Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hoài ảo

Hoài ảo

- Vũ Hồi Nguyên — published 02/12/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Trích trong tập Gửi những ngày đi qua của Vũ Hồi Nguyên

Truyện ngắn

Hoài ảo


Vũ Hồi Nguyên


vhn

Gửi những ngày đi qua, nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2014, là tập truyện thứ nhì của Vũ Hồi Nguyên xuất bản tại Việt Nam sau tập Một độ khóc cười (2006). Vũ Hồi Nguyên viết ít, văn không phải nghề của anh (một kỹ sư tin học sống tại Pháp), thi thoảng xuất hiện trên một số tạp chí ở nước ngoài như Hợp Lưu, Văn Học, Da Màu (ở Mỹ), hoặc Chim Việt Cành Nam và Diễn Đàn (Pháp).  Gửi những ngày đi qua cũng là tên truyện ngắn cuối cùng của tập này, đăng trên Diễn Đàn đã được 4 năm nay, một cuộc gặp lại giữa một cặp vợ chồng ở Pháp và một người bạn cũ của hai người đã bỏ sang Mỹ từ lâu không liên lạc, với những suy ngẫm, hồi tưởng của từng người, với một hiện tại nửa "happy end" nửa lững lờ hứa hẹn - một chuyến về chung nhưng chưa biết bao giờ và cũng chưa biết sẽ ra sao... Nhưng những nhân vật của truyện là "thật", hay ít ra, gần với thật, rất thật trong những chi tiết của cuộc sống, vật chất hay tâm lý. Kể cả khi anh dựng lên những hoàn cảnh khác (Bóng ngược đời, Hoả châu), hay kể lại những câu chuyện không thể xảy ra (Những vùng hoang), khi anh tự tưởng tượng mình trong vai nhân vật của một nhà văn khác (Cái tôi tưởng tượng), hoặc khi anh vẽ ra một bức tranh xã hội mà những người sống với đất nước Việt Nam khốn khổ ngày hôm nay không thể không quen biết (Bữa cơm gia đình)... 

Hoài ảo mà Diễn Đàn được tác giả cho phép đăng lại dưới đây là một đại diện xứng đáng cho tính đa dạng của những mẩu chuyện trong Gửi những ngày đi qua. Xin mời bạn.


Khởi đầu là một không gian hoàn toàn trắng. Trắng tuyệt đối. Trắng tinh nguyên. Trắng lòa. Cả một khối trắng đặc sệt vây bọc tôi tứ phía, bao phủ lên tôi. Không có gì có thể nhìn thấy trong cái biển trắng ấy. Vắng hẳn màu sắc, dù là một vết mờ nhạt. Vắng mọi hình thái, mọi đường nét thô sơ đến đâu đi nữa. Vắng tới cả một cái bóng từ ngoài tầm mắt dội vào. Khối trắng tràn đầy đôi mắt tôi, loang lổ trong cơ thể, xóa sạch tất cả. Các âm thanh cũng biến mất. Im lặng tột cùng. Im lặng trống rỗng. Không mảy may một tiếng động nhỏ, một thoáng âm ngắn, một hồi vang, một nhịp đập hay một hơi thở. Tìm bất cứ một điểm mốc nào cũng vô ích vì chẳng còn gì sinh động. Cho dù chỉ là một cái gì đó động đậy, cựa quậy hay thấp thỏm. Làn ranh giữa tôi và thế giới của nhận thức biến mất, khiến các giác quan không còn chỗ làm chức năng giao diện. Tôi đã chìm vào một cõi vô thức. Tôi đã đối diện với hư không. Không biết cuộc sống đã ngừng lại bao lâu. Thời gian khi đó không còn ý nghĩa. Nó đã lạc hết những khởi điểm và chẳng dựa vào được một chuyển động nào để đo lường tiến hóa.

