Cha tôi
Cha tôi
Nguyễn thị Kim Thoa
Ông bà nội tôi có tám người con, ba trai năm gái. Cha tôi thứ tư nhưng là con trai đầu và duy nhất còn lại bởi hai chú tôi thứ năm và thứ bảy chết sớm. Bà nội tôi cũng chết sớm. Năm cô tôi, ba cô đi lấy chồng và lần lượt ra ở riêng. Khu nhà vườn rộng thênh thang, chỉ còn lại bốn người: Ông nội, cha, cô Sáu, cô Tám trở nên hiu quạnh.
Cha tôi chưa qua tuổi trưởng thành đã là chỗ dựa tinh thần cho ông nội tôi, cho cô Sáu và cô Tám, đồng thời là chĩnh mắm treo đầu giàn của gia đình Nguyễn Đắc.
Mười tám tuổi cha tôi phải đi lấy vợ. Bởi nhà Nguyễn Đắc cần có một nội tướng. Nhà Nguyễn Đắc cần hơn những đứa con trai nối dõi tông đường.
Ngày cưới của cha mẹ tôi, giữa bốn bề bà con hai họ, xóm giềng và bè bạn, quà cưới của cô Cả (cô Nguyễn thị Minh Hảo) dành cho mẹ tôi là chiếc đòn gánh với những lời mà ngày nay gọi là trao truyền sứ mệnh, làm cho không khí của lễ nghi thêm nặng nề và là một dấu ấn trọn đời cho nàng dâu sau này là mẹ tôi, cô con gái mười bảy tuổi, “viên kim cương” của gia đình bên ngoại tôi, đồng thời là một hoa khôi của Hội An thời bấy giờ (năm 1934).
Sau ngày cha tôi mất, mỗi lần nhớ nghĩ lại kỷ niệm trăm năm một thuở ấy, vừa khóc vừa cười giữa đám năm đứa con gái tụi tôi, mẹ tôi giải thích: Cô cả đã làm việc quá đáng nhưng không phải không có nguyên do. Thứ nhất là những tin tức từ Hội An mà gia đình bên nội thu thập được đã làm cho các cô tôi lo ngại: Gia đình bên ngoại tôi giàu có, mẹ tôi là con gái cầu tự sau sáu anh trai, được cưng chiều, chỉ biết học hành, vui chơi và “tiểu thuyết”. Thời bấy giờ những Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn của Nhất Linh... là sách cấm của các gia đình có con gái theo đòi tân học. Thứ hai cha tôi là chĩnh mắm treo đầu giàn của gia đình Nguyễn Đắc. Ông nội tôi chưa già lắm nhưng thường xuyên ốm đau, sức khỏe yếu kém. Cô Sáu chuẩn bị đi lấy chồng, cô Tám còn quá nhỏ. Cả bốn người cần được hầu hạ, chăm sóc, nâng niu. Tuy có người giúp việc (lúc bấy giờ gọi là đầy tớ, con ở) nhưng lại thiếu một nội tướng lo toan giềng mối, coi sóc trong ngoài. Các cô lớn đã lấy chồng có gia đình riêng. Cô Cả thương cha, thương em, nóng lòng, rối trí chẳng biết làm gì hơn là răn đe trước.
Cha tôi – chĩnh mắm treo đầu giàn của gia đình Nguyễn Đắc. Câu nói thông thường không lấy gì khó hiểu lắm về mặt ngữ nghĩa, nhưng đối với tôi theo năm tháng lớn lên là những chặng đường khám phá.
Tôi sinh năm 1950. Cha tôi mất năm 1963. Trừ đi ba năm đầu đời tôi sinh ra và sống với mẹ ở Hội An (thời gian này cha tôi đi ở tù), trừ đi ba năm cha tôi đi làm công chức (1959 - 1962) ở Quảng Nam mỗi tuần chỉ về Huế với chúng tôi trong ngày chủ nhật, trừ đi mấy năm tôi ngày hai buổi đến trường và những lúc rong chơi cùng bạn bè... thời gian còn lại trừ trước trừ sau, tính tới tính lui chẳng còn được bao nhiêu cho gia đình sum họp, cha con bồng bế, hôn hít, cõng đèo, tỉ tê nói cười, hỏi han, lẫy hờn, trò chuyện. Khi ngồi viết những dòng ký ức này, ngoài sáu mươi tuổi, tôi ước gì được gặp lại cha một lần để ôm cha thật chặt, để nhìn thật sâu vào đôi mắt buồn rười rượi và nụ cười không trọn, để cảm nhận thấu đáo những tình cảm đằm thắm, kín đáo, sâu nặng ông dành cho mẹ và anh chị em chúng tôi, để sẻ chia phần nào những đau đớn, giằng xé, trăn trở, ray rứt, nuối tiếc khôn nguôi mỗi khi ông nhớ nghĩ về các mối quan hệ khác to lớn hơn và không kém phần sâu nặng là tổ tiên, dòng họ, đất nước.
Những tóm lược sau đây do mẹ tôi kể lại, một phần tôi kết tập từ những câu chuyện tình cờ nghe được và những cảm nhận từ những câu nói bâng quơ bỏ lửng, từ những khúc nhạc quân hành cha tôi hát mỗi lần cõng tôi trên vai đi dạo quanh vườn và nhất là những động thái không chỉnh hợp, tưng tửng như người đãng trí của ông.
*
Cha tôi, Nguyễn Đắc Hào, sinh năm 1916, lúc bấy giờ ông bà nội tôi là chủ một căn phố buôn bán đồ cổ ở Gia Hội. Việc buôn bán đồ cổ của ông bà tôi phát đạt, nhưng tình trạng sức khỏe của mọi người bắt đầu có vấn đề. Trong căn phố hình ống phía trước là những tủ, kệ trưng bày các mặt hàng, phía sau là khu vực sinh hoạt và kho chứa chật ních những giường tủ, bàn ghế, rương thùng chất đầy của cải và đồ vật gia dụng. Bà nội tôi mặc dầu có những triệu chứng không bình thường báo trước một căn bệnh nan y (theo nhận định của tôi sau này) nhưng vẫn bù đầu với những công việc của một người vợ, người mẹ, một bà chủ, nhất là vẫn tiếp tục mang nặng đẻ đau: chú Năm (Nguyễn Đắc Bích), cô Sáu (Nguyễn thị Tự Nhiên) chú Bảy (Nguyễn Đắc Giống), cô Tám (Nguyễn thị Thanh Tâm) lục đục chào đời sau cha tôi.
Căn phố hình ống chỉ mở cửa mặt tiền vào thời điểm bán buôn và đóng tất cả thời gian còn lại, là không gian thở cho hàng chục con người đồng thời là khối choán bởi không biết bao nhiêu chủng loại tĩnh vật, dấu tích của nhiều trình độ mỹ thuật và văn minh. Cha tôi đã mở mắt chào đời và hàng chục năm lớn lên trong cái khung cảnh là điều kiện sống cho con người và cũng đồng thời là cảnh giới của chuột bọ, nấm mốc, vi sinh, vi trùng là nguyên nhân của bệnh tật, là sứ giả của thần chết.
Thời bấy giờ, những thập niên đầu của thế kỷ 20, bệnh lao phổi còn là một trong “tứ chứng nan y”, là tai ương hoạn nạn khủng khiếp, đồng thời là điều sỉ nhục cho cá nhân gia đình người bệnh, y học thì chưa tìm ra thuốc đặc trị và phương pháp cứu chữa - ngăn ngừa hữu hiệu, xã hội lại e dè, lo sợ, xa lánh và trong chừng mực tỏ ra ghê tởm khi giao tiếp. Người bệnh mặc cảm, cô đơn, tuyệt vọng và chỉ còn có con đường chờ chết.
Cô Cả tôi (Nguyễn thị Minh Hảo) lấy chồng được khi lời đồn đại về gia đình Nguyễn Đắc bị ho lao chưa phổ biến (khi bà nội tôi còn sống). Cô Hai (Nguyễn thị Xuân Mai), nhan sắc tuyệt vời, có học (là nữ sinh Đồng Khánh) và nghề nghiệp đàng hoàng (y tá), có người yêu danh giá (dược sĩ PDĐ) nhưng gia đình phía đàng trai không chịu hỏi cưới vì lời đồn quái ác về căn bệnh nan y. Cô Ba (Nguyễn thị Túy Sâm) công dung ngôn hạnh vẹn toàn, đã qua tuổi cập kê, không thiếu người dòm ngó nhưng đành “đứng đó,” và “ở vậy” không chỉ là một nguy cơ mà còn là một thực tế nhãn tiền.
Trước tai biến của gia đình và viễn cảnh không lấy gì sáng sủa trên đường tình duyên, lần lượt cô Hai rồi cô Ba tôi đành đi theo một giải pháp mà ông nội tôi xem ra “cũng đành”: lấy chồng Tây. Lấy chồng Tây, cả hai cô Xuân Mai và Túy Sâm trong những mức độ khác nhau đều mang tâm sự “bán mình chuộc cha” của Thúy Kiều. Gả bán con gái cho Tây, ông nội tôi cay đắng và khổ nhục hơn rất nhiều lần Vương ông trong Đoạn Trường Tân Thanh. Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều chủ động bán mình chuộc cha. Trong hoạn nạn ho lao của gia đình Nguyễn Đắc, ông nội tôi không hoàn toàn bị động khi gả bán con gái mình cho “hai thằng Tây” ở Tòa Khâm sứ.
