Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chiếc đèn ló thụt

Chiếc đèn ló thụt

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 09/02/2012 11:19, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Chiếc đèn ló thụt


Nguyễn thị Kim Thoa



Giữa tháng tư năm 1975 gia đình tôi từ Đà Nẵng trở lại Huế sau chuyến di tản dài gần hai tháng. Chúng tôi thở phào vì nhà cửa vẫn y nguyên không sụp đổ do bom đạn, cũng không bị đập phá bởi những người tạm cư khi chúng tôi vắng mặt. Trên đại thể, biến cố 1975 không để lại những hậu quả nặng nề của biến cố 1968 như tuyên truyền của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, cũng không theo như dự kiến của chúng tôi. Anh cả tôi NĐH - đại úy quân y, đi học tập cải tạo 06 tháng, được về nhà sớm hơn những người cùng cảnh ngộ. Anh rể tôi PVT trung úy bộ binh bị mất tích trong cơn tháo chạy tán loạn. Chị gái lớn của tôi NTKH, người của Mặt trận trong phong trào đô thị ở Đà Lạt, bị chết do tai nạn giao thông trong một chuyến về thăm ông anh cả đang cải tạo ở Cồn Tiên. Như thế biến cố 1975 đã để lại cho gia đình tôi một tổn thất, một nỗi đau lớn. Nhưng mẹ tôi, như một gà mẹ xòe đôi cánh khẳng khiu che chở cho đàn con còn lại, đã trấn an chúng tôi bằng một nhận định: Chiến tranh kéo dài quá lâu, chết chóc, thù hận, đổ vỡ quá nhiều, kết thúc như vậy là tốt lắm rồi. Tôi đồng ý và chia sẻ tấm lòng của mẹ, chúng tôi nén vào lòng nỗi đau riêng, cố gắng hòa nhập vào cuộc “đổi đời”. Nhưng cái được gọi là hòa bình và cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa long trời lở đất, từng bước khiến chúng tôi ngỡ ngàng và thất vọng. Những vết thương chiến tranh chỉ được khâu vá vội vã và tạm bợ ở lớp da bên ngoài. Những cắt xé, rách vỡ ở lớp bì mô bên dưới, những ung thối ở lục phủ ngũ tạng vẫn còn y nguyên và cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng đã làm tăng thêm những vết thương mới.

Tôi trở lại trường y nơi mà thầy trò, bạn bè đã thân quen sáu năm tròn nay trở nên e dè, thận trọng, chẳng có nụ cười trọn vẹn của niềm vui tái ngộ, chỉ có những lời chào hỏi chiếu lệ, những cái bắt tay hững hờ, những ánh mắt thăm dò, tra vấn, ái ngại. Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng người thì tiếp tục cắt chia. Nhiều người thu mình lại trong các vỏ bọc tưởng rằng đã kiên cố. Nhiều người khác kín đáo bày tỏ nhiều thất vọng quá sớm chỉ sau mấy ngày vồ vập đón mừng cuộc trùng phùng mong ước chờ đợi suốt hai chục năm với người ruột thịt. Những người khác nữa, hăm hở, xông xáo bày tỏ quan điểm lập trường và quyền lực cách mạng một cách quá đáng và bệnh hoạn – một thứ quyền lực được ban phát từ một đấng nào đó, được quơ cào, nắm bắt nóng vội và cơ hội.

Chúng tôi ngày hai buổi bị đẩy vào hai nơi chẳng một ai muốn đến. Buổi sáng đi bệnh viện và buổi chiều đến giảng đường để học tập chính trị.

Ở bệnh viện, ngoại trừ một vài buổi may mắn gặp được các đại sư cỡ Tôn Thất Tùng vừa có trình độ chuyên môn cao, sâu và rộng, vừa có phong cách giao tiếp lịch sự tinh tế, suốt một năm chúng tôi bị bắt buộc phải chấp nhận những ông thầy, những bác sĩ giả, chọn không đúng nghề. Và như thế chúng tôi – thầy trò của trường y cũ và các vị ở Bắc vào tiếp quản – đã xẩy ra hằng ngày những chuyện trái khuấy. Những chuyện trái khuấy đầy tính chất bi hài đó nếu kể hết là cả một cuốn sách dài, tôi không có ý định kể lại ở đây.

Ở giảng đường các buổi học chính trị thực tế là những cuộc tẩy não tại chỗ, một cuộc trấn áp tinh thần chúng tôi hoàn toàn không chờ đợi. Thay vì dạy và học, chúng tôi: Thầy và trò đã diễn ra một tương quan đáng buồn. Thầy thì chửi bới, ca tụng rất thiếu căn cớ và tầm phào. Trò thì ghi ghi chép chép, gà gà gật gật rồi vỗ tay tán thưởng râm ran. Giảng đường của trường Đại học biến thành một láng trại quân đội, đặc biệt là trong những ngày đổi tiền.

