Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chùa Khuông Việt cứu trợ lũ lụt miền Trung

Chùa Khuông Việt cứu trợ lũ lụt miền Trung

- Thái Kim Lan — published 26/01/2011 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bút ký về một chuyến đi cứu trợ


Một chuyến đi


Chùa Khuông Việt ở Pháp
cứu trợ nạn nhân bão lụt 2010



Thái Kim Lan


Một sáng mùa đông ở Huế, tôi nhận được điện thư Thầy Thiện Niệm từ chùa Khuông Việt ở Pháp. Mấy dòng chữ vắn tắt như muốn nhảy bật ra khỏi máy vì vui: Thầy báo tin như reo, vừa qua sau lễ Vu Lan, Thầy và các Phật tử tại Paris đã tổ chức hai buổi cơm chay từ thiện nhằm quyên góp giúp nạn nhân miền Trung bị bão lụt. Ngoài mọi ước mong, chùa đã quyên được một số tiền khá lớn của các Phật tử. Nhân có một số anh chị Phật tử ở Pháp về nước và tình nguyện mang tiền đến tận nơi, Thầy bảo nếu lúc đó còn ở Huế, chị nên đi với các anh chị thì hay lắm.

Hai tuần sau, tôi nhận được điện thoại của Thầy Viên Mãn trụ trì chùa Báo Ân, thuộc thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền Thừa Thiên - Huế…báo tin các anh chị Phật Tử ở Pháp đã đến Huế và hôm sau ngày 11/12/2010 sẽ lên đường đi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đến tận các làng xã bị thiệt hại nặng nhất trong các trận lũ vừa qua để tặng quà. Thầy yêu cầu tôi sắp xếp thì giờ tháp tùng cùng với các anh chị. Ngày mai năm giờ xe sẽ khởi hành.

4 giờ ngày 11/12/2010 tôi vừa thức dậy đã nghe chuông điện thoại reo. Tiếng bác Nguyên Phái bên kia: “Chị Kim Lan ơi, dậy chưa? Thầy Thiện Niệm ở chùa bên tê (Paris) vừa gọi điện về nhắc bác phải đánh thức chị đó!”. Tôi thưa, “dạ con dậy rồi…”

4 giờ rưỡi lại nghe Thầy Viên Mãn gọi nhắc đi, mọi người đang đợi, rồi chị Hương của nhóm Lộc Uyển cũng gọi bảo sắp khởi hành.

5 giờ 05 phút tôi đến địa điểm khởi hành, nơi nhà của bác Nguyên Phái, đã thấy mọi người đang lục tục lên xe. Trời còn tối, chưa kịp nhận ra ai khác ngoài dáng áo nâu dài rộng của Thầy Viên Mãn và giọng nói hiền từ “Nam mô A Di Đà Phật” của Thầy, nghe an lòng mà lên xe cùng với mọi người. Chúng tôi biết Thầy từ khi Khuông Việt mới được thành lập nên rất thân thiết.

5 giờ 15 xe chuyển bánh.

Chương trình cứu trợ của chùa Khuông Việt và các Phật tử ở Pháp bao gồm cả bắc và nam miền Trung. Chuyến này đi ra Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, 3 tĩnh Bắc Trung bị thiệt hại nhiều nhất trong lũ lụt vừa qua. Dự tính đi hai ngày 11/12/12.2010. Lộ trình sẽ đi thẳng đến các địa điểm thuộc tỉnh Nghệ An trước, phát quà cho dân các xã bị thiệt hại nặng nhất, rồi quay về Hà Tỉnh, ngủ lại đêm tại Hà Tỉnh, sáng sớm hôm sau phát quà tại Hà Tĩnh, rồi về Quảng Bình phát quà và trở lại Huế. Tuần sau đó chuẩn bị đi vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Vừa đi tôi vừa cầu lộ trình sẽ đúng như vạch định, bởi vì thứ hai tôi có giờ dạy.

May Huế lạnh mà không mưa, những tưởng thời tiết phía bắc sẽ xấu hơn ai ngờ vừa đi thì trời nổi nắng, suốt cả hai ngày đoàn xe như được…trời thương, chạy êm ả.