Thời bấy giờ, không như bây giờ, lấy Tây (cho dù có mai mối, hỏi cưới đàng hoàng, lễ nghi đầy đủ) chẳng phải là điều danh giá mà còn là điều sỉ nhục.
Cha tôi chia phần với ông nội tôi nỗi cay đắng và sỉ nhục “ đưa giặc về nhà”. Mặt khác cha tôi còn cho rằng tội lỗi của mình còn nặng nề hơn, bởi ông nội tôi không hành động vì mục đích cá nhân mà chủ yếu để cứu những mầm sống còn lại trong gia đình Nguyễn Đắc: Cha tôi, cô Sáu, cô Tám và ông cậu Mới của chúng tôi. Chủ yếu là cha tôi, bởi cha tôi là chĩnh mắm treo đầu giàn...
Gả bán con gái cho Tây, từ bỏ cửa hàng đồ cổ ở Gia Hội là giải pháp chẳng đặng đừng mà ông nội tôi đã chọn lựa để di tản cha tôi, cô Sáu, cô Tám và ông cậu Mới của chúng tôi. Nhưng di tản mọi người đến đâu còn là vấn đề của ông nội tôi và các cô lớn (chị của cha tôi).
Bán cửa hàng đồ cổ đối với ông nội tôi không chỉ là việc chấm dứt công việc làm ăn sinh sống, mà còn từ giã rất nhiều dấu tích suốt cả cuộc đời truy tìm cái đẹp. Việc chọn mua khu nhà vườn Vỹ Dạ cũng là một chọn lựa không chỉ đơn thuần nhằm thay đổi môi trường sống mà còn là cuộc hành hương âm thầm trở về chốn cũ vốn là tài sản của ông sơ chúng tôi (cha tôi gọi là ông cố). Với sự hối thúc của các cô lớn, ông nội tôi đã không so đo tính toán khi quyết định mua cho được khu nhà vườn này. Phong thanh (đối với tôi) ông sơ tôi lúc sinh thời là một nhân vật thuộc phe Hồng Bảo bị thua trong cuộc tranh chấp ngai vàng thời Thiệu Trị - Tự Đức. Phe Hồng Nhậm thắng, Hồng Nhậm lên ngôi hiệu là Tự Đức. Tự Đức thay Thiệu Trị nắm giữ quyền lực vương triều nhà Nguyễn, nắm chặt lưỡi gươm công lí. Hồng Bảo và các đồng sự bị chém đầu, bị tịch biên gia sản, bị kiết ra khỏi họ tộc, anh em con cháu (những người được tha) bị đuổi về phía họ mẹ. Ông cố tôi trở thành Nguyễn Đắc Truyền từ cái biến cố đẫm máu ấy. Mấy tháng trước khi ngã bệnh và qua đời, một lần cha tôi chở anh Sáu tôi (Nguyễn Đắc Hùng) và tôi đi thăm mả tổ tiên. Đến một ngôi mộ cổ với nấm đất và cái bia nhỏ đơn sơ ông buồn rầu nói: “Đây là ngôi mộ không đầu của ông sơ các con, sau này lớn lên cố gắng trùng tu”. Chỉ có vậy, cha tôi chẳng nói gì thêm ngoài tiếng thở dài cố mà không dấu được những uẩn khúc trong lòng.
*
Trở lại khu nhà vườn ở Vỹ Dạ với ông nội tôi.
Nói là khu nhà vườn thực ra chỉ có khu vườn hoang tàn, tất cả nhà cửa lớn nhỏ đều rách nát. Ông nội tôi với sự đóng góp công sức tiền bạc của cô Hai, cô Ba (hai cô lấy chồng Tây) đã trùng tu vườn tược và xây mới khu nhà theo qui cách nửa tây nửa ta. Nhà xây gạch, nền cao, hiên rộng, không có cột, lợp ngói âm dương và đóng trần, khu vực thờ tự riêng biệt ngăn cách với các phòng ngủ.
Nhà gồm hai dãy ngang dọc. Dãy ngang là nhà chính với khu thờ tự và bốn phòng ngủ. Dãy dọc là công trình phụ gồm bếp và phòng ăn, khu vệ sinh, các phòng ở nhỏ cho người giúp việc. Và đặc biệt xây một cái nhà nhỏ cho ông cậu Mới riêng rẽ ở góc sau vườn.
Về khu vườn Vỹ Dạ chưa được mười năm ông nội tôi qua đời sau khi cưới vợ cho cha tôi và nhìn thấy đứa cháu nội đầu tiên (anh Cả tôi: Nguyễn Đắc Hồng) mở mắt chào đời.
Như thế nhà Nguyễn Đắc đã có người nối dõi. Như thế là cha mẹ tôi đã bước đầu thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà ông nội và các cô tôi giao phó. Tôi nói bước đầu, bởi theo ý nguyện của tất cả mọi người, nhà Nguyễn Đắc phải sinh sôi nẩy nở, con đàn cháu đống, bàn thờ và bếp núc phải nồng nàn hương lửa, mồ mả tổ tiên phải được trùng tu chăm sóc. Và như thế, cái đòn gánh cô Cả làm quà trong lễ cưới ngày một oằn xuống trên đôi vai thanh mảnh của mẹ tôi, và nặng nề hơn trong lòng cha tôi. Và như thế, trong vòng hai mươi lăm năm, mười anh chị em (năm trai, năm gái) chúng tôi lần lượt ra đời.
Thờ cúng tổ tiên, nuôi dạy đàn con khôn lớn, giữ gìn cơ nghiệp là sứ mệnh mà cha mẹ tôi phải chu toàn trong bối cảnh đất nước thù trong giặc ngoài, chiến tranh khốc liệt và đeo đẳng.
Tại khu nhà vườn Vỹ Dạ, cha mẹ tôi thay ông nội tôi gả chồng cho cô Sáu (Nguyễn thị Tự Nhiên).
Tại khu nhà vườn Vỹ Dạ, tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh, cha mẹ tôi cưu mang và bí mật tổ chức đưa gia đình cô Hai, cô Ba (chồng Tây và những đứa con lai) trốn khỏi Huế vào Đà Nẵng, Sài Gòn để về Pháp sau đó. Cô Tám tôi (Nguyễn thị Thanh Tâm) cũng đi Pháp cùng hai chị trong dịp này.
Tại khu vườn Vỹ Dạ, cha tôi theo Việt Minh làm cách mạng tháng Tám, đi kháng chiến mấy năm, trở về, bị tù, sum họp cùng mẹ và anh em chúng tôi cũng được mấy năm trong buồn phiền, khắc khoải, giằng xé, qui y Phật rồi bị bệnh ung thư qua đời vào cái tuổi chưa tới năm mươi.
Cũng như các em (Nguyễn thị Kim Dung, Nguyễn thị Kim Hạnh, Nguyễn Đắc Hàm), tôi ít may mắn hơn các anh chị (Nguyễn Đắc Hồng, Nguyễn thị Kim Hoa, Nguyễn thị Kim Ngọc, Nguyễn Đắc Hùng) có nhiều thời gian hơn sống trong tình yêu thương của cha lẫn mẹ. Lên bốn tuổi tôi mới được gặp và nhận ra cha mình. Đó là cuối năm 1953, khi cha tôi được tha từ nhà giam Thừa Phủ, ông tức tốc vào Hội An đón mẹ và anh chị em chúng tôi về Huế.
Đó là lần đầu tiên tôi có một cảm xúc mới lạ nửa ngại ngùng nửa thích thú khi người đàn ông mà mẹ tôi bảo là “cha con đó” đến gần và ôm lấy tôi với dáng vẻ, cử chỉ dịu dàng và nụ cười không trọn. “Nụ cười không trọn” là từ ngữ sau này tôi dùng để mô tả niềm vui cha tôi biểu hiện, nhưng lúc ấy tôi đã cảm nhận được và nhớ mãi, bới chính cái nụ cười không trọn ấy đã cuốn hút tâm trí non dại nhưng khao khát mãnh liệt những điều bí mật của đứa trẻ lên bốn là tôi. Chính cái nụ cười không trọn ấy đã xóa nhanh khoảng cách xa lạ khi cha con lần đầu mới gặp và nhân dần lên niềm trìu mến thương yêu và tin kính trọn vẹn đối với người cha tôi không có may mắn ở gần trọn tuổi ấu thơ, và càng không may mắn hơn khi ông sớm qua đời, bỏ lại chúng tôi thơ dại.
Bất cứ đứa trẻ nào cho dù sinh ra và lớn lên trong giàu sang sung túc, được bao bọc bởi tình thương trọn vẹn của mẹ đến đâu, nhưng không có cha cũng mất đi một nửa phần đời xanh tươi mộng mị. Tôi đã nghĩ thế từ lúc làm mẹ và tôi đã tiếp tục nghĩ nhiều hơn như thế cho đến lúc làm bà, mặc dù tôi cũng như rất nhiều người phụ nữ Việt Nam nào khác đã trải nghiệm đến tận cùng nỗi khó khăn giữa cõi nhân gian bất hạnh, cũng đã mang nặng đẻ đau trong thiếu đói, cũng đã bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn.
