Hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt
Ninh Kiều
Không ngờ ghé ăn kem trái dừa ở quán cạnh quảng trường Hồ Con Rùa lại được nghe một câu chuyện, nghe từ lúc xế chiều cho đến trời chạng vạng. Nếu anh bạn Việt kiều mới quen không có hẹn thì chắc còn ngồi tại quán này tới khuya. Thường tôi lấy xe buýt về nhà thằng em ở gần chợ Bà Chiểu cho đỡ tốn tiền nhưng anh này đã mau mắn kêu taxi rồi còn nhắc chừng cuộc hẹn ngày mai bốn giờ, cũng Hồ Con Rùa. Trước khi đóng cửa xe, anh còn nói :
– Không hiểu sao tôi lại tin chị, nói hết với chị, không phiền chị chớ ?
Cả buổi im lặng nghe anh nói mà đến bây giờ anh mới hỏi có phiền không, ngộ thiệt ? Đâu chỉ mình anh mới có nhiều tâm sự, tôi cũng có đầy. Nhưng tôi khác anh ở chỗ tôi khó thổ lộ. Tôi trăn trở. Còn anh, anh phân biệt rạch ròi, ai trái ai phải, nguyên nhân, hậu quả. Người có tội phải bị trừng phạt.
Như khi anh kể chuyện anh soạn cái va-li trống đặt trước cửa phòng ngủ của thủ phạm, tự nhiên tôi liên tưởng đến tên đao phủ dựng đài hành quyết trước cửa sổ nhà giam của kẻ tử tội, để nó nhìn thấy vòng dây thắt cổ lòng thòng đung đưa trước mắt cho nó chết sợ trước khi chết nghẹt. Không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ như vậy, chắc tại thuở nhỏ xem nhiều phim cao bồi ở Sài gòn trong những năm 60. Tôi còn nhớ thêm là trong các phim này, khi “chánh đảng” (1) đã lên án ai thì được ủng hộ bởi khán giả trong phim và khán giả xem phim nên rút súng bắn thủ phạm ngay tại chỗ mà không phải mang tội vạ gì. Rồi ung dung cưỡi ngựa đi về phía mặt trời mọc. Anh Việt kiều này cũng vậy, một thân một mình trở về quê hương sau khi xét xử người bạn đời có hai mặt con với mình.
Tôi còn nhớ thêm, kẻ ngay thẳng mà bị xử oan, ắt có người đến cứu. Sáng mai bị treo cổ thì tối có người đem vài con ngựa chiến đến cột dây kéo phăng cửa sổ nhà tù để kẻ tử tội vọt qua cái lỗ toang hoác và phóng lên lưng ngựa biến mất trong đêm tối, bỏ lại sau lưng mấy chục viên đạn bắn hụt.
Bởi thủ phạm của anh Việt kiều chắc là thủ phạm thật nên không có ai đến giải thoát, phải quơ vội áo quần và vài thứ cần thiết nhét vào cái va-li đã chực sẵn hai ngày trước cửa phòng, rồi ra khỏi nhà. Anh nói còn nhớ rõ hôm ấy cuối tháng mười một, vào thu và trời mưa lâm râm. Anh đứng trên ban công nhìn theo người đàn bà đã sống với mình bốn mươi năm, kéo cái va-li ra đi như kéo cái giỏ chợ. Anh còn ngóng về hướng trạm buýt rất lâu, hy vọng mơ hồ thấy người ấy quay về, xắn tay áo vào bếp nấu nồi canh cải bẹ xanh anh ưa. Nhưng nó ra đi thật rồi ! Vậy là nó đã có quyết tâm, có chủ định từ trước, anh phân tích với tôi như thế. Mới nói động nó một câu mà nó nguây nguẩy bỏ đi. Chỉ xô nhè nhẹ một chút xíu là nó văng ra khỏi nhà.
Đêm đó tôi khó ngủ, nằm nhắm mắt nhớ chuyện hồi chiều, mới đầu tình cờ ngồi tạm trên chiếc ghế trống duy nhất còn lại bên cạnh một ông, sau mới biết là Việt kiều cũng ở Paris như tôi.
