Giấc mộng kỳ nhông
Giấc mộng kỳ nhông
Ninh Kiều
Cuộc đời phẳng lặng của tôi bỗng dưng sinh chuyện từ một giấc mộng bởi đêm kia mơ thấy mình biến thành kỳ nhông, con thú có đặc tính là ở bất cứ đâu và trong hoàn cảnh nào cũng đều tiệp màu môi trường. Thường mở mắt ra là quên hết mộng mị nhưng lần này tôi nhớ, không những nhớ mà còn thắc mắc.
Chẳng lẽ là điềm báo hoá thân của kiếp sau ? Linh, con bạn thân người Huế của tôi thì quả quyết “Tiền thân mi là con kỳ nhông”. Hèn chi tôi thường được khen là thích ứng giỏi ! Bằng cớ là vợ chồng tôi sống hoà thuận, ông xã tôi ưa món gì, tôi làm món đó dù không mấy gì thích. Về tính tình, tuy có khác biệt nhưng tôi chịu khó bổ sung : né tranh cãi, giỏi làm lành, nhận lỗi trước, dẹp tự ái. Có lẽ nhờ vậy mà đời sống gia đình mấy chục năm êm ả trôi qua lúc nào tôi chẳng hay cho tới khi có giấc mộng kỳ nhông !
Linh là đứa thích phân tích, lý luận vì nó suýt đoạt bằng tiến sĩ tâm lý nhưng học một đằng mà làm một nẻo vì nó mở tiệm ăn ở quận 5 Paris. Sau khi chịu khó phân tích tôi và con kỳ nhông, nó tìm ra nhiều điểm hai đứa giống nhau như thích ăn chuối, nho, xoài, mít chín mùi và trứng cút nhưng khác nhau một chút là kỳ nhông ưa con gián còn tôi thì không. Sau phần phân tích, nó lý luận “Nhưng tại sao gần sáu mươi tuổi mới chiêm bao con kỳ nhông ?”. Nếu Linh được ăn lương để tìm tòi, chắc có nhiều đóng góp hay ho cho đời, vì sau nửa tiếng đồng hồ tra khảo tôi về quá khứ mà chính tôi chỉ nhớ lờ mờ, nó vỗ đùi cái đét mừng rỡ “Kiếm ra rồi, muốn có vợ vừa ý mình thì phải uốn nắn ngay từ đầu, có phải ông xã mi đã tuyên bố như rứa hồi mới cưới mi ?”. Ngừng mấy giây chắc để tôi có thời giờ nghiền ngẫm, nó nhấn mạnh “Mà không có gì dễ uốn nắn bằng con kỳ nhông. Chưa bảo nó đã làm”. Tiếp theo là yên lặng vì tôi bần thần về những sự việc trước đó mấy giây còn mịt mù bây giờ tự nhiên bừng sáng, còn Linh thì bóp trán rồi đề nghị “Để tau giới thiệu mi với ông bạn của tau, ông này nói chuyện gì với ổng cũng được, nhất là chuyện kỳ nhông !”.
Chúng tôi là đôi bạn thân từ thuở nhỏ, cùng mơ mộng viển vông vào tuổi dậy thì, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống hội nhập giữa Paris ở tuổi trưởng thành, nhưng sau đó mấy năm thì Linh phải tự bươn chải còn tôi thì có người lo cho vì lấy chồng, rồi bỏ học, ở nhà đẻ và nuôi con.
Từ ấy hai đứa hết thân bởi ông xã tôi bảo “Anh thấy em không nên chơi với Linh nữa vì nó sẽ làm em hư”. Lời khuyên nhẹ nhàng mà như mệnh lệnh khiến tôi tuyệt đối thi hành suốt mấy mươi năm. Trong khoảng thời gian dài nhằng ấy, dẫu có lắm bạn, nhất là bạn gái song tôi thường vương vấn, thấy thiếu thiếu một cái gì, dường như là một người, ở đâu đó, một bóng mờ chưa có đường viền rõ nét.
