Cái Diệc Đồng Sâu
Cái Diệc Đồng Sâu
Đào Vũ Hoài
Huyền hạc
độc túc thanh sơn bạng
Hoàng
điểu hoàng điểu qui thực trường
Cao Bá Quát
(1809 –
1854)
Thuở bé tí đã một bận anh Cả Thuộm tỏ ra anh quả là người có chí lớn. Giữa tháng đông tiết giá nghiệt ngã đời vua Tự Đức năm thứ bảy ấy (1854), khi tin về xôn xao khắp miền trung du, khắp trong thôn ấp vùng châu thổ Bắc Bộ, rằng quan phó lãnh binh tỉnh Sơn Tây đã bắt được cái ông thánh làng thơ ngang ngạnh tầm quấy nọ ở phủ Quốc Oai, và vâng mệnh triều đình đem xử quyết tại chỗ, anh Cả Thuộm đâm suy nghĩ miên man lắm. Anh bỏ cơm chiều, đêm chong đèn thao thức lao lung, giật mình nghe ngoài điếm trống tuần phu bỡn bờ buông dùi đánh thùm, điểm năm canh thùm thùm cô tịch thùm thùm đủ cả năm. Và anh mảng đăm chiêu theo đuổi những ý tưởng mông lung những đâu đâu như thế, lòng khắc khoải thôi biết thế nào là trăm mối rối nùi rối beng như thế hết mấy hôm liền. Nhà tưởng anh bấy lâu hỏa bất sinh thổ, thận dương suy nhược đau dạ dày, táo kiết khó ở trong người nên mặc anh. Một buổi tinh mơ trời còn tờ mờ tối đất, đang ngồi phản ngựa quang dầu ngó nắm xôi đậu xanh sớm bên bộ bàn chè sớm chén mẫu, anh bỗng vỗ đùi đánh đét chửi đổng lên:
– Đéo mẹ, ông thì ông ị vào áo sam với mũ miện. Nẻo công khanh vào luồn ra cúi, lít nhít xúm xít một lũ giật chỏ huých sườn, cùng nháo nhào bốc vào cái bả vinh hoa thì đẹp mặt thế nào được? Hiển thân làm sao cơ chứ? Thế có khác chi gà qué chen nhau mổ thóc quanh quẩn cái cối xay góc sân sau bếp? Ông thà ông làm giống hắc điểu, một mình ông một sườn núi.
Dứt lời, anh Cả Thuộm xếp lại nghiên bút bỏ quê hương bản quán ra đi dựng nghiệp nhà. May sao, anh đi được đến cổng làng thời ông thân đẻ ra anh kịp chạy theo túm cổ lôi về. Ông bảo anh toan đi làm giặc hòng chuốc kỳ được cái vạ tru di để họ đem chém cả bố anh đấy, phỏng? Không đợi anh Cả Thuộm kịp mở miệng thưa bẩm, ông sai cái Tũn đem cho ông cái đòn thoàn trượng, nọc anh ra rà cho ít xẽo quắn thây. Đến khi ông thân mặt đỏ gay xôi gấc buông thõng tay roi đứng thở đứt hơi, chí khí anh Cả Thuộm cũng đã ra chiều nhẹ hẫng khói hờ. Ít lâu sau, song thân anh bàn nhau qua nhờ bên ông bác chân tiên chỉ trong làng đứng ra bâng bát hương. Ông này lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay chọn giờ hoàng đạo, súng sính áo thụng lam dắt quyến thích họ mạc rồng rắn đi hàng một, tề chỉnh lội bằng được cả ba quãng đồng sang làng Đợ cử lễ tương tiến để người làng bên đó cho phép anh Cả Thuộm nghinh rước vợ anh về. Thôi thì cho anh sớm được phá then động đào mặn giấc tiên, lòng bớt tăn tăn động giật, tâm trí thảnh thơi mà tuông mây hóa rồng cũng chưa muộn. Tuổi anh Cả Thuộm bấy giờ vẻn vẹn chớm mười lăm.
