Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Gặp lại Albert Clavier

Gặp lại Albert Clavier

- Dương Tường — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Như Edith Piaf hát


Dương Tường


Tháng 11/2008, tôi có dịp trở lại Pháp lần thứ tư. Chuyến đi này, ngoài việc dự sinh nhật đầy hai năm bé Võ Tiểu Lang, con gái nhà thơ Võ Văn Thận và Mme Lý Hồng Ngọc, với tư cách là cha đỡ đầu, tôi còn có một mục đích khác : thăm người bạn cố tri Albert Clavier. Câu chuyện hai người bạn già chúng tôi tìm lại được nhau sau hơn bốn mươi năm biệt vô âm tín hàm chứa nhiều điều mang dấu ấn của một thời đầy biến động.

Tôi quen Albert Clavier như bạn đồng nghiệp vào cuối năm 1955, một năm sau khi Hiệp nghị Genève lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tôi từ Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 chuyển ngành về làm phóng viên – biên tập ở Thông tấn xã Việt Nam, còn anh từ Cục Địch vận chuyển về báo Vietnam en marche với chiếc lon thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc Albert trở thành một trong những người “ lính da trắng của Hồ Chí Minh1” dường như là một điều tự nhiên. Xuất thân từ một gia đình nghèo, rất sớm, từ tuổi 12, được sự giác ngộ của người anh trai Henri, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Albert đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát-xít trong thời kì Đức chiếm đóng. Năm 1947, anh bị lùa vào quân dịch, điều sang Việt Nam cùng Đạo quân viễn chinh Pháp. Với xác tín chính trị được củng cố qua đấu tranh, anh cảm thấy cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Pháp cũng giống như cuộc kháng chiến chống Đức quốc-xã của nhân dân Pháp năm xưa. Bắt liên lạc được với một cán bộ hoạt động địch hậu, anh được đưa ra vùng tự do, nhận nhiệm vụ kêu gọi binh sĩ Pháp trong các trận công đồn và cuối cùng, phụ trách trại hồi chính cho đến khi trại giải tán vào tháng 7/1954. Các tù, hàng binh được hồi hương theo điều khoản trao trả tù binh của Hiệp nghị Genève 1954. Albert không thuộc số đó : anh bị toà án quân sự Pháp tại Hà Nội kết án tử hình vắng mặt ngày 27 tháng 12 năm 1950 vì tội “ đào ngũ sang hàng ngũ địch ”.