Huế những tháng đầu của hòa bình, thống nhất và cách mạng Xã hội chủ nghĩa qua tiếp nhận của tôi không những có một khoảng cách lớn giữa ước mơ và hiện thực, giữa lời nói và việc làm, mà còn là một cuộc vận động bi đát và hài hước ngoài sức tưởng tượng trong khắp các ngõ ngách của cuộc sống và trong sâu thẳm của tâm hồn.

PVD, một sinh viên năm thứ tư đã nhảy lầu tự tử vì bị sỉ nhục bới chính người cha đi tập kết về – Người mà mẹ con anh đã khắc khoải trông mong chờ đợi suốt hai mươi năm. Quần ống loe, mái tóc dài và nói năng tự do là nguyên nhân của tấn bi kịch. Tất cả những thứ ấy đối với người chính ủy đều là sản phẩm của văn hóa đồi trụy, là con đẻ của chủ nghĩa tư bản và đế quốc Mỹ xâm lược. Như thế là hai mươi năm người mẹ đã nuôi dạy con trong lầm lạc, người con trở nên hư đốn phản động. Và như thế là người chồng, người cha mà hai mẹ con đã mong đợi mỏi mòn suốt hai mươi năm nay đã trở về với cung cách và lời ăn tiếng nói của một kẻ xa lạ, một quan tòa, sản phẩm của một phía chiến tranh. Và như thế hòa bình đã không lập lại, thống nhất đã không thực hiện nơi cái gia đình bé nhỏ tội nghiệp này.

H bạn cùng lớp với tôi, có nhà ở đường phố THĐ, cha mẹ là một chủ tiệm buôn không lấy gì to lớn. Cha H là cựu kháng chiến, là người đã đóng góp cho Mặt trận trong chiến tranh chống Mỹ. Chiến tranh kết thúc. Gia đình H bỗng nhiên trở thành kẻ thù của giai cấp, bị cải tạo. Gia đình gồm 6 người, bị đẩy về phía sau căn phố, cửa mở ra khu ổ chuột phía bờ hồ. Phần chính của căn phố và tiệm buôn bị trưng thu trưng dụng, bảng hiệu cũ bị gỡ xuống, bảng hiệu mới treo lên. Cửa hàng thương mãi quốc doanh thay thế thương mãi tư sản tư doanh. Mặt tiền đường Trần Hưng Đạo trở nên xơ xác tiêu điều. Tôi đến tìm H bởi hơn hai ngày bạn không đi học. Cửa nhà sau đóng kín bưng. Bà con lối xóm bảo gia đình H đã chuyển đi Sài Gòn. Sự thật chỉ đúng một nửa. H đã vượt biên cùng với hai người em trai. Cô em út cùng với ba mẹ đi làm rẫy ở Long Khánh. Tôi biết chuyện này mấy năm về sau. Hòa bình và thống nhất đối với gia đình H là chuyện viễn mơ.

*

Đây là chuyện nhà tôi. Một ngày giáp Tết 1975, chúng tôi có một người khách to cao oai vệ. Ông là một vị tướng cách mạng. Người mà mẹ tôi vẫn thường nhắc kể cùng chúng tôi với rất nhiều cảm phục và quí mến. Người mà thời niên thiếu đã cùng chạy nhảy vui đùa với mẹ và các cậu tôi như những người bạn thân thiết, người mà ông ngoại tôi đã cưu mang giúp đỡ trong một thời gian dài để thực hiện tình ruột thịt và cũng để bày tỏ lòng yêu nước. Ông tướng là anh em chú bác ruột của mẹ tôi. Chúng tôi kêu bằng cậu. Cậu H cái tên chúng tôi thuộc nằm lòng bởi những câu chuyện của mẹ tôi nói về ông là những sự tích anh hùng. Chúng tôi đã sung sướng lắng nghe và hãnh diện vì mình là con cháu của nhà cách mạng như thế. Cuộc viếng thăm của ông đã làm tăng thêm niềm sung sướng và hãnh diện của chúng tôi. Nhưng rồi chúng tôi chỉ thấy mặt ông lần đầu và cũng là lần cuối. Ông đã từ giã chúng tôi vội vã vì: “mắc bận những công vụ quan trọng” mặc dù mẹ tôi đã khẩn khoản mời ông ở lại ăn bữa cơm đoàn tụ. Sau tết âm lịch Bính Thìn (1976), cậu HĐTh em ruột ông tướng HĐH từ Hội An ra Huế thăm chúng tôi, mẹ tôi kể chuyện cuộc thăm viếng cập rập của ông anh, cậu HĐTh không tế nhị và giữ gìn gì, đã thật thà nói với mẹ tôi: “Anh ấy sợ chứ không phải bận công vụ. Anh ấy thắc mắc cô làm gì cho Mỹ - Ngụy mà ở cái nhà to như vậy?