Làng Đùn quê anh Cả Thuộm mé trên này thuộc vùng canh mục trù phú, làng Đợ quê vợ anh là đất vạn chài nằm tém gọn một núm bên dải ruộng biền nhoài ra mé ngã ba sông. Nhưng làng nào thời cũng thế, luẩn quẩn ba sinh đời cha nhập với đời con làm một trôi theo mạch nước ngày đêm ì uồm đưa sông Đà đổ nống ra vẹo ne con sông Hồng. Trải bao phen con tạo xoay ngửa lại xoay nghiêng, con nước đôi dòng rập rờn đỏ đen kia vẫn cứ lừ lừ xoắn xuýt lấy nhau quay mòng quay mòng.
Người con gái rày phải theo phái cheo làng Đợ sang làng Đùn gánh vác giang san tôn từ nhà chồng xưa nay được tiếng xinh đẹp nhất vực hạ lưu sông Đà, và đã được hứa hẹn cho anh Cả Thuộm từ khi vẫn chưa có anh Cả Thuộm trên cõi đời này. Vợ anh nguyên là cô gái con ông tú mền làng Đợ, hàng tiên nghiêm hai nhà vốn là chỗ lan giao, ngày trước đồng song đồng thuyền nên sớm ra đàng đồng thân. Đôi bên biết nhau từ thuở hai ông thông gia đầu còn cạo trọc, trán để lơ thơ một chỏm lông tơ chim hồng cùng theo học cụ đồ Thứu bấy giờ đến ngồi ở nhà chánh tổng bên thôn Thượng làng Đùn đây. Ông thân anh Cả Thuộm mười tám tuổi đỗ đầu xứ kỳ hạch khóa sinh, mùa thu năm sau nhằm khoa Bính Ngọ (1846), hăm hở nón sơn quai chuỗi quảy lều chõng đi thi. Nhưng ngay ở phần kinh nghĩa nơi trường nhất, không rõ vong linh quỷ thần giả ân báo oán làm sao, ông chép quyển đứt kẽ mắt không nhìn ra mà kiêng đi tên chữ cái lăng chôn bà thím nhà vua. Người đi thi phạm phải khinh húy hỏng thi đã đành, hàng tỉnh sức giấy về làng quy tội cả cụ đồ đã thiếu nghiêm túc trong việc giáo huấn hàng vãn bối, và tuyên cáo cấm anh học trò từ rày không được bén mảng cửa hiền. Tủi hổ quá, cậu thư sinh chưa quá tuổi hai mươi nọ đành lủi về mái thảo bạc ẩn mình, hiên lê thềm ngọc ngày lại ngày đi lại lẩn thẩn độ như đã tiêu hồn tán phách từng ngày.
Người bạn đồng niên đồng khoa với bố anh Cả Thuộm ngày ấy, nay đã lên ngôi bố vợ anh Cả Thuộm đây, dịp đó đầu đuôi nhất nhất đều cẩn mật kính khuyết vẫn không vào được phần phúc hạch. Nhờ triều đình gia ân lấy thêm, cái tú tài đội bảng mới về ông. Uất khí đùn lên đến phát ách ra hai bên bẹ sườn, ông trở về quyết nắn chữ rèn câu. Tự Đức nguyên niên (1848) vua ban ân khoa, ông ra đường ngờ đâu phải gió, cảm hàn xuýt quay đơ, sang Kỷ Dậu (1849) mới lại nước bầu cơm gói ra trường Hà thử vận. Lần này đỗ tam trường vào phúc hạch hẳn hòi, thế mà ngoại trường chấm quyển làm sao đánh ngay xuống hàng thứ để cũng lại lấy làm tú tài. Tim gan thối ủng trái sầu, rượu Kẻ Chợ ông tú kép say túy lúy; ngồi mạn du thuyền tựa vai khách má phấn ông vung tay phẫn uất thét váng một trời Hồ Tây lãng đãng sương, rằng bận sau chúng biết tay ông. Qua Tân Hợi (1851) nghe vua ban khoa hoành từ, tuy không quên lời nguyền năm nao, ông nhủ lòng chớ mà chộn rộn nôn nóng, chân bước đừng xuôi ngược xán xả, kẻo hòng gì lại thổi phù bao la là bong bóng nước lùa nhốt khí trời. Ông khép chặt phên nứa, kiên tâm khổ luyện ôn nhuần, đợi. Năm sau đó, dịp khoa Nhâm Tý (1852), trông cánh nhạn chao nền trời thu ai cũng bảo điềm lành. Ông tú kép khấp khởi đã nhìn thấy xa kia thênh thang hoạn lộ. Thế mà, khốn nạn! Vẫn biết lâu nay triều đình xuống chỉ quyết định trở lại lệ thi bốn trường, phần kinh nghĩa, thi phú, văn sách ông làm khá trôi chảy, ngặt cái phép tứ lục trong lối văn chiếu, văn chế và biểu mà ai cũng cho là không mấy chi trúc trắc thì, quái thay, bút ông quả lại có hơi lúng túng. Ngày yết danh ông thiu thỉu ra đọc tên mình ở cái mảnh cót phết vôi cửa vi Ất. Ông đỗ tú tài lần ấy là thứ ba nên từ nay làng gọi ông tú mền. Tiếc lẽ đi không về luống đã bao lần, ông nản chí. Rày thì mặc ai hốt mặc ai hèo, mặc ai lọng tía cùng võng đào đòn cong mui luyện, cung mạng ông sao Khôi không rạng, màng chuyện vinh tiến cũng hoài.
