Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chùa, Sư – Thầy, Phật, Và...

Chùa, Sư – Thầy, Phật, Và...

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 07/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bút ký


Chùa, Sư – Thầy, Phật
Và...


Nguyễn thị Kim Thoa



Lần đầu tôi đến chùa là vào mùa Phật Đản 1955. Năm ấy tôi tròn năm tuổi. Ngôi chùa tôi đến đầu tiên là chùa Phước Huệ, ngôi chùa thân quen của cư dân Vỹ Dạ. Sau này tôi mới biết chùa Phước Huệ là “chùa nhà” của ngài Miên Trinh, chủ nhân ông của phủ Tuy Lý Vương. Miên Trinh là con trai của hoàng đế Minh Mạng. Tuy Lý vương là tước của ngài Miên Trinh được phong bởi vua cha, và là một trong hai vị chủ soái tao đàn nổi tiếng tại kinh đô Huế của vương triều Nguyễn thời Tự Đức. Có lẽ chùa Phước Huệ được xây cùng thời với phủ Tuy Lý. Chùa nằm sâu trong con hẻm được dân gian đặt tên là “hẻm chùa Phước Huệ”. Hẻm nằm cách phủ Tuy Lý (dân gian gọi là phủ Ba Cửa) ba bốn khu vườn nhà nhìn từ mặt tiền đường Thuận An (nay là đường Nguyễn Sinh Cung), nhưng đi ra phía sau thì khuôn viên của chùa và phủ nằm trên cùng một khoảng đất hình chữ L lật ngược (┐). Sau khi giáo hội Phật giáo chính thức được thành lập, chùa do giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế quản lí.

Trước khi đi chùa, mẹ tôi bảo chị em tôi (tôi và hai chị gái) tắm gội sạch sẽ bằng nước lá thơm, áo quần tươm tất, bà còn căn dặn thêm: “vào chùa nói năng cử chỉ cung kính, lễ phép, không được chạy nhảy lung tung”.

Chùa Phước Huệ nằm cách nhà tôi không xa, khoảng bốn, năm trăm mét về phía dưới (phía trên là Đập Đá), bên kia đường. Vì là mùa Phật Đản nên đường làng đông vui, nhộn nhịp hơn mọi ngày. Tôi lon ton chạy chân sáo phía trước, mẹ và hai chị tôi đi sau. Chúng tôi đến chùa cùng lúc với hai ba nhóm mẹ con các gia đình khác. Tôi là đứa nao nức “đi chùa” hơn chị Hai và chị Ba, nhưng khi đến sân chùa thì tôi dừng lại, không vào thắp hương lễ Phật và chuyện trò cùng các sư bà sư cô như mẹ và hai chị. Tôi đi về phía hồ sen. Tôi lần bước quanh hồ, mê mẩn ngắm nhìn những búp sen nhú lên trên mặt nước, những bông sen hàm tiếu núp dưới những tàng lá xanh, những bông sen nở vươn cao như chào đón ánh mặt trời và những con ong, con bướm, con chuồn chuồn nhởn nhơ bay, đậu đó đây. Tôi như tan biến trong hương thơm, màu sắc và cảnh tượng sinh động, an bình. Tôi quên chùa, quên sư, quên Phật, quên luôn cả mẹ và chị. Đến khi nghe tiếng động của bước chân người gần kề, tôi như chực tỉnh. Mẹ và hai chị đã đứng bên cạnh với những lời quở trách, chế giễu nhẹ nhàng. Như thế là cuộc đi chùa đầu tiên của tôi kết thúc. Tôi lại nhảy chân sáo trước mẹ và chị quay về nhà với niềm vui nho nhỏ trong lòng.


Tôi trở lại chùa Phước Huệ vài lần cùng với mẹ và nhiều lần một mình. Một lần sau cơn bão, mẹ cùng những Phật tử trong thôn tham gia dọn dẹp vườn tược, chỉnh đốn lại hàng rào, chặt bớt những cây bị ngã, trồng thêm cây mới. Một lần khác tham gia nạo vét hồ sen. Dĩ nhiên công việc nặng nhọc do các chú bác có sức vóc cán đáng. Sau này tôi mới biết chùa do một ban quản trị nho nhỏ hộ trì các công viêc ngoài sức lo toan của các sư nữ. Những lần tôi đi một mình chủ yếu thăm ngắm lại hồ sen, nhởn nhơ cùng những con bươm bướm, con chuồn chuồn, quan sát những cây cảnh trồng trong vườn, trước sân, đặc biệt giàn thiên lý giữa ngôi chánh điện và nhà sinh hoạt tập thể. Tôi còn luồn ra phía sau để ngắm nhìn các sư nữ đội nón lá, mặc áo nâu sồng chăm bón vườn rau, quét dọn sân, bếp. Cũng như những bông sen trong hồ, những đôi mắt, những nụ cười hiền từ, những dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát, những cử chỉ lời nói chậm rải, thân thiện của các ni sư đã cuốn hút tôi. Có cái gì đó rất gần và cũng có những gì đó khang khác trong sinh hoạt và lao tác giữa nhà chùa và những gia đình theo đạo Phật như gia đình tôi. Âm thanh ở chùa nhỏ nhẹ hơn, động thái của các sư khoan thai đỉnh đạc hơn. Các vật dụng từ nhà bếp, nhà ăn, phòng khách đơn giản, thông thoáng và thanh sạch hơn.


Bất tác bất thực, câu châm ngôn này tôi nghe hoặc thấy đâu đó lần đầu tại chùa Phước Huệ. Không làm thì không ăn. Đơn giản thế thôi. Nhưng nhiều năm sau tôi mới hiểu đại khái ý nghĩa của nó. Đây là ý thức tự lực cánh sinh của người học Phật tu thiền: Làm để ăn. Ăn để sống. Sống để tu hành. Tu hành là để sửa mình, sửa người, sửa đời theo con đường Phật dạy. Do vậy công việc chính của các nhà tu hành là tu và truyền bá Phật pháp chứ không phải làm ăn thuần túy như tất cả chúng ta ở ngoài đời.

Người bình thường như cha mẹ, anh chị em chúng tôi theo truyền thống cứ lầm lũi lao vào cuộc sống với những ham muốn, khổ đau, lo sợ, giận hờn chẳng bao giờ dứt. Chúng tôi đi đến chùa với hy vọng những sư, những thầy, những thiện nam tín nữ ở đó giúp chúng tôi thấy được con đường thoát khổ mà họ đã trải nghiệm. Nhưng đây là những nhận thức về sau. Bản thân tôi, những lần đến chùa Phước Huệ thuở thiếu thời, tôi chỉ chú ý đến ngoại cảnh: ao sen, cây lá, hoa trái, bươm bướm, chuồn chuồn, dáng vẻ, ánh mắt, nụ cười của người nữ tu trên vườn rau, trên sân chùa. Tôi chưa một lần gặp mặt sư bà và các sư cô một cách trực tiếp. Tôi cũng chưa nhìn sâu vào các hình tượng (Phật), cũng chưa lắng nghe một lời thuyết giảng, chưa đọc trọn vẹn một quyển kinh, một cuốn sách Phật. Do vậy nỗi đau của kiếp người và cuộc chuyển hóa tâm thức của những con người trong cuộc hành trình thoát khổ chỉ lờ mờ hiện ra trong tâm trí tôi. Càng về sau tôi nhớ lại và so sánh thần sắc cha mẹ, anh chị em tôi, thần sắc những người hàng xóm, thần sắc những con người với những cảnh khổ khác nhau trong cuộc sống đời thường tôi đã gặp, và thần sắc của các ni cô trên vườn rau, trên sân chùa Phước Huệ, nhất là thần sắc an nhiên tự tại của rất nhiều các ảnh tượng (Phật) tôi đã chiêm ngắm cho đến lúc tôi về già. Tôi nhận ra rằng có một con đường mà nhiều người theo đạo Phật gọi là con đường thoát khổ. Tôi cũng nhận ra như bất cứ ai, cũng như bất cứ con đường nào, con đường thoát khổ cũng gập ghềnh khúc khuỷu với rất nhiều khó khăn ma chướng.