Vậy là Albert ở lại Việt Nam và trở thành nhà báo. Cùng chuyển từ trại hồi chính về làm báo, còn có Boudarel và Tarago, một cựu đại uý trong quân đội Pháp, đã từng tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Tôi thân với Albert hơn vì hai chúng tôi cùng phụ trách đưa tin về những hoạt động văn hoá - xã hội, thường gặp nhau gần như hằng ngày. Thời kì khó khăn của chúng tôi bắt đầu từ năm 1962, khi xảy ra xung đột quan điểm giữa Liên Xô và Trung Quốc, cụ thể hơn, khi BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9 xác định lập trường đứng về phía Trung Quốc lên án “chủ nghĩa xét lại Khroutchtchev”. Cả Albert và tôi đều bị liệt vào danh sách “xét lại”. Tôi “dính” vào vụ đám tang Dương Bạch Mai, một trưởng lão cách mạng kiên quyết chống đường lối thân Trung Quốc. Cái chết của ông sau một cơn đột quỵ giữa một phiên họp Quốc hội ngay trước khi ông sắp đọc một tham luận mà người ta đoán là sẽ “nẩy lửa”, đến nay vẫn còn là một nghi án. Tôi đại diện cho một số bạn bè văn nghệ sĩ và nhà báo, mang tới một vòng hoa lớn toàn hồng thắm với chiếc băng ghi dòng chữ “Tinh thần người cộng sản chân chính Dương Bạch Mai bất diệt” vào phút cuối của nghi lễ viếng. Tấm băng đã bị xé bỏ ngay khi được chuyển ra ngoài. Hôm đó, khi chiếc xích-lô chở tôi tới trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cuối đường Tràng Thi, nơi tổ chức tang lễ, chính Albert là người giúp tôi một tay khiêng vòng hoa xuống xe và thúc tôi : “ Dépêche-toi, la cérémonie commence déjà ! ” Tôi bị liệt vào “sổ đen” từ đấy. Đợt học tập “quán triệt” Nghị quyết 9, Albert được dự lớp của cán bộ trung, cao cấp. Trong một buổi lên lớp tại hội trường, do Tổng bí thư Lê Duẩn đích thân giảng, khi nghe ông kịch liệt công kích Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Pháp, phê phán Maurice Thorez “phản bội giai cấp công nhân”, anh đã đứng dậy bỏ ra về, một cử chỉ mà chúng tôi, dù có bất bình đến đâu, cũng không ai dám làm. Ngay hôm sau, người ta chuyển Albert từ biên tập tiếng Pháp sang biên tập tiếng Tây Ban Nha, thứ ngôn ngữ mà anh hoàn toàn mù tịt ! Sau cái đận ấy, chúng tôi hầu như không gặp nhau nữa, vì vào thời điểm này (và còn kéo lâu nữa), mọi tiếp xúc với người nước ngoài, kể cả những người đã công tác lâu năm trong cơ quan Nhà nước, đều bị xem là khả nghi. Giữa năm 1964, tôi được biết nhờ Đảng Cộng sản Pháp làm trung gian, Albert cùng Boudarel và Tarago được đưa sang làm việc ở Đông Âu. Từ đó, tôi bặt tin anh…

Thế rồi, hơn bốn mươi năm sau, do một tình cờ may mắn, cả Albert và tôi cùng có mặt trong số 7 (tháng 5/2005) của tạp chí Carnets du Việt Nam, anh trong một bài phỏng vấn và tôi với bài giới thiệu tổng quan về mĩ thuật đương đại Việt Nam. Eureka ! Thì ra Albert đã về Pháp từ 1967 sau lệnh ân xá năm 1966 ! Tôi nhờ bạn bè bên đó tìm giúp địa chỉ và viết thư cho anh. Như vậy chúng tôi nối lại được liên lạc với nhau, chỉ còn làm sao gặp được nhau, tay bắt mặt mừng ! Tình trạng sức khoẻ không cho phép Albert làm một chuyến đi dài cả chục ngàn cây số. Vậy tôi phải là người chủ động tìm đến anh. Tháng 6/2006, được một học bổng của Trung tâm quốc gia Sách (Centre national du Livre) dành cho dịch giả văn học, tôi có dịp thực hiện ý định ấy thì anh lại đang nằm viện. Vợ chồng một người bạn ở Lyon, anh Nguyễn Dư và chị Cúc, đã nhiệt tình lái xe hơn trăm cây số đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa phổi vùng Grenoble, nơi Albert nằm điều trị.

