Chảy qua Phấn, hay là...
Chảy qua Phấn, hay là...
Lê Minh Hà
Xem nào: lão vào đời hơn mình chính xác là sáu năm. Nhiều nhặn gì. Trong khi mình nhuộm tóc hòng trẻ ra thì lão để râu hơi dài, hoàn toàn tự tin với tuổi. Tình thật, chòm râu ấy chỉ làm cho gương mặt lão qua ảnh có phần trẻ thơ vì cái vẻ tròn tròn phúng phính.
Nhưng túm lại mình không định tụng vẻ kháu lão của lão. Đằng nào thì cũng đã gặp bao giờ đâu. Mà có thể cả đời cũng chẳng bao giờ tìm gặp. Phải nói tới lão là vì chữ của lão buộc mình phải soi lại mình. Tôi ơi là tôi ơi.
Hiếm khi mình viết cụ thể về một cuốn sách nào vừa mới đọc hoặc viết về ai mà mình chưa tường tận từng trang. Muốn thấy nhau đường trường. Với cha này, hầu như mình chỉ mới đọc được những bài viết vặt. Lần đầu đọc tiểu thuyết. Choáng.
Vẫn biết dân vẽ mà nhảy qua viết thì làm khó cho dân viết lắm. Mình thích đọc dân vẽ chính ở cái chỗ bị làm khó này. Họ mà đã định tả cái gì thì thật là! Góc cạnh ra góc cạnh, có mềm có cứng, có dày có mỏng, ra cong ra thẳng, bất động và bất định. Mà đến cái đoạn mô tả màu sắc thì thầy chữ Tô Hoài tiếng vậy vẫn chưa đủ kiệm lời ra ý ngay như một tay họa sĩ đâu.
Thế nhưng tay họa sĩ này lại không thèm mô tả ấn tượng thị giác, không thèm khoe chiêu. Đời sống qua bàn tay lão (viết hay mổ máy?) được lắng lọc trong bóng tối của một người mù dở, mờ mịt mà kĩ càng. Đấy không phải là âm nhạc, nhưng đúng là nghệ thuật của thính giác, cảm cuộc đời này qua tai. Cơn mưa xóm liều nghèo mạt bên bờ sông Cái mỗi ngày một còm cõi không phải là màu mây nặng hay màn nước giăng trắng đất trắng trời mà là tiếng vỏ chai cọc cạch va vào mặt tường, tiếng những chiếc lốp xe cũ ngắc ngứ giữa hai bờ rãnh bị nước dồi vào sục soặc kêu như người chết sặc. Nếp đời nghèo mà bình yên, vẫn có chút gì sang cả của lão mù - đứa con rơi của phố hiện hình qua một dòng sông bồi hồi sóng mọn, qua việc dòng sông đột ngột biến mất trước sự trỗi dậy hung hãn của tiếng loa phường, giống cuộc cãi vã không bình thường của hai kẻ dở người, nói đi nói lại chỉ nhõn một câu mà lỗ tai bất lực chối từ. Sinh lực của đàn bà được cảm nhận không phải qua 1.dáng 2. da 3. nét mà qua mùi, qua vồng ngực, qua ẩn hiện của mấy rẻ xương sườn, và những tầng sâu óc ách nóng. Cái con người mù dở, đi phải dùng mũi dép dò đường ấy chuyển động chậm và đều trong thành phố, chỉ thế mà hiểu hết trong sự biết mà không biết của mình. Giăng lưới bắt chim mà lại biết phải thả chim. Biết cái luật bất thành văn có hiệu lực suốt mấy chục năm qua với dân thường: sống nhờ bị phạt, những người không bị phạt kém may hơn nhiều. Biết con chim trống chỉ hót hay khi đơn độc một mình, cũng như rất hiếm khi nam ca sĩ ngồi hát cho vợ nghe. Nhân vật ấy không cần đến khái niệm đẹp của những gì có thể nhìn thấy, chỉ tin cậy đôi tai và hai lỗ mũi, và mấy đầu ngón tay lần sờ, đến một ngày gọi thợ xây một ngôi nhà to chẳng giống ai, ít nhất cũng không giống một cái bánh ga tô bằng bê tông loè loẹt diêm dúa, vì lão chẳng cần nhìn, mà chỉ cần có một chỗ cao cao ngóng về hướng dòng sông hòng mong thanh lọc những âm thanh mới của một thành phố đang phình tướng ra mà tìm lại nhịp thường yên bình và yêu thương.
