Đường đến đại dương
Truyện Ngắn
Đường đến đại dương
Phạm Ngọc Tuý
Ngày đầu tiên cô giáo Huyền bước vào lớp 11A, thằng Gia có nhiệm vụ mang sổ đầu bài đến trễ; nó lật đật chạy lên văn phòng lấy sổ, thành ra nó vào lớp sau cô giáo. Con Là bước vào, hai bên thái dương ướt đẫm mồ hôi có lẽ nó vừa trải qua một đoạn đường khá dài. Là đặt cuổn sổ điểm lên bàn, cố nén bớt hơi thở hào hển.
Cả lớp im lặng, một lát mới hiểu ra cơ sự. Cuối giờ không hiểu vì lí do chi thầy chủ nhiệm, sau khi đọc điểm kiểm tra môn Sử của học sinh, quên không mang sổ về văn phòng. Con Là hôm đó ở lại để vẽ nốt bản đồ, hay làm cái gì đó; là đứa ra khỏi lớp sau cùng, khi văn phòng đã đóng cửa.
- Lần sau em đừng đem về nhà, mà gởi ở nhà cô thầy nào ở gần đây. -- Dạ.
Cô Huyền chăm chú nhìn Là một lúc. Trước lúc nhận lớp cô có nghe một vài thầy cô nói đến các học trò khá giỏi trong lớp này. Khuôn mặt của con Là đặc biệt ở sóng mũi cao, đôi mắt to và sâu, nước da đen ngăm với mái tóc dày buông xả sau lưng. Toàn thân nó toát ra một sức sống dồi dào mà kin đáo - cả vẻ đẹp lai Ấn Độ của nó. Chân nó đi hơi cà nhắc, không biết do tai nạn hay dị tật bẩm sinh.
- Cám ơn em, về chỗ ngồi đi.
Cô Huyền không kiểm tra bài. Tiết đầu tiên cần nhẹ nhàng đôi chút để làm quen cái đã. Hôm nay giảng về …Cô treo tấm bản đồ cô chiếu theo cuốn Atlas Việt nam vẽ lên tấm bảng đen, học trò suýt soa khen đẹp! Cô không giảng bài mới ngay mà nói vài lời dạo đầu.
- Các em, chúng ta bắt đâu làm quen với nhau nhé. Cô là Minh Huyền, mới về, phụ trách môn Địa lý. Rồi các em sẽ thấy môn Địa không khô khan đáng chán, ngược lại là một môn học hấp dẫn. Địa lý liên quan đến Văn và Sử, đến Thiên văn học tức môn học về các vì sao.
Đến đây cô Huyền dừng lại. Những đôi mắt đang chăm chú nhìn cô giáo hơi có vẻ ngơ ngác. Từ Thiên văn học đối với chúng là một từ mới mẻ, chắc vậy rồi.
- Các em có hiểu không? -
- Dạ hiểu.
- Hiểu như thế nào?
Thằng Gia đứng dậy.
- Dạ thưa cô, khi anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh ở trận Hà Hồi và Ngọc Hồi, khi Lê Lợi đánh thắng quân Nguyên ở hai trận Tốt Động và Chúc Động, học Địa và coi bản đồ em biết các chỗ đó nằm ớ nơi nào.
- Là bản đồ chi tiết thì có! Cô Huyền cầm cây thước chỉ lên bản đồ.
Thôi được, em ngồi xuống. Đây là thành Hà Nội, đây là gò Đống Đa, kia là vịnh Hạ Long. Vậy môn Địa dính dáng gì đến thiên văn học?
Cả lớp im lặng một lát rồi thằng Hưng đứng dậy:
- Thiên văn học căn cứ trên các vì sao, trong đó trái đất là một hành tinh lớn quay xung quanh mặt trời. .
Cô Huyền hơi ngạc nhiên. Không bình luận thêm gì, cô bắt đầu giảng bài mới. Buổi đầu bài giảng đã thu hút học sinh lắng nghe và hiểu. Cuối giờ chỉ có 5 phút dặn dò, cô Huyền dặn học sinh vẽ bản đồ để tuần sau chấm vở.
