Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đi. Ghi. Việt Nam 2012

Đi. Ghi. Việt Nam 2012

- Lê Minh Hà — published 15/01/2013 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Người cộng tác: Bút ký một chuyến về
Bút ký một chuyến về

 
 
Đi. Ghi.
Việt Nam 2012, mùa hạ

   
















Lê Minh Hà



Mỗi bước thêm yêu Người… Tổ Quốc ơi… (Tân Huyền)
…Người ta còn muốn gì Người nữa? Việt Nam ơi...(Lưu Quang Vũ)


1.

Tôi có một giấc mơ…
Đến Hàn Quốc. Nhưng không phải là tới vương quốc của Pạc tổng thống đã cho lính mình sang giúp lính Mỹ uýnh nhau ở Việt Nam một thời đâu. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.(1) Tới Bình Nhưỡng. Tới Bắc Triều Tiên. Sao người ta không gọi cái nước kia là Nam Triều Tiên nhỉ? Bao nhiêu năm gọi quốc gia đó là Triều Tiên, chẳng ai nói nhịu sang Tiên Triều, đoàng cái, dịch tên nửa nước người ta thành Hàn Quốc, quên cha nó cái chuyện nước họ rồi thể nào cũng phải thống nhất như nước mình. Kể cũng là vô tâm thật.

Tại sao tôi muốn tới Bắc Triều Tiên? Bảo rồi, “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Tới đó có lẽ tôi mới được sống trọn vẹn cùng thành phố quê hương tôi một thời. Ở đâu trên trái đất này nửa dân tộc ở nửa nước mặc đồng phục như ở đấy. Ở đâu như ở đấy có chuyện khóc khóc cười cười lúc vì lãnh đạo tối cao già khuất núi lúc vì lãnh đạo tối cao trẻ cưới vợ? Chuyện cưới xin này nhà mình không có, nhưng chuyện khóc cười tập thể quy mô mênh mông thế thì nước mình, và tôi nữa, đã sống qua. Ở đâu mà người người tầm vóc lại khiêm nhường thế, y như chính tôi, và thế hệ tôi, và thế hệ trước tôi sau tôi? Và ở đâu khắp nơi rừng rực biểu ngữ băng rôn như ở Bắc Triều Tiên?

Việt Nam!!! Hà Nội!!!

Vụ biểu ngữ băng rôn này Hà Nội bây giờ hơn đứt Hà Nội ngày xưa. A mà người Hà Nội bây giờ sẽ bảo là hoành tráng hơn. Ngay hôm mới về, tôi đã phải đứng nhòm lịch sau khi ra phố để tính đếm ngày nào là ngày lễ, ngày lịch sử, ngày kỉ niệm mà hồi đi học đi dạy tôi nhớ nằm lòng. Không, tôi không về Hà Nội vào ngày trọng đại nào của tháng sáu, và trước ngày thương binh liệt sĩ vô cùng trọng đại được cả nước tưng bừng kỉ niệm cuối tháng bảy thì tôi đã lại phắn rồi. Vậy mà, ra phố, hoa hết cả mắt vì băng rôn biểu ngữ, nội dung vô cùng phong phú, tựu trung gọi nhau hãy quyết tâm hưởng ứng cuồng nhiệt nhiệt liệt sống làm theo.

Đây! Nội dung những dòng chữ vàng nền đỏ căng rợp mấy phố quanh quanh Bờ Hồ. Ngồi taxi tốc kí còn nhanh hơn chụp ảnh như thế này là giỏi lắm rồi, câu được câu chăng, chỗ nào ghi không kịp thì là ba chấm. Nhé!
Cuồng nhiệt cùng Euro 2012. (Câu này được, dù thật ra những sự kiện này chẳng cần khẩu hiệu cũng khiến người ta phát cuồng rồi.)

Nhiệt liệt hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng

Hưởng ứng cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp…

Quyết tâm thực hiện…

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV hãy đến… - Nam giới nhiễm HIV hãy đến… (Chồng tôi gọi đây là biền khẩu hiệu do sự đăng đối và do thấy cứ đi qua khẩu hiệu trước là lập tức gặp khẩu hiệu sau chăng ngang đầu.)

Tích cực hưởng ứng cuộc tổng điều tra (đã nói).

Toàn dân tích cực hưởng ứng lời kêu gọi an toàn vệ sinh của Hồ Chủ Tịch.

Vệ sinh là yêu nước. (Có tìm nhưng tôi không thấy khẩu hiệu gì mà Đinh bộ trưởng đã xác quyết nội dung, nộp thuế hay nộp phí (nhỉ?) là yêu nước)

Sống chiến đấu và học tập theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại. (Này trí nhớ, có phải version 1 của câu khẩu hiệu này là «sống chiến đấu và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại» không?)

khauhieu


Hừng hực tinh thần. Rừng rực màu sắc. Trên đầu. Ngang tầm mắt. Đính trên thân cây, cột điện còn có những khẩu hiệu khác hình phướn, chữ nhỏ hơn. Từ một nơi bấy nay chỉ thấy băng rôn khẩu hiệu tưng bừng thế này ở những cuộc tuần hành bãi công biểu tình chống chính phủ hoặc chống chủ do các tổ chức dân sự kêu gọi, về lại nơi cái này chả làm nên ấn tượng quái gì với mọi người, nói thật là choáng như rối loạn tiền đình vậy. Chưa khi nào tôi thấy quy mô nội dung khẩu hiệu bằng tiếng ta lại mênh mông và cụ thể đến thế, cho thấy mối quan tâm từ trung ương cho tới địa phương, từ thành phố tới phường phố. Đúng là nay hơn xưa. Khẩu hiệu ngày xưa có nhiều cũng chỉ nhiều vào những ngày trọng đại in đỏ trên đủ các thể loại lịch, như 3. 2, 1. 5, 19. 8, 2. 9, 10. 10, 19. 12, 22. 12… Sau này thì thêm 30. 4. Ngoài ra, thi thoảng thành phố cũng rực rỡ sắc màu vào dịp đại hội đảng hay đón ông anh ông em nguyên thủ nước nào đó. Hết. Công nhận nay hơn xưa. Ít nhất là vải vóc làm vật liệu tuyên truyền cũng dư thừa, hơn đứt cái hồi tôi con gái sinh viên được năm mét vải phiếu còn phải nghĩ tới bà chị cũng sinh viên nhưng thân dáng phì nhiêu hơn lắm mồ hôi hơn quần áo chóng rách hơn. Mà tuyên truyền phát triển thế này thì các cơ quan phòng ban văn hóa từ thành phố tới phường phố chắc cần người hơn cả ngày xưa. Cũng tốt cho bọn sinh viên lìu tìu ra trường chẳng thần thế lắm và cũng không nhiều khao khát. Nhỉ?

Đi ngang đi dọc khắp Hà Nội, tôi nhận ra có một nơi, là khu Ba Đình, nơi các cơ quan ngoại giao đương trú, vẫn giữ nét cao sang vì không cơi nới xây chen xây lấn và vì chẳng hiểu sao, (rất sướng), lại rất ít khẩu hiệu phấp phới vàng vàng đỏ đỏ. Có mỗi chỗ lăng cụ Hồ đằng sau khán đài hai bên lăng là vẫn hai khẩu hiệu, thì theo thiển ý của tôi, nhìn rất không sướng, vì chữ đỏ trên một cái nền màu chết, xanh xanh xám xám, dù khí thế như bất kì khẩu hiệu nơi đâu.

Nhưng ít khẩu hiệu mới thì ở đó vẫn thừa đèn lồng hình hoa sen bạc phếch vì mưa nắng và, thôi, đừng có so sánh hình thù thô kệch lủng lẳng trong vòm cây dưới nắng với hoa sen thật e ấp trong những khoảnh hồ hẹp vanh vanh còn lại từ mênh mông Tây hồ. Chú lái taxi mau miệng «đèn lồng nghìn năm» đó chị. Còn cái gì từ cuộc lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long cần phải quẳng thật nhanh ra khỏi phố phường ngoài những chiếc đèn lồng kì cục này?

Những vỉa hè trồi sụt? Công viên long lở? Mái những công trình hoành tráng dột tứ tung? Nền những công trình sạt tới tận chân thềm?
Quẳng thế quái nào được! Vì đó là đất, không phải dự án treo.

Ấy nhưng đất cũng sụt. May mà những ngày tôi rong ruổi đường Hà Nội, đoạn đó còn bằng, chứ nếu lúc đó nó bị trôi chân do (bão, nước, công trình khác xây sát quá…) thành hố tử thần mà xe tôi lao thẳng xuống, e giờ này tôi đang…)


2.

 

Nhưng có những thứ chẳng phải là sản phẩm hoàn thành cho kịp ngày đại lễ, song cũng hoàn thành chưa lâu, nhất thiết phải được sửa chữa, thay đổi. Xin lỗi tất cả, nếu tôi vừa đứng chân trên Tổ Quốc mình đã lại nói ngay tới cái nhà vệ sinh chung.

Ở Doha, ra khỏi máy bay là bị bao phủ lập tức bởi cái nóng khô khốc, không thể toát mồ hôi. Chỉ đi qua đây mới thấy trang phục tùm hum của dân bản địa là có lý. Dù, vì thế, kể cũng tiếc, chả khác gì ở Hà Nội, tôi không làm sao đoán được dung nhan những người đàn bà đang nhởn nhơ trong phòng chờ máy bay quanh mình. Cô nào còn đeo kính trắng nữa thì ôi thôi, không còn một phân vuông da thịt nào hở. Chắc như thế họ không dám chơi kính mát đen thùi lùi dẫu cỡ hàng hiệu các chân dài nhà ta ưa dùng, nhỉ? Cứ là nhìn, tha hồ tưởng tượng vẻ mỡ màng đàn bà đằng sau khối bí hiểm và những đôi mắt rất là ẩn chứa kia. Thằng con bé chưa biết tới cảm giác bị quyến rũ bởi những gì bí ẩn của cái đẹp xông thẳng vào nhà vệ sinh dành cho chuẩn đàn bà xoè hay bàn tay đòi rửa. Nước phụt từ vòi ra nóng đến nỗi tôi còn tự hỏi làm cách nào để người dân xứ cát tắm cho trẻ sơ sinh.
Khác hẳn, khi xuống tới Nội Bài. Vẫn là nóng, nhưng là cái nóng mềm mại, sánh đặc, y như thể bị nhúng lập tức vào trong một thùng mật lỏng. Cũng khác, nước ở toillette sân bay nhà ta chảy thành dòng bằng đầu đũa, tắc tắc, xì xì, y hệt bò đái, làm cho cảm giác khao khát mát rượi càng tăng. Không đến mức lộng óc, nhưng cái mùi bốc lên trong chốn này chứng tỏ rõ một điều: mất nước là toi. Một cô môi mỏng mũi cao mắt sâu tóc nâu xin xỉn nhảy ra nhảy vào như choi choi trước cửa một toillette nhỏ, rồi không biết nghĩ gì xông thẳng tới trước mặt tôi nhoắt cái chưởng phải nhoắt cái chưởng trái. Nghệt ra vì bất ngờ, rồi hiểu, rồi tủm tỉm, rồi gật gù. Thò đầu vào rút cổ ra, lại gặp hai bàn tay chém chém. “Phải chờ tôi xong rồi thị phạm lại cho cô chứ”. Tây công nhận khả năng thích nghi kém thật: cái cửa nhà vệ sinh không đóng bình thường được vì khóa hỏng, cửa vênh, cô tây nhà ta vén váy ngồi xuống là lại phải lập tức đứng lên vì không nhìn ra, hoặc không biết lấy thịt đè gỗ rồi cài cái chốt kiểu người Việt ta tự chế lắp thêm. Tội thế.

Sau ba năm mới có dịp vào thăm chốn này, cảm giác về sự tạm bợ, liều ẩu trong mọi công trình xây dựng ở quê nhà lại xâm chiếm. Những khe hở giữa cửa và tường, những khoá cửa hỏng, bồn chứa nước thấy cái chốt xả ai tháo ra cẩn thận đặt trên chốc, nẹp cửa bong. Mình dân Việt, thấy còn tốt chán so với hố xí hai ngăn không cửa đặc sản một thời, tặc lưỡi xong rồi đi. Nhưng dù gì thì đây cũng là một trong những cái cửa đầu tiên người nước ngoài mở ra khi tới Việt Nam, nhìn họ luống cuống thế, tự dưng thấy mất thể diện của chính mình. Tức tức buồn buồn. Khó tả. Rồi hãi hùng theo dõi qua mạng quá trình xử lý những “sự cố” ở đập thủy điện Sông Tranh. Phải vội vàng huy động ngay câu “…giữa chiến trường - tiếng bom nghe rất nhỏ” của Phạm Tiến Duật để thấy mình vẫn bình thường. Dân ở đó mà không thấy bình thường vội dắt gà bò chạy là kém hiểu biết, phải giáo dục lại, nhé, nữ tiến sĩ gì Lư đã bảo thế.

Chỉ có gương mặt của nhiều người không đổi. Ví dụ: gương mặt của các đồng chí công an ở cửa nhập cảnh. Nhà tôi bốn người, tám vali lớn nhỏ, hai đứa trẻ chả biết quái gì về xứ sở, thế nên ông chồng nhận việc trình hộ chiếu ở mọi sân bay, cả nhà xúm xít kéo va li quây xung quanh. Cũng hợp lý chứ nhỉ. Thế mà một chú công an chắc sắp già bằng tôi cầm cái dùi cui ra chỉ thẳng mặt hai thằng bé con và con mẹ chúng nó, bắt lui về xếp hàng sau cái dây chằng. Vậy là ba mẹ con trở thành nỗi bực dọc của cả hai hàng người chờ nhập cảnh vì đến lượt trình hộ chiếu ai cũng phải đợi mẹ già con dại lịch kịch kéo tám cái va ly nhường đường. Rõ khổ, mẹ con tôi về quê chứ có phải đi làm cảm tử đâu. Cái cách ứng xử của người thực hiện công quyền ấy làm thằng con đang tuổi lớn của tôi rất ngạc nhiên. Nhưng thôi, cũng là dịp để giải thích cho nó biết sự khác nhau giữa“bạo quyền”“lạm quyền” và cả cái trường ngữ nghĩa của hai từ đó, hay đơn giản là biết không biết là biết trong tiếng Việt.


3.