Căn nhà của chúng tôi đang ở đã làm cho ông tướng cách mạng sợ là nhà thờ tổ tiên do ông nội tôi để lại. Nhà trệt khá to nhưng cũ kỹ. Ba tôi là cựu kháng chiến, đã hối tiếc suốt mấy năm trước khi qua đời vì không được tiếp tục chiến đấu cho nền độc lập của nước nhà.

Từ sau 1954, mẹ tôi một mình chạy vạy để nuôi chồng bệnh yếu và đàn con thơ dại bữa đói bữa no. Bà sang lại một sạp hàng bán tạp hóa, bút chỉ văn phòng tại chợ Đông Ba. Cậu H nhìn qua ngôi nhà to lớn đã quá sợ nên không kịp hỏi han cô em họ và cũng là bạn bè thân thiết thuở thiếu thời về tình cảnh mẹ góa con côi sau những biến cố to lớn 1968, 1972, 1975. Đối với mẹ tôi, chiến tranh đã kết thúc thật sự vì con trai – anh cả chúng tôi, đã bảo tồn được sinh mạng cho dù phải đi học tập cải tạo và người anh chú bác đã trở về cho dù tâm hồn có chuyển hóa thế nào. Nhưng đối với riêng tôi, thái độ và cách ứng xử của cậu H, một “vị tướng của quân đội nhân dân” đã góp phần làm tôi sợ cách mạng, sợ Xã hội chủ nghĩa. Tôi là sinh viên Y khoa, nếu không có biến cố 1975 tôi đã là bác sĩ, tình trạng tâm lý của vị tướng cách mạng theo tôi là một dạng thái tâm thần phân liệt, quá nghi ngờ, hoang tưởng về một ám hại của bất cứ ai không phải là bản thân mình. Tình trạng tâm lý bệnh hoạn này qua kinh nghiệm giao tiếp tôi thấy diễn ra khá phổ biến nơi những người có quyền lực của chế độ mới. Bên gia đình nhà chồng tôi cũng xảy ra một trường hợp tương tự. Ông anh chồng tôi, một sĩ quan cấp tá và ông tướng HĐH của gia đình bên ngoại tôi rất giống nhau trong các nhận định về miền Nam và cách ứng xử với bà con ruột thịt sống trong vùng kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Họ sợ cả hai chiều: Sợ liên lụy với quần chúng sống trong lòng địch và sợ sự soi mói phê bình của người cùng phe. Nếu điều đó là tàn tích của chiến tranh thì không là vấn đề lớn. Bởi một khi chiến tranh bị đẩy lùi tình trạng tâm lý lệch lạc sẽ chấm dứt với các biện pháp của y tế. Trong trường hợp nó là kết quả của cuộc vận động cách mạng Xã Hội chủ nghĩa thì vấn đề trở nên trầm trọng, bởi nó, theo tôi là vấn đề của văn hóa. Cách mạng Xã hội chủ nghĩa theo những gì chúng tôi nhận được từ các buổi học tập chính trị là cuộc cách mạng cuối cùng của xã hội loài người mà lại bắt đầu bằng sự sợ hãi và nghi ngờ không những với đối phương mà còn với quần chúng và nhất là với những đồng chí của chính mình thì đó là tình trạng rối loạn tâm thần chứ không phải là một cuộc cách mạng do những con người lành mạnh cả hai phương diện trí tuệ và tâm lý chủ trương và tiến hành nhằm mục đích tối hậu là phục vụ con người.

Suy nghĩ như thế những cũng chỉ với một mình, không dám trao đổi, chia sẻ với bất cứ ai, bởi các mối quan hệ ngoài gia đình đã trở nên đáng ngại.