Địa lí không phải là một môn khó, cái khó là thúc đấy học sinh vẽ bản đồ. Đợt chấm vở lần đầu, vẽ chỉ đạt 30% mặc dù cô giáo đã dặn nhớ chia tỉ lệ. Có đứa mới vẽ một nửa, có đứa vẽ chưa tô màu. Cô nói:
- Các em nhớ phải chia tỉ lệ, các em đã học tỉ lệ xích rồi chứ? Hoặc là chia ca rô bằng bút chì ở bản đồ trong sách rồi tính lại trong vở. Như vậy sẽ vẽ đúng hơn và tô màu đẹp hơn.
Thằng Hưng vụt đứng dậy:
- Thưa cô, thì giờ chúng em ít quá! Bài tập toán, bài tập lí, rồi…- Thôi được rồi. Cô Huyền ngồi xuống ghế. Các em cố gắng mới được, em nào chưa kịp vẽ, dồn lại phải vẽ hai bản đồ còn mất thì giờ hơn nữa.
Bao nhiêu bực bội dồn nén từ khi đổi về ngôi trường ở thị trấn mới lập này gần như tiêu tan sau những giờ lên lớp soạn giảng. Môn chính của cô là môn Sử, về đây, giáo viên dạy Sử có rồi cô đành nhận dạy môn Địa. Đang là giáo viên ở một trường chuyên trên tỉnh, do bất đồng ý kiến với Hiệu trưởng, cô tự động làm đơn xin đổi về đây. Về nhà mình, đây là nơi cô đã sinh ra rồi lớn lên. Trải qua bao dâu bể, từ làng lên thị trấn, từ ngôi nhà tranh trở thành nhà ngói, cô Huyền vẫn yêu thị trấn nhỏ này. Mẹ cô bảy mươi tuổi vẫn còn khỏe mạnh, bà mẹ chỉ có một mình. Cũng còn may mình về với mẹ già. Huyền không buồn lòng. Dạy ở đâu cũng làm công việc cống hiến cả, buồn làm chi. Thì giờ dọn nhà, sắp xếp lại căn phòng cũ ở hướng đông cho bắt mắt sau những tháng năm rời xa mất một tuần lễ đúng. Không còn thì giờ đạp xe lên tỉnh, Huyền đành tự tay vẽ bản đồ tuy không đẹp lắm. Những tấm bản đồ làm đồ dùng dạy học ở nhà trường cũ quá, có tấm sờn rách. Cô làm thế để động viên mình thôi. Huyền thích dạy Sử hơn. Tất cả đều sắn sàng, cái khó là phương pháp dạy thế nào cho học trò yêu môn Địa. Vậy mà đến lần chấm vở thứ ba, có đứa vẫn mới chỉ phác họa vài nét sơ sài bằng bút chì! Bữa cơm trưa mẹ cô Huyền nói:
- Ở đây có một số phụ huynh làm nghề đi biển. Cuối giờ con kể chuyện có liên can đến biển, đến những nơi chúng chưa từng biết…và mơ ước đến…học trò sẽ yêu môn Địa lí.
Một phụ nữ quanh năm sống đơn độc, thậm chí có thời gian bà ta còn bán cá, lại nói được những điều không có trong sách vở. Cô Huyền im lặng.
Là là một hiện tượng. Nó giữ gìn sách vở rất sạch, chữ viết rất đẹp. Thằng Gia học giỏi làm lớp trưởng, chữ viết không bằng con Là. Nó là đứa bị tụi con trai chế diễu nhiều nhất, nào là “ Chảo rán ”,“ Being”, con Là không tỏ vẻ giận. Nó vẽ bản đồ rất đẹp, tô màu công phu, không hiểu nó vẽ từ bao giờ? Phần đông bạn học cùng lớp gọi trại tên nó thành Lá.
- Ê Lá, cho tụi tao mượn vở mi chút đi.- Vẽ có chì là khó. Giọng thằng Gia.
Lá đặt cuốn vở lên bàn. Giờ ra chơi, cả bọn mượn vở của Là để coi mà copy cách vẽ và tô màu. Tuần sau trở lại lớp, cô Huyền hỏi trong 10 phút dặn dò:
- Các em có thích nghe kể chuyện về châu Đại Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương…? Về các miền trên đất nước ta, vùng mỏ than ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Ninh, vùng biển Đồ Sơn, một trong những vùng biển đẹp ở nước ta?
- Dạ có! Có!
Và cô Huyền bắt đầu từ “ Cuộc phiêu lưu của Sinh Bá”. Lời dặn dò cô viêt lên bảng!
