Giữa năm 1972 và 1975
Giữa năm 1972 và 1975
Lê Minh Hà
Giữa năm 1972 và 1975, tôi có một khoảng thời gian hết sức yên ổn và sung sướng. Sau này nghĩ lại, có vẻ như đó là những tháng ngày sống dễ nhất trong tuổi thiếu thời và tuổi con gái của tôi. Trọn một năm trời: từ tháng 9. 1973 tới tháng 9. 1974. Hết chiến tranh đánh phá. Được trở lại Hà Nội, với những hàng cây cao bóng cả, hương mùa, phố hiền, kem que và đèn điện. Và không phải đi học.
Mẹ tận dụng sự tôi đi học quá sớm, thấy con nắng mưa cò cử rút ruột rút gan, bắt tôi bỏ học lần nữa, đi nằm viện. Từ Việt Nam - Cu Ba, trở về trường được hai ngày, tôi lò dò sang Nguyễn Bỉnh Khiêm viện Đông Y, khi đó toàn khu điều trị nội trú bệnh nhân nhi bây giờ vẫn còn là những dãy nhà một tầng đẹp đẽ, hành lang rộng, cửa trước cửa sau đâm thẳng ra mấy cái hầm công cộng to thù lù chưa phá, rất tiện cho đứa nào còn đủ sức leo trèo và đứa nào có cơ ngoẻo ngồi ngắm cỏ hoa dưới nắng. (Ấy, có hẳn một năm nằm viện lúc nhỏ, cộng với những lần đi cấp cứu ở A9 Bạch Mai mà tôi chưa bao giờ mất lòng tin vào tình yêu người của các thầy thuốc Việt Nam, ngay cả khi sếp đầu ngành của họ là… như hiện giờ.)
Bệnh nhân hen và thấp khớp cùng độ tuổi chung nhau một phòng rất rộng,
thoáng đãng,
được các hộ lý chăm chút sạch bóng. Cái Lan da đen đen hơn tôi một tuổi
nhà mạn
thành Sơn, bị thấp khớp chạy vào tim vì dầm nước chăn vịt năm này qua
năm khác,
đi đâu cũng phải xỏ tay vào hai cái ghế con bố nó đóng thêm cái quai
làm từ lốp
xe ô tô mà lết. Nó chỉ đứng lên được chốc lát sau khi châm cứu, mặt mũi
sáng bừng
lảo đảo lần từ phòng bác sĩ ra để mình rơi vào tay chúng tôi tụ tập chờ
tới lượt
mình, nhân thể xem như xem phù thủy làm phép. Thằng Minh bằng tuổi cái
Lan, bệnh
cò cử, rất đẹp trai, mắt màu chì, lúc ngồi một mình dõi ra cái nóc hầm
nắng cỏ mắt
nó y như có khói dâng dâng. Cái Lan thì xởi lởi bô lô ba la, thằng Minh
kín đáo.
Cứ mỗi lần trở trời, mà cái xứ Bắc giời đất sao mà nghiệt, lũ chúng tôi
đứa nào
cũng khổ. Cái Lan da đen, mặt xám lại vì đau, nằm trên giường đầu gối
lồi lên một
cục không co lại nổi, mím hàm răng hơi vẩu vẩu bình thường rất duyên,
nuốt liên
tục cái gì nằm giường bên này cứ nghe ực ực, rồi đột nhiên nó hờ „ u ơi
là u ơi“.
Thằng Minh giường chênh chếch thì đúng một tư thế như tôi, hay tay
chống xuống
chiếu, ngửa mặt hớp không khí. Phòng bệnh về đêm toàn tiếng ran rít của
bọn hen,
chốc chốc thêm tiếng hờ của bọn thấp khớp. Từng lúc các cô y tá vào,
đứa này phải
tiêm, đứa kia châm cứu dứt cơn. Ngoài kia gió đông xốc lá trên nóc hầm
bỏ không
xào xạc. Chẳng biết buồn. Chỉ thấy khổ quá là khổ.
Tôi với thằng Minh nặng nhất, nhiều lần lên cơn ngồi suốt cả đêm. Mồ
hôi vã. Vai,
ngực, bụng đau rút. Tai đầy tiếng thở của chính mình. Gió động lá ngoài
kia, không
khí nhiều như thế, mà không thở được. Hai đứa cứ nhìn trần nhà mà hớp
khí như cá
ngáp, mặt tôi đầy nước mắt, thì bỗng: "Má ơi".
