Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Gặp gỡ

Gặp gỡ

- Trương Tuyết Mai — published 07/10/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Trích hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP


Trích hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP



Gặp gỡ


Trương Tuyết Mai


Từ thành phố nhỏ Juelich nước Cộng hòa Liên bang Ðức, mờ sáng ngày 23 tháng 7 năm 1999 tôi khởi hành cùng con gái đến Paris. Xe chạy bon bon với tốc độ một trăm bốn mươi cây số giờ trên đường nhựa phẳng lì, tôi ngồi trên xe mà cảm giác như ngồi ghế salon ở nhà vậy. Thế mới hiểu ai có dịp đến đất nước này đều hết lời khen ngợi hệ thống giao thông đường bộ, và cho rằng có lẽ ít nơi nào trên thế giới sánh được với Ðức về phương diện này. Những chỉ dẫn trên đường đi, nhất là ở những lối rẽ thật rõ ràng, chu đáo. Còn đường sá thì bóng loáng và êm ái khiến người lái luôn cảm thấy thoải mái, hiếm khi thấy sự căng thẳng xuất hiện trên gương mặt họ.


Trời đã sáng rõ mà các xe hơi trên đường vẫn còn bật đèn, tôi ngạc nhiên nói :


– Bên này ngộ quá há, xe hơi vận hành trên đường phải bật đèn cả ban ngày.


– Dạ chỉ trong giờ quy định thôi mẹ ạ. Nhất là vào mùa thu hoặc mùa đông, để đảm bảo an toàn, xe trên đường phải sáng đèn từ rất sớm.


– Có khi nào con quên không ?


– Quy định bên này nghiêm lắm, làm trái đi sẽ bị phạt rất nặng. Hơn nữa xe ở đây thường chạy với tốc độ cao, nên tuân theo luật lệ giao thông là để tự bảo vệ mình chứ đâu phiền hà gì mà mình không làm. Tụi con quen rồi, không dám quên đâu.


– Quen được là tốt lắm. Hệ thống đường xá ở đây thật tuyệt. Ước gì mai mốt Việt Nam mình cũng được văn minh tiến bộ như họ nhỉ.


Nghe mẹ ước ao, con gái tôi an ủi hỏi han :


– Việt Nam mình chắc đã thay đổi nhiều hả mẹ ?


– Quê hương giờ đang “ thay da đổi thịt ”, có vẻ tươi tắn hồng hào hơn. Chỗ nào cũng thấy xây dựng, cả nước giống như một công trường lớn.


– Vậy nước mình có cơ hội phát triển tốt không mẹ ?


– Mình là nước nông nghiệp lạc hậu mà. Nhưng dù sao mình vẫn có quyền hy vọng. Phát triển là xu thế của cả thế giới chứ đâu riêng một quốc gia nào. Không phát triển thì chịu nghèo khó mãi sao!


– Còn nông thôn có được quan tâm không mẹ ? Dân trí có phát triển nhiều chưa ?


– Nhìn chung đã khá hơn, nhưng những vùng sâu vùng xa, nhất là vùng dân tộc miền núi thì còn nghèo lắm. Thay đổi từ từ chứ không thể một lúc mà xong được.


– Con nghe nói bên nhà còn nhiều tiêu cực lắm.


– Con muốn nói đến nạn quan tham nhũng nhiễu dân chứ gì ?


Tôi cảm thấy phải nói thêm điều gì đó cho con an lòng :


– Chuyện ấy thì thời nào chả có, cả thế giới đều vậy chứ đâu riêng nước mình. Nạn tham nhũng cũng cản trở sự phát triển của đất nước nhiều lắm. Bằng nhiều cách, hễ có chút quyền trong tay là nhiều người trong số họ lại tự làm vấy bẩn mình. Khổ nhất là họ ngày càng tinh vi, nhiều khi mang cả vẻ thánh thiện nữa. Họ ngỡ che được mắt dân con ạ.


– Còn những người tốt đâu ? Chẳng lẽ làm ngơ trước tình hình đó hả mẹ ?