*

Một sự kiện khác đáng buồn cũng đã xẩy ra tại nhà tôi vào đầu niên khóa 1975-1976. Một hôm từ trường về, tôi thấy nhà có khách, mẹ tôi đang ngồi nói chuyện với ông tổ trưởng dân phố và ba thanh niên có vẻ là bộ đội. Đối với gia đình tôi, ông tổ trưởng dân phố là chỗ thân quen, chúng tôi biết ông và cả gia đình ông là người của Mặt trận từ tết Mậu Thân. Do vậy mà dù ông xuất hiện với ba thanh niên lạ chúng tôi cũng chẳng lo ngại gì. Ông tổ trưởng dân phố đề nghị mẹ tôi cho ba thanh niên bộ đội giải ngũ ở trọ để đi học đại học. Nhà tôi rộng nên chúng tôi đã chấp nhận đề nghị của ông tổ trưởng khá dễ dàng. Như thế căn nhà mà mấy tháng sau ông tướng cách mạng là cậu họ tôi đã sợ nên vội lánh xa, bắt đầu từ đó có thêm ba người đã từng là bộ đội cách mạng cư trú. Nhà rộng, vườn rộng, lòng chúng tôi cũng không hẹp. Ba thanh niên đã quen với khung cảnh thênh thang của núi rừng tỏ ra vừa lòng và dễ mến trong suốt thời gian đầu ở chung với chúng tôi. Nhưng rồi chuyện đáng buồn đã xảy ra, chỉ đối với riêng tôi là trầm trọng. Đối với những người khác trong gia đình tôi mãi cho đến ba năm sau, khi ba anh sinh viên tốt nghiệp, ra đi không để lại điều gì đáng chê trách.

Trước khi kể lại câu chuyện “đối với riêng tôi là trầm trọng” tôi xin giới thiệu ông tổ trưởng dân phố. Bởi theo tôi không có ông tổ trưởng dân phố, sẽ không có ba anh sinh viên bộ đội cư trú trong nhà tôi. Và như thế sẽ không có câu chuyện đối với riêng tôi là trầm trọng một cách đáng buồn.

Ông tổ trưởng dân phố tên là Tống Phước Thiệt, ông là dân ngụ cư, có lẽ là tầng lớp trên ở nông thôn. Tôi không biết đích xác gia đình ông đến ở Vỹ Dạ vào thời kỳ nào. Tôi biết nhà ông xây trên mảnh đất mua lại của phủ Vi Dã, phủ lớn nhất và cũng suy tàn sớm nhất ở Vĩ Dạ. Đến thế hệ tôi phủ Vi Dã chỉ còn lại một cái cổng có mái che đổ nát và điêu tàn. Từ cổng ngó vào là một con hẻm nhỏ sâu hun hút cuối hẻm là căn nhà nhỏ xác xơ của một người cháu đời thứ tư hay thứ năm gì đó của nhà quí tộc chủ nhân. Hai bên con hẻm là những ngôi nhà to nhỏ sang hèn khác nhau của những người từ nông thôn lên hay từ nơi khác đến. Ông Tống Phước Thiệt không ở trong con hẻm này, ông ở trong con hẻm bên cạnh cũng là đất của phủ Vi Dã đã cắt bán. Nhà ông Thiệt sống bằng nghề đại lý mắm ruốc đem từ các làng ven biển lên phân phối cho các chợ nội ngoại thành phố Huế. Suốt ngày xe cộ tấp nập (đa phần là xích lô, xe kéo (ở Huế còn gọi là xe bò) ra vào nhà ông Thiệt. Vợ chồng ông Thiệt có sáu người con, một trai, năm gái. Năm người con gái xinh đẹp, mạnh khỏe không cô nào học hết phổ thông. Nhà có con gái xinh đẹp lại bình dân nên cũng tấp nập ra vào những người trai trẻ, có cả sĩ quan quân đội Cộng Hòa trong số ấy. Điều làm cho bà con lối xóm bàn tán và chê bai là lần lượt người con trai và bốn cô gái lớn vắng bặt trong xóm. Không có đám cưới nào được tổ chức chứng tỏ họ đi lấy chồng. Người lối xóm đa phần từ nông thôn tới nên dư luận là một sức mạnh. Người ta hỏi thẳng vợ chồng ông Thiệt rằng các con ông đã đi đâu? Cả hai tỏ ra buồn rầu trả lời: “Thằng con trai đi theo tụi du đãng và mấy đứa con gái bỏ nhà trốn theo trai”. Do thái độ như vậy của vợ chồng ông Thiệt đối với đám con hư hỏng nên bà con lối xóm cũng chỉ đàm tiếu sau lưng.

Ông Tống Phước Thiệt là người hòa nhã, trung hậu, quan tâm và đối xử với bà con quanh xóm một cách tử tế. Trong biến cố Mậu Thân ông xuất hiện trước đa số bà con như một ông thần hộ mệnh. Là người của Mặt trận (bà con gọi là Việt cộng nằm vùng) nhưng ông lại che chở và dẫn đường cho một số sĩ quan cấp thấp của quân đội Cộng Hòa quanh xóm trốn tránh bạo lực cách mạng. Anh trai tôi - NĐH - là một trong số đó.

Đêm ba mươi tết Mậu Thân, tiếng pháo nổ râm ran hơn mọi năm. Chúng tôi đang quây quần bên bàn đổ Xăm hường, ông Thiệt gõ cửa vào nói nhỏ với me tôi: “Quân giải phóng đã về, bà cho đại úy trốn đâu đó trong nhà, đừng bơi qua sông, đợi cơ hội thoát thân”.