 

Dự định sẽ làm một viễn du Hà Nội Huế Sài Gòn, ông chồng tôi lập luôn kế hoạch tuần đầu ở Hà Nội sẽ cho thằng con nhớn đi thăm lăng Bác. Nói gì thì nói, cũng là một điểm đến không dễ có ở khắp nơi trên thế giới này. Xoè bàn tay đếm ngón tay đi, thì biết. Từ lăng Bác, sẽ đứng ngóng sang chỗ ngày xưa nắng cỏ Ba Đình để nói cho con biết ngày nay nơi đó là tầng tầng kí ức tháng năm hẹn một ngày sau. Nhưng khi xe đi ngang, thấy một hàng người đang di chuyển chậm chạp dưới nắng chờ vào thăm lăng, ông con lắc. Mất của mẹ một cơ hội kể chuyện ngày xưa mẹ đi qua đây khi nó còn là một đại công trường mà những người làm việc là những đỉnh của đỉnh (có bình bầu đàng hoàng) trong bao nhiêu lĩnh vực ngành nghề, từ nghề xúc đất, mẹ vào đây từ buổi đầu ai đi tham quan cũng phải có vé và còn được phát cho nửa ổ bánh mì thịt xa xíu vừa béo vừa thơm một mùi không bao giờ tìm lại được khi chờ ít cũng nửa ngày ở tận Ông Ích Khiêm. Ông con chỉ phấn khởi khi nghe kể chuyện một trung đoàn công binh trong bốn ngày đã làm xong cái nhà sàn huyền thoại cho cụ Hồ bỏ Phủ ra vườn để sống cuộc sống mà chồng của một diễn viên điện ảnh có tiếng kiêm phê bình gia kiêm doanh gia bây giờ khi đó là học sinh xuất sắc đã thành tâm ca tụng “Bác chẳng cần đâu những suối khe - Một gian nhà cỏ bóng thông che – Côn Sơn ngay giữa nơi đô hội – Mà ánh gươm thiêng vẫn sáng loè”. Nghe đã rồi, ông con cười cười bảo hai bạn thân sinh “đấy, con vẫn bảo mà…” Láo. Mẹ biết thừa mày lại định nhắc nhỏm tới các thứ chủ nghĩa mày ưa moi móc. Ông bạn đi cùng xe thì cười phì phì khi tôi kể chuyện học trò từng kể. Rằng mẹ bạn em là bác sĩ hồi đó được chọn đi học nghề ướp xác bảy năm ở Liên xô nhưng không bao giờ được hành nghề. Hồi đó nghe chuyện đã có chuyên gia, chẳng hiểu tại sao tôi nhớ ngay tới cái sự dốt nát trong chuyện nấu nướng của tôi do có bà chị khéo tay và, do thời đại. Có mấy cái phiếu cái bìa xoay xoay cả tháng, nhân dân được mấy lạng cá thịt đậu phụ, không bao giờ bà chị dám cho cô em vụng thể hiện vì sợ không ăn được. Cô học trò nay sắp tứ thập rồi. Vậy bà bác sĩ phải rất giỏi và rất được tin cậy năm nào giờ có lẽ cũng về hưu. Chưa bao giờ tôi biết, những năm tháng sau khi thành tài bà đã làm gì khi cả nước này cả thế kỉ hai mươi có mỗi một cái xác để ướp. Đề tài của một bài viết đáng giá đây, tình cho không biếu không các nhà báo ngại xọc vào các đề tài nóng hôi hổi hàng ngày đấy.


4.

 

Không đi thăm lăng Bác không vào rạp hát không đền miếu phủ chùa thì làm gì cho hết ngày? Làm gì cũng khó nếu tha lôi theo hai ông con đứa tuổi ương đứa mới tự nguyện rời xe đẩy. Nóng quá thể là nóng. Đang từ cái nơi mùa hạ thường chỉ 20 độ toài về quê nhà, nói như một bạn FB bảo Hà Nội đã vặn lò lên 40 độ rồi chị ơi là chị, trong khi trọng lượng so với thời mới e ấp từ đó ra đi tăng dễ tới 20 cân hơi, quả khó mà bôn ba trên từng cây số. Hà Nội giờ vẫn còn những chốn cây cao bóng cả, gió lá phố hoa ngày tháng hạ, nhưng chẳng còn chỗ nào để thư thả mà đi. Không khí để thở ra hít vào trên phố những ngày nắng thật là khủng khiếp, có cảm giác quánh lại vì đủ thứ mùi, mùi người, mùi thức ăn, mùi rác. Nhưng có một nơi như tôi nhớ vào ngày nắng hạ thế này phải kinh khiếp lắm so với nơi chốn khác: chợ, thì bây giờ, chẳng tệ hơn bất kể đâu. Tôi đã cố tình loanh quanh trong chợ, dừng nơi bán thịt, góc bán cá tươi, mà vẫn không thấy lại hoàn toàn cái mùi phản gỗ bày thịt sống không bao giờ cọ rửa của ngày xưa chỉ cần non trưa đã làm phát khiếp bất kì quý đàn ông nào phải đi chợ thay vợ chửa. Lạ thế. Cái mũi mình bị điếc tạm thời vì bão hòa mùi hay...? Chợt nhớ tới những cảnh báo an toàn thực phẩm và những lời khuyên trở thành bà nội trợ thông minh khi chợ búa hàng ngày vẫn đọc trên báo online. Không biết…

Bất tri có cái lợi. Ăn gì cứ tươi non mơn mởn là thấy ngon. Cái vị này hoa quả rau cỏ nhập khẩu nằm kho lạnh của siêu thị tây tuyệt không thể nào có nổi. Thằng cu con 14 tuổi nhà tôi cắn mận rau ráu suốt đường bay Hà Nội - Sài Gòn, khen mận Việt Nam vị lạ, không mềm không ngọt như mận tây mà duyên hơn. Nghe, mẹ nó mím môi cười. Rồi dăm bảy năm nữa mày về khéo lại khen con gái Việt Nam như mận.

Nói là nói vậy, nhưng tôi rất biết tự hạn chế thói thích nếm náp của mình. Dù gì cũng chỉ có hơn hai mươi ngày tung hoành, chiều chuộng lưỡi môi, nhỡ đâu. Cô cháu họ trạc tuổi tôi cũng học trò lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa chỉ vì không nhớ ra “Ngục trung nhật kí” đúng lúc, không biết tự hạn chế đến buồn không đi ị cũng không xong mà đi tong cả kì nghỉ năm ngoái. Mà nói đâu xa, hôm ở nhà, duyên may gặp một anh bạn cùng ở Đức nhưng cách nhau dễ tới sáu bảy trăm cây, thấy anh bạn vốn thanh mảnh về Việt Nam có mấy ngày càng thanh nữa, hỏi thăm, câu trả lời: suýt chết chị ạ suýt chết. Nào có phải vì cảnh vẻ, chẳng qua bọn tư bản nó làm hỏng mình. Ngần ấy năm sống trong lòng nó, chẳng bao giờ uống thuốc tẩy xổ cũng vẫn sống nhăn, vừa rời bỏ cái bọn tư bản giãy mãi chưa chết ấy, nó làm mình suy yếu hẳn.
Thế nên tôi rất mừng khi vẫn nguyên lành sau khi đã dùng giấy toillette lau đôi đũa dinh dính trước khi đả một đĩa bánh cuốn nóng của hàng xóm về hưu nhà chị tôi. Ăn xong, đi theo cô em biết từ thuở cô là sinh viên trinh nguyên nay thoắt cái mười lăm năm hai lần kết hôn mà vẫn ngây thơ trong trẻo ngang qua khu đất sáng ra hay thấy dân tình tụ về ăn ăn uống uống, cứ thấy mình băn khoăn mãi, không tài nào nhớ ra, quen lắm, mùi gì? Đến tận lúc ngồi trước cốc cà phê đá, hay thật, dân Hà Nội giờ cũng xơi cà phê đá sau bữa điểm tâm như dân Sài Gòn, mới ngộ ra cái mùi rất quen kia là mùi mặt bàn gỗ gây gây đặc trưng của các hàng phở ở bao nhiêu ngõ nhỏ, thường dính đủ thứ, nước phở, dấm ớt, và chỉ được lau qua loa sau mỗi buổi dọn hàng. Ơi chao cái mùi nhắc vị. Tiếc, đã không một lần xuống đó gọi một bát phở, thêm chiếc quẩy, rồi đũa rồi thìa, rồi dấm rồi tương ớt, hay lát chanh tươi với lát ớt tươi.

DL

Tội của tác giả ĂN PHỞ RẤT KHÓ THẤY NGON. Biết như thế mà không chờ tác giả đưa đi ăn hàng quen thì chẳng dốt lắm ru. Mà tác giả, chắc cũng biết tôi không là người thích đủ thứ, mà vẫn không hẹn không mời, tệ nhỉ.

Rầu lòng vậy thì cầm lòng nói vậy cho đỡ rầu. Chứ chàng trẻ này tôi gặp ngay sau hôm bầu đoàn hạ cánh. Người Việt trầm lặng là ấn tượng đầu tiên tôi có trước chuyên gia phở này. Lịch lãm - chồng tôi bổ sung và tôi bất ngờ vì suốt buổi gặp gỡ hai người đàn ông già trẻ hầu như chẳng có cơ nói chuyện với nhau trong bầu không khí phải nói là âm thịnh. Chắc hẳn khi đưa ra nhận định đó, ông chồng tôi đã bị chi phối sâu sắc bởi các tác phẩm xoay quanh Hà Nội của cậu chàng. Nhưng đó cũng là ấn tượng của tôi sau khi tiếu ngạo giang hồ vặt cùng tác giả trên xe máy từ nơi hẹn nhau – Cà phê Trung Nguyên - tới chi nhánh của Nhà xuất bản Trẻ. Từ đầu bên này chợ Lê Quý Đôn một thời ngày xưa có cái quầy bán thực phẩm tem phiếu với những cô bán thịt chỉ thấy cười với nhau như người người chết rồi chạy thêm vài trăm mét là tới Đầm Trấu - nơi tôi biết tên nhưng chưa bao giờ rẽ tạt bao giờ, dù cách nhà tôi khéo chưa tới hai cây số. Nào ai tưởng được ra ngoại ô ngày xưa leo heo nhi nhúp nhà cửa của những người sống bằng nghề xe bò kéo cắt cỏ thuê giờ lại thành phố xá sầm uất đến nhường này. Câu chuyện trên xe máy cùng Quý không cho tôi hình dung được ngay một Hà Nội khác vô cùng với Hà Nội của riêng tôi, nhưng đủ để thấy nhân dạng hiếm của một tuổi trẻ nghệ sĩ trí thức đất này cần có. Chợt nhớ một câu chuyện khác với nhà phê bình Đỗ Lai Thuý, cách nay hơn bảy năm trời. Khi tôi hỏi về khả năng có một cái gì từa tựa như Thơ Mới hay Tự Lực Văn Đoàn của thế kỉ vừa qua, họ Đỗ đã trầm ngâm mà rằng “khó”. Khó thật. Bởi lúc đó chưa thấy những đợt sóng ngầm của những khát khao tinh thần trồi lên trên các chuyển động kinh tế sôi sục, cũng chưa thấy hình thành hẳn một thế hệ trí thức mới tự bùng nổ với ý thức mới về văn minh. Cả đam mê đoạn tuyệt với cái thường quen, mà thiếu nó, mọi khao khát đổi thay cũng sẽ biến thành những tiếng rên tự sướng cũng chưa thấy. Nhưng đó là mùa hạ 2005, khi váy của nhiều nghệ sĩ người mẫu nữ còn là váy chứ không giống như cái áo kéo che mông hay là…

Cùng với sự bùng nổ mới của truyền thông kĩ thuật số dù bị chặn bằng rất nhiều cung cách ở Việt Nam, người ngoại đạo như tôi khá khó khăn để không thấy sự tập hợp của từng nhóm kẻ sĩ thời đại mới. Nội cái vụ lập bang hội trên FB đã đủ thấy.

Có cái gì giống như một vòng xoáy cao và mới của lịch sử. Chúng ta đi qua những năm đầu thế kỉ 20 với Đông Kinh Nghĩa Thục, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khởi Nghĩa Nam Kỳ, Thơ Mới và Tự Lực Văn Đoàn, với bàn tay vươn cao của những người chân đất và mắt dõi những vì sao của một nhóm rất nhỏ thôi những nghệ sĩ trí thức tụ ở phố thánh, chán chường vì khao khát, gậm một khối căm hờn, đưa người ta không đưa qua sông mà lòng sóng dội, và biết phải đoạn tuyệt với rất nhiều giá trị tưởng vĩnh viễn. Những năm đầu của thế kỉ của chúng ta hôm nay? Bạn không thấy ư? Nỗi tuyệt vọng của những người nông dân mất đất trong sự trấn áp vô tri giác. Những buổi biểu tình chống ngoại xâm từ ý thức về lòng tự trọng của dân tộc đã vật vã để tồn tại suốt ngàn năm trong ranh giới toàn cầu. Và, những trí thức nghệ sĩ trầm tĩnh giữ cho mình bản lĩnh sáng tạo trong ý thức về phận người, nhưng không mấy khi tự nói về điều đó. Trong hình dung của tôi, họ chính là những tinh thể của nguyên khí quốc gia, một quốc gia đang khốn khổ vì rất nhiều những quy định nghị quyết kêu gọi khá là thiểu năng của nhà nước. (Người duyệt lại bài đang nghĩ tới khuyến cáo bệnh nhân một tay đưa tiền cho bác sĩ một tay chụp ảnh làm bằng chứng tố cáo cùng dự định tăng cường y đức bằng cách phát động giáo dục thi đua cộng với sự ủng hộ từ quốc hội của bà bộ trưởng bộ Y tế, và cả lời khuyên đi ăn tiệc thì hỏi gà này là gà gì của phó thủ tướng Thiện Nhân. Ơ hơ, bọn trẻ con rét cắt ruột vẫn mặc áo hở rốn có vẻ mốt như tây đối tượng của chương trình Cơm có thịt liệu có được dạy cho biết khuyến cáo lịch sử ba trong một của phó thủ tướng không nhỉ?).


5.