– Những người thật sự thương dân, vì dân cũng không phải ít, nhưng nỗ lực của họ chỉ được phần nào thôi. Họ đau lòng và im lặng chứ làm gì được.


– Nghe nói chính phủ Việt Nam đang khích lệ tinh thần dân chủ lắm mà. Phải vậy mới biết được ý dân để hoàn thiện hơn bộ máy nhà nước chứ. Dân chủ là động lực phát triển đó mẹ. Các nước phương Tây rất coi trọng vấn đề này.


– Cũng có chủ trương đó, báo chí và các cơ quan truyền thông nhắc tới luôn, nhưng thực hiện nó đâu dễ dàng gì. Dân mình vốn quá e dè và luôn muốn “ phòng xa ” mà con.





Nói tới đây tôi bất ngờ thốt lên đầy kinh ngạc. Trước mắt tôi là thảm cỏ xanh mướt, mênh mông tít tắp như chạm chân trời. Tôi rất muốn được dừng lại, xuống xe tháo bỏ giày vớ, đi chân trần thật nhẹ nhàng trên cỏ, và lắng nghe… rồi lăn mình trên đó cho thỏa thích. Nhìn đâu cũng một màu xanh ngăn ngắt. Hai hàng cây xanh biếc bên đường cũng đang lướt qua vun vút. Không kìm được thích thú, tôi quay sang hỏi con gái :


– Màu xanh này có giữ được lâu không con ?


– Chỉ mấy tháng hè thôi mẹ ạ, sang thu lá sẽ chuyển sang màu vàng, đỏ rất đẹp. Nhất là lá cây phong bởi hình dáng và màu sắc của nó. Ðôi khi một chiếc lá lại có đủ các màu vàng, nâu và đỏ, hòa hợp nhau thành một sắc độ vừa sâu, đằm và sang trọng, rất đặc biệt khiến ai nhìn thấy cũng xao xuyến.


Tôi dịu dàng nhìn con gái của mình, nói vui :


– Mẹ cũng yêu lá phong lắm, nhưng không phải một tình yêu bình thường, mà bởi những gì con cảm về nó nữa đó.


– Con nói thiệt mà. Mẹ ở đây tới mùa thu thế nào cũng được tận mắt chứng kiến. Có khi mẹ yêu nó còn hơn cả yêu con nữa đó !


– Nó thật đáng yêu vậy sao ? Mẹ không tin đâu, tình yêu của mẹ dành cho con gái phải là số một chứ.


Thảo Hương nghiêng người qua tôi, cười nũng nịu như hồi còn nhỏ xíu.


         


Ðã giữa buổi sáng, nắng tràn trên mặt đường thật dịu. Xe vẫn bon bon nhẹ nhàng. Tôi ngả người ra phía sau, tựa lưng vào thành ghế định nhắm mắt một chút. Sợ tôi mệt và sốt ruột nên con gái lên tiếng :


Mình đang ở trên đất Bỉ rồi. Tới trạm xăng sẽ dừng lại ăn sáng và nghỉ ngơi một chút. Sau đó mình lại tiếp tục đi. Mẹ có mệt lắm không ?


Mẹ không sao. Nhưng con lái xe đường dài phải tập trung liên tục, chắc căng thẳng lắm ?


– Dạ con không sao đâu. Bên này đường sá tốt, tuy đường dài nhưng chạy tốc độ cao nên cũng không mệt như ở mấy nơi khác mẹ ạ…


*


Trưa tháng bảy, nắng Paris không chói chang gay gắt như ở quê nhà, nhưng cũng đủ làm mẹ con tôi phờ phạc. Có lẽ đêm qua không ai tròn giấc vì phải khởi hành rất sớm. Riêng tôi trằn trọc mãi với niềm vui sắp vỡ : “ Mình sẽ thế nào khi gặp anh ? Có “ sà vào lòng và ở lại mãi mãi ” như thư mình đã viết cho anh ? Có “ hôn anh thật nhiều ” như mình vẫn trò chuyện với anh mỗi đêm trong những trang nhật ký ? Hay chỉ dịu dàng im lặng ngắm nhìn anh như ngày xưa ?...” Lòng khấp khởi với giây phút cảm động sắp tới, giấc ngủ của tôi cũng trốn biệt đâu mất.