* *
*
Việc chấm vở vào tháng sau có khả quan hơn, học sinh vẽ bản đồ đầy đủ đạt được 80%. Một tháng bốn lần kế chuyện, Huyền lên tỉnh mua nguyên bộ “Ngàn lẻ một đêm ” và vùi đầu đọc lại các kiến thức địa lí hồi còn đi học. Một ngày Huyền nhận được bức thư trong cái gói gởi qua đường bưu điện chỉ độc một hàng chữ kèm theo một tấm bản đồ lớn gần bằng tấm bảng đen được vẽ rất cẩn thận công phu, và rất đẹp. Cô không biết ai gởi cho mình. Bà mẹ nói:
- Chắc là một phụ huynh muốn giúp con đó.
Bao giờ bà mẹ quê ít nói cũng nói những lời xác đáng khiến cô ngạc nhiên. Cô chưa có một dự định nào mới đối với lớp chủ nhiệm. Cái cần quan tâm là phương pháp giảng dạy sao cho chúng yêu thích môn học mà ngay cả cô vẫn còn mới mẻ; thì một chuyện xảy ra. Giờ chủ nhiệm, con Hoa đem lên trình cô giáo một cuốn tem hoa Việt Nam.
- Thưa cô, làng Ngọc Hà trồng hoa đào phải không? Còn hoa tuy líp này, có ở xứ nào?
Hầu như cả lớp ngẩn người ra ngạc nhiên. Cô Huyển là nguời ngạc nhiên hơn hết.Làm sao có thể ngờ ở một thị trấn miền biển lại có một học trò biết chơi tem? Con tem viết chữ “ Nedereinde”, tuylip là loại hoa được trồng nhiều ở Hà Lan, con tem này có phải là con tem Hà Lan không? Nhiều lần cô thấy lũ học trò xúm quanh bàn con Hoa, thì ra là thế. Chơi tem là một thú vui lành mạnh, qua con tem một người có thể hiểu biết nhiều chuyện. Cô đáp hoa tuy líp là giống hoa thường được trồng ở Hà Lan. Con tem này có thế là tem Hà Lan. Phải tra cứu sách vở mới trả lời được.
Chúng đem trong cặp mỗi đứa vài con tem, có đứa có nguyên một cuốn sổ như con Hoa. Nó có đủ tem các loại hoa, lại có thêm các bộ tem về các ngày kỉ niệm, các ngày lễ, hai bộ tem bác Hồ. Có một con tem ngoại quốc mà không đứa nào biết xuất xứ. Giờ chúng trao đổi tem cho nhau thường là sau giờ học hay vào giờ ra chơi.
- Sao mi không hỏi giáo sư Google ấy. Thằng Gia nói. Trong lớp, chỉ có vài nhà có máy vi tính.
- Ceylon là Tích Lan. Con Là đột ngột xen vào. Hôm nay nó nấn ná ở lại để vẽ tiếp bản đồ. Tên cũ của Sri Lanka, Tích Lan là đảo nhỏ nằm phía Nam Ấn Độ, chuyên sản xuất hồ tiên. Tao chỉ biết chừng đó.
Là nói rồi chúi mũi vào bản đồ đang vẽ, bao giờ nó cũng là đứa vẽ đẹp nhất lớp, và là đứa bị chòng ghẹo nhiều nhất.
- Chảo rán! Thằng Gia hơi cao giọng. Mi đã hỏi giáo sư Google rồi à?
- Và cả coi sách. Là điềm nhiên đáp.
Thằng Gia có hai cuốn sổ toàn tem ngoại quốc. Tem của nó có đủ các loại. Thú hoang dã, cây cỏ thực vật và các xứ sở lạ. Nó xốc cái cặp lên lưng chuẩn bị về. Khi ra lấy xe đạp, thằng Hưng nói.
- Không hiểu sao con Lá cái gì cũng biết. -Chuyện, có khi nó là học trò cưng của cô Huyền.
Cả lớp đứa nào cũng biết con Là vẽ bản đồ đẹp nhất, giữ gìn vở sách và chữ viết đẹp nhất.
- Tao dám chắc con bé ấy vô nhà cô Huyền thường xuyên.
- Giỡn mày, nhà nó ở gần biển, cuối đường sông lận.