Lâu dần lòng ông tú mền rồi cũng đã nguôi ngoai, ông thôi không muốn than trách chi vận trời.
Phần anh Cả Thuộm, nay đã ra hàng nghĩa tế con rể nhà ông tú mền, anh thôi không được bé tí nữa. Rày thì ra ngõ anh mặc áo the dài, chân đi guốc mộc, đầu đội khăn nhiễu quấn. Làng bảo từ xa trông anh đã ra phết ông Cả Thuộm lắm thay. Thế nhưng lòng anh Cả vẫn đượm buồn, anh thấy đời mình cứ thể là lúp xúp chạy quanh, những suy tưởng dường ứ đọng ở một màu xanh rờn rờn: xa tít xa kia là bát ngát những thửa ruộng xanh rì, ngáng tầm mắt nọ là rặng tre xanh là xanh um cả, dày đặc như mưỡu như rừng. Nhìn đâu sao cũng xanh ngắt xanh ngặt một màu xanh xanh não hồn, cái màu xanh miết vào tâm can, bù rù u uất từ nghìn xưa vẫn vây phủ lấy những linh hồn hanh hao bệu bủng, bưng bít cả màn trời, đổ ụp lên những mái gianh xiêu vẹo rúm ró, nát mủn theo những lề thói hủ bại cố chấp, những khuôn thức lâu đời đã đen xỉn lại. Bên trong những xóm thôn khuất khúc lầy lội cuộc sống lèm nhèm thấp bé xuống, lòng người sập sè khép hẹp, tích tụ lắm hiềm oán sân si, chỉ chực hùa vào bắt chẹt lẫn nhau đến chết thôi. Ngày lại ngày anh Cả Thuộm thẫn thờ lãm thắng tầm u, hoặc lắm khi khăn áo cuộn tròn cắp nách theo trẻ chăn trâu ra đồng bắt dế.
Dòng họ anh Cả Thuộm làng Đùn này còn ai không biết. Riêng nhà anh đất ruộng khoanh mẫu cũng đến hàng mấy mươi, mùa gió nồm ra gặt vụ chiêm, cấy ré vùng trũng đợi gió bấc về; những cau những mít trong vườn ra đếm gốc đếm không xuể, ngoài sau có ao thả cá, mé đồng sâu trâu nghé thả đàn, năm gian nhà tường xây trát vôi đắp vữa, dầm cốt rường cột trong nhà chuyên gỗ sến gỗ lim, sân lát gạch Thổ Hà, mái lợp ngói ống lưu ly. Cụ tổ nhà anh vào giây phút lâm chung đã nấc lên trăn trối:
– Người có của bỏ tiền chạy chân chức dịch trong làng đã khó gì. Ra đình ngồi vào chiếu với hàng hào lý, việc quan thì chỉ toan gian giảo bòn khoét, đánh lận con đen thời danh giá thế nào được? Nghe lạch cạch cỗ bát thì ngốt người, nghểnh cổ hớn mũi, mắt nhìn xuôi ngược y quạ đậu chuồng lợn chẳng thể lưu phương đời đời.