Lại thêm một lần ngỡ ngàng khi tôi đến khu nhà vườn Vỹ Dạ. Nhà to cao thoáng rộng và ở trong vườn. Khác với Hội An, vườn ở trong nhà. Cái giếng trời trong nhà ngoại tôi ở Hội An hồi đó tôi gọi là vườn bởi nó có mấy bồn hoa, chậu cây, mấy viên đá, mấy cái tượng nhỏ và một khoảng trời tí tẹo. Ở đó tôi thường đứng hoặc ngồi ở lan can căn gác phía sau để nhìn nắng mưa hoặc ngắm trăng sao. Nhà ở Vỹ Dạ nhìn ở bất cứ khung cửa nào cũng thấy cây cỏ ngổn ngang, rậm rạp và trời thì rất cao, rất xa khi thời tiết tốt và rất thấp rất gần khi mưa bão. Tôi sợ. Sau này tôi mới biết vườn đã không được chăm sóc từ mùa thu năm 1945 khi cha tôi theo Việt Minh đi kháng chiến. Từ kháng chiến về cha tôi bệnh liên miên rồi lại bị tù, mẹ tôi dắt díu các anh chị tôi về Hội An. Dãy nhà dọc cho thuê nên ngôi nhà chính và toàn bộ khu vườn gần như vắng chủ suốt nhiều năm. Cha tôi bị bắt vì ở kháng chiến về mà không khai báo, không nộp súng đầu hàng, cũng không chịu hợp tác cùng chính phủ của Quốc trưởng Bảo Đại như nhiều người khác.
Để ổn định và tạo điều kiện cho cuộc sống của cả gia đình, cha tôi bắt tay ngay vào việc làm một cái quán nhỏ ở sát đường để mẹ tôi buôn bán tạp hóa. Cha tôi với sự góp sức của ông cậu Mới cải tạo khu vườn theo hướng thực dụng, thu nhỏ diện tích cây cảnh, mở rộng diện tích sắn khoai, bắp đậu, rau dưa, bầu bí. Cha tôi còn sắm một cái xuồng nhỏ chẳng biết để làm gì? Để vớt rong làm phân bón cho cây, để đi câu, hay vì mục đích nào khác? Khu vườn nhanh chóng thay da đổi thịt. Tôi bớt sợ. Cuộc sống của gia đình tôi cũng lần hồi đi vào sinh hoạt bình thường. Các anh chị tôi đi học. Em kế tôi – Nguyễn thị Kim Dung tiếp tục khóc dạ đề. Hai em áp út và út của tôi: Nguyễn thị Kim Hạnh, Nguyễn Đắc Hàm lục đục mở mắt chào đời. Và cha tôi không còn là chĩnh mắm treo đầu giàn mà thực thụ là cột trụ đồng thời là trung tâm của gia đình Nguyễn Đắc.
Các cô tôi ở trong hay ngoài nước, các chú bác họ của tôi ở Gia Hội, Từ Đàm thường xuyên thư từ lui tới thăm hỏi và tham gia Tết nhất, cưới hỏi chạp kỵ, chẳng biết có ai phát hiện và hỏi tại sao cha tôi có nụ cười không trọn, hay chỉ có mẹ, chị hai và tôi?
Thời bấy giờ chưa có nhà giữ trẻ và trường mẫu giáo. Mẹ tôi phải thuê người giúp việc bồng bế em kế tôi Nguyễn thị Kim Dung để mẹ tôi có đủ thời giờ chợ búa và chăm lo quán tạp hóa. Tôi bốn năm tuổi thường xuyên theo cha ra vườn và làm bạn với ông cậu Mới. Dường như cả cha và tôi đều có nhu cầu “bè bạn” để bù lại những năm tháng cha con vì tình thế phải chia lìa. Ông thường gọi tôi là “Chó con” để sai phái việc này việc nọ hay chỉ bảo với lời giải thích nên hoặc không nên làm thế nọ thế kia. Tôi biết hơn các anh chị nhiều về cây cỏ, hoa lá, chim thú và đất đai, phân nước là nhờ những lúc theo cha ra vườn và sau đó bổ sung các kiến thức bằng những hình ảnh và tranh màu rất đẹp và các chú giải trong cuốn tự điển Larousse. Cha thỉnh thoảng đặt tôi lên vai để hái trái ổi, trái mận hay trái mãng cầu, để nhìn cho rõ mấy con chim sâu con mới nở đang há những chiếc mỏ đỏ chót và kêu ríu rít trong cái ổ mà cha mẹ nó đã đan kết trên cành sung...
Rất nhiều lần cha cõng tôi đi quanh vườn vừa đi vừa hát nho nhỏ chỉ đủ cho hai cha con cùng nghe:
– “Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng, núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng của người anh hùng, lạnh lùng theo trống dồn trên khu đồi hoang in trong chiều buông…”
– “Nhưng than ôi có một chiều thu lá thu rơi, có một chiều thu lá thu rơi, ôm súng nhìn quê tôi mơ trông bóng ngày về – mơ trông bóng ngày về – quê tôi nhìn chân trời mờ sương, quê tôi là bao niềm yêu thương...”
Cũng có lúc cao hứng ông hát to lên như hét:
– “Đây An Phú Đông – Ôi An Phú Đông ngày nào quân đi reo vang hùng dũng. Đây An Phú Đông – Ôi An Phú Đông muôn đời uy linh sống với núi sông...”
Khi cha tôi theo Việt Minh đi kháng chiến chống Pháp tôi chưa ra đời. Sau này lớn lên nhiều lúc tôi hỏi cắc cớ: Tôi đã ở đâu khi cha tôi đi đánh nhau với Tây. Tại sao Việt Minh và cha tôi phải đánh Tây? Cuộc kháng chiến đó khó khăn khốc liệt, chết chóc, thương tật, đói khát, hạnh phúc và đau khổ như thế nào?
Tiếp theo là những thắc mắc có tính nhà trường và sách vở: Cuộc chiến tranh ấy liên quan thế nào với công cuộc đề kháng và đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn? Cuộc chiến tranh ấy liên quan thế nào với các phong trào kháng chiến của nông dân và sĩ phu ở Nam kỳ, các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân, chống thuế, Đông Du... ở Trung, Bắc kỳ?
Thành thật mà nói lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu, chẳng biết gì nội dung các câu, các bài cha tôi hát. Nghe nhiều lần nên nhớ. Nhưng cảm nhận và xúc động thì có thật từ đầu và cứ thế tăng dần lên như đứa bé nằm nôi thấm hết những lời ru của mẹ. Dường như cảm xúc dẫn truyền từ cha tôi len ngấm vào tôi theo từng nhịp bước và âm giọng của ông. Đến “Đây An Phú Đông – ôi An Phú Đông...” khi cha tôi đột ngột chuyển từ “lời ru tha thiết” qua tiếng thét và nhịp nhảy “của uất hận, reo ca và quyết chiến,” thì tôi hoảng hồn suýt bị văng khỏi lưng ông. Lần đầu là như thế, nhưng những lần sau tôi đã biết chuẩn bị, hai tay bám vào cổ, hai chân ép sát vào hông ông để cùng ông hoà nhập trong một vũ khúc kỳ lạ mà chỉ có hai cha con chúng tôi mới thấm thấu hết những cảm xúc chẳng ai khác chia sẻ được.
Sau này lớn lên nhớ nghĩ về những vũ khúc kỳ lạ ở trong vườn và những nụ cười không trọn của cha, quan sát mỗi tối, mỗi sáng ông ôm cái radio Phillip một mình nghe tin tức từ đài BBC, đài Hà Nội, tôi tự truy tìm, lý giải mối quan hệ giữa cha tôi và cuộc chiến tranh mà vì một lý do nào đó ông đã bỏ cuộc từ lúc mới bắt đầu?
Cha tôi đi kháng chiến đâu khoảng ba năm, một đêm nào đó giữa năm 1948 ông tả tơi rách nát trở về với chứng sốt rét kéo dài chữa trị cả năm trời mới hết, dư chứng là sơ gan rồi ung thư gan dẫn đến cái chết. Đây là lời kể của mẹ tôi. Như thế theo mẹ tôi, cha tôi từ bỏ kháng chiến vì chứng sốt rét kéo dài. Sau này tôi nghĩ đây là một lý do, nhưng không phải là lý do duy nhất. Còn chuyện các cô tôi lấy chồng Tây? – Ông nội tôi đưa giặc về nhà? – Chuyện cha tôi đưa hai ông anh rể Tây đi trốn? – Còn chuyện ý thức hệ? – Còn chuyện Cộng sản - Quốc gia?
Chuyện Cộng sản - Quốc gia có thể loại trừ. Bằng chứng là từ chiến khu về cha không khai báo, không nộp súng đầu hàng, không đi làm công chức để nuôi vợ đợ con, và chấp nhận tù tội. Bằng chứng là cha đã vạch kế hoạch dài hạn cho cuộc sống của cả gia đình: Mẹ tôi buôn bán nhỏ lẻ, cha tôi và ông cậu Mới tận dụng đất vườn để trồng trọt chăn nuôi (sau khi thiết lập bàn thờ Phật, cha bỏ chăn nuôi) và tập tành nề nếp sinh hoạt gia đình đơn giản và tiết kiệm. Bằng chứng là sau hiệp định Genève (tháng 7 - 1954) mấy người bạn (các ông Lê Khắc Duyệt, Võ Như Nguyện, Hòa Giai...) đến nhà rủ cha tôi tham gia phong trào Cách mạng Quốc Gia – Ủng hộ Ngô Đình Diệm, cha từ chối. Năm 1958 sau khi thi đậu tú tài toàn phần, anh Cả tôi muốn vào trường Võ bị Đà Lạt để trở thành sĩ quan quân đội Việt nam Cộng hòa, cha tôi cực lực phản đối. Ông đưa ra hai lý do: Chọn binh nghiệp để làm lẽ tiến thân là đi theo con đường chiến tranh, mà chiến tranh theo ông chẳng hay ho gì. Thứ hai chiến tranh để chống lại miền Bắc cho dù vì lý do gì cũng đồng nghĩa chống lại độc lập và thống nhất đất nước.