Lần cuối cùng tôi đến chùa Phước Huệ vào khoảng giữa năm 1970 để thăm cô Phùng Khánh. Cô Phùng Khánh là người thầy khai tâm của tôi, là người hàng xóm thân thiết và rất nhiều quí trọng của gia đình chúng tôi. Cô học giỏi, xinh đẹp, dịu dàng, tốt bụng và thường nói những điều làm cho chúng tôi phải suy nghĩ, ghi nhớ. Chẳng hạng, sau khi cầm tay dạy cho tôi viết chữ MẸ, cô nói: “Bài học đầu tiên của bất cứ đứa trẻ nào là ghi nhớ hình ảnh, tấm lòng của người MẸ”. Cô là thần tượng trong suốt thời niên thiếu của tôi. Cô học xong đại học, đi làm giáo sư trung học một vài năm rồi bỏ đi tu. Bẵng đi một thời gian dài hơn chục năm, một hôm tôi từ trường về, mẹ tôi bảo:

Con rửa mặt thay quần áo cùng mẹ xuống chùa Phước Huệ thăm cô Phùng Khánh. Mẹ tiếc là con không về sớm hơn để dự buổi giảng Phật pháp của cô.”

Khi chúng tôi đến chùa Phước Huệ thì buổi thuyết giảng của cô cũng vừa xong. Cô rời bục giảng nhưng nhiều người vẫn vây quanh cùng với những tiếng “bạch sư cô, bạch sư cô”... Chờ đến khi cô vắng khách, chúng tôi mừng vui đến chào, thăm hỏi. Trước mặt chúng tôi là một cô Phùng Khánh hoàn toàn khác với ngày xưa. Cô đã xuống tóc, người mập ra, da mặt hơi rám nắng, y phục màu xanh lam, phong cách đĩnh đạc, trịnh trọng, lạnh lùng và xa cách. Cô bảo tôi:

Các đạo hữu nên đổi cách xưng hô cho thích hợp. Hãy thưa sư cô và xưng là đệ tử”.

Chúng tôi cung kính chào tạm biệt (sư cô). Năm đó tôi 20 tuổi. Trên đường trở lại nhà, trời nhá nhem tranh tối tranh sáng, tôi không còn nhảy chân sáo như lần đầu tiên đến chùa Phước Huệ.


Ngôi chùa thứ hai tôi đến với mẹ là chùa Diệu Minh ở bên kia Cồn Hến (thôn Bồi Thành). Chúng tôi đến chùa Diệu Minh không phải để ngắm cảnh, thăm chùa, học Phật hay làm công quả, mà để cầu khấn và xin bùa. Đó là năm 1958, gia đình tôi lâm vào cảnh khốn quẫn, là nạn nhân của vụ án gạo miền Trung do chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm chủ trương (xem bài Cha Tôi – diendan.org). Mẹ tôi phải thuê luật sư, năm lần bảy lượt vào Đà Nẵng hầu tòa, suýt bị tù, môn bài bán gạo lẻ bị rút giấy phép, trong nhà cả tá miệng ăn, cha tôi buộc phải xin đi làm công chức ở Quảng Nam, anh trai thứ của tôi (Nguyễn Đắc Hùng) bị bệnh thương hàn nặng… Một mình mẹ tôi phải chống đỡ lo toan hết mọi bề cho cái gia đình lúc nào cũng ở trên đà suy sụp. Bệnh thương hàn của anh Hùng qua khỏi, nhưng sức khỏe của anh ngày một suy kiệt. Mẹ tôi đâm hoảng, nghe hàng xóm mách bảo chùa Diệu Minh có bùa thiêng, mẹ bảo tôi cùng đi. Trời chiều mùa đông không mưa nhưng gió lạnh. Mẹ nôn nao rảo bước, tôi lúc thúc chạy theo. Lúc bấy giờ cầu qua Cồn Hến chưa có. Chúng tôi phải đi đò ngang. Từ bến đò chúng tôi đi bộ một đoạn đường lầy lội. Quang cảnh Cồn Hến tiêu điều. Chùa Diệu Minh xập xệ cũ kỹ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Tiếp chúng tôi là một vị sư già, người ốm, dong dỏng cao, dáng vẻ hiền từ, thái độ ân cần. Ông hỏi chúng tôi cần gì? Mẹ tôi nói hết sự tình và yêu cầu của chúng tôi. Vị sư cười nói nhẹ nhàng, đưa chúng tôi vào bàn thờ thắp hương lễ Phật. Lễ Phật xong ông đưa chúng tôi ra nhà ngang, một căn phòng nhỏ, bàn ghế thô sơ, có cả tủ thuốc, đó là phòng khách cũng là phòng làm việc của ông. Ông nói:

Lời đồn không chính xác. Diệu Minh là chùa chứ không phải là nơi hành nghề mê tín dị đoan. Yêu cầu của bà nhà chùa không đáp ứng hết được. Tuy vậy nhà chùa có thể giúp bà cải thiện sức khỏe cho cháu. Theo lời bà, bệnh thương hàn của cháu đã bớt nhưng sức khỏe của cháu kiệt quệ, chắc là do thiếu chất bổ dưỡng. Bà ráng cho cháu ăn tốt hơn, thức ăn phải nấu nghiền thật kỹ cho dễ tiêu, cho cháu ăn từ từ, nhiều bữa, cho cháu uống thêm sữa đậu nành. Chùa cho cháu mấy thang thuốc bổ. Cây lá thuốc Nam cũng có thể hỗ trợ thêm sức khỏe cho cháu đôi chút. Bà yên tâm, thuốc này là công quả, bà khỏi trả tiền”.

Vị sư già kê đơn rồi gọi chú tiểu vào bốc thuốc. Ông đưa mẹ con tôi đi quanh các phòng từ chánh điện qua nhà tăng đến nhà bếp, vừa đi ông vừa nói:

Nhà chùa biết gia đình bà đang gặp tai ương hoạn nạn. Vụ án gạo miền Trung ngoài mục tiêu tham nhũng, chế độ ông Ngô Đình Diệm còn nhắm đến việc Thiên Chúa giáo hóa miền Nam. Ngoài những khó khăn kinh tế, chắc là ông bà còn gặp nhiều khó khăn về đạo lý. Bằng mọi cách người ta muốn ông bà theo Đạo để có gạo mà ăn. Nhà chùa nói thế, bà thấy có đúng không?”

Mẹ tôi nói: “Thưa phải”.

Mà theo đạo, vị sư già chậm rãi nói tiếp: là dẹp bỏ bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà tổ tiên, thay vào đó bàn thờ Chúa. Bà con ở thôn Bồi Thành không có “hũ gạo, môn bài” như nhà bà để bị đánh bể. Nhưng nhiều gia đình ở Bồi Thành có người đi tập kết, có người là cựu kháng chiến chống Pháp, nếu không theo đạo thì là đối tượng bị tình nghi hoạt động cho Việt Cộng. Mà Việt Cộng thì phải bị tố, bị tù, bị giết. Do vậy nhiều gia đình Phật tử ở đây chịu không nổi phải bỏ xứ lánh vào miền trong. Bà thấy đó, hầu hết các gia đình ở Bồi Thành là Phật tử làm nghề nông. Đất đai ngày một bạc màu. Nông dân ở Bồi thành chỉ có đi cào hến, trồng bắp và rau. Đời sống bà con vốn dĩ khó khăn, hiện tại đang lâm vào tình trạng gạo châu củi quế. Tình thế của bà con ở đây cũng chẳng khác gì gia đình bà bao nhiêu. Nhà chùa và các vị trong khuôn hội đang cùng họ cố gắng giữ chùa giữ Phật. Chùa cũ nát, chưa trùng tu được, nhưng ở Bồi Thành không có gia đình nào “theo đạo để có gạo mà ăn”.

Câu chuyện của vị sư già vừa dứt, chú tiểu bốc thuốc cũng vừa xong. Vị sư trao cho mẹ tôi gói thuốc, có thêm một cái bùa và mấy lời căn dặn:

Bà nấu thuốc cho cháu uống theo chỉ dẫn đã ghi, đeo bùa vào cổ, xâu củ nén khô thành chuỗi đeo vào tay, và cho cháu ăn thêm nhiều chất bổ dưỡng nấu, nghiền kỹ để dễ tiêu hóa. Hết thuốc bà trở lại”.

Chúng tôi trở lại chùa Diệu Minh mấy lần để lấy thuốc trong năm 1958. Sức khỏe anh Tư của tôi lần hồi khá lên. Quan hệ giữa chùa Diệu Minh và gia đình tôi ngày một gắn bó. Sau năm 1964 chùa Diệu Minh được xây dựng mới và đổi tên thành chùa Pháp Hải.