Khi trong nhà không còn ai ngoài tôi và «cái lưng» lúi húi tối ngày trước màn hình máy tính, tôi nhận thấy mình có một thứ, quá thừa, một thứ độc lập với thời tiết, thời sự, thời điểm, đó là thời gian. Lẽ ra một ngày của hiện tại dài bằng một ngày của bốn mươi năm về trước, ấy vậy mà gần đây tôi thấy thời gian phình ra, bằng cớ là cây kim ngắn đồng hồ đứng yên còn cây kim kia quay chậm rì thêm ông xã tôi thì từ nãy giờ không thấy nhúc nhích.
Để qua thời giờ, đầu tuần tôi liên lạc điện thoại với các bà bạn để tổ chức ăn nhà hàng trưa thứ sáu. Vậy là bận rộn hết bốn ngày nếu kể luôn thứ năm đi làm tóc. Việc tổ chức coi vậy mà rất phức tạp vì mọi sự được bàn cãi dân chủ giữa những con người cùng đẳng cấp vì chúng tôi đều là dân nội trợ, chỉ có bổn phận quán xuyến trong nhà, không phải đắn đo về tiền bạc. Vì chẳng bằng cấp để khoe, không có chuyện nghề nghiệp để bàn nên chúng tôi thường nói về con cái, đứa ra trường lớn, đứa làm giám đốc. Hết con tới cháu, đứa nào cũng xinh đẹp và khôn lanh. Rồi trầm trồ cái bóp xách tay Vuitton mới mua mấy nghìn Euro, xong quay sang tin tức cộng đồng, ai đi với ai, ai bỏ ai, ai vừa bị tai biến mạch máu não và trong vô số các đề tài kể trên, chúng tôi không bao giờ quên ta thán chẳng chút nể nang mấy ông chồng đến mức người ngoài nghe được có thể tưởng lầm chúng tôi làm sếp, xem thường người phục vụ dưới quyền mình : kỹ sư cầu đường mó tới GPS 1 mới tinh là nó tắt ngủm, chuyên viên nguyên tử mà ổ điện trong nhà giống như đống dây nhợ bùi nhùi đủ màu, giáo sư Bách khoa gì mà không biết vặn micro-ondes 2. Chúng tôi hay chê bai người khác mà không hề biết mình dốt…
Sau thứ sáu là hai ngày nghỉ cuối tuần, thế nhưng từ khi về hưu, ông xã tôi chẳng hề quan tâm. Chắc qua bốn mươi năm tìm tòi khoa học, vẫn chưa gặp cái mình muốn kiếm vì thấy lúc nào cũng trầm ngâm, ngay cả khi ăn. Thỉnh thoảng đài truyền hình chiếu những chủ đề phức tạp như big bang 3,tôi thấy còn dễ hiểu hơn là hiểu ông xã của mình, thật ra là người đạo đức, ngay thẳng, chẳng phiền hà ai miễn không bị quấy rầy. Trong hai ngày này, tôi thường trông đợi cô con gái cưng của tôi ghé nhà cho tôi đỡ nhớ nhưng nó giống như sao, xẹt qua rồi biến mất. Tuy nhiên vẫn còn lại chút dư âm, dấu vết cho nhiều ngày tiếp theo đó như nồi chè chuối nó ưa, ăn chưa hết còn cất trong tủ lạnh, chiếc ghế nó ngồi còn dấu trũng xuống, chiếc khăn quấn cổ để lại còn thơm mùi da thịt của nó. Tôi thường lấy cớ đồ bỏ quên để gọi nó trong tuần cho ngày đỡ dài và cũng để biết thêm con mình sống ra sao, lý do gì nhà rộng mà ra ở riêng lúc mới đậu tú tài, tại sao đã quá