Cũng trong năm 1954 có người (các ông Bửu Đáp, Ngô Võ Anh) rủ cha tôi tham gia phong trào Hòa Bình, kêu gọi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành hiệp thương, tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp định Genève..., ông đã ậm ừ, bỏ đó, không tham gia. Theo ông thống nhất trong trường hợp này là phải sống dưới chế độ Cộng sản, mà sống dưới chế độ Cộng sản thì cha tôi đã có kinh nghiệm ba năm đi kháng chiến. Đây là những thông tin và lí giải của mẹ tôi trong một lần tôi cật vấn sau Tết Mậu Thân. Sau Tết Mậu Thân, nhân cái chết của ông chú họ Nguyễn Đắc Dự, một người rất tích cực trong ngành công an của Việt nam Cộng hòa, mẹ tôi bảo rằng: “Cha tôi đã đúng khi từ bỏ kháng chiến mà không trở thành người Quốc gia”.
Sống ở miền nam, sau 1954 mà không trở thành người Quốc gia là cả một vấn đề. Vấn đề đó đã lớn với một thanh niên chưa lập gia đình. Dường như Phạm Công Thiện hay một vị tu sĩ tình thế nào đó đã bày tỏ rằng trong bối cảnh cuộc chiến tranh (Quốc - Cộng, Việt - Mỹ), người thanh niên chỉ có một lựa chọn là đi tu.
Vấn đề đó đối với cha tôi lại càng to lớn hơn. Ông không thể bỏ vợ con, bàn thờ, mồ mả để vào chùa. Ông quy y thờ Phật với sự chỉ dẫn của Ôn Tường Vân (Thích Tịnh Khiết). Khu vực thờ tự của nhà Nguyễn Đắc do ông nội tôi thiết lập, cha tôi bày biện thêm và xắp xếp lại theo qui hoạch mới: Tiền Phật - hậu linh. Các lễ kỵ chạp tết nhứt cũng theo đó mà thay đổi trong tinh thần hội nhập Việt - Phật. Trước đây chỉ thờ cúng tổ tiên và vong linh con cháu (người chết trẻ). Nay cũng thờ cúng tổ tiên theo tinh thần và nghi thức của Phật giáo. Cùng với cha và mẹ, anh chị em chúng tôi cũng trở thành Phật tử. Đạo Phật đã đi vào nhà và tâm hồn của từng thanh viên gia đình Nguyễn Đắc mà không có bất cứ một xung đột giằng xé nào.
Như thế, cha tôi đã điều hướng gia đình đi theo con đường của đạo Phật. Và Phật giáo đang điều hướng các Phật tử theo con đường cư trần lạc đạo. Nghĩa là đạo Phật gắn bó với dân tộc, đất nước và thế giới. Phật giáo vì dân tộc, đất nước, nhân loại và chúng sinh mà thực hành giáo pháp từ bi hỷ xả, từ bỏ tham sân si, hóa giải các mối xung đột dân tộc và thế giới bằng dũng cảm và trí tuệ theo bát chánh đạo.
Ăn chay niệm Phật, thực hành giáo pháp, gần gũi với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và các sư tăng chùa Tường Vân giúp cha tôi tạm thời giải tỏa phần nào những buồn phiền, trăn trở, giằng xé âm ỉ trong lòng ông.
Con đường Phật giáo theo ông còn rất xa, rất dài và gập ghềnh khúc khuỷu, trong khi bản thân ông, gia đình Nguyễn Đắc, các cộng đồng Phật tử và cả miền Nam đang đối diện với cơn bão lớn đang sầm sập ập tới bao trùm, đe dọa tiêu diệt tất cả.
Tinh hoa của đạo Phật, con đường của Phật giáo, sự đồng thuận của Phật tử và niềm hy vọng nhen nhúm trong lòng cha tôi ví như một nụ hoa mới nhú, chưa kịp nở đã bị thiêu đốt, hủy hoại chôn vùi bởi bạo lực phi nhân khủng khiếp đến từ hai phía. Đó là chuyện về sau.
*
Trở lại với cha tôi và gia đình Nguyễn Đắc sau 1954.
Công việc buôn bán của gia đình bên ngoại tôi ở Hội An trở nên đình trệ, sa sút từ cách mạng tháng Tám. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã thu hút gia đình cậu Ba tôi (Huỳnh Đắc Hiển) đi về vùng tự do, và cậu Sáu tôi (Huỳnh Đắc Viên) vào chiến khu. Sau hiệp định Genève cậu Ba và hai anh Huỳnh Đắc Tân và Huỳnh Đắc Cương hồi cư về lại Hội An và lâm vào tình trạng khó khăn lúng túng (mợ Ba đã qua đời trong chiến tranh). Cha tôi vào thăm và đề nghị cậu Ba cho hai anh Tân và Cương ra Huế tiếp tục ăn học. Như thế là gia đình Nguyễn Đắc gia tăng nhân số và cha mẹ tôi phải hoạch định lại công việc làm ăn. Cái quán tạp hóa bé nhỏ và kết quả lao động tài tử từ vườn tược không đủ cho chi tiêu, sinh hoạt của một tá con người ngoài ăn mặc, cúng giỗ chạp kỵ, còn phải chi phí thêm về bệnh tật, học hành và những nhu cầu cấp thiết khác. Cái quán tạp hóa được chuyển đổi thành đại lý bán gạo của công ty mễ cốc Hưng Long do ông bà Hồng Dũ Hồ là chỗ thân quen với cha tôi làm chủ. Đại lý bán gạo xem ra “có đủ gạo” cho cả gia đình mà nhu cầu ngày một phát triển. Nhưng chẳng được bao lâu tai họa ập đến từ phía “phe Quốc Gia” không còn là của Quốc trưởng Bảo Đại mà là của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sự cố là Ngô Đình Cẩn, em út, và bà Cả Lễ, chị gái của Ngô Đình Diệm chủ trương một vụ làm ăn lớn: bán gạo cho miền Bắc. Tòa đại sứ Mỹ biết được báo cho Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm ra lệnh điều tra, trừng trị thích đáng để làm sạch chế độ. Ngô Đình Cẩn và bà Cả Lễ đổ tội cho Trần văn Mẹo và Ung Bảo Toàn là bộ trưởng và tổng giám đốc Nha kinh tế. Vì rõ ràng là phía ngoài các bao gạo chở bán cho miền Bắc đều in nhãn hiệu EN (Economie Nationale) xuất từ kho của bộ và nha kinh tế.
Kết quả là Trần Văn Mẹo bị mất chức bộ trưởng, Ung Bảo Toàn bị ba năm tù, và Bùi Quang Sơn, kẻ trực tiếp thực hiện kế hoạch của Ngô Đình Cẩn và Cả Lễ bị sáu tháng tù treo.
Người chủ trương và thu lợi từ việc bán gạo cho miền Bắc là Ngô Đình Cẩn và bà Cả Lễ thì bình chân như vại vì là em của Tổng thống Ngô Đình Diệm nổi tiếng thanh liêm và trong sạch.
Trớ trêu hơn thế nữa là hệ thống chân rít phân phối gạo ở cơ sở được cấp môn bài từ công ty mễ cốc Hưng Long chẳng biết vì lý do gì lại bị vạ lây. Mẹ tôi và những người cùng cảnh ngộ sau mấy tháng lao đao chạy vạy để thoát án oan và khỏi bị tịch thu môn bài. Án oan thì thoát, môn bài thì không.
Như thế là hũ gạo của gia đình Nguyễn Đắc bị đánh bể. Giải thích chuyện này, theo mẹ tôi kể, cha tôi bảo ngoài lí do tham nhũng còn có lí do chính trị và tôn giáo. Ngô Đình Cẩn nhân vụ án “tiếp tế gạo cho miền Bắc” đã đẩy những gia đình “liên can” đến một chọn lựa: Theo đạo và đầu hàng chế độ thì giữ được hũ gạo (tiếp tục cấp môn bài), bằng không thì chấp nhận đói khổ.
Quả tình sau “vụ án gạo” gia đình tôi thực sự lâm vào tình thế đói khổ, cùng quẫn. Bạn bè cha tôi (các ông Lê Khắc Duyệt, Võ Như Nguyện, Ưng Tương, Hòa Giai…) khuyên cha tôi giả dại qua ải: Xin đi làm công chức để cứu vợ cứu con. Nhưng đi làm với điều kiện bày tỏ lập trường chống Cộng và trung thành với lãnh tụ anh minh Ngô Đình Diệm, cụ thể là gia nhập đảng Cần Lao hoặc theo đạo Công giáo, tốt hơn là cả hai, để trở thành người Quốc gia thực thụ.
Mẹ tôi sau “vụ án gạo” trở nên suy sụp, lại mang bầu đứa con thứ mười (em trai út của tôi – Nguyễn Đắc Hàm). Để cứu vãn tình thế nguy ngập của gia đình, cha tôi đành đầu hàng một nửa, làm đơn xin đi làm công chức nhưng không tham gia tố Cộng, diệt Cộng, không vào đảng Cần Lao, không theo đạo Công giáo. Phe Quốc gia cũng chấp nhận cha tôi một nửa, đẩy ông đi làm thư lại tại quận Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, nơi mà hàng đêm ông nghe những âm thanh của hận thù, chết chóc và hàng ngày ông chứng kiến những chiếc bao bố căn phồng xác chết trôi trên sông Thu Bồn.