Mỗi một người viết xứng đáng là tác giả đều là tất cả các nhân vật của họ. Quen với nhân vật mù dở này, có cảm giác tất cả những gì lão lắng được đều là những cảnh những người được lọc qua con mắt của một kẻ ưa ngắm, biết ngắm, nhưng giờ đây chỉ muốn nhắm mắt tự gọi hồn về. Nhân vật lão mù tham dự hết mình vào thực tại, điềm đạm, hóm một cách không tự giác, từng lúc biết phát huy ưu thế mù lòa trước quan chức hay chốn công đường, rất đường hoàng đáng trọng với lối xóm, với những người dưới đáy, lại cũng biết mình mới là người làm ơn của những kẻ đang làm ơn cho mình, tỉ như những đứa trẻ đang trong kì thực tập làm người tốt đưa người tàn tật qua đường - những đứa trẻ không hiểu vì sao lại cần học trước bài học ngày mai ở lớp.
Giả dụ tay họa sĩ này cứ kể thế thôi là đã đủ để người đọc lụy vì sự từng trải, tinh tế, hóm hỉnh, vì cái lòng nhân với người. Đọc, chẳng có gì giống, mà cứ từng lúc phải phơi lại kí ức văn học hiện thực phê phán một thời khứa vào trí nhớ, mà cụ thể là những trang văn viết về những phố nghèo, những ngõ ngách ngoại ô của những … vân vân… Ngẫm, để rồi thấy vẫn là cái tình người với người ở những con người thiếu hụt về thể chất, về tri thức và cả về nhân cách: một lão mù sống nhờ vào những tiếng chim, một lão thuyền chài nửa đời nửa đoạn ngật ngưỡng với đời trên cạn, ngậm ngùi tưởng đã là bờ, một cô ca ve gốc gác là sơn nữ giờ chai mặt với phố phường, mà vẫn biết thương người chung cảnh, hậu thuẫn cho họ tiến bước trong sự nghiệp ca ve một cách cực kì trong sáng. Như một từng biết qua những trang của Nam Cao, của Tô Hoài, của Nguyễn Đình Lạp. Nhưng ở các bậc tiền bối ta mới thấy một đời sống được kể lại trong chiều xuôi đổ của thời gian. Ở tác phẩm này của tay họa sĩ này, thời gian bị xóc, hất ra từng khúc một, không hoàn toàn theo tuyến tính. Ngộ nhất là thực tại kể như thật lại hóa ra là thực tại bịa của TÔI nhân vật. Tôi cứ viết thế, tôi cứ viết thế. TÔI xưng xưng tuyên bố, kèm theo một chữ nhưng: Nhưng lão… nhưng cô… lại bảo… Và sau đó, dường như thực tại thật mới thò ra. Cái kiểu TÔI bền bỉ cáo mình vi phạm quyền tồn tại thật của sự thực là cái Mới mà các tác giả văn học hiện thực phê phán khúc dưới ngực trên bụng thế kỉ trước không thể tới được. Kĩ thuật này là bằng chứng của một ý thức triệt để khác về người kể chuyện, về không gian, thời gian, con người và nó là hệ quả của ý thức về một thực trạng mới - gốc của mọi quẫy đạp trong nghệ thuật nói chung, trong từng nghệ sĩ nói riêng.
Cuốn tiểu thuyết có hai phần. Nghiền phần một, hết nhíu mày lại phải tủm tỉm một mình. Hay. Nhưng ngạc nhiên: đọc báo, thấy bảo cha họa sĩ viết cuốn này là người Hà Nội chăm phần chăm, ít nhất cũng theo nghĩa sinh ra lớn lên cùng với phố. Mà hình như lại còn phố cổ. Thế nhưng kề cà với những nhân vật của lão - những kẻ chẳng còn gì để mất kể cả cái xiềng, lại dễ tưởng lão cũng sống quanh quẩn trong cái xóm Bến nằm ven phố, và cái lão am tường là đời sống bụi bặm ở những xóm Liều với những kẻ cùng mạt, giữa một sông nước đất lá gió chim phập phồng trong veo.
Thế nhưng lão đúng là người của phố thật. Lâu lắm mới gặp một giọng văn Hà Nội vậy. Cái đất ấy kì diệu lắm. Nó làm cho người ta yêu. Nhưng có tình yêu của người quê khác về đây, vật vã ở đây, đạt nguyện ở đây. Lại có cái tình của kẻ sinh ra lớn lên giữa lòng phố, dù có dọc ngang nơi nọ nơi kia bao nhiêu chăng nữa vẫn chỉ họ cảm được ra hồn phố, mênh mang, lãng đãng, không thể nào gọi tên trong suốt bốn mùa.