Xe đi quá Quảng Trị, tôi tỉnh hẳn khi được bác Nguyên Phái dúi vào tay một các bánh chưng chay, gói lá chuối thật đẹp, chẳng thua chi bánh chưng của các Phật tử chùa Khuông Việt ở Paris vào dịp Tết. Lại có cả bánh mì với muối sả chay do các chị ngồi phía sau chuyền lên. Quay lại mới biết, đoàn cứu trợ từ Pháp 7 người (chị Diệu Xuân Huỳnh Ngọc Thu, thư ký và thủ quỹ chùa Khuông Việt, chị Huỳnh Ngọc Phụng, anh Trần Thanh Hùng, anh Đỗ Cao Jean Paul Tâm, chị Diệu Chơn Nguyễn Thị Thường, chị Nguyễn Văn Long Lucie Tâm, anh Nguyễn Viết Trường An) đươc đoàn Lộc Uyển yểm trợ một cách hùng hậu – đoàn áo nâu dưới sự hướng dẫn của bác Nguyên Phái và chị Ngọc Hương (thư ký) và chị Hồ thị Kim Cương (thủ quỹ) – Hình như đi theo các chị là cả…cái bếp chay! Vì hễ đói bụng là y như rằng có một món bánh…hay kẹo đưa tới đúng lúc cứu khổ…!

Vì muốn đến đúng giờ,- dự tính sẽ đến Nghệ An lúc 14 giờ và sau đó đến ngay địa điểm phát quà cứu trợ-, nên xe chạy liên tục, chỉ nghỉ một lần ăn cơm trưa và rửa tay. Những buổi cơm chay được soạn rất nhanh của bác Nguyên Phái và các chị áo nâu trong hai ngày đi cứu trợ thật khó quên. Đơn sơ với rau và khuôn đậu mà ngon miệng chi lạ.

Chúng tôi đến thành phố Vinh đúng theo dự tính sau 9 giờ ngồi xe, nghỉ và ăn cơm trưa nhanh, sau đó có người hướng dẫn đến xã Hưng Tân.


DL

Ảnh Thái Kim Lan

Khi chúng tôi đến xã Hưng Tân huyện Hưng Nguyên, cách Nghệ An hơn 30 km, đã thấy người lãnh quà tụ tập đông đủ trong phòng của UBND xã Hưng Tân, người ngồi tràn trên hành lang. Đi đến những xã trong vùng sâu, mới biết người dân ở đây còn quá nghèo khổ. Thầy Viên Mãn cho kiểm điểm danh sách những gia đình bị tổn thất nặng. Trước khi phát quà, Thầy nói vài lời về chùa Khuông Việt đã tổ chức buổi cơm chay tình nghĩa, về tấm lòng của các Phật tử ở xa, sau đó giới thiệu đoàn cứu trợ thiện nguyện từ nước Pháp xa xôi. Nhìn ánh mắt chăm chú của những người đến tham dự, bỗng thấy ấm áp và cảm giác như họ đang nắm những bàn tay vươn tới của người tha hương xa quê ngàn vạn dặm. Bất kể điều chi, tình tương lân tương trợ thuộc về con người, dù là ở đâu.

Để tránh những sơ sót, mỗi lần phát quà, các chị Lộc Uyển đứng kiểm điểm phiếu thu từng người một và các anh chị trong đoàn Pháp thay nhau phát bì thư(1). Nguyện vọng của các nhà hảo tâm là quà được trao tận tay người nhận.

Dưới sự hướng dẫn của Thầy Viên Mãn, các anh chị làm việc rất nhanh và có tổ chức (danh sách đã lập sẵn), cho nên trong vòng 2 tiếng đồng hồ đã trao đủ bì thư cho người nhận

Sau khi nói lời cám ơn xã Hưng Tân đã giúp đỡ tạo điều kiện, đoàn vội vàng lên xe đi đến trạm phát quà thứ hai trước khi rời Nghệ An.