Quốc nước gia nhà. Đẹp, nhưng sao vẫn là cái đẹp của dậm dụi, heo hắt của bao nhiêu ngày tháng cũ. Tôi thấy mình cứ băn khoăn mãi với câu hỏi đó dọc đường về Ba Thá, quê xưa, nơi tôi đi sơ tán cùng bà và chị trong mấy lần chiến tranh đánh phá Mỹ gây ra trên miền Bắc Việt Nam. Sông Nhuệ lững lờ nhập vào sông Đáy ngay đầu xóm nhỏ, ngày xa xôi sóng sánh xanh như thể bao nhiêu sắc xanh những đồng dâu đổ hết vào lòng, nay, chừng như đặc lại, nhờ nhờ bẩn bẩn. Sông Nhuệ đang sống cái phần số của sông Tô Lịch vĩnh viễn không bao giờ trở lại được cái thời ca dao nước vừa trong vừa mát, để người gái xưa ý nhị dừng chèo “sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”, trở thành cái cống lộ thiên của một thủ đô phình như não người úng thủy. Dù thế, người quê vẫn cần mẫn với sông quê. Ngang qua cầu Hạ Dục, nhìn xuống, bất giác nao hết cả lòng khi thấy giữa dòng mấy người chèo cái thúng nhỏ xoay mòng mòng vớt củi. Củi lạc. Từ đâu về đây? Vẫn từ đằng rừng chắc giờ bị cào cấu tan hoang và bị đẩy bật vào sâu lắm?

Và trên những cánh đồng đảo mắt một cái đã gặp bờ, người vẫn còng lưng cấy lúa. Mặt nước lấp lánh trong nắng trưa, chả có gì thi vị đâu, nếu một lần chổng mông úp mặt ngửi mùi bùn non dưới nắng, nghe máu dồn nặng ngực, nặng trán nặng tai. Kinh nghiệm một đôi lần hí hởn theo chúng bạn nhà quê đi cấy đi cào cỏ của tôi hồi bé tí bám bà nơi sơ tán, chẳng bao giờ còn hứng sống lại một lần. Nhưng chiếc cầu tuổi thơ qua rồi, lâu lắm rồi, rồi nhớ, rồi thương, rồi vẫn.

hn

Mỗi bước ngược cây cầu ấy lại gặp toàn những cảnh không thể có trong hình dung của một đứa trẻ ngày tháng cũ. Nào ai có ngờ ngã ba sông Đáy và sông Nhuệ chia cách Chương Mỹ Mỹ Đức Ứng Hòa, nơi có làng Ba Thá tôi thiết tha tự một thời đất nước mình giông bão bây giờ lại được gọi là Ngã ba sung sướng, nghe ra quá đỗi khốn cùng và nhục nhằn. Rất nhiều biển báo tự tạo, chữ xuệch xoạc trên tấm ván sơn phết ẩu tả, thông báo và cảnh cáo, rất có tác dụng đóng dấu cảnh vào trí. “Đất Sổ Đỏ”. “Say bột chẻ em”. “Cầu Yếu”. “Tập đoàn vịt Cỏ”. Biển “Cá lồng” thế quái nào lại tróc mất chữ “g”. Cậu em lái xe đưa bà chị về quê phấn khởi kể giờ nhiều thứ lồng lắm chị, “chị mới thấy đèn lồng nghìn năm, cá lồng sông Nhuệ, để hôm nào em cho chị đi Văn Điển.” - ? “Văn Điển có chó nuôi lồng.” Bất chợt nhìn lên: những dãy nhà symbol kiêu hãnh của thế kỉ vừa đi qua, vẫn những lồng sắt được gọi là chuồng cọp tăm tối vì đủ thứ treo xếp kê kích bên trong. Mơ ước của tôi một thời giáo học đấy. Vẫn đang là đích của rất nhiều người Hà Nội cũ và mới đấy. Làm con gì và sống ở đâu thì dễ chịu hơn? Trong lồng hay trong chuồng? Nghĩ cho cùng, cái nhà, đàng hoàng to rộng đến thế nào mà chẳng là chuồng hay lồng tùy tâm trạng và chính kiến. Thì tôi hai mươi vẫn chẳng luôn nghĩ thành phố mình y hệt một cái lồng gà, và mình cùng những ý nghĩ đi dọc về ngang, cũng gọi là loài biết bay.


*

Không phải vì vui chuyện mà không nhận ra đường. Nhưng bến xưa giờ bị kẹp dí dị giữa những khối nhà bê tông, không sao nhìn thấy. Xe dừng bên một con đường hai bên kín nhà cửa vườn tược cây cối đã ấm bụi từ bao giờ và tôi ngớ người khi nhận ra đó là đường liên huyện một thời bên bãi tha ma làng, nơi ngày xưa có con bé Hà Nội mới năm sáu tuổi lủi thủi gù lưng quét quả phi lao về cho bà nấu nướng, thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn xuôi Vĩnh Lạc thấy đồng trắng lóa bóng cò, quên bẵng con rắn hoa nằm dậm dọa sát bờ kênh. Giờ đây, nhà cửa lồm cồm mọc lên bất tử. Biết làm sao. Ngày bom đạn đùng đùng, cả nước có hơn 30 triệu dân, giờ dân số liên tục phát triển, chắc chỉ cần chục năm nữa thì cũng xêm xêm trăm triệu nhỉ, xêm xêm cái nước Pakistan thỉnh thoảng lại chực ục sang cái nước mình tách từ đó ra. Nước Việt, có mấy quần đảo Hoàng Sa Trường Sa không di dân ra ở được, thất thoát thì thất thoát rồi, còn thì còn phải lo mà giữ trước một ông láng giềng đè ngay trên đầu lúc nào cũng cũng lăm le nuốt chửng, châu thổ thì chỗ này sụt trôi tuốt ra sông ra biển, chỗ kia chẳng biết sụp khi nào, lên rừng còn củ gì ăn?

Leo trèo qua vô số mộ thật mộ giả đắp chiếm đất trước cho người chưa chết, tôi mới ra được với bà tôi. Ngày xưa bà mong chết được về lại đất làng, nhưng không nằm ở bãi tha ma mà nằm xa ra nữa để được mát mẻ, xông xênh sương gió. Bây giờ…

Bây giờ tôi ngơ ngác tăm tia những lối cỏ chen giữa mộ thật mộ giả, chia tay bà về lại ngõ xưa. Nơi trước kia là những cái ao kế tiếp mọc toàn ngổ dại, tôi từng mò mẫm sục chân xuống bùn rồi mới biết mình lầm, chỉ vì bóng tối quánh đặc mà mắt người vừa từ thành phố về không sao xuyên qua nổi, nay chình ình một, chẳng biết gọi là gì: biệt thự? nhà tầng? Ba năm trước còn chưa có. Ngôi nhà sơn quét cầu kì, quê kệch và hợm hĩnh, toàn những đường gờ kẻ chỉ đỏ đỏ xanh xanh, các cửa sổ bưng kín phai bạc ít nhiều vì gió nắng. Nhưng nhìn xuyên qua cánh cổng sắt, thấy quần áo phấp phới trên dây phơi, chẳng có vẻ gì kiểu cách đại gia, dẫu đại gia làng. Cô em họ thì thào chuyện nhà này phất lên nhanh, rộng, có cả bể bơi, phá sản, trốn. “À quần áo… Thì có người giữ hộ nhà. Nhà to quá cả làng chả ai đủ tiền mua lại”. Chứ gì nữa. Khoái xây nhà kiểu này chắc phải là một dạng hậu sinh Tuy Kiền ngồi xa lông co cẳng. Nhưng xin cụ Tuy Kiền thứ lỗi, con biết lắm, cụ nhà quê oách thế, giá còn sống thì chắc cụ sẽ ngồi nhìn ra vườn tủm tỉm rằng há cớ gì tôi phải huyếnh. A a con quên, người làng con vẫn bóp bẹp chữ e và quẳng dấu huyền khi nói như xưa, nhưng làng con giờ đã là Hà Nội rồi nhé, đất bán quanh rồi, chẳng còn vườn cho cụ ngồi hóng mắt ngẫm ngợi đâu.
Cây đa mọc sát cầu Đồng Bán giờ tủn hoẳn, ngoi ngóp vượt lên trên mái bê tông và tôi không biết buồn hay vui khi cái xóm nhỏ mồ côi nằm lảnh về phía núi gần Thượng Lâm Đồng Mít Tuy Lai hơn chính làng mình, có cái tên rất gợi: Chân Chim, vốn xưa heo hút chẳng mấy khi người xóm khác lui tới, nay góp mặt cùng thời đại bằng vô số nhà chóp lêu nghêu. Chạy ngang Chân Chim không phải là con đường trôi tuột đá dăm trơ đá hộc xưa mà là một con đường mới, rộng và phẳng, hắc ín lấp lóa trong nắng hè. Đường lên Xuân Mai, rẽ về Sơn Tây, ngược Yên Kỳ Bất Bạt. Buổi trưa nắng mờ mắt tôi ở bên mộ bà, chiều vừa tới Yên Kỳ thăm mộ mẹ thì mây đen dâng từ phía núi. Rồi, mưa. Đổ. Trên bạt ngàn mộ chí khổ sở chen chúc nhau. Sầm sập. Mịt mùng. U uất. Đứng dưới mưa bên mộ mẹ, nhìn ngang mặt chị, nước mắt chan mưa. Chua xót, chua xót khôn cùng, lần nào cũng vậy khi về thăm mẹ. Tôi nhớ bà tôi - người đàn bà ba mươi của một thời phố xá, kháng chiến chia tay chồng một lần thành vĩnh viễn, ngày cải cách ruộng đất chưa kịp đưa con về lại phố chồng liệt sĩ xương cốt gửi giữa núi rừng Việt Bắc vợ bị tố là “vợ việt gian, bị mình ám sát”. Bà phải oằn vai tập cấy hái gánh gồng đi bộ cả ngày trời vào rừng mót củi, tí nữa thịt xương gửi vào hàm hùm, không ít lần mỗi vãn chợ chiều đông ra bòn mót lá su hào về nấu cháo cho con dại. Bà, ngày mẹ mất lúc đã toàn thắng về ta, một chiều lên thăm cháu run run nói với tôi “mẹ mày chết thôi cũng là hết khổ”. Thủa ấy, tôi đâu hiểu gì về chuyện sống chết, nỗi người. Đến giờ, sắp bốn mươi năm…


6.

 

Mưa, mưa suốt đường đi. Nhưng chờ tôi ở đầu kia của thành phố, có những người đàn bà, sinh ngay khi cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống nhau vừa chấm dứt, 37 tuổi, đúng tuổi ngày xưa mẹ tôi nhắm mắt xuôi tay. Họ gọi tôi là cô giáo cũ. Không phải là bà giáo già. May chưa.

Đấy là cuộc gặp gỡ không định trước. Dọc đường về, cô lớp trưởng chốc chốc lại gọi hỏi ời ời “cô về tới đâu rồi cô”, và “em không chắc cô có đến được với bọn em không nên không dám báo rộng cho các bạn lớp khác, nhưng em chọn chỗ gần với nơi cô ở lắm”. Tôi vốn dễ chao đảo trước đàn bà. Cô ấy thúc bách, cô ấy quyến vờn, cô ấy rủ rê. Xe dừng chỉ kịp giao việc cho chồng đội mưa tha thằng con lên nhà là tôi theo lệnh trò vội vã giục cậu em chở ra nơi hẹn, trong tình trạng đầu tóc mặt mũi trang phục chẳng giống ai với một cuộc gặp gỡ như thế này.

Chờ tôi không chỉ có đàn bà. Có cả đàn ông. Vâng, những cô gái mười sáu mười bảy khi xưa đi đứng luyến láy nhún nhảy mắt môi lúng liếng tóc ngẩn ngơ ngắn ngắn dài dài phất trái phất phải như chọc tức như trêu ngươi dờn dờn dứ dứ, những chàng trai khi xưa dù tình trong như đã mặt ngoài còn e với cô bạn cùng trường cùng lớp cùng khóa nào thì so với các bạn gái vẫn vô cùng ngố nay đã là những người đàn ông đàn bà từng trải, và thành đạt, theo ước lệ chung. Khi tôi làm việc cùng với họ, tôi đã không thể hình dung tôi như thế nào lúc bằng tuổi họ bây giờ. Vợ chồng son chưa đến nỗi ton ton chạy ăn từng bữa, nhưng trưởng thành gặp buổi xoá bao cấp gian nan, một mái nhà cấp bốn chụp lấy dăm ba mét vuông kê cái giường cái tủ cũng không. Ngông nghênh vốn sẵn tính trời, nhưng tôi biết khi đó tôi hoang mang lắm. Không hẳn vì thiếu đói ốm đau thiếu chỗ dựa lưng khi giá lương tiền nháo nhào, thật chỉ là bù da vào xương cho không chết hẳn. Sống là xoay, sợ gì. Mà vì một sớm một chiều bao nhiêu giá trị cứ ngờ ngờ vực vực vậy thôi nhưng đâu dám buông luôn bỗng chốc sụp, không thể nào tự hồi phục.

Những người đàn bà đàn ông tôi gặp trong buổi tối này khác hẳn. Họ đẹp một cách tự tin. Họ là người Hà Nội, sinh ra khi đất nước ngừng giông bão, trong những gia đình phần lớn là trung lưu có học, từ nhỏ tới lớn đã khẳng định được mình qua các trường học tiếng tăm nhất Thủ Đô, và bây giờ, dù hành nghề được học hay không thì vẫn là sống và làm việc trên một căn bản đáng mơ ước, gần với khát khao riêng. Đời sống và cách sống của họ thực sự là của giới trung lưu có học vấn mà những phản ứng xã hội của giới này chính thể ở mọi quốc gia phát triển nào cũng phải đo lường độ nhạy.

Tôi nghĩ là ngay cả ở Việt Nam, dù dân là gốc hay dân là guốc.

Hai mươi năm trước, tôi không tin là họ có thể hình dung được tương lai của mình tách biệt với cơ quan đoàn thể của nhà nước. Nhưng giờ, rất nhiều người trong số họ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ hay tư nhân, hay trở thành ông chủ bà chủ, trước tiên là chủ của mình. Làm việc hết mình, sống sung túc, biết tận hưởng đời sống, dám đối mặt với sự bất như ý trong công việc hay đời riêng, họ cho tôi một hình dung rõ nét về một giới người, một lớp người ngày xưa tôi đã thuộc về. Nhưng ngày ấy, chúng tôi sống buồn biết bao, nhút nhát biết bao, đã tuyệt vọng, áo cơm ghì sát đất, lòng mênh mông khoảng trời, thật đấy, song từng lúc lại thấy mình y như gián, vâng vâng, cũng gọi là loài biết bay.