*****


Cùng với mẹ và em trai út (Nguyễn Đắc Hàm), tôi đi bộ qua cầu Phú Lưu để đến chùa Pháp Hải vào một buổi sáng nắng ấm đầu hè 1965. Cầu được xây dựng cùng lúc với với chùa từ năm trước. Trên đường người xe đi lại đông vui. Chưa tới cổng chùa, chúng tôi đã được chào hỏi bởi một nhà sư trẻ (trạc trung niên) to cao, giọng nói, nụ cười và dáng vẻ xởi lởi thân thiện. Ông đang chăm sóc cây cảnh cạnh hàng rào. Ông hỏi:

Bà và các cháu đến thăm chùa hay có việc gì?”

Mẹ tôi thưa:

Chúng tôi đến xin thầy cho cháu út quy y”.

Ông nói:

Mô Phật. Hỉ sự. Hỉ sự. Mời bà và cháu vào”.

Mẹ và em tôi theo vị sư vào Phật đường. Tôi dạo quanh, tò mò, nhìn nhìn, ngắm ngắm. Chùa Pháp Hải được xây trên một mặt bằng vừa phải, nhỏ hơn chùa Phước Huệ và chùa Ba La Mật nhiều. Cổng, hàng rào, sân, vườn, cây cảnh và các hạng mục kiến trúc có cái gì khang khác với các chùa tôi đã đến. Mới và thoáng, đã đành, vì chùa mới xây. Nhưng mới của Pháp Hải còn đi liền với lạ, và thoáng đi liền với cởi mở. Cảm nhận của đứa trẻ 15 tuổi là tôi lúc đầu là như thế. Trông toàn cảnh chùa Pháp Hải gần giống một biệt thự của người nghệ sĩ. Có lẽ mặt bằng hẹp nên sen được trồng trong các bồn nửa nổi nửa chìm (lúc bây giờ chùa chưa có hồ sen lớn trước cổng như bây giờ). Sân và vườn chùa không có cây cao bóng mát. Rất nhiều bon-sai và hoa trong các bồn, các chậu được sắp đặt không theo một qui ước nào, nhưng rất đẹp. Đặc biệt có rất nhiều hoa hồng được chăm bón cẩn thận trong các bồn dành riêng. Sau này tôi mới biết vị sư trù trì là một nhà hoạt động Phật giáo và văn hóa dân tộc nổi tiếng tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Ông đã đóng góp nhiều công sức cho công cuộc thành lập gia đình Phật Hóa Phổ và sự phát triển gia đình Phật tử sau này. Ông đã từng làm trù trì chùa Diệu Đế, làm chủ bút nguyệt san Phật giáo Liên Hoa, tham gia tích cực công trình đúc và dựng tượng Phan Bội Châu, chủ trì công cuộc xây dựng trung tâm văn hóa Liễu Quán. Nhiều nhà hoạt động văn hóa, văn nhân nghệ sĩ ở Huế, ở Sài Gòn xem ông là nhà bảo trợ, là bạn tâm hồn. Cái tên Đức Tâm được họ nhớ nghĩ và nhắc đến với rất nhiều quí mến và trân trọng lúc ông đang còn tại thế cũng như sau khi ông viên tịch (1988). Cuối năm 1977, tôi và anh Chu Sơn làm đám cưới, Thầy Đức Tâm tặng chúng tôi hai đóa hồng vàng. Đẹp biết bao món quà của Người Đạo Sĩ.


Sau này tôi còn biết thêm thiền sư Thích Đức Tâm là người dân Bồi Thành chính gốc. Ông là con trai duy nhất trong một gia đình có gốc gác nho học và sùng thượng Phật giáo. Thân phụ ông là cụ Trần Ny, thân mẫu ông là bà Nguyễn thị Lương, đều là đệ tử tại gia của ngài Viên Thành Thượng Nhân (trù trì chùa Ba La Mật, khai sơn chùa Tra Am), là người bỏ nhiều công của và sức lực cùng với Phật tử Bồi Thành xây dựng chùa Diệu Minh (1932). Như thế chùa Diệu Minh có thể xem như “chùa nhà” của gia đình cụ Trần Ny. Xây xong chùa (năm 1932), cụ Trần Ny mời sư Trí Viễn (đệ tử ngài Viên Thành) ở chùa Tra Am về trụ trì. Năm 1942 cụ Trần Ny cho con trai độc nhất của mình (Trần Hoài Cam, 14 tuổi) đến chùa Ba La Mật xin thọ giới với vị trù trì sáng danh là Thích Trí Thủ (là đệ tử ưu tú nhất của ngài Viên Thành). Trước khi đi tu, Trần Hoài Cam đã viết, đọc thông thạo Hán - Nôm và học xong chương trình tiểu học. Chú tiểu sau này là thương tọa Thích Đức Tâm đã kinh qua các chương trình tu học ở các Phật học đường Linh Quang, Bảo Quốc, là một trong những thành tựu của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung - Huế (đàn em của thế hệ Trí Quang, Nhất Hạnh…).

Trở lại quê nhà xây dựng chùa Pháp Hải ( trên nền và khuôn viên chùa Diệu Minh), thiền sư Đức Tâm tiếp tục phát triển hoài bão của song thân và bà con Phật tử địa phương, đồng thời vẫn tiếp tục đảm trách công tác văn hóa giáo dục của giáo hội Phật giáo và đóng góp tích cực vào các hoạt động văn hóa xã hội của Thừa Thiên Huế.


Mãi mê với cây cảnh, hoa lá, khi nghe tiếng chuông tôi mới nhận ra rằng cậu em trai đang chịu lễ qui y. Tôi vội vào Phật đường. Trước bàn thờ Phật đã lên đèn và thắp hương, em Hàm quì phía trước, mẹ tôi quì phía sau, thầy Đức Tâm một tay đặt lên đầu em Hàm, một tay cầm dùi chuông chậm rải gõ từng tiếng. Tôi vội quì bên cạnh mẹ. Lời thầy Đức Tâm trước Phật:

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Hôm nay ngày…tháng… năm 1965 em Nguyễn Đắc Hàm sinh ngày… tháng… năm 1960 nhằm ngày… tháng … năm …âm lịch được gia đình đem đến chùa xin qui y. Cầu xin đức Thế Tôn gia hộ độ trì để em Hàm đi trọn con đường chánh pháp”.

Thầy nói tiếp với mẹ và em trai tôi:

Từ nay em Hàm đã là Phật tử, là con Phật, là học trò của thầy. Pháp danh của em Hàm là Nguyên Tịnh. Nguyên Tịnh gọi ta là thầy, xưng là con. Thầy sẽ giúp con trở nên người Phật tử tốt.

-- Người Phật tử tốt thương yêu tôn trọng sự sống của mọi người, mọi vật.

-- Người Phật tử tốt dũng cảm, ngay thẳng, thật thà, lễ phép, lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ đoan chính.

-- Người Phật tử tốt ăn ở sạch sẽ, luyện tập cơ thể khỏe mạnh.

-- Người Phật tử tốt biết và báo ơn cha mẹ, thầy bạn, quốc gia xã hội và Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng)”.

Từ nay, cứ đến ngày rằm, mồng một hằng tháng, hay các ngày lễ lớn, nhỏ (Phật Đản, Vu Lan…), Nguyên Tịnh đến chùa để thầy chỉ dạy, hướng dẫn Phật pháp.


Gia đình và cả nhà chùa không nên áp dụng ngũ giới một cách trực tiếp đối với trẻ em, mà nên mách bảo, dẫn giải để các em biết và làm từ những việc tốt nhỏ đến lớn phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của các cháu. Ngày xưa Phật chỉ tuyên bố ngũ giới đầy đủ cho người lớn xuất gia”.

Lễ qui y của em Hàm kết thúc. Thầy Đức Tâm đi vào bên trong, vài phút sau, thầy đem ra một cuốn sách cũ, đưa và nói với tôi:

Thầy cho mượn, con đem về sao chép, chậm lắm là hai tuần sau con đem trả lại cho thầy. Cuốn sách này được biên soạn và xuất bản từ năm 1948, chỉ còn một cuốn, có nhiều điều không còn thích hợp, con đọc suy nghĩ và nhận biết những gì cần cho chính bản thân con và các em. Có gì không hiểu cứ mạnh dạn đến hỏi thầy”.

Đó là cuốn Phật Pháp, đồng tác giả là Minh Châu, Thiên Ân và Đức Tâm. Sách dành cho gia đình Phật tử.

