà thêm vài điều :

– Trong thư bác gái con còn viết thêm điều gì nữa không ?

– Các bạn của bác con còn cho biết : “ Ông rất đau buồn vì phải chịu nhiều áp lực từ các phương tiện truyền thông và dư luận xã hội. Ðau lòng nhất là những người trước đây ông đã từng hết lòng, mà khi ông gặp nạn họ lại quay lưng một trăm tám mươi độ. Ông đã phải chịu đựng những chấn thương tinh thần rất trầm trọng nên đã ngã bệnh nặng. Phải một lần lên bàn mổ để phẫu thuật tim và hai lần bị tai biến mạch máu não. Ông phải nằm điều trị liên tục tại bệnh viện gần hai năm trời

– Thật khổ thân cho ông quá Hà ơi. Làm sao giúp đỡ ông được bây giờ. Ông đang rất cần có người bên cạnh, đúng không con ?

– Bác con nói, có một người bạn cho biết về sức khỏe của ông hiện nay cũng tạm ổn, ông đã được xuất viện. Hàng ngày ông vẫn rất ham làm việc, vẫn đọc, viết và dịch thuật 2. Sự uyên bác vẫn nguyên khôi, nhưng đi đứng, nói năng thì khó khăn lắm, nhiều khi chân tay không theo kịp với ý muốn.

– Chắc ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt lắm hả con ?

Bỗng dưng Hà hấp tấp nói như sợ ai cướp lời :

– Bác ơi, chút xíu nữa con quên mất : Có một ông tên là Phạm Ngọc Thuần, từng là bạn thân của ông Boudarel. Ông Thuần cũng đã già lắm rồi. Thấy bác con hỏi thăm về ông Boudarel có vẻ khẩn thiết quá, ông Thuần đã cho bác con địa chỉ và số điện thoại nhà của ông Boudarel, nhưng ông ấy nói thêm : “ Ðó là địa chỉ đã lâu lắm rồi. Từ những năm Boudarel bị nạn tới giờ, không biết có còn được ở yên chỗ này ? 

Tôi bỗng phấn chấn hẳn lên, xúc động nói :

– Ðược vậy cũng tốt lắm con à. Nhà bác không có đường dây điện thoại quốc tế, Hà có thể gọi cho ông Boudarel giùm bác được không ? Nếu trời thương thì đầu dây bên kia sẽ là tiếng trả lời của ông, sẽ là sự linh nghiệm tuyệt vời nhất ! Còn nếu không phải tiếng ông trả lời, thì mình sẽ hỏi thăm rồi tìm từ từ sau vậy.

– Vâng ạ, bác chờ một chút, con sẽ gọi cho ông ngay đây. Con cũng hồi hộp lắm.


*


Tôi không phải chờ đợi lâu. Chỉ gần ba mươi phút sau chuông điện thoại đã reo vang, tôi vội vàng chụp lấy máy :

– A lô, dạ thưa tôi nghe.

– Dạ, con là Hà đây ạ. May quá bác ơi, ông Boudarel vẫn còn ở tại địa chỉ cũ mà ông Thuần đã cho. Con nói chuyện được với ông rồi. Ông rất vui khi biết tin tức của bác. Ông hỏi thăm nhiều về sức khỏe, về gia cảnh và công việc của bác. Con chỉ trả lời vắn tắt thôi chứ không nói được nhiều.

– Ông không tỏ ra bỡ ngỡ sao con ?

– Dạ, con cũng rất bất ngờ là ông không tỏ ra bỡ ngỡ gì cả, giống như ông rất mong cuộc điện thoại này từ lâu rồi vậy. Chứng tỏ ông luôn ngóng chờ tin tức của bác.

– Thật vậy hả con ? Bác có được niềm hạnh phúc ấy sao ? Bất ngờ với bác quá con ạ.

– Con nghĩ bác luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim ông từ lâu rồi.

– Bác thật hạnh phúc vì điều đó. Cảm ơn con.

– Ông còn khen con nói tiếng Pháp hay không thua gì người Pháp nữa, làm con vui quá à.

– Con có cảm ơn lời khen ngợi của ông chưa, hay vui quá lại quên mất ?

– Dạ có chứ ạ. Ðó là phép tắc tối thiểu mà sao con quên được. Ông còn nói thế nào cũng sẽ gửi quà mừng đám cưới cho tụi con nữa. Vui quá phải không bác ?…

Tôi mỉm cười mãn nguyện, lẩm bẩm nói chỉ để riêng mình nghe thôi : “ Ông vẫn như ngày xưa, bao giờ cũng chu đáo, rất thích đem niềm vui đến cho người khác ”.

Buông mình xuống salon, tôi miên man với niềm vui tươi rói đang trànngập trái tim. Nhưng tôi cũng hiểu niềm vui này như tơ mành, dễ đứt vỡ, nên cố gắng nâng niu nó trong lòng tay. Tôi muốn ấp ủ, muốn giữ gìn nó an toàn trong góc khuất nhất của trái tim, không ai chạm tới được. Tôi rất sợ nó lại như phù du, theo gió mây tan biến mất lúc nào không biết.


Bao nỗi niềm chôn chặt trong lòng bấy lâu, bỗng dưng trỗi dậy mạnh mẽ, khuấy động, khiến tôi bật gọi : “ Bouda ơi ! Bouda !...”. Tiếng gọi mềm, tha thiết, cứ lặp đi lặp lại như chưa bao giờ tôi được gọi tên anh như thế. Tiếng gọi dội ngược vào tim vang động một góc thiêng – nơi tôi cất giấu mối tình của mình đã gần bốn mươi năm.


Trương Tuyết Mai

NGUỒN :
Hai chương này trích từ phần 3
tập hồi ký Lật từng mảnh ghép









Bài trước :

Tìm cha

Tập kết

Tiệm cơm Tân An


Bài tiếp theo :

Gặp gỡ

Tin dữ từ Paris




1 Tên bạn bè thường gọi thân mật của Georges Boudarel

2 Trong bài “Bouda” của Nguyễn Ngọc Giao (Đại học Paris 7) đã viết : “Chưa ai có thời giờ và điều kiện làm một thư mục hoàn chỉnh các công trình nghiên cứu, trước tác và biên dịch của G. Boudarel, nhưng chỉ thoáng nhìn danh mục sơ lược, người ta cũng thấy sự da dạng của sự nghiệp, phản ảnh sự tò mò và ham mê “vô độ” của Bouda đối với bất cứ cái gì liên quan tới Việt Nam. Từ “Phan Bội Châu”, “Hồ Chí Minh”, “Giáp”, “Hội làng”…. Và các bản dịch ra Pháp ngữ “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Dế mèn phiêu lưu ký” Tô Hoài, “Đại thắng mùa xuân” của Văn Tiến Dũng… Sự ham mê của con người ấy còn thể hiện rõ rệt trong tủ sách và kho tư liệu đồ sộ mà ông đã tích lũy từ hơn bốn chục năm nay – Một gia sản quý báu mà trong giới Việt Nam học, ai cũng mong sẽ được bảo tồn và quản lý…”



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us