Gắng sức bình sinh, cụ nghếch mày vểnh râu ái chà một tiếng rõ to, nghiêng mình vói ngọn bút ô long trên án thư dấm nghiên mực, nhoay nhoáy xoay tròn mặt chữ để lại cho con cháu đời sau cái khí khái của cụ:
Huơ tay bẻ
quế, sắc móng trêu thằng Cuội
Chúm
miệng phun châu, mềm môi bỡn ả
Hằng
Lũ con cháu vây quanh sập gụ cùng trố mắt chiêm ngưỡng, thoạt tưởng cụ một lần nữa sẽ nghiêng mình bặm môi, run tay đẩy đưa thêm ít dòng ban bố ít lẽ nhân duyên, hoặc không chừng sẽ lại tố giác cái sự đời bố láo. Ngờ đâu cụ chỉ kịp há miệng ái chà lần cuối, mắt trợn ngược, duỗi tứ chi chấm hết hồi luân sinh.
Chuyện xưa nó thế, câu chuyện ngày nay chưa rõ sẽ phải kết cấu sao cho xuôi, sao cho tích tuồng khỏi bén vào cái thói thường lâm ly lặc lè, chỉ biết dạo gần đây, mỗi khi thoáng trông thấy bóng dáng anh Cả Thuộm vật vờ song cửa, ông thân anh Cả Thuộm rầu rĩ chép miệng thở dài. Quả phúc vun đúc mãi, đã bao đời chưa toại giấc hòe. Con ông sức trai tầm này, bật nẩy lâu nay hẳn đã bong then vàng lỏng khóa ngọc chứ phải chơi, xem ra vẫn chưa thưởng tâm bằng nguyền ngó ngàng đến những dòng mặc diệu kim cổ.
Lại còn thế này, nom gương mặt anh Cả Thuộm ủ dột như áng chiều bảng lảng mặt vũng trâu, ông nhạc anh Cả Thuộm ý nhị tay túm đầu mối ngũ luân, tay gióc triêng chốt ngũ thường thắt chặt đáy lòng, ghìm nén cái gì như một nỗi tự trách tự hối cứ chực dấy lên.
– Quan bác nghĩ xem, mình những muốn họ gióng kèn đồng hàng tổng, giục trống khẩu hàng huyện vào nhà một lần cho nó rạng cái tông đường, thế mà con vận cứ nhìn mình bằng nửa con mắt trông nghiêng, ngổ ngớn bưng lỗ bẻ dùi. Ngẫm mà tức tức là.
Bố anh Cả Thuộm chuyên trà ở chén tống ra thân tình mời ông bố vợ anh Cả Thuộm:
– Ấy, tôn huynh dạy có sai. Người xưa chẳng để lại lời thán oán thống thiết, rằng nhà cao minh ma quỷ dòm vào? Mả cụ tổ các cháu đây, xưa bắt mạch đem táng hàm rồng mong con cháu ngày sau chốn quan trường hoạn vị có phần thong dong, tác tựu lấy nếp nghi môn lan đài. Phải cái năm cuối đời vua Gia Long ấy bão lụt ngập đồng, cụ tung áo quan đội huyệt lềnh phềnh trồi mặt trần gian. Sau cơn lũ, không chừng đã bấn bíu bí beng thế nào tiễn cụ đi lần này lại táng ngay vào cuống họng linh vật cũng nên. Có đời thuở nhà ai mà cái mệnh đồ nó cứ là ngắc ngứ luôn thế.
Bảo rằng thân làm tội đời không ngoa, anh Cả Thuộm lúc này xờ xạc rạc người, ngày ngày đi ra chốc lại đi vào tựa hồ đang dần lạc thần thất vía từng ngày. Đấng huyên đường mẹ ruột quay ra cà riềng cà tỏi đay nghiến con dâu, đấng thái thủy mẹ vợ chọn ngày rằm lên chùa sủ quẻ hỏi ý thánh. Số là vợ chồng ông tú mền vốn hiếm hoi, bà tú mền bao năm chung chiêng chập chõa, ngả nghiêng chũm chọe rước hội tháng Ba phủ Tây Hồ, ngày rằm rền rẫm sửa mâm hầu đền bên Hòe Nhai, năng chay giới tâm niệm sắm lễ chùa Bảo Quốc, thường khói hương khấn khứa chùa Nhang, sửa cỗ tam sênh í ới khóc kể ngoài lầu Hoành Đình, đội mâm tứ phủ ư a than thở dưới bến Đồng Tân – mãi được mụn con gái. Giờ lại phải rắm rúc nước mắt quỳ mọp đầu. Duyên kia nếu đã thuận lòng trời thì xin hãy ứng vào lòng người, độ trì cho nữ nhi gia hạnh cẩn tiết, phù trợ cho hàng nam tử khí đức luyện đạt đáng bậc kiện nhi ở đời.