Là Phật tử nhưng tôi và cả các anh chị em tôi không sinh hoạt trong bất cứ một gia đình Phật tử nào. Tuy vậy, cuốn Phật Pháp thầy Đức Tâm cho mượn (để sao chép) là những “bài bản” đầu tiên giúp tôi đi vào đạo Phật. Nhờ Phật Pháp mà tôi biết một cách lơ mơ thế nào là Tứ Diệu Đế, thế nào là Bát Chánh Đạo, thế nào là vô thường, vô ngã, thế nào là nhân duyên quả báo, thế nào là trùng trùng duyên khởi… Nhưng đối với tôi lúc bấy giờ, biết để mà biết, biết để khoe hơn là biết để làm (thực hành). Hôm đi trả sách (mười lăm ngày sau) thầy Đức Tâm đã chỉ rõ cho tôi cốt lõi này. Thầy nói:

Con thấy đó, đạo Phật là con đường giải thoát Phật chỉ dạy cho chúng sinh. Đã là đường thì phải đi mới cảm nhận được cái biết, mới tới được cái biết. Không làm, không đi thì biết chỉ là hình thức, là khoa trương, là nói dối”.

Sau này tham gia nhóm Hướng Thiện, tôi cùng bác Phạm Đăng Siêu và các anh chị trong nhóm tới lui chùa Pháp Hải nhiều lần. Cũng như thầy Thọ Đức trên đồi Quảng Tế, thầy Đức Tâm là cố vấn Phật Pháp cho nhóm Hướng Thiện. Tôi tham gia nhóm Hướng Thiện một phần do lời chỉ dạy đơn giản mà thâm thúy của thầy Đức Tâm: “Đạo là đường. Đường để đi. Đi để giải thoát cho mình, cho người”.


*****


Cuối năm 1953, từ nhà tù Thừa Phủ ra, cha tôi vào Hội An đón mẹ và anh chị em chúng tôi về Huế. Lúc xe đi qua khu vực Non Nước, cha tôi đề nghi tài xế ngừng lại để cha tôi thỉnh một tượng Phật. Từ đó về sau khu vực thờ tự nhà chúng tôi thay đổi. Ông thiết kế bàn thờ theo mô hình tiền Phật hậu linh. Từ năm đó, mỗi lần kỵ ông bà nội tôi, gia đình lại tổ chức theo nghi thức phối hợp Phật giáo và truyền thống. Như thế là đạo Phật đã đi vào tâm thức tôi do một trải nghiệm khổ đau của cha tôi tại nhà tù. Đó là cảm nhận của tôi sau này.

Một tuần trước kỵ, cha tôi lên chùa Tường Vân mời “Ôn”. Buổi chiều trước ngày kỵ ông lên đón Ôn bằng xe vespa hay nhờ bác Khá ở bên kia đường đón ngài bằng xích lô. Ôn Tường Vân đến nhà chúng tôi khoảng 15g. Trong lúc cha tôi và Ôn đàm đạo, uống trà ở bộ tràng kỷ, mẹ tôi chuẩn bị bữa ăn tối cho riêng Ôn. Không như ngày nay các đại sư thường được cung phụng mâm cao cỗ đầy những món ngon vật lạ (giả mặn), mâm cơm của Ôn do mẹ tôi sửa soạn chỉ gồm: Cơm, canh bí đỏ nấu với đậu xanh, đậu phụng, khuôn đậu kho tương, đồ mộc ( các thứ rau, củ, quả) xào, muối mè, chao, vị tâm (xì dầu), và rau sống. Có điều, tất cả những thức ăn đơn sơ mộc mạc đó đều được mẹ tôi chế biến công phu và bày biện thích hợp trong những chén dĩa bằng sứ lớn nhỏ khác nhau trông rất đẹp mắt. Thức tráng miệng của Ôn là một trái chuối hay một trái quít. Sau bữa cơm tối, cuộc trò chuyên giữa hai thầy trò lại tiếp tục. Trước giờ đi ngủ (chặng 10 giờ tối) mẹ tôi mời Ôn một chén chè hột sen. Khoảng ba giờ sáng cha mẹ tôi thức dậy chuẩn bị thau nước, khăn để Ôn rửa mặt, một li nước để Ôn súc miệng. Buổi lễ khai kinh bắt đầu. Ôn mặc cà sa, đội mũ hòa thượng, ngồi trước bàn thờ Phật với chuông mõ khi cha mẹ tôi đã bày biện xong các thức cúng (chay) và lên đèn thắp hương trên các bàn thờ. Trong bầu không khí tĩnh lặng của đêm khuya, trong khói hương trầm thoảng nhẹ, tiếng chuông tiếng mõ và những lời tụng lên bổng xuống trầm của vị sư già quyện vào nhau làm nên một hợp âm kỳ lạ, một lời tự sự nhỏ nhẹ, thanh thoát, thiêng liêng thấm đến tầng sâu tâm thức của người nghe. Tôi nói người nghe, bởi ngay trong ngôi nhà của chúng tôi tại Vỹ Dạ vào thời khắc ấy cũng có người không nghe. Tôi là một trong những người đã không nghe ấy. Trong mấy lần đầu tụng kỵ ông bà nội tôi của Ôn Tường Vân, lũ trẻ chúng tôi đã ngủ say, đã không hề biết có một bầu không khí, một thứ âm thanh kỳ diệu đến thế hiện hữu trong đời. Cho đến lần kỵ thứ ba của ông nội tôi sau 1954, giữa đêm khuya, được đánh thức bởi cái âm thanh kì lạ đó, tôi bừng tỉnh, tôi len lén ngồi dậy, len lén đi về phía phòng thờ, nơi vị sư già và cha mẹ tôi đang giao tiếp với người đã khuất bằng một thứ âm nhạc và những động thái mà mãi đến lúc này tôi chưa biết gọi tên gì, chưa biết mô tả như thế nào cho chính xác. Có điều, tất cả những thứ ấy, âm nhạc ấy, dáng vẻ trầm lắng ấy của vị sư già, nét mặt thành kính ấy của cha mẹ tôi đã nhen nhúm trong tâm hồn thơ dại một xúc cảm mới mẻ chưa từng có trước đó.


Lễ khai kinh của Ôn Tường Vân kết thúc khoảng 5 giờ sáng. Trong lúc vị sư già và cha tôi ngồi trà đàm ở bộ trường kỷ thì mẹ tôi xuống bếp chuẩn bị bữa ăn sáng. Bữa sáng của Ôn thường là hai chén nhỏ cháo đậu xanh với vài muỗng đường cát hay một tí muối rang. Ăn sáng xong Ôn Tường Vân ngồi vào bàn viết sớ, giấy mực cha tôi đã bày biện sẵn. Sớ là một bản văn viết trên giấy màu vàng mỏng khổ 30 x 60cm. Sớ viết bằng hai thứ chữ. Một tờ chữ Hán và một tờ chữ Quốc ngữ. Tờ chữ Hán đặt trên một cái khay cha tôi sẽ đội trong suốt buổi lễ kỵ chính. Tờ chữ Quốc ngữ sẽ do người có giọng tốt trong số các thầy tụng đọc trong buổi tụng kinh của lễ chính kỵ. Sớ trong lễ chính kỵ là lời mời của cha mẹ, các cô, các dượng, anh chị em tôi dâng lên ông (bà) nội tôi, người đã có công sinh thành, dưỡng dục, dựng vợ gả chồng và gây dựng cơ nghiệp cho tất cả con trai con gái. Sớ nói lên lòng hiếu kính và biết ơn của tất cả mọi người đối với ông bà nội tôi. Sớ thành kính thỉnh mời tổ tiên, ông bà nội tôi và những người đã khuất về sum họp cùng con cháu và vui hưởng những của dâng cúng được tâm thành chuẩn bị. Sớ còn đề đạt sự cầu mong tổ tiên, ông bà nội tôi gia hộ độ trì cho con cháu khỏe mạnh, gia đình yên vui hạnh phúc.

Một trục trặc nhỏ trong quá trình viết sớ là cha tôi kê tên tất cả các ông rể trong đó có tên của hai ông Tây chồng của hai cô Xuân Mai và Túy Sâm là René Robert và Henry Dubasty. Nhưng Ôn Tường Vân, người sau 1963 trở thành Tăng Thống của giáo hội Phật giáo Thống Nhất thì cho rằng Tây – Việt ngôn ngữ bất đồng… Cuối cùng sớ được viết xong mà không có tên hai ông Tây cựu nhân viên cao cấp của Tòa Khâm Huế. Ôn Tường Vân xếp hai lá sớ theo chiều ngang bỏ vào hai phong bì màu vàng rồi giao cho cha tôi. Trước khi trở lại chùa, Ôn đến bàn thờ ông nội tôi thắp một cây hương và nói lời tạm biệt: “Ông Sỹ ơi, tôi lên đây. Ở chùa tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho hương hồn ông. Hẹn ông, sang năm tôi trở lại”.