Phải lái xe đi lòng vòng mãi mới tìm được chỗ đậu. Hai mẹ con xuống xe đi bộ tìm nơi ăn uống nghỉ ngơi. Quận mười ba ở Paris có nhiều quán ăn Việt rất ngon. Tôi nghĩ bụng ăn cơm Việt Nam giữa Paris chắc thú vị lắm. Chợt con gái quay sang nói với tôi :


– Bây giờ cũng đã muộn, chắc bệnh viện đã cho bệnh nhân nghỉ trưa cả rồi. Mình ăn cơm xong, đi lòng vòng thăm quận 13 một chút. Đó là nơi tập trung buôn bán của người Á châu mẹ ạ. Ðầu giờ chiều mình sẽ vào bệnh viện thăm ông Boudarel. Như vậy có được không mẹ ?


– Ðược chứ con, mẹ cũng nghĩ vậy là hợp lý nhất.


– Vậy mình ghé chợ cho mẹ ngắm hàng hóa bên này coi có gì khác ở Việt Nam không nha. Nói chung cũng đầy đủ hết đó mẹ.


– Có mắm tôm không hả con ?


– Dạ có chớ, ngoài mắm tôm còn mắm ruốc, mắm nêm, rồi mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá sặc... đủ loại hết. Bên Ðức cũng có nhiều chợ châu Á nhưng không đầy đủ, phong phú như ở đây. Lúc nào có dịp sang Paris là con đều ghé đây mua sắm, thích nhất là vô tiệm bán trái cây, chỉ nhìn đã đủ mê rồi.


Nghe đứa con gái xa quê lâu ngày nói về chợ châu Á với vẻ hứng khởi, thèm thuồng, lòng tôi quặn lên niềm xót thương.


Hai mẹ con thong dong bước dưới nắng hè Paris, bận rộn và mệt mỏi như cũng đã tan biến đi.


 

*



 – A lô, Bouda ơi anh khỏe không ? Hướng dẫn cho em lối lên phòng của anh đi. Em đã tới gần anh lắm rồi nè.


– Em đó hả ? Em đang ở đâu ? Ðã tới Paris rồi sao ?


– Em đang đứng dưới sân bệnh viện La Pitié Salpetrière đây. Anh Cang (1) đã mail cho em như thế. Có đúng anh đang điều trị ở bệnh viện này chứ ?


– Ðúng rồi, anh vui quá. Em có nhận được thư tay anh nhờ Cang chuyển giúp tới em không ?


– Dạ có. Sức khỏe của anh ổn không ? 


– Em lên ngay đi. Lầu ba, số phòng mười bốn nhé.


– Dạ vâng. Bệnh viện lớn quá, em tìm hoài vẫn chưa tới được nơi anh ở.


– Em bình tĩnh, vào một phòng nào đó của bệnh viện rồi hỏi thăm bác sĩ, họ sẽ hướng dẫn cho em.


– Dạ, anh ráng chờ chút nữa nhé. Em sắp gặp anh rồi.


– Ừ, em làm vậy đi.


– Dạ vâng. Em chào anh.



Vừa thấy chúng tôi xuất hiện ở cửa phòng, gương mặt anh sáng rỡ. Anh chống tay lên thành ghế loạng choạng đứng dậy. Tôi vội chạy tới đỡ cho anh khỏi té. Hai ông bà già nhìn nhau rồi luống cuống ôm chặt như sợ sẽ mất nhau lần nữa. Thảo Hương đứng cách một khoảng xa, ý tứ nâng máy chụp hình về hướng tôi để ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi. Tôi đỡ anh ngồi xuống, hai bàn tay anh níu chặt cánh tay tôi, ngước nhìn, miệng anh như lắp bắp điều gì đó tôi nghe không rõ, rồi anh mỉm cười âu yếm. Vẫn nụ cười rất ngọt của ba mươi tám năm trước, nụ cười đã in vào tâm khảm tuổi mới lớn của tôi, nó hiền hậu và lặng lẽ ám ảnh tôi không rời.