Con Là là một hiện tượng lạ của trường. Nó vẽ bản đồ nhanh, đúng tỉ lệ, tô màu đẹp. Nó từng đi thi giỏi văn thành phố đem thành tích về cho trường. Áo quần sách vở của Là, bọn học sinh biết phần lớn do được thưởng, và của thầy cô cho thêm. Muốn đến nhà nó, phải đạp xe đi non 7,8 km mới tới. Trừ cái chân đi cà nhắc, Là là một cô gái đẹp.
Ngày hôm đó cô Huyền treo tấm bản đồ mới lên bảng. Cả lớp ồ lên kinh ngạc. Hầu như nỗi vui mừng của học trò lớn hơn cô giáo. Từ đây chúng có thể vẽ một bản đồ nước Việt từng chi tiết như tấm cô giáo treo trên bảng không sợ sai; không những nó to gần bằng tấm bảng đen mà còn đẹp nữa. Bài học hôm ấy hay hơn mọi ngày, trưa hôm ấy về nhà Huyền vui vẻ ăn thêm một chén cơm; bao nhiêu nỗi bực bội từ khi chuyển về đây hầu như tan biến.
Trong lớp, con Hoa và thằng Gia là hai đứa có nhiều con tem cũ đem lên hỏi cô giáo. Trước kia, đối với chúng, giờ Địa và giờ Sử là hai môn học khô khan đáng chán, bây giờ chúng mong sao đến giờ đó để hỏi cô giáo vê xuất xứ các con tem, trao đổi tem cho nhau vào cuối giờ lúc cô đã dặn dò xong. Ví dụ Tristan de Cunha là tem thuộc xứ nào, hay Yar, Aden, HADHRAMAUT? Ngoài ra còn có những con tem chữ cổ rất khó đọc, chúng tìm trên GS Google không có câu trả lời. Cô giáo nói: “ Các em có điều kiện thì lên thư viện tỉnh tìm trong cuốn Tự Điển nào xuất bản gần đây nhất, còn không cứ tới nhà cô xem cuốn Atlas nhé”. Cô khuyên mỗi em nên có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép. Thủy thủ tàu viễn dương mang về những thứ của nền văn minh hiện đại: Máy giặt, tủ lạnh, ti vi…chứ không phải là những con tem. Những con người quen hít mùi gió biển, những lồng ngực quen với bát ngát trùng dương. Những chàng trai biết ăn gỏi cá sống, quen với mùi muối mặn có thể kể nhiều câu chuyện bịa đặt có, sự thật có về những nơi chốn xa xôi. Anh thằng Hải là một điển hình của các cuộc phiêu lưu. Hoàng đem về những cuộc hải trình của mình vô số chuyện kể. Cái thú thích sưu tầm tem hầu như bị quên đi, cho đến khi Hải nói với Hoàng việc cô giáo khuyến khích nên sưu tầm tem thay vì chơi những trò chơi tốn thì giờ trên máy vi tính. Hải có một cuốn sổ tem rất đẹp, đẹp nhất là những con tem thuộc châu Phi. Cái xứ lạ đời! quanh năm sa mạc nắng cháy, vậy mà sản suất ra những con tem kì diệu quá! Con Là đề nghị mỗi đứa góp một tuần hai ngàn để làm quỹ tem. Cả bọn đồng ý. Cuối học kì có thể dùng số tiền này mua sổ tem thưởng cho bạn nào đọc được các con tem cổ nhất. Như vậy cũng chưa đủ, cô Huyền mỉm cười nói, hoặc là một cuốn truyện hay. Tuy nhiên, không được sao lãng chuyện học hành, mỗi tuần các em có thể họp tổ hay nhóm tại nhà để học và trao đổi thêm.
Bao giờ thì con Là cũng có câu trả lời đúng: Tristan de Cunha là một quần đảo nhỏ thuộc Anh, ở giữa Đại Tây Dương.Tuy nhiên con Là có rất ít tem. Người có cuốn sổ tem hoàn chỉnh là thằng Gia, thằng Hưng. Cái chữ gần như chữ cổ là tem của nước Bulgaria. Thằng Gia tức tốc về nói với ba nó xin mua một máy vi tính: “ Thi đậu đại học rồi mua cũng chưa muộn con ạ!”, mặc Gia năn nỉ, ba nó vẫn giữ vững ý định. Không phải dễ gì tìm được những địa danh trên bản đồ, nhờ có cái kính lúp cô Huyền cho mượn, nó mất gần nửa buổi mới tìm ra địa danh của con tem có tên Haute Volta. Thì ra Volta là tên một con sông, mà con sông này nằm ở phía thượng nguồn của xứ Gambia ở Tây Phi ư? Rắc rối và mất thì giờ nhưng rất thú vị. Những giờ khắc chúng tụ tập ở nhà cô Huyền để cùng nhau tra cứu quyển Atlas, quả địa cẩu và cả một cuốn từ điển anh văn dày cộm nữa, thật hiếm và quý. Đến con tem có viết chữ JYΓOCΛABHJA thì cả bọn chịu.