Đến xã Nam Cát, huyện Nam Đàn thuộc Nghệ An, 4 giờ chiều. Không ai thấy mệt mỏi mà tình thân thiện trong đoàn mỗi lúc một tăng, mọi người vui cười trong xe đến nỗi quên mất lời dặn của Thầy Viên Mãn, trong khi đi phải niệm A Di Đà Phật để được bình an và mau tới đích. Xe vừa rẽ vào sân của trụ sở Hồng Thập Tự Xã Nam Cát đã thấy mọi người tề tựu đông đủ trong sân. Vì trụ sở nhỏ nên ban tổ chức đặt bàn giao quà trong sân. Phong bì đã được chuẩn bị sẵn, sau này tôi mới biết trước ngày đi các anh chị đã bỏ cả một buổi tối để phân chia tiền vào phong bì.

Không rườm rà hình thức, và với giọng nói đầy từ bi,Thầy Viên Mãn giới thiệu chùa Khuông Việt tại Paris. Tuy biết rằng đối với những người ở cái thôn xa tít cách ngôi chùa nhỏ nhắn ở tận xứ Tây kia hàng ngàn cây số, bì thư trao nhanh, chúng tôi ra về...là hết… nhưng những chiếc nón lá lệch xệch, dép cao su, những bàn chân còn dính bùn đồng ruộng, những cánh tay nhăn nheo, những nếp nhăn trên mặt người vẫn còn là những ấn tượng khó quên về nỗi cơ cực của người dân.

Từ Nam Cát, lúc ấy gần 5 giờ chiều, xe phải tìm đường đến thành phố rồi mới lên đường quốc lộ chạy về Hà Tĩnh, phát quà tại xã Nam Trưng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và nghỉ đêm tại đó. Chúng tôi có dịp nhìn xem cảnh chiều về trên đồng ruộng dọc theo quốc lộ. Cảnh trâu bò trở về chuồng, những chiếc xe bò chở các gia đình nông dân, hình ảnh đời sống nông thôn bày ra trước mắt. Sẽ thanh bình an lạc biết mấy nếu người dân không bị thiên tai, hạn hán, hết nghèo đói trên đất nước Việt nam.

Đến Nam Trưng lúc 7 giờ tối, chúng tôi đi ngay đến địa điểm phát quà. Đã thấy hàng trăm người ngồi chờ trong phòng họp trụ sở chữ Thập đỏ. Nghe nói họ đã đến lúc 5 giờ chiều.

Buổi phát quà diễn ra nhanh chóng mỹ mãn.

Phát xong trời đã tối mịt, mọi người trong thôn vội vã ra về. Chúng tôi đến nhà nghỉ lúc 9 giờ tối.

Bác Nguyên Phái và các chị đoàn Lộc Uyển đã vội xuống bếp sửa soạn buổi ăn tối. Mọi người đều đói bụng nên cơm đạm bạc mà ngon vô cùng. Ăn xong lo nhận phòng (tự túc) để đi ngủ sớm, vì ngày mai xe sẽ khởi hành lúc 6 giờ rưỡi đến trạm phát quà thứ hai ở Hà Tĩnh.

Sáng ngày 12/12/2010 sau buổi điểm tâm bằng mì gói chay, Thầy đã nhắc nhở mọi người lên xe đúng giờ.

Sương sớm còn đọng trên cành và chúng tôi lại được thưởng thức cảnh đồng quê khi xe chạy băng qua những cánh đồng. Màu nâu của đất mới cày, màu xanh của bắp non phơi phới, sương lam mơ hồ chưa chịu nhường nắng ban mai. Bức tranh quê hầu như không thay đổi, vẫn ruộng cày với con trâu sau lũy tre xanh, mà chúng tôi bao năm xa quê vẫn hằng ghi nhớ. Thật khó diễn tả nỗi xúc động mừng gặp lại cảnh cũ xen lẫn xót xa khi thấy người dân quê làm việc nặng nhọc trong sự đe doạ thiên tai giáng xuống bất ngờ, hầu như muôn đời chưa đổi.