ba mươi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Thế nhưng mỗi khi hai mẹ con có dịp nói chuyện lâu với nhau, tôi đều nhận xét dường như tôi mới là người có nhiều vấn đề đáng lo ngại chứ không phải là nó và nếu nghe theo lý lẽ suông đuột của nó thì tôi chỉ còn một giải pháp duy nhất là dựng cờ khởi nghĩa trong khi tôi chỉ muốn hoà bình, bằng mọi giá. Những bận lòng kể trên, tôi không thể thổ lộ với các bà bạn ngày thứ sáu, lại càng không thể với «cái lưng» lúi húi đằng kia. Dễ hiểu như “Anh ơi, ăn cơm” mà có lúc không nghe trả lời huống gì nói chuyện về con gái, chẳng giống kỳ nhông chút nào. Mời mà chẳng thấy ơi hỡi, tôi bèn viết mấy chữ trên mẩu post-it màu hồng, dán lên bàn bên cạnh đôi đũa rồi rón rén khép cửa ra đường. Khi trở về, «cái lưng» và post-it vẫn còn nguyên chỗ cũ. Giá tôi đi đến khuya, chắc «cái lưng» cũng không để ý. Thật vậy, dần dần tôi vắng mặt rất lâu, về nhà chỉ nghe «cái lưng» hỏi “Cả ngày hôm nay em làm gì ?”, tôi mừng quá ê a kể nhưng lời tôi nói dường như lọt ngoài tai con người đang nghĩ chuyện gì khác.
Chẳng biết đi đâu, tôi lang thang, thường ra quận 5 thơ thẩn trong vườn Luxembourg, nhớ thuở học trường Sorbonne, mới hai mươi tuổi. Xa xa đằng kia, dường như vẫn còn đó chiếc ghế tôi ngồi đọc sách, nhìn ra hồ nước có con nít thả thuyền buồm. Hồi ấy để khỏi trả tiền thuê ghế, tuy chỉ có mấy xu, chúng tôi hay cắt đặt một đứa canh chừng ông bán vé, thấy ông từ xa thì báo động ngay để chúng tôi kịp thời đứng lên bỏ đi. Ngày nay không còn ông bán vé đáng sợ nữa, nhưng trong đầu tôi bỗng thấp thoáng một hình bóng với đường viền rõ nét hơn.
Tôi như kẻ si tình bấy lâu nay bị cấm đoán không cho gần người mình thương, nên bây giờ mới thấy mặt Linh là đã tính ngay chuyện hẹn hò lần tới. Có lẽ khi cuộc đời có mục đích sống thì hai kim đồng hồ quay nhanh hơn và tôi thì hăng hái làm việc nhà sao cho «cái lưng» lúi húi đằng kia không phải thiếu thốn bất cứ gì trong lúc tôi đi vắng, càng ngày càng lâu. Và tôi cũng hết mòn mỏi trông đợi con gái mà còn vui vẻ gõ trên điện thoại di động “Con tính ghé lúc nào, phải cho Maman biết để ở nhà đợi vì Maman sắp ra quán Linh” hay “Con đang ở tiệm cà phê nào, Maman đến gặp, được không ?”.
Tôi còn nhận thấy trong hơn ba mươi năm qua, tôi đã bỏ ra phân nửa thời giờ để chờ, chờ ý kiến, chờ quyết định, chờ cơm, chờ hết giận, chờ âu yếm… và tôi chỉ có mỗi một việc là chuẩn bị đối phó với mọi tình huống. Nhiều lúc tưởng gặp mưa to, gió lớn thì trời lại đẹp và dù có moi óc tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng bất thường này thì cũng chẳng đi tới đâu.