Những thay đổi sau đó đến rất chậm. Con mắt phải mở thật to, nhìn thật kỹ, mới nhận ra là cái trắng độc nhất từ từ trở thành nhiều thứ trắng khác nhau, càng lúc càng phân biệt được. Trắng chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ đặc chỗ loãng, chỗ sâu chỗ cạn, chỗ ấm chỗ lạnh. Trắng bây giờ mới thực sự là màu, nhắc nhở đến những màu sắc khác. Trắng bây giờ là những lớp dày lớp mỏng chồng chất lên nhau. Trắng bây giờ là những vùng có giới hạn đan xéo vào nhau. Rồi trắng trở thành ánh sáng. Một ánh sáng chỉ đều đặn được một lúc, trước khi làm xuất hiện những khoảng đậm đầu tiên. Không gian không còn phẳng. Có các vết nhàu như những vết rạn nứt. Sự thuần nhất từng bước nhường chỗ cho những săc thái cứ nhiều lên dần. Mọi thứ biến chuyển liên tục không có đứt đoạn. Từ đằng sau các lớp trắng, những màu sắc khác chậm chậm theo nhau đến, chỗ ít chỗ nhiều. Đồng thời, những đường nét nổi lên ở các ranh giới màu sắc. Chúng cùng màu sắc bộc lộ từng mảng hình thái ra khỏi cái mờ ảo trước đó. Một chiều kích khác xuất hiện. Không biết từ lúc nào im lặng không còn như trước. Có những tiếng động đến từ rất xa như rung rinh trên một nền âm xào xạc. Im lặng lùi về đằng sau những nốt nhạc ngắn dài lẫn lộn với những âm động hỗn độn. Im lặng đã có lỗ hổng, có nơi chuyển thành âm. Nó có chỗ mở đầu và chỗ chấm dứt như những âm thanh khác. Những giác quan của tôi tỉnh dậy, tìm bắt thế giới chung quanh. Không gian cứ thế giàu lên với những gì nhìn và nghe thấy được. Giữa những âm thanh đủ loại tôi bắt đầu nhận diện được những xì xào của giọng nói con người. Các âm rời rạc sau đó họp nhau lại thành những chuỗi lời của một ngôn ngữ càng lúc càng quen thuộc. Cho tới khi cái nhìn của tôi bắt gặp hai điểm đục mờ và linh hoạt. Cuối cùng tôi nhận ra một đôi mắt áp vào mắt tôi, thỉnh thoảng chớp chớp. Đột nhiên, một lớp màn mở toang, và tôi nghe rõ : « Bố ! Bố ! Bố tỉnh rồi ! Mẹ ơi ! » Hiện ra một cô gái đang lay mạnh đôi vai tôi. Tôi như vừa làm một cố gắng phi thường, người mệt rã rời. Tôi thấy có thêm một người đàn bà chạy lại đằng sau cô gái.

Người đàn bà và cô gái không xa lạ, còn rất quen thuộc không chừng. « Anh, sao anh nhìn em như thế ? Em đây mà ! Em và con gái anh. Em, Mai, và con Hương. Anh phải nhận ra chứ ! » Tôi nhắm mắt lại. Tôi chắc chắn biết hai người này.


*        *

 *

Sau đó những gì tôi nhận diện được chưa phải lúc nào cũng hiểu được ngay. Đồ vật chung quanh, một khuôn mặt, những câu nói nghe được, một số cử chỉ, vẫn gợi lên nhiều câu hỏi, có khi là cả một sự hoang mang. Mọi chuyện đều cần một cố gắng của tôi để đầy đủ ý nghĩa và trở thành một sự thật. Cảm thức cần thêm thời gian để trở thành ý thức. Khi hiểu dần cái thực tế chung quanh thì tôi lại nhận ra rằng mình quên rất nhiều. Từ chuyện xa đến chuyện gần. Từ những việc đã làm, đang làm hay dự tính làm, đến những thói quen có trước đó. Từ những người đã từng biết từng gặp đến những người gần gũi mình.

