Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Dấu tích văn hoá Huế

Dấu tích văn hoá Huế

- Hoa Liên — published 04/01/2015 18:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Đọc DẤU TÍCH VĂN HÓA HUẾ
của giáo sư - bác sĩ Bùi Minh Đức 


Hoa Liên


vhh

Cầm cuốn sách dày ngót 434 trang của Tiến sĩ Bác sĩ Bùi minh Đức, một người vốn nổi tiếng hồi còn ở tại quê nhà, tôi mới sực nhớ năm 2005 một người bạn từ Cali về có cho một cuốn photo sách của bác sĩ. Vội chạy tìm trong các tủ sách, hỡi ơi, qua các trận lụt bão hàng năm ở xứ Huế, số sách tốt bỏ trong rương cùng va li cũ chồng lên gác cao đã đành (một căn gác sát mái đầy bụi bặm và rác chuột tha do lâu ngày không có ai ở, một năm lên quét dọn hai lần), và số còn lại để trên kệ cao. Tìm một ngày không biết hiện nó nằm chỗ nào, tôi cũng không lên gác, cố vác cái thang gỗ ngoài kho vào là một vấn đề. Thôi trước mặt hãy đọc cuốn này đã.

Cảm giác đầu tiên là cảm động. Thật quý hóa thay những tấm lòng bên kia đại dương. Đọc hàng ngàn trang thơ của một vị sư bên Úc, nay là sách của Bác sĩ. Văn hóa là một khái niệm rộng. Một từ rất khó định nghĩa. Là một người Huế chay, tuy đã đi nhiều nơi song tôi yêu Huế, không ở đâu bằng ở Huế. Chính tại đây, bản sắc dân tộc, tình yêu quê hương đậm đà và rõ nét, không chỉ qua đền đài lăng tẩm, nếp sống, chùa chiền, sông nước mà còn qua những ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức long trọng tại trường Hàm Nghi (trước 1975) với toàn thể Hội đồng Thân hào nhân sĩ trí thức Huế. Hàng năm cụ Hàn, Hội trưởng Hội Khổng Học Việt Nam, dạy Đại học Văn khoa môn Hán văn đứng ra đọc diễn văn tưởng nhớ vua Hùng.

Bây giờ đọc cuốn sách dày đó được viết rất công phu và chi tiết, chi tiết đến “Con heo cỏ” để nói đến đọi bún bò xứ Huế. Chi tiết đến “Chiếc bánh đường đen thuở nào ở Huế”, “Thợ cúp tóc dạo ở Huế”,“Chiếc kim băng đa năng”, cùng những công dụng của nó… Cảm động nhất là bài “Văn hóa hói làng”. Ôi! Một nguời bằng vào tài đức của mình đã đứng trên đỉnh cao danh vọng, thế mà sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời còn nhớ đến con hói dẫn vô làng La Khê, rồi bột gạo La Khê gói bánh nậm ngon nối tiếng cho đến bây giờ! Hiếm có quá. Không những thế, mối lo âu đến việc bão lụt hàng năm thường xảy ra ở miền Trung khiến người viết : “Nhiều con hói ở Huế đã và đang tắt nghẽn do bèo, do bùn hoặc do đất lấn vào lòng hói, không chịu vớt bèo và cũng không chịu làm sạch hói... Ảnh hưởng thoát nước của “ hệ thống hói sông ” sẽ bị hỗn loạn và nếu có ai đó ở Huế đã tinh ý ghi nhận, thì từ mươi năm sau này, Huế đã nhiều lần bị lụt lớn và lũ lụt dâng lên rất mau.”

Đọc hết cả cuốn, nhận thấy văn phong của bác sĩ rất giản dị mà súc tích, đúng là cách hành văn của bậc thức giả, nói ít hiểu nhiều, sáng sủa mà giàu hình tượng. “Phải chăng đó là do dòng sông chính, dòng sông Hương, đã mất đi hệ thống thoát nước của các ao hồ, của các hói đầm và do đó không thể làm giảm lưu lượng tức thời cho dòng sông đang lên của lũ” ? Đọc những câu này, ai nghĩ do một người học trường Y viết ra. Không những người có đôi mắt quan sát của một nhà văn, người còn có một tấm lòng. Thiếu một tấm lòng bao dung rộng mở, làm gì có những trang văn đậm đà tình yêu quê hương đất nước đến thế! Đáng chú ý là những bài viết về “Một thời học hỏi”, “Tủ sách gia đình ở Huế” mà sau đây tôi sẽ có đôi lời thưa lại với bác sĩ. Phải công nhận ngưởi Huế là người hay đọc sách. Đọc nhiều là đằng khác, không phải tôi lấy mình ra làm tấm gương soi rọi, sự thật như vậy.