Chợt bừng tỉnh, tôi kịp thoát ra khỏi cơn mê ban ngày, quay lại giới thiệu con gái với anh. Anh từ tốn hỏi han sức khoẻ và cuộc hành trình từ Ðức qua Paris của mẹ con tôi. Rồi Thảo Hương nghiêng qua nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe với ánh mắt, nụ cười đầy vẻ ý nhị và hóm hỉnh :   


– Con muốn đi dạo một mình ngoài kia, mẹ duyệt không ?


– Ðịnh để mẹ ở lại đây sao ?


– Con nghĩ mẹ cũng cần được một mình với ông chứ. Mẹ yên tâm, mười bảy giờ con sẽ quay lại.


– Mình còn phải đi thăm bà nội và cô Út Dung ở Antony nữa đó, con nhớ quay về sớm nhé.


– Con sẽ trở lại đúng hẹn mà, mẹ đừng lo.


– Ðược rồi, con đi cẩn thận nha.


– Dạ vâng. Thưa bác, thưa mẹ con đi.




Ðưa con ra tới thang máy rồi tôi quay lại phòng bệnh ngay. Anh vẫn ngồi nhưng đôi tay dang rộng, ánh mắt và nụ cười như muốn nói : “ Mau mau đến với anh ”. Tôi hăm hở lao vào vòng tay ấy tìm lại hơi ấm hằng khao khát. Ðể yên cho anh ôm và hôn lên tóc, lên mắt, lên môi. Tôi cũng quàng tay ôm anh thật sát, cảm thấy trái đất như ngừng quay, mọi nỗi thống khổ của tôi đều tan biến, và mọi khái niệm, mọi lý lẽ, mọi thuyết giáo trên cõi đời này đều trở nên mờ nhạt.


Cứ lặng im phăng phắc. Lặng im để lắng nghe mọi nỗi đời đã trải của hai người ào ạt xô về. Lặng im như không còn sự lặng im nào hơn thế. Trong vòng tay anh, tôi choáng ngợp hạnh phúc, trái tim đập rộn ràng cùng vô vàn cảm xúc dâng tràn.


Vẫn ôm tôi trong tay, anh nhẹ nhàng cất tiếng. Giọng anh trầm đục, khàn khàn rất khó nghe. Ðó là di chứng của những cơn tai biến mạch máu não đã hành hạ anh suốt nhiều năm qua. Những câu hỏi ngắn, bình dị khẽ vang bên tai tôi, nghe như nỗi day dứt chất chứa trong lòng anh từ lâu lắm rồi:


Em bay (2) đi đâu ?



Sao em không tìm anh ?



Từ ngày đó em sống ra sao ?...


Tôi buông anh ra, ngồi ngay ngắn, từ tốn trả lời :


Em xin lỗi, chuyện dài lắm Bouda ơi. Anh có quá nhiều chuyện buồn rồi, em không muốn anh khổ thêm vì chuyện của em.  


Hãy nói cho anh biết em bay đi đâu◊? Tại sao không liên lạc với anh ?


Em đã tìm anh nhiều lắm chứ, nhưng có được đâu. Hơn nữa, em đã gặp quá nhiều chuyện không vui. Biết kể anh nghe từ đâu bây giờ ? Hãy nói về mình đi, em rất muốn biết mọi điều từ anh cơ.


Anh bây giờ là con số không !


Vừa nói anh vừa khép đầu ngón tay trỏ vào đầu ngón tay cái thành một vòng tròn nhỏ trước mắt tôi. Nhìn anh cười chua chát mà tôi cảm thấy lòng mình quặn đau, và một cục đắng trào lên ứ nghẹn ngang cổ :


Em đã biết anh gặp nhiều rắc rối, cuối đời vẫn phải gánh chịu khổ nạn. Nhưng anh nói về mình như vậy làm gì, buồn lắm. Những việc anh đã làm cho cuộc đời này chẳng phải đã quá đủ sao ?


