Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Con chờ bố ở vườn hoa

Con chờ bố ở vườn hoa

- Lưu Thuỷ Hương — published 01/01/2015 04:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Con chờ bố ở vườn hoa


Lưu Thuỷ Hương



Khi nó ngủ say, cụ Tâm mới nhìn rõ được món đồ chơi trong tay thằng bé. Bàn tay nhỏ xíu lấm đen thanh thản mở ra trong cơn mơ. Thoạt đầu cụ Tâm tưởng, đấy là cái bật lửa bằng ga. Nó chỉ lớn khoảng bằng ngón tay trỏ của cụ, vuông vức, cũ kỹ và đơn điệu một màu xanh lục. Thằng bé luôn giấu kỹ món đồ chơi duy nhất của nó trong người. Chỉ những khi rảnh rỗi, hay trước lúc đi ngủ, nó mới lấy ra, cẩn thận gỡ bỏ lớp bao nilon. Nó đặt khối nhựa vô tri vào giữa lòng bàn tay, cau mày nhìn chăm chăm vào đấy, cứ như nó muốn tìm kiếm một điều gì.

Cái này của bố cháu để lại.

Lần đầu tiên nó tâm sự với cụ Tâm, khi chỉ có hai bà cháu ngồi trong góc vườn hoa. Cụ Tâm nhìn bộ quần nhàu nhò của nó, thương cảm.

Bố cháu mất rồi sao?

Đôi môi nó mím chặt lại, nhưng nước mắt cứ chực trào ra. Nó chậm rãi lắc đầu.

Không. Mẹ cháu mất.

Cụ Tâm đoán, bố nó lấy vợ khác, nên nó mới lông bông không nhà không cửa thế này. Cái loại đàn ông tán tận lương tâm. Nhưng cụ không dám nói ra. Nước mắt thằng bé đã trào xuống hai bên má. Cụ chậm ống tay áo lên gò má xanh xao của nó.

Cơ khổ. Cháu ngủ lại đây với bà. Chỉ có manh chiếu rách.

Đêm đấy, nó ngủ lại trên chiếu của cụ Tâm. Nó nằm giữa cụ và cô Hà. Buổi sáng, cô Hà nhìn vào khuôn mặt nhem nhuốc nước mắt của nó.

Cháu mấy tuổi?

Nó đưa sáu ngón tay lên, nhoẻn miệng cười. Cô Hà thảng thốt kêu.

Ôi giời, sao bé thế, hở con? Chỉ bằng thằng út nhà cô thôi. Bằng tuổi cháu, bọn trẻ chỉ biết tung tăng đến trường.

Nó nhìn sững cô Hà. Cái miệng nhỏ xíu mếu xệch đi.

Ở trường cháu cũng có bạn. Bạn tên Danh và bạn tên Thiện. Bạn Danh ngồi bên trái. Bạn Thiện ngồi bên phải.

Thế sao cháu lại lang thang ở đây?

Nó lại nhìn cô, dò xét, ánh mắt thơ ngây già đi. Rồi không kìm được, nó bật ra.

Bố bảo, phải ở vườn hoa chờ bố quay lại.

Cụ Tâm thở dài.

Thế ra bố mày cũng là dân oan.

Nó không đáp lời cụ, lặng lẽ nhìn xuống khối nhựa màu xanh. Ngón tay nhỏ xíu dịu dàng xoa lên mặt nhựa bóng loáng. Khi cụ Tâm đi lấy nước về, nó đã bỏ đi. Nó đi đâu cả ngày, buổi chiều tối trở về bên chiếu cụ. Khuôn mặt xanh xao hốc hác. Cụ Tâm ca cẩm.

Cháu đi đâu cả ngày?

Cháu đi tìm việc. Cháu cần tiền để mua một lép tốp.

Cô Hà ngồi bên cạnh nhảy nhổm lên.

Nghiện à? Bọn trẻ bây giờ nghiện in tờ nét sớm thế. Rõ khổ.

Nó im lặng cúi đầu không nói gì. Cụ Tâm lại ca cẩm.

Thế có tìm ra việc không?

Không, ạ.

Ai mà mướn. Cháu bé thế. Đã ăn gì chưa?

Nó lưỡng lự gật đầu mà không hề ngước mắt nhìn cụ. Đôi vai bé xíu gồ lên như nhánh cây khô. Cụ Tâm moi trong giỏ ra củ khoai luộc.

Này, bà để dành cho cháu đây.

Nó đưa hai tay nhận lấy củ khoai, cảm ơn thật rõ ràng. Cụ Tâm nhìn lảng ra hàng hoa đào tấp nập bóng người. Cụ đoán, thằng bé chẳng biết tết là gì. Thế mà hay.

Sau bữa ăn, nó lại đem khối nhựa màu xanh ra ngắm nghía.

Cái đồ chơi gì thế, cháu?

Cái này của bố. Nó bé thế này nhưng có cả một gia đình trong đấy.

Cụ Tâm nhìn sững nó.

Hay thế à?

Cô Hà nghiêng đầu sang.

Cô biết cái gì rồi. USB, đúng không?

Mắt nó sáng rực lên.

Bố cũng gọi là USB. Trong này, có tất cả. Có bố. Có mẹ. Và cả cháu nữa. Nếu bây giờ mở được nó ra, sẽ có cả gia đình trong đấy. Một gia đình đầy đủ bố mẹ.

Cụ Tâm chậm ống tay lên khoé mắt.

Bố cháu là dân oan tỉnh nào?

Không. Bố không là dân oan. Bố chỉ thường lân la ra đây.

Bất chợt, cả cụ Tâm và cô Hà đều lạnh người. Bố nó lân la ra đây làm gì. Ở vườn hoa này chỉ có hai loại, dân oan và chó săn.