Ở nhà, vợ anh Cả Thuộm ấm ức đứng ngồi không yên, vào khung cửi chị hậm hực kéo đòn néo cho chặt để căng sợi dọc, tay rập chân đùn xập xềnh cho mẹo lừa bên trên bắt vào phần khuôn ở dưới đưa lên; hồi lâu không dằn được, chị gắt:
– Nhà sao thế?
Anh Cả Thuộm quay lại vặc:
– Mặc tôi!
Chị vợ tủi thân quá bưng mặt khóc u hu ù chạy xuống ngồi chái bếp. Anh Cả Thuộm ngao ngán bỏ ra ngõ, lòng anh phẳng lặng trống trải. Ra đến cổng làng, nhớ trận đòn năm nao anh chùn chân, tần ngần đứng ngó ra nẻo tít mù. Xa kia, chiều phiêu diêu đỏ, và anh Cả Thuộm nán níu đầu làng cho đến khi ráng đoài chỉ còn một đóm tẻ bẽ, nhỏn nhoẻn ló chừng ở cuối tầm mắt. Đất ruộng biền biệt bờ vùng bờ thửa loang lổ lẫn vào với đêm lơ lửng, và ở mé nọ men dưới triền đê, sông trôi miên miết như tự nghìn đời sông vẫn trôi. Anh Cả Thuộm đứng giữa thăm thẳm thinh vắng, nghe quanh anh kiếp người nhẫn nại nát lở trên những nhí nhố oan khiên, bến quảng độ tâm mộng lênh đênh ô hô bởi lẽ giấc nồng rêu đã phong, si đã mọc bấy lâu. Anh Cả Thuộm thút thít khóc giữa thun thút hoang liêu, thốt đâu nghe ai đó nhón bước đến bên anh.
– Thế nhà muốn những gì?
Anh Cả Thuộm mếu máo:
– Mặc tôi.
Chỉ nói thế, rồi lững thững bỏ về.
Chiều đổ xuôi trên những hững hờ đồng vọng, gió tuột võng trời thơm thơm vầng ngân tinh hây ửng.
Đêm về luống đợi câu muôn thuở trong gió vi vu.
Đêm xuống anh Cả Thuộm đã quen thói thường một mình ngồi đối bóng, đáy lòng chấu cắn râm ran nát, mối rách sầu đời lách chách dọc đòn lương. Anh ngả đầu song cửa thở vắn dài, bâng khuâng thả hồn ngắm nhện giăng giữa trời trăng chập chờn lu tỏ. Mé sân sau, vợ anh thức khuya đều tay chày, bồm bộp nhịp đâm nhịp giọt giã nốt cối thóc; giã xong lại soàn soạt soàn soạt lưa đều tay sàng giần hạt cám. Anh Cả Thuộm soài sượt chép miệng, vẩn vơ dõi mắt vồ đuổi khuôn trăng đang vơ vẩn nấp sau áng mây mỏng như muốn rủ anh cùng ra sân chơi trò ú tim. Sang canh ba chị vợ hết một ngày việc ra giếng xối nước rửa chân. Người chồng cựa mình, rệu rã giấu mặt lòng bàn tay. Lâu rồi anh Cả Thuộm đã thôi háo hức chuyện buồng riêng để ôm ấp riêng anh một nỗi buồn.
Và này, một trời trăng trắng sữa trăng thích nhiên lắng đọng lại. Chỉ còn rền rền tiếng côn trùng rên rỉ cho đêm đen càng thảng thốt sâu.
Im lặng.
Bóng ai tựa hồ như chị vợ đang rón rén bước qua sân, khe khẽ mở cổng đi.
