Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đống Đa, Hát Bộ, Đá Gà...

Đống Đa, Hát Bộ, Đá Gà...

- Ngu Yên — published 01/01/2015 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Ngu Yên


Đống Đa, Hát Bộ, Đá Gà,
Mùng Năm Ăn Tết,
Sơn Hà Băn Khoăn...



Mùng Năm Tết, ở quê tôi, Phú Phong, Bình Định làm lễ tưởng niệm Vua Quang Trung chiến thắng Đống Đa, đại phá quân Thanh. Người người khắp nơi tràn ngập ngày hội.

Oán hồn chết Đống Đa ít hơn người dự lễ. Quân lính reo hò đánh trận giả. Nỗi buồn thật đã quên. Khi ham vui dễ mất nước. Ở Trường Sa, Hoàng Sa, Cao Bằng, Lạng Sơn, không có nơi nào gọi Đống Đa.


1.


Mùng Năm, quê tôi tưng bừng đón Tết Tây Sơn.

Vua Quang Trung dẫn quân xuyên bộ. Gươm giáo bọc khăn khỏi chiếu ánh sáng. Lương thảo không mang, ăn toàn bánh tráng. Hai người võng một, thay nhau chạy suốt ngày đêm, từ Phú Xuân đến Tam Điệp, chớp nhoáng tiến vào Thăng Long. Sét đánh bưng tai. Xuất kỳ bất ý. Công kỳ vô bị. Quân Tàu thây chất đầy 12 hố lớn, đất lấp cao thành Gò.

Chiến trận kéo qua dốc gò rùng rợn
đêm xuống âm u địa ngục trồi lên
khuya lạnh máu đong đất bùn cứng lại
xác người ngổn ngang kinh dị hình hài
trăng lưỡi hái ánh xanh mờ thê thiết
những oan hồn chưa tuyệt vọng quê hương
quay trở lại tìm xác mình chiến đấu.



Thi sĩ Virgil viết:

thần chết kéo mạnh tai tôi,
"Hãy cố sống" hắn nói
" ta đang đến."
(1)



Chợt ào ạt bầy chó hoang phóng tới
mùi máu tanh kêu gọi loài răng nanh
chó sói chó nhà cả gò khuya động đất
tiếng cắn tiếng la tiếng sủa tiếng gầm gừ
người chết hai lần, ba lần, bốn lần, chỉ còn xương lở dở
chó tranh giành cũng tàn khốc như người
máu chó đổ tươi máu người lần nữa
hấp hối rất lâu chó thở tới rạng đông
tiếng rên rĩ giống như người đau đớn
tiếng tru la chấn động nỗi kinh tâm.
Hồn chó tất tả về đâu không quê quán
không thiên đàng không địa ngục đón chờ.
Sau trận chó mối gò thêm rùng rợn.


Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long, Nhị hà
Quân Trung Tàu chết vì quân ta yếu
Xác Trung Tàu phân bón đất ta nghèo
Bây giờ Trường Sa Hoàng Sa, chỉ có thây quân ta.
Bây giờ lương thảo không màng, chỉ mang vàng.
Bây giờ không ai võng ai, chỉ lật võng đè nằm sát đất.


Vua Quang Trung ở trên mây, mùng Năm mưa xuống ướt ngày vinh danh. Da vàng nhiễm đỏ thông manh, nhìn xa không rõ, thập thành nhìn lui. Bản đồ thiếu nắng, bùi ngùi, bóng đen xâm chiếm chôn vùi sinh linh. Trên cao nhìn xuống bất bình, hồ đồ con cháu vô tình thế sao!

2.

Mùng Năm Tết, làng tôi kỷ niệm Đống Đa, tổ chức hát bộ, đá gà.

Lúc trẻ tôi thích Quan Công, thuộc lòng: Như ta đây, quang minh, lỗi lạc....

Tuổi trung niên tôi thích Tào Tháo: Như ta đây gian hùng hiểm ác.....Anh hùng thường giết chết anh hùng. Kẻ ác giết luôn tiểu nhân lẫn quân tử. Như ta đây giết tất cả chỉ vì nghi. Đạo Lưu Bị về vườn chơi cảnh. Chí Khổng Minh hưu trí đấu cờ. Hờn Trương Phi, sao thờ đến tam công?

Càng già càng chán Triệu Tử Long, đừng cứu ấu chúa, Hán đồ chưa hẳn mất.

