Kagoshima: Địa linh nhân kiệt
Kagoshima:
Địa linh nhân kiệt
Trương Văn Tân
Kagoshima - Satsuma
Sau hơn một giờ bay từ Tokyo chiếc máy bay của hãng hàng không All Nippon Airways bay lượn trên thành phố Kagoshima rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân bay. Cứ ngỡ mùa Đông của vùng cực Nam ấm áp, đâu ngờ một trận bão tuyết hiếm hoi đổ xuống thành phố lịch sử này một lớp tuyết dày 50 cm đúng vào ngày đầu năm. Bước ra khỏi phi trường, những cơn gió lạnh buốt thổi hắt vào mặt, len lỏi vào cái áo ấm mỏng mà tôi mang từ Úc. Tôi đến Kagoshima lần thứ hai. Gần 35 năm trước, tôi là một lãng tử chu du đây đó, đã từng đặt chân đến chốn này qua đêm đón tàu đi chơi Okinawa. Tôi trở lại đây cảnh cũ vẫn còn đó. Dân số Nhật không tăng và cũng vì lý do bảo vệ môi trường nên không có nhu cầu lấy đất rừng, đất ruộng để "giải phóng mặt bằng" làm nhà cao tầng hay khu du lịch sang trọng.
Ngọn núi lửa Sakurajima đối diện thành phố Kagoshima vẫn bình thản phun khói (Hình 1). Hàng trăm năm nay ngọn núi vẫn tuôn ra những luồng khói trắng hiền hòa từ một nơi sâu thắm trong lòng đất. Người dân Kagoshima xem Sakurajima như một ông bạn nhưng cũng dè chừng những lúc ông nổi giận. Thỉnh thoảng ông khó ở trong người phun khói mù mịt nhiều hơn bình thường thì ngày đó dân chúng lo âu và trở thành một bản tin quan trọng cả nước. Nông gia xây nhà sinh sống và canh tác dưới chân núi. Những vùng lân cận nhờ tro bụi của ông nên thổ nhưỡng vô cùng phì nhiêu. Vài mươi năm trước, củ cải trắng Sakurajima nổi tiếng nước Nhật vì ngon và to hơn trái dưa hấu cũng nhờ vào tro bụi núi lửa (Hình 2). Ai đến Kagoshima cũng đóng thùng vài củ gởi tặng người thân, bè bạn. Củ cải trắng gần như là một thành phần trong hầu hết các món ăn Nhật Bản ở những dạng khác nhau. Khi thì ăn với cá sống (sashimi)[1], khi cho vào súp, khi thì làm đồ chua hay nấu với rong biển và cá ngừ. Nhưng một người dân địa phương cho tôi biết, công nghiệp trồng củ cải trắng đã tan biến theo thời gian. Củ cải to trở nên hiếm hoi và thu hoạch không còn nhiều như trước. Tro bụi đã biến chất trong mười năm qua và những ân huệ nhận được từ Sakurajima cũng giảm đi rất nhiều.
Hình 1: Ngọn Sakurajima, bụi khói quyện vào mây trong một buổi chiều mưa (ảnh TVT).
Hình
2: Củ cải trắng Sakurajima
và trái
khóm (ảnh TVT).
Tỉnh Kagoshima trước thời Minh Trị Duy Tân (1868) có tên là Satsuma-han (han: tiếng Hán Việt là phiên, chỉ một khu vực). Là một tỉnh cực Nam và cửa ngõ đi vào Nhật, Satsuma trở thành một khu vực chiến lược về quân sự lẫn giao thương quan trọng bậc nhất qua nhiều thời đại, trước đó là với các vương triều Trung Hoa và sau này là các lực lượng viễn chinh phương Tây. Dòng họ nhà Shimazu có một thế lực chính trị kéo dài 700 năm (thế kỷ 12 đến 19) tại Satsuma và trở thành phiên chủ (lãnh chúa) của một lãnh thổ rộng gần 10.000 km2 trong thời gian 400 năm cho đến thời điểm Minh Trị Duy Tân. Đầu thế kỷ 17, Shimazu sáp nhập vương quốc Lưu Cầu (Ryukyu) với hòn đảo chính là Okinawa vào lãnh thổ của mình. Lưu Cầu là một chuỗi đảo kéo dài từ phía Nam Kagoshima đến tận Đài Loan. Từ xưa, Lưu Cầu là một vương quốc độc lập hằng năm triều cống các vương triều Trung Quốc. Sự suy thoái trong các hoạt động hàng hải của hai triều đình Minh Thanh dẫn đến sự bành trướng của lực lượng hải quân Satsuma và dần dần tiếp thu Lưu Cầu. Dù phục tùng chính quyền trung ương Mạc Phủ ở Edo (Tokyo ngày nay), dòng họ Shimazu có quân đội và luật lệ riêng. Các võ sĩ (samurai) của Satsuma nổi tiếng là can đảm, đội hải quân của Shimazu nổi tiếng là thiện chiến. Qua nhiều đời, họ Shimazu đã gầy dựng một thế lực hải quân hùng hậu và sẵn sàng canh tân để đối đầu với các thế lực phương Tây. Việc sáp nhập vương quốc Lưu Cầu không những bành trướng lãnh thổ và lãnh hải đến tận vùng biển Đài Loan mà còn cho Satsuma-han cơ hội giao thương với đại lục Trung Hoa, càng ngày càng làm giàu kho thóc của Satsuma và ngân khố của Shimazu.
Vào thế kỷ thứ 19, khi những chiếc tàu đen (black ship) của phương Tây bắt đầu quấy rối Okinawa và thấp thoáng ngoài khơi Satsuma, phiên chủ đương thời là Shimazu Nariakira nhận thấy sức mạnh của khoa học kỹ thuật phưong Tây, gấp rút canh tân. Ông mở một công xưởng đối diện với Sakurajima bên kia eo biển gọi là "Tập Thành Quán" (Shuseikan) để luyện thép chế tạo súng ống, súng thần công (Hình 3). Ông huy động việc chế tạo tàu chạy bằng hơi nước, gắn súng thần công biến thành chiến hạm. Ông còn mời các nhà Lan học (tiền thân các nhà khoa học Nhật Bản)[2] chuyên về cơ khí, vật lý, hóa học sáng chế các dụng cụ truyền thông như đìện thoại, điện báo, chế tạo thủy tinh, nghệ thuật ấn loát, các loại tơ sợi may mặc và thuốc súng. Tầm nhìn thực dụng của Shimazu Nariakira đã mở ra một thời đại khoa học kỹ thuật "made in Japan" và kéo dài đến ngày hôm nay. Dưới trướng của dòng họ Shimazu là các nhà tham mưu trung thành và samurai (võ sĩ) dũng cảm trong đó có Saigo Takamori (Tây Hương Long Thạnh) (1828 – 1877). Saigo sinh quán tại Satsuma là một nhà quân sự tài ba đảm lược xuất thân từ dòng dõi samurai và cũng là một nhân vật chủ chốt làm thành công cuộc vận động Minh Trị Duy Tân[3]. Người dân Kagoshima ngày nay vẫn yêu mến và kính trọng ông. Đi đến đâu cũng thấy hình ảnh của ông, từ những cây cờ treo dọc theo phố phác họa ông với cặp mắt to, đôi mày rậm, vầng trán cao, mặc áo kimono đi đôi guốc geta, cho đến các sản phẩm thủ công khắc trên kim loại hay gỗ trong các gian hàng bán quà lưu niệm.
Hình 3: Súng thần công do "Tập Thành Quán" đúc chế, đã được dùng bắn chìm tàu Anh. Dài 5 m, nặng 5 tấn có thể bắn viên đạn nặng 30 kg đi xa 3 km (ảnh TVT).
Sau khi viếng thăm nhà bảo tàng "Tập Thành Quán", từ thành phố Kagoshima chúng tôi lái xe hướng về mũi cực Nam và tạm trú tại một "ôn tuyền lữ quán" (nhà khách với suối nước nóng) có tên rất đẹp "Tú Thủy Viên" (Shusui-en). Ôn tuyền lữ quán không phải là khách sạn cho công việc mà là một nơi hoàn toàn cho việc thư giãn sau những ngày tháng làm việc cực nhọc. Đối với người Nhật, chỉ có suối nước nóng, sashimi và rượu sake mới giải tỏa được những căng thẳng thường ngày. Ôn tuyền lữ quán cung cấp những dịch vụ này. Toàn thể khu vực đất mũi là vùng hoạt động của núi lửa nên không bao giờ có sự yên tĩnh trong lòng đất. Những quần thể suối nước nóng xuất hiện rải rác trên một vùng rộng lớn. Những luồng nước nóng phì phà xì hơi bên vệ đường như ống khói của đầu máy xe lửa. Xa xa bên triền núi những cụm hơi nước bay bay lan tỏa như khói lam chiều hòa lẫn vào những vầng mây trắng phản chiếu trong ánh nắng mặt trời tạo ra những cầu vòng lớn nhỏ nhiều màu sắc. Người Nhật sống với sự nguy hiểm rủi ro của thiên nhiên nhưng họ tìm ra nguồn vui bất tận trong cái nguy hiểm phải đối diện hằng ngày. Họ tuyệt đối bảo vệ nguồn nước ngầm vô giá này. Có một lúc chính quyền địa phương dự định xây một con đập nhỏ trên dòng sông gần những quần thể suối nước nóng. Nhưng họ gặp phải sự phản đối quyết liệt của dân chúng trong vùng vì người dân cho rằng con đập có thể gây xáo trộn luồng nước ngầm, chưa kể đến những sự cố dẫn đến khả năng làm ô nhiễm nguồn nước.
"Tú Thủy Viên"
Những ôn tuyền lữ quán của vùng sâu vùng xa như "Tú Thủy Viên" thường là cơ sở thương mại lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó không phải chỉ là nơi qua đêm của khách nhàn du mà còn là một nơi phô trương sắc thái đặc biệt của nhà khách qua lối phục vụ, cách chế biến thức ăn, các bức họa treo tường hay đồ vật trang trí, phản ánh tinh thần nghệ thuật của người chủ. Rất ít người nước ngoài có thể hiểu phong cách thư giãn tại ôn tuyền lữ quán và thưởng thức được phong vị thức ăn Nhật nếu không có kinh nghiệm cư trú dài lâu trên đất nước Phù Tang này. Ra vào những lữ quán truyền thống tôi phát hiện một điều đơn giản là thức ăn Nhật Bản không phải chỉ có sashimi hay sushi chấm với nước tương [1]. Thực đơn của buổi ăn tối là một chục thứ linh tinh mang khẩu vị địa phương, mỗi thứ một chút, vừa là đồ ăn vừa là đồ nhắm ngon miệng nhưng không cầu kỳ như thức ăn Trung Quốc (Hình 4). Khoai lang và thịt ba rọi kho nước tương là hai món đặc sản bình dân của Kagoshima. Người Nhật gọi khoai lang là khoai Satsuma vì chỉ trồng được ở Kagoshima. Rõ ràng hai món này đi từ các nước phía Nam và là chứng tích lịch sử của những cuộc giao lưu với Okinawa và Trung Quốc. Trong buổi ăn tối cô phục vụ cứ mời tôi ăn cái món thịt ba rọi hơi có vị ngọt, "Ông thử ăn món này xem. Ngon lắm. Đặc sản Kagoshima làm từ heo da đen đấy", tôi không hiểu heo da đen ngon hơn heo da trắng như thế nào, chỉ mỉm cười trả lời, "Món này tôi ăn từ lúc còn nhỏ. Mẹ tôi không những kho với nước tương mà còn kho với nước mắm nữa kia". Cô hơi ngạc nhiên xoe tròn đôi mắt, "Ồ... ông là người nước nào nhỉ? Trung Quốc, Đài Loan hay Philippine?" " Không. Việt Nam".
Hình 4: Thức ăn tối tại lữ quán (ảnh TVT).
Về vấn đề nghệ thuật của một ôn tuyền lữ quán, có một lần tôi qua đêm tại thị xã Atami cách Tokyo 200 km; ông chủ có lẽ là người biết thưởng thức nghệ thuật nên không tiếc tiền mua một bức tranh sơn mài từ Việt Nam to khoảng 3 x 1,5 m phác họa phong cảnh đồng quê bắc bộ với lũy tre làng bao bọc, con trâu đi cày, người bán nước đầu làng, được thực hiện vô cùng công phu. Tôi rất cảm xúc và ngạc nhiên khi nhìn thấy bức tranh sơn mài Việt ở thị xã nhỏ bé này nhưng cũng thầm phục cái điệu nghệ của ông chủ nhà khách. "Tú Thủy Viên" ở đây lại thể hiện một phong cách khác. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào đây là "thư pháp". Những bức thư pháp quý giá được treo trên tường kéo dài từ sảnh lễ tân, qua các hành lang đến từng phòng trong nhà khách. Tôi hỏi chuyện với ngưòi quản lý nhà khách có phải những bức thư pháp là bản thật hay chỉ là bản sao. Tôi được trả lời rằng, "Vâng, tất cả đều là bản thật. Ông chủ chúng tôi là người sưu tập các bức thư pháp. Ông muốn quý khách cùng thưởng lảm bút tích của người xưa". Tại sảnh lễ tân, các bức thư pháp được để trong lồng kính một cách trân trọng. Tôi tò mò nhìn thật kỹ mới biết là bút tích của các nhân vật anh hùng xuất thân từ Kagoshima và nổi tiếng quốc tế trong lịch sử cận đại Nhật Bản. Trước hết là Saigo Takamori và nhân vật thứ hai là Togo Heihachiro (Đông Hương Bình Bát Lang) (1847 -1934), đề đốc hải quân chỉ huy trận hải chiến Nhật – Nga (1905) và đánh tan hạm đội Baltic của Nga tại eo Đối Mã. Cuộc hải chiến gây tiếng vang trên toàn thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà cách mạng Việt Nam đương thời trong đó có Phan Bội Châu và kết quả là phong trào Đông Du.
Bức thư pháp của Saigo Takamori thu hút tôi nhiều nhất. Sinh thời, Saigo cao to có bộ dạng của một tay "võ biền" nhưng nét bút của ông như rồng bay phượng múa hiện rõ tâm hồn phong lưu của một kẻ tài hoa (Hình 5). Trong lúc bôn ba đây đó lo việc nước và chuẩn bị cho cuộc Minh Trị Duy Tân, Saigo nhớ nhà ngẫu hứng làm một bài Đường thi thất ngôn tứ tuyệt viết nên bức thư pháp này:
Ngã
gia tùng lại tẩy trần duyên
Mãn
nhĩ thanh phong thân dục tiên
Mậu
tác kinh hoa danh lợi khách
Tư
thân bất thính kỷ tam niên
我家松籟洗塵 縁
満耳清風身欲 僊
謬作京華名利 客
斯身不聴己三 年
Lược dịch:
Nhà
tôi có tiếng reo của cây tùng
làm sạch bụi trần
Những
làn gió mát thổi đầy tai, thân
này muốn biến thành tiên
Lỡ
làm khách tìm danh lợi ở chốn
kinh thành phồn hoa
Đã
ba năm rồi ta không còn nghe gì nữa
Với nét chữ rắn rỏi của một vị tướng, trước trận hải chiến lịch sử Đề đốc Togo hạ bút viết: "Hưng phế tại thử nhất chiến" (Việc hưng phế nằm ở một trận đánh này) (Hình 6). Quả thật, Nhật không có cái gì để mất nhưng có biết bao điều lợi khi chiến thắng hạm đội Nga Hoàng. Chiến thắng đã đẩy Nhật, một nước châu Á đầu tiên đánh bại một quân đội phương Tây, lên hàng cường quốc làm nức lòng các nước châu Á xung quanh. Người Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên nhìn Nhật Bản bằng sự ngưỡng mộ.
Hình
5: Bút pháp của Saigo Takamori |
Hình
6: Bút pháp của Togo Heihachiro |
Kaimon-dake và Kamikaze
Buổi sáng hôm sau tôi lững thững đi dọc theo hành lang nhà khách thì cô phục vụ trong bộ áo kimono từ đằng xa gập đầu chào tôi buổi sáng. Cô ấy đứng tại chỗ chờ tôi bước đến gần rồi vồn vả chỉ ra ngoài bảo, "Ông có thấy gì không? Núi Kaimon-dake đấy …", "Hả … à… à … Kaimon-dake", tôi ngập ngừng lập lại không biết núi gì mà quan trọng đến thế. Kaimon-dake theo tiếng Hán là Khai Văn Nhạc, một ngọn núi lửa còn trong thời kỳ hoạt động (Hình 7). "Nhạc" của tiếng Hán có nghĩa là ngọn núi cao mặc dù núi Kaimon không hơn 1.000 mét. Ngọn núi nổi lên giữa một cánh đồng bằng phẳng, đứng uy nghi một mình ở ngay mũi đất cực Nam của Kagoshima cũng là cực Nam của đảo Kyushu và toàn thể quần đảo Nhật Bản (không kể Okinawa). Đối với những người lính viễn chinh trở về trên các chiến thuyền của Satsuma-han hay trên các chiến hạm hải quân của "Dai Nippon Teikoku" (Đại Nhật Bản Đế Quốc) trong Thế chiến thứ 2, nó là một hình tượng của quê hương và tổ quốc. Họ vui mừng và cảm xúc đến khóc òa khi thấy Kaimon mờ mờ xuất hiện từ xa tiếp giáp với đường chân trời như một người mẹ mòn mỏi giang tay đứng chờ. Họ biết từ đây sẽ là một bầu trời bình yên và trước mắt là mái nhà ấm áp với những vòng tay của thân bằng quyến thuộc.
Hình 7: Ngọn Kaimon-dake (ảnh TVT).
Cách Kaimon-dake không xa là một căn cứ xuất quân của các chuyến bay cảm tử Kamikaze (Thần Phong) trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ 2 khi hạm đội Mỹ bắt đầu công phá Okinawa (Hình 8). Tên chính thức của đoàn phi công cảm tử là "Đặc biệt công kích đội", gọi tắt là "Đặc công đội" (Tokkotai). Bây giờ sân bay đã biến thành công viên với một tòa nhà bảo tồn di ảnh và di bút của các phi công cảm tử. Nhà bảo tồn trưng bày hơn 1.000 bức ảnh bán thân cá nhân và bức thư cuối cùng của những phi công cảm tử đã hy sinh trong chiến dịch. Người trẻ nhất vừa hơn 17, người già nhất không quá 30. Những bức thư chỉ gởi cho người Mẹ, không có sự hiện diện người cha, người vợ hay người yêu trong những dòng di bút cuối cùng này. Trước giây phút lâm chung, tôi có cảm giác những người trẻ can đảm này rất hoang mang, không thể bày tỏ hết những điều mình muốn nói. Dài thì một trang giấy viết bằng bút lông, ngắn thì hai hàng. "Kính thưa Mẹ", "Mẹ kính yêu", "Viết cho Mẹ".... "Vài ngày nữa con sẽ bay về phía Nam hoàn thành nghĩa vụ "quyết tử". Em Chieko có đi học đều đặn và con chó nhà có ngoan không Mẹ? Cho con gởi lời thăm gia đình chú Ando hàng xóm. Xin Mẹ kính yêu và mọi người ở lại bình yên. Vĩnh biệt Mẹ. Đứa con bất hiếu: Taro" hay hùng dũng hơn với câu "Thân này xá chi, tàu địch phải chìm". Tôi không tìm thấy dòng chữ "Thiên Hoàng bệ hạ vạn tuế" (Tenno heika banzai) trong những di bút này, dù đây là câu nói đầu môi của những người lính Thiên Hoàng.
Hình 8: Chiến đấu cơ Kamikaze (ảnh TVT).
Con đường bay độc đạo của các chiến đấu cơ Kamikaze hướng về phía núi Kaimon. Khi xuất chinh, Kaimon lúc nào cũng sừng sững xuất hiện trước mắt người phi công, họ phải bay qua đỉnh núi rồi từ đó tiếp tục bay về phía Nam truy lùng các chiến hạm Mỹ với lượng xăng vừa đủ cho một chuyến đi không trở lại. Đầu họ chít khăn trắng đề hai chữ "Quyết tử" (quyết chết) hay "Tất tử" (phải chết), họ choàng chiếc khăn len quanh cổ hay đeo trước ngực con thú nhồi bông, những món quà vô vàn thân thương của người mẹ, người chị, người yêu, người vợ hay đứa em gái ở quê nhà gởi tặng. Vượt qua đỉnh Kaimon những người phi công cảm tử lúc nào cũng lưu luyến ngoái đầu nhìn lại Kaimon, như đang bịn rịn chia tay với người mẹ, với quê hương, nhìn cho đến khi Kaimon khuất bóng trong những cụm mây dày đặc... Chiến dịch quyết tử của Tokkotai là đòn phép cuối cùng của Thủ Tướng quân phiệt Nhật, Tojo Hideki. Chiến dịch đã hy sinh hơn 1.000 người thanh niên ưu tú, một số chết vì tai nạn, khi thì đâm vào núi Kaimon, khi thì đâm xuống biển vì những phi công chỉ được huấn luyện gấp rút sơ sài, nhưng cũng gây tổn thất nặng cho hạm đội Mỹ trên đường tiến đến Okinawa. Không hơn mười người may mắn quay trở lại vì máy bay trục trặc và sau này trở thành chứng nhân lịch sử.
Tĩnh Quốc Thần Xã
Thần xã (jinja: shrine) hay Thần cung (jingu) là đền thờ phượng của Thần đạo (Shinto). Thần đạo như tên gọi là đạo thờ thần. Thần Nhật Bản có rất nhiều và vị thần cao nhất là Thái Dương Thần Nữ. Biểu tượng của thần xã là cổng Torii. Thần xã càng giàu cổng đền càng cao. Hằng năm, mỗi lần Tết đến (Tết Nhật là Tết dương lịch) việc đi tham bái ở thần xã trở nên một thông lệ của người Nhật. Thu hoạch của các thần xã, thần cung bao gồm việc cúng dường, bán bùa bán quẻ trong những ngày Tết trung bình đạt đến vài trăm ngàn đô la, những nơi nổi tiếng như Minh Trị Thần Cung (Meiji Jingu) ở Tokyo có thể vượt triệu đô la. Xem ra, các thần xã làm việc vài ngày Tết cực nhọc nhưng sống được cả năm. Cách tham bái cũng rất tiện lợi và thực dụng, nơi khấn vái không có tượng thần như ở chùa chiền, người ta chỉ đặt trước ngôi đền một thùng công đức thật to. Thiện nam tín nữ ném tiền vào thùng rồi nhìn vào khoảng không hay thùng công đức, chấp tay lâm râm khấn vái, sau đó vỗ tay vài lần là xong việc tham bái. Ai muốn khấn thì phải ném tiền, không tiền thì dường như lời khấn không linh! Có ai đó khấn "chui", nghĩa là khấn không trả tiền không? Tuyệt nhiên, không ai làm điều này kể cả trẻ con. Nghĩ lại, cứ mỗi độ Xuân về là người Nhật trở nên mê tín nhưng cũng rất sòng phẳng với thần linh.
Từ Kagoshima trở lại Tokyo tôi đến viếng đền Yasukuni Jinja (Tĩnh Quốc Thần Xã). Yasukuni không phải là một thần xã bình thường. Ở đây người ta thờ thần cổ điển lẫn "thần" hiện đại. "Thần" hiện đại là những người lính tử trận trong đó có cả Thủ tướng quân phiệt Tojo Hideki và các bộ trưởng trong nội các chiến tranh bị phe Đồng Minh tuyên án treo cổ tử hình. Những ông "thần" mới khiến cho Yasukuni trở thành một sinh hoạt chính trị úp úp mở mở, gây không ít những phiền nhiễu ngoại giao. Cổng Torii của Yasukuni cũng khác thường, cao to hàng chục mét làm bằng kim loại có một dáng dấp uy hiếp hơn là một cấu trúc uy nghi (Hình 9). Những người đến đây tham bái cũng không phải là kẻ "phàm phu". Họ ăn mặc giống nhau, bộ quần áo vest đen, đôi giày đen bóng loáng, thắt cà vạt sậm màu, đầu chải tươm tất. Đứng trước thùng công đức trước khi làm lễ họ đứng thẳng người, cẩn thận cài nút chiếc áo vest, cứ một dải năm sáu người đồng loạt ném tiền, chấp tay cuối đầu một cách thành khẩn, thống thiết. Họ ra về mang theo vẻ mặt đăm chiêu với cái nhìn nghiêm nghị hơi một chút nhíu mày, tôi cố tránh ánh mắt của họ nhưng vẫn thấy rợn người. Nghe đâu, thỉnh thoảng có những người thuộc phe cực hữu vào đây giơ cao hai tay la to "Tenno heika banzai" (Thiên Hoàng bệ hạ vạn tuế) như những người lính Thiên Hoàng xưa kia trước giờ lâm trận. Gần đó là một nhà bảo tồn các tư liệu chiến tranh và những trận thắng của quân đội Thiên Hoàng từ Minh Trị Duy Tân đến Thế Chiến thứ 2. Yasukuni cũng không quên chừa một chỗ rộng rãi để trưng bày chiếc chiến đấu cơ Kamikaze được tân trang đẹp mắt. Ở đây họ không e dè như nhà bảo tồn ở Kagoshima, công khai tuyên dương "chủ nghĩa anh hùng" của đoàn cảm tử Tokkotai. Trong khuôn viên của "Tĩnh Quốc Thần Xã", chủ nghĩa quân phiệt Nhật vẫn ngấm ngầm chờ cơ hội bốc lửa …
Hình 9: Cổng Torii của Yasukuni Jinja (ảnh TVT).
*
Nước Nhật đang trong tình trạng thoái trào kinh tế và bế tắc chính trị. Hai nước láng giềng, Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi mà họ đã từng xâm lược bây giờ là những quốc gia đang vươn lên với nền kinh tế hùng mạnh và đang cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Doanh thu của một hãng Samsung (Hàn Quốc) trong tài khóa 2009 – 2010 vượt qua doanh thu của 9 hãng điện tử Nhật ( Sony, NEC, Panasonic, Sanyo …..) cộng lại. Đâu rồi những Saigo và Shimazu hiện đại? Đâu rồi tinh thần cách mạng và lòng tự hào dân tộc của Minh Trị Duy Tân? Phải chăng một nước đã từng tự xưng là "Đại Nhật Bản Đế Quốc" đã đi qua thời kỳ hoàng kim của mình, giờ đây đã quá già để thích nghi với thời đại? Tôi tình cờ mở tờ nhật báo Asahi Shimbun đầu năm đọc một tin ngắn về hiện trạng xe lửa cao tốc của Nhật. Cục đường sắt Nhật Bản đã quyết định khởi công xây đường ray mới cho xe lửa cao tốc "phù lực từ tính" đầu tiên trên thế giới và đưa vào phục vụ năm 2027 trên tuyến đường Tokyo - Nagoya (342 km). Tốc độ của đoàn tàu là 500 km/h và mất 40 phút để chạy tuyến Tokyo - Nagoya. Tôi lại chợt nhớ ra ba nhà vật lý học Nhật đoạt giải Nobel Vật lý 2008 và vài tháng trước thêm hai nhà Hóa học Nhật đoạt giải Nobel Hóa học 2010. Trong vòng 2 năm, Nhật Bản có thêm năm nhà khoa học với giải Nobel. Dù có những dao động về kinh tế và chính trị, tòa lâu đài khoa học kỹ thuật Nhật Bản vẫn vươn cao và kiên cố. Từ ngày canh tân của phiên chủ Shimazu Nariakira trên mảnh đất Kagoshima nhỏ bé, gần 200 năm qua phát triển của khoa học kỹ thuật Nhật Bản dù có thăng trầm theo thời gian nhưng vẫn tạo ra những đột phá dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Quản Trọng của thời Xuân Thu Chiến Quốc có câu "Kế một năm không gì hơn việc trồng lúa. Kế mười năm không gì hơn việc trồng cây. Kế trăm năm không gì hơn việc trồng người". Nhật Bản trồng "người khoa học" đã có hơn 200 năm.
Trương Văn Tân
Những
ngày giáp Tết Tân Mão
(February
2011)
Ghi chú
[1] Sashimi là các loại cá biển và hải sản (mực, nhím biển (urchin), trứng cá...) ăn sống. Sushi là cá sống hay hải sản sống để lên một nắm cơm vắt, trong cơm trộn một chút dấm. Sashimi hay sushi khi ăn chấm vào nước tương có bột cay gọi là wasabi.
[2] "Lan học" là cái học của người Hà Lan. Người Hà Lan đến Nagasaki (phía tây bắc đảo Kyushu) vào cuối thế kỷ 18 để giao thương với Nhật Bản. Họ mang theo bác sĩ để chăm sóc sức khoẻ nhân viên. Những bác sĩ này uyên bác về y học lẫn khoa học. Sĩ phu Nhật Bản khắp nơi trên nước Nhật ùa về Nagasaki tìm các vị bác sĩ này để học khoa học và y học phương Tây và đẩy lùi "Tứ thư ngũ kinh" vào quá khứ. Đây là các nhà Lan học Nhật Bản đầu tiên. Những nhà Lan học trở về quê mở trường đào tạo nhân tài cho việc phát triển khoa học kỹ thuật. Đồng thời, phong trào dịch thuật các sách y học và khoa học phương Tây bùng lên từ cuối thế kỷ 18 và kéo dài cho đến ngày nay.
[3] Saigo Takamori và Minh Trị Duy Tân: Saigo Takamori (1828 - 1877) sinh quán tại Satsuma, tự là Nanshu (Nam Châu), xuất thân từ giai cấp võ sĩ (samurai) là một trong những nhân vật đứng đầu trong cuộc vận động Minh Trị Duy Tân (1868). Thiên Hoàng và Tướng Quân (Shogun) là phiên bản "vua Lê chúa Trịnh" của Nhật Bản. Tướng Quân cầm quyền và Thiên Hoàng chỉ là bù nhìn. Minh Trị Duy Tân là một cuộc đảo chính buộc Tướng Quân Tokugawa cầm đầu chính quyền Mạc Phủ ở Edo (Tokyo) trao trả thực quyền cho Thiên Hoàng để thực hiện những cải cách xã hội và chính trị nhằm đưa Nhật Bản lên hàng cường quốc trong thời đại mới. Saigo Takamori đại diện cho Satsuma-han liên minh với các samurai của Choshu-han (tỉnh Yamaguchi ngày nay) và Tosa-han (tỉnh Kochi ngày nay) thành lập phe bảo hoàng truất quyền Tokugawa. Saigo quyết liệt đòi hỏi Tokugawa và các thành viên trong gia tộc phải từ bỏ các đặc quyền và sở hữu đất đai. Chiến tranh xảy ra giữa phe bảo hoàng và Tokugawa và cuối cùng Tokugawa đầu hàng. Sau này, vì ông bất mãn chính phủ trung ương do chính ông lập ra, ông trở lại quê hương Satsuma, lập một trường tư thục quân sự. Số người theo ông lên đến 20.000. Chính phủ trung ương nhìn ông và những người theo ông như là mầm phản loạn bèn đem tàu chiến đến Satsuma giải giới. Ông bị thương trong một trận giao tranh với quân đội chính phủ và tự sát theo phong cách võ sĩ đạo khi ông 49 tuổi. Người Nhật xem ông là một anh hùng dân tộc và cũng là một "samurai cuối cùng"của thời đại mang tất cả đặc tính uy dũng của tinh thần võ sĩ đạo. Tượng đài của ông được dựng trong công