Chúng tôi đến xã Sơn Thịnh sau hơn nửa tiếng đồng hồ quanh co trên các đường làng. Phiên chợ sớm đang nhóm ở đầu con đường nhỏ dẫn vào địa điểm, nên chiếc xe buýt tiến lên khá chật vật. Chợ quê dù nghèo nàn mà vẫn có duyên như miếng trầu của mẹ. Các chị Lộc Uyển thấy những gánh rau xanh hai bên đường là đã reo lên, nhưng xe không dừng vì đang rẽ vào sân địa điểm phát quà cho người dân xã Sơn Thịnh. Đã thấy người dân tụ tập đông đảo dưới những tàn cây bàng lá xanh đỏ.


song


Ảnh Thái Kim Lan


Sau Sơn Thịnh chúng tôi đến xã Hương Bình, huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Đường đi băng qua nhiều cánh đồng, phong cảnh ngoạn mục với những con sông nhỏ mất hút trong các lũy tre xanh. Những con sông mang tai hoạ nay trở lại êm đềm như chưa từng có cơn cuồng nộ. Đất bùn đã lẩn vào đất ruộng để thành phù sa, nhưng con trâu và người dân khổ nhọc biết chừng nào mới hết?

Hương Bình là một xã với vài ngàn dân, là một trong những xã nghèo của bắc miền Trung. Trong sân đã thấy người ngồi đứng rải rác. Việc phát quà diễn ra như ở các nơi khác. Tuy nhiên có một vài người không có trong danh sách đến xin giúp, nên Thầy Viên Mãn đã lấy từ quỹ riêng để giúp họ.

Từ Hương Bình ra đến quốc lộ số 1 mất gần 1 tiếng đồng hồ. Đoàn phải về Quảng Bình sớm để phát quà tại đó nên xe chạy không ngừng nghỉ. Tính ra từ Hà Tĩnh về Quảng Bình phải mất 4 tiếng. Bởi thế buổi cơm trưa tạm gác để có thể đến đích theo giờ hẹn với người dân ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc Quảng Bình. Chúng tôi không mệt mà thấy vui. Nhưng đến 1 giờ trưa ai cũng thấy bụng cồn cào tuy không nói. Xe vẫn chạy. Mải mê ngắm cảnh bên đường, bỗng nghe tiếng nói cười ròn rã phía sau, quay lại thấy bác Nguyên Phái và các chị đang bày mấy bó rau ra chia nhau nhặt để tranh thủ thời gian và để…đỡ nghe bụng cồn cào. Hoá ra lúc phát quà ở Hương Bình, thấy cái chợ quê, lợi dụng thời gian chờ đợi, có chị đã mượn xe lẻn ra chợ mua rau, mà dấu không cho Thầy biết vì Thầy đã căn dặn không được làm gì khác ngoài chuyện phát quà. Nhưng vì thương mọi người, nhất là các anh chị ở Pháp nên các chị Lộc Uyển muốn luộc rau tươi và nấu canh rau cho buổi ăn…chưa biết lúc nào sẽ nấu. Thế là mọi người hầu như quên bẵng cơn đói. Chẳng bao lâu đã thấy làng chài dọc theo phá Quảng Bình loáng thoáng trước mắt. Lúc ấy đã 3 giờ chiều. Xe đến Quảng Bình, đoàn quyết định nghỉ nửa tiếng ăn cơm trưa trước khi phát quà. Chưa có lần nào tôi thấy những dĩa rau xanh tươi đẹp và ấm áp như hôm ấy.

Sau buổi ăn, chúng tôi đến ngay xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, băng qua nhiều khu nghĩa địa khá hoành tráng. Khi đến nơi mọi người đã tề tụ đông đủ trong hội trường của xã. Thầy Viên Mãn chào mừng tất cả mọi người và giới thiệu các anh chị trong đoàn Pháp. Sau đó buổi phát quà hoàn tất trong không khí tương thân tương ái.