Bây giờ thì nhiều lúc tôi bắt người khác đợi mình như chờ một nhân vật quan trọng không thể thiếu. Như hôm hẹn với ông bạn người Bắc tại quán Linh, trong giờ đóng cửa, tôi đã đến muộn, hớt hơ hớt hải, đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch, ngỡ bị rầy nhưng lại được tiếp đón niềm nở, thật bất ngờ đến dễ chịu. Ba người, ba giọng khác nhau, Hà nội, Huế và Sài gòn nhưng sao vui quá đến nỗi chưa nói hết mà đã bịn rịn chia tay vì Linh phải chui vào bếp. Biết bao nhiêu chuyện để kể trong mấy mươi năm xa cách ! Thật ra phần lớn tôi lắng nghe vì đời tôi có gì đâu để nói bởi nó phẳng lặng như nước ao tù trong xóm vắng trong khi đời Linh chẳng thua gì mặt biển, lại là biển Đông, sóng to gió lớn không ngừng, đó là chưa nói tới cuộc sống có vẻ bí ẩn của ĐTKK tức Đa Tình Kiếm Khách, biệt danh do Linh đặt cho ông bạn của mình, một người mê truyện kiếm hiệp. Sau đó tôi còn được ĐTKK đưa về gần nhà, tạm biệt nhau ở ngã tư đầu đường. Mấy lần quay lại vẫy tay, thấy ĐTKK đứng nhìn theo như muốn bảo vệ tôi đến cùng theo đúng lời Linh căn dặn. Đêm đó nằm cô đơn trong phòng ngủ hai người, tôi bỗng dưng xao xuyến nhớ hơi thở dễ chịu của ĐTKK khi anh cuối xuống áp má hôn từ giã, thoảng mùi thơm thơm không biết từ đâu ra.
Ở quán Linh, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, thời sự, văn chương, nghệ thuật và cả âm nhạc, nhưng khi đụng tới kỳ nhông, câu hỏi thường đặt ra là nó có hạnh phúc không ? Và thế nào là hạnh phúc ? Mới nghe, thấy là lạ vì chưa bao giờ nghĩ đến bởi sự thể quá hiển nhiên đối với một người đầy đủ như tôi, không phải vất vả kiếm sống ! Theo Linh, kỳ nhông hạnh phúc vì nó biết tự vệ, tránh tất cả phiền phức bằng cách thích ứng với mọi tình huống. ĐTKK bảo làm gì có hạnh phúc khi con người ta bị đối xử như một vật thể. Linh bảo kẻ đối xử người khác như vật thể cũng hạnh phúc vì hạnh phúc là gì, phải chăng là khát vọng được thoả mãn ? Và nó còn nói đùa, người độc thân thì muốn có người yêu, người có vợ thì mơ được phóng thích. Rồi Linh và ĐTKK tranh cãi rất lâu về vật thể hay chủ thể. Bởi đề tài phức tạp mà lý thú cho nên có dịp là tôi tìm hiểu thêm nhưng không nhớ nổi mình là vật thể hay chủ thể khiến Linh phá lên cười sặc sụa, rồi quay về phía ĐTKK “Anh thấy chưa, người chẳng hề biết mình vật thể hay chủ thể là con người hạnh phúc, biết nhiều chỉ thêm khổ thân!”. Xong nó dịch hai danh từ thông thái này ra tiếng Pháp hy vọng tôi sẽ hiểu nhưng tình hình vẫn chẳng sáng sủa hơn. Nghe họ tranh cãi, tôi mới biết thêm «hạnh phúc» là một chủ đề được tất cả triết gia Đông Tây bàn luận từ xưa nay và hiện giờ vẫn chưa ngã ngũ. Nhiều tên tuổi được nêu lên, nhưng nhớ nhất là phát biểu của Jacques Prévert, một nhà thơ Pháp nổi tiếng, nhờ có ĐTKK dịch “Tôi mới nhận ra được hạnh phúc vì tiếng động gây nên lúc nó bỏ đi”. Tôi chợt bâng khuâng tự hỏi không biết mỗi lần rời nhà, nên rón rén hay kéo cửa cái rầm ?