Chán Khổng Minh, biết nghe Lưu Bị chém Ngụy Diên, đèn thất tinh chưa chắc đã tắt.

Lỗi sự đời gom vào bốn chữ: "Cố làm người tốt." Ở hiền hên lắm mới gặp lành.

Mặt đỏ: Quang Công; mặt đen: Trương Phi; mặt trắng đen: Tào Tháo; mặt vàng, mặt xanh, mặt đủ màu chạy quanh sân khấu mỗi năm. Trống chầu, trống nhỏ, thanh la, xập xõa, sáo, kèn tưng bừng ủng hộ. Vừa vui chơi vừa dạy dỗ làm người.

Mấy ông Tàu này ở đất Việt quá lâu. Dân Việt đập đầu thờ lạy. Ông Mao Trạch Đông mang mặt đỏ thành Quan Công, Ông Tập Cận Bình mang mặt trắng thành Khổng Minh. Mặt nạ thiếu gì. Gửi tặng bộ chính trị Việt Nam. Ôi đông đảo anh hùng cái thế. Lần lược ra sân khấu hô to: Như ta đây....

Người đóng tuồng già chết, người trẻ lên thay. Người đi lính, người ở nhà thế chỗ. Ai mất mặc ai. Mặt đỏ, mặt đen, mặt vàng, mặt trắng, mặt đủ màu vẫn tồn tại.

Khán giả vỗ tay không cần hậu quả. Lâu ngày nhập tâm, lúc nào cũng hồ hởi, dân ta cái gì cũng có: Như ta đây....

Thỉnh thoảng nghe ra vài tiếng chim còn tanh máu tươi. " Thương thay con quốc giữa trời, dẫu kêu ra máu có người nào nghe.."(2)


3.


Nhưng làng tôi nổi tiếng nhất, những trận đá gà chọi, còn gọi đá gà đòn. Xa xôi tận trong nam, lừng lẫy gà đá núi, kéo nhau về hội Tây Sơn đá gà.

Gà trống chọi giống ngựa thần thoại có cánh thâu nhỏ, trên hai chân.

Thân ốm lanh lẹ tránh né.

Chân cao, to và mạnh; cựa cứng; đứng vững, đá gãy cổ, dập mề..

Ít lông, không cho đối thủ níu kéo.

Cổ dài, gân guốc. Gà chọi đo cổ biết sức nhau. Cân cổ làm đối thủ mất thăng bằng. Xúc cổ dưới bụng, đối phương bật ngửa.

Gà chọi cắn bằng mõ. Kè bằng cổ, đá bằng chân.

Vào hội Tây Sơn Đá Gà, phải có tên, toàn tên lịch sử, ngoại trừ tên Quang Trung, phạm húy và sợ lỡ thua.

Gà kia Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh, Trường Triều Long, Thượng Duy Thăng... Gà này Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Đô Đốc Tuyết, Đô Đốc Lộc, Đô Đốc Long, Đô Đốc Bảo....

Gà chọi đá nhau dáng dấp như hai tướng, ra chiến trường, đấu tay đôi. Trong vòng càn khôn sân đá, lịch sử viết lại nhiều lần: Tôn Sĩ Nghị có khi thắng có khi chết. Đô đốc Long gãy cánh. Phan Văn Lân gãy cổ. Sầm Nghi Đống gục tại chỗ. Thượng Duy Thăng lần đầu thắng lần sau thua chạy khỏi sân.

Chiến trường nào cũng như nhau. Kẻ thua người thắng kẻ sầu người vui. Bảo rằng là chuyện hên xui, hay là tận sức dập vùi tranh đua?

Nếu xưa vua Quang Trung thua, Đống Đa lễ cống phải đưa sang Tàu.

Về sau, dân đá gà chuộng đá gà cựa. Những lưỡi dao bén cột vào chân. Gà đá cựa nhẹ, lông dài, cánh rộng, bay cao, khát máu. Đá nhau đến chết mới thôi. Tết Tây Sơn năm 1975, đoạt giải nhất, gà Bùi thị Xuân. Tướng ta, tướng tàu, tét đầu, đứt cổ. Chém chết, đâm chết, thọc chết. Mới hay: Ai về Bình Định mà coi, gà mái Bình Định múa roi đi quyền.(2)


4.


Mồng Năm Tết, quê tôi, làm lễ tưởng Niệm Vua Quang Trung.