Thằng Minh khóc. Đến cái ngày trời đất đổi, cả lũ đồng loạt dứt cơn, lò dò đẩy nhau trèo lên nóc hầm sưởi nắng, thằng Minh không biết sao ra ngồi với tôi, tự kể. Giọng nó đãi ra rất mềm, hồi đó tôi chẳng hiểu giọng miền nào. Hóa ra má nó đẻ nó ở Hà Nội. Nhà nó Hàng Bồ. Nhưng bây giờ…
Má Minh mất khi ba Minh còn trong chiến trường. Anh chị em còn nhỏ, ba má người Nam tập kết nên mấy anh chị em được chia ra gửi về trường con em miền Nam. „Minh ở T64 dưới Hải Phòng. Ngày chị Cam chưa đi thiếu sinh quân bên Ba Lan, chị lớn nhất thỉnh thoảng còn được đi thăm các em. Giờ thì… Minh ốm, trường cho đi chữa bệnh thế này, viết thư cho chị không biết có ai gửi đi giùm không? Ba chắc cũng không biết…”
Có một ngày chủ nhật trời đất đẹp với bệnh của bọn tôi, thằng Minh biến mất cả hai bữa trưa chiều. Tối về, nó buồn xo. Lại phải chờ hôm sau tôi mới biết. Minh xin y tá về thăm nhà ở Hàng Bồ. Nhà không người khóa để đó. Nó ngồi trước cửa nhà một lúc rồi đứng lên đi lang thang, không muốn hàng xóm nhận ra. Nó từng học ở Hà Nội, có điều, mới hơn mười tuổi, bạn bè xa đi đâu có biết và dám đến tìm nhau. Minh đi lang thang suốt một ngày.
Một cuối tuần, buổi trưa Minh có khách. Lúc cô Mão hộ lý không chồng mặt rỗ hoa suốt ngày lảu bảu nhưng thương bọn tôi cực kì dẫn một bác chột mắt người xương xương trong bộ quân phục nom tàu tàu vào phòng, thằng Minh đứng mớm đít thành giường như sợ thẳng người lên là đổ. Nó nhìn người khách, mắt lại như dâng đầy khói y như lúc có một mình, môi mấp máy. Đấy là ba nó, bác Huy.
Bác Huy là bác sĩ quân y bị thương mới từ chiến trường ra. Thế hệ chúng tôi búp măng non lớn lên trong lò Cách mạng ba tuổi hát bé bé bằng bông trên đường đi sơ tán lần thứ nhất, quen sống xa cha mẹ và vì thế không quen lắm với sự ôm ấp, nên tôi, lúc đó chưa biết bác chột mắt là ba thằng Minh, hết sức kinh ngạc ngó từ xa cảnh ba con nó ôm nhau. Thằng Minh khóc tôi biết rồi. Nhưng gặp ba mà nó lại kêu “Má ơi”. Còn ba nó... Nước mắt trào ra từ con mắt còn lại của người đàn ông đầu bạc có một cái gì đó thật đáng sợ.
Nó mất mẹ, xa cha từ khi bé, có khi những ngày đó là nó được gần ba nó nhiều nhất. Bác Huy cuối tuần đến thăm con, ba con nó ngồi với nhau, rù rì những gì chẳng biết, nhưng chưa bao giờ tôi nghe tiếng bác Huy với thằng Minh cười to. Tháng chín mùa thu, năm học mới tới, qua khai giảng rồi mẹ nghĩ thế nào cho tôi về đi học lại. Thằng Minh cũng về trường nó, trường con em miền Nam T64 tận Hải Phòng. Không bao giờ tôi gặp lại nó. Nhưng tôi vẫn nhớ nó rất đẹp trai, mắt màu khói, có một anh và một chị, chị nó tên Cam
Nhớ giọng
nó, giọng Hà Nội pha Nam
hay giọng Nam
pha Hà Nội. “Minh
ở Tê Sáo Tư”, lần đầu
nghe tôi đực mặt không hiểu gì.
Tôi cũng nhớ như vừa gặp hôm qua bác Huy ba nó, dáng gầy gầy, khuôn mặt
đường nét
thanh thoát y như mặt thằng Minh, nhưng chỉ còn có một mắt.
Tôi nhớ những đêm chúng tôi khổ chung nỗi khổ vì không thở được, thằng
Minh kêu
“Má ơi”. Khi đó, tôi đâu biết rằng
chẳng
bao lâu đâu mình sẽ phải vật vã với không chỉ mưa phùn gió bấc Hà Nội,
còn cơm áo
nữa, rồi có lúc sống không bằng chết cũng buột miệng kêu “Mẹ
ơi”. Một mình.
Khi đó, tôi chưa biết rằng với số đông, hết chiến tranh, sống qua thời
hậu chiến
rồi mới hiểu chiến tranh là thế nào: Khủng khiếp.
PS: M,
nếu đọc được những dòng
này thì
tìm cách liên lạc
với tớ. nhé.
Ngày đó, nhiều năm qua phố cũ nhà M, tớ cứ thầm hỏi không biết M. ở số
nhà nào.
Không biết có khi nào M. và các anh chị về lại đó.
Sau 30.4, nhiều khi ốm, ngồi một mình nhớ cái ngày chúng mình ngồi qua
đêm
trong phòng bệnh, tớ lại nghĩ chắc nhà M. về Nam
hết rồi, chắc M. khỏi rồi.
Tớ cũng mất mẹ lâu rồi. M. còn nhớ mẹ tớ vẫn đến viện hàng ngày thăm tớ
không? Mẹ
tớ đi chỉ một năm sau ngày chiến thắng.
Gửi lời thăm bác Huy nhé, nếu ba M…
Berlin 30.4.2013
Lê Minh Hà
Các thao tác trên Tài liệu