Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Bức Ảnh Tìm Thấy

Bức Ảnh Tìm Thấy

- Trần Đình Sơn Cước — published 10/12/2015 09:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Bức Ảnh Tìm Thấy


Trần Đình Sơn Cước



(Viết cho Hùng)

Tôi mang theo bức ảnh từ ngày rời khỏi nước, qua Pháp rồi qua Mỹ được hơn một phần tư thế kỷ. Cứ mỗi năm gần đến Tết tôi lại mang nó ra xem và muốn viết một điều gì đó, nhưng lại không viết xong. Lần dọn nhà mới nhất, năm 2013, mặc dù rất cẩn thận trong lúc thu dọn đồ đạc, tranh ảnh và thư từ, nhưng khi sắp xếp để cất vào tủ, tôi đã không tìm thấy bức ảnh. Tôi lục lọi nhiều lần. Bức ảnh đã thất lạc. Tôi tiếc vô cùng. Năm tới đây là năm Thân. Ký ức lại quay về cái Tết Mậu Thân đau thương năm 1968. Tôi muốn viết về những ngày tháng đó, nhưng không còn tìm thấy được bức ảnh vì nó là chứng tích của những tang thương mất mát.

Một đêm cuối tuần mưa nơi thành phố tôi đang ở, mưa lâm thâm như những cơn mưa của Huế vào những ngày đầu xuân. Lòng buồn nhớ những ngày Tết cúng kỵ ở quê xưa. Lại nhớ đến bức ảnh. Chợt nhớ tới một người bạn có mặt trong bức ảnh. Lần cuối cùng nói chuyện với nhau cách nay đã tám năm. Lúc đó bạn vừa mới trải qua một cơn tai biến nhẹ. Giọng bạn nói khó khăn, không rõ. Đã tám năm không liên lạc, hồi hộp không biết sức khỏe bạn thế nào. Tôi gọi bạn qua số điện thoại cũ. Đầu giây kia là giọng nói của người phụ nữ, vợ của bạn. Cho tôi xin nói chuyện với anh Hùng! ( Người bạn đó là Nguyễn Hữu Hùng, lúc xưa còn tên Nguyễn Gia Hữu). Tôi nín thở khi nghe chị gọi: " Anh Hùng ơi có người muốn nói chuyện." Mừng quá. Bạn nay nhờ tập luyện sức khỏe tốt lên rất nhiều. Giọng bạn mạnh, rõ hơn tám năm về trước. Dĩ nhiên là cả tiếng cười mừng rỡ nhau, những đứa bạn nay đã hoặc sắp bước vào tuổi " cổ lai hy"...

...Hùng đã nhờ người con trai scanned và gởi liền bức ảnh mà tôi trông đợi. Nhận được bức ảnh qua mail, tôi mừng quá. Nét chữ của Hùng ghi chú trên bức ảnh: " Bạch Mã, 1967."


BachMa


Đúng là bức hình được chụp vào mùa hè năm 1967. Ảnh chụp không phải ở núi Bạch Mã. Bạch Mã mà Hùng ghi trên bức ảnh là tên Kha đoàn Hướng đạo của chúng tôi được thành lập từ Thiếu đoàn Bạch Mã. Vào năm 1966, lúc đang học lớp đệ tam với nhau tại trường trung học Nguyễn Tri Phương (Huế), Hùng đã rủ tôi và giới thiệu tôi vào sinh hoạt hướng đạo thuộc Thiếu đoàn Bạch Mã. Chúng tôi đã có những cuối tuần sinh hoạt đầy vui tươi của tuổi mười bảy, mười tám. Chỉ với chiếc xe đạp, đầu đội mũ beret gắn huy hiệu hướng đạo, ba lô trên vai, cây gậy đi rừng, chúng tôi đã cắm trại vui chơi khắp các đồi Thiên An, các chùa Từ Hiếu, Tường Vân, Trà Am,... hầu hết các lăng Gia Long, Tự Đức, Minh Mạng,... về tận Tiên Nộn, lên An Lăng, qua núi Ngự Bình. Những đêm đốt lửa trại bập bùng, những buổi say sưa ca hát, những trò chơi lớn, những cuộc thi đánh Morse, thi nấu cơm trong mưa, thi vượt sông, thi văn nghệ...