Kế đó tôi nhớ tháng mười một Paris là tháng buồn nhất. Năm giờ chiều, trời sụp tối, lạnh và mưa. Lắm khi chen chúc đợi buýt, vớ ướt, chân buốt mà không xe nào còn chỗ. Vậy mà có người đàn bà nói với chồng “Em chưa kiếm được nhà, không biết đi đâu ?” để nghe chồng trả lời “Nhưng cũng phải đi”.
Động cơ nào thúc đẩy người đàn bà này bỏ nhà bỏ cửa như một cây cổ thụ bật gốc như vậy ? Trên sáu mươi tuổi mà dám ra đi, chắc phải được thu hút bởi cái gì đó mạnh mẽ lắm ? Chẳng lẽ tình yêu ?
Nhưng ở tuổi này, tình yêu làm gì còn ? Nó đã chết dần chết mòn từ bao nhiêu năm rồi. Lấy chồng thì nhiều bà biết, đẻ con nuôi con cũng biết nhưng yêu thì không mấy gì biết hay chưa từng biết. Khi được nắm tay, rờ rẫm lần đầu, cảm thấy rung động khác thường thì cứ ngỡ đó là tình yêu. Hơn nữa, yêu xế chiều, nếu có xảy ra thì thường là chuyện tình của ông, chứ ít khi của bà. Bà già gặp được ông già chưa kiệt sức, đã khó, yêu được lại càng khó hơn. Một ông, dù đui què mẻ sứt, nếu có chút quyết tâm đều có thể kiếm được một bà, như một định luật phổ biến, đúng ở mọi nơi trên trái đất, không phân biệt nghèo giàu, đen trắng, dốt nát hay hiểu biết. Có ông bị kết án tử hình còn có bà xông vào nhà tù xin cưới hỏi đàng hoàng kia mà !
Trong bóng đêm Sài gòn, tôi nhớ lại chính mình cũng nhiều lần suýt bỏ nhà bỏ cửa ra đi như người đàn bà đó. Những giây phút ấy, bối rối, phân vân, rã rời và cô đơn biết là dường nào ! Thiên hạ sẽ nghĩ sao về mình ? Lòng dạ nào gõ cửa nhà con ? Mặt mũi nào nhờ vả bạn bè. Biết cơ quan từ thiện nào để mò đến xin ? Ngủ đâu đêm nay ? Nếu có con sông nào chảy ngang, chắc dám nhảy xuống. Có lần dự định lấy xe lửa đi bất cứ nơi nào thì điện thoại reo inh ỏi, liên tục mấy lần luôn, hoá ra con gái đầu lòng nhờ đi đón dùm con nó ở trường. Đến nơi thấy ông ngoại đã đứng đó, rồi cháu tung tăng nắm tay ông bà ngoại như một cái gạch nối. Còn tâm trí đâu tính chuyện ra đi ! Và cứ dây dưa như thế. Chắc tại động cơ chưa đủ mạnh ? Mà thế nào mới đủ mạnh ?
Người bạn đời của tôi suốt ba năm đã lén lút với một bà. Thế mà tôi chẳng hay biết gì, lúc nào cũng tin cậy đón chồng nguyên vẹn trở về sau những chuyến đi xa, mệt mỏi vì công việc. Cũng nhờ vậy mà sống yên ổn cho đến lúc đối mặt với sự thật. Nhưng khi thấy nó rồi thì tôi mới nhận ra là mình quá dở vì không biết làm gì hơn là chào chồng và người tình của chồng. Rồi trước mặt mọi người, tôi cười cười nói nói để làm ra vẻ người văn minh hiện đại, làm con đàn bà lịch sự không biết đánh ghen. Sau những cố gắng quá sức này, về nhà tôi ngủ thiếp đi để sáng tỉnh dậy thấy có người đàn ông xa lạ nằm bên cạnh. Tôi ngồi dậy nhìn quanh tính kiếm cái gì nằng nặng để đập gương, đập kiếng rồi xuống nhà bếp đập tiếp chén dĩa.