Sáng mùng một, chừng năm sáu du kích và ông Thiệt đến nhà tôi. Một du kích nói: “Nhà này có một đại úy ngụy, ông ấy đâu hãy mau ra đầu hàng quân Cách mạng”. Me tôi chưa kịp trả lời, ông Thiệt đã chen vào: “Thằng cha đó máu me cờ bạc, có biết gì gia đình tết nhứt, giờ này chắc đỏ đen sát phạt nhau bên câu lạc bộ bọn sĩ quan rồi”. Mấy người du kích sục sạo định bắn lên trần nhà, nhưng ông Thiệt đã kịp thời cản ngăn: “ Kỷ luật Mặt trận không được làm hại nhà dân, các anh làm thế nào để sau này tôi còn ăn nói với bà con”. Thế là anh tôi thoát nạn. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Sáng ngày mùng bốn Tết, ông Thiệt vào nhà tôi nói: “ Quân Cách mạng đang tập trung họp ở chợ Vỹ Dạ, bà cho đại úy xuống và chạy qua đập, có chúng tôi canh chừng”. Anh tôi từ trần nhà leo xuống, không kịp thay áo quần, cùng với mấy sĩ quan khác trong thôn chạy qua Đập Đá theo sự hướng dẫn của một cô gái mặc áo đen đội mũ tai bèo, con gái ông Thiệt. Thái độ của ông Thiệt “Việt Cộng nằm vùng” đối với gia đình tôi và những gia đình khác quanh xóm hoàn toàn trong sáng và tự nguyện. Không có lợi lộc, không có hậu ý chính trị.

Sau biến cố 1975, người con trai và bốn cô con gái của ông Thiệt lần lượt trở về. Té ra họ không theo du đãng, cũng không theo trai. Họ theo Giải phóng. Họ làm gì đó trong guồng máy của chế độ mới, nhưng thái độ của cả nhà vẫn bình thường, không vênh váo, không tỏ ra quyền lực. Sau này khi mẹ tôi qua đời, họ đến thăm, phúng điếu, thắp hương và đưa mẹ tôi một quãng đường.

Ông Thiệt Việt cộng nằm vùng là như thế, nên khi ông đưa ba sinh viên - bộ đội đến nhà, mẹ tôi vui vẻ sắp xếp chỗ ở cho họ. Căn nhà ngang chia hai. Nửa phía ngoài dành cho anh trai kế tôi và hai người bạn cùng học y với chúng tôi, nửa phía trong dành cho ba anh sinh viên sư phạm cựu kháng chiến.

*

Sự xuất hiện và tồn tại lâu dài ba người mới đến không làm chúng tôi lúng túng, không gây trở ngại khó khăn gì cho sinh hoạt của gia đình chúng tôi. (mọi sinh hoạt, ăn uống đều riêng). Hoàn cảnh sống và sinh hoạt có chênh lệch đôi chút nhưng không là vấn đề. Tất cả đều sống nhờ tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm hàng tháng, khó khăn nhiều nhưng không đói. Họ là sinh viên Sư phạm có phụ cấp hàng tháng. Tôi và anh tôi học Y có phụ cấp ít hơn, bù lại mẹ tôi có sạp hàng nhỏ bán tạp hóa ở chợ Đông Ba thu nhập hàng ngày chẳng được bao nhiêu nhưng cũng tạm đắp đổi các nhu cầu cấp thiết cho cả nhà gồm sáu nhân khẩu. Tôi còn có cô em kế là sinh viên Sư phạm năm thứ ba và hai đứa áp út và út đang học trung học.

Tôi và anh kế là sinh viên Y khoa năm cuối (chương trình 7 năm), ba người ở trọ là sinh viên Sư phạm năm đầu nhưng cùng trang lứa. Chúng tôi từ trường trung học vào Đại học. Họ vào Đại học sau sáu bảy năm tham gia cuộc chiến. Những kiến thức chúng tôi thu nhận được từ trường phổ thông và đại học trong những điều kiện tương đối tốt hơn họ, bất cứ ai cũng có thể có được nếu ở trong hoàn cảnh xã hội và gia đình tương tự. Nhưng những gì ba anh sinh viên sống sót trở về từ cuộc chiến ác liệt và đẫm máu kết tập và un đúc nên đối với tôi là những câu chuyện truyền kỳ.