Khi ngành Kha của toàn quốc được thành lập vào năm 1965 (theo tài liệu 50 năm kỷ niệm thành lập ngành kha công bố trên website "Giúp Ích", ngành Kha được thành lập và được công nhận là một ngành của Hướng đạo Việt Nam chính do phần lớn công lao và sự tranh đấu bền bỉ của cố trưởng Trần Điền, tên rừng là "Gà Hùng Biện"), vì ở trong độ tuổi 15 đến 18 nên những thiếu sinh chúng tôi được chuyển lên sinh hoạt ngành kha. Chúng tôi là những kha sinh đầu tiên của Kha đoàn Bạch Mã do anh Thạnh và anh Dậu làm Kha trưởng và Kha phó. Sáu chúng tôi trong bức ảnh gồm hàng trước,từ trái sang: Chánh, Hùng, Minh. Hàng đứng phía sau, từ trái sang: Lợi, Cước, Bích. Chúng tôi được cử làm 6 đội trưởng đầu tiên của Kha đoàn. Trên cầu vai áo màu xanh đậm gắn 2 vạch màu trắng, cấp bậc của người đội trưởng. Nhìn lại những khuôn mặt mười bảy mười tám đầy sức sống và ước mơ ngày ấy, bùi ngùi xót xa biết bao khi nghĩ về những tang thương mất mát trong chiến tranh mà tuổi trẻ chúng tôi đã phải gánh chịu...

Những niềm vui biểu lộ trên mỗi khuôn mặt chúng tôi được nhìn thấy trong bức ảnh chóng tàn. Chỉ mấy tháng sau đó là tết Mậu Thân. Buổi trại tất niên năm ấy chúng tôi như thường lệ đứng thành vòng tròn lớn, tay siết chặt tay cùng hát bài tạm biệt với hẹn hò gặp lại nhau trong những sinh hoạt tới. Nhưng rồi, sau mấy tuần chiến tranh đẫm máu của tết Mậu Thân chúng tôi không còn bao giờ được gặp lại nhau đông đủ, tươi vui như trước đó nữa.

Những ngày tết Mậu Thân tôi về quê ăn tết với mẹ và các anh chị tại làng Phụng Chánh, giáp chợ Mỹ Lợi. Nơi đây bình yên trong mấy ngày đầu xuân. Qua đài phát thanh chúng tôi biết Huế đang bị tấn công. Năm ấy, anh trai tôi về quê ăn tết một mình vì chị dâu đang mang thai nên ở lại Huế. Biết tin Huế ngập tràn khói lửa, anh lo lắng ăn ngủ không yên, anh đòi lên Huế liền. Nhưng mọi giao thông về Huế đều bị gián đoạn. Vì những người buôn chuyến không chở trái cây, cau, trầu, cam quít...lên Huế được nên hàng hóa tồn đọng và phải bán rẻ tại các chợ làng quê, nhất là chợ Mỹ Lợi. Mẹ tôi sáng nào cũng ra chợ Mỹ Lợi mua tôm cá và đặc biệt mua cho tôi mấy cây mía cao, dài, ngọt lịm. Tôi suốt ngày nhai mía ngây thơ không lo nghĩ nên nhiều lúc làm cho anh tôi phát bực, vì lòng anh đang như lửa đốt, con và vợ không biết ra sao trên Huế. Ít ngày sau thông đường tôi theo anh qua Đá Bạc, đón được chuyến xe đò lên Huế. Qua khỏi Phú Bài, Hương Thủy, quang cảnh tan nát bắt đầu hiện ra. Qua lọt cầu An Cựu, anh và tôi xin xuống trước chợ An Cựu để về nhà ngay đầu đường Phát Lát, con đường dẫn về tận cầu ngói Thanh Toàn...
Khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh bắt đầu phản công tái chiếm Huế, anh tôi đã nhờ người đào chiếc hầm nấp bom đạn ngay trong khuôn viên vườn nhà cha mẹ vợ của anh. Mỗi đêm nghe tiếng súng nổ, tiếng đại bác, cả nhà gồm vợ con, cha mẹ vợ anh và tôi ôm ẳm kêu nhau xuống hầm tránh đạn. Anh tôi lúc đó là quân nhân biệt phái. Một đêm anh và tôi vừa xuống hầm thì nghe từ trên miệng hầm tiếng gọi của Khoa. Anh sợ hết hồn. Khoa cùng tuổi tôi, đang học lớp đệ tam trường trung học tư thục Bồ Đề Hữu Ngạn. Nhà Khoa ở gần cầu Ngói Thanh Toàn. Khoa được mẹ vợ anh tôi nhận cho ăn ở trong nhà để giúp thêm việc tưới hoa và những việc lặt vặt. Khoa cùng tôi ngủ ở nhà thờ phía trước. Khoa vui tươi, nhanh nhẹn, tháo vát, trong nhà và cả xóm đầu đường Phát Lát ai cũng thương Khoa. Mấy ngày Tết Khoa về nhà ăn Tết và bị "sung" vào đội "quân giải phóng". Chẳng biết Khoa được học cầm súng lúc nào trong những ngày vội vàng binh lửa đó. Khoa mang khẩu AK, thò đầu xuống miệng hầm gọi chào anh tôi và tôi. Khoa cười toe rồi nói phải theo đoàn đi ngay. Khoa còn ghé lại ngôi nhà phía trước để tìm thăm cô bạn láng giềng xinh đẹp mà Khoa đem lòng thương yêu. Ôi chiến tranh! Ít tuần sau tin từ nhà Khoa cho biết Khoa đã chết trên đường rút lui cùng "quân giải phóng"!...