Thầy có thận trọng lưu ý việc chỉ viết về năm 1930 - 1960, tuy nhiên, cho đến những năm về sau, người Huế cũng có cách học và tự học không khác là bao, có thể thêm những loại sách mới mà thôi. Các báo Anh Pháp như Paris Match và Reader’s Digest. Hầu hết các tiểu thuyết Âu Tây, kể cả tiểu thuyết đen đều được in nhỏ dạng bỏ túi cho dễ mang đi đường. Loại tiểu thuyết và các danh tác triết học như của Jean Paul Sartre, Albert Camus, Marcel Proust cũng được in dưới hình thức ấy. Trên đường phố Trần Hưng Đạo Huế có nhiều nhà sách, như nhà Văn Minh, Tân Hoa, Bình Minh. Tôi nhớ tôi đã mua hai cuốn Đạo đức kinh và Nam hoa kinh, hai cuốn sách thuộc hàng kinh điển của triết học Trung Hoa giá năm chục ngàn, một cái giá rất hữu nghị do ông chủ nhà sách Văn Minh nhượng lại vào năm 1985. Vật đổi sao dời, nghe đâu ông chủ nhà sách ấy đã mất, tôi còn nhớ cái ơn đó. Sự thật những năm ấy, lương giáo viên có là bao, so với giá trị cuốn sách, cái giá ấy vẫn còn quá rẻ. Bây giờ, ngay một cuốn “Hậu cuốn theo chiều gió” gần hai trăm ngàn mà giá trị không lớn bằng. Trong các nhà sách ở Huế có hai nhà sách lớn, nhà Ưng Hạ và nhà Gia Long, hai nhà đó luôn có đủ sách báo cho sinh viên, học sinh và các thầy cô giáo. Cũng không quên kể một nhà sách nhỏ ở Ngã Giữa tức đường Phan Bội Châu bây giờ, nơi phát hành tất cả các sách của cụ Phan. Ba tôi có đủ các sách các nhà cách mạng thuộc phong trào Duy Tân, Cần Vương, trong số đó cuốn tôi thích nhất – cũng nhờ ba tôi giải thích và giới thiệu cho các con đọc, nói về phong trào Đông Du và nhất là lòng yêu nước. Phải, trước hết là lòng yêu nước thương dân của cụ Phan Bội Châu, một cuốn sách dày tả lại đoạn đời của cụ khi sang Nhật tìm Kỳ ngoại hầu Cường Để. Đó là cuốn Hải ngoại huyết thư do một người có lòng với dân với nước viết ra. Đọc cuốn sách ấy khi tuổi còn xanh, quả thật tôi nhớ đến bây giờ. Giá sách rẻ vừa túi tiền. Bác sĩ có băn khoăn về nỗi học trò Huế không còn tủ sách như ngày xưa, điều đó đúng. Tuy nhiên cái gì cũng có nguyên nhân. Và vì vậy tôi có đôi điều thưa lại như sau.

1. Giá sách hiện nay không rẻ, một cuốn sách khoảng 200 – 300 trang có giá 60000$ trở lên tùy theo thể loại. Sách dành cho các thanh thiếu niên người xưa gọi văn vẻ là tuổi hoa niên. Báo Hoa học trò ngoài Bắc, báo Mực Tím trong Nam, báo Áo Trắng của Đoàn Thạch Biền,... đều dành cho lứa tuổi này. Tìm một nhà văn sống đời của các em, vui những niềm vui, buồn những nỗi buồn, kể cả những kiêu căng và lầm lạc, để viết nên những trang sách cảm động, giàu tính nhân bản, thương người như thể thương thân; đi tìm những tác phẩm, nơi tuổi thanh niên đọc thấy khát vọng tình yêu và hạnh phúc, có khi chỉ là ước mơ có một mái nhà để nương náu sau cơn bão lũ, mơ ước của trẻ em nghèo được có trường để học, dường như ngày càng hiếm đi. Biết bao giờ thì có một “Sông Đông êm đềm” (tác giả người Nga, giải Nobel), một “Anh phải sống” (Thạch Lam )?