Đành dựa vào những lời kể của người thân. Mai là vợ tôi, đã gần 15 năm rồi. Hương là đứa con gái của chúng tôi, bây giờ 14 tuổi. Tôi đã bị một tai nạn dẫn đến một cơn hôn mê kéo dài 2 ngày. Hiểm nguy đã qua, không có gì mất hẳn. Sức khỏe sẽ bình thường trở lại. Cần ở nhà thương 2-3 tuần rồi ngưng đi làm thêm vài tuần. Mai nói «  Anh đừng lo, bác sĩ quả quyết rằng bộ não anh không bị chấn thương nặng. Sau một tai nạn như vậy đầu óc có thể còn chút vấn đề, nhưng nó sẽ từ từ tỉnh lại hoàn toàn. Anh cứ yên trí, chỉ nên lo nghỉ ngơi. Và nhất là phải kiên nhẫn, thật kiên nhẫn. » Tôi đồng ý thôi, còn sức đâu mà mất kiên nhẫn. Chắc chắn cần nhiều thời gian để mình quen lại cuộc sống.

Những ngày đầu nghe thảm hại làm sao. Con Hương kể « Mắt bố như mất đến cả khả năng nhận diện. Bố cũng chẳng hiểu con nói gì, dù con cố gắng nói thật chậm và lập đi lập lại. Lúc khá hơn sau đó, bố vẫn phải mất một vài phút trước khi có được một phản ứng về bất cứ chuyện gì. »

Tôi không nằm bệnh viện lâu hơn dự tính của bác sĩ. Những tiến bộ ngày càng nhanh. Ai nấy đều lạc quan. Vợ tôi nhắc đi nhắc lại « Anh đã thoát hẳn rồi. May ơi là may. Thoát chết là cái chính. Còn sau một biến cố như vậy, không phải một sớm một chiều mà mọi chuyện có thể như trước. Nên anh đừng nóng lòng, đừng nản chí. » Có lẽ Mai nhắc nhở điều ấy cho chính mình. Chứ tôi còn rất mệt, chẳng nghĩ gì cả, chỉ muốn mọi chuyện chậm lại cho tôi bắt kịp.

Có những bước tiến dễ đo lường. Như cái không gian đi lại của tôi ngày càng rộng ra. Từ chiếc giường bệnh giữ tôi bằng mớ dây dựa đủ loại, ra mấy thước vuông của căn phòng dịu một màu xanh, đến khu vườn bệnh viện rộng dần cho những bước chân ngập ngừng. Và bây giờ thế giới tôi là cả một căn nhà nhiều phòng và có lầu. Chẳng đợi gì, cơ thể tự nó tìm lại cách vận hành, các phản xạ và các trạng thái thăng bằng. Đúng là một bộ máy tinh vi tuyệt hảo, những bộ phận không dễ hư hỏng vĩnh viễn. Sắp tới đây tôi sẽ ra ngoài làm quen lại với phố phường. Cuộc sống sẽ không ngừng thêm màu sắc và âm thanh. Tôi sẽ biết vui với những ngày nắng ấm và lời nói tiếng cười ở chung quanh.

Vấn đề còn lại là cái trí nhớ. Quên nhanh, quên hết chuyện này đến chuyện khác, kể cả những việc đã làm nhiều lần hay vừa làm xong. Bệnh viện đề nghị tôi theo học các khóa luyện tập trí nhớ, chủ yếu dành cho những người bị bệnh Alzheimer. Cho dù cái khác giữa tôi và các người này là ở chỗ họ chỉ hy vọng hoãn lại ngày đi vào cõi vô thức, còn tôi thì ngược lại, tìm trở về sự sống bình thường. Tôi chăm chỉ với những bài tập đa dạng : tập lặp đi lặp lại một thao tác, tập thuộc lòng những con số và từ ngữ, tập nối kết hình ảnh với một câu chuyện, tập tìm lại thứ tự trong một danh sách, vv... Tôi luyện với các viên thuốc trắng đỏ. Gắn từng loại với giờ giấc phải dùng trong ngày, rồi với cái tên của nó, hoàn toàn vô nghĩa đối với mình. Tôi cố nhớ từng động tác khí công, tiếp theo là sự nối tiếp động tác trong một chuỗi cố định. Từ một công việc hàng ngày, phải lập một chương trình chi tiết, tạo thứ tự chính xác của các thao tác, để thực hành đều đặn cho tới khi nó thành một thói quen không thể quên.