Tiếp xúc với nhiều người đàn ông đàn bà trong ngoài tuổi nhi bất hoặc, ở Hà Nội hay Sài Gòn, nếu chỉ thoảng qua thôi cùng món ngon hay bia rượu, ta có cảm giác hình như họ chỉ quan tâm đến công việc và sự thoải mái của mình. Xoã, cà phê hay nhậu, phượt, biển hay rừng, rồi cho trẻ con đi nghe hòa nhạc, tập bơi, rồi tụ tập “độp xe” quanh hồ Tây hiến mỡ nhân đạo, chúc mừng sinh nhật nhau không sót một ai... Có thể đoan chắc một điều, phần lớn những người tôi gặp trong dịp ở Hà Nội vừa rồi không ai có mặt trong các cuộc biểu tình cuối tuần chống Trung Quốc vì chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Nhưng khi ngồi cùng họ, nghe họ, cứ có cảm giác rằng từ đó sẽ bước ra những người Hà Nội sống mãi với Thủ đô kiểu Nguyễn Huy Tưởng làm ta bối rối, mời một đống người quen và không quen tới dự sinh nhật mình, như không biết dân phố đục tường, đắp ụ, ôm bom ba càng, rồi, đi thẳng vào cuộc kháng chiến. Đằng sau sự có vẻ vô tâm kia là cả một bầu tình.


7.

Tôi tin vào cảm giác của mình, khi đọc được những topic này trên diễn đàn Ams8992 của họ, bắt đầu từ một gợi ý của Huỳnh Phương Ly về một tết Trung thu sao cho không vô nghĩa.

Nguyen Ducvinh

Hòa cùng hoạt động ủng hộ TT BTXH III của Ams chúng ta và theo bản kế hoạch cơ bản mà Khương Liên đã làm. Tôi xin kêu gọi các Amser là các Bác sĩ, Dược sĩ hay đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến y tế chúng ta hãy quyên góp ủng hộ cho TT:
1… 2… 3… ( tôi đã liên hệ với các BS trẻ của khoa Nhi Bạch Mai và họ đã nhận tham gia cùng chúng ta)

Lien Pham Le

Ams8992: WE CARE- WE SHARE

Em xin gõ lại các nội dung để các bạn khóa mình có khả năng tham gia.

1. Khám bệnh và đánh giá sức khỏe tổng quát cho các bé ngay tại chỗ.

 2. Tư vấn, giáo dục kỹ năng bảo vệ bản thân, giữ vệ sinh thân thể, chuyện phụ nữ… cho 24 cháu gái:

3. Trồng rau sạchNuôi gà: liên quan đến trồng cây gì, nuôi con gì

4. Thư viện: sách là người bạn lớn, chúng ta những con mọt sách một thời thừa biết điều này.

5. Sữa tươi, bỉm tã:  

6. Sinh hoạt giao lưu định kỳ:

7. Trợ giúp đặc biệt: hôm nay anh bác sỹ Vinh đã đưa số đt cho chị Hải phụ trách TT và chị hộ lý chính của TT phòng trường hợp cần tư vấn. Chúng em kêu gọi các anh chị y bác sỹ có khả năng join vào chương trình 1 ( khám bệnh) và tư vấn cho các trường hợp không may ốm đau, bệnh tật.

8. Ngoài ra, sau này dựa trên nhu cầu thực tế của các cháu lớn, chúng ta có thể tổ chức các lớp học thêm kèm các môn văn hóa cho các cháu.

9. Cải thiện khẩu phần ăn: tiền ăn của các cháu là 700K/tháng. Chỉ đủ no, hơi thiếu chất và sự ngon miệng. Tạm thời đề xuất sẽ trao đổi thêm và nếu thực hiện được trước mắt sẽ là: Bữa tươi cuối tuần.

10. TV- gương-thuốc: Mẹ Hải xin 03 gương cho các cô gái lớn. Cái này quyết ngay được chúng em gật rồi.

TV: nguyện vọng là sau này nếu được, nếu có thể xin cho các con 1 cái tivi để ở phòng sinh hoạt chung, các con bé được thêm 1 kênh giao tiếp, các con lớn được giải trí chút vào buổi tối và các cuối tuần.

 TT có tủ thuốc, có các thuốc cơ bản, theo bác sỹ Vinh là tạm ổn. Tuy nhiên nguồn thuốc này là do chị Hải thường xuyên đi xin về, cho nên họ cứ phải xin liên tục, thấy bác sỹ là xin. Cái này nếu rơi vào trường hợp 7 trợ giúp đặc biệt thì như đã nói trên. Ngoài ra xin các trình dược viên lưu ý để tâm hộ.

 11. BỔ SUNG VÀ KHẨN: TẠO GÓC CHƠI CHO CÁC CHÁU U3 và tòan bộ các cháu (hiện là 4) ko đi học ở nhà.


Đây hoàn toàn không phải là đạo văn để kéo bài viết cho dài. Tôi chỉ muốn, bạn ta, đọc hết và đọc kĩ, để biết cuộc sống đang tự thúc đẩy nhau đi lên như thế nào. Theo dõi sự hình thành và hoạt động của các nhóm, như Tủ sách dòng họ, Bữa cơm có thịt, Vì ta cần nhau… và diễn đàn Amsern8992 của các đấng học trò cũ, hoàn toàn có thể nghĩ rằng không phải là chúng ta đang đứng bên kia bờ ảo vọng mơ về một xã hội dân sự. Nó đang hình thành. Một cách có ý thức, hết sức tự nhiên, đầy màu sắc, trong lòng giới trung lưu có học vấn cao tập trung ở thành phố.


8.

   

Đầy màu sắc, nhưng không phải lúc nào cũng tươi tắn như màu tâm cảm mà câu chuyện vừa kể mang lại, là ấn tượng mà thành phố của tôi mang lại cho tôi.

Năm 81, đi kiến tập, ôm mãi cảm giác mà những làng những xóm quanh quanh Hồ Tây mang lại, cũng nghèo, cũng xác xơ, nhưng không phải cái nghèo cái xác xơ của rất nhiều làng xóm ở đồng bằng Bắc bộ từng biết. Riêng lắm, mái rạ nhìn qua sương bảng lảng trên hồ. Riêng lắm, nhịp chậm trong đời sống của dân làng sống chủ về làm vườn. Chậm và lành. Chỉ khi viết về nó, hoàn toàn gián cách về không gian, thời gian, con người, tôi mới hiểu những ấn tượng đó cày sâu trong tâm khảm mình như thế nào.

Con nhà mới giàu, có biệt thự trên quãng làng Hoa, kính trắng, mồm cá ngão, tự tin, trước không biết làm gì cho hết ngày ở cơ quan vì không có nghề, sau đi học bằng xe đập hộp trông sáng láng hơn người đang cưỡi, hì hục mãi cũng xong được cái đại học Mở, khoa Quản trị Kinh doanh.... Chơi thế mới sang... Thật chưa bao giờ An tưởng tượng giấc mơ của mình lại là như vậy. Cẩn có không đủ những tiêu chuẩn trên. Ví dụ Cẩn hoàn toàn không xấu. Cũng không ngốc. Cẩn tự tin, biết mình muốn gì và phải làm gì. Yêu nhau có lẽ được gần nửa năm, hôm đi câu trên hồ Tây, trong lều, Cẩn buông cần, ôm lấy An, bình tĩnh cởi tiếp cái khuy thứ ba áo An, áp môi vào đó. Chỗ đó, An thấy bỏng rát như bị nước đá áp vào, và hoàn toàn phi lý, tự dưng đầu An lổn nhổn hình ảnh đống cá bể ươn lẫn trong những cục nước đá vàng khè đang tan, ở chợ Hôm, một ngày xa xôi, rất xa xôi, khi An còn bé tí, còn lệch nhệch theo tiếp sức cho ông anh mải chơi lực lượng xếp hàng chủ lực của cả nhà trong việc giải quyết tem phiếu hàng tháng. Cẩn cười hiểu biết khi An rùng mình, quay lại đỡ cần câu, cạn nốt lon bia: 'Chả lẽ An với Viên chưa bao giờ như thế? Rất bình thường, phải không? Sắp lập thu rồi, hay bọn mình cưới nhé?' Cẩn có vẻ hoàn toàn không bực tức, không ghen tuông khi nói câu đó. Từ cái lều bên cạnh vọng sang tiếng rúc rích. An đờ đẫn nhìn sang bên kia hồ. Bên ấy nhấp nhô bao nhiêu là chóp mái những ngôi nhà mới dựng. Bên ấy là Xuân La Xuân Đỉnh. Bên ấy có ngôi trường cấp ba năm xưa An xin về dạy hợp đồng. Có Viên những buổi sáng mù sương gò lưng trên cái xe cuốc Liên xô đèo An đến lớp rồi hộc tốc tới cơ quan. Cái xe không có poocbaga, An ngồi gióng trước, chỉ hơi quay người là đã cảm thấy hơi thở Viên như một cái hôn dài. Làng ven đô, mà những chiều sương xuống sao âm thầm buồn chả khác gì những làng quê xa An từng qua hồi còn là sinh viên đi thực tập. Mười năm chưa? Đã thành xa lắc! Từ bờ bên ấy trôi lại một chiếc thuyền con. Cậu trai chèo thuyền bằng chân, thận trọng nâng cần vó... Có gì trong đó? Anh chàng người Anh sếp An bây giờ rất thích chiều chiều lên hồ Tây, lang thang một lúc trong đền Trấn quốc rồi ra thuê cần câu. Cũng như Cẩn với An bây giờ. Không rõ thực anh ta làm gì ở trong một cái lều như thế này? Có lần anh ta chìa cho An một bức ký họa cảnh chiều hồ. Mặt nước xam xám. Bầu trời xam xám. Chiếc vó nhìn từ cận cảnh như tấm mạng nhện rách đính vào trời. Chao ơi đẹp. Nhưng sao mà hắt hiu.

(Viênan - Chử Đồng Tử - Cổ tích cho ngày mới – Thương thế ngày xưa và Những giọt trầm – Lê Minh Hà - NXB Văn hoá – Hà Nội 2005)

Đã có dấu tích của thời vừa mở cửa, nhưng không có một chút gì giống với hôm nay. Làng xưa quanh quanh hồ Tây nay thành phố cả. Xuân La Xuân Đỉnh Trích Sài… Cũng tốt thôi. Ai ngớ ngẩn đi tiếc nỗi buồn của mình và cái nghèo, cái hắt hiu làm nên niềm tâm cảm đó. Chỉ…

Khi đi qua con đường bao quanh hồ, tôi mới định hình được nỗi tiếc của mình.


Năm 83, thực tập tại trường Chu Văn An, từ trong lớp nhìn ra, hít mùi sương tan muộn từ hồ dâng đầy khung cửa sổ mở rộng, ngỡ hồ Tây sẽ như thế mãi, với sâm cầm, với tôm siết vấn vít khoai lang làm nên cái vị riêng của bánh tôm Hà Nội. Là bởi vì khi đó thành phố có cho đắp một doi đất nhao ra hồ, chả nhớ để làm gì, chỉ nhớ dân Hà Nội đùng đùng nổi giận. Bây giờ, mũi doi đất đó đã liền bờ, thành một phố khuya rồi còn đông ngạt thở vì món ốc và vì gió. Cảm giác xa xa gần gần giữa các làng ngăn cách nhau nhiều khi chỉ một bờ sương, cảm giác về nhịp chậm và lành của đời sống nơi đây một thuở có lẽ chỉ còn có thể thấy trong những trang văn Tô Hoài chăng? Nhưng, đó không phải là Hà Nội của tôi. Không phải.

Cũng không phải Hàng Đào Hàng Gai Hồ Gươm của những ngày tháng cũ. Những người trẻ tuổi lớn lên vào cái lúc thành phố vặn mình đứng dậy sáng lòa loà kiểu này thế nào cũng bảo tôi rồ nếu có vô tình ghé mắt vào đọc những dòng này, bởi vì đây là Hà Nội của họ. Ai cũng thế thôi, cái gì đã từng trải qua tuổi bé và tuổi trẻ thì sẽ cưu mang dẫu vô thức, suốt đời.

Làm sao ngày đó chúng tôi có thể hình dung đêm đêm đèn đổi màu nhấp nháy ở Tháp Rùa, cầu Thê Húc. Đèn màu lòng thòng quanh mép hồ, thoăn thoắt bật tắt trong bóng nước, vượt mọi giới hạn về sự quê kệch, cái chưa bao giờ làm nên vẻ đẹp của thành phố cũng như nhà quê đúng nghĩa nhà quê. Từ Trấn Ba Đình vươn về phía Thủy Tạ, nơi lẽ ra đêm về phải là một vòm cây tối im lìm êm đềm, nhoang nhoáng chạy một lô khẩu hiệu cũng bằng đèn màu:

Xanh lá cây: Sống chiến đấu và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại

Đỏ: Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh

Vàng: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Thằng con lớn mới mười bốn tuổi đã cao ngất nghểu đứng sững, chê bai cái đoạn trói hồ bằng đèn màu xong thì quay ra chờ đèn chạy đọc đủ ba khẩu hiệu trên, chẳng để ý người qua lại đang cáu kỉnh vì bị chắn đường. May, nó hiểu nội dung khẩu hiệu mà không hiểu người ta đang cười nó ngố. Vừa đẩy vừa dắt được nhau vượt qua cái ngã năm đầu Hàng Gai vào Hàng Đào rồi lại đẩy dắt được nhau tới cái chỗ đầu tiên có thể quay đầu về Bờ Hồ, cả nhà mừng húm. Giời ạ, bà chị khuyên đi chợ đêm phố cổ, hóa ra nó thế này đây. Lột hết đường tàu điện lên để bây giờ thành chỗ hàng quán chổng mông vào nhau bán hàng, mà phần lớn là hàng Tàu, thở dốc vì đông vì nóng và thở dài vì tuyệt vọng vì buồn.
Thằng con bé thì bám dính lấy mẹ sợ lạc. Mà tôi cũng sợ lạc mất thằng con mới cao tới đầu gối mấy ông tây. Anh nó khoái chí dừng chân tổng kết: đèn màu treo cây, trói hồ, chằng Tháp Rùa, đèn màu khẩu hiệu, Sport tập thể với quần đùi áo ba lỗ buổi tối của phụ nữ trông như mẹ, nghĩa đen là béo, chó lớn chó bé chó Bắc Cực chó vân vân quần nhau bên hồ, kem dừa cả quả ngon và rẻ… nếu đưa khách du lịch tới đây là xong một tối thành công. Và dự định lại phải cày tiếng Việt vùng miền cho tương lai. Ừ, kế hoạch mười năm của con chẳng dở, nhưng mày định giới thiệu Hà Nội của bố mẹ theo kiểu này thì…

Phải tự phổ cập lịch sử và ngôn ngữ Việt cho đến đầu đến đũa con ạ. Như thế con mới thấy cái hay, cái ngộ nghĩnh khi bắt gặp, ví như những biển hàng Vàng ngát hương, Chim to dần, Các loại chim hót đỉnh cao … Nếu con biết bố mẹ lúc yêu nhau tí nữa bị giải về đồn công an ngay phố Phan Chu Trinh mình vừa đi qua trong ngày 2.9 vì dám ngang nhiên ngồi nghe gió trên cầu thang trường đại học Tổng hợp đối diện Thông tấn xã mà không sang bên vườn hoa chỗ hành nghề của nhiều cô gái ngay gần đó thì con sẽ thấy tiệm Playboy trên Lý Thái Tổ, dù dưới những góc nhìn như thế nào cũng vô cùng nhiều ý nghĩa.