*

clavier

Từ trái sang phải : Dương Tường, France Thiên Nga, Albert Clavier

Đưa tôi từ Lyon đến Grenoble lần này là Dominique Foulon, biên tập viên tạp chí Carnets du Việt Nam, người mấy năm trước đã thực hiện cuộc phỏng vấn Albert, và Chánh Mouniama, người Pháp gốc Huế, phụ trách giao dịch và quan hệ công cộng của tạp chí. Lần này thì không phải đến bệnh viện, chúng tôi tới thẳng ngôi nhà hai tầng số 211 Đại lộ Victor Hugo, Saint-Laurent-du-Pont (Isère). Albert ở tầng lầu, tầng dưới anh để cho France mở một tiệm ăn nhỏ lấy tên cháu ngoại anh là Việt Trang. France (tên Việt là Thiên Nga) sinh năm 1962 tại Hà Nội, là con gái đầu của anh với người vợ đầu Việt Nam mà anh buộc phải li hôn sau khi sinh thêm cho anh một con trai. Ít hôm trước khi đến, tôi phone cho Albert, anh mừng rỡ báo tin tập hồi kí của anh (trong đó có vài trang nhắc đến tôi) vừa ra mắt độc giả. Anh đã bỏ phong bì một bản, định gửi đường bưu điện cho tôi, nhưng giờ giữ lại để trao tận tay. Khi tôi bước vào phòng anh, nó đã nằm sẵn trên bàn, vẫn nguyên trong phong bì ghi địa chỉ của tôi ở Hà Nội. Cuốn sách dày ngót 270 trang mang tên De l’Indochine Coloniale au Vietnam – Je ne regrette rien (Từ Đông Dương thuộc địa đến nước Việt Nam tự do – Tôi không hối tiếc gì hết)(*). Lời đề tặng tôi đầy kín cả trang bìa giả, chữ vẫn đều tăm tắp, đẹp theo kiểu cổ, lại có cả một tái bút : “ Quel bonheur ce coup de fil du 12/11 ! Je vais enfin te revoir. J’attends ce jour avec impatience. (Hạnh phúc biết mấy, cú điện thoại của mày hôm 12/11! Cuối cùng, tao lại sắp được gặp mày. Tao nóng lòng chờ ngày ấy)”. Hình như vẫn chưa đủ, đêm 22/11, tức là trước hôm tôi hẹn đến, anh còn thức viết cho tôi một bức thư dài…

namtay

Albert bây giờ đã là một ông lão ngoài tám mươi, râu tóc bạc phơ. Một tháng trước đó, anh lại phải nhập viện vì một tai biến não, có lúc đã bị liệt nửa người. Hiện anh về nhà điều trị ngoại trú, hằng ngày tập đi quanh phòng.

Chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, những ngày tháng hoạn nạn, những kỉ niệm vui, buồn. Anh chỉ cho tôi tấm Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Việt Nam trao tặng hồi tháng 10/2004. “ Nhưng, anh trầm giọng nói với tôi, nó không thể thay thế những Huân chương Kháng chiến và Chiến thắng mà tao đã đánh mất trong những năm phiêu bạt sau này, những tặng thưởng cho thành tích kháng chiến của tao trong lòng nhân dân và đất nước Việt Nam, tổ quốc thứ hai của tao. Đó chính là cuộc đời tao.” Gần như suốt buổi, anh cứ nắm chặt tay tôi…

Chiều xuống, chúng tôi chia tay. Khi xe chúng tôi đi được khoảng 300 – 400m, tôi ngoái lại vẫn thấy Albert đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn theo. Trong trí tôi, hiện lên những dòng thư anh viết cho tôi đêm trước : “ Không một lời nào có thể diễn tả niềm vui của tao được gặp lại mày. Năm tháng qua đi nhưng kỉ niệm vẫn còn lại, những kỉ niệm tốt và những kỉ niệm xấu. Nhưng người ta thường chỉ giữ những kỉ niệm tốt, người ta nói thế ! Đối với tao, những kỉ niệm tốt đó là mười sáu năm sát cánh với nhân dân của mày, đất nước của mày mà tao tôn thờ, mà tao coi như tổ quốc thứ hai của tao, những năm sống trong chiến khu chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc… Phải, tao không hối tiếc gì hết. Nếu cần làm lại, tao vẫn sẽ làm lại như cũ…”

Ừ, Albert, tao cũng vậy. Nếu cần làm lại, tao sẽ làm lại nguyên như cũ. Chúng mình, mày và tao, chẳng có gì phải hối tiếc. Và tao cũng nói như mày : tôi không hối tiếc gì hết.

Je ne regrette rien.

Như Edith Piaf hát.

DƯƠNG TƯỜNG




1 Theo cách gọi của Jacques Doyon, tác giả cuốn Les Soldats blancs d’Ho Chi Minh. Les transfuges anti-fascistes et les communistes français dans le camp du Việt-Minh, nxb Fayard 1973.

(*) Xem bài điểm sách trong số này

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us