Tạo cho mình càng nhiều thói quen càng tốt. Vì những thói quen mới sẽ một lúc nào đó gợi lên những thói quen của thời trước, khi có sự trùng hợp về thời điểm. Lúc đó trí nhớ sẽ hướng về một bối cảnh cũ, từ từ nhìn rộng ra thành một thời kỳ đã qua. Bình thường thì thói quen làm mất đi nhận thức về một hành động hay một sự hiện hữu. Như khi con mắt không còn nhìn thấy một bức tranh đã hiện diện quá lâu trong nhà. Nhưng ở đây thói quen đặt những cái mốc trên một con đường cái, chỉ chỗ rẽ vào những lối đi về quá khứ trước khi bắt lại dòng thời gian.

Cứ như thế cuộc sống hàng ngày của tôi đi vào ý thức. Tôi quen nhanh với sự hiện diện của vợ con, với những sinh hoạt của gia đình. Thấy đó là những sự hiển nhiên, không gây một thắc mắc nào. Chẳng biết chúng thành hiển nhiên từ bao giờ, nhưng tôi không thể hình dung được một môi trường sống tập thể nào khác cho mình. Các bước đi lại trong nhà của mỗi người, các giọng nói tiếng cười từ phòng này qua phòng khác, các bữa ăn chung đã là những năm tháng của tôi từ lâu lắm rồi. Bây giờ chỉ khác là tôi chưa tham gia được nhiều vào các câu chuyện trao đổi. Vì không nhớ một người nào đó được đề cập, một số sự kiện đã qua, hay một dự tính có từ trước tai nạn.


*        *

 *

Nhưng nếu hiện tại đã rõ nét thì đầu óc tôi vẫn còn những lỗ hổng đáng sợ. Nó đã mất đi nhiều mảng lớn của dĩ vãng. Những năm tháng cũ nhặt lại được bây giờ đầy thiếu sót. Không còn gì chắc chắn. Như kẻ thiếu chỗ bám víu, tôi thường trực có một cảm giác chênh vênh bất ổn. Có những sự kiện bây giờ không hiểu hay hiểu sai. Vì chúng lạc nguồn gốc, thiếu nguyên nhân, không còn cái quá trình dẫn đến chúng. Cứ phải đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác, với những câu chuyện không đầu không đuôi. Chẳng có thể nối kết chúng với một cái gì trước đó, nên chẳng có thể biết được cái gì tiếp theo. Ký ức đã mở cửa đón nhận những kỷ niệm xa gần. Nhưng cho tới bao giờ chúng mới đầy đủ nội dung và được sắp xếp hợp lý ? Có lẽ từ trước đến nay tôi thuộc loại người ít khi ngoảnh mặt lại nhìn những chặng đường đã qua. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu, chẳng ai có thể đi tiếp với một quá khứ sứt mẻ, rời rạc, hỗn độn.

Mai bỏ nhiều thì giờ kể về những kỷ niệm. Chuyện riêng tư giữa nàng và tôi, chuyện gia đình họ hàng và bạn bè thân. những khúc quanh quan trọng. « Anh có nhớ thời chúng mình còn sinh viên ? Em sống lủi thủi một mình trong Cité Internationale de Paris, chỉ quen mỗi anh vì anh hay đứng phát truyền đơn chống Mỹ nơi cửa vào khu cư xá sinh viên này. Hồi đó ai mà ngờ một kẻ sôi sục như anh và một cô gái an phận như em lại hợp với nhau. »

