Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trường Đồng Khánh và buổi học văn đầu tiên

Trường Đồng Khánh và buổi học văn đầu tiên

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 18/12/2011 18:52, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Trường Đồng Khánh
và buổi học văn đầu tiên


Nguyễn thị Kim Thoa



cong-truongRời trường tiểu học Thế Dạ, tôi vào trường Đồng Khánh.

Cảm nhận đầu tiên khi trở thành nữ sinh Đồng Khánh là tôi rất vui mừng và hãnh diện. Vui mừng và hãnh diện vì thấy mình đã lớn, đã là học sinh đệ thất của bậc trung học, lại là lớp đệ thất của một trường nữ trung học công lập danh giá nhất của thành phố Huế lúc bấy giờ (1962). Nhưng niềm vui và hãnh diện của tôi không trọn vẹn. Cái tên Đồng Khánh đặt trên cổng trường, viết trên nhãn vở đã khiến tôi buồn rầu và thắc mắc. Một ông vua do Tây lựa chọn và đặt để làm bù nhìn sao lại là tên trường của tôi? Ở trường tiểu học Thế Dạ, cô giáo Liên ở lớp nhì rồi cô Tuyết Ba ở lớp nhất đã nói cho chúng tôi biết rằng Đồng Khánh khi lên ngôi phải qua tòa Khâm sứ phục mạng và suốt bốn năm làm “giả vương” ông đã làm nhiều điều tồi tệ theo lệnh của Tây, một trong những việc tồi tệ nhất là ra Quảng Trị chiêu dụ nghĩa quân Cần Vương ra hàng.

Chuyện giả vương và tên trường “Đồng Khánh” theo tôi suốt không chỉ bảy năm trung học. Năm lên đệ tam (lớp mười bây giờ) phản ứng của tôi là đã viết tên Huyền Trân Công Chúa lên nhãn vở (thay vì viết hai chữ Đồng Khánh như những năm trước). Đa phần các thầy cô không để ý, nhưng hành động “phản chứng” của tôi không “qua mắt” hai thầy Hồ Hữu Hạnh (dạy anh văn hiện đang ở Mỹ) và thầy Hồ Duy Định (dạy Địa Lý – nay tôi không biết ở đâu). Thầy Hồ Hữu Hạnh tính khí nóng nảy, mỗi lần gọi học sinh lên trả bài, nếu không bằng lòng gì đó sẽ đôi vở qua cửa sổ. Một hôm sau khi trả bài xong, tôi cảm thấy hoảng sợ vì thầy Hạnh đã nhìn rất lâu vào cái nhãn vở mà tôi đã viết tên trường: Huyền Trân công chúa. Thầy hết nhìn nhãn vở, lại nhìn vào mắt tôi thật sâu, miệng hơi mỉm cười đầu hơi gật gật. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì thầy đã không đôi vở tôi qua cửa sổ.

Tôi cũng có một ký ức thật đẹp về thầy Hồ Duy Định cũng trong một trường hợp tương tự. Sau khi hỏi bài, xếp vở lại, thầy nhìn nhãn vở của tôi, mắt đăm chiêu nhưng có vẻ vui, thầy nói: “thôi trò về chỗ”. “Thôi trò về chỗ” một câu nói đơn giản, tôi đã nghe nhiều lần, nhưng lần này, tôi nhận được từ thầy Hồ Duy Định một sự biểu đồng tình, một chia sẻ kín đáo.

Trường Đồng Khánh là một tổ hợp kiến trúc gồm nhiều khối nhà và công trình lớn nhỏ, chính - phụ nằm trên một mặt bằng mà bốn phía đều là đường. Mặt tiền trông ra đường Lê Lợi, nhìn qua công viên, sông Hương như một dải lụa màu kim tuyến vàng óng ánh trong nắng chiều, màu khói lam trong sương sớm. Cổng sau của trường mở ra đường Ngô Quyền và hai cổng bên, một mở ra con đường nhỏ nằm cạnh trường Quốc Học và một mở ra con đường nhỏ khác nằm cạnh tòa hành chánh tỉnh ở phía trước và nhà lao Thừa Phủ ở phía sau.