Có nhiều con tem cần tham khảo ý kiến của giáo sư Google thì lại không có, cái đáng ngạc nhiên là con Là đọc được hai con tem có chữ cổ như chữ Hy Lạp: HPGЪΛTAPNЯ và ББΛГΛPNЯ. Đó là hai con tem của nước Bulgaria, thế còn con tem có ghi chữ Rwanda của thằng Huy thì sao? Từ này là tiếng Pháp hay tiếng Anh?. Con Là nói:
- Rwanda là một quốc gia nhỏ nằm trong lục địa tại vùng hồ Lớn ở phía trung của Đông Phi.
- Sao mày biết tài vậy? Thằng Hùng kêu lên
Con Là ngập ngừng một lúc – Tau hỏi ba tau.
Thằng Gia nhìn con Lá không nói gì. Thật ra từ lâu bọn thằng Gia đã đổi tên Là thành Lá cho dễ gọi. Con Là thản nhiên:
- Đã có hoa tức có Lá, có Thì tức có Là, có sao đâu!
Mà nó nói đúng. Con Hoa không ngại đáp xe gần 8 cây số để đến thăm nhà bạn, nói Là ở cuối đường sông thì hơi quá nhưng từ khi đến ở thị trấn này, nhà con Là ở xa nhất, nếu không muốn nói là ở gần ngay cửa biển. Thấy học trò chúi mũi cả vào cuốn Atlas, cô Huyền ngồi chấm bài ở bàn kế bên nói:
- Các em, nghỉ hè nửa tháng là lo luyện thi lớp 12 rồi, các em có thể học toán văn lớp 12, chương trình lớp 12 nhiều lắm. -
Như vậy mình giải tán hội chơi tem hả cô?
Cô Huyền không trả lời chỉ lắc đầu.
Nhà con Hoa có máy vi tính, nó đọc lời giải về con tem có tên Rwanda trên WikiPedia: “ Ranh giới Bắc Uganda, Nam Burundi, Tây cộng hòa dân chủ Congo và đông Tanzania, địa hình đồi núi đất đai màu mỡ. Thủ đô Kigali có ba hồ: Hồ Kivu, hồ Cyohoha, hồ Rweru Thema”. Vậy Rwanda nằm chỗ nào trên bản đồ đây?
Một bữa thằng Gia chận con Là lại nơi cửa lớp: Chảo rán! Tao nghĩ mi có biết con tem đó nằm ở nơi nào.
- Nếu vậy bạn về tìm… bạn coi lại bản đồ Châu Phi
- Châu Phi hử?
- Thì cũng như Ceyland đó thôi hay là xứ Bhutan Ấn Độ. Hoặc là cộng hòa Guinea Ecuator hoặc là Haute-Volta. Nó nói rồi bỏ đi. Thằng Gia ngẩn người, trong khi đó tiếng thằng Hùng cười sau lưng: Bữa ni, mi hỏi con chảo rán là hết đời rồi!
- Hết đời cái con khỉ! Thằng Gia bực bội. Cô Huyền, trong các giờ chủ nhiệm cuối giờ Địa không nói gì đến chuyện tem nữa. Cô không nói cũng phải. Trò chơi, đến một lúc nào đó phải dừng lại để nhường cho giờ học chứ.