Mai không ngại nhắc lại lần đầu hai đứa làm tình. Chiều hôm đó, ở căn phòng chật chội của nàng, tôi nói luyên thuyên về những lý tưởng mình đã chọn. Đấu tranh cho một xã hội công bằng và bình đẳng, đứng về phe những con người yếu thấp và nghèo khổ, lấy sự dấn thân cho kẻ khác làm lẽ sống của tuổi trẻ mình, và nhiều ý tưởng cao đẹp khác. Mai càng nghe càng thấy những lời nói của tôi trừu tượng và khô khan. Lạ thay, cái hăng say của tôi lại hướng nàng về một quan tâm khác, chẳng liên quan gì tới những mỹ từ to lớn tôi trải ra. Nàng chỉ chú ý tới sự hiện diện sát bên mình của một thanh niên đầy sức sống. Rồi dần dần Mai thấy rạo rực ở nàng nhu cầu trút bỏ mọi dè dặt để hai cơ thể đối giới đến với nhau. Khi đó nàng chỉ nghĩ cách kéo tôi vào thân thể nàng. Dù vụng về lộ liễu đến đâu, nàng phải cho tôi hiểu nàng muốn gì. Mai cắt lời tôi, than về những vết sẹo tưởng tượng chỗ này chỗ kia trên người, dắt những ngón tay tôi đi vào sau lớp vải để tìm chúng, ghì tôi vào những chỗ da nàng ở trần, đưa lưỡi ra nhận nụ hôn còn ngập ngừng, giữ tôi lại ở hai đầu vú chợt cứng, rùng mình khi tôi xuống vùng kín của nàng, mở vội vàng những chiếc khuy áo quần của hai người. Mai chủ động cho tới khi những lời nói trong sạch cuối cùng của tôi tắt hẳn trên nệm giường.

« Cái thời mới có con Hương là lúc chúng mình gặp nhiều khó khăn nhất. Nghèo ơi là nghèo ! Anh thất nghiệp mãi, em thì phải xin nghỉ ở nhà trông con. Có bữa chỉ có con Hương được ăn đầy đủ. Có lẽ từ thời đó em đã mất hẳn sở thích ra ngoài đi xi-nê nghe nhạc, và ngừng luôn chuyện viết lách. Còn anh, anh không thể tiếp tục hoạt động trong phong tráo Việt kiều chống Mỹ, xa lánh tới cả chuyện chính trị. Khi kiếm được việc làm thì anh lại phải đi hết nước này đến nước khác, vợ con có đi theo được đâu. Lúc anh đổi công ty, chúng mình tưởng sẽ có một cuộc sống gia đình bình thường hơn. Nào ngờ chỉ một hai năm sau, họ lại cử anh về Việt Nam liên miên, có lần cả năm trời.  Những thời kỳ anh sống một mình xa nhà thì em biết đâu mà kể. Không, em không có ý trách móc. Em muốn nói rằng anh phải tự nhớ lại những thời gian anh xa gia đình. Chỉ như thế dĩ vãng anh mới trở về đầy đủ, không bị đứt đoạn. »

Có những buổi cả nhà cùng ngồi coi lại những tập hình kỷ niệm. Hình Mai khi còn là một thiếu nữ thích làm dáng. Hình con Hương ở từng bước trưởng thành, từ tuổi còn phải ẵm đến tuổi thành cô gái lắm trò. Hình đám cưới với quá đông kẻ xa lạ, khiến vợ con tôi phải giới thiệu lại từng người, kể cả họ hàng gần. Hình những buổi họp bạn với nhiều khuôn mặt mất tên và chẳng tìm được một câu chuyện nào để gắn vào. Hình nghỉ hè du lịch chỗ này chỗ kia, với vô số trường hợp đã quên nơi và năm chụp. Những tháng ngày đầy nụ cuời, cho thấy một cuộc sống vừa ý mọi người.