Nửa đêm, khi nó ngủ say, cô Hà ngồi dậy, bảo nhỏ.

Ngày mai, cụ đuổi nó đi. Ở đây chẳng ai chứa ngữ ấy.

Cụ Tâm chậm rãi gật đầu. Ánh mắt cụ dừng lại ở khối nhựa màu xanh. Nó cũ kỹ và tầm thường, như một cái bật lửa. Thằng bé bỗng khép bàn tay lại, nó áp cái USB lên ngực. Trong cơn mơ, miệng nó lẩm bẩm điều gì. Cụ Tâm tẩn mẩn kéo mảnh chăn bông lên đắp ngang ngực thằng bé. Đêm cuối năm, ngoài kia rộn rã đèn hoa.

Hôm sau, thằng bé lại đi cả ngày. Buổi chiều, nó trở về, xà xuống bên chiếu cụ Tâm.

Bà ơi, bà nhìn xem này.

Nó chìa bàn tay ra. Cái kẹo sô cô la nhỏ xíu nằm trong tay, gần như chảy ra thành nước.

Bà nhìn xem, nó hân hoan lặp lại, cháu đã tìm được việc làm.

Nó nắm lấy bàn tay nhăn nheo của cụ, trịnh trọng đặt cái kẹo vào đấy.

Đây là phần của bà.

Cụ Tâm bật cười.

Ơ, thằng này hay thật. Thế cháu làm việc gì?

Cháu nhảy múa cho một thằng bé xem.

Nhảy múa cho ai xem?

À, thằng bé con. Bé lắm. Nó không chịu ăn. Không ai dỗ được. Thế là cháu nhảy múa cho nó xem. Nó ăn được cả bát cơm to. Cô trông trẻ bảo, ngày mai, cháu đến làm việc ở đấy nữa.

Thế họ trả công bao nhiêu?

Nó hơi xịu mặt xuống.

Họ cho cháu phần ăn thừa của thằng bé và cái kẹo.

Cô Hà cười mát.

Thế mày làm việc giỏi, thì mày chẳng còn gì để ăn nữa.

Cụ Tâm nạt ngang.

Không ai nói thế với trẻ con bao giờ.

Cô Hà dấm dẳng.

Bố nó có phải là dân oan đâu, cụ chứa chấp cái ngữ đấy làm gì. Đuổi nó đi khỏi đây cho đỡ bẩn mắt.

Nhưng trẻ con có lỗi gì chứ?

Nó nhìn sững cô Hà, rồi nhìn cụ Tâm. Miệng nó méo xệch đi.

Cháu không đi khỏi chỗ này được. Bố dặn, phải ở đây đợi bố về.

Cụ Tâm nhìn vào cặp mắt trong veo ngấn nước của nó.

Bố cháu thường ra đây à?

Vâng. Bố thường ngồi ở góc kia.

Bây giờ bố ở đâu?

Họ đưa bố đi rồi.

Họ là ai?

Cháu không biết. Có đến bốn người kéo bố đi.

Kéo bố đi đâu? Mà sao lại kéo đi?

Cháu không biết. Họ rất khoẻ và hung dữ.

Mà bố cháu làm gì?

Bố bảo, đừng kể với ai. Bố bảo, việc bố làm là một trò chơi rất nguy hiểm. Không được kể với ai.

Cụ Tâm thở dài.

Thế thì bà chẳng còn gì hỏi nữa.

Cô Hà cau mày nhìn nó chăm chăm.

Có những bốn người kéo bố?

Vâng. Bốn người đánh bố ngã xuống.

Ôi. Rồi sao nữa?

Họ kéo bố, đẩy lên xe.

À. Rồi sao nữa?

Thằng bé cúi gằm đầu, run run đưa tay quẹt ngang mũi. Nó im lặng lúc lâu, lí nhí nói trong cổ họng.

Họ mang cả lép tốp và máy ảnh của bố đi.

Rồi sao nữa?

Thằng bé oà lên khóc.

Bố chỉ kịp... Bố hét lên, con chờ bố ở vườn hoa...

Có phải bố hay đội nón bảo hiểm màu vàng cam, mang giày thể thao trắng, buổi chiều lân la trò chuyện với các bác ở góc kia?

V...âng.

Sau tiếng vâng yếu ớt, nó thụt lùi về phía góc tường. Như con thú nhỏ bị dồn đuổi, nó co mình lại, hai tay giữ chặt cái USB trên bụng.

Cô Hà chồm đến, chụp lấy vai nó.

Ôi Giời ơi. Cụ Tâm ơi. Đấy là cái anh mang giày trắng.

Cụ Tâm cũng hốt hoảng kêu to.

Ôi Giời ơi. Các bác ơi. Hoá ra là tay chụp ảnh.

Vâng. Bố nó đấy.

Các bà bên cạnh bu lại. Mấy chiếc chiếu cùng nhốn nháo.

Cái anh chụp ảnh cho dân mình đấy à?

Cái anh mang thuốc đến cho cụ Bằng?

Cái anh viết bờ lốc vừa bị bắt tháng trước?

Vâng. Anh Bờ Lốc.

Thằng bé im lặng lùi xa khỏi đám đông. Ở một góc vườn hoa, nó dừng lại, lưỡng lự một lúc rồi đặt cái USB lên giữa lòng bàn tay phải. Đôi mắt xa xăm tìm về "một gia đình đầy đủ". Từ trong chốn bình yên, nó âu yếm thì thầm.

Vâng. Bố và mẹ. Mẹ nấu ăn trong bếp. Bố ngồi bên bàn viết, gõ lóc cóc.

Lưu Thuỷ Hương

Tháng 1.2015


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us