Trong đời thường tôi đã là đứa hiếu kỳ. Cuộc chiến tranh được kể lại từ những người tiểu anh hùng càng kích thích thêm tính tò mò của tôi. Thành thật mà nói, những sinh viên ở trọ đã thích ứng với gia đình tôi rất nhanh. Họ cởi mở năng động và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong một số công việc thường ngày. Thấy chúng tôi chẻ củi, xách nước, quét sân, làm vườn, họ săn tay giành lấy. Những buổi tối mất điện hay rảnh rỗi họ ra sân ca hát và chuyện trò râm ran. Chúng tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện và lời ca tiếng hát của họ.

Những câu chuyện họ kể, những lời giải đáp các câu hỏi do tò mò, hiếu kỳ của chúng tôi là tình cờ và tự phát, không được chuẩn bị trước như những buổi học chính trị tại trường đại học, Qua họ tôi biết nhiều hơn về miền Bắc, về cuộc chiến ở miền Nam mà họ là người trong cuộc về một phía, và chúng tôi – bản thân tôi – là người ngoài cuộc hoặc ở bên lề, thậm chí về phía đối nghịch.

Tôi không có năng khiếu âm nhạc, nhưng hay hát nho nhỏ một mình và đặc biệt thích nghe hát và sưu tầm các nhạc phẩm. Trước 1975 mỗi lần ngồi vào bàn học, tôi thường mở radio nghe các chương trình ca nhạc của đài Sài Gòn, Huế và cả đài Giải Phóng, đài Hà Nội. Mở nhỏ, vừa nghe vừa học bài hay làm bài. Tôi còn sưu tầm các nhạc phẩm in riêng rẽ hay thành tập của các nhà xuất bản, đặc biệt nhà xuất bản Tinh Hoa. Tôi không có thành kiến với bất cứ thể loại âm nhạc nào. Hành khúc, tình ca, dân ca, nhạc thính phòng hay “nhạc kẹo kéo” (nhạc boléro)... Tôi không phân biệt đối xử với nhạc miền Nam hay nhạc miền Bắc. Theo tôi không có nhạc nhạc Quốc Gia hay nhạc Cọng Sản.

Mỗi lần ba anh sinh viên ở trọ ra sân, tôi cũng xách cái ghế nhỏ ra sân hay ngồi ở cái ghế xích đu trên hiên nhà để nghe họ hát. Tôi lắng nghe thích thú các giọng ca mộc mạc hồn nhiên của họ. Với cây ghita trong tay, họ say sưa tự tín hát tất cả các bài ca kháng chiến trước đây họ đã hát trên rừng. “Đảng đã cho ta một mùa xuân...” “ Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng....”, “Anh đang bộ hành quân pháo lăn dài chiến dịch, bồi hồi đêm xung kích chợt nghe tiếng pháo reo, ngôi sao trong mắt em trong những đêm không ngủ, giáo án em vẫn mở cho ánh sao băng vào... bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ...”, “ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo..., “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân, gởi về miền Nam yêu thương nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ... Về tương lai ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin... bốn phương, gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan...”

Nghe họ hát, nhìn dáng vẻ và nét mặt của họ lờ mờ dưới ánh trăng tôi nhận ra rằng họ đã có một thời trai trẻ đẹp, gian khổ và hào hùng. Cuộc chiến tranh đẫm máu, khốc liệt bớt đi một phần xa lạ với chúng tôi.

Nhưng những câu chuyện kể về những trải nghiệm chiến tranh của từng người một thật sự cuốn hút chúng tôi. Ba người sinh viên ở trọ chẳng phải là một nhóm chiến đấu từ trên rừng cũng không phải là người cùng quê. Thực tế họ đến từ những làng quê khác nhau và đã chiến đấu trong những đơn vị và địa bàn khác nhau.

Những câu chuyện của họ đa phần là kể cho nhau nghe, nội dung tùy thuộc vào ký ức nào đó hay môt ý tưởng nào đó chợt nẩy nở trong đầu của người này, được tiếp nối bởi một ký ức hay một ý tưởng nào đó của người kia, và cứ thế câu chuyện lan man diễn biến không theo một chủ đề, một trật tự nào cả, thông thường là đầu ngô mình sở, đầu voi đuôi chuột. Được, anh chàng người xứ Nghệ đang say sưa kể về “tiểu đoàn lá bép” của anh tại miền Đông Nam Bộ trong những ngày đói khát sau Mậu Thân bị cắt ngang bởi những bữa ăn được kể cho đỡ đói của anh chàng người Đồng Hới tên Bường tại một hốc núi nào đó ở ngã ba biên giới. Câu chuyện được tiếp nối bởi một trận dội bom của máy bay B52 làm cả một đại đội tan nát khi mới dừng chân bắt bếp chuẩn bị bữa ăn sau chuyến hành quân dài tại thung lũng A Shau. Anh chàng thứ ba người Hà Nội giải thích lý do sống sót của mình vì đi chậm do đang lên cơn sốt rét... Như thế, tùy theo tình tiết của các câu chuyện mà họ đã khóc sướt mướt hay bò lăn ra cười, hết cười lại khóc, lại hát, lại ca.