Lúc chiều về tối, đi dọc Tràng Thi theo hướng Cửa Nam, vẫn hàng cây xưa, nhưng cảm giác bóng tối đang chầm chậm luồn vào các vòm cây yên bình đến độ có thể thấy nỗi run rẩy từ đầu ngón khi tay mình chạm nhau đã vĩnh viễn mất rồi. Hà Nội hôm nay sáng rực như công viên Thống Nhất kì Đại hội Đảng VI giữa một thành phố cắt điện tứ tung. Phải nói thực lòng, mặt tiền Hà Nội bây giờ nhộm nhoạm chẳng ra cái mặt gì, thì, vẫn cứ làm lòng ta dù có đi bốn phương trời…
Tại sao Hà Nội?

Phải chăng vì khi ra đi người Hà Nội như tôi đã định hình nỗi nhớ riêng về một Hà Nội khác. Tôi thấy tôi, bất chợt đào bật trong tâm trí những tòa nhà chọc giời kẹp lấy phố xưa, chật cứng mắt nhìn, để dựng dậy, đây, một khoảng vườn như hoang trước một biệt thự cũ kĩ và vắng lặng, không biết của nhà trí thức tư sản nào được nhà nước để yên thân sau 1954, kia, những cửa sổ thoáng đãng của các công trình tập thể thuở mới chỉ năm tầng đã khiến phấn hứng giục nhau “xây cho nhà cao cao mãi ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta”, đây: một hồ Tây như biển của một thời, kia: một hồ Gươm xanh tóc ta xanh, đây: một ban trưa sau 1975, phố,Từ Công Phụng băng cối rão âm lượng nhỏ mưa trên ngày tháng đó lãng đãng từ gốc cây này sang gốc cây kia tới tận cuối đường, kia: những buổi chiều mùa thu nắng gió xôn xao luồn qua áo mỏng làm săn lại bao nhiêu bầu vú trinh bạch tuổi mười lăm mười sáu thiếu ăn mà vẫn căng đầy khao khát, thiết tha với mình màu nắng hay là màu mắt em…


9.

   

Cái thoáng đãng đó, cái chậm rãi yên bình của những ngày tháng đó người ta có thể tìm thấy ở một thành phố khác: Đà Nẵng.

Có phải nhu cầu tìm cho mình xanh và sạch, yên tĩnh, mà vẫn tiện nghi để sống chậm lại làm cho nhiều người Hà Nội ngợi ca Đà Nẵng, đoan quyết rằng Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam? Mà chẳng cứ người Hà Nội, người Sài Gòn cũng.

dn


Chí ít thì với tôi mùa hè này Đà Nẵng đúng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam thật. Hà Nội, Sài Gòn, với bao nhiêu vũng lầy vốn là những dòng sông dòng kinh, như sông Lừ, Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhiêu Lộc, dù đã từng bốc mùi trong trí nhớ tôi về quá vãng, mỗi lúc trở trời, nhưng quả thật chưa khi nào lại khủng khiếp như bây giờ, mùa hạ này. Đấy là cái mùi không thể phân tích được từ rác đang tự hủy trong bầu khí nóng ẩm. Chua, nẫu, thối, quẩn quanh nặng nhọc. Không thể khác được khi thành phố dẫu có phình tướng ra đến thế nào thì người với người vẫn hì hục lần về cái bụng của nó mà cấu cào kiếm sống. Làm sao có thể so sánh một Hà Nội của những ngày sau chiến tranh đánh phá, gần như rỗng, với một Hà Nội yên bình, đông dân như bây giờ. Cũng vậy thôi, Sài Gòn mùa hạ này. Để có thể ngồi thanh thản ăn và nói, phải ra Văn Thánh hay là Phú Mỹ Hưng hay nơi nào nữa nhỉ? Nhưng ngay cả ở Phú Mỹ Hưng, nơi có những con đường đẹp cấm xe cộ lại qua, chỉ có người chắc chắn không thuộc giới chạy ăn từng bữa dung dăng dung dẻ vào ra các nhà hàng, tôi vẫn thấy thoảng trong gió mùi bùn đọng từ đâu đó. Cậu cháu tỵ nạn du học chán ở trời tây nay về cố hương làm việc, chủ chi cuộc gặp mặt đại gia đình cho tôi biết chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh hàng tháng của dân cư khu này và tôi kinh ngạc, vì nó gấp nhiều lần cũng chi phí đó gia đình tôi phải trả ở xứ người. Tự nghĩ, nếu cho xe cộ tự do qua lại, có nhiều điều kiện dịch vụ phù hợp với nhiều giới người khác nhau về thu nhập hơn, thì vỉa hè kia, gốc cây kia có còn đẹp thế, và không khí có còn nhẹ nhõm như thế này đủ để tiếng cười vang xa hơn bước chân. Phú Mỹ Hưng sạch, đẹp, đáng sống, thật sự là một đô thị nhỏ trong lòng đô thị lớn Sài Gòn. Vậy đấy, để có một môi trường sống bình thường theo nghĩa không tu từ, người Việt chúng ta bắt buộc phải là người rất khác thường chăng?
Ở Đà Nẵng thì không cần phải vậy.

Thật ra, trừ bãi biển Mỹ Khê, mà khỉ gió, chả hiểu sao giờ người ta lại cứ gọi theo tên con đường sát biển là bãi Phạm Văn Đồng, kiến trúc của Đà Nẵng hôm nay không gây ấn tượng gì ghê gớm với ai đã qua lại đôi ba thành phố khác, ở châu Âu, chẳng hạn. Ngay cả toàn thể nhìn một cái đã thấy đúng là có quy hoạch của thành phố này, (cái mà thủ đô lần mò mãi cũng chưa thấy ngoài những con đường mới mở), hình như cũng chứa ẩn một sự kìm hãm nào đó, vì phố xá nhà cửa Đà Nẵng nom đều đặn quá, có dạng vẻ như khu dân cư tận dụng mặt bằng buôn bán là chính. Nhưng Đà Nẵng sạch hơn Sài Gòn Hà Nội thì đúng rồi. Có lẽ không phải vì ít dân hơn mà vì ý thức. Chưa ở nơi nào trên quê nhà tôi thấy người dân bộc lộ niềm tự hào tự nhiên đến như thế vì Hôm Nay của quê hương mình như ở nơi này. Chưa ở nơi nào trên đất nước ta tôi thấy bình an kiểu như nơi đây: Sau san sát những tấm pa no quảng cáo xây dựng dọc theo con đường ven biển từ Đà Nẵng tới Hội An, sóng trắng dạt dào, phố xá tinh tươm, không nặng mùi như ở Sài Gòn Hà Nội, không thấy ăn xin, không có cướp giật, và, đây nữa: biểu ngữ tôi đọc được trên phố xá nơi này: Giữ gìn xây dựng thành phố theo cách của mỗi người dân. Theo cách của mỗi người dân… thật chưa thấy nơi nào có được một biểu ngữ đáng cho dân để tâm đến thế.
Tới thăm một gia đình ở đường Nguyễn Trung Trực bên này sông Hàn, nhìn phố xá tinh tươm và hàng bàng xòe hai tán, quả khó hình dung Xóm Nhà Trồ ngày xưa, phường Nại Hiên Đông ngày xưa, dù cư dân ở phố vẫn nhiều người giữ nghề chài lưới cũ. Ông chủ nhà, nay làm giàu bằng cách đầu tư vào nhiều con tàu và độc quyền tiêu thụ một vài loại cá, hàng ngày lái ô tô đi chơi tennis và tắm biển, vẫn không có vẻ đại gia buôn nước bọt vèo cái giàu xù mà tôi từng gặp khá nhiều ở Hà Nội Sài Gòn, vẫn giữ cái phong độ rất đáng kính của người từng tay làm hàm nhai nhất định không cho mình tuyệt vọng. Hỏi, ông kể, dân chài trong phố vẫn hệt ngày xưa thôi, qua rằm, mười sáu âm mang ngư cụ lên tàu đi, chừng mồng mười tháng sau về. Nếu gặp cá bầy đầy tàu thì khoảng thời gian đó sẽ là hai chuyến ra khơi vào lộng. Và trung bình mỗi tháng mỗi người thu về chừng 5 triệu, đủ cho một gia đình chi tiêu có dư. Nhưng còn những ngày biển động, nhưng, mặc dù theo ông chủ nhà dân chài mình cũng bắt nạt dân chài Trung Quốc phết, thì vẫn có chiều ngược lại “tàu lạ” hạ tàu quen báo đăng đài nói suốt cơ mà. Rút lại, nghề sông biển hình như vẫn là cái nghề khổ nhất, bấp bênh nhất trong mọi thứ nghề. Và rút lại, nhân dân tàu hay ta cũng luôn luôn bại?

Nhưng ở Đà Nẵng, người ta cảm nhận rất rõ ràng niềm tin và niềm vui sống của những người bình thường, từ anh hàng bánh rán tới anh lái taxi. Một anh taxi bảo tôi ngày xưa Đà Nẵng người ta vượt biên ào ào, nhà em cũng đi nhiều, bây giờ có được bảo lãnh em cũng không đi. Gần bốn mươi năm sau chiến tranh, nghe câu nói đó, tự dưng bần thần hết cả người. Nhớ cô em họ của đứa bạn cùng lớp, nhớ cậu bạn cùng trường cấp 3 người xứ này đây vì gia cảnh sau 1975 phải rời cha mẹ anh em theo họ hàng ra Hà Nội học, rất hiền, rất âm thầm giữa những chiều vui phố xá của chúng tôi con gái con trai Hà Nội ngày đó. Gần mười năm trước nghe bạn bè kể bạn về lại quê sau khi xong đại học, là trưởng khoa hồi sức cấp cứu ở bệnh viện Đà Nẵng. Vẫn muốn tìm nhau mấy ngày lưu lại nơi này nhưng không được. Thân phụ nữ phận đàn bà vào những lúc muốn chơi quả là chán thật, muốn làm chó trốn con cũng không xong.


Chẳng gặp người quen thì bù lại, có bao nhiêu người lạ, trẻ tuổi, cực kì dễ thương và đáng kính ở đây. Cậu bé người Hương Sơn Hà Tĩnh sinh viên đại học Bách Khoa Đà Nẵng không về quê mà vào làm thuê mấy tháng hè cho tiệm KPC, nhỏ người kiểu thiếu ăn từ bé, giọng rất hiền. Anh chàng thổ dân đẩy xa bán bánh rán dọc bãi biển vui sướng khoe với tôi bánh chị mua của cái chị hôm qua mà chị khen ngon nhưng đắt hơn của em là chị ấy lấy từ em đấy, em lồm đấy. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn qua bãi đất trống là một khách sạn khác. Ban ngày, trước bãi trống tôi thấy một cái máy ép nước mía được đậy điệm cẩn thận bằng tấm biển hàng ghi Nước Mía Từ Thiện, quây xung quanh là rất nhiều ghế nhựa. Chiều muộn, mới thấy chủ hàng là mấy cậu bé cô bé gầy gầy. Hỏi, biết họ là đương /cựu sinh viên, có người đã ra trường đi làm, thuộc nhóm sinh viên tình nguyện đang lo kiếm tiền để giúp đỡ học trò nghèo sắp về Đà Nẵng thi đại học. Không biết năm sau quán nước mía này có còn không? Bãi đất có còn trống cho họ bán? Hay Thu – cô bé người Huế làm việc ngay trong khách sạn sẽ đi lấy chồng, hay Trang (Cao đẳng bách khoa Đà Nẵng) , Lành (Đại học Duy Tân) phải lo cơm áo gạo tiền nhiều hơn cho chính mình mà…

Nhưng, đây là địa chỉ của họ, cho ai có về: Nước Mía Từ Thiện – Lô 2 - số 2 - Trần Hưng Đạo.

Về Đà Nẵng, giới tôi tiếp xúc nhiều nhất là giới lái xe taxi. Cởi mở, nhiệt tình, không tìm cách tự vẽ đường cho khách. Những câu chuyện hàng ngày với họ cho tôi hiểu họ sống cũng chẳng dễ dàng gì. Ăn chia 50 /50% với chủ xe nhưng lại phải tự chi tiền xăng khi giá xăng lúc nào cũng trong chiều khói bốc, cầm về 6 hoặc 7 triệu vào những tháng hè bãi biển đông khách phương xa để nuôi một gia đình, cũng được. Nhưng còn có những mùa mưa… Có anh chàng tên Nguyễn Lâm Thanh Triều đưa chúng tôi ra bãi biển, thấy khách không có tiền mua vé vào cửa lại còn rút túi nộp hộ. Mà buồn cười, sau đó loay hoay thế nào tôi quên ví, không có tiền trả, chàng ta cho nợ luôn, huýt sáo vang vang lên xe đi. Chao ôi, vẻ vô tư, cả tin, dễ thương đó đâu có phải Hà Nội ngày xưa của tôi không có.