Suốt ba năm đi làm công chức ở Tiên Phước (1959 - 1962) cha tôi chỉ về nhà vào những dịp lễ Tết và các tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, đến sáng thứ hai phải thức dậy sớm để vào lại Tiên Phước. Trong ba năm ấy tôi chẳng còn thấy nụ cười không trọn trên môi ông. Rất nhiều lần trong đêm khuya những tối thứ bảy hay chủ nhật ông trở lại nhà, trên chiếc giường Hồng Kông ông nội tôi để lại, tôi nghe mẹ tôi khóc râm rức khi cha tôi kể về cuộc sống vô vọng của người dân Tiên Phước trong hận thù chết chóc triền miên. Chiến tranh không còn diễn ra từ một phía. Người dân hoặc ở phía này, hoặc ở phía kia, tham dự vào cuộc chém giết, hoặc đứng giữa hai làn đạn.
Để chạy cho cha tôi về Tòa thị chính Huế, mẹ tôi, qua trung gian của người mối lái, hối lộ “ông cậu” Ngô Đình Cẩn chiếc độc lư bằng ngọc, một trong những bảo vật ông nội tôi để lại sau khi bán cửa hàng đồ cổ ở Gia Hội. Đầu năm 1962, cha tôi được thuyên chuyển về Huế. Đi làm chưa được một năm thì ngã bệnh. Bệnh xơ gan rồi ung thư gan do sốt rét kéo dài. Con ngựa đau cả tàu nhịn cỏ, huống hồ con ngựa đầu tàu bị một trong tứ chứng nan y. Cha tôi vật vã với những cơn đau dữ dội ở vùng bụng, và những cơn đau âm ỉ ở trong đầu. Mẹ tôi tiếp tục bán những đồ cổ của ông nội tôi còn bảo lưu được để thuốc thang chạy chữa và mua thuốc phiện, thuê người người tiêm làm giảm nhẹ những con đau vùng bụng của cha tôi. Nhưng những cơn đau âm ỉ trong trí óc tâm can thì chẳng có ai trong gia đình Nguyễn Đắc có thể sẻ chia được ngoài trừ mẹ tôi. Cái đòn gánh – quà tặng cô Cả dành cho mẹ tôi trong ngày cưới 28 năm về trước đến thời điểm 1962 mới thật sự là của riêng bà. Nuôi con, kỵ chạp, mồ mả, tết nhứt, cưới hỏi, giao tiếp xóm giềng, họ tộc, bạn bè và cả chiến tranh... Tất cả ở trên vai bà. Hơn ai hết cha tôi biết rõ điều này. Tôi 13 tuổi đã thấy nước mắt chảy dài trên má cha lúc lâm chung (tháng 6-1963)
Cha mẹ tôi có với nhau mười người con, hai người chết sớm (anh Tư Nguyễn Đắc Hoàng, anh năm Nguyễn Đắc Hiệp), còn lại tám đứa. Đứa đầu (anh Cả tôi – Nguyễn Đắc Hồng) 26 tuổi, đứa cuối (em út tôi – Nguyễn Đắc Hàm) 4 tuổi, nhưng chẳng có đứa nào không là mối lo của cha mẹ tôi. Đặc biệt anh Cả tôi tuy đến tuổi trưởng thành nhưng là nổi bất an lớn nhất của cha mẹ tôi. Bởi vì anh là con trai trưởng, là người sẽ thay cha tôi trong vai trò làm chủ gia đình Nguyễn Đắc một mai ông chết đi. Trong tám đứa con còn lại, cha tôi đã để nhiều thời gian và tâm sức dành cho đứa con đầu lòng hơn bất cứ đứa nào, nhưng cha tôi vẫn thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với anh. Trong khoảng thời gian anh Cả tôi từ tuổi thiếu niên (năm 1946, anh Cả tôi 10 tuổi) đến tuổi thanh niên (1953) cha tôi vắng mặt vì đi kháng chiến và ở tù, do vậy tình cảm và cả trách nhiệm nuôi dạy uốn nắn của người cha dành cho con trai không đầy đủ. Ở tuổi 26, cái tuổi đã định hình về cơ thể và nhân cách, nhưng anh Cả tôi đã bày tỏ một khuynh hướng sống làm cha tôi lo lắng.
Sinh thời cha tôi và anh Cả đã có gì đó trục trặc trong quan hệ cha con. Cha tôi làm chủ một gia đình nhưng không gia trưởng, đối xử ngang hàng với vợ và thân ái với tất cả các con. Cha tôi lo và sống cho gia đình Nguyễn Đắc vì gia đình Nguyễn Đắc là một giá trị cho dù cái giá trị ấy khiếm khuyết và bất toàn. Anh Cả tôi trái lại. Anh bày tỏ tác phong cá nhân và gia trưởng rất sớm. Anh xem gia đình Nguyễn Đắc là chỗ dựa, là tài sản sẽ do mình làm chủ và có toàn quyền trên đó. Anh cũng không quan tâm gì đến dân tộc và đất nước, anh chỉ muốn được sống thoải mái và tự do trong cuộc đời mà anh là trung tâm.
Sinh thời cha tôi gắn mình với cuộc kháng chiến chống Pháp vì một đất nước Việt nam độc lập và thống nhất từ “Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu”, và nghĩ về sự chia cắt Bắc - Nam là chuyện tạm thời. Về mặt nhận thức cha tôi hoàn toàn chống lại cái khuynh hướng biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt theo chủ trương, sách lược của Mỹ và Ngô Đình Diệm. Trên phương diện ý thức hệ, cha tôi hoàn toàn mơ hồ về chủ nghĩa Cộng sản. Nếu chủ nghĩa Cộng sản là dân tộc độc lập và quan tâm nhiều hơn cho những người cùng khổ thì không có gì mâu thuẫn với cha tôi. Nhưng chủ nghĩa Cộng sản là những gì ông đã trải nghiệm trong mấy năm đi kháng chiến (ở mặt trận Thanh Nghệ Tĩnh) thì ông rất sợ.
Bốn mươi chín năm làm chĩnh mắm treo đầu giàn và làm chủ gia đình Nguyễn Đắc, làm dân trong một đất nước bị xâm lược, chống xâm lược, xung đột dân tộc và nội chiến, cuộc đời ngắn ngủi của cha tôi đi từ bi kịch này đến bi kịch khác: Thảm kịch tổ tiên dẫn đến họ tộc nhập nhằng và ho lao đang là tai ương hoạn nạn; tình tự và ý thức dân tộc mạnh mẽ nhưng trong nhà có đến hai người chị và một người em gái “lấy Tây”, thậm chí còn cưu mang che chở và dẫn đường cho họ chạy trốn; xem kháng chiến là một giá trị, một cứu cánh, nhưng bỏ lỡ nửa chừng; muốn nước nhà thống nhất, nhưng không tham gia phong trào Hòa Bình và Mặt trận Giải phóng; sợ sống dưới chế độ Cộng sản, nhưng chẳng muốn trở thành người Quốc Gia; nỗ lực gắn kết với gia đình, thương yêu vợ con rất mực, nhưng không đủ thời gian, sức lực để sống với, và chu toàn các trách nhiệm.
Cha tôi – người đã trao cho tôi nụ cười không trọn khi lần đầu mới gặp.
Cha tôi – người đã để lại cho mẹ và anh em chúng tôi những dòng nước mắt khi vĩnh biệt.
Nụ cười không trọn và những dòng nước mắt của người cha vô cùng thương kính đã theo tôi suốt cả cuộc đời (năm nay tôi đã ngoài 60 tuổi), mỗi ngày lớn lên tôi càng thấm thía nỗi đau đời, và nhận biết thấu đáo hơn sự thật lịch sử của một (hay nhiều) gia tộc, của một (hay nhiều) triều đại chỉ là những giá trị tương đối, thông thường là giả vọng, và những người trực tiếp hay gián tiếp tạo tác nên, hay tham dự vào, nếu không biết tra vấn, trăn trở, giằng xé, hổ thẹn và sám hối, thì rốt cùng chỉ là kẻ chiến thắng hoang tưởng và bất lương.
Vài đoạn ngắn viết thêm vào câu chuyện Cha tôi.
– Anh Cả tôi.
Anh Cả tôi: Nguyễn Đắc Hồng, sinh năm 1936, là niềm hy vọng của ông nội tôi lúc lìa đời, là cục cưng của gia đình Nguyễn Đắc, nhưng lại là nỗi bất an thường trực của cha mẹ tôi trong suốt những năm tại thế.
Anh thấp người nhưng khỏe mạnh, rắn chắc, sáng dạ, học hành thi cử thong thả nhưng ham chơi, ngại khó, bày tỏ khuynh hướng tự kỷ trung tâm và gia trưởng sớm.