Dần dà, cả con gái tôi cũng ghé quán Linh để góp chuyện với bác ĐTKK vì đề cập chuyện gì với bác ấy cũng được, ngay cả tình yêu và ca nhạc vì nghe đâu bác hát rất hay. Biết vậy, tôi mừng thấy con gái có nơi thổ lộ và biết đâu người lớn có thể khuyên bảo trẻ con, còn ngây thơ dại dột. Nhưng sau vài lần tham dự các cuộc tranh luận của họ, tôi nhận thấy dường như họ vẫn xoay quanh chuyện con kỳ nhông và chủ đề hạnh phúc, có dính líu đến mình. Con gái tôi không biết học ở đâu mà đặt nhiều câu hỏi rắc rối như “Thích ứng phải chăng là biểu hiện của yếu đuối ?” hay “Sự lệ thuộc của phụ nữ phải chăng đồng nghĩa với sự tha hoá của họ ?”. Nó nói tiếng Pháp, ĐTKK dịch ra tiếng Việt lưu loát làm như hơn nửa thế kỷ qua, anh vẫn ở Hà Nội, nói tiếng mẹ đẻ suốt ngày.
Rồi không hiểu sao tôi bị ốm nặng, bác sĩ khám tùm lum vì nghi tôi bị ung thư chỗ nào đó. Lo bệnh đã đành mà còn lo sao không thấy ai đến thăm ? Chỉ có «cái lưng» mỗi ngày vào bệnh viện, bắt tôi nằm trên giường không cho đặt chân xuống đất và căn dặn “Yên tâm, anh lo hết rồi”. Vì phải dưỡng nghỉ tuyệt đối nên điện thoại di động của tôi bị tịch thu, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chỉ có «cái lưng» làm đại diện, thông báo cụt ngủn chuyện bệnh hoạn với những ai muốn biết kể cả con gái. Cá chậu, chim lồng, tôi đành làm con kỳ nhông ngoan ngoãn, chờ rời bệnh viện rồi sẽ tính. Thế nhưng khi về nhà, không còn bị bắt buộc nằm mãi trên giường nhưng tôi vẫn chưa được tự do liên lạc với bên ngoài. Có lần điện thoại bàn reo rất lâu, tôi xuống giường nhấc máy tình cờ gặp được bà chị bên Mỹ, mừng quá song mới nói được mấy câu đã nghe tiếng «clic» báo hiệu có người bắt máy trên lầu và tiếp theo là giọng không vui không buồn của «cái lưng» báo cáo ngắn gọn về bệnh tình của tôi. Thỉnh thoảng có người bấm chuông trước cửa nhưng không thấy ai vào nhà.
Hai cây kim đồng hồ chạy chậm trở lại và tôi ngủ li bì không hiểu do thuốc hay muốn nằm mơ. Thật vậy, chiêm bao lu bù, tôi thường thấy mình ở nơi phố xá đông đúc, song chẳng biết đường về nhà vì quên đem theo địa chỉ chỗ ở. Bơ vơ, lạc lõng, tôi hỏi đường người qua lại nhưng không ai biết. Loanh quanh, tôi không tìm ra lối về mà cũng chẳng liên lạc được với người thân. Rồi trong bước đường cùng, tôi gặp một người cứu mình khỏi mê hồn trận, giật mình thức giấc còn mừng rỡ song tự hỏi tại sao không phải là Linh mà lại là một người hao hao giống ĐTKK, cũng mái tóc bạc trắng và hơi thở dễ chịu, thoảng mùi thơm thơm không biết từ đâu ra. Giấc mộng này tôi thấy đi thấy lại nhiều lần và lúc nào cũng gặp một người đàn ông xa lạ mà tôi hoàn toàn tin cậy nhắm mắt đi theo.