Im lặng.
Cũng phải im lặng dửng dưng mất một đỗi anh Cả Thuộm mới như thoáng sửng sốt, và lòng giục lòng, anh một lòng quyết bụng rình cho ra. Bởi từ một miền nhấp nhô mụ mị xa những đâu rất xa nào không rõ anh Cả Thuộm như đã ra người tỉnh trí, từ khối não chợt bừng sáng trong anh đó những sự kiện khó hiểu xảy ra ít lâu nay tất tật đã quay về. Tỉ như cái hôm lên lễ đền thánh Pháp Vân bên Đông Yên dịp đầu tháng Tư năm nay ấy, có mụ ăn xin ở cổng đền cứ túm lấy áo vợ anh nài nỉ, Ngài lệnh về ngay cho! Ngài lệnh về ngay cho! Vợ anh Cả Thuộm vùng vằng bỏ đi, mụ già bưng mặt khóc rưng rức. Lại nghe làng mách lại, một buổi sớm chớm đông rét căm căm, chị vợ gồng gánh đi ngược con bấc xuống bãi đợi đò sang bên Bồng Lệnh kịp phiên chợ huyện, thấy thằng nhỏ bên nhà cụ thám lom khom lội mép nước kiếm nhặt củi rều, lại vừa cắp rổ vớt bèo vớt rong về bằm nhuyễn trộn cám heo, bèn vẫy lại thăm hỏi. Chị biết thân nó một thân ở đợ nuôi mẹ, thường có đôi lời an ủi. Chị bảo, mẹ mày gửi mày chuồng lợn cụ thám, nhờ ân đức cụ ngày sau mày nên danh phận. Nói rồi vợ anh Cả Thuộm dúi tay nó ít đồng tiền hào, ứng miệng đọc:
Ngõ
tre gà gáy te te, sương phủ chẳng
phai nét
Hiên trúc mõ khua đục
đục, gió lùa mấy cũng thơm
Một lần khác vào tiết hạ sau vụ chiêm, nhác thấy trên đồng lũ trẻ chăn trâu chia hai phe đánh nhau, vợ anh Cả Thuộm nghiêng vai hạ quang gánh, tay phe phẩy chiếc nón ba tầm đứng lại xem chúng bày trò. Bọn này ngồi ngất ngưởng lưng trâu, thúc trâu chạy thình thịch, bẻ trúc vụt nhau chí chóe. Trong đám chúng nó lòi một thằng bé choăn choắt cởi truồng chạy theo sau, tay cầm nhánh cỏ lau bông trắng muốt, miệng gào, cho tao chơi mấy! Cho tao chơi mấy! Thằng nọ gầy khẳng khiu nhô đốt xương, răng sâu mắt lác, mình đen đủi tróc ghẻ. Lũ đầu sỏ chẳng đứa nào nhường nó con trâu nó cưỡi, thây nó lóp nhóp lội dưới bùn. Nhoáng cái, thằng nhỏ trượt chân ngã bổ nhoài, sấp mặt ườn xác đo mặt ruộng. Đám ôn vật kia có buồn để mắt đến nó, oai oái thét trâu rượt đuổi nhau chạy một quãng xa. Tủi quá, thằng bé con ra đứng bờ mương khóc i ỉ. Vợ anh Cả Thuộm liền đến bên dỗ dành, bảo ngày sau nó sẽ làm vua. Nói rồi ứng miệng đọc:
Vốc tay vọc
sóng sóng lăn, hăm he lường sức
bể
Bưng mắt tuông mây mây bạt,
khảng khái ngắm oai trời
Thằng ranh kia nghe thế toét miệng cười.