2. Chuyện giáo dục ở nước ta là một câu chuyện dài, cứ vài năm lại thay đổi, lúng búng mãi.

Chương trình học nhồi nhét nặng nề, thêm giờ lao động, việc học thêm, dạy thêm đến chóng mặt, việc cộng điểm thiếu tính khách quan (nhất là ở cấp 1, cô giáo dạy một lớp được toàn quyền cộng sổ một năm chỉ hai lần), đánh giá xếp loại thiếu vô tư và nhân bản. Làm việc trong hội phụ huynh vừa ở trường công vừa ở trường tư, tôi đã bao lần đưa ra ý kiến về việc cho điểm, đánh giá xếp loại đạo đức một cách máy móc vô lí cuối học kì, nhất là các lớp đi thi. Bên cạnh, không thể không nói đến “những con sâu làm rầu nồi canh” trong giáo viên không phải là ít. Chưa kể những giờ học chính trị, giờ sinh hoạt hội đoàn, khiến học sinh lẫn sinh viên (lo học cho kịp chương trình) – và cả thầy giáo (dạy thêm để mưu sinh, có người trở nên giàu) – còn thì giờ đâu mà đọc?!

3. Nhu cầu hội nhập là một nguyên nhân phụ. Cái nguyên nhân chính, các em thiếu hẳn một nền giáo dục gia đình. Giáo dục làm sao đây, cha mẹ cũng ngày đêm lao vào việc kiếm sống, hoặc kiếm tiền, làm giàu bằng đủ mọi cách!

Đa phần học sinh, sinh viên không theo kịp chương trình, lao vào máy tính thâu đêm mãn ngày, nhất là các trò game online với các cảnh bạo lực, chưa kể phim sex... ảnh hưởng lên tinh thần các em không ít. Từ nguyên nhân một chương trình học nặng nề, đưa đến việc các em chán học, bạo lực học đường và bạo hành trong gia đình đưa tới tệ nạn thanh thiếu niên phạm pháp ngày càng nhiều. Giả thuyết, việc phân ban, chấm điểm hợp lí, chương trình học nhẹ nhàng hơn, liệu có đẩy các em lao ra ngoài xã hội lúc tuổi còn xanh (đầu xanh tuổi trẻ nào tội tình gì) ?

Nếu không kiếm sống được thì phạm đủ thứ tội không đáng phạm do thiếu một chương trình giáo dục nhân bản; nhất là môn Đạo đức, một môn triết học thích hợp cho thiếu niên thì không được dạy. Riêng trong môn Đạo đức học bao gồm nhiêu mục nhỏ: Lương tâm, Trách nhiệm, Bổn phận... Mỗi mục là một bài, tùy giáo sư phụ trách dạy miễn sao cuối năm đủ chương trình là được, không cần ai phải thăm lớp dự giờ. Môn Công dân giáo dục biến thành môn Giáo dục công dân nặng nề tính chính trị không thích hợp với lứa tuổi thanh niên.

4. Điều quan trọng nhất là thư viện. Từ lâu, thư viện không còn làm đúng chức năng của nó. Thư viện là nơi tàng trữ các sách hay, quý hiếm, báo thường ngày, tạp chí… của chủ nhân một ngôi nhà. Nay cái chốn thơ mộng ấy – nơi ta có thể cùng Jack London phiêu lưu với chú chó Bim qua các miền tuyết lạnh ở Nam cực. Nơi ta có thể mơ giấc mơ của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, mơ giấc mơ của Công chúa ngủ trong rừng. Nơi các em có thể cùng Saint. Exupery lên đến hành tinh xanh với Hoàng tử bé. Hay cùng Nhất Linh lên đê Yên Phụ một ngày trời trở gió đông trong Đoạn Tuyệt, và sau cùng... là các sách học mà sinh viên có thể làm thẻ để mượn chứ không cần mua – trong vài chục năm trở lại đây chỉ còn có vẻ to lớn bên ngoài. Mượn sách và trả sách thiếu tính khoa học, sinh viên nào trả sách trễ phải bồi tiền – cái lệ sinh viên ham học thì quên kì hạn trả. Số tiền nhiều khi quá hơn tiền mua cuốn sách.