Trong mấy tháng liệt giường, chẳng thấy ai thăm tôi. Con gái cũng không ghé, dù như sao xẹt vì nó đã qua Mỹ làm việc. Khi tôi dần dần bình phục thì «cái lưng» cũng từ từ trở về chỗ ngồi cũ, trước màn hình máy tính và hai cây kim tiếp tục quay chậm rì nhưng tôi chẳng bận tâm đến nữa vì lo tìm cách liên lạc với bên ngoài. Đang suy nghĩ thì nghe «cái lưng» lớn tiếng một lúc lâu với con gái trong điện thoại, từ Mỹ gọi về, rồi sau khi cúp máy, quay sang nói với tôi “Con nó nhắn là sẽ có bạn của nó đem đến cho em một bức tượng gì đó”, rồi tôi nghe lầm bầm “Mẹ đau không lo, lo nắn tượng kỳ nhông, kỳ đà, con với cái !”. Hiểu ngay thông điệp của con gái để vài ngày sau tôi moi ra được hai phong bì giấu trong bức tượng với hàng chữ «Thư thứ nhất» và «Thư thứ nhì».
Theo thứ tự, tôi đọc thư con gái dài ba trang trước và khám phá ra là từ ba tháng nay, không ai được phép thăm tôi, cũng chẳng ai rõ bệnh tình tôi như thế nào và mọi người chỉ được ông xã tôi cho biết là tôi đang được chữa bệnh và cần dưỡng nghỉ, không thể tiếp khách. Đó là nội dung nửa trang đầu. Tôi đọc hết hai trang rưỡi sau và đọc tiếp thư chỉ có mấy dòng của Linh rồi trở lại đọc thư con gái không biết bao nhiêu lần để tự nhủ là mình không chiêm bao.
Nếu tôi làm y lời Linh căn dặn thể theo yêu cầu của con gái thì sự việc sẽ diễn biến như sau : Thứ ba tuần tới, lúc mười giờ sáng, tôi ra khỏi nhà tay không, chỉ mang hộ chiếu và thẻ tín dụng. Linh sẽ đón tôi bên kia đường.
Đích thực là con gái tổ chức cho tôi trốn nhà như thoát khỏi địa ngục trong khi tôi cứ ngỡ mình đang ở trên thiên đàng !
Tôi suy nghĩ nát óc suốt mấy ngày trời và đọc đi đọc lại đến thuộc lòng lá thư ba trang của con gái viết bằng tiếng Pháp. Càng đọc càng thấy cuộc đời thật lạ lùng, lâu nay cứ ngỡ đơn giản mà hoá ra phức tạp, nghĩ mình chấp nhận mọi phiền phức, che chắn cho con để nó hạnh phúc hoá ra làm nó khổ. Nó khổ vì nhìn thấy nơi bản thân tôi có hai con người, con người thứ nhất, do dự, nhút nhát, mờ nhạt, lẩn tránh, chịu đựng, nhịn nhục và con người còn lại khác hẳn với con người kia, cởi mở, vui tính, mạnh dạn, tinh nghịch, dí dỏm. Nó khổ vì không thấy tôi phẫn nộ, phản kháng. Nó tả cảnh tôi ôm chiếc chiếu đứng trên bãi biển, tìm kiếm một chỗ tốt để rồi lúc nào cũng bị trách móc “Em sống với anh mấy chục năm mà không hiểu ý anh à !”. Nó bảo người Hồi giáo hướng về La Mecque, người Phật giáo hướng về Tây Tạng, còn Maman của nó hướng về Papa ! Lẽ ra con người thứ nhất phải lấn át dần dần con người kia nhưng nó ngạc nhiên nhận thấy không biết động lực hay sức mạnh nào khiến con người thứ nhì vẫn xuất hiện… khi vắng mặt Papa. Và theo ý nó, chỉ có kéo tuột tôi ra khỏi nhà thì con người hay ho của tôi mới có cơ hội tồn tại, nếu không, nó sẽ héo mòn, chưa thực sự sống mà đã chết. Nó bảo tôi nằm trong tay một người đầy quyền uy như một vật thể, bị tước đoạt mọi quyền cơ bản của con người. Nó làm như Papa của nó là bạo chúa, ích kỷ vì theo nó, tất cả những gì Papa làm là cho Papa chứ không phải vì người khác. Chữ nghĩa của nó rớt xuống đầu tôi như mưa đá rơi từ bầu trời trong xanh giữa mùa hè nóng bức, cái nào cái nấy to bằng hột vịt lộn. Nó vạch ra những quyền tôi bị tước đoạt, bị chà đạp thấy mà phát sợ vì tôi không ngờ phụ nữ có nhiều quyền đến thế, nó còn nhấn mạnh đó là những quyền đã được đổi bằng xương máu của cả nhân loại. Ấy vậy mà nó không thấy nạn nhân gào thét, nổi loạn mà cứ cho là bình thường và còn bênh vực, biện hộ cho kẻ làm khổ mình như không còn biết đau đớn là gì. Chắc tưởng tôi bị kềm hãm trong nhà, có thể bị ám hại, nguy đến tính mạng nên nó nhất định giải thoát tôi chăng ?