Trong cơn điên đập phá tưởng tượng này, không hiểu sao tôi vẫn ngồi yên như có cái gì đó cản trở mình vì bỗng nhiên tôi nghĩ tới mẹ tôi. Không rõ bộ não của tôi làm cách nào mà khiến tôi nhớ có lần mẹ dẫn năm đứa con còn nhỏ đứng đợi bố dưới mưa trước một chỗ ăn chơi để nói “ Mấy ngày rồi không thấy bố nó về, mẹ con em lo quá ! ”. Từ ấy, bố không bao giờ đi biền biệt, lương tiền đem về đầy đủ nhưng bố vẫn sống đời riêng của bố, mẹ sống đời của mẹ, câm lặng và chịu đựng cho đến khi bố mất. Bố còn để lại cho mẹ một bất ngờ : hôm chôn cất bố, mẹ thấy có một thanh niên giống hệt bố đến chịu tang khiến sau này mẹ hay nhắc “ Thấy nó, mẹ thương liền ”. Mẹ đã mất nhưng mẹ vẫn như có mặt bên cạnh tôi trong giờ phúc bấn loạn này, thông cảm, vỗ về. Bình tĩnh lại đi con, chuyện đâu còn đó, thủng thẳng tính tới. Còn gì nữa để tính hở mẹ. Tan nát hết rồi, con bị sỉ nhục đến thế là cùng. Có chắc không hở con, có chắc con là người đàn bà đau khổ nhất trên đời này không ? Cũng nhờ vậy mà hôm ấy không có gì đổ bể trong nhà trừ người bạn đời của tôi làm vỡ cái ly bị đứt tay khiến tôi phải săn sóc vết thương để nhận được nhiều giọt nước mắt, không phải của mình, làm ướt đẫm cả hai gò má.
Gặp anh Việt kiều lần gặp thứ hai, tôi gọi liền mười cuốn bò bía và mời anh cùng ăn vì ngoài món kem trái dừa, trước quán còn có xe đẩy bán món này. Ăn để có sức, anh bạn ơi, hôm qua anh mải nói chuyện, để bò bía nguội tanh. Anh có biết là khi anh nói, không thể ngắt lời, dù chỉ để nhắc anh uống chút nước dừa tươi thắm giọng. Nghe anh kể phiên bản đời anh, tôi tin chắc là không một phụ nữ nào cầm được nước mắt, vì chính tôi, cảnh giác ngay từ giây phút đầu, mà cũng có lúc xúc động. Vì quả thật anh là một người đàn ông quyến rũ, thuyết phục và tâm lý. Nhiều lúc tôi đi theo lập luận rất logic của anh để rồi sau đó có muốn không theo nữa cũng không được, giống như một khi chấp nhận đời là bể khổ thì đời luôn là bể khổ. Nếu cho rằng phản bội là xấu xa thì phải lên án nó tới cùng, không tại bị gì hết. Nhất là phản bội một người chồng không có lầm lỗi gì. Giận dai ư ? Đó không phải cái tội. Nóng nảy ư ? Phải có người chọc mới giận chứ chẳng lẽ tự nhiên nổi giận. Nặng lời ư ? Cái quan trọng là nói đúng. Người nói không phải chịu trách nhiệm cảm nhận của người nghe. Không biết hưởng thụ cuộc đời ư ? Con chó còn biết ăn ngon huống chi con người nhưng chưa phải lúc ! Thiên hạ rần rần đói khổ mà cứ trách móc không nhớ ngày gặp nhau, yêu nhau.
Tôi cảm thấy bị đụng chạm nhưng anh vẫn thản nhiên tiếp tục.
– Tôi đã hy sinh tất cả, không nghĩ gì đến bản thân.
Rồi thêm một câu không dính gì tới câu trước :
– Bị mất danh dự, chị có sống được không ?
Thấy tôi ngần ngừ, anh nói tiếp :
– Danh dự của tôi là trên tất cả.