Boudarel vẫn chưa thoát khỏi những suy nghĩ nặng nề, hình như anh muốn khẳng định điều gì đó với tôi :


Anh muốn nói : không sức khỏe, không tiền tài, không danh vọng và không rất nhiều thứ khác nữa.


Tôi thoáng nghĩ trong đầu : “ Người gì ngoan cố quá đi, bực mình ! ” Rồi liền đế thêm vào cho đủ :


Còn “ bất lực ” nữa chứ! Anh có nhớ đã nói với em như thế trong điện thoại cuối năm ngoái không ? Em đã mất ăn mất ngủ về nó, vì đâu dễ gì anh cho em biết những đau buồn của mình. Chắc tinh thần anh lúc ấy tồi tệ lắm. Ðó là cuộc nói chuyện đầu tiên của mình sau ba mươi tám năm, anh nhớ không ?


Anh nhớ rồi. Anh đúng là con số không và bất lực thật sự. Em vẫn yêu anh chứ ?


Anh nói câu đó với vẻ điềm nhiên và còn nhìn tôi mỉm cười. Ðôi mắt xanh của anh còn muốn nói gì thêm mà thăm thẳm lạ lùng. Tôi cảm thấy bị thôi thúc như cần khẳng định điều gì đó với anh :


Nếu không sao em lại đang ôm anh chứ ? Em đã yêu những gì anh có, kể cả cuộc đời đầy thác ghềnh, những đau khổ và bất hạnh của anh.


Cảm ơn em. Anh hạnh phúc lắm ! Anh rất nhớ đường Cột Cờ và phố Hàng Bông Hà Nội, vì những nơi ấy đã từng in dấu kỷ niệm của chúng ta.


Còn cả đường Hoàng Diệu, đường Trần Phú và vườn Bách Thảo nữa. Ngày đó, mình đã nương vào bóng tối mờ ảo của ánh điện bị khuất dưới những tàn lá sấu, những tán cây xà cừ để đến với nhau – bởi luôn sợ bị “ người ta ” bắt gặp. Anh nhớ không ?


Anh không nói gì, chỉ cười hiền và nhìn đắm đuối, rồi hôn lên trán, lên mắt tôi thật nhẹ nhàng.


Ðể biết thêm về anh, tôi chẳng giữ ý nữa mà huyên thuyên hỏi chuyện ngày xưa :    


Khi em “ bay ” mất rồi, anh sống thế nào ?


Anh nhìn tôi mà mắt đăm đắm xa xăm, chậm rãi trả lời :


Anh buồn cùng nhiều nỗi buồn khác nữa. Nó mang tính chính trị, em đừng biết thêm làm gì.


Em rất muốn biết, vì nó liên quan tới anh mà.


Nhà nước Việt Nam đã tỏ ra không hiểu anh và các bạn bè của anh nữa. Ðó là những người đã kề vai sát cánh, đã hết lòng vì Việt Nam trong suốt chín năm kháng chiến. Chuyện dài, nó vừa tế nhị vừa phức tạp và nặng nề lắm, em đừng quan tâm cho khổ.


Anh muốn nói đến Rudy Schröder, Erwin Borchers, Ernst Frey phải không ? Và cả Walter Ullrich, Georges Wachter nữa ?


Sao em biết những người bạn này của anh ?


Em biết vì đã được đọc một số bài viết về họ, những con người đáng kính. Họ là những trí thức và quân nhân đã từ bỏ hàng ngũ của mình, trung thành với sự nghiệp kháng chiến. Họ mong muốn tham gia vào một hoạt động chính nghĩa có tính chất đạo lý. Họ từng coi Việt Nam là tương lai, là tiền đồ, là đất nước của họ; và họ đã xả thân xứng đáng với lý tưởng đó, Em còn biết cả tên Việt (3) và trách nhiệm quan trọng của từng người trong thời kỳ đó nữa cơ. Họ đã mang những cái tên rất hay và ý nghĩa anh ạ.