Tôi nhìn kỹ từng tấm hình và chăm chú nghe từng lời kể của vợ và con. Phải biết cuộc sống của mình đã như vậy. Phải hiểu những ngày vui có rất nhiều, gom lại cũng thành một cuộc sống hạnh phúc. Cho dù có lẽ ở đây còn thiếu những câu chuyện không nên nhớ lại. Cả một mảng lớn của quá khứ đã hiện ra rõ ràng, với những lời giải thích cặn kẽ đi kèm. Nhưng cái khó hiểu là nó không làm thức dậy ở tôi một tình cảm nào sâu đậm. Tôi không cảm thấy mình thực sự gắn bó với những gì mắt nhìn và tai nghe được. Tôi chẳng khác một khán giả cố gắng tiếp thu với đầy đủ thiện chí, nhưng vẫn là một kẻ ngoài cuộc. Hoặc như một người nhìn mình trong gương. Đúng là mình đấy, nhưng chỉ nhìn thấy một chân dung, phần ngoại hình của một cá nhân, một đối tượng của đôi mắt.

Cuộc sống trước khi lập gia đình trở về song song với những chuyện kể của Mai và con Hương, không có ai giúp vào. Thời sinh viên, thời học sinh, tuổi vô tư, tuổi khắc khoải, những tình bạn ít nhiều gắn bó, những tình yêu ngắn dài, vv...Thiếu những tấm hình, những trang giấy ghi lại, những chứng nhân, những kỷ vật, nên kỷ niệm ở đây không có bằng chứng. Ký ức tôi vận động như ở nhiều người lão. Nó đi ngược thời gian, càng lúc càng lùi xa hiện tại, đi đến cả những vùng nhớ chưa bao giờ xuất hiện. Và dĩ vãng xưa cứ đầy dần chi tiết, từng bước lấn chỗ những giai đoạn gần hơn.

Rồi các khoảng thời gian đi làm xa gia đình hiện lên như sự tiếp nối của thời độc thân. Không như phần bổ sung cho cuộc sống gia đình. Tôi nhớ lại những lần về quê hương với biết bao nhiêu đổi thay mỗi lần. Nhận thấy cái thực tại ở đây quen thuộc đối với mình một cách nhanh chóng và tự nhiên. Không chừng gần gũi hơn cả nơi mình hiện cư trú dù đã từ lâu. Tôi nhớ lại những đất nước khác đã đi qua công tác, ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Á. Những xã hội đã thoáng nhìn thấy, thường ở các thành phố lớn, với những đám đông xa lạ và những cá nhân chỉ gặp một lần Cả một mớ kỷ niệm rời rạc chẳng liên quan gì tới đời sống đâu đã vào đó của gia đình tôi.

Mọi người cho biết gia đình tôi hạnh phúc, ít nhất cũng không gặp một thảm họa hay một vấn đề nào lớn. Không có mâu thuẫn đáng kể giữa ba người trong gia đình. Sau giai đoạn đầu túng thiếu, mức sống sau này với hai đồng lương cũng có thể xếp vào hạng trung lưu. Chung quanh ai cũng nói gia đình đã đem lại cho tôi một chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội, sự an toàn và một nền tảng tình thương vững chắc. Vậy không hiểu với thân phận may mắn như vậy tại sao đầu óc tôi lại nhìn về phía khác, chú tâm vào những khúc đời không yên tĩnh bên ngoài gia đình. Những khúc đời nặng các đam mê sôi sục, các tham vọng điên cuồng, đi cùng với những thất vọng, bất mãn, tổn thương tình cảm, và một nỗi cô đơn dai dẳng. Những khúc đời đậm màu sắc của những niềm vui nỗi buồn không được kiềm chế. Chúng sống động đến độ như hút cả sức sống của thời gian dài tôi đã chia sẻ với vợ con.

Tình trạng lại phức tạp lên khi giấc ngủ đón nhận những cơn mơ. Những cơn mơ ngày càng nhiều, ngày càng xa rời quá khứ và hiện tại. Hồi ức lúc đó nhường chỗ cho một thế giới ở ngoài thời gian. Sự tưởng tượng loang dần vào bộ não, biến hóa những gì tưởng đã thật, và đem lại những mẩu chuyện phi lý. Vẫn biết những cơn mơ thường không có nối kết đương nhiên với một sự kiện hay một nỗi ám ảnh nào đó để có một cách giải thích. Chúng đến từ đáy cùng của nội tâm, từ cõi vô thức. Nhưng ở tôi chúng còn gặp một trí nhớ tật nguyền, đầy lẫn lộn, và chính nó cũng đã thấm nhiều tưởng tượng.