Dù thế, dù niềm sống vui tin bộc lộ chân thành, mãnh liệt, Đà Nẵng vẫn cho tôi một cảm giác bất an. Siêu thị Indochina gần như rỗng không, ầm ĩ tiếng máy móc hoạt động hết công suất trong những trò chơi điện tử ở khu vui chơi dành cho trẻ, bước vào thấy mấy bà già lim dim ngồi thử lưng trên mấy cái ghế mát xa. Tính mua mấy cái kem, mà phải nói ngay là đắt kinh, đứng tần ngần mãi trước cái tủ có khóa to tổ bố mới thấy một cô bé bình thản đi ra loay hoay tìm chìa mở. Ở một nơi khác - một quán nhỏ nằm bên kia cầu quay, chúng tôi lại bất ngờ vì để phục vụ cho mỗi khách một cốc gì đó, quán cần tới ba nhân viên bưng bê, chu đáo phát sốt ruột. Có lẽ ở đây dù phát triển vẫn là người thừa việc thiếu chăng?

Và có lẽ, dù mùa hạ đất này quyến rũ ngày càng đông khách du lịch, vì khí hậu, vì bãi biển sạch rác và sạch tệ nạn, có nhân viên an ninh tuần tra giữ an toàn trên bãi, có thuyền thúng cấp cứu trên biển và có cả những cái thùng bập bềnh câu mời mọc dễ thương “hãy cho tôi rác”, thì về cơ bản Đà Nẵng vẫn chưa có nhịp sống thật sự của một đô thị nói chung, một thành phố du lịch nói riêng. Nó thiếu cái đời sống về đêm dành cho người lạ. Mười giờ đêm bụng rỉ rả với đầu, lại còn con nhỏ sung sướng vì không phải theo trật tự hàng ngày muốn có cái gì gặm nhấm mà ra đường chỉ thấy quán xá đang lo đóng cửa. Không được. Phải không nào?:-)

Buổi sáng thì khác hẳn. Nghe lời thổ dân tôi cũng tự dựng tấm thân thiếu bốn yến đầy một tạ để ra biển. Thằng con lớn càu nhàu mẹ đi nghỉ mà quá đi làm, và quay người ngáy tiếp, nhưng cu bé thì tỉnh như sáo bám theo. Mặt trời còn lặn sau chân sóng, biển nhô nhốp đầy người. Nhòm cái biết ngay phần lớn là dân bản địa, loáng thoáng đôi ba du khách dở hơi, chủ yếu là đàn ông can đảm bỏ vợ đi tắm sớm. Bãi biển Đà Nẵng vô cùng dễ thương chính ở điểm này. Ông già bà lão, trai thanh gái lịch hào hứng nhảy sóng trong trang phục… ngày thường. Hôm đầu hỏi cô cháu dâu, cháu dâu du học giời tây hẳn hoi bẽn lẽn mà rằng bọn con tắm biển không cần áo tắm, phát hoảng. Hóa ra là. Ngắm bãi biển lúc hừng đông, hiểu ra Đà Nẵng có tiềm năng phát triển du lịch nhưng năng lực hấp dẫn nằm ở chính cái sự du lịch chưa phát triển. Đất vẫn hiền và người vẫn lành.

Tắm sớm lúc trời còn tối mà đánh nhoáng một cái mặt trời đã nhảy lên khỏi chân sóng từ lúc nào. Bãi biển quang hẳn vì dân bản địa lên hết. Nhìn những chiếc xe máy chở toàn người áo quần lướt thướt phóng đi trong gió sớm, thật vui. Cô cháu dâu chỉ chỗ ăn sáng mà “ba con thích”. Món xôi sáng ở đây không gây ấn tượng cho con tôi như xôi xéo xôi vò Hà Nội, nói là xôi nhưng lại là cơm nếp đậu xanh. Nhưng mì Quảng thì tuyệt vời. Có điều món này cũng như phở Hà Nội, không có thổ dân khó tầm được quán ngon. Cô bé phục vụ còi cọc chả rõ già hay trẻ chẳng nói chẳng rằng đặt ngay trước mặt khách món đầu tiên: Tăm. Rau sống tươi mát, thơm lừng, nước lèo đậm và ngọt cái vị thật của cá quả, tôm và thịt, ớt được khuyến mãi cả đĩa cho một bát mì, nhìn quanh thấy mọi người cứ tay đũa tay ớt, thôi không giữ nỗi ngạc nhiên suốt mười năm khi ăn món này ở Đức cùng nhà văn Nguyên Ngọc, thấy ông cứ mỗi miếng lại hít hà cắn quả ớt ngang lưng và còn hể hả giảng giải phải là ớt xanh hăng xè mới là đúng vị. Cái quán tôi thường ăn nằm ở một đầu đường, nhà văn Nguyễn Tuân đối đầu bà Nguyễn Thị Định, nhìn cái biết ngay mình dù đã bắt đầu vào tuổi đàn bà lẫn vẫn sẽ không quên. Nhưng nghe nói cái quán đó vẫn chưa thực ngon, cũng không ngon là những quán mì trên đường Ngô Quyền dù phố này đã hình thành thương hiệu chốn ăn của Đà Nẵng. Ai có về nhớ nhờ ai dẫn vào phường Nại Hiên Đông trước, nhé. Con cháu dâu ngốc nghếch bẽn lẽn từ chối không giới thiệu, vì quán trong xóm không được sạch, chẳng buồn biết tôi ưa bụi bặm thế nào.

Cũng vì thói này mà đi đâu không có nhiều thời gian tôi chỉ thích lê la cùng người. Không gặp những đại gia Hà Nội nghe nói thu gom được phần lớn đất đai dọc con đường nằm ven bãi biển, đường Phạm Văn Đồng, nhưng tôi lại gặp những người Hà Nội khác. Chủ của dịch vụ cho thuê đồ chơi ô tô gắn máy dịch vụ câu cá nhựa dành cho trẻ em ngay sát chân cầu quay bên kia sông Hàn về phía biển, nhan sắc hệt nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật, nhưng nói giọng Hà Nội thời của tôi và không hoạt ngôn bằng thi sĩ kể rằng anh con một quan chức bộ Ngoại Giao về hưu đã lâu, nhà ở Hoàng Cầu, mới vào Đà Nẵng và may mắn là trước khi thành phố này siết nhập cư, vì ở đây dễ sống hơn, dễ tránh cho con đang tuổi lớn khỏi các tệ nạn ê hề ở Hà Nội hơn, và “ở đâu thì cũng phải ăn phải làm thôi chị”. Đêm về, nhớ người kể chuyện đâm mất ngủ. Buồn buồn khi nghĩ vậy là từ thành phố mình người muốn ra đi, buồn buồn vì chính mình sinh ra lớn lên nơi ấy, nhưng bây giờ không thể tự nói về mình là người nơi ấy nữa, và còn vì cái sự đất nước mình bỏ bao cấp mở cửa thế nào mà bây giờ dân lại thèm ước cuộc sống ở một nơi đang tự thiết lập một thể chế tập trung cục bộ, có nhiều điều dưới mắt người dân mới mẻ và không dở, mà có khi lại còn là những điều vi phạm hiến pháp hẳn hoi. Tuổi bắt đầu già cho tôi tin một điều chẳng thiết chế xã hội mang tính tập trung nào không có ngày nứt rạn. Khi ấy Đà Nẵng? Có một cái gì làm tôi sờ sợ khi đọc ra trong những câu chuyện với bà con ở đây niềm tin mãnh liệt vào năng lực lãnh đạo của bí thư Nguyễn Bá Thanh. Một lãnh đạo giỏi có tâm có tầm đã đành là vô cùng quý hiếm. Nhưng một định chế xã hội giải phóng và kiểm soát được những Nguyễn Bá Thanh ? Liệu có phải thế này không: cơ chế xã hội Đà Nẵng hiện nay chẳng qua là phái sinh của chế độ toàn trị cái lúc còn ít nhiều đương sức?

Ưa lê la với người, thế nên có nhiều nơi ở chốn này đành dầu lòng vậy cầm lòng vậy, hẹn với mình rằng… Tôi chưa tới Bà Nà, cũng chưa tới sờ ngón Phật ở Ngũ Hành Sơn, cũng không đi bảo tàng dân tộc Chăm dù cô học trò đương kim trưởng khoa Du Lịch đại học Văn Hoá Sài Gòn đã chu đáo giới thiệu đến cả người hướng dẫn riêng. Cũng không tìm cách liên lạc với bạn thật và bạn ảo, vì không muốn một cuộc gặp gỡ vội vàng chỉ ăn mà khó nói.


10.

   

Nhưng, dù vậy, tôi đã tới được với Hội An.

Trước chuyến quy cố hương, ông Hà – Dương Tường chủ bút tờ Diễn đàn ở Pháp đã khuyên tôi tới Hội An tìm gặp bí thư thành ủy của thành phố này, vì “hay lắm”. Hay cũng chả đến lượt tôi. Tư cách gì mà gặp chứ?
Nhưng tôi vui vì đã thấy một Hội An. Lịch sử đặc biệt của thành phố này, thôi, ai cũng biết rồi, nhưng ai có thể nói cho tôi còn nơi đâu trên đất nước mình chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của quá vãng, chưa đến mức vàng son, phải, mà tuyệt nhiên không phải là đẹp theo kiểu hiu hắt khổ nghèo. Như nơi này.


Chỉ cách nhau vài mươi cây số, Hội An và Đà Nẵng hoàn toàn khác biệt. Đà Nẵng cuốn hút bởi cái nhịp phát triển sục sôi mà vẫn tự kiểm soát được, bởi những khối nhà cao tầng, phố mới, phân lô đều tăm tắp. Hội An âm trầm. Không rõ có phải vì nhịp điệu kiến trúc và hồn sương nắng ủ trong kiến trúc không mà tôi có cảm giác như màu hoa phượng nơi này sẫm hơn, thắm thiết hơn nơi khác. Chiều muộn ngày tháng bảy, bầu trời tối lại rồi, màu lá xanh sẫm dần gần hòa cùng bóng tối. Mà phượng. Vẫn đỏ, như lửa bập bùng trên mái phố. Hội An ngoại ô, với những ngôi nhà thâm thấp và mái ngói, với sân với vườn, có cái duyên của nơi thành phố đấy nhưng vẫn gần với phố huyện, rất hiền. Nhưng xung quanh khu vực chùa Cầu tây ta đi rều rệu thì lại gợi nhớ những phố Hàng Hà Nội xưa và nay.

Tôi không có cái duyên thấy Hội An đêm tắt điện thắp đèn lồng. Thôi cũng là cớ để hẹn mình về lại. Đêm của một ngày thường, phố đông, người vui. Những cô bán hàng lưu niệm quyến mời mua hàng thêu do chị em gái trong nhà làm, vừa để sống vừa để kiếm tiền bảo dưỡng nhà, dáng người mỏng, lưng mềm, giọng dịu dàng quá đỗi. Thế nên tôi bị cả nhà cười cho một trận váng đầu vì tha về Hà Nội một đống đồ lưu niệm mọi người bảo khéo người ta cất hàng từ Hàng Ngang Hàng Đào vào bán ở Hội An. Mua đèn lồng hàng này qua hàng khác cũng bán đèn lồng, để quên, cô bán hàng mướt mải rẽ dòng người đuổi theo tôi tới tận đầu phố đưa lại. Trong cái chao chát có ở mọi nơi buôn bán, Hội An có cái duyên lành và lạ.

Mua bán thì vội vàng đắt rẻ một tí cho xong, không tiếc, nhưng tiếc mãi không có thì giờ để nán lại lâu lâu nghe chuyện dân tình. Có người quen ở mọi nơi, đúng cái đất này không có. Thì làm quen vậy. Bác La Vĩnh Bằng người coi sóc hội quán Quảng Triệu bang Quảng Đông có cái dáng ông thầy già mới về hưu tham gia hoạt động xã hội hóa ra là thầy thuốc bắc, và nếu là người nhà nước thì bác phải về hưu hai mươi năm rồi. Tám mươi tuổi, vóc vạc tươi và thanh, bác vui chuyện dẫn tôi ngược tới tận cái đận bác học tiếng Việt trong trường kháng chiến Thăng Bình 1, xuôi tới niềm vui tuổi già thấy quê hương phát triển mà không thành xa lạ. Bác Nghi, người trông nom tiền hiền Cẩm Phô khoe gốc người xứ Thanh. ??? – Là cụ tổ chúng tôi vốn người Thanh Hoá cô ạ, vào đất này lập ấp, thành làng. Thật khó mà nói hết cảm giác của mình khi tôi nghe bác kể về hơn bốn mươi tộc họ, những là Nguyễn Đức, Nguyễn Viết, Nguyễn Văn… hình thành từ thuở ấy, tộc trưởng họp mặt hàng năm ở tiền hiền, khi nghe bác nhắc những cái tên Cẩm Nam Cẩm An Cẩm Hà Cẩm Phô Cẩm Thanh. Bất chợt hiện lên gương mặt những chàng trai cô gái gặp mấy ngày qua ở Đà Nẵng, tự hào kể mình ra đi từ những vùng đất Cẩm ấy. Cũng như tôi, khi nhắc về thành phố của mình. Dù có đi bốn phương trời… Dẫu dở dẫu hay. Dẫu lúc nào cũng khăm khẳm cái mùi của những dòng sông chết như Kim Ngưu sông Lừ Hà Nội, Hội An sông Hoài… Là thế chăng, quê hương? Tận cùng là nỗi nhớ.