Vừa rời Võ Ninh, anh tài đã vội vã nhấn ga cho xe chạy nhanh đến trạm phát quà cuối cùng tại Quảng Bình, để còn kịp trở về Huế tối hôm ấy. Khoảng 5 giờ rưỡi chúng tôi đến xã Quảng Ninh, huyện Quảng Trạch sau khi qua một quãng đường ven bờ đầm phá. Hoàng hôn trên đầm phá gây nỗi mong nhớ biển xa, như tiếng gọi giâc mộng ra khơi, cảnh vật an bình hầu như đã xoá hết dấu vết đau thương của những cơn lụt kinh hoàng, còn chăng là nỗi khổ đau thể xác mà con người vẫn cưu mang, chưa xoá nỗi. Từ chỗ ngồi của mình trong xe, tôi vội vàng ghi lại vài hình ảnh chài lưới trên đầm phá. Xe dừng lại trụ sở xã Quảng Minh khi trời đã nhá nhem tối. Đã thấy mọi người tề tựu đông đủ trong sân với gương mặt mong ngóng đợi chờ. Như thường lệ, Thầy Viên Mãn ban huấn từ, trong lúc các anh chị chuẩn bị các bì thư để phát cho các hộ dân nghèo. Khi thấy hai anh chị Hùng và Phụng của đoàn Pháp dốc cái túi ba-lô (hồ bao) lấy các bì thư ra, tôi mới hiểu tại sao (mà tôi đã lấy làm lạ) hai anh chị, ngồi ghế trước tôi trong xe cũng như khi xuống xe nghỉ ngơi vẫn không rời nhau (như vợ chồng mới cưới), luôn riu ríu đứng chung nhau và ôm khư khư hai cái ba lô kềnh càng. Hoá ra trong hai túi ấy có 1389 cái bì thư trị giá bốn trăm hai mươi mốt triệu ba trăm ngàn đồng (421.300.000,- đ) cho 1389 hộ người dân nghèo ba tỉnh vừa bị lũ lụt gây thiệt hại. Thì ra cái dáng dấp “tây ba lô” suốt buổi là để nguỵ trang mang tiền cứu trợ mà không ai biết!!! Mãi đến Quảng Minh, khi những bì thư cuối được dốc ra là nhiệm vụ giữ quà của anh chị hoàn thành, hai anh chị như… được giải thoát.

Khi người cuối cùng trong danh sách đã lãnh xong quà và ra về với nụ cười nở trên môi, trời đã tối hẳn. Chúng tôi vội lên xe, cũng với nụ cười của anh chị Tâm, anh chị Hùng Phụng, chị Diệu Chơn hoà với tiếng cười dòn dã của các chị Lộc Uyển. Thầy Viên Mãn vẫn an nhiên nhưng nét mặt của Thầy như dịu hẳn những lo lắng ban đầu. Bác Nguyên Phái thì sợ chúng tôi đói bụng, còn chúng tôi thì như được ăn no, có lẽ màu xanh của món rau luộc lúc 3 giờ chiều vẫn chan hoà nước mát giữ cho chúng tôi không mỏi mệt. Mọi người hình như phấn khởi hơn lúc ra đi lòng còn nghi ngại cuộc hành trình chưa biết ra sao. Xe phải chạy hơn 3 tiếng đồng hồ nữa mới đến Huế, có nghĩa đến khuya mới về nhà. Đến Quảng Trị lúc 9 giờ tối, các anh chị đoàn Pháp còn yêu cầu dừng xe để đi lên cầu Bến Hải, chiếc cầu lịch sử một thời không kém đau thương. Đêm đen lộng gió trên cầu, chúng tôi đúng gần nhau trong nỗi cảm hoài khó tả.

Xe đến Huế lúc 10 giờ rưỡi khuya. Ai nấy lúc ấy quả tình đã thấm mệt nên vội vã từ biệt nhau để “ai về nhà nấy” nhưng không quên hẹn nhau một buổi họp mặt với bánh bèo bánh nậm Huế.

Riêng tôi, đến nhà, trước khi rơi vào giấc “mệt ngủ liền”, không quên thầm cảm ơn Thầy Thiện Niệm và Thầy Viên Mãn đã cho tôi cơ hội đi cùng chuyến đi hành thiện này. Trên cuộc hành trình hơn nghìn cây số trong 2 ngày, tôi đã được gặp, được thấy nỗi khổ trên nét mặt mỗi người và sự nghèo khó của người dân quê. Hôm nay ngồi ghi lại cuộc đi trong cơn mưa lạnh triền miên của Huế, chiếc nón rách và bàn chân trần run trong lạnh của bà già ở thôn Nam Trung lại hiện ra trước mắt, trong lúc ở đâu đó báo đăng tin xe khủng của các đại gia lượn quanh phố phường thủ đô, tôi nghe tay mình cóng lạnh thấu tim.

Huế, đông chí Canh Dần 2011

Thái Kim Lan

(1) Mỗi bì thư có 300.000 đồng. Gia đình nào có người chết hoặc nhà cửa bị hư hại nặng nề sẽ được nhận 500.000đ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us