Chuyện đến tai anh Cả Thuộm vẫn không khiến anh phải lấy chi làm lạ. Vợ anh dẫu gì cũng con nhà nền nếp thư hương, cổ phong liệt truyện thuộc nằm lòng. Nhưng, phận trang lâu lưu các đang đêm mở cổng rào lẻn ra đi, thử hỏi tích xưa diễm trích đã mấy ai? Thế, anh Cả Thuộm lón nhón xỏ guốc bám bóng vợ. Ra đến gốc si già dưới bến nước thì ô hô, anh quáng mắt bởi trăng cao rải bạc vàng chói lóa khắp một miền. Đêm đong đưa, hương đêm thanh thoát, cứ thế. Đêm cúi thấp vỡ ý niềm tinh khôi. Anh Cả Thuộm đứng sững hồn, ngất ngây ngây ngất. Kỷ niệm lưu linh khẽ va vào tiếng ngân tiếp nhưỡng của hoài bão, xô lấy u linh khiến thinh không lấp lánh gợn lên từng triền, từng triền. Thời gian nồng sực, thơm cay nương theo những cánh hoa lục bình xanh tím, dập dềnh xoay nhẹ xoay nhẹ. Thoắt đâu trăng thẹn, ô hay trăng chín rộ ngời ngời. Kìa kìa, khuất sau đám cỏ tháp bút rậm dày mọc ven sông, vợ anh xoã tóc, thân tròn độc mỗi vuông yếm tung nảy lơ đễnh đang chạy nhảy vui vầy cùng chị em xem ra cũng bên đàng lơ đễnh phẩm loan. Bầy con gái reo cười, nồng nỗng lội tùm cả xuống một dòng sông trăng mát rười rượi. Anh Cả Thuộm đờ đẫn há hốc mồm. Ánh vàng lẩy bẩy nổi cong trên những bầu ngực trong vắt trong veo, lướt thướt trôi dọc trũng lưng lóng lánh gió, mấp máy ôm lấy những vồng hông đầm đìa nở. Hồn cổ phong đổ xuôi trên nồng mặn trắng nõn, thác lũ hiện tồn chết đứng giữa xô giạt yêu ma, và yến tiệc châu huân thơm thơm tự thiên uyên cuồng dại đang tái tạo những điển dụ nhiệm mầu. Giữa xoay đảo giấc huyền, giữa phiêu diêu diệu vợi, anh Cả Thuộm chợt già úa đi trong tại thể ngu si, cội nguồn run lẩy bẩy, huệ tâm đánh lập cập, quýnh quýu thế nào lại vấp rễ cây ngã lăn cù. Chớp giật ngang trời và một trời thanh quang vỡ vụn, trăng sáng suông chấp chới vơi nghiêng theo những cánh hạc nháo nhác. Vất vả từ nghìn xưa muôn vạn sóng xô trùng khơi mấy điệu, trùng khơi hằng chắp nối sóng triều tả tơi.
Thế thôi.
Một nhoáng lại yên.
Trăng vẫn hong tơ giữa vầng khuya thoảng gió.
Vợ anh Cả Thuộm từ bãi sông đi lên, má đỏ hây hây, áo xống xốc xếch, tay vấn vội mớ tóc ướt. Quả thật vợ anh đẹp.
– Nhà đi đâu thế?
Anh Cả Thuộm thở dài đánh khượt:
– Mặc tôi.
Chị vợ thôi không hỏi thêm làm gì, thoăn thoắt theo lối cỏ về nhà.
Hôm sau chị khều anh Cả Thuộm ra bàn mảnh với anh:
– Nhà đi với tôi.
– Đi đâu cơ?
– Thì cứ theo tôi.
Thế là họ đi, sập sã sánh bước cùng đi. Họ đi xa lắm, qua Khê Thượng về Mảng Chiềng, rồi từ đấy lại lên Giàng Chải, lại xuôi Nà Nguộc; thuyền họ khua giầm ngược Nậm Chà Nọi, đò ngang đưa họ sang sông Mùa, vượt ngòi Thia họ phải bơi nhờ bè gỗ dân thổ chước; dừng chân bản Khẻn vợ chồng anh Cả Thuộm thuê ngựa thuê người đưa lối xuyên đèo Bau, từ Mường Cơi nhập bọn với phường săn quành lại dốc Cón. Đi mãi, đến gốc muỗm già ráng đã đỏ. Vợ anh Cả Thuộm trỏ cái miếu xiêu đổ, mái ngói lở lói, bốn góc đầu đao thài lài tía bám chằng chịt, bảo chồng ghé vào viếng bàn vong. Anh Cả Thuộm nghe vợ, chắp hai tay khom lưng vái thần chủ, vái rồi khiêm cẩn quan chiêm những nét lạc mai quý hiển trinh lĩnh chưa lu, nhành miệng ư a nhẩm đọc.