Trên đại thể Đồng Khánh và Quốc Học có cùng một mô hình kiến trúc. Cũng tường bao quanh màu hồng tía, cũng cổng có mái che nằm giữa bức tường trông ra đường Lê Lợi, cổng này gồm có cửa chính và hai cửa phụ. Cửa chính chỉ mở khi có lễ lạc và khách quan trọng. Hai cửa phụ nằm hai bên dùng làm lối đi cho thầy cô giáo, nhân viên văn phòng, phụ huynh và khách liên hệ công việc hàng ngày. Học sinh ra vào hai cổng bên. Cũng hai khối nhà hai tầng đối diện nhìn ra hoa viên với cây cao bóng mát, trụ cờ, nhà chơi. Cũng villa dành cho hiệu trưởng, giám học và khu hành chánh nằm hai bên cổng vào. Cũng sân vận động chiếm một phần ba mặt bằng tổng thể có cổng mở ra đường Ngô Quyền. Có lẽ bản vẽ của hai trường trung học nổi tiếng này là tác phẩm của cùng một kiến trúc sư. Mặc dù có sự giống nhau về vị trí, mô hình, mặt bằng, tổng thể... nhưng mới nhìn qua bất cứ ai cũng có thể nhận ra bên này là trường nữ bởi cái dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh mảnh, duyên dáng và bên kia là trường nam bởi cái hình thế cứng cáp, khỏe mạnh của nó. Chỉ với những đường nét thêm bớt, điểm tô bên ngoài, người kiến trúc sư đã tạo tác nên sự khác biệt khí chất bên trong.

Tôi không rõ trường Đồng Khánh được xây dựng chính xác năm nào, tôi áng chừng vào khoảng thập niên thứ nhất hay thứ hai gì đó của thế kỷ trước, bởi do tình cờ tôi đọc được một bài báo nói rằng năm 1924 học sinh Đồng Khánh đã gởi kiến nghị cho toàn quyền Đông Dương đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, nhà ái quốc vĩ đại, lãnh tụ phong trào Đông Du.

Một trăm năm trước chính quyền thực dân xây cho dân thuộc địa những ngôi trường như trường Đồng Khánh đến nay vẫn còn sử dụng được là một vấn đề người làm chủ đất nước chúng ta hôm nay nên nhìn lại tất cả các công trình xây dựng từ trường học, đến đường sá, cầu cống, dinh thự... do mình mới làm ra chẳng được bao lâu đã xập xệ xuống cấp.


truong


Mở đầu niên học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) của tôi tại trường Đồng Khánh là hai giờ Việt văn của cô giáo Ngô Thị Vinh. Bài giảng đầu tiên của cô giáo Vinh là bài: “Ngày tựu trường” trích trong tác phẩm Quê Mẹ của Thanh Tịnh. Trước hết, cô giáo Vinh đọc toàn văn của bài trích giảng, cô đọc rõ, chậm, lên bổng xuống trầm rất diễn cảm: “Hằng năm cứ vào cuối thu...”

Chúng tôi chú tâm thích thú cùng cô Vinh tìm hiểu cái hay, cái đẹp của bài văn theo trình tự của bài giảng văn mà một cô giáo có trình độ sư phạm cao, có năng khiếu trong công tác giảng dạy, có lương tâm chức nghiệp có được. Tôi không có ý định tường thuật đầy đủ hai giờ Việt văn đầu tiên của chương trình trung học tại trường Đồng Khánh khiến chúng tôi nhớ đời, khiến cá nhân tôi trở nên thích thú tiếng Việt và môn Việt văn mặc dù sau này lên cấp học chuyên ban và đại học tôi chọn một chuyên ngành khác để định nghiệp cho mình. Mấy dòng sau đây tôi ghi lại phần cuối của hai giờ Việt văn đã làm cho cô giáo Vinh trở thành một mẫu mực, một nhân tố quan trọng góp phần un đúc tâm hồn tôi. Dường như cô giáo Vinh sợ chúng tôi vì quá ngưỡng mộ văn chương của Thanh Tịnh mà nhập vai cậu bé làng Mỹ Lý – nhân vật chính trong đoạn văn trích từ Quê Mẹ, cho nên phần cuối bài giảng, cô dành để giới thiệu cho chúng tôi một nhân vật khác trong một đoạn trích khác lấy từ cuốn Le Livre de mon ami của Anatole France. Đó là cậu bé người Pháp, vai mang cặp, đầu đội mũ ca lô lệch, chân nhảy sáo, tự tín một mình trong vườn hoa Lục Xâm Bảo bên cạnh những pho tượng trắng dưới những ngọn lá vàng rơi trên đường đi đến trường. Sau khi đọc xong đoạn văn, giới thiệu qua tác phẩm, tác giả, cô hỏi chúng tôi:

– Các em nhận định thế nào về hình ảnh và tính chất của hai cậu bé trong hai đoạn văn trên?