Cha tôi định đi lấy xe vespa đưa Ôn lên chùa. Nhưng Ôn bảo: “Hào nên ở nhà để lo toan nhiều việc, Ôn lên bằng xe xích lô của ông Khá cũng được”.


Lễ chính kỵ bắt đầu từ khoảng 10 giờ sáng. Trên bàn thờ ông (bà) nội tôi các thức cúng đã được bày biện. Một mâm cơm gồm các thức ăn mặn, có cả nước súc miệng, cau trầu, rượu, thuốc điếu vấn, và những thứ ông bà nội tôi thích dùng lúc sinh thời.

Đèn thắp sáng trưng, trầm xông, hương thắp khắp các lư, khói bay nghi ngút.

Nhóm thầy cúng áo năm thân màu xám với chuông, mõ, khánh (đồ nghề của họ lớn hơn chuông mõ các bàn thờ tư gia) tới lui, sắp xếp, chỉ trỏ, nói nói, cười cười. Họ là những người thực hiện các nghi lễ trong ngày kỵ chính của ông (bà) nội tôi.

Cha mẹ tôi, cô cả, các chú bác họ, và những người lớn trong đại gia đình hoàn toàn bị động trước bàn thờ từ lúc lễ bắt đầu. Cha tôi đội sớ quì trước bàn thờ. Mẹ tôi, cô cả và những người lớn khác áo khăn chỉnh tề vào bàn thờ thắp hương khấn vái rồi lui ra chắp tay đứng quanh, hoặc tản mát đó đây ở nhà dưới, ngoài hiên, trong bếp hoặc sân vườn. Trẻ em tụi tôi đứa thập thò chỗ này, đứa lấp ló chỗ kia, hoặc làm việc gì đó theo sự sai bảo của người lớn.

Nhóm thầy cúng kẻ đứng, người ngồi trước chuông mõ, đọc kinh, đọc sớ, rồi lại đọc kinh, kẻ chính người phụ, kẻ to giọng, người nhỏ giọng, kẻ lên giọng, người xuống giọng, họ phối hợp cùng nhau gần giống như một ban nhạc nhỏ. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh, tiếng tụng kinh ồn ào náo nhiệt âm vang khắp xóm. Sau này nhớ nghĩ lại, tôi mường tượng thêm một khả năng là gia đình tôi và nhóm thầy cúng, tuy vai trò khác nhau, nhưng cả hai đều muốn nhân ngày kỵ ông (bà) nội tôi để khoa trương, hay chứng tỏ một giá trị nào đó.

Nhóm thầy cúng tập hợp từ gia đình, bạn bè, xóm giềng của ông Trùm Lô, người coi sóc mồ mả của gia đình chúng tôi và các gia đình khác gần kề. Gia đình ông Trùm Lô ở thôn Tứ Tây (An Cựu) phía sau núi Ngự Bình. Họ vừa coi mộ vừa làm các dịch vụ chung quanh các đám táng, đám kỵ.

Lễ kỵ chính kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa. Các thầy cúng ăn uống nghỉ ngơi, nhưng người trong gia đình tôi thì tất bật trong công việc chuẩn bị cho bữa tiệc (ngã mặn) mời bà con họ hàng, thân hữu vào lúc 4 giờ chiều. Sau bữa tiệc là lễ cúng thí thực ngoài trời và lễ tụng đốt áo giấy cùng các thứ đồ mã ở ngoài sân. Như thế là lễ kỵ ông (bà) nội tôi xem như kết thúc.

Tôi xin mở một ngoặc đơn để nói thêm về lễ cúng và bữa tiệc trong ngày kỵ của ông (bà) nội tôi để độc giả đời sau biết rõ hơn về một khía cạnh đời sống của một bộ phận cư dân Thừa Thiên – Huế một thời quá vãng.

Để có một ngày kỵ và một bữa tiệc như thế, cha mẹ tôi phải tích góp và chuẩn bị từ mấy tháng trước. Nhà chúng tôi không sung túc để có đủ tiền mua sắm cùng một lúc các lễ vật và nguyên vật liệu ẩm thực từ chợ. Vả lại các thức cúng cũng cần tinh sạch, tươi tắn do gia đình làm ra thì quí hơn mua từ ngoài. Heo, gà, vịt tự nuôi, hoa trái, củ quả tự trồng hay bạn bè gởi tặng vẫn quí hơn. Nó chứng tỏ tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên, của người sống đối với người quá vãng. “Quí hồ tinh bất quí hồ đa” là câu châm ngôn cha tôi thường nhắc nhở. Các thức cúng được chế biến cẩn trọng, tinh sạch từ các bộ phận tốt nhất của nguyên liệu và được bày biện tươm tất trên các chén, dĩa, đọi sứ đẹp nhất.

Bữa tiệc (ngã mặn) bắt đầu từ bốn giờ chiều trong ngày chính kỵ. Nhưng bánh trái tự làm hay đặt làm (nhờ người quen thân) từ hai ba ngày trước. Heo gà làm từ sáng sớm. Việc nấu nướng chế biến và hoàn thiện các món ăn cũng tùy theo đó mà lần lượt chuẩn bị trước sau. Do vậy toàn bộ lực lượng trong gia đình đều được huy động. Có nhiều việc gia đình không làm được thì nhờ hoặc thuê người có tay nghề từ ngoài.

Sau bữa kỵ, các thực khách còn được tặng mỗi người một gói quà, nhiều ít và giá trị tùy thuộc vào vai vế và số lượng người trong các gia đình đối tượng. Nhà có nhiều trẻ em thì nhiều bánh. Nhà nhiều người lớn có vai vế trong họ thì được tặng thịt xôi bánh trái ngon nhất. Bữa ăn kỵ đầy đủ tươm tất sẽ thắt chặt tình thân giữa gia chủ và khách mời. Cha mẹ tôi và những người cùng thế hệ ở Huế lúc bấy giờ khó mà bỏ qua tập quán này.


Nói thì như thế, thực tế cuộc sống sẽ điều hướng tất cả. Sau vụ án gạo miền Trung, gia đình tôi lâm vào tình thế khốn quẫn. Hai cái kỵ ông bà nội tôi, các lễ chạp, Tết lần hồi tiết giảm và chuyển dần sang mô thức Phật giáo. Ôn Tường Vân, bác Phạm Đăng Siêu và nhóm Hướng Thiện đã đóng góp vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi này. Ôn Tường Vân vẫn về tụng cho ông bà nội tôi một hồi kinh giữa đêm khuya, vẫn tiếp tục các buổi trà đàm với cha tôi. Còn tôi, từ sau 1956, tôi không bỏ lỡ bất cứ cuộc giao tiếp nào giữa vị sư già và cha mẹ tôi với người đã khuất. Việc viết sớ và đọc sớ vẫn tiếp tục nhưng giản dị và trang nghiêm hơn. Đám thầy cúng không gây ồn ào, náo nhiệt như những lần trước. Họ tới ít người hơn, tụng kinh, đọc sớ, khấn vái, ăn bữa cơm chay rồi đi. Heo, gà, vịt không nuôi và không bị giết chết nữa. Các thức cúng và bữa tiệc mặn thay bằng các thức cúng và bữa tiệc chay cho gia đình hẹp và mấy anh chị trong nhóm Hướng Thiện. Các thứ đồ mã được cắt giảm rất nhiều. Từ đó về sau, các lễ kỵ lớn trong gia đình tôi việc tụng kinh đọc sớ đều do nhóm Hướng Thiện phụ trách. Gánh nặng gia đình mẹ tôi phải gánh nhẹ đi rất nhiều.

Năm 1962 cha tôi bị trọng bệnh, ông qua đời vào tháng sáu năm 1963 giữa mùa Pháp nạn và cuộc đấu tranh bất bạo động kêu đòi tự do và bình đẳng tôn giáo đến cao trào. Sau này tôi mới biết Ôn Tường Vân chính là hòa thượng Thích Tịnh Khiết, một tên tuổi tiêu biểu hàng đầu của Phật giáo toàn miền Nam từ thời Chấn hưng (1930 – 1963) đến thời dấn thân (1963 – 1972).

Những ngày cuối và trong đám tang của cha tôi, Ôn Tường Vân vắng mặt. Cha tôi đã không may mắn được nghe một thời kinh hay một lời hỏi han chia sẻ của vị sư già mà ông rất mực kính yêu và mong đợi.