Tương tự như trường hợp của Khoa, ba bạn hướng đạo của tôi trong bức ảnh cũng chết đau thương như vậy. Nhà của các bạn Bích, Lợi và Minh đều ở các làng Ngọc Anh, Dưỡng Mong, những làng xã quanh Huế về phía cửa Thuận An. Những cuộc tiến quân của "quân giải phóng" đều xuất phát từ các làng bao bọc Huế, nên nhiều thanh thiếu niên các vùng đó đều bị "đôn" vào các cánh "quân giải phóng". Là đoàn sinh hướng đạo, chúng tôi thường nhớ nằm lòng một trong những lời hứa lúc tuyên thệ là trung thành với Tổ Quốc. Nhưng tổ chức hướng đạo như mục đích từ lúc thành lập là "phong trào cho tuổi trẻ". Quốc tế. Mở rộng cho mọi người. "Là" tự nguyện. Không chính trị. Không thuộc về của chính quyền." "Hướng đạo là...một phương thức sống." ( Theo : Hướng đạo là gì? do Văn phòng của Tổ chức Hướng Đạo Thế Giới tại Geneva công bố trên trang nhà www.scout.org). Vì tôn chỉ của phong trào là "không chính trị", nên đoàn sinh chúng tôi lúc sinh hoạt thường được các Trưởng căn dặn đứng ngoài các hoạt động chính trị, nhất là giai đoạn Huế đầy biến động của những năm sau năm 1963. Cùng tuổi chúng tôi lúc đó, có bạn đã có ý thức chính trị ( đã nằm trong các tổ chức "Việt Cộng") thường chỉ trích hướng đạo sinh chúng tôi là ngây thơ, con nhà giàu; hướng đạo là tổ chức tư bản! ( vì vị sáng lập Hướng Đạo thế giới là một vị tướng trong quân đội Anh). Nhắc lại những điều này để xác quyết rằng những người bạn hướng đạo của tôi chết trong Tết Mậu Thân là những thanh niên trong sáng, năng động, chưa hề chọn lựa quốc gia, cộng sản khi phải cầm súng của "cách mạng" và chết oan uổng khi tuổi xuân đang tràn đầy...

... Sau khi thành phố bình yên trở lại, chúng tôi đến trường còn vương nỗi thất thần trên mỗi khuôn mặt thầy cô và bạn bè. Tâm trạng đó tôi đã viết nên bài thơ "Ngày Tục Giảng Ở Huế" được đăng trên tạp chí Văn số đặc biệt về Huế có hình bìa là chiếc cầu Tràng Tiền gãy gục giữa sông Hương. Sau hơn 45 năm đọc lại bài thơ ( nhờ công của nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm và đăng vào tuyển tập Thơ Miền Nam Thời Chiến do Thư Ấn Quán xuất bản năm 2007) tôi nhận ra bài thơ đúng là một bức ảnh chụp Huế những ngày tan nát đó. Bài thơ có vài đoạn:

"...Nơi chỗ đứng nầy
Hai mươi ngày đầu năm
Công chức mất máu
Công chức mất đầu
Hai hầm chôn sống gần năm chục
Người bỏ vợ bỏ con
Người xa cha xa mẹ
Người bị giết vì lầm
..."


"...Lớp học còn lại năm bảy đứa
Phờ phạc như chim bị bão
Như kẻ mất hồn
Thầy hỏi những trò kia đâu hết
Học trò ngồi chết cứng nhìn nhau
Có những trò đã chết
Xác còn chôn trên các vỉa hè
Bên mũi cầu trong công viên trong rãnh nước
Có những trò đi biệt
Chưa biết được ngày về..."

Tìm thấy lại bức ảnh của 49 năm về trước, sáu bạn trẻ hướng đạo tuổi vừa tròn mười bảy mười tám, tươi trẻ, tràn đầy sức sống và hy vọng, thế mà qua một tháng tang thương, ba trong sáu bạn đã ngã xuống vì bom vì đạn ở một nơi nào đó trên đất Huế mà lúc còn là một hướng đạo sinh, bạn đã bao lần lăn lóc chơi đùa trên đất mẹ yêu thương!

Đã 48 năm qua rồi, Khoa, Bích, Lợi, Minh ơi, xin thắp nén hương tiếc thương tuổi xuân các bạn. Xin thiết trai đàn chẩn tế giải oan cho các bạn và Huế đau thương!

Trần Đình Sơn Cước

(Sunnyvale, trước tết năm Bính Thân 2016)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us