Lão mù mà cực thính vốn là đứa con của phố bị thời buổi tống ra rìa. Nhưng kí ức về cách nấu ăn và ăn mà người mẹ phố phường kể lại là cái phân biệt lão với dân xóm liều từ tứ xứ tụ về có lẽ còn sâu sắc hơn cả chuyện lão khác người ở đôi mắt không thấy gì. Lão sống nhờ phố, thuộc phố, bám chặt vào phố theo nghĩa đen. Để rồi một ngày không khổ nữa vì bỗng dưng giàu xổi nhờ những trò ma bùn của đám quan chức vặt, có đất, có nhà, có tiền thì bỗng thấy mình cô độc, lạc lõng. Cũng như gần hết cư dân xóm Bến của lão. Chiến thành bại, nằm một đống. Hoạt tê liệt phải quay về với sông nước. Nhàn chưa bao giờ xinh đẹp nay không còn nhã nữa. Cái nét nhã mờ mờ do thật thà ấy vẫn lẩn khuất nơi cô ngay cả khi vô cùng tội nghiệp vì ngờ nghệch với cả những ham thú của mình lúc mới lớn biến mất khi xóm Bến tiêu. Thằng cu Nghĩa đáng thương và đáng yêu khi còn bé thành một người lớn bất nghĩa. Tiên cô tưởng chỉ biết lụy độc chữ tình này thành kẻ lọc lõi lụy tiền. Thuận, thời buổi nào cũng thuận cũng thảo thì đã khổ càng thêm khổ vì ngày ngày nghe người phát dại lên cơn chửi. Những cô bò lạc ngày xưa có cái phần đáng cảm thông nay hoàn toàn vô cảm, trơ trẽn và nanh nọc. Con gái phố phường nhà gia giáo sát cánh cùng những tay anh chị, trở thành một kiểu tẩu tẩu đời nay. Khắc chạm số phận của những con người ấy, TÔI đẩy cái bi kịch thời buổi tới đỉnh, khi cho nhân vật cải chính, chống lại người kể chuyện là mình. Hiện thực hiện ra vì thế không bẹp, mà phân rõ thành hai cấp độ song song tồn tại, hiện thực thực nghiệt ngã hơn hiện thực hư cấu nhiều. (Cứ như là đi ngược quy luật khái quát mà các nhà lí luận hay chỉ bảo người viết phải…) Bi kịch thời buổi ấy hội hết trong nhân vật lão mù, đứa con không được nhòm nhỏ tới của thành phố, sống bên, sống cùng với đủ thứ tầm thường của một tập hợp những cá thể đàn ông đàn bà (đúng chữ của cha họa sĩ đấy, chưa hề thấy y thêm chữ người) mà bản thể dần tự triệt tiêu. Nhưng lão rất không bình thường, không bình thường trong cách nhất định không cam chịu làm người vô ích và vô nghĩa, tự kiếm cơm chẳng cần quái gì một hội một đoàn nào, cũng đi chơi gái đều đặn như ai, lại còn chơi khoẻ, biết hết những trò ma giáo của đám lại thời nay, tham gia vào đó chẳng chịu thiệt, cuối cùng và trên hết, ở lão có cái thần thái của người phố. Cái lịch lãm xa cách với mấy cô ca ve, cách mở lòng giúp nhau, cách cảm về thời buổi mình sống đâu hẳn là kiểu cách người mù. Người phố đấy. Vì đằng sau đó là một ý thức cá nhân sâu sắc không thể nảy sinh sau lũy tre làng, nơi người ta bắt buộc phải cộng sinh ngay trong cái lúc chỉ muốn hầm hè. Niệm ý của lão mù vừa nhẫn nhục, (làm sao khác được), vừa nhức nhối trước thực tại đang sống mà chỉ muốn li khai hoặc buộc phải li khai.Li khai với những tiếng động cơ giới át tiếng dòng sông bồi hồi sóng mọn, át tiếng chim cao thanh, li khai với cái mùi bụi bặm, với những con đường ngày xưa quen chân theo tai nhưng giờ sôi sục xe người, đầy những hố những rãnh. Con người đó không sống trong bóng tối mà là chảy qua nó. Hay là cả một thời đại đã chảy qua tâm hồn ông. Chiến tranh hoá ra với ông lại quá yên bình. Hoà bình giống như là loạn lạc. Ông thuộc về một thế hệ bị thời buổi cưỡng ép phải đành đoạn rời phố ra ở liều nơi bến bãi, để rồi lại bị tống cổ. Lần này gục. Hoàn toàn.