Cha tôi qua đời, mẹ tôi lâm vào tình trạng khủng hoảng một thời gian. Cô bác, cậu dì trong hai gia đình nội ngoại, các sư nữ ở chùa Phước Huệ, vị sư già chùa Diệu Minh, bác Phạm Đăng Siêu và các anh chị trong nhóm Hướng Thiện chẳng giúp gì hơn trước biến cố và gánh nặng quá lớn đối với mẹ tôi là mất chồng và đàn con tám đứa còn nhỏ dại. Một phần, tất cả các vị ấy đều bị cuốn vào cuộc đấu tranh ở những mức độ khác nhau. Một phần nữa là mẹ tôi và các chị tôi cần một phép màu hơn là những chia sẻ Phật Pháp (đây là lý giải về sau của tôi). Nghe bạn bè nói có một vị sư ở Miến Điện về thuyết pháp rất hay và có cả những phép tắc mầu nhiệm trên đồi Quảng Tế. Lễ Vu Lan (rằm tháng bảy) năm 1963, từ sáng sớm, mẹ, chị Hai (Kim Hoa), chị ba (Kim Ngọc) và tôi đi phà từ Đập Đá qua chợ Đông Ba, từ chợ Đông Ba lên xe đò đi Nam Giao, từ Nam Giao đi bộ khoảng ba cây số lên Cốc sư Thiện (sau này là Thiền Lâm Tự). Cốc Sư Thiện mằm trên một ngọn đồi thấp thuộc khu vực Quảng Tế. Lúc bấy giờ Cốc Sư Thiện chỉ gồm một cái cổng thô sơ, một cái cốc nhỏ bên cạnh, và một giảng đường mái tôn, tường xây xi măng, nằm trên đỉnh đồi chuông vuông mỗi bề chừng 10 mét, bốn phía có hiên rộng bao quanh. Từ cổng, đến cốc, đến giảng đường đều sơn quét màu vàng nghệ đặc trưng Phật giáo Nam Tông (đây là nhận xét của tôi sau này). Chúng tôi đến muộn, giảng đường đã đầy thiện nam tín nữ ngồi xếp bằng trên nền nhà đang lắng nghe lời thuyết giảng của một vị sư đắp y vàng ngồi trên bục đối diện. Sau lưng ông là tượng Phật Thích Ca đặt trên một cái bục cao hơn gần sát tường.

Mẹ và hai chị tôi tìm chỗ ngồi. Tôi chuồn ra ngoài, đi về phía đồi thông chùa Từ Hiếu. Thương nhớ cha rất nhiều, nhưng tôi thích trò chuyện với những đám mây, những gốc thông già và cả những bụi sim, bụi mua hơn là ngồi bất động nghe thuyết pháp. Có thể tôi không có nhu cầu tôn giáo mạnh mẽ như mẹ và chị. Gần trưa tôi trở lại cốc sư Thiện thì buổi thuyết pháp đã mãn. Giảng đường vắng tanh, tôi tìm xuống cái cốc nhỏ gần cổng. Sư Thiện và vài ba thiện nam tín nữ lớn tuổi thân tín của ông – cả mẹ và chị tôi – đã ở đó. Họ đang chuẩn bị bữa ăn chính ngọ. Sau này tôi mới biết sư Thiện là đại đức Thích Hộ Nhẫn, từ năm 1954 là trù trì đầu tiên của Tăng Quang Tự ở Gia Hội (đường Võ Tánh cũ). Tăng Quang Tự là ngôi chùa Nam Tông (Tiểu Thừa) đầu tiên tại Huế thuộc hệ phái Minh Đăng Quang. Có lần tôi hỏi tại sao Sư không ở Tăng Quang Tự mà lên đồi Quảng Tế heo hút thế này? Sư nói: Sư thuộc Tiểu Thừa mà không thuộc Minh Đăng Quang. Tôi không hiểu Tiểu Thừa và Minh Đăng Quang mắc míu thế nào, nhưng câu chuyện dừng lại ở đó. Đứa trẻ gái ốm o hay thắc mắc, tò mò mà lười nghe thuyết pháp là tôi chẳng được sư khuyến khích như hai chị tôi vừa đẹp nết đẹp người bao giờ cũng chắp tay cung kính và tuân phục.

Sư Thiện người tầm thước, mắt sáng, nói năng nhỏ nhẹ, lưu loát và thuyết pháp rất hay (mẹ và chị tôi rất khâm phục). Sư đi chân đất, khoát y vàng khất thực mỗi sáng, về cốc khoảng 9 giờ. Sau 9 giờ sư làm các Phật sự khác, tổ chức thuyết giảng Phật pháp và hướng dẫn các đệ tử ngồi thiền. Sư ăn một bữa trưa duy nhất với những thức ăn chay do các thí chủ bỏ vào bình bát trên đường đi khất thực. Những thức ăn mặn Sư chia các trẻ em quanh chùa. Mặc áo vàng, đi chân đất, khất thực và ăn chỉ một bữa trưa duy nhất trong ngày là là những biểu hiện đầu tiên để người thường như tôi nhận biết về một tu sĩ Tiếu thừa.

Mặc dù không thích nghe thuyết pháp nhưng tôi vẫn theo mẹ và chị ba Kim Ngọc (đầu năm 1964 chị hai Kim Hoa đã đi làm ở Đà Lạt) trở lại cốc Sư Thiện nhiều lần sau cái lần vào dịp Vu Lan năm 1963 ấy. Và tôi cũng đã tham dự đôi lần ít ra là khúc dạo đầu của những buổi thuyết pháp hay tập ngồi thiền do sư Thiện chủ trì. Do vậy tôi cũng đã nhớ câu kinh sư Thiện và các thiện nam tín nữ của ngài lặp đi lặp nhiều lần:

Nam mô ta-xa bra-ga-quà-tô Ara-han-tô xam- ma xam-bút Đà xa – Tôi xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn. Ngài là bậc A La Hán cao cả được chứng quả chánh biến tri do ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy”.

Và ít ra tôi cũng nhớ các đề tài sư Thiện thuyết giảng: Vô thường, Vô ngã, Tứ diệu đế, Trung đạo, Bát chánh đạo, Niết bàn…Đặc biệt sư Thiện nhấn mạnh đến nghiệp báo, nhân quả, địa ngục và niết bàn. Sư Thiện không bài bác lập trường Tứ Ân bên Đại thừa (Việt Nam). Chắc là Phật giáo Tiểu thừa không chủ trương Tứ ân. Ông chỉ nhấn mạnh đến ơn Tam Bảo. Ông không hề nhắc đến ơn Quốc gia đồng bào. Các sư Tiểu thừa không tổ chức các lễ cầu an, cầu siêu tại các tư gia. Đây là những nhận xét về sau mỗi lần tôi nhớ nghĩ về những chuyến lên cốc sư Thiện cùng với mẹ và chị vào cái tuổi 13, 14.


Chẳng có bùa chú hay phù phép như lời đồn. Bằng những giáo pháp Tiểu thừa và bằng những thủ pháp riêng, sư Thiện đã góp phần giúp đỡ mẹ tôi nguôi ngoai, lần hồi vượt qua cơn khủng hoảng. Tôi nói góp phần, chứ tôi không nói toàn phần, bởi vì trước đó và đồng thời, mẹ tôi cũng đã tiếp cận với những khái niệm Tam qui, Ngũ giới, Vô thường, Vô ngã, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Từ bi hỷ xả, Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi… qua ngã Đại thừa với Ôn Tường Vân, với các ni sư chùa Phước Huệ, các sư chùa Diệu Minh và gần gũi hơn với bác Phạm Đăng Siêu cùng nhóm Hướng Thiện. Tôi thấy mẹ tôi ngày một tỉnh táo hơn, can đảm hơn, bao dung và nhân ái hơn giữa cõi nhân gian ngày càng khắc nghiệt.

Để nuôi con, ngày ngày bà lăn ra chợ. Để được Phật nâng đỡ, soi sáng và cũng để nuôi con, đêm đêm bà gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật và ngồi thiền.

Đêm đêm tôi thường tỉnh thức giữa hai thời kinh tối – sớm của mẹ. Để rồi chẳng biết tự bao giờ những lời Sám nguyện sau đây khắc ghi vào tim óc tôi:

Đệ tử chúng con từ vô thỉ,
Gây bao tội ác bởi lầm mê,
Đắm trong sanh tử đã bao lần,
Nay đến trước đài Vô thượng giác:
Biển trần khổ lâu đời luân lạc
Với sinh linh vô số điêu tàn
Sống u hoài trong kiếp lầm than,
Con lạc lõng không nhìn phương hướng
Đàn con dại từ lâu vất vưởng,
Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng,
Xin hướng về núp bóng Từ quang,
Lạy Phật tổ soi đường dẫn bước.