Nỗi nhớ ấy không phải lúc nào cũng cho ta quyền hãnh diện, nhưng luôn làm ta nghẹn ngào. Trước khi ra Đà Nẵng, tôi có nhảo qua Sài Gòn, vội gặp vội nắm được đôi ba bàn tay có quen có lạ. Cô Dư Khánh, mười mấy năm trước qua Anh thăm con cháu cất công từ London sang chơi với tôi chỉ vì cái tình cô cháu cùng cảm ra giữa chữ, về, tôi không đến được thì cô lại lết chân đau đến. Chữ nghĩa đúng là có đạo. Mẹ con cô cháu tuổi tác xa nhau, kinh nghiệm ở đời cũng chẳng giống nhau, mà gặp nhau lần nào (lần này là lần thứ hai) cũng vậy, hệt như biết nhau suốt một đời. Bà Dư Khánh tặng tôi cuốn sách về cụ Hoàng Hương Sơn Nguyễn Khắc Niêm, thân sinh ra cô và những ông anh ông em nổi tiếng: Nguyễn Khắc Viện, thầy tôi Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phê. Mở trang sách in ảnh nơi thờ tự cụ mới được con cháu xây dựng, bỗng không lại nhớ chuyện nhà cô, với những bi kịch y như bi kịch của bao nhiêu gia đình Việt Nam ngày cải cách ruộng đất, nhưng trái khoáy hơn đắng cay hơn rất nhiều. Chia tay người phụ nữ bé nhỏ quật cường tự tuổi lên mười đã phải gánh vác cùng đại gia đình bi kịch ấy, mà vẫn cùng nhau sống được và sống đẹp, tôi được gặp chị Hậu Khảo Cổ và Vương Minh Thu, những người bạn tầm ra nhau trên FB, và vội chuyện được với hai cô học trò cũ nữa. Chị Hậu gốc Nam thật sự, từng có thời còn vào ra cùng tôi một cổng trường giữa thủ đô, Vương cô nương vào Sài Gòn từ lúc bé xiu, thật sự sống cùng Hà Nội được có một năm học ngoại ngữ Thanh Xuân trước khi qua Đức, thế mà cả hai chị em vẫn nói một giọng Hà Nội thời bao cấp. Điều đó thật là một thú vị bất ngờ. Từng gặp rất nhiều người Hà Nội 54 và người Hà Nội 75 giữa Sài Gòn suốt mấy chục năm qua, tôi vẫn cứ tưng tức lòng vì người đến sớm với đất này lại giữ được giọng hơn người đến muộn. Càng bất ngờ thú vị khi nghe mấy đứa nhỏ con của mấy cô học trò cũ sinh giữa đất Sài Gòn đi học cùng bạn bè người Sài Gòn mà lại nói giọng Hà Nội chuẩn như mẹ. Hỏi, thì mẹ chúng nó đồng thanh giải thích: dạy các cháu nói giọng ngoài mình để các cháu viết không sai dấu cô ạ. Chắc không phải thế, phải không, đó chỉ là quán tính đáng yêu và đáng trọng của những người ý thức được về mình. Tôi nghĩ vậy, khi nhớ mình đã từng nghe bao nhiêu người Bắc sau 75 chuyển vào Nam sinh sống, đôi ba năm sau gặp lại cứ ngớ ra chẳng hiểu người quen mình nói giọng gì, chẳng phải giọng ngoải cũng chẳng ra giọng trỏng.


11.

 

Và đây, giọng người xứ Thanh. Giữa Sài Gòn.

Mấy hôm trước trên mạng xuất hiện một video clip, có cảnh một cậu trai gầy gầy nhỏ nhỏ hát về quê hương mình. Vốn chỉ biết về quê cậu qua chủ yếu là văn chương kháng chiến và bài hát thời đánh nhau với Mỹ, hò hố lên cho thuyền về, Trung Kiên, Hò sông Mã, hay bài hát thiếu nhi tuyên truyền mà phải nói thực lòng không dở chúng tôi vẫn đồng ca ngày sơ tán “đây Thanh Hóa anh hùng ngày ngày ghi những chiến công” …, và Sầm Sơn sóng lớn một thời mình trống mái ngây ngô, nghe cậu trai kiêu hãnh hát về xứ Thanh của cậu ta, cũng thấy cay cay sống mũi.

Giọng Thanh Hóa tôi nghe đây không có lấy một chút tự hào, chỉ rù rì buồn bã khi nhắc về quê cảnh.

Đấy là giọng của Út, người giúp việc trong nhà ông anh bà chị chồng tôi.

Út chân thấp chân cao, dáng người lũn cũn bó chặt trong bộ đồ mặc nhà bằng vải hoa, như là mua ở hàng vải rong nào. Khuôn mặt Út khắc khổ, cằn cỗi, đến nỗi tôi hôm đầu gặp đinh ninh là Út cứng tuổi hơn mình, hoan hoan hỉ hỉ gọi chị ngon lành.

Út quê Thiện Giao, nơi có sông Chu núi Đọ, cách Rừng Thông chừng hai cây số. Đồng hương của nhà thơ Nguyễn Duy đây, nhưng Út không biết ông đồng hương nổi tiếng này, và Út nhớ sông quê, nhưng cảm giác “yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé – dòng nước trôi đi giọt nước lại quay về” với Út hoàn toàn xa lạ.
Út bảo làng Út giờ chỉ còn người già, và Út muốn về làng. Về làng làm ruộng. Nhà Út có sáu sào, mỗi vụ bỏ ra ba bốn triệu, nhờ giời thu về chừng mười mười một triệu, lãi ròng được bảy tám triệu. Út lại sẽ ở với chị gái, hai chị em tằn tiện, nếu không đau yếu, hay nếu làng không có đám hiếu hỉ nào thì mỗi tháng hết chừng hơn triệu cho hai miệng người tuổi héo.

“Thế cô Út ở đây trông một đứa trẻ, có chỗ ăn ở, lại được các bác nhà tôi yêu mến biết ơn, mỗi tháng còn cầm được hai triệu rưỡi, nén nhớ nén thương xuống mà sống, chẳng dễ dàng hơn ư?”
“Các bác cứ bảo em ở thêm dăm ba năm, tháng sau các bác bảo tăng cho em thành 3 triệu nữa, các bác thương em chân yếu, cũng chẳng bảo làm gì hơn ngoài trông thằng cháu bé, giặt giũ không, chợ búa không. Ở đây em chẳng đi đâu, chẳng tiêu đi mất đồng nào, đẫy hẳn ra, nhưng sao cứ thấy người yêu yếu. Với lại em còn bà chị…”

Bà chị Út thương đứa em gái tàn tật từ khi còn nhỏ, bố mẹ mất đi cầm lòng ở vậy nuôi em. Chị Út mười năm trước chính là người đỡ chân đỡ tay cho bố mẹ chồng tôi. Giờ chị Út là một trong những người già trấn đóng ở làng vì chẳng còn đi đâu được, ốm đau liên miên, tiền thuốc gấp mấy tiền ăn. Út bảo làm được bao nhiêu gửi tiền về cũng chỉ đủ cho chị đi viện, thôi về có chị có em đỡ cho nhau, cạn tiền thì … đành vậy.

“Chị em hơn sáu mươi rồi, người ta hướng dẫn làm giấy chứng nhận là người cô đơn, nhưng vì nhà vẫn bị coi là có hai khẩu, là thêm em, dù em đi làm xa thế này… chị ấy không được công nhận cô đơn, không được nhà nước giúp đỡ chị ạ.”

“Giúp đỡ? Là bao nhiêu? Hàng tháng hay là…?”

“Hàng tháng nếu được công nhận thì sẽ được hai trăm ngàn, với tháng đói còn được cứu tế”.

“Thế nếu cô Út về làng thì có được làm giấy gì xin được giúp đỡ gì không?”
“Em tàn tật cả làng biết từ khi còn đỏ hỏn, nếu được công nhận tàn tật thì cũng được như người già cô đơn, là hai trăm”.
“Cả làng biết, mà rõ cô đi… xin cô bỏ lỗi… chứ chân tươi chân héo rõ rành rành…”
“Vẫn phải làm đơn xin công nhận mới được hưởng chế độ chị ạ. Nhờ người hỏi trên huyện, huyện bằng lòng nhưng bảo phải nộp đơn ở xã. Xã lại đòi ba triệu mới nhận đơn, em không có. Năm nào cũng thế, đội đưa danh sách lên xã, xã đưa lên huyện, huyện lại đưa về xã. Năm nay nếu chị em không phải đi bệnh viện, em cũng cố dành dụm chạy cho xong cái giấy này, rồi còn đồng nào về nhà với chị…”
Út không khóc. Cái giọng ngai ngái của người Thanh Hóa ước lá rau má to bằng lá sen vang giữa trưa Sài Gòn chen với tiếng nẹt ống bô, tiếng ô tô nổ máy ngoài ngõ, tiếng ầm ào của cả triều xe vọng từ ngoài bùng binh vào. Khác, mà vẫn làm vang động trong tôi đúng cái cảm giác mà tôi đã có khi nghe chuyện của người dân xóm Trồ Đà Nẵng, chuyện cậu giai cùng quê Hà Tây cũ chạy taxi giữa Hà Nội, kể chuyện làng lên đời thành người thủ đô mà hoang mang không biết làm gì đút miệng, chuyện bà con Nghệ An Quảng Bình nói giọng lúc nào cũng như đập chắc và những người Việt ở những đâu đâu giữa Berlin này…

…Lúc ngồi trong quán. Lúc đi xe ngang những chốn nhậu nhẹt ăn chơi, mang những cái tên vừa tục lụy vừa thanh cao, ở Hà Nội là Chim to dần, ở Đà Nẵng chẳng hạn lại là Cà phê Vườn Phố, Chợt nhớ, Hà Nội Phố, vân vân và vân vân…

Rồi điểm cuối cuộc quy cố hương lại vẫn là Hà Nội. Về nhà, nghe kể nhà văn Nguyên Ngọc đang đóng đô ở Hội An, tiếc nghi ngút. Giá mà biết trước thì chẳng những gặp ông, mà còn có dịp tiếp xúc với ông hay lắm bí thư thành ủy thành phố này, biết trước là cuộc chuyện trò sẽ có giá trị thặng dư nhiều như thế nào.

Nhân nói về giá trị thặng dư của các mối quan hệ, phải thưa ngay rằng tôi đầu tư cho các mối quan hệ ở Việt Nam, có khi còn đầu cơ nữa, toàn để chơi thôi. Chơi là phải chơi cho biết.

Nên chi đi với các chàng taxi là rất sướng. Vì các chàng đang trẻ, lại là người của bốn phương trời. Nhiều khi chỉ gặp nhau có một độ đường mà hóng được bao nhiêu sự.


12.

 

Hóng, rồi ngẫm nghĩ, rồi lại ngộ ra điều cũ như chính lịch sử của thành phố này. Khác với Sài Gòn luôn là đất mới của bao đời, Hà Nội là đất mở, có cái cách dung nạp khác, ngặt nghèo hơn, ít độ lượng hơn, và có vẻ dễ mang tiếng hơn chỉ vì cái sự quyến rũ mà người đời tưởng tượng dành cho nó. Tôi đi, và tự biết, mình là người Hà Nội của chỉ một thời, dù có đi bốn phương trời. Bất chợt nghĩ ra rằng những cậu lái taxi đang nói với tôi bằng giọng Hà Tây, Nam Định chắc không tưởng được ra tôi đang nghĩ họ mới là Hà Nội… Bất chợt phát hiện mình đang thấy ngộ nghĩnh trước cảnh vừa bắt gặp ven hè phố: một cái võng mắc trên thùng xe tự tạo, có người đàn ông nằm đu đưa ngang mắt người trong nắng trưa. Khác, mà vẫn y như Hà Nội những ngày xưa trưa vắng các bác xích lô nửa nằm nửa ngồi tờ báo úp mặt, thất vọng và thờ ơ chờ khách. Ngay cạnh, một cô bé vai rộng lưng chắc, kiểu quen gồng gánh, mặt đỏ lựng ngồi thui hai con chó và giữa đường hai cô tây đứng dé chân chèo phấn khích bấm máy ảnh lia lịa. Tôi đứng đó, không biết mình là ai, giữa thành phố của mình. Năm tháng chồng nhoè, xô giật.

Cảm giác đó càng đầy lên sau buổi chiều gặp lại nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng nhà thơ Bảo Sinh ở cà phê Nhân. Phố Tô Tịch nhỏ tí, ngắn tủn sát Bờ Hồ, ngày xưa cũng hàng hàng quán quán. Bây giờ càng chật chội. Và cái chính là ầm ỹ. Bay biến rồi cái thơ thới thời xe đạp rủ nhau lên đó ăn bát bún mọc của anh chàng giọng mai mái ngồi hàng, ăn xong vuốt hai tà áo nhàu rồi xuôi theo Lý Thái Tổ liếc mặt hồ xanh đục một cái lại vội vàng quay lại liếc nhau. Giữa cà phê Nhân người xồng xộc vào ra, tôi phải căng tai mới nghe được thơ Bảo Sinh. Nguyễn Huy Thiệp kể về lời mời của một nhà xuất bản ở châu Âu và bảo rằng sẽ không đi, rằng ngày nào cũng lên đây ngồi một lúc rồi đi dạo. Và tôi, lúc chia tay, nhớ một chàng Bát Phố Bảo Sinh xong chợt nghĩ không biết Nguyễn Huy Thiệp có biết mình đang trở thành tướng về hưu của chính mình? Hay nhà văn cao thủ, thấm cái chân lý cuối cùng tất cả chúng ta đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân mà ông bạn Bảo Sinh đã phát biểu thành thơ, chọn thiền giữa chốn khó mà thiền định nhất?

13.

 

Tôi, tôi biết, tôi không được quyền hi vọng vào cái tương lai ngắm gà khỏa thân trên nóc tủ, mà có, thì cũng sướng gì vì thế nào cũng là gà đông lạnh bị chặt đầu. Vả chăng, với cái đầu quay quay như cối xay, thiền thế nào được mà thiền cái mợ gà mái là tôi.

Nhưng, nhẹ nhõm, không hoang mang, lòng thật bình yên, (và phải nói ngay: không buồn), khi tôi được ngồi với những người Hà Nội của thời mình, một thời chiến tranh, một thời hòa bình, nhẫn nhục và khắc khổ.