Nhắc nhở chiến thắng nhờ trí tuệ và lòng quả cảm.

Nhắc nhở kẻ mạnh không phải luôn luôn là kẻ thắng.

Nhắc nhở muốn lập chiến công phải tự nhờ mình: Biết ăn bánh tráng, biết chia võng gian nan, biết âm mưu che khí giới, biết nghi binh thực hư và trên hết biết quyết tâm vượt qua sợ hãi.

Vua Quang Trung yêu quê hương không chỉ nói suông.

Vua Quang Trung yêu dân tộc không ngồi ở kinh đô thư giãn.

Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, chỉ 10 ngày ở Nghệ An, đã hàng vạn trai tráng tòng quân hăm hở. Mới hay, lòng dân như pháo nổ. Chỉ cần bàn tay đốt đuốc dẫn đường.

Trong Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam 1771-1802, giáo sĩ Longer ghi lại. Quân Tây Sơn bắt lính " gay gắt đến nỗi người ta không biết trốn vào đâu. Các sai nha đem chó lùng người trong rừng. lấy dao xỉa vào càc đống rơm dùng để đun nấu..."(3) Cố đạo bênh nhà Nguyễn, ghét Tây Sơn, viết sai. Lính hèn như vậy, làm sao đại thắng quân Tàu? Mới hay lịch sử có nhiều bàn tay bóp trái tim rồi kéo lưỡi.

Đã có nhiều năm tôi thao thức
Làm sao phân biệt hồn Việt với hồn Tàu
Mãi về sau mới biết:
Hồn đi trước: hồn Tàu
Hồn đi sau: hồn Việt
Hồn phè phỡn: hồn tàu
Hồn khúm núm: hồn Việt
Hồn ra lệnh: hồn Tàu
Hồn gật đầu: hồn Việt.
Sau 37 năm quay lại quê nhà, dự lễ Đống Đa
Chiều tan về, lòng buồn hay vui, chẳng rõ
Giữa đường, gặp hồn trung niên hiên ngang uy dũng, nhưng không phải hồn Tàu

Tôi hỏi hồn là ai?

Hồn chỉ tay, nói, đinh tai:

Bắc tiến. (4)




Ghi:


(1) Thơ của thi sĩ Virgil trong tác phẩm Aeneid: Death twitches my ear; / "Live", he says... / "I'm coming.". Thi sĩ Virgil, tên thật là Publius Vergilius Maro ( 70 tcn - 19 tcn.)

(2) Ca dao, tục ngữ.

(3) Sách của Tạ Chí Đại Trường, trích thư của giáo sĩ Longer.

(4) Lời Bàn:

- Nước nghèo, dân lè phè, chính quyền tham ô, tư lợi, thiếu chất xám, ít quân, vũ khí thua sút, thử hỏi làm sao đánh nhau với Trung Tàu?

- Ai nói, Bắc Tiến là phải đánh nhau.

Tôn Tẫn có trí, dùng trí đánh tan quân Tề hùng mạnh, diệt Bàng Quyên. Tô Tần có lưỡi, dùng lưỡi, chận đứng binh lực bá chủ nhà Tần.

Ông Đan thả trâu cho hung nô ham bắt mà cứu giá. Phạm Lãi dâng Tây Thi, vay lúa giống, trả lúa luộc, ve sầu thoát xác, tiêu diệt nước Ngô, phục thù nước Việt.

Cần gì phải đánh nhau. Cán cân nhỏ, cân được ngàn cân. Tự mình không biết cách dùng.

Kẻ địch tìm đến ta, vì lợi. Kẻ địch không tìm đến, vì sợ. Lấy lợi hôm nay đổi hết lợi ngày mai. Bây giờ không còn lợi, đến làm gì. Nước nhỏ phải liên kết "thành thật" với nước lớn, khiến nước địch ngại ngùng, như Thụy Sĩ. Nước yếu phải chứng tỏ có khả năng tiềm tàng, tự lực cánh sinh, như Nhật Bản, Nam Hàn, nước lớn nhìn xa, không muốn động binh.

Không có ai bạn không có ai thù, chỉ có dân tộc đừng diệt vong.

Hạ sách là đánh nhau. Trung sách là dùng ngoại giao chính trị. Thượng sách là thay đổi chế độ.

Nếu biết bỏ cái mình có thì sẽ còn. Nếu cố giữ cái có, sau rồi sẽ mất.





Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us