Thành thật mà nói tôi đã rất thích nghe về cuộc chiến tranh chống Mỹ qua những câu chuyện và những bài hát của ba người lính trên sân nhà tôi trong những đêm mất điện. Và sự thật là những hiểu biết của tôi tăng lên rất nhiều so với trước đây (1975) và so với những buổi học chính trị có bài bản và được trình bày thao thao bất tuyệt bởi các giảng viên tuyên huấn.

*

Thấy tôi có vẻ thích thú hóng chuyện, anh sinh viên cựu kháng chiến tên Bình người Hà Nội đem tặng tôi cây đèn ló thụt – một dụng cụ tùy thân trong thời kháng chiến anh vẫn để trong một góc ba lô sau ngày hòa bình. Trước khi nói về cây đèn ló thụt, tôi viết thêm về anh bộ đội là cháu ngoại của Huế này. Mẹ Bình là một thiếu nữ Huế, học sinh Đồng Khánh, tham gia cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Cuộc kháng chiến đã đẩy bà từ thành phố Huế lên chiến khu Thừa Thiên, ra khu Bốn, lên Điện Biên Phủ. bà trở thành du kích, từ du kích, bà trở thành ca sĩ, kịch sĩ trong đoàn kịch do nhà văn Thanh Tịnh điều hành. Trên những chặng đường chiến đấu và lưu diễn, bà yêu một đồng chí nghệ sĩ, tình yêu của họ kết tụ bằng cuộc hôn nhân và Bình đã mở mắt chào đời giữa bốn bề lửa đạn. Bình tên anh, là khát vọng của bố mẹ và cũng là khát vọng chung của cả dân tộc: Hòa Bình. Anh vào lính và ngày chuẩn bị đi Nam, mẹ anh bảo nếu có thể chọn lựa, anh nên về lại Huế, chiến đấu trên mảnh đất mà bà đã sinh ra, lớn lên và đã giã từ để lao vào cuộc chiến.

– “ Vì nền độc lập của dân tộc mà mẹ em đã ra đi, cũng vì nền độc lập của dân tộc và sự vẹn toàn thống nhất đất nước mà em thay mẹ trở về, Huế đối với mẹ là cái gì đó vô cùng thiêng liêng.” Bình nói với tôi

–  “ Còn vì Chủ nghĩa xã hội nữa chứ?” tôi hỏi

–  “ Có thể với bố với mẹ và cũng chỉ ba bốn năm đầu. Với em thì không, Tuyệt đối không.” Bình trở nên buồn bã và cộc lốc.

Mấy ngày sau Bình đem cho tôi cây đèn ló thụt và nói với tôi một thôi dài:

– “ Chị có vẻ quan tâm quá mức bình thường tới cuộc chiến tranh mà em đã bỏ cả quãng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người – tuổi trẻ – để tham dự. Cây đèn này đã theo em trong những năm tháng khó khăn gian khổ và mộng mị ấy. Đã có lúc em xem nó như một kỷ vật và có ý định bảo lưu nó trọn đời. Nay thì thôi. Em biếu chị. Độc lập mà không có tự do, mà chuyên chính toàn diện và tuyệt đối thì còn tệ hơn nhà Nguyễn quân chủ và phong kiến. Thống nhất mà người đàn áp bóc lột người có thua gì thực dân cướp nước chia để trị. Triều đình nhà Nguyễn dẫu có thế nào cũng đã để lại những giá trị vật chất và tinh thần không ai có thể phủ nhận. Còn chế độ này trong lãnh vực giáo dục và đào tạo – mà em là nạn nhân trực tiếp – đang tàn phá tâm hồn dân tộc mà cha ông đã gây dựng hàng ngàn năm...”

Càng lúc tôi càng sững sờ trước lời bộc bạch mãnh liệt của Bình. Tôi nắm chặt cây đèn ló thụt trong hai bàn tay như người mất hồn. Đứng bất động một hồi lâu, Bình bỏ đi lúc nào tôi không chú ý.

Mấy ngày sau tôi phát hiện Bình vắng mặt. Tôi hỏi hai người bạn còn lại, họ trả lời rằng Bình đã bỏ đi cả tuần không nói năng gì. Có khả năng anh đã về Hà Nội.