Hai mươi hai tuổi thi đậu tú tài (do chiến tranh, đa phần thanh thiếu niên nam nữ sinh vào các thập niên giữa thế kỷ 20 đều bị gián đoạn việc học hành thi cử), mặc cho cha mẹ tôi can ngăn, anh Cả tôi cương quyết nộp đơn thi vào trường Võ Bị Đà Lạt. Nhưng chiều cao không đủ, trường Võ Bị không nhận hồ sơ, nên con đường binh nghiệp của anh Cả tôi dang dở. Theo lời khuyên của cha mẹ tôi anh thi vào trường Y khoa Huế, học được vài năm, bỏ, xin đi dạy trung học được vài năm, bỏ, tình nguyện vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ra trường, không muốn làm lính chiến, nhờ quan hệ gia đình, anh Cả tôi trở thành lính kiểng, sĩ quan hành chánh Quân y, cấp bậc cuối cùng khi bị bắt đi cải tạo (1975) là đại úy. Con đường làm người Quốc gia của anh Cả tôi bắt đầu, trải qua, và kết thúc như thế. Nhưng trong những dịp tình cờ hay do một người nào đó trong gia đình chủ động bàn thảo về vấn đề Nam - Bắc, Cộng sản - Quốc gia, anh Cả tôi khẳng định lập trường Quốc Gia, không đội trời chung với Cộng sản, ủng hộ chế độ Việt nam Cộng hòa, bảo vệ miền Nam như một nước riêng biệt. Nhiều lần anh chê trách cha tôi cứ tơ tưởng đến Việt Minh và kháng chiến, không chịu ủng hộ chế độ và đi làm quan chức như các ông Lê khắc Duyệt, Võ Như Nguyện, Ưng Tương... để vợ con nhờ vả, lên xe xuống ngựa, để không đi mãi chiếc vespa cũ kỹ do ông dượng Tôn Thất Tương để lại khi đi làm phó tỉnh trưởng Phan Thiết. Nghe con trai nói năng và hành động như thế nhiều lần, cha tôi chỉ biết buồn rầu và im lặng.
Anh Cả và chị Hai tôi thì thường xuyên tỏ ra xung đột lập trường chính trị Quốc gia - Cộng sản mỗi khi có dịp, đặc biệt là sau biến cố Mậu thân. Mỗi lần đến tết, đài truyền hình chiếu lại những phim tài liệu tố cáo tội ác Cộng sản, thế nào cũng xảy ra các cuộc tranh cãi quyết liệt giữa anh Cả và chị Hai tôi. Người này phụ họa theo những luận điểm tố cộng của chính quyền Việt nam Cộng hòa, người kia lí giải để chống chế bênh vực cho Mặt trận. Mẹ tôi không tranh luận với anh Cả, bằng một thái độ nhẹ nhàng, bà bảo không nên đem những chuyện quốc gia đại sự vào nhà, đặc biệt trong những ngày lễ Tết gia đình cần không khí sum họp yên vui.
Nói thì nói vậy nhưng mẹ tôi, cũng như tôi, chia sẻ nhiều hơn những gì chị Hai tôi suy nghĩ và phát biểu. Cá nhân tôi, vào thời điểm đó, do chú tâm vào chuyện học hành, ít để ý đến vấn đề chính trị và không có hiểu biết nhiều về người Cộng sản như sau 1975, nên tôi thấy chị Hai tôi có lý nhiều hơn anh Cả tôi. Sự phân định đúng sai của tôi căn cứ vào thái độ và cách ứng xử của mỗi người đối với cha mẹ, anh em trong nhà và cả đối với xóm giềng họ tộc. Chị Hai tôi quan tâm, thương yêu, tận tụy và nhường nhịn trong tất cả mọi quan hệ, Anh Cả tôi thì trái lại.
Chị hai không chỉ bày tỏ chính kiến bằng lời nói suông. Sau 1975, chúng tôi mới biết chị hoạt động cho Mặt trận Giải phóng. Chiến tranh kết thúc, từ Đà Lạt về, chị đi thăm, tích cực làm các thủ tục bảo lãnh cho anh trai và đã chết vì tai nạn giao thông trên đường tới Cồn Tiên, nơi anh Cả tôi bị giam giữ cải tạo.
Anh Cả tôi được thả tự do trong vòng 6 tháng.
Sau này vì cuộc sống khó khăn, anh Cả tôi đã thổ lộ tâm can: “Nếu con Hiền (tên gọi ở nhà của chị Hai) không bảo lãnh thì tau sẽ ở tù 5 năm và sẽ được đi Mỹ theo diện HO”. Cả nhà tôi ai cũng biết (nhất là mẹ tôi) là anh Cả đã không trung thực và vô ơn khi nói năng như thế. Bởi cho dù chị Hai tôi có bảo lãnh, mà tại trại cải tạo, anh Cả kiên định lập trường Quốc gia, chống Cộng vì lý tưởng tự do dân chủ và không làm tay sai cho Mỹ, thì chắc chắn đã không được trả tự do sớm như thế. Chính sách cải tạo lâu dài chỉ dành cho những người Quốc gia thứ thiệt, những người dính líu sâu nặng đến guồng máy chiến tranh của “Mỹ - Ngụy”, những sĩ quan chỉ huy tác chiến hay có thành tích tâm lý chiến. Anh Cả tôi không thuộc vào một trong các thành phần trên. Anh là đại úy Quân y, là lính kiểng. Chắc chắn việc chống Cộng của anh chỉ thể hiện bằng lời nói và cũng chỉ trong phạm vi gia đình, bè bạn. Bằng chứng là sau khi từ trại cải tạo về, anh đã cấu kết với chính quyền mới trong công việc làm ăn cũng như sau này tiến hành các thủ tục pháp lý mờ ám để thu lợi trên danh phận gia trưởng của gia đình Nguyễn Đắc, bất chấp đời sống các em khó khăn như thế nào và lời căn dặn của mẹ tôi trước khi lâm chung ra sao.
Ở trong khu nhà vườn rộng thênh thang, nằm trên giường Hồng Kông, sập gụ, phản ngựa gỗ giáng hương, tiếp cán bộ Cộng sản trên bộ trường kỷ chạm trổ do ông nội tôi để lại, kết hợp quyền lực trần thế và quyền lực tinh thần trước bàn thờ tổ tiên, anh cả tôi đã vận dụng tất cả, nhân danh tất cả, thu tóm tất cả cho riêng cá nhân và vợ con mình. Nói thì vổ ngực Quốc gia, chống Cộng đến chết, mà làm thì Cộng sản hơn cả Cộng sản. Đến thời điểm này(2013) tôi mới hiểu hết vì sao anh Cả tôi là nổi bất an thường trực của cha mẹ tôi lúc sinh thời.
− Các cô tôi.
(Ở Huế gọi em hoặc chị cha là o, và gọi tên: O Mai, O Hảo nhưng không biết do đâu và vì sao nhà ông nội tôi gọi em hay chị của cha là cô và gọi theo thứ tự cô cả, cô hai, cô ba... và chúng tôi cũng đã gọi như thế).
Cha tôi có năm chị em gái. Theo thứ tự tôi gọi là cô Cả (Nguyễn thị Minh Hảo), cô Hai (Nguyễn thị Xuân Mai), cô Ba (Nguyễn thị Túy Sâm), cô Sáu (Nguyễn thị Tự Nhiên), cô Tám (Nguyễn thị Thanh Tâm).
Sau đây là đôi dòng về năm người cô tôi nhớ và ghi chép lại từ lời kể của mẹ tôi.
Năm cô tôi trông như năm hạt nổ. Nhiều người quen biết với gia đình tôi thời bấy giờ bảo như thế. Mẹ tôi thì bảo đó là năm bông hoa. Mỗi bông hoa có một vẻ đẹp riêng, nhưng tất cả đều đẹp. Đẹp nổi tiếng. Cả năm cô được ông bà nội tôi chăm chút cho theo đòi tân học cũng như cha tôi và hai ông chú. Nhưng tai họa ập đến, bà nội tôi, ông cậu Mới, (em út bà nội tôi) và hai chú tôi bị ho lao. Bà nội và hai chú tôi lần lượt qua đời. Cuộc sống của gia đình Nguyễn Đắc gồm ông nội, cha tôi, ông cậu Mới và các cô tôi trong cơn nguy biến đã rẽ theo một lối không ai lường trước được. Hai trong năm cô lấy chồng Tây. Căn phố bán buôn đồ cổ ở Gia Hội phải bán. Khu nhà vườn Vỹ Dạ được chọn mua và xây dựng lại làm nơi cư trú mới cho những người còn lại.
*
Cô Cả (Nguyễn thị Minh Hảo) đi lấy chồng khi tai họa “ho lao” của gia đình Nguyễn Đắc chưa bùng phát gây tiếng tăm ra ngoài. Nhưng số phận của cô Cả không thế không gắn liền với số phận của cha và các em mình. Bởi chẳng bao lâu bà nội tôi qua đời và hai chú tôi ngã bệnh trầm trọng rồi chết. Cô và chồng cô, dượng Ưng Ký (thuộc phủ Tuy Lý) đã nghiêng vai gánh vác việc nhà cùng ông nội tôi và đã chia phần nỗi cay đắng khi cô Hai, rồi cô Ba chọn giải pháp “lấy chồng Tây” để cứu vãn tình trạng suy sụp và giảm nhẹ tai biến của gia đình.