Cho tới lúc những sự thật gom lại cũng không khoanh vòng nổi cái không gian không thật. Và tôi bắt đầu mơ cả ở ngoài những giấc ngủ. Có lúc mơ ngay từ những chuyện kể của Mai, bóp méo rồi thay đổi những gì nghe được. Thí dụ như lời kể của Mai về lần đầu hai người làm tình. Bây giờ tôi không còn biết chuyện có thật đến đâu. Có thể không phải là Mai kể, mà là tôi gắn cho Mai những lời tả. Có thể người phụ nữ của hôm đó không phải là Mai. Có thể những lời nói hăng say cao thượng là của người phụ nữ, cái thèm thuồng sinh lý và sự chủ động chuyển qua hành động là của tôi. Có thể tất cả câu chuyện với những chi tiết của nó chỉ là một ảo ảnh tính dục đã đi vào đầu tôi.



*        *

 *

Em đã trở về trong tôi. Một hình bóng khi rõ nét khi thoáng mờ. Có lúc chỉ như ngọn gió đến làm xào xạc một chùm cảm xúc. Có lúc là một ám ảnh ở mãi với nhớ mong. Tôi nhìn thấy em nơi sự thật và hư ảo quyện vào nhau, với biết bao nhiêu ước mơ và đợi chờ tụ lại. Em là một thân thể đàn bà đã mê hoặc tôi trên khắp một làn da. Là một khuôn mặt tôi đã giữ lại đôi mắt của sự trìu mến và của những giọt nước mắt lỡ chảy, đôi môi của các nụ cười và các lời nói. Là một mái tóc dẫn tôi vào bóng tối êm dịu, những ngón tay mời đón tôi về các vùng dao động. Nhưng em không chỉ là tất cả thực tế của một người đàn bà. Em còn là những câu chuyện sáng đẹp tình người và những câu chuyện âm u nỗi buồn và sự mất mát. Là những đoạn đường nối lại thành một thân phận nhỏ bé loay hoay trong thế giới của con người.

Mỗi lần tôi gặp em là một sự tình cờ hiếm có. Nhân gian chẳng khác gì một vũ trụ bất tận với vô vàn chiều kích. Một vũ trụ dư thừa không gian và thời gian để cả tỷ hành trình cá nhân không bao giờ đụng nhau. Mà hai hành trình có đụng nhau đi nữa cũng chẳng mấy khi là một cuộc gặp gỡ thực sự, khi còn tất cả cách biệt của hai quá khứ và những gì chúng để lại cho hiện tại. Nhưng tôi đã gặp em,vì ở em tôi đã nhìn thấy những sự thật về chính mình.

Tôi nhớ rõ, có lần ở Hà Giang em và tôi ngồi cả một buổi chiều trong một quán nước, chờ một chuyến xe khách không biết bao giờ đến. Quán lụp xụp, vắng khách, nằm trơ chọi bên một quốc lộ mờ nhạt trong bụi và nắng. Chung quanh không còn cái hăm hở sống của thành phố. Thời gian như dãn ra cho mọi sinh hoạt chậm lại, cho cái nóng nặng thêm, cho những câu chuyện của em dư thừa chỗ nhận im lặng. Hôm đó em đã kể cho tôi về quê hương. Với khắp nơi những lớp hào nhoáng bắt chước văn minh tìm che lấp những sự thật đáng bi quan vô cùng. Với những giá trị chảy nhão trước sức mạnh của đồng tiền. Với cái nghèo đã đi vào quan hệ giữa người và người, và vào tận đầu óc của từng cá nhân. Em đã kể về cuộc đời của mình. Nó không bất hạnh bằng nhiều cuộc đời khác, có rủi ro thì cũng có may mắn. Nhưng không hiểu sao, em vẫn chưa với tới được một cuộc sống bình thường, như mọi người. Em vẫn chưa biết thỏa hiệp với xã hội để hết phải đứng lẻ loi bên ngoài đám đông. Rồi cuối cùng em đã nói về ước mơ đi xa. Đi thật xa. Xa khỏi cái thực tế của mình ngày hôm nay, rời một quê hương đã trở thành một miền đất lạ. Em không còn khả năng thích ứng, đã đến chỗ muốn bỏ cuộc. Không biết đi đâu, không biết đi tìm kiếm gì. Cũng chẳng chắc chắn có một không gian nào khác cho mình hay không. Nhưng nhất định em phải đi xa. Như cần làm dịu lại những dòng máu chảy trong mạch não, để có được một hơi thở khác.