Trước đây, hồi còn sinh viên, tôi và một số bạn học có làm việc bán thời gian ở thư viện ; Việc làm này chủ yếu là làm thẻ cho mượn sách và phân loại sách, mục đích giúp đỡ sinh viên nghèo hiếu học. Tôi nhớ hồi đó làm việc với thầy B, sau đó, hết thời hạn một năm tôi làm việc ở Trung Tâm Xavier với cha Odique. Học sinh và sinh viên chỉ cần làm thẻ mượn sách (số tiền rất nhỏ, không đáng là bao), là mượn được. Trừ một số sách dành cho giáo sư Đại học tham khảo – kể cả sinh viên năm cuối cần sách làm tiểu luận – sinh viên được mượn bất cứ cuốn nào cần, không hạn định thời gian và cũng không phạt tiền. Hàng năm vị Quản thủ thư viện có nhiệm vụ điều nghiên để tìm hiểu các loại sách nào hay mới xuất bản đang ăn khách trong nước – các danh tác thế giới vẫn được ưu tiên – nhu cầu sách học của thanh thiếu niên nhất là sách dành cho năm cuối Đại học để đặt mua thêm, có khi năm bộ giống nhau cho sinh viên có thể mượn tham khảo (ngay tại chỗ). Mọi người đều có thể vào thư viện đọc sách. Thư viện là thư viện.

Bao giờ thì thư viện trở lại đúng chức năng của nó?

5. Sau cùng, còn một cái nữa không thể không nói đến là chuyện đóng học phí. Trong một quốc gia chậm phát triển, khi tiêu thụ nhiều hơn sản xuất, đáng lẽ đầu tư cho giáo dục – không ai có thể sống đời mãi được nên phải lo cho thế hệ tương lai.

Chính chuyện thu học phí gây bao nhiêu khó khăn cho thành phần nông dân, thợ thủ công. Và cả trí thức, họ phải làm thêm để đóng tiền học cho con. Co cụm ánh sáng văn minh ở mỗi đô thị chỉ là hình thức.

Trên tôi đã mạn phép trình bày thêm một số nguyên nhân tủ sách học trò, nói khác, tủ sách gia đình ngày càng ít lại, gần như không. Không biến mất 100o/o thì cũng tám chín chục phần trăm.

Nay xin nói thêm về vài chuyện khác.

Về tang lễ. Cho đến nay, tục mời ông chấp lệnh trong tang lễ ở thôn quê và thành phố vẫn còn, có điều, ít hơn chứ không hoàn toàn mất.

Bánh đường đen trước đây vẫn bán và bây giờ vẫn có bán ở chợ, người ta đang trở lại dùng đường mật mía và đường đọi Quế Sơn Quảng Ngãi, do hóa chất bị sử dụng bừa bãi vào thực phẩm.

Nói về cái cối giã trầu khiến người khác chạnh lòng. Nói về văn hóa hói làng như nhắc khéo đến lũ lụt hàng năm khiến người ta chạnh lòng. Nói chuyện đi kỵ ở thôn quê, thật ra bây giờ có khác xưa song chưa hoàn toàn mất. Vẫn còn ở những làng quê, những món bánh nậm, bánh ước, người ta làm hay đặt người khác làm, để cúng ông bà đấy thôi. Chi cũng làm người khác chạnh lòng hết, nếu đọc kĩ, đọc đi rồi đọc lại. Đất Thuận Hóa xưa là hai châu Ô châu Rí, vua Chàm dâng cho vua Trần làm sính lễ.

Nay cái chuyện“ Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi…” đã được ghi nhớ công ơn bằng một đền thờ thật lớn thật đẹp, chót vót trên đỉnh ngọn núi, mà người xưa đã khuất núi hàng trăm năm rồi. Tiểu nữ xin mượn hai câu thơ của Bùi tiên sinh đế chấm dứt bài viết:

“ Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

Vâng, dù có phôi pha ít nhiều, bản sắc văn hóa Huế chưa mất. Nó vẫn còn nơi tà áo trắng nữ sinh và chiếc nón bài thơ, còn nơi điệu hò mái nhì mái đẩy và vũ khúc Lục cúng hoa đăng; Còn nơi những bũa tiệc chay với những món nộm, gỏi, bún chay, bánh bèo, bánh ước, dĩa rau sống chuối chát được sắp dọn công phu trên các ngôi chùa ngày lễ Vu Lan và ngày Phật đản sanh. Chính trong những bữa cơm chay này mà bản sắc văn hóa (ẩm thực) của người Huế phơi bày rõ nét.

Nói sao cho xiết cái tình cái nghĩa của người xa xứ, khiến người đọc cảm thấy được bao nhiêu ý tình sâu lắng trong đó? Một cuốn sách đọc rồi còn muốn đọc nữa. Sau rốt, học sinh vẫn năng vào nhà sách Phương Nam coi sách cọp đó thôi! Vẫn còn cái gì đó của Huế mà, thưa Giáo sư. Xin trân trọng giới thiệu đến với những ai chưa đọc tập sách này, mua hay mượn về đọc, kẻo ngày tháng trôi mau rồi hối tiếc.

Huế ngày 30/10/2010

Hoa Liên

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us