Cô Cả và dượng có bảy người con. Ba trai là các anh Bửu Đán, Bửu Hiên, Bửu Nhân. Bốn gái là các chị Công tằng tôn nữ Minh Tâm, Công tằng tôn nữ Minh Nguyệt, Công tằng tôn nữ Minh Phương và Công tằng tôn nữ Minh Ngọc. Tất cả các anh chị lớn lên học hành, thành đạt và lao đao cùng chế độ Việt nam Cộng hòa. Hai anh Bửu Đán và Bửu Hiên là sĩ quan của quân đội miền Nam nhưng anh Bửu Nhân lại vừa đi học đại học lại vừa trốn lính. Chiến tranh kết thúc anh Bửu Hiên đã là tử sĩ của Việt nam Cộng hòa, anh Bửu Đán đi học tập cải tạo nhiều năm rồi đi Mỹ theo diện HO. Anh sinh viên trốn lính rồi làm thợ rèn dởm để yên thân, uống rượu và trông coi bàn thờ mồ mả. Chẳng biết vì bản chất hay vì điều kiện sống, anh Bửu Nhân, người sinh viên trốn lính trong chế độ cũ, người thợ rèn say rượu trong chế độ mới lại rất gắn bó với gia đình bên ngoại (Nguyễn Đắc) chúng tôi. Anh quan tâm đến mồ mả kỵ chạp, tết nhất. Anh chia sẻ khó khăn của mẹ và anh em chúng tôi trong điều kiện eo hẹp của mình. Có điều anh không giấu giếm nỗi bất bằng với anh Cả tôi một cách quyết liệt. Anh cho rằng anh Cả tôi giả dối và ích kỷ.
Chị Công tằng tôn nữ Minh Tâm con gái đầu của cô Cả tôi cũng là một trường hợp đặc biệt. Không chỉ là người có nhan sắc mà còn là một phụ nữ đảm đang và đức hạnh. Chị học không cao (chưa xong trung học), vợ của một sĩ quan cao cấp của chế độ Việt nam Cộng hòa (chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm), nhưng ăn ở với mọi người (trong đó có chúng tôi) thật tử tế. Trong tất cả các ngày cúng kỵ chị đều tham dự với tư cách là người làm bếp chính. Cũng như anh Bửu Nhân, chị Minh Tâm và chồng đã đối xử với mẹ và anh em chúng tôi hết lòng. Nhờ anh chị mà anh Cả tôi trở thành lính kiểng. Nhờ anh chị mà hoạn nạn của gia đình chúng tôi sau tết Mậu thân giảm nhẹ phần nào. Nhờ anh mà một người hàng xóm tốt bụng bị tình nghi là Việt Cộng bị bắt sau biến cố tết Mậu thân được thả tự do theo yêu cầu của mẹ tôi. Anh Điềm chết trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh. Chị Minh Tâm đem đàn con về quê làm ruộng theo lời căn dặn của chồng.
*
Cô Hai (Nguyễn thị Xuân Mai) và cô Ba (Nguyễn thị Túy Sâm) của tôi đều là nữ sinh Đồng Khánh, đã thi đậu tiểu học (première) và đã theo các khóa đào tạo nghề. Cô Hai làm Y tá tại bệnh viện Huế. Cô Ba làm giáo viên ở Bái Thượng Thanh Hóa. Cả hai đều có người yêu và nhiều chàng trai ngấp nghé.
Người yêu của cô Hai là PDĐ, một người sau này là một dược sĩ nổi tiếng. Hai người đã có khế ước (hai bên gia đình đã làm lễ hỏi) nhưng những lời đồn đại “ho lao dòng” đã làm gia đình nhà trai sợ, đi hồi (hủy bỏ lễ hỏi). Cô Hai thất tình muốn đi tu, nhưng rồi theo một cơ duyên nào đó cô quyết định lấy chồng Tây. Việc cô Hai quyết định “bán mình” đã làm cho cả nhà ông nội tôi choáng váng. Nhưng cô Hai đã quyết định với những lý lẽ vững chắc cộng thêm tình trạng khốn đốn của gia đình đang gặp phải đã khiến ông nội tôi và cô Cả ngã lòng. Như thế là ông René Robert trở thành rể của gia đình Nguyễn Đắc với điều kiện cưới hỏi theo đúng phong tục tập quán truyền thống của người Việt Nam. Ông René Robert là phó sứ tại tòa Khâm Huế, là người có học vấn cao, am hiểu văn hóa phong tục tập quán Việt Nam, tôn trọng vợ và gia đình vợ. Cô Hai là một nhan sắc, có học, lại có đầy đủ đức tính của một phụ nữ Huế vào thời buổi đó, nên cuộc hôn nhân có điều kiện lúc khởi đầu, từng bước trở thành cuộc hôn nhân mẫu mực theo truyền thống của hai nền văn hóa Pháp - Việt. Trước khi rời Việt Nam (sau Nhật đảo chánh tháng 3 năm 1945) cô Hai và dượng René Robert đã sinh được ba người con: Genevellier, François, Maiva. Sau khi về Pháp họ tiếp tục có thêm bốn anh chị nữa: Paul, Vincent, Monique, Thérèse. Tất cả đều học hành đậu đạt và thành công trong nghề nghiệp.
Trước khi qua đời dượng René Robert đề nghị các anh chị họ của tôi bán trang trại ở Douaie lấy tiền đóng phí ở viện dưỡng lao cao cấp cho cô tôi ở Paris và tổ chức đưa cô về thăm lại quê nhà. Các anh chị họ đã tỏ ra là những người con có hiếu, họ trân trọng và thương yêu mẹ hết lòng. Trong thời gian cô tôi ở nhà dưỡng lão họ thay phiên nhau hàng tuần vào thăm và bầu bạn với mẹ. Con gái tôi (Hảo Nhiên) trong thời gian du học tại Đan Mạch đã ghé thăm bà cô ở Pháp và đã phải khâm phục khi thấy bác Francois cõng mẹ leo cầu thang đi khám bệnh (về già cô không chịu đi thang máy và đặc biệt ưa được cõng, không chịu ngồi xe lăn), và hàng tuần vào chủ nhật đưa mẹ đi ăn các món quen thuộc tại nhà hàng Việt.
Năm 1998 anh François và chị Maiva cùng chồng (đã li dị) là Basto đưa cô tôi về thăm lại ngôi nhà ở Vỹ Dạ và thành phố Huế. Lúc bấy giờ cô Hai (Xuân Mai) đã ngồi xe lăn. Cứ xem các anh chị chăm sóc cho mẹ, đặc biệt anh con rể cũ Basto là một bác sĩ người Đức chăm chút cô Hai như một người con có hiếu nhất, đồng thời như một y tá tận tụy nhất, đã khiến tôi tự nhìn lại mình và cảm thấy hổ thẹn.
Lúc sinh thời cô Hai viết thư về Việt Nam cho chúng tôi từ hai địa chỉ sau:
18 Avenue Gambetta – Paris – France.
13/61 Cuelenacre 59500 Douai – France.
Sau khi đi Việt Nam về các anh chị con cô Hai đã viết thư cho chúng tôi đề nghị được ghi tên vào gia phả nhà Nguyễn Đắc.
*
Cô Ba (Nguyễn thị Túy Sâm) là người có vẻ đẹp kỳ lạ với đôi mắt buồn ảo não mà bất cứ ai nhìn vào cũng bị cuốn hút (nguyên văn lời mẹ tôi).
Cô đi dạy ở Bái Thượng Thanh Hóa, cũng bị khủng hoảng gia đình và tình duyên như cô Hai. Thấy chị (cô hai tôi) lấy chồng Tây mà tạo dựng được một gia đình đề huề hạnh phúc, qua trung gian của ông anh rể René Robert, cô Ba chấp nhận làm đám cưới với một sĩ quan dòng dõi quí tộc cũng tòng sự tại Tòa Khâm: ông Henri Dubasty. Do nhu cầu công việc, ông Henri Dubasty thường phải đổi đi nơi này nơi nọ trong các tỉnh thuộc địa phận quản lý của tòa Khâm nên thời gian gia đình cô Ba ở Huế không nhiều. Tuy nhiên năm nào về lại Huế, vào các dịp kỵ chạp, Tết, hay chủ nhật, cô Ba cùng dượng Dubasty cũng về thăm và tham dự các lễ cúng giỗ. Cũng như dượng René Robert, dượng Henri Dubasty không lạy nhưng đứng chắp tay trang nghiêm trước bàn thờ cho đến khi lễ cúng kết thúc. Đối với ông nội, cha tôi và các cô Sáu, cô Tám, dượng Dubasty bao giờ cũng một mực bày tỏ thái độ trân trọng và thân ái. Đối với cô Ba dượng luôn đối xử bình đẳng với tình cảm đằm thắm và mối quan tâm đặc biệt chu đáo.
Từ sau khi về Pháp, gia đình cô Ba cư trú tại một tỉnh nào đó ở miền nam nước Pháp, sự liên lạc với quê nhà thường qua địa chỉ của cô Hai ở Paris. Qua các liên lạc ấy tôi biết cô dượng có hai con học hành thành đạt, gia đình đề huề hạnh phúc, vẫn nhớ Huế, nhớ nhà vườn ở Vỹ Dạ và thăm hỏi chúng tôi với tấm lòng của một bà cô xa xứ. Thư viết cho tôi, ngoài các nội dung thời vụ, bao giờ cô Ba cũng nhắc nhở tôi chăm sóc cơ thể, nhan sắc và đặc biệt giữ gìn làn da. Cô bảo: Nhan sắc phụ nữ là một giá trị, một sức mạnh. Tôi là một phụ nữ không có nhan sắc nên những lời nhắc nhở của cô Ba xem như là một kiến thức.