– Giời ôi, học đã hết Kinh Thi mà đọc chữ chi là cò là sao, hỡi chàng!
Trọ trẹ ầm ừ hồi lâu, nhận ra tên người được thờ trên án tóc gáy anh Cả Thuộm dựng ngược. Anh quay nhìn người vợ đang đứng bên anh kia. Ô kìa kìa, ngoài kia vũ trụ thuần hòa dường đang đứt đôi lại nối, quặn mình trong kết tinh câm nín, vầng tà dương lắp xắp bổ nhoài giữa phiêu bồng thổ huyết. Và này, hồn trăng thượng huyền xanh tái chợt tha thướt đi hoang trên gương mặt người vợ anh Cả Thuộm, rồi vỡ toang thành muôn trăng thế kỷ, con bão hồng đào càn rỡ cuộn vồng vộng qua đáy mắt. Quả thật vợ anh đẹp.
– Mình...
Chị vợ khẽ mỉm cười, lẳng lặng ngơi bát sành nơi bệ cao, gạt xác hương bay tao tác, lấy trao chồng viên ngọc quỳnh ở đáy bát.
– Mình...
Chị vợ ra dấu bảo chồng để tai nghe. Từ rất xa văng vẳng tiếng ai nói cười, tiếng ai đàn ai hát véo von. Cuộc vui như nương cánh gió đâu đó lúc một gần. Ô kìa, nhìn kia ngoài trảng cỏ sắc tía óng ánh giữa êm êm chiều gấm lam, một bầy con gái mởn hồng tiết xuân hời hợt độc giải lụa bạch vắt qua thân ngà đang nô nghịch phong hoa. Lại thấy những bậc tuyệt sắc giai nhân thân ngà cũng chỉ độc nhất giải lụa hờ đang nhón gót trên vầng huyền sử, bước một bước sen nở ùn ùn; thấy cả những ngôi hậu phi cung tần xưa đã từng nhìn qua làm nghiêng đổ vạc đồng chín châu nước người, liếc lại đổ luôn cả chín đỉnh kiền ngũ xứ ta, giờ mở lòng ra cho ào ào đổ xuôi vào hồn thác nguồn phong dao. Và dáng chừng quanh đây có hàng mặc bảo thi khách đi lẫn trong đám người mất trí đang nhảy múa giữa vườn u vi, ú òa bỏ bùa trù ếm giữ hương đời ở lại, rồi hú hí đọc niêm luật điều trài thổi tung bay bao là bồi hồi kỳ tú; có kẻ hiền ngơ ngác đi giữa những suy tư, chợt vói tay vin đạo con người hái quả u nhã thanh vị; lại có cả hai ông lão râu tóc bạc phơ chống gậy đào sánh bước bên nhau, miệng mê mải dàn quân nghinh chiến trên ván cờ thức uẩn. Lạc trong cõi con người thoang thoảng bóng ai tựa ông thánh Quát đang ngất ngưởng bước trên áng sương thu xứ Phương Hồ, tay cầm bầu rượu Phù Du, tay ôm thủ cấp có đóa Ưu Đàm cài trên búi tóc.
Trời quang thoắt đâu chớp nhoáng đảo nhoàng, sấm ngùn ngùn cuốn chiếu trên đỉnh non. Bóng đêm xoai xoái xóa dần cái lẽ càn khôn trên trảng cỏ. Sâm sẩm rối rít, chạng vạng chạy quanh. Roàn roạt muôn cánh hạc chấp chới bỏ đồng hoang, đất với trời tưởng chừng sẽ đời đời ôm choàng lấy nhau lung liêng túy lúy không rời vụt li ti rã mảnh chấu. Còn lại là đôi vợ chồng anh Cả Thuộm giữa dập dềnh vô tận. Chị vợ nỉ non:
– Nhà ngậm lấy ngọc mà đi. Ngọc kia là ngọc có phép lạ. Mỗi khi hừng đông chớm rạng nhả ra sẽ hoàn người.
– Mình...
Nhưng chị vợ đã không còn nghe tiếng anh Cả Thuộm gọi mình, chị nhanh bước quay trở về kịp mùa cơm mới.
Đào Vũ Hoài
Các thao tác trên Tài liệu