Mặc dù rất thích các buổi thuyết giảng Phật pháp và các đêm ngồi thiền của Sư Thiện, nhưng rồi những cuộc đi lên đồi Quảng Tế của mẹ tôi thưa dần. Cuộc sống đời thường của gia đình chúng tôi ngày một khó khăn hơn. Ăn mặc, học hành, bệnh tật, kỵ chạp và những nhu cầu không tên buộc bà phải ngồi chợ nhiều hơn. (Trước đây, để lên cốc sư Thiện bà phải bỏ một hoặc hai ngày chợ). Sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Trung – Huế đã không chấm dứt mà vẫn tiếp tục và phát triển theo chiều hướng rộng lớn và lâu dài hơn. Cùng với các tiểu thương chợ Đông Ba, mẹ tôi lại hướng về chùa Từ Đàm và phong trào sinh viên – học sinh. Bà tham gia gián tiếp nhưng tự nguyện và nhiệt tình, Để có cái mà đóng góp, bà ngồi chợ dày hơn. Để ủng hộ tinh thần bà hưởng ứng bãi thị, mua báo Lập Trường. Bà chờ đọc Thư Thầy và chén thuốc đắng của Ba Cao hàng tuần. Để làm Phật sự, bà năng nổ hưởng ứng các chương trình, kế hoạch “hành thiện” của bác Phạm Đăng Siêu cùng các anh Đoàn Thiện, Phan Đăng Huy, Tống Viết Thành… cô Tuyết Ba và các chị Thêm, Phụng, Sang…

Nhà vườn chúng tôi rộng trở thành tụ điểm của các cuộc đàm đạo Phật pháp với thành phần tham dự không biên giới. Cha Petitjean và một số vị ngoài Phật giáo đã đến nhà tôi trong những dịp này. Tôi không chỉ là đứa học trò ở lớp Pháp văn tại nhà cha Petitjean trên cầu Kho Rèn, mà còn là đứa “phản biện điếc không sợ súng” của vị linh mục giàu lòng Bác ái và của người đứng đầu nhóm Hướng Thiện Từ Bi Hỷ Xả có khuôn mặt khắc khổ đẹp như thánh Gandhi trước và sau các cuộc pháp đàm ấy.

Cha Petitjean đã đem đến cho tôi một bộ Thánh kinh (cựu và tân ước) trong một lần đến nhà tôi tham dự Pháp đàm. Ông cũng đóng góp gạo, áo quần cũ cho nhóm Hướng Thiện với tư cách cá nhân. Tôi tò mò đọc Thánh kinh và hát say sưa bài Từ Đàm Quê Hương Tôi của Nguyên Thông. Từ Đàm Quê Hương Tôi lời đẹp, giai điệu mượt mà, tha thiết.


Tết năm 1966, anh cả tôi từ Đà Nẵng, chị Hai tôi từ Đà Lạt về phép, nghe tôi hát bài Từ Đàm Quê Hương Tôi đến đoạn điệp khúc” “Bóng ai từng đêm, đêm về, còn nhớ thuở nào đây, câu thề cùng ước nguyện cứu đời – Tiếng ai chiều nay u hoài, trầm lắng vọng về theo câu thề, nguyện hiến mình cho đời…” cả hai đều hỏi: Ai? Bóng ai? Tiếng ai? Dĩ nhiên hai anh chị tôi đều biết Ai là Ai trong bài hát, nhưng vẫn cứ hỏi với một thái độ khó chịu. Thấy anh chị tôi lớn tiếng, mẹ tôi can thiệp: “Để cho em nó hát, có sao đâu, bài hát hay như vậy”. Đương nhiên tôi đã ngừng hát để cả nhà ăn Tết vui, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng không hiểu hết cái lý do khiến anh chị tôi ác cảm với con người mà mẹ tôi và gần hết tiểu thương chợ Đông Ba, cũng như đại đa số Phật tử Huế một thời gọi là “Thầy” với lòng tôn kính thiêng liêng và hy vọng. Sau Tết, khi anh chị tôi đã về lại nhiệm sở, tôi hỏi, mẹ tôi giải thích: “Cả hai đứa, anh Hồng và chị Hoa của con đều không thích Thầy, nhưng mỗi đứa vì một lý do riêng. Chị Hoa con là cả một câu chuyện dài mẹ không tiện nói ra lúc này. Còn anh Hồng con thì bảo: “Vì Thầy mà nó bị đổi đi Pleiku mấy tháng”. Tôi bằng lòng với lời giải thích ngắn gọn của mẹ về trường hợp anh cả tôi. Nhưng chắc chắn những ai ngoài gia đình tôi thì lời giải thích đó chưa đầy đủ, rõ ràng. Trường hợp chị Hai tôi sau năm 1975 mới sáng tỏ với tôi.

Như thế là với chỉ bài hát Từ Đàm Quê Hương Tôi, trong nhà tôi đã có ít ra là ba cách cảm nhận khác nhau phát xuất từ ba góc nhìn.


Anh Cả tôi theo Phật giáo như một tín đồ dân gian, nhưng lại là người Quốc Gia, ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1957 đậu tú tài, nộp đơn vào trường võ bị Đà Lạt, bị từ chối vì lí do không đủ chiều cao. Năm 1964 đang là giáo sư đệ nhị cấp tại trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, tình nguyện vào trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Năm 1965 là sĩ quan hành chánh quân y (một loại lính kiểng) tại Trung Tâm Hồi Lực Đà Nẵng. Mùa hè 1966, trưa một ngày thứ bảy nào đó, từ Đà Nẵng về Huế thăm nhà như thường lệ, đến đèo Hải Vân, anh tôi bị tiểu đoàn ly khai Nguyễn Đại Thức chặn lại buộc phải chọn một trong ba điều kiện:

--Theo Thiệu – Kỳ thì trở lui Đà Nẵng.

--Tham gia chiến đoàn Nguyễn Đại Thức thì ở lại đèo Hải Vân chiến đấu.

--Ủng hộ phong trào Phật giáo thì quàng khăn tím đi về Huế.

Anh Cả tôi không tham gia, cũng không ủng hộ phong trào Phật giáo, nhưng quàng khăn tím để được về nhà. Ở nhà ngày chủ nhật, sáng thứ hai anh tôi vào lại Đà Nẳng bằng đường thủy nhờ tàu của giang đoàn Hải Quân đóng trước trường đại học sư phạm.

Cuộc đấu tranh do Phật giáo chủ trương bị Thiệu – Kỳ dẹp tan. Lãnh tụ phong trào, Thượng tọa Thích Trí Quang bị bắt đem về an trí tại Sài Gòn. Những sĩ quan ly khai (theo chiến đoàn Nguyễn Đại Thức) bị đưa ra tòa án binh, lưu đày ở Phú Quốc. Những sĩ quan quàng khăn tím bị kỷ luật, giải ngũ. Anh Cả tôi nhờ lập trường Quốc Gia và quen biết lớn nên chỉ bị đổi đi Pleiku. Vài tháng sau cũng nhờ lập trường Quốc Gia và quen biết nên được chuyển về đơn vị cũ tại Đà Nẵng (để tiếp tục làm lính kiểng).

Theo anh cả tôi, ở Việt Nam chỉ có một người là Ngô Đình Diệm mới là “Ai” chính danh. Bởi vì anh không thể nào quên cái câu đầu trong bài “Suy tôn Ngô Tổng Thồng” mà những năm ở trường Quốc Học anh đã hát cùng các bạn mỗi sáng chào cờ: “Ai bao năm từng lê bước nơi quê người…”.

Anh Cả tôi đã gay gắt hỏi khi nghe tôi hát bài Từ Đàm Quê Hương Tôi, vì theo anh, “Ai” trong bài hát này đã tiếm danh, tiếm vị của “Ai” mà anh ngưỡng mộ, đặc biệt vì “Ai” mà hàng ngũ Quốc Gia của anh bị bấn loạn và vì “Ai” mà anh phải bị đổi đi Pleiku mấy tháng.


Sau khi cha tôi qua đời, đầu năm 1964, chị Hai tôi, theo sự chỉ dẫn của một người bạn của cha tôi thời kháng chiến, lên Đà Lạt làm nhân viên Bưu Điện, trở thành người của Mặt Trận Giải Phóng. Mà người của Mặt Trận Giải Phóng thì chỉ có bác Hồ và các lãnh tụ tối cao của đảng Cộng Sản mới đủ tư cách, tài năng, oai lực và đức độ “vì loài người”, “cứu đời lầm than,” và “nối liền Bắc – Nam một nhà”. Một người tu hành như thượng tọa Trí Quang không đủ tư cách nuôi tham vọng chia quyền lãnh đạo đất nước với đảng Cộng sản.