Tôi nhớ rõ, có lần em và tôi dạo bộ trong đêm Paris. Tránh những đại lộ quá nhiều ánh sáng và âm thanh, chọn những con hẻm với lối đi còn lót đá. Đêm đã hội tụ các gia đình trong những căn nhà ấm cúng, và mở các tiệm ăn, quán nước, nơi giải trí cho những kẻ muốn vui muộn. Còn lại em và tôi lang thang vô định giữa một thành phố 10 triệu người. Hôm đó em cố tìm những chuyện cười, bóp méo những chuyện thật cho vui lên. Và em đi vào chi tiết những vấn đề lặt vặt của cuộc sống hàng ngày. Nhưng tôi biết, những thương tích bây giờ đã làm em muốn diễu cợt thực tế, như lùi ra xa trong một thái độ phòng thủ. Tôi biết, em lao vào những quan tâm vật chất để quay lưng lại những ý tưởng cao thượng còn sót ở mình. Tới bao giờ em mới ngừng mơ về một thế giới đầy đủ tình thương ? Tới bao giờ em mới hết chờ đợi một xã hội hoàn hảo ? Tới bao giờ em mới thực sự chấp nhận những giới hạn của con người ? Mỗi lần em hoạt động cho một nước Việt Nam tự do và công bằng, cho hòa bình ở một nơi nào đó đang chìm trong chết chóc và hận thù, cho những con người bị tước đoạt nhân phẩm, cho những dân tộc vẫn còn bị trói vào nạn nghèo đói, mồi lần như vậy, em lại trở về với những bức xúc và một tâm trạng bất lực. Niềm tin em đặt vào những cuộc đấu tranh cho người khác cứ thế héo mòn theo thời gian. Những ngờ vực hiện lên thay thế. Em hãy coi chừng, lý tưởng như những tham vọng quá lớn, có thể đè bẹp sức sống của một cá nhân. Đêm hôm đó, tôi thấy em quá mong manh trong những ánh đèn cuối cùng của thành phố.


*        *

 *


Tiếng cười đùa la hét lớn dần từ sân trường tiểu học trước nhà làm tôi tỉnh dậy. Tôi bước ra cửa sổ, nhìn từng đám học sinh ùa ra sân vào giờ nghỉ, tỏa về tứ phía cái ồn ào nghịch ngợm của trẻ thơ. Nắng rối rít ra đón. Quần áo xanh đỏ, da trắng da đen da vàng, sân trường như một bức tranh nền xám càng lúc càng nhiều màu sắc sinh động, với đây đó vài nét náo nhiệt từ những đứa bé dượt đuổi nhau giữa chỗ đông người. Niềm vui hàng ngày của tôi ở đây, ở sự bừng sống của một không gian bé nhỏ trong một thời gian ngắn ngủi. Mọi chuyện như có thể bắt đầu trở lại từ không gian tinh khiết này. Nhìn sân trường vào giờ nghỉ, bây giờ tôi muốn những ngày tháng của mình được kết sợi bằng những niềm vui nhỏ, tầm thường thôi, chẳng cần lâu dài, nhưng có thật, dù với phần tưởng tượng của chúng.


Vũ Hồi Nguyên

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us