Rồi trong khi anh hăng hái triển khai chủ đề danh dự thì tôi ngậm ngùi nhớ đến danh dự của mình, không biết bây giờ nó ở đâu ? Nhân cách, lòng tự trọng là những thứ mà nhiều lúc tôi thấy như xa xỉ phẩm không với tới được. Ngày xưa như mẹ, nghe bố nói “ Không có tôi, mẹ con bà cạp đất mà ăn ”, không biết mẹ để tự ái của mẹ ở đâu mà mẹ lại nhìn nhận “ Bố mày nói đúng, không có bố thì mẹ con mình cạp đất thật ! ”. Ngày nay như tôi, không biết người ta thương hại hay thương thật mà cứ bám víu. Biết người ta ngồi bên mình mà đang nhớ ai ? Mới đứng đó tự nhiên biến mất, tìm mãi mới thấy người ta ra góc vườn, miên man điện thoại ? Người ta phản bội mình dưới ánh mặt trời như thế mà tôi còn lẩm cẩm tự hỏi không biết có phải hoàn toàn lỗi của người ta không ? Biết đâu người ta rơi vào hoàn cảnh khó xử, bị cám dỗ chẳng hạn. Trí thức hiền lành, mới học xong đã cưới vợ, lấy gì chống chọi với một phụ nữ vừa đẹp vừa quyến rũ ? Tôi nhớ có lần tôi khen một chị bạn “ Đứng đắn ” thì nghe chị trả lời “ Chưa chắc ”. Rồi chị nói một hơi, dài nhằng “ Giá có ông nào đeo đuổi chị, yêu chị, nể nang chị, nhớ thương chị, chăm sóc chị, khen tặng chị, lắng nghe chị, biết xin lỗi chị, viết thư tình cho chị… chưa chắc chị còn đứng đắn như em nói ”. Nghe xong, tôi bàng hoàng cả buổi vì chị bạn là người nghiêm túc, mẫu mực mà tôi hết sức kính phục.
Tối nay anh bạn mới quen vẫn còn bận và tôi được biết thêm là mắc hẹn với bạn gái, nhỏ hơn anh hai mươi sáu tuổi. Đàn ông có khác, gần bảy mươi mà toàn chinh phục các cô bằng tuổi con gái mình. Chẳng những không bị chê mà còn được khen là đào hoa. Nếu là phụ nữ thì thiên hạ đã ó ré rồi !
Trên đường về nhà ngồi trong taxi, tôi ngẫm nghĩ chuyện đời thấy rất buồn cười. Như trong chuyện riêng của anh Việt kiều, từ khi người nấu canh cải bẹ xanh anh ưa bỏ đi mất, không biết bao nhiêu bà, ghé nhà anh cũng có, mời anh tới nhà cũng có để nấu cho anh ăn các món anh thích nhưng chưa bà nào vừa ý anh, cho đến độ anh phải về tới tận Việt Nam để tìm kiếm. Đi tới đâu, cũng có các bà, lạ lùng là toàn các bà, đủ mọi lứa tuổi, thông cảm hoàn cảnh đơn chiếc của anh, hết lòng giúp anh tìm người vợ đức hạnh. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy anh bứt rứt về người đàn bà lặng lẽ bỏ nhà kia. “ Hết thương cũng phải có lý do ”, anh vừa nói vừa lấy ngón tay ướt vẽ vòng vòng trên bàn.
– Chị biết không, vợ chồng như tay chân. Phải mất một cánh tay của mình, tôi đau đớn lắm nhưng một khi nó đã hư thúi rồi, tôi đành chặt bỏ nó. Thà đau đớn một lần.
Và không biết bà kia lúc xưa làm gì mà anh lại có thêm một câu “ Mười năm trước một lần trở về quỳ lạy khóc lóc, tôi đã tha thứ ”.
Vậy là bà này bị nhiều cám dỗ ? Tự nhiên tôi thở ra vì có người cả đời muốn bị cám dỗ một lần thôi mà không được !
– Vợ tôi giản dị, thích hoa dâm bụt, không sơn móng tay.