Cây đèn ló thụt Bình tặng, tôi để tại một góc của tủ sách. Cây đèn mà trong chiến tranh Bình đã xem như một vật tùy thân không thể tách lìa, cây đèn mà đã có lúc Bình xem như là chứng tích của một thời trai trẻ trách nhiệm và cống hiến vì nền độc lập của đất nước, vì tự do và hạnh phúc của dân tộc. Tại sao Bình không trân trọng giữ nó như dự định lúc còn chiến tranh? Tại sao Bình mang nó cho tôi với lời bóng gió mỉa mai rằng tôi đã quan tâm quá mức bình thường tới cuộc chiến? Phải chăng anh đã phủ nhận tất cả để rồi phủ nhận luôn chính bản thân mình? Rất nhiều câu hỏi tôi tự đặt ra cho bản thân sau sự kiện Bình đột ngột rời bỏ Đại Học, rời bỏ Huế?

Bình ra đi chẳng bao lâu thì chỗ của anh trong căn phòng mẹ tôi dành cho ba sinh viên cựu kháng chiến có một người điền khuyết. Sự thay đổi nhân sự này mẹ tôi không được hỏi ý kiến mặc dù các sinh viên được cư trú miễn phí từ lúc đầu đến thời điểm này (cuối năm 1976)

Vào một ngày áp tết âm lịch Bính Thìn (1976) trong lúc đang nấu nướng ở bếp, tôi nghe có tiếng cãi vã ồn ào trong phòng các anh ở trọ. Cuộc cãi vã biến thành cuộc xung đột chưa đến mức độ thượng cẳng tay hạ cẳng chân nhưng xem ra nghiêm trọng. Họ đã chửi bới nhau thậm tệ khiến tôi tò mò chú ý lắng nghe. Thì ra nguyên nhân của cuộc xung đột là sự ăn chia thế nào đó về số tiền họ kiếm được từ những vụ trộm cắp các thiết bị điện - nước tại các giảng đường, hành lang, khu vệ sinh của các phân khoa trường Đại học và các khu vực công cộng của thành phố.

Họ đã tiến hành các vụ trộm từ lâu, từ thời còn có Bình. Phải chăng đây cũng là một lý do gần để Bình từ bỏ...

Tôi trở lại bàn học, cầm cây đèn ló thụt mà Bình đã “vứt bỏ” – cho tôi, “vì chị đã quan tâm đến cuộc kháng chiến quá mức bình thường”.

Cây đèn ló thụt là một nhặt nhạnh, gắn kết một cách khéo léo các phế liệu từ cuộc chiến tranh. Nó gồm hai phần: Hộp đèn bằng kim loại hình trái xoan cắt bằng chóp dưới làm đế, chóp trên là một cái nắp có chức năng làm chóa ngăn sáng và che gió (phần này có lẽ cắt từ vỏ đạn M79). Phần đèn là một cái chai thủy tinh nguyên là cái chai nước hoa ngoại nhập. Miệng chai nhỏ, nắp chai kín và bền. Ruột đèn là cái vỏ đạn thẳng đứng từ đáy chai lên gần miệng chai, có chức năng làm giá đỡ cho bọng và tim đèn. Tim đèn luồng trong một cái ruột bút bi bằng đồng ló lên khỏi miệng chai một chút. Lò xo của ruột bút bi có nhiệm vụ nén và hoàn lực. Khi sử dụng, mở nút chai, đầu bút bi mang tim đèn bật lên. Khi hết sử dụng, đậy vặn nút chai, đầu bút bi mang tim đèn bị đẩy thụt vào.

Rõ ràng cây đèn ló thụt là một kỷ vật xinh xắn, ghi dấu những chặng đường khó khăn và mộng mị của một thời trai trẻ; nếu cuộc chiến tranh kinh hoàng với những tổn thất to lớn ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai (hàng chục triệu người chết, thương tật thể xác và tâm hồn trong nhiều thế hệ, đất nước tan hoang trở lại thời kỳ đồ đá) đem lại kết quả cuối cùng là một đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình thật sự, nhân dân được tự do hạnh phúc thật sự. Nhưng Bình đã vứt bỏ cái biểu tượng ấy. Tôi hiểu và chia sẻ một phần nỗi buồn bã và thất vọng của anh. Tôi cầm cây đèn đi xuống bếp và vứt nó vào sọt rác.

Khu nhà buổi chiều im ắng, mẹ, anh trai và các em tôi chưa về. Trong căn phòng dành cho các sinh viên cựu kháng chiến không còn tiếng cãi vã khấu ó. Chỉ có tiếng rì rầm to nhỏ. Tôi không muốn biết họ đang bàn kế hoạch gì, những người đang được đào tạo để trở thành người lãnh đạo và quản lý đất nước mà nói như người cán bộ tuyên huấn ở giảng đường trường Đại học rằng: “Lịch sử đã trao sứ mệnh cho đảng ta”.


Nguyễn thị Kim Thoa


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us