Dù cho con gái nhắc nhở là tôi có hậu thuẫn gia đình ở Mỹ và Việt Nam, tôi vẫn do dự, thế nhưng đúng ngày giờ, tôi mang hộ chiếu, thẻ tín dụng và một ít tiền rón rén mở cửa. Nghe ngóng động tịnh trước nhà hồi lâu, tôi mới vội vã băng qua đường gặp Linh.
Thoát ra ngoài như tù vượt ngục, nhưng sao không cảm thấy vui mừng mà chỉ lo âu nhất là khi nghe con gái hồ hởi trong điện thoại từ Mỹ “Yên tâm, con lo hết rồi”, tôi tưởng chừng như đang nghe Papa của nó nói. Rồi còn “Maman phải thế này, Maman phải thế kia” vì đời sống bên Mỹ khác bên Tây. Tôi đâm ra lo lắng vì sực nhớ là có thằng bồ nào sống được với nó quá ba năm đâu. Thiếu không khí thì tôi thở ít, còn nó thì tình yêu bớt say mê một chút nó cũng không chịu. Từ Mỹ, nó lãnh đạo cuộc đời tôi trong mấy tiếng đồng hồ làm tôi đâm nhớ ông cai ngục quen thuộc bấy lâu nay của mình. Tuy bực bội vì thấy tôi có vẻ chưa dứt khoát song nó cũng vui mừng biết tôi đã ra khỏi nhà với hai lá bùa hộ mạng.
Theo đúng kế hoạch, tôi sẽ ở với Linh vài tháng trước khi qua Mỹ sống với bà chị goá chồng kỹ tính, suốt ngày lau chùi nhà cửa. Nhưng sau ăn trưa, Linh không hề đả động đến việc sắp đặt chỗ ăn ở cho tôi mà chỉ hỏi han tỉ mỉ cuộc sống của tôi trong mấy tháng qua, bệnh hoạn chữa trị như thế nào. Khi ĐTKK ghé chơi, chúng tôi uống cà phê và nói chuyện đời. Linh bảo nhiều bà má bên nhà, tưởng tầm thường mà không hẳn là vậy. Phải mạnh mẽ mới điều khiển được nước mắt chảy ngược vào trong, phải thông minh, tự tin mới nhịn nhục, biến giận dữ thành dịu dàng, phải tự hào, vị tha mới chịu thiệt thòi vì nghĩa lớn, phải khiêm tốn, chân tình mới ở trong bóng tối vì tình thương. Có lẽ nhờ vậy mà con người thứ nhì trong tôi vẫn nguyên vẹn, như lá sen không có gì bám vào được để mãi mãi trong lành. Nó nói hay quá làm tôi muốn khóc, vậy mà «cái lưng» nỡ lòng nào không cho tôi chơi với nó trong mấy chục năm ! Rồi tôi đâm ra mơ màng hối tiếc sao không sớm gặp một người nào đó giống ĐTKK cho con người thứ nhất của tôi mất đất dụng võ, để có người ăn nói hóm hỉnh làm tôi cười và cho tôi mượn vai ngả đầu mỗi sáng thức dậy. Thế nhưng ông bạn có vẻ lý tưởng kia lại ưa sống đời lãng tử. Cả Linh nữa, đảm đang và giàu tình cảm như nó mà cuối đời vẫn vò võ một mình nuôi hai đứa con. Chuyện đời khó hiểu thật !