Anh nói câu này nghe buồn buồn như nhớ thương khiến tôi tò mò muốn biết thêm nhưng anh nói lảng qua chuyện khác. Song đôi khi thấy chuyện này mà suy ra được chuyện kia. Tôi là bạn mới quen mà nghe thì nhiều nói thì ít, rõ ràng thiếu bình đẳng. Lâu lâu mới chen được một câu tưởng là hay ho té ra bị quật lại nhiều câu, dài vô tận... Cho nên dần dần tôi đâm ra có ý nể bà thích hoa dâm bụt vì không phải một ngày một buổi mà bốn mươi năm... Tôi nể luôn cách bà ta lặng lẽ ra đi. Thật vậy, không đi ngay lúc ấy thì chắc khó đi và có thể mãi mãi chẳng bao giờ đi vì có lẽ không còn cơ hội nào nữa.
Như tôi, chẳng được ai cám dỗ, cũng không ai soạn va-li trống để trước cửa phòng ngủ, lại thiếu can đảm nắm lấy dịp may nghìn năm một thuở như bà kia thì lấy gì bỏ nhà bỏ cửa. Về đây chưa đầy hai tuần mà đã tính đường quay về Paris để sống bên cạnh người bạn đời không biết đang nghĩ gì, nhớ ai và để tiếp tục nhận tình yêu mà mình không phải là người duy nhất được hưởng. Cũng phải quên để sống. Đâu phải chỉ có mình ! Còn con cái, cháu nội cháu ngoại. Còn danh giá gia đình ! Vả lại tôi chưa phải là người đàn bà đau khổ nhất trên đời này kia mà ! Nhiều bà khổ bằng vạn mà họ chẳng hề rục rịch, nhúc nhích !
Trong lần hẹn thứ ba ở quán cạnh Hồ Con Rùa, khác với hai lần trước, tôi đến sớm đợi anh Việt kiều. Bắt đầu nóng ruột thì có chiếc ôtô dừng trước quán và thấy anh ta tươi cười mở cửa xe cho người lái bước xuống, một phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng. Nhận xét đầu tiên của tôi là trên mười móng tay của cô này có vẽ mười hoa hồng rực rỡ. Và nhận xét thứ hai là cô có phong cách lãnh đạo, vừa thuyết phục vừa cương quyết. Từ lúc kêu ba kem trái dừa cho tới lúc được phục vụ, cô đã lên xong chương trình cho chuyến đi tham quan nhà đất ở Cần Giuộc sáng mai của hai người, ăn đâu, ngủ đâu, đi đâu, gặp ai… Về đây, thấy cô em dâu ngồi chễm chệ trên ghế bành và thằng em kéo chiếc ghế đẩu ngồi kế bên, tôi đã hình dung được bước nhảy vọt của phụ nữ Việt Nam ngày nay.
Khi họ đi rồi, tôi còn ngồi nán kêu thêm trái dừa tươi vì không biết bao giờ tôi mới trở lại quán này. Vừa uống tôi vừa suy nghĩ mông lung. Như anh Việt kiều tưởng chừng là người khó đổi thay, vậy mà khi nhìn anh xoắn xuýt bên cô gái lái xe đi Cần Giuộc, tôi thấy anh khác hẳn, cảm thông, hoà giải, nhẫn nại. Nếu bà thích hoa dâm bụt mà biết cảnh này, không chừng bà sẽ nuối tiếc, ân hận. Nuối tiếc đã đánh mất một người chồng tuyệt vời ! Ân hận đã lững thững ra khỏi nhà, bỏ lại sau lưng bao nhiêu thứ chắt chiu cả đời !
Thực ra thì chỉ bà ta mới biết tại sao bỏ nhà cũng như chỉ tôi mới biết tại sao ở lại. Nhưng dù đi hay ở, đã do mình lựa chọn thì phải sống thật hạnh phúc !
Thế là ba mảnh đời ba ngả. Tôi trở về phương Tây, anh Việt kiều ở lại phía Đông, còn bà thích hoa dâm bụt, tôi không biết bà ở góc biển chân trời nào song không hiểu sao tôi vẫn đinh ninh bà sẽ gặp một người, một người đàn ông chắc chắn thơ mộng, người đã từ lâu đi tìm kiếm bà, như đuổi theo định mệnh.
Đầu năm 2014
Ninh Kiều
(1) người hùng.
Các thao tác trên Tài liệu