Kì thi học kì đến. Cả lớp gần như chạy đua nước rút sau những tháng vừa học vừa chơi. Mà chúng làm gì có thì giờ để chơi – chương trình học quá nhiều, các giáo viên môn tự nhiên người nào cũng ra bài tập về nhà để làm, hết kiểm tra cái này đến kiểm tra cái khác. Chỉ có giờ Địa của cô Huyền là hấp dẫn, trong 10 phút dặn dò cô hay nói về môn địa lý Việt Nam. Cô bảo các em hãy yêu nước Việt. Tổ tiên ông bà chúng ta đã tốn hao bao nhiêu xương máu, mồ hôi nước mắt, để giữ lại, để khai hoang, mở mang bờ cõi về phương Nam cho con cháu mai sau như cô và các em bây giờ! Hãy yêu non sông nước Việt, mình là con cháu của vua Hùng, là hậu duệ của Hai Bà Trưng, bà Triệu. Các em cố gắng học hành, sau này dù làm bất cứ nghề nào đi nữa cũng cần có một lương tâm đạo đức để góp phần giúp nước và giữ nước.
Sau một kì thi có thể gọi là khá gay go, cô Huyền nói trong giờ chủ nhiệm:
- Có em nào biết con tem có tên Skardu nằm ở đâu?Sau khi có bảng tổng kết điểm học kì 2, chúng ta sẽ họp nhóm chơi tem… và trao giải luôn.Sau nhiều tuần im lặng, lần đầu tiên cô giáo nhắc lại chuyện chơi tem.
- Thưa cô! Con Hoa vụt đứng dậy - Rồi nghỉ hè hả cô?
Đó là một câu hỏi buồn. Với kiến thức phong phú của cô Huyền cùng những thầy cô giáo khác, chúng có được những bài học hay. - Địa lý là một môn học hấp dẫn nếu các em biết cách học từ bản đồ. Cô giáo nói - Địa lý là chiếc cầu nối hai môn Văn Sử. Trong cuộc chiến tranh giữa các cường quốc trên thế giới…và ngay các cuộc chiến chống ngoại xâm thời phong kiến cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, môn học này đóng một vai trò không nhỏ. Nếu không có lòng yêu nước, không có tinh thần dũng cảm hi sinh của tiền nhân , làm sao các em có được ngày nay?
Sau những tháng miệt mài học thi, học trò có vẻ ốm đi. Con Là ít nói hơn. Một bữa vào lớp trò Là vắng mặt. Đây là lần vắng mặt thứ hai của Là. Cô Huyền bảo ai ở gần em Là thì đến thăm, vả lại cô cũng muốn đến thăm cho biết.
Chiều hôm ấy cô Huyền đến nhà Là với một đám học trò. Căn nhà trống trải từ trước ra sau. Một căn nhà lợp tôn rất sạch sẽ. Con Là từ nhà trong đi ra, nó bất ngờ khi thấy cô Huyền và đám bạn. Thằng Gia hằng ngày vẫn trêu chọc nó hôm nay cũng có mặt.
- Thưa cô! Mời cô và các bạn vào nhà ạ!
- Thế nào, em có bệnh gì sao?
- Rwanda ở chỗ nào trên bản đồ mày đã tìm ra chưa? Đó là giọng thằng Gia.
- Hãy nói cho cô biết em có bận việc hay đau ốm gì không?
Một ông già ngồi trên giường, lưng tựa vào chiếc gối đan bằng mây hay một người đàn ông cụt chân ngồi trên xe lăn? Hoàn toàn không giống với trí tưởng tượng của tụi học trò tinh nghịch. Ba của con chảo rán bước ra từ một căn phòng đầy sách vở đồ đạc trông như một nhà kho.
- Cô đến thăm con Là đó à? Người đàn ông có khuôn mặt ưa nhìn đứng cao hơn cô Huyền một cái đầu mời cô ngồi xuống trước cái bàn gỗ tạp. Học trò ngồi quây quần quanh cái sập kê gần đó.
- Sáng nay tôi mới đưa con Là lên bệnh viện tỉnh coi lại cái chân, có một phái đoàn bác sĩ Mỹ về khám bệnh và cấp thuốc miễn phí… Con Là không có mẹ, tôi là người bảo trợ cho nó.
Sau một lúc sững sờ, cô Huyền chợt bùng ra:
- Ông là người đã gửi thư cho tôi đề nghị mở một hội chơi tem cho các em? Và ông cũng là người vẽ tặng lớp 11D một tấm bản đồ nước Việt?
Từ ngoài Là bước vào mang theo một khay nước chè xanh, thằng Hưng và con Hồng đem theo một dĩa mực khô.
Người đàn ông điềm đạm:
- Người ta có thể biết được nhiều kiến thức qua một con tem : địa lý, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật… và các châu Đại Dương.
- Ông đã vẽ tấm bản đồ đó!