Cảm ơn em đã hiểu về họ như thế. Giá như nhân dân Việt Nam đều hiểu họ như em, chắc chắn các bạn anh sẽ vui lắm, dù có người đã ở thế giới bên kia.


Chắc có điều gì đó không được thông suốt hoặc nhầm lẫn thôi anh à. Em tin lịch sử sẽ làm sáng tỏ mọi điều. Việt Nam là đất nước thủy chung, đâu thể quay lưng với những ai đã hết lòng vì mình. Anh đừng tự dằn vặt cho thêm khổ tâm. 


Anh và các bạn đều hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam và tin Việt Nam nên mới dấn thân một cách nhiệt thành đến thế. Em biết không, các bạn anh từng tự hào coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình đấy !...


Nói tới đây, anh đột ngột ngưng lại nhìn tôi với ánh mắt thăm thẳm. Có lẽ thời trai trẻ của anh đang cuốn xoáy, ào ạt xô về. Lòng tôi như thắt lại, lặng đi hồi lâu. Cảm thấy câu chuyện không thể dừng ở đây, tôi phải nói điều gì đó cho anh bớt nặng nề :


Anh à, ai cũng biết mọi vật luôn thay đổi, và những thay đổi đó luôn có nguyên nhân của nó. Huống hồ một đời người, một thể chế, hay một thế hệ. Tất cả đều bị chi phối bởi những trạng huống lịch sử của nó. Một lần đổi thay là một lần tái sinh, hoặc ngược lại. Những bước đi của sự đổi thay có thể rất ngay ngắn, nhưng cũng chắc gì đã hoàn toàn chỉn chu, chắc gì không có những bước lệch lạc. Và những bước lệch lạc ấy ai dám chắc không có những sinh linh bị giẫm đạp, hả anh! Tuổi trẻ của anh với tấm lòng đầy nhân ái và trái tim nóng hổi nhiệt tình, anh hăm hở bước đến thế giới đại đồng như mình hằng mong ước, và không hề bận tâm đến án tử hình đã bị chính phủ Pháp tuyên vắng mặt. Anh đã hóa thân thành một người Việt Nam chân chính để cùng đi tới đích. Trên mỗi bước đường anh đi có quá nhiều thác ghềnh, chông gai, nụ cười và nước mắt. Anh đã phải trả giá bằng sinh mạng của mình bởi con đường đã chọn. Mình chỉ là hạt bụi của lịch sử thôi mà... 


Tôi chợt nghe anh cười thành tiếng. Ngưng ngay sự huyên thuyên của mình, tôi cũng cười theo:


Anh cười em hả ? Cười em nói linh tinh chứ gì ?


Em không nói linh tinh. Em giỏi lắm !


Anh cười em vì dám nói chuyện lịch sử và triết học với giáo sư triết, nhà “ Việt Nam học ” phải không ? Em bất chợt “ to gan ” một chút vì thấy anh buồn quá, chịu không nổi.


Em muốn an ủi anh h ? Anh cảm động lắm. Em có hay trao đổi cùng bạn bè về những vấn đề tương tự ?  


Dạ chưa bao giờ. Em chỉ để dành chuyện trò với anh thôi.


Anh lại quàng vai tôi, vỗ về. Tôi vùi đầu vào ngực anh, nũng nịu :


Em xin lỗi đã khiến anh nhớ lại những ẩn ức một thời. Thôi anh nói chuyện vui cho em nghe đi.


Anh không có chuyện nào vui. Thời kỳ ấy anh buồn lắm.


Tôi đành gỉa vui, năn nỉ :


Thôi mà, chuyện anh lấy vợ và sinh con là vui chứ, anh kể đi.


