Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đừng đánh mất giấc mơ

Đừng đánh mất giấc mơ

- Nguyễn Thị Hậu — published 01/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Tản văn

Đừng đánh mất giấc mơ


Nguyễn Thị Hậu



Điện thoại của tôi luôn cài đặt giờ của một số thành phố trên thế giới. Phần lớn là những nơi tôi đã từng đến nhưng cũng có nơi tôi chưa từng đặt chân, có khi là một thành phố nho nhỏ ít người biết tên.

Khi đến một nơi xa, điều đầu tiên là tôi chỉnh đồng hồ đeo tay, đồng hồ điện thoại để tiện liên lạc. không lỡ việc. Nhưng đồng hồ trên máy tính thì vẫn là giờ Việt Nam, để biết giờ gọi hay nhắn tin về cho người nhà, cho cơ quan. Mỗi lần như vậy, khoảng cách giữa những thành phố - của – tôi như gần lại, chỉ cách nhau… vài giờ trên đồng hồ mà thôi.

Khi cần liên lạc với ai đó ở xa, đầu tiên tôi cũng xem đồng hồ, để xem có tiện hay không. Đôi khi việc gấp cần cứ bấm điện thoại, quên mất bên kia có khi đang là nữa đêm hay chỉ mới bình minh… Nghe tiếng bạn ngái ngủ mới giật mình, đành xin lỗi nhưng… vẫn bàn chuyện tiếp. Vậy mà đã chào nhau rồi vẫn tiếp tục chuyện trên trời dưới đất một hồi nữa mới thôi.

Hồi tôi qua nước Mỹ. Một lần buổi tối ra sân bay LAX bay đi Boston. Làm xong thủ tục liền nhắn bạn “nhớ sáng mai đón tui nha”. Một hồi mới thấy tin “biết bây giờ bên này là mấy giờ không, làm mất ngủ rồi nè, hic”, sau đó là icon mặt nhăn nhó rồi lại cười nhăn nhở. Ừ nhỉ, nước Mỹ rộng lớn thế, các tiểu bang cách nhau vài múi giờ là bình thường, từ Tây sang Đông có khi là đã bay qua một ngày khác. Đi nhiều nơi thấy mình như có thêm được thời gian – thứ mà chúng ta luôn thấy thiếu mà chưa bao giờ thấy đủ.

Nhưng cũng vì “được thêm” thời gian mà lần ấy khi đi về nhớ sai giờ bay, đáng lẽ là 2 giờ sáng chủ nhật mà cứ nghĩ là 2 giờ “đêm chủ nhật”. Vậy là cả ngày chủ nhật tôi cùng bạn rong chơi khắp San Fransisco; chiều tối bạn còn nấu phở cho ăn, xong mới ung dung ra sân bay. Ở quầy làm thủ tục nhân viên để giấy tờ của tôi sang một bên, làm vé cho mấy người khác. Sốt ruột quá tôi hỏi thì anh ta từ tốn trả lời “thưa bà, chuyến bay của bà bây giờ đã đến TP. Hồ Chí Minh rồi”.

Tất nhiên sau đó phải quay về nhà bạn. Cả đêm lo không ngủ được vì đã lên mạng xem hết vẫn chưa tìm được vé về ngày gần nhất, vé của tôi thì sớm nhất phải một tuần sau mới có chỗ. Trời sáng hẳn, rụt rè gọi điện thoại cho bạn ở DC, xin lỗi vì gọi sớm quá thì bạn cười vang, bên tui giờ này gần trưa rồi nàng ạ. Rồi bạn tìm được vé cho tôi về ngay hôm sau. Lần này thì không dám chủ quan nữa mà ra sân bay từ sớm. Lên máy bay rồi mới chợt nhớ chưa gọi điện cho bạn yên tâm.


Nửa vòng trái đất cách bao xa?


Nửa vòng trái đất cách nhau là bao xa? Không xa đâu, chỉ là hai mặt đồng hồ bên sáng bên tối mà thôi. Paris, Berlin hay Varsaw, Budapest hay Tokyo, Seoul… cách Sài Gòn bao xa, không xa đâu, vượt qua những giờ bay là ký ức về những thành phố xinh đẹp yên bình, về những người bạn chân tình. Ký ức giúp chúng ta gần nhau hơn, không chỉ về khoảng cách mà còn xóa nhòa những ranh giới vô hình giữa “bên này, bên kia” trong quá khứ. Thi thoảng nhìn đồng hồ và tự hỏi “bạn đang làm gì” rồi để trí tưởng tượng lang thang đến nơi tuyết rơi dày lạnh buốt trong khi nơi này trời nóng nực nắng chang chang , khi thì ở nơi mùa xuân đã nhú lên mơn mởn trong những cánh hoa đào hoa mận còn nơi kia vẫn là những ngày thu lá vàng rực rỡ…

Duy chỉ có một dịp bao giờ tôi cũng dùng “giờ Việt Nam” để nhắn tin cho bạn, đấy là vào đêm Giao thừa. Dù bạn đang ở múi giờ nào thì tôi biết, bạn cũng đang nhớ về quê nhà trong khoảnh khắc ấy. Tôi không gọi điện, vì có khi bạn đang làm việc, tôi không email, vì có thể bạn không nhận ngay được. Tôi nhắn tin, vì biết bạn sẽ đọc ngay và biết đâu bạn sẽ nhắn trả lời, chúng ta lại gần nhau trong giờ phút đất trời chuyển giao cũ mới. Tôi muốn ở đâu bạn cũng có một cái tết như đang ở quê nhà, dù ngày đó bạn vẫn phải miệt mài làm việc.

Tôi vẫn cài những giờ khác nhau trong điện thoại của tôi, kể cả khi không còn mối liên hệ nào với ai ở nơi đó nữa. Có sao đâu, thời gian bao giờ cũng là của mình, dù hiện tại hay quá khứ. Cũng như những trang sổ ghi địa chỉ, email lưu lại những bức thư… tất cả tạo thành ký ức của riêng mình. Chúng ta sở hữu những ký ức khác nhau dù chúng ta hiện diện ở cùng hay khác múi giờ. Bạn có thể cùng mơ ước một điều gì đó với nhiều người khác, nhưng một giấc mơ, ngay cả về điều đó, thì nó chỉ là của riêng bạn mà thôi. Ký ức và những giấc mơ là tài sản quý giá của ta không ai có thể lấy đi được.

Sự khác nhau vốn là thuộc tính của thế giới. Những múi giờ là do con người quy ước để định vị những nơi chốn khác nhau. Kể cả khi chúng ta có ký ức riêng thì những giấc mơ – trí tưởng tượng được cất giữ đâu đó - sẽ bay qua mọi múi giờ mang chúng ta đến bên nhau.

Miễn là đừng đánh mất giấc mơ.

Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn 1/2/2015

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us