Mình đọc. Mình đọc. Và nhớ câu cậu chàng Lê Anh Hoài từng bần thần tuyên bố: thời này vẫn rất cần văn học hiện thực phê phán chị ạ. Mình hiểu là Hoài muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải có tinh thần phê phán hiện thực của chữ nghĩa đời nay. Thì đây. Mình nghĩ đây là một văn học hiện thực phê phán F2. Thật. Khi tới cái đoạn lão mù bỏ nhà bỏ đất bỏ tất cả những ràng níu ra sông tự trầm, có cảm giác ông Chí Phèo về. Cũng vậy, con người khổ lụy ấy tự xoá dấu vết, nhận cái tên Sông, chẳng hàm nghĩa dài rộng mênh mang hùng tráng gì mà chỉ là nhắc một lần chết hụt, gợi tới nơi hoài thai một cuộc đời mới còn hơn cả buồn. Con người khuyết tật từng tự sống hết sức đàng hoàng nay chấp nhận cái đời ngồi vót tăm tre vô nghĩa lí mà xã hội vô cảm dành cho người mù như một thứ ân huệ – kiểu sống một thời ông đã cười khẩy quay lưng. Là gì nếu không phải là tự hủy. Ông Chí Phèo ơi, đời hậu bối của ông còn thảm hơn ông.
Chảy qua bóng tối cùng ông lão mù là cả những người sáng, như TÔI, là cả một thành phố vẫn được tiếng là nơi tụ hội khí thiêng sông núi, giống nòi. Cuốn sách, do đó không chỉ là tiếng nói về tâm trạng xã hội. Mà, là tiên cảm về tương lai mờ mịt của quá trình đô thị hóa khiên cưỡng, nơi nông dân vội vã tự biến mình thành thị dân bằng tâm lí hơn thua làng xã và bằng thứ thị hiếu đáng sợ, muốn giống hệt nhau và muốn hơn nhau ở cái chỗ giống này, ví như xây một cái nhà, phải thò ra, phải chòi lên, phải loè loẹt diêm dúa hơn nhà thằng bên cạnh. Trong nghĩa đó, Hà Nội mở rộng không to ra, mà bé lại theo sự co mình của cả một lớp người với một lối sống rất riêng. Một lối sống không loanh quanh, chậm rãi, đầy suy lắng.
Thời nào thì tác phẩm cũng chẳng nhiều bằng đầu sách. Đây là một tác phẩm. Là thứ văn chương hay từng chữ, không thể đọc như kiểu tiếp nhận thông tin. Ở trong đó vắng bặt cái nết lắm mồm loè đời của vô khối nhà văn. Cũng chẳng có kiểu tỉa tót. Nhưng nếu không thấm được cái lịch lãng đãng của nhiều thời, nếu không từng trải, hay thiếu cái cẩn trọng mà mọi loại hình nghệ thuật đều đòi hỏi cửu vạn của nó thì không ra được câu chữ này đâu.Cứ thử đọc ngẫu nhiên một dòng nào đó mà xem. Đây: nỗi mong ngóng người đi (cho khuất mắt) còn khắc khoải hơn cả nỗi ngóng người về. Ngoa ngoắt đến thế thì thôi. Nhưng cũng là trải đời lắm lắm. À quên, lại buộc phải nhớ rằng người viết là họa sĩ. Dân vẽ mà chuyển sang viết thì… Nói rồi đấy. Chỉ nội một chuyện dục tính thôi nhá. Các qúy vị viết trẻ hay già ưa đeo bám đề tài sex rất nên đọc cha này. Lão viết chuyện thịt da cực bạo, thẳng tưng, mà không thô thô bẩn bẩn, không tội nghiệp ta đây đang vì đủ các thứ quyền. Có những tiểu đoạn đẹp lạ lùng. Có lẽ, cuối cùng vẫn là chuyện vốn lịch lãm dư giả chảy qua chữ. Nhục cảm cuối cùng vừa là ham thú tồn sinh, vừa là cách thế để con người thấu cho nhau những nguồn cơn không nói khi chúng ta quay trở lại che giấu, như một phản xạ có điều kiện, cái phần Con trong người mình. Thật chẳng dễ gì viết thế. Nên mình toàn lờ toẹt cái đề tài có vẻ đang thúc cái dục của vô khối nghệ sĩ này.
Mình không nghĩ ngay lập tức tất cả sẽ thích đọc cha họa sĩ này. Nhưng đến một lúc, khi đã tích cóp được trước là kinh nghiệm ở đời, sau là ít nhiều khả năng thông cảm để mà trầm tĩnh lại – cái gốc để có riêng một kinh nghiệm nghệ thuật – thì khó cưỡng.
Biết vậy, mà lúc nào cũng phải thừa nhận hấp lực của một kẻ nào đó đối với mình, ức không chịu được.
Lão thầy vẽ ấy in vèo vèo gần chục cuốn rồi đấy. Mình biết dĩ nhiên mình sẽ tìm lão đọc nữa. Ức không chịu được. Và đã thế, thề, mình sẽ bỏ lão, không viết thêm gì nữa đâu.
Nhân đọc Chảy qua bóng tối của Đỗ Phấn
Lê Minh Hà
Các thao tác trên Tài liệu