Cũng có sự hợp tác của Hoa, Hồng Hạc và Là. Là có kể cho tôi nghe về cô. Từ đó tôi mới nảy ra cái ý đó. Địa lý là một môn phụ, song cũng phải thông qua địa lý khí hậu từng vùng để hiểu biết về con người. Ví dụ như làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh đã sản sinh ra thiên tài Nguyền Du. Bắc hà là đất của anh hùng hào kiệt, Huế có sông Hương núi Ngự và cụ Phan Bội Châu. Chẳng lẽ những người con ưu tú của quốc gia lại không biết gì về đất nước chúng ta sao? Cha con Lá là thủy thủ trên tàu Viễn Dương, anh ta chết trong một vụ đắm tàu và gởi con Lá lại cho tôi. Vì thích đọc Sử mà tôi mua cuốn Atlas và nhiều sách Địa. Lá ít tem hơn các bạn, không phải vậy đâu. Nguyên bộ sưu tập tem tôi mang về từ Ai Cập chìm theo chiếc tàu. Những con tem còn lại là của ba nó gởi cho nó trước khi chết.
- Do đâu mà ông có cuốn Atlas cho tôi mượn? -
Cuốn đó tôi mua ở Sài gòn, tôi mê những cuộc hải trình và tôi cần có một cuốn bản đồ thế giới. Tôi cũng thích đọc lịch sử trong bộ “Những vì sao đất nước”.
Người đàn ông đột ngột quay lại: Cậu Gia, cậu giỏi lắm! Bao giờ học thành tài cho tôi biết với nhé!
Từ trong nhà, Là bước ra với cuốn Atlas. Nó đặt xuống bàn trước mặt cô Huyền và các bạn.
- Rwanda là một quốc gia nhỏ nẳm kín trong lục địa tại vùng Hồ Lớn ở trung Đông Phi. Nó đưa tay chỉ bản đồ. Còn JYROCΛABHYA là nước Nam Tư cũ. Yar, Aden, HADHRAMAUT là tem của xứ YEMEN.Gia ngớ người ra. Nó đã hiểu và các bạn cũng hiểu. Ai có thể ngờ được cái quốc gia nhỏ xíu tìm muốn mù mắt trên bản đồ châu Phi kia là xứ Rwanda, con Lá mất mấy buổi mới tìm ra, nếu cha nó không nhắc đến mấy cái hồ lớn. Đĩa mực khô được thanh toán nhanh chóng. 4 giờ chiều rồi, thực tế của bao tử đòi hỏi và chúng ăn hết một rổ trái cây do cô Huyền mua về nữa.
“Vậy mà có lần mình nghi oan cho con Là, tưởng nó lấy cắp tem của thằng Gia”, thằng Hưng nghĩ.
Trước khi ra về cô Huyền và người đàn ông đi đến một thỏa thuận: Sẽ có một bữa tiệc nhỏ ở nhà cô Huyền, các học sinh đều được mời đến, sau đó là quà tặng. Người đàn ông sẽ góp một nửa tiền cho bữa tiệc còn quà tặng đã có quỹ của hội chơi tem.
Vào giờ chủ nhiệm, cô Huyền công bố kết quả thi học kì, cô cảm thấy vui vì đa số đạt điểm cao về môn địa lý. Cô đã thống nhất với hai thầy dạy văn và sử thông qua lãnh đạo trường sẽ trao những phần quà đặc biệt vào lễ tổng kết cuối năm. Phần quà quả là đặc biệt: Ngoài sách vở ra, mỗi em trong hội chơi tem đều có một bộ tem hoa Việt Nam. Phần thưởng lớn nhất của lớp 11D là việc cô Huyền không lên trường chuyên của tỉnh theo yêu cầu của sở giáo dục. Cô đã nhận lời cầu hôn của người cha nuôi của Là.
Đám cưới cô Huyền được tổ chức khá xôm tụ, lần này thằng Gia đại diện hội chơi tem trao tặng cô thầy một món quà : Một cuốn hải trình và một cuốn truyện “ Tám mươi ngày vòng quanh thế giới” của Jules Verne. Cả hai cuốn sách này bọn chúng góp tiền nhờ bố thằng Gia mua ở trên tỉnh.
Huế, ngày 24 tháng 9 năm 2012
Phạm Ngọc Túy
Các thao tác trên Tài liệu