Sông Hồng ngoài kia hẹp lòng không phải vì mùa nước cạn. Lơ thơ đôi ba cánh buồm bàng bạc. Chúng tôi không nhắc tháng năm xưa. Không nói gì nhiều về nghệ thuật. Chỉ đơn giản là ngồi với nhau đây, nhắc tới đôi ba người bạn chung, đôi ba cuốn sách. Nguyễn Việt Hà bận tháp tùng con ra biển. Có Bảo Ninh, Đỗ Phấn, Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Anh Hoài, và vợ chồng tôi. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh lần đầu tiên thấy nói nhiều, nghĩa là hơn bình thường vốn gần như không nói. Họa sỹ nhà văn Đỗ Phấn, kẻ làm tôi choáng váng vì một loạt tiểu thuyết đầy chất tùy bút về Hà Nội, (mà không sống cùng nó một đời, không yêu nó nhẫn nại và kiệt cùng, không tin cảm được cái thẳm sâu vẫn lặng thầm chuyển dịch qua những biến động ồn ào, tôi nghĩ không thể nào viết nổi), điềm đạm y như những trang viết. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái, cũng là tác giả của nhiều truyện ngắn mà nhân vật rất đàn bà trí thức Hà Nội sâu và lạnh trong những tình huống lẽ thường dễ ồn ào cười khóc. Lê Anh Hoài, vốn đã có tiếng trong thơ và bây giờ trong hội họa sắp đặt, nhưng với tôi trước hết phải là tác giả của Chuyện tình thời tạp kĩ mà tôi gần mười năm trước từng tuần chờ đọc từng chương bản thảo, để rồi đi tới kết luận sau Nguyễn Việt Hà, đây là người có giọng văn xuôi hài hước mới của chúng ta. Lê Anh Hoài đề nghị và Đỗ Phấn hứng khởi cầm đũa giả làm phách, cất giọng hát xẩm tàu điện, giọng rất chìm khi nói đột ngột nảy. Nhắm mắt lại có cảm tưởng vẫn còn là con bé con đang ngồi trên tàu điện tuyến Chợ Mơ Bờ Hồ, rụt rè nhìn ông xẩm mù sờ sẫm thu vén chỗ đứng hát mà sống. “Vén tay sờ chốn em ngồi…” ông xẩm Đỗ Phấn giọng vang và rạn, đúng cái chất của những nghệ sĩ từng trải bất đắc dĩ mất đất nào ai biết bây giờ còn sống hay không ở đâu.

Vì cái gì? Giọng, Hà Nội của một thời chiến tranh, sơ tán, thời vô tư lự đột nhiên ý thức ra nỗi hoang mang trên thế giới này ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi? (Bảo Ninh - Nỗi buồn chiến tranh.) Tuổi, còn lâu mới tới lúc xưa nay hiếm, nhưng đủ để mấy cô bé phục vụ thành kính gọi các cô chú các bác rồi? Nghề nghiệp, vốn kiểu gì cũng dính lấy nhau? Hay những kinh nghiệm và kí ức chung không cần nhắc? Không biết, nhưng thật sự cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi định vị lại được cho mình, giữa Hà Nội hôm nay.
Cùng một cuộc gặp gỡ khác, vội vàng không nói được gì ngoài gặp nhau cho biết mặt. Với một vài bạn trên FB do Trương Quý rủ rê giùm. Hoàng Ngọc, Thu Thủy, Giang Trang, Zan Hanoi. Biết bao nhiêu lần vào trang của Zan Hanoi để nghe 999 bài hát thời của chúng tôi, độc hơn cả lại toàn là bài từng phát trên Đài tiếng nói Việt Nam thuở các ca sĩ hát về chiến tranh và hòa bình với niềm tin và nỗi thiết tha chỉ có ở thời buổi ấy mà những kẻ từng biết «thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng - bản tình ca đất nước càng sâu lắng - người Hà Nội mang trong tim độc lập tự do thiêng liêng… (Hà Nội những đêm không ngủ - Phạm Tuyên), và rộng ra là cả thế hệ đồng ca “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (Bước chân trên dải Trường Sơn – Vũ Trọng Hối) cảm ra ngay khi nghe lại. Nói thực là tôi còn chưa biết tên thật của bạn ấy là gì, chỉ biết cái tình của bạn ấy với Hà Nội và năm tháng không thể nào quên ấy thân gần quá đỗi.


14.

   

Hà Nội thời này lạ lẫm, đổ ập vào người trở về như sóng thần. Choáng. Lần nào về cũng như tới. Phố cũ đường mới. Quẩn quanh câu trăm năm đành lỗi hẹn hò mà ngẫm thì đọc lên rất sượng giữa cái xô bồ này. Cống Vị, ngày xưa đi từ Đại học Sư phạm về, thỉnh thoảng nổi hứng qua Cầu Giấy ngoặt cái chơi, trốn con đường đông sinh viên để ngập vào cây lá. Bưởi. Mơ. Mở toang. Chật khép. Đi đâu cũng chỉ còn biết hỏi đường rồi chờ anh taxi quê ở đâu ta đưa tới. Có những nơi dường như sẽ chẳng bao giờ thay đổi được, Quốc Tử Giám chẳng hạn, vẫn cứ làm ta không sao hết bần thần. Mấy mươi năm rồi, tôi qua lại nơi này nhưng không muốn rẽ tạt vào. Không vào. Khi chốn khuê văn bị biến thành Hội chợ Xuân thời bao cấp. Không vào, khi cửa Quốc Tử Giám thành chợ bán đồ si đa một thuở vừa nho nhoe mở cửa. Bây giờ, đưa con trở lại, giật mình vì phố đông, Quốc Tử Giám đông. Người ngùn ngụt chen nhau y như một thời đi xem diễu binh mừng chiến thắng. Có cuộc biểu tình giữ đất hay đòi chủ quyền biển đảo nào gần đây đông như thế không? Đông thế thì chắc là khó tập trung nhau đi Lộc Hà? Loa từng chập vang lên đúng một câu nhắc nhở, áo xanh áo vàng giữ trật tự mặt lạnh te. Chẳng phải hội thơ hội sách, mà hóa ra là trưa trước ngày… thi đại học. Sĩ tử gái trai có người nhà đi kèm thay vì ngồi nhà học cố hay đi chơi quách cho nhẹ mình, từ rất nhiều vùng đất dồn về chốn này cầu thi không trượt. Thấy sao mà khổ quá. Thấy sao mà đáng ngại trước cái khao khát chữ nghĩa được tỏ bày thiết tha như thế này. Có vẻ như tấn bi hài kịch lều chõng thuở xưa của những cụ Vân Hạc đang bừng bừng sống lại, cho thấy một cùng quẫn hiện sinh. Những đầu rùa đội bia tiến sĩ vẫn ngỏng đều quyến rũ bàn tay sĩ tử lần sờ cầu cạnh. Ba năm trước, thằng cu con 19 tháng của tôi còn được đứng cạnh mấy con rùa đội bia để bố chụp cho kiểu ảnh, lần này, các cụ rùa nhẵn đầu phải chịu ngỏng cổ đằng sau hàng rào dây thép, nhìn lớp lớp nguyên khí tiềm năng của đất nước đi ngang. Tôi đi ngang, không muốn mà lại nhớ những mái giấy dầu đen thùi lùi dưới mưa đằng sau bờ tường chốn này, dấu tích những hội chợ lem nhem vắng teo ngày xuân cạn thời bao cấp mà mình không bao giờ tới. Đất thật có hồn không?

Nắng trĩu nặng u uất đổ lên cái thành kính ồn ào ở Quốc Tử Giám. Tự hẹn mình ngày mai theo chồng đi chốn khác. Chồng tửng mửng đã bò dậy ra đường, về kể, chưa được tận mắt nghe nhìn mà đã thấy ham. Các bà tuổi mình đang từng ngày đấu tranh chống lại sự bành trướng của cơ thể sáng sáng quần cộc áo hai dây khoe bụng nở vai đầy ngực teo hông phồng mông tọp ra công viên tập yoga cười. Rõ là dễ hơn tập yoga im mồm. Đồng ca em yêu chim, em mến chim vì mỗi lần chim hót em vui, tôi cũng hát tốt. Phát sặc vì hình dung mình đang hát bài hát thiếu nhi cùng các bà, còn chồng thì giương máy ảnh bắn tới tấp.

Nhưng những người Hà Nội hôm nay không cười. Bình thường quá rồi. Như cái sự ăn và học nhiệt tình mệt mỏi. Trường đông từ sáng tới tối. Quán sá đông nghìn nghịt ngay giữa bữa trưa. Như cái áo hai dây, cái váy ngắn, quần cộc chỉ mới chục năm trước những người đàn bà tuổi ba bốn mươi còn e ấp mặc trong cái nhìn dò xét của mọi người, giờ đây đã trở thành trang phục hàng ngày, dù người mặc nhiều khi chưa có cái phản xạ khép đùi lúc ngồi sang trọng kiểu như … Marlene Dietrich.

À, có Giang Trang.

gt


Không có chung kí ức tuổi thơ, song cô gái có cái tên nghe thật mênh mang Giang Trang khiến tôi quên luôn tuổi già đang xồng xộc tới. Giang Trang tóc buông ơ hờ, nét cằm cương nghị, cái nhìn tự biết mình và dáng ngồi thật thư thả điềm đạm. Giang Trang cuốn hút chính ở cái cách không hề cố gắng thể hiện mình. Cảm giác như cô gái trẻ đó đã sống qua một cuộc đời rất dài, cho nên những sôi nổi cô bộc lộ khi nói tới ranh giới mơ hồ, mong manh giữa giai điệu và ca từ của nhạc Trịnh, cái chất thiền mà nhiều người chỉ tìm thấy qua lời các ca khúc Trịnh viết thật sự là một bất ngờ. Nhưng sẽ không còn là bất ngờ nếu biết ít nhiều những gì cô đã học và làm và nghe và đọc. Ý thức cái cổ họng của mình là một nhạc cụ phải đạt tới độ hòa với các nhạc cụ khác (còn có thể bảo hao hao Hà Trần, nhưng) ý thức về chữ thiền không phải chỉ trong nhạc Trịnh Công Sơn, Giang Trang mang lại cho gương mặt ca sĩ đương thời một nét sang cả hơi bị hiếm. Phải vì thế mà dù thích hay không, vẫn phải thừa nhận Giang Trang đóng được một cái đích mới cho ta trên hành trình cùng Trịnh, dù những mưa nắng ngày tháng cũ mà Trịnh sống và sáng tạo đã xa rất xa đời sống của chúng ta rồi.

Tôi trở về, đi và gặp, rồi lại quay lại ngó nghiêng mình. Cảm giác này chỉ có thể so sánh với cảm giác mà cơn mưa buổi chiều hôm trước ngày đi đổ lên tôi. Tôi đã vui mừng biết bao khi chia tay cậu lái taxi đang phát rồ vì đường tắc mà lại đã vào giờ cấm, nhảy vào mưa. Choáng. Tiếng sấm bây giờ hình như nhỏ lại. Mưa thì cuồng dại. Tiếng mưa sầm sập trộn vào trong muôn ngàn tiếng động vì xe cộ tắc nghẽn. Kính mờ mịt nước. Vừa bước vừa giơ tay lần sờ. Quang gánh. Tay lái xe máy. Eo ai không mặc áo mưa, phình phùng phình. Đầu một đứa nhỏ nào. Cột chống trước hàng quán. Tiếng chửi. Cúi đầu tránh mưa tạt thẳng mặt, kính phát huy lại một phần tác dụng: Rác. Nước cuốn rác về đầu phố Nguyên Hồng, vốn là cái dốc nhỏ, rồi tống thẳng xuống. Cuồn cuộn. Cuồng loạn. Nước và rác bắt đầu dềnh ngang bắp chân tôi, không biết rồi sẽ trôi được tới đâu. Tôi mù loà trong cơn mưa quê hương. Không còn là choáng. Hoảng. Xa rất xa tôi rồi cơn mưa xưa chiều hạ, thanh sạch và mãnh liệt và làm tươi mởn lại, những mặt người khốn khó, những hàng cây rũ mình thiếu gió, những con đường.

Thế đấy, Việt Nam, Hà Nội, như bức Puzzle khổng lồ, hiện hình dần qua những mảnh ghép hỗn loạn, là những gương mặt, giọng nói, số phận, là những câu chuyện về đời người, là nỗi buồn chán và khao khát, là thiết tha và phẫn nộ, là sự trì nặng và hứng khởi của nhịp sống hàng ngày. Như triều dâng trong mắt người không sống cùng. Mà những đợt sóng mới, là những cuộc gặp không thành, với bao nhiêu người vốn quen tên qua chữ, nhà thơ Hoàng Hưng, Đỗ Trung Quân, nhà báo - họa sỹ Nguyễn Trọng Chức, nhà báo Thu Hà Tuổi trẻ, nhà báo Đoan Trang - người qua đôi ba tiết giảng đã nhận tôi là cô giáo cũ…và bao nhiêu người nay thành thân thuộc nhờ FB, và bao người ngẫu nhiên chung dăm ba bước trong ngày tháng. Đành vui lòng với đôi ba cuộc gọi ngắn nhận tên nhau. Tiếc. Nhưng còn những ngày về khác. Song tiếc, và xót nữa. Một gặp gỡ định trước mà vĩnh viễn không thành. Với một người rất trẻ vừa nằm xuống, im lặng mà náo động. Lão thầy bói già Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Thằng cháu họ giữa tuổi bốn mươi chuyển công tác đưa cả nhà từ một thành phố biển về Hà Nội mời cô chú cùng cả đám em đám cháu lên quán Vườn Nướng sát nghĩa trang Mai Dịch. Tôi biết họ không định biết những người tôi muốn gặp, không biết Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Ngồi phòng máy lạnh, cháu hỏi cô chú đã cho các em đi những đâu chơi gì ăn gì. Và kể mới đổi con xe, lập vườn lan ở quê, nơi cậu ta đầu tư xây cái biệt thự kiểu thuộc địa to vật, riêng hệ thống tưới đã xơi của cháu trăm triệu cô ạ”, rồi cười hehehe: “Cho đời nó tấy”. Ở một cuộc gặp mặt khác, anh Bá Dũng, tôi mới biết là người thân của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, giới thiệu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương in ở ngoài nước và tôi, chưa hề đọc cuốn sách này bất giác nghĩ tới Doctor Zhivago. Bên tách cà phê buổi sáng, chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội - Phạm Xuân Nguyên - rủ tôi đi biểu tình vì chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc ngày hôm sau và buổi tối, giữa một cuộc gặp mặt, một người anh người bạn cũ, sĩ quan an ninh, vốn có tiếng lành từ thời đi học tới tận tuổi sắp già tạm biệt tôi về sớm, cũng vì cuộc biểu tình đó. Những câu chuyện xô giật tôi, đẩy bật rồi làm thức dậy bao nhiêu bần thần khắc khoải. Hôm nay…Ngày qua…

Những mảnh quê hương như thế, tôi lượm được bao nhiêu trong suốt hành trình, nhưng chưa biết xếp vào đâu trong bức tranh ghép hình nên Tổ Quốc.

Của riêng tôi.

Chú thích: (1) thơ  Rozhdestvensky (1932 -1994)

Lê Minh Hà

Hà Nội - Berlin
18.7. 2012
25.12. 2012
24.1.2013

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us