Nghe vừa xong câu hỏi, người tôi rân rân, tai ù và bắt đầu nóng. Tôi không còn biết chung quanh tôi các bạn phản ứng thế nào trước câu hỏi của cô giáo. Một trạng thái tâm lý mà càng lớn lên tôi càng nhận rõ là tôi xấu hổ, xấu hổ rất nhiều. Tôi nhớ lại năm năm trước cũng bằng tuổi cậu bé làng Mỹ Lý và cậu bé người Pháp trong vườn Lục Xâm Bảo, tôi đã đi đến lớp học vỡ lòng của cô giáo Lan ở thôn Vỹ Dạ trên vai ông cậu Mới (người làm vườn, là cậu của ba tôi). Không những ông cậu Mới chỉ cõng tôi một lần trong buổi học đầu tiên, mà ông đã cõng tôi đi về suốt sáu tháng của lớp vỡ lòng. Tôi đã hãnh diện và sung sướng được ngồi trên vai ông cậu Mới nhìn xuống đám bạn bè lúc thúc đi trên đường xóm. Ba me tôi tỏ ra yên lòng khi tôi được đưa đón chu đáo. Sự hổ thẹn và bất mãn với chính mình càng lúc càng tăng khi tôi so sánh cậu bé làng Mỹ Lý với cậu bé người Pháp của Anatole France, cuối cùng tôi so sánh tôi với cả hai. Tôi đã không trả lời cô giáo, không nhìn bạn bè chung quanh cho đến cuối giờ Việt Văn. Nhưng rồi tuổi trẻ hồn nhiên đã khiến tôi chóng quên những xúc động đột xuất. Sự xấu hổ và bất mãn của tôi rồi cũng qua đi, nhưng nó không hề mất, nó chuyển hóa thành nỗi ưu tư, thành một vấn đề ám ảnh mà càng lớn lên cùng với sự hiểu biết ngày được tích lũy thêm, cộng với những thông tin thu nhận ngày một nhiều hơn, tôi có đủ điều kiện để soi rọi tâm hồn mình. Bài học Việt văn đầu tiên với cô giáo Vinh tại lớp đệ thất trường Đồng Khánh trở thành chất liệu xúc tác cuộc giao tiếp (xung đột và hội nhập) văn hóa Đông - Tây diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt trong tâm hồn tôi. Cả cô giáo Vinh, cả Thanh Tịnh, cả Anatole France đã cung cấp cho tôi những năng lượng tinh thần mà nếu không có họ tâm hồn tôi sẽ nghèo nàn thô thiển biết chừng nào. Giả định rằng những năm trên ghế nhà trường, một học sinh không có năng khiếu văn chương chữ nghĩa như tôi mà rủi ro gặp những “thầy cô giáo” chuyên cung cấp những giáo án tiền chế giống như những sản phẩm công nghiệp lỗi thời thì e rằng quãng đời còn lại của tôi chỉ được lớn lên có một nửa. Tôi sẽ bị bán thân bất toại về mặt trí tuệ và tâm hồn. Nhưng văn chương chữ nghĩa chưa phải là cốt lõi của vấn đề mà cô giáo Vinh muốn khơi gợi cho chúng tôi khi nêu ra câu hỏi. Câu hỏi của cô giáo Vinh đi từ lãnh vực văn chương qua lãnh vực khí chất, bản sắc của con người. Đây là câu hỏi lớn về dân tộc học và nhân loại học. Một cậu bé rồi sẽ là một người lớn, là thành viên của một dân tộc, một đất nước, một trình độ văn minh, một nền văn hóa. Một bên là Việt Nam – Đông. Một bên là Pháp – Tây.

Thành thật mà nói sự chấn động của tôi trong buổi học Việt văn đầu tiên với cô giáo Vinh tại trường Đồng Khánh chỉ mới là một phản ứng tâm lý của một thiếu nữ 11 tuổi cảm thấy mình lố bịch so với một thiếu niên cùng trang lứa tận bên trời Tây. Sự chấn động đó không nhất thiết xẩy ra nơi các bạn cùng lớp do bởi họ không có kinh nghiệm đặc biệt của bản thân tôi: đeo trên lưng một ông già suốt sáu tháng của lớp vỡ lòng. Cô giáo Vinh chắc chắn cũng không hề hay biết về một cuộc tra vấn âm thầm nhưng mãnh liệt đang diễn ra trong tâm thức của một đứa học trò còi cọc ốm yếu là tôi. Càng lớn lên tôi càng nhận rõ hơn là cô giáo Vinh chỉ chờ đợi một biểu hiện chia sẻ chừng mực nào đó nơi đám học trò thơ dại khi cô bỏ lửng câu hỏi mà theo tôi cô đã lặp đi lặp lại trong mấy chục năm suốt cuộc đời của một người thầy lấy công việc khai mở tâm hồn cho những thế hệ xanh trẻ làm sự nghiệp vừa khiêm tốn vừa cao cả của mình.

Trao truyền kiến thức mới chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp như tất cả các nghề nghiệp khác. Khai phá các tầng sâu, khơi gợi các năng lực tiềm ẩn trong tâm thức các thế hệ học trò mới là sứ mệnh đích thực của thầy cô.


Nguyễn thị Kim Thoa


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us