*
Cô Sáu Nguyễn thị Tự Nhiên là bông hoa đẹp nhất trong năm bông hoa của nhà Nguyễn Đắc. Đó là một vẻ đẹp hoàn chỉnh từ chiều cao, dáng dấp, da mặt, mắt mũi, răng miệng, tóc tai đến lời ăn tiếng nói. Đó là lời bình phẩm của mẹ tôi. Sau khi thi đậu première cô học thêm vài năm ở trường Đồng Khánh rồi nghỉ. Cô trông coi của hàng bán sách Ưng Ký của vợ chồng cô Cả trên đường phố chính đối diện chợ Đông Ba. Mẹ tôi bảo nhờ cô Sáu mà cửa hàng sách Ưng Ký khách vào ra tấp nập. Các thanh niên vào tiệm Ưng Ký để ngắm và trao thư cho người bán sách là mục đích chính, mua sách chỉ là một cái cớ. Tối nào cô Sáu về nhà cũng trao cho mẹ tôi một tập thư tình. Sau này đôi lần mẹ tôi nói đùa: “Nếu ngày đó mẹ giữ lại những lá thư ấy, e rằng bây giờ mẹ đã giàu to nhờ xuất bản tập thư tình lâm li lãng mạn.”
Cô Sáu không gắn bó với tiệm sách Ưng Ký lâu dài, cô cũng không gây hy vọng cho bất cứ một anh chàng nào trong số những người tình si. Cô có người yêu và quyết định lấy chồng sớm. Người yêu của cô Sáu là ông Tôn Thất Tương, con trai bà thứ thất của ông Thượng thư đương chức và hư quyền Tôn Thất Ngân, nhà đối diện. Cha tôi cực lực phản đối cuộc hôn nhân này bởi hai lẽ: Thứ nhất nhà ông Tôn Thất Ngân khinh khỉnh, không muốn làm sui gia với gia đình có con gái lấy Tây, lại “ho lao dòng”, thứ hai ông Tôn Thất Tương xấu trai. Mặc dù hai nhà không ưng thuận, nhưng cô Sáu và ông Tôn Thất Tương vẫn quyết nên vợ nên chồng. Mẹ tôi hỏi: − “Cô đẹp như vậy, có nhiều người hâm mộ vây quanh như vậy sao cô không chọn lấy một người tương xứng?” Cô bảo: − “Nhan sắc chỉ được một thời, vả lại hoàn cảnh nhà mình cũng chẳng lấy gì hoàn hảo. Chị Hai, chị Ba phải lấy Tây, em muốn có một người thương yêu chân thật để sống ở đời”.
Suy nghĩ và sự lựa chọn của cô Sáu là chính xác. Chồng cô, dượng Tôn Thất Tương, là một người như thế, đã ăn đời ở kiếp với cô. Sau khi cưới, cô theo dượng vào sống ở Phan Thiết. Dượng làm công chức, cô tề gia nội trợ. Cô dượng sinh cư lập nghiệp ở Phan Thiết cho đến 1975, có với nhau một đàn con sáu đứa. Nhiều năm dượng Tôn Thất Tương làm phó tỉnh trưởng nhưng nhà cửa thanh bạch, cô Sáu chấp nhận đời sống đơn giản, đạm bạc, không khoe nhan sắc cũng không chứng tỏ bà này bà nọ.
Năm 1977 tôi có dịp vào Sài Gòn, ghé thăm cô dượng tại một căn nhà nhỏ trong một xóm lao động thuộc khu vực bàn cờ. Căn nhà nhỏ tối tăm thiếu thốn những tiện nghi sơ đẳng. Đây là kết quả lao động của suốt cả cuộc đời dượng Tôn Thất Tương đi làm công chức dưới chế độ Việt nam Cộng hòa. Cũng như cha tôi, dượng thường bị một vài trong số sáu người con chê trách chẳng biết thức thời, không chịu vận dụng chức quyền và vị trí xã hội để sắm xe tậu nhà tạo dựng gia đình giàu có. Chiến tranh kết thúc, dượng không đi học tập cải tạo vì đã về hưu, cũng không bị tịch biên gia sản vì gia sản chẳng có gì. Cô dượng chỉ phải trả lại căn nhà được cấp bởi nhà nước cũ cho nhà nước mới và dọn về Sài Gòn. Sinh thời cha tôi thương cô Sáu hơn bất cứ cô nào trong năm chị em gái, vì cô đã chọn một cuộc sống gia đình thanh bạch giữa một thời đoạn nhiễu nhương của đất nước. Sinh thời cha tôi cũng quí trọng ông em rể Tôn Thất Tương bởi vì ông là công chức nhưng không vinh thân phì gia trong chế độ Việt nam Cộng hòa.
*
Cô Tám Nguyễn thị Thanh Tâm rời đất nước theo chị Hai, chị Ba đi Pháp khi chưa đầy 17 tuổi. Năm ấy là năm 1945. Từ 1945 cho đến khi lìa đời (khoảng 1999 hay 2000) cô Tám không hề liên lạc gì với gia đình chúng tôi ở Vỹ Dạ. Đối với tôi, cô Tám chỉ hiện hữu qua lời kể của mẹ tôi, qua những dòng thư của cô Hai và cô Ba và qua những lời kể của chị Ba (Nguyễn thị Kim Ngọc) của tôi định cư tại Pháp sau 1975. Mẹ tôi nói rằng cô Tám là một bông hoa hàm tiếu tươi tắn và khỏe mạnh báo hiệu một nhan sắc lộng lẫy không thua kém các chị, còn có phần trội hơn ở dáng vẻ tự nhiên, linh hoạt và tràn đầy sức sống.
Các cô và cha tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi quyết định để cô Tám ra đi. Họ so sánh hoàn cảnh Việt Nam và Pháp vào thời điểm 1945 khi gia đình cô Hai, cô Ba về hẳn bên đó. Cô Cả và dượng Ưng Ký còn gởi con trai đầu của mình – anh Bửu Đán – đi theo để có điều kiện học tập. Các dượng Robert và Dubasty cũng nhiệt tình bảo lãnh. Nhưng việc học và lập thân của cô Tám và cả anh Bửu Đán hoàn toàn thất bại. Anh Bửu Đán đẹp trai ham chơi thích nhảy đầm đã làm cho mọi người lo sợ nên cô dượng Cả quyết định rút về. Cô Tám thì hết ở Paris với gia đình cô Hai, cô Ba phải đưa về nhà mình tại một tỉnh miền Nam nước Pháp để tránh xa các lây nhiễm xấu xa ở nơi phồn hoa đô hội. Cô Hai, cô ba đã cố gắng hết sức để giúp cô Tám nhưng đành bó tay. Cô Tám tự tách khỏi gia đình hai chị và ra riêng để tiếp tục cuộc “khủng hoảng”. Cô lấy chồng là một nhân viên cảnh sát, có một con trai. Chồng chết cô chung sống với một cư dân Đức và kéo lê cuộc sống tàn tạ của mình cho đến cuối đời.
Chị ba và con gái tôi kể lại rằng: Đến viện dưỡng lão cô Hai chẳng mang gì theo ngoài tập album gắn đầy ảnh gia đình ở Huế và ở Pháp, nhiều nhất vẫn là ảnh cô Tám. Ngắm nhìn ảnh ai cũng nói cô Tám Thanh Tâm là người đẹp nhất trong số năm cô. Cô Hai nghe lời bình phẩm nước mắt chảy dài, lặp đi lặp một câu: “Đẹp, đẹp, đẹp. Giá mà nó không đẹp.” Nói xong rồi lại khóc. Dường như cô nuối tiếc và ân hận nhiều lắm.
Mẹ tôi kể lúc sinh thời cha tôi nói: “đưa cô Tám đi Pháp là cả một sai lầm không thể tha thứ, và người chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là ông. Ông đã biết một mà không biết mười, đã không thương yêu em gái đầy đủ khi để cô Tám ra đi. Nước Pháp sau thế chiến II tuy là nước Đồng minh thắng trận nhưng gặp phải một khối vấn đề: Mặc cảm đầu hàng và bị Đức chiếm đóng, trí thức và tuổi trẻ khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng đạo lý, xã hội trở nên rối bời, bọn cầm quyền mê muội điên cuồng tái chiếm Đông Dương nhằm phục hồi vị trí cường quốc dẫn đến tình trạng kinh tế suy đồi, ngân khố trống rỗng, phải nợ nần, chia rẽ nội bộ. Cô Tám đi về phía đó rõ ràng là hoa lạc giữa rừng gươm. Đưa cô Tám vào bối cảnh đó rõ ràng là đưa trứng cho ác. Nhan sắc trong trường hợp cô Tám là một tai họa. Không đưa cô Tám về là một tội lỗi”.
Nghe chuyện cô Tám, càng thương cảm bao nhiêu tôi càng thấm thía nỗi đau và ray rứt của cha bấy nhiêu. Nhưng biết làm thế nào được, sau khi cô Tám ra đi, cha tôi đi kháng chiến, trở về bệnh tật và tù tội, mẹ tôi phải đưa chúng tôi về Hội An nương náu bên ngoại một thời gian…Hòa bình lập lại bang giao giữa Pháp và chính phủ Ngô Đình Diệm đứt đoạn. Gia đình tôi còn phải đối đầu với những hoạn nạn từ phía Quốc gia.
Từ trái sang phải: cô Túy
Sâm – cô Xuân Mai – cô Thanh Tâm
ở Việt Nam trước khi qua Pháp *
Từ trái sang phải :
cô Xuân
Mai – cô Thanh Tâm – cô Túy Sâm
về già ở Pháp *
Cô Xuân Mai và chồng (ông René Robert) tại nhà ông nội tôi ở Vỹ Dạ *
Vị giám mục, ông René
Robert cùng gia đình vua Bảo Đại
và các triều thần An Nam (ông Robert
đứng sau vị giám mục) *
Nguyễn thị Kim Thoa
* ảnh từ album gia đình
Các thao tác trên Tài liệu