Anh Cả, chị Hai tôi là như thế, nhưng cha mẹ tôi và những người khác trong gia đình thì không như thế. Ở đây tôi chỉ làm sáng tỏ hơn về lập trường của cha mẹ tôi.

Cha tôi ngã bệnh vào giữa năm 1962, qua đời vào tháng 6 năm 1963, trước khi bản nhạc Từ Đàm Quê Hương Tôi được sáng tác rồi xuất bản đến một hai năm. Vậy thì làm sao cha tôi có thể có ý kiến về bản nhạc đó? Xin thưa đó là tôi giả định. Theo tôi, nếu cha tôi không ngã bệnh và qua đời sớm, ông sẽ tham gia phong trào Phật giáo, và ông sẽ hát bài Từ Đàm Quê Hương Tôi. Do đâu tôi khẳng định như thế? Sau đây là giải trình của tôi: Vì yêu nước cha tôi tham gia kháng chiến chống Pháp. Vì sợ ý thức hệ Cộng sản, cha tôi bỏ kháng chiến về lại Huế. Về Huế ông không trình diện, không nộp vũ khí, không cộng tác với chính phủ Quốc Gia, chấp nhận bị tù. Sau 1954 ông không cộng tác với chính quyền Ngô Đình Diệm, không theo đạo Công giáo, lâm vào tình thế bị o ép, chịu đựng cuộc sống khó khăn. Ông cũng không tham gia phong trào Hòa Bình do Cộng sản phát động. Ông theo đạo Phật và trở thành đệ tử tại gia của Ôn Tường Vân. Ôn Tường Vân Thích Tịnh Khiết là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh Phật giáo miền Trung - Huế chống chế độ Ngô Đình Diệm và hình thành lực lượng thứ ba trong cuộc chiến tranh Việt - Mỹ.

Những ngày nằm bệnh, cha tôi ôm cái máy thu thanh để theo dõi cuộc đấu tranh phát xuất từ chùa Từ Đàm. Trước khi qua đời mấy ngày, khi bác sĩ Erich Wulff về thăm bệnh theo lời mời của anh Bửu Hàm và anh trai tôi, ông không quên hỏi bác sĩ Wulff về tình hình sức khỏe của các Thầy và chiều hướng của cuộc đấu tranh, vì ông biết bác sĩ Wulff đã ủng hộ thầy Trí Quang và Phật giáo hết mình. Như thế, cha tôi theo kháng chiến mà không theo Cộng sản, ở miền Nam mà không phải là người Quốc Gia. Cha tôi theo Phật giáo và quan tâm đến tình hình đất nước, dân tộc. Do vậy về phương diện chính trị, ông thuộc thành phần, lực lượng thứ ba. Trong tình thế lúc bấy giờ tại miền Nam, đặc biệt tại Thừa Thiên - Huế, Phật giáo đồ đồng thời là thành phần chính trị thứ ba đương nhiên là xem chùa Từ Đàm như là biểu tượng của quê hương với ước mơ nối liền Nam - Bắc, và xem thượng tọa Trí Quang là lãnh tụ chính danh của cuộc đấu tranh vì đạo pháp và dân tộc (chống chiến tranh – chủ trương thông nhất đất nước, hòa hợp hòa giải dân tộc).

Mẹ tôi sau khi thôi lên cốc Sư Thiện, ngày ngày chăm lo buôn bán để nuôi con, và cùng với tiểu thương chọ Đông Ba hướng về chùa Từ Đàm, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo, hàng tuần chờ đọc thư Thầy trên báo Lập Trường. Do vậy mẹ tôi rất thích nghe tôi hát Từ Đàm Quê Hương Tôi.


Về phần tôi, tôi không có nhu cầu tôn giáo mạnh mẽ và cũng không thiên hướng chính trị phe này phía nọ. Lúc đầu thích hát Từ Đàm Quê Hương Tôi vì giai điệu mượt mà, thê thiết của nó hơn là ý nghĩa của ca từ. Tôi đã không chú ý lắm Ai là Ai trong các câu hát. Cái tính chất trữ tình sâu lắng thấm đẫm từ đầu chí cuối của bản nhạc đã ru tôi qua từng khúc đoạn của giai điệu. Khi hát Từ Đàm Quê Hương Tôi, tôi đã cảm xúc như hồi bé được ru theo từng nhịp võng, từng giọng hò của mẹ. Khi hát Từ Đàm Quê Hương Tôi, tôi cũng đã cảm xúc như năm lên sáu tuổi lần đầu nghe cô Minh Mẫn ca bài Chiều chiều trước bến Phu Văn Lâu vào một buổi chiều cuối năm trong vườn nhà cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Nhưng rồi, giai điệu đó và phản ứng của anh chị tôi đã dẫn dắt tôi tiếp cận lời ca. Lần hồi tôi nhận ra rằng Từ Đàm Quê Hương Tôi là lời tự sự của một bộ phận dân tộc trước tình cảnh quê hương, đất nước. Đất nước bị xâm lược, chia cắt, dân tộc bị chia lìa, chìm đắm trong chiến tranh giết chóc. Cái bộ phận dân tộc ấy mặc dù đã trải qua muôn vàn cay đắng giữa hai thế lực bạo tàn xâm lược và cách mạng, Quốc Gia và Cộng Sản, vẫn tự nguyện làm nhịp cầu nối liền Nam Bắc, hóa giải các mối xung đột, hận thù, mơ ước cùng anh em nắm tay nhau trở về sum họp dưới mái nhà chung. Cái bộ phận dân tộc ấy còn ôm ấp một hoài bão to lớn hơn là thức tỉnh nhân loại bằng tiếng chuông chùa (Từ Đàm) và thắp sáng cõi nhân gian lầm than bằng ánh đạo vàng (Phật giáo). Tôi chép theo đây toàn văn lời ca nhạc phẩm Từ Đàm Quê Hương Tôi của Nguyên Thông (nhạc sĩ Văn Giảng) để bạn đọc đối chứng.


Từ Đàm Quê Hương Tôi


Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng

Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao nhiêu dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn

Quê hương tôi là đây
Sớm hôm hương trầm nhẹ bay
Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy

Ôi thân yêu bóng chùa Từ Đàm
Nơi Bắc Nam nối liền một nhà
Tay trong tay quyết vì loài người, đời lầm than 

Bóng ai từng đêm, đêm về
Còn nhớ thuở nào đây
Câu thề cùng ước nguyện cứu đời

Tiếng ai chiều nay u hoài
Trầm lắng vọng về theo
Câu thề nguyện hiến mình cho đời

Ai đi qua miền Trung
Khoan khoan ơi người dừng chân
Lắng nghe về đây hồn ai u hoài

Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng Từ Đàm ơi.


Trong cõi ta bà, chúng sinh đã giải tỏa các khổ nạn trùng trùng bằng những giấc mơ. Riêng dân tộc Việt Nam trong vòng hơn một trăm năm mươi năm cuối của kỷ nguyên thứ hai (1858 – 2015) đã kinh qua ba giấc mơ lớn. Ở hai đầu đất nước, các thứ ma chướng từ ngoài (từ ngoài vào không chỉ có ma chướng, còn có cả những tinh hoa) và hai ngài giáo chủ đội lốt thánh nhân đã đem lại cho đồng bào hai giấc mơ đẫm máu. Ở giữa đất nước các vị tì kheo khất sĩ đã khơi gợi cho các đệ tử của mình một giấc mơ đầy ắp ánh đạo vàng và tiếng chuông chùa.


Nguyễn thị Kim Thoa



Một số hình ảnh của bác Phạm Đăng Siêu – Nhóm Hướng Thiện
và cha Petitjean


pdsieu

Bác Phạm Đăng Siêu, người mặc áo tràng,
đứng thứ ba từ trái qua trong đám tang mẹ tôi (1982)

 

tungkinh

Một buổi tụng kinh của nhóm Hướng Thiện tại nhà tôi ở Vỹ Dạ (1978)


dangoai

Buổi dã ngoại tại chùa Túy Vân ( chùa Thánh Duyên) cùng cha Petitjean
Từ phải qua trái: Minh Nguyệt, Thu Sa (bạn học tại trường Y), Kim Thoa,
Cha Petitjean, Túy Ngọc (bạn học ở lớp Pháp văn) và một bạn không nhớ tên. (1971)

 

chuctet

Thư chúc Tết của cha Petitjean



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us