Không nói thẳng ra song cả ba chúng tôi đều hiểu là đã đến lúc tạm biệt để mỗi người quay về cuốc sống đầy mâu thuẩn của mình nhất là khi Linh bảo “Để tau giải thích với con gái. Tau tin là nó sẽ hiểu và không chừng nó đã hiểu rồi. Bọn trẻ bây giờ thông minh, nhạy bén, khôn ngoan, mạnh mẽ hơn tụi mình nhiều”. Tuy rất thân nhưng chưa bao giờ hai đứa ôm nhau, ấy vậy mà lần này Linh siết chặt tôi vào lòng thì thầm “Chính con người vị tha đã quyết định sự sống còn của con người nhẫn nhục. Tau chẳng được như mi” khiến tôi đẩy nó ra vì ngạc nhiên chưa rõ nó muốn nói gì. Hiểu ý tôi nên Linh vội vã giải thích “Có ai sống được với tau đâu !” và quay sang ĐTKK “Kể cả ông này” rồi phá lên cười.
Dẫu biết ngày mai lại mò ra quán Linh, song tôi vẫn bịn rịn trong vòng tay của ĐTKK để nghe nói “Anh có thằng bạn Bắc kỳ rất mê giọng nói con gái miền Nam, chân quê, dễ thương. Nó mà gặp em là té xỉu liền nhưng không biết bây giờ hắn lưu lạc ở đâu !”. Tôi bỗng ao ước có người thèm muốn mình và nghĩ vớ vẩn, tỉ dụ thực tế xảy ra y như trong mộng, nhất là mộng của phụ nữ thì chắc trái đất đã nổ tung từ lâu rồi !
Tôi lững thững đi bộ về nhà, cảm thấy người nhẹ nhõm, chắc nhờ lần đầu tiên làm theo ý mình, độc lập. Lại thêm tự do suy nghĩ bá láp. Giả sử sáng nay khi vén màn nhìn xuống đường, thay vì Linh thì lại là một ông người Bắc đứng đó, phong độ, lãng mạn, ăn nói có duyên, mê giọng con gái miền Nam thì liệu chuyện gì có thể sẽ xảy ra ? Tôi thật sự không biết và không dám biết. Nhưng rồi chắc cũng chắng có việc gì xảy ra ! Như chuyện một bà bạn mặt mày thường khó đăm đăm bỗng tươi tắn hẳn lên vì thầy bói bảo trong năm sẽ gặp lại mối tình đầu. Một bà bạn khác, bình thường rất nghiêm nghị, bỗng trở nên sôi nổi, tíu tít kể lể mối quan hệ ngày càng khăng khít của bà với cậu hàng xóm người Ý bằng tuổi con mình vì hay qua lại mượn nồi niêu, nhân tiện uống trà, rồi rủ nhau đi ăn phở, xong xem ciné và cuối cùng hẹn vô rừng lượm hạt dẻ. Vậy mà rồi chẳng ai hư hỏng cả vì hư hỏng khó lắm, không phải muốn là được !
Thế nhưng khi về gần tới nhà, tay chân tôi bắt đầu lạnh ngắt vì chợt nhớ là trong tiểu thuyết, phim ảnh, tôi chưa từng thấy người đàn bà nào lỡ bỏ đi rồi còn có thể quay trở về… Tôi cố moi ký ức xem có ai chăng trong đám bà con, chòm xóm ngày xưa và trong số bạn bè, người quen bây giờ thì… quả tình là tuyệt nhiên không có !
Vào nhà, nhìn quanh quất thấy tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Chỉ có tôi là thay đổi.
Ninh Kiều
1 GPS : máy định vị.
2 micro-ondes : lò vi ba (sóng).
3 big bang : vụ nổ lớn tạo nên vũ trụ.
Các thao tác trên Tài liệu