Sau một thời gian ngắn anh đã lấy vợ và có một bé gái xinh đẹp. Anh hy vọng việc đó sẽ giúp mình vui lên và sống tiếp. Nhưng chỉ ít lâu sau anh đã cùng vợ con rời Việt Nam để sang nước thứ ba làm việc và sinh sống, vì không thể về Pháp bởi cái án tử hình. Khi ở đó, anh trở thành kẻ thất thế. Ít lâu sau, vợ anh bỏ đi cùng đứa con gái còn bé xíu. Ðó là năm 1964, anh đã rất buồn về chuyện này. Năm 1966 anh được lệnh ân xá khi tướng Charles de Gaulle lên nắm quyền. Anh về lại Pháp năm 1967 sau hai mươi năm xa cách, và dạy ở Ðại học Denis Diderot (Paris 7) cho đến ngày nghỉ hưu.


Ðầu những năm chín mươi anh lại gặp nạn, đây là thời kỳ bi đát và đen tối nhất đối với anh. Những thế lực cực hữu Pháp đã xúi giục một số cựu tù binh Pháp ở Ðông Dương vu cáo anh là cai ngục, là chính ủy, là hung thần ở trại giam M113 thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc. Họ đòi truy tố anh vì “ tội ác chống nhân loại ”, bắt anh phải “ trả giá ” cho sự dấn thân của mình. Báo chí và các cơ quan truyền thông của Pháp đã không tiếc lời mạ thị, bôi nhọ và lên án anh một thời gian dài. Họ đòi lật lại vụ án tử hình, họ bôi bẩn tường nhà, thậm chí có người quá khích đã bắn vào nhà anh. Thời kỳ ấy anh thật đơn độc và đau lòng vì những người bạn từng cùng chí hướng nay bỗng quay lưng. Anh thật sự thấm thía khi suy ngẫm về “ hành trình ” của mình.


Bouda ơi, thôi đừng nói nữa. Em đã hình dung được và hiểu tất cả rồi. Anh hãy bình tâm bỏ hết mọi chuyện qua một bên nhé. Hãy nâng niu từng phút sống còn lại của mình, đó là điều quan trọng nhất của anh bây giờ. Em xin anh, được chứ ?  


Bỗng anh ôm tôi vào lòng thật chặt như sợ lại “ bay ” đi mất. Ánh mắt thiết tha như muốn nói điều gì nhưng không thốt thành lời. Và những ngón tay anh cứ lặng lẽ nhẹ nhàng, chậm rãi mơn man trên tóc tôi…



Thảo Hương chợt xuất hiện trước cửa phòng. Biết phút chia tay đã đến, gương mặt anh hơi biến sắc. Nhẹ nhàng rời anh đứng lên, tôi quay lại nắm chặt hai bàn tay anh, khẽ khàng :


Anh à, mẹ con em sẽ về Ðức ngay đêm nay, vì ngày mai phải làm việc. Bây giờ phải chia tay anh rồi. Tuần sau em sẽ trở lại Paris và ở bên anh thật lâu.


Em nhớ nhé. Anh đợi lắm đấy.


Dạ, chắc chắn mình còn gặp nhau mà. Anh yên lòng tịnh dưỡng nha.


Anh ôm tôi hôn và lưu luyến chia tay. Tôi nhớ mãi dáng anh khó nhọc khi chống tay lên ghế đứng lên, men theo thành giường rồi dựa cửa nhìn theo, vẫy vẫy…


 

Trương Tuyết Mai







Bài trước :

Tìm cha

Tập kết

Tiệm cơm Tân An

BOUDA


Bài tiếp theo :

Tin dữ từ Paris




1 Một Việt kiều tại Pháp, là người đã giúp đỡ tôi giữ liên lạc với Boudarel.


2 Khi chuyện trò với tôi, Boudarel hay dùng chữ này để nói đến người đã rời xa anh.


3 Walter Ullrich ở trong quân đội lấy tên Hồ Chí Long

Georges Wachter vốn là kỹ sư được đưa vào quân giới với tên Hồ Chí Thọ
Rudy Schroder có tên là Hồ Ðức Nhân, làm ở Ðài Tiếng nói Việt Nam
Ernst Frey trở thành Nguyễn Dân phụ trách huấn luyện quân sự
Erwin Borchers có tên là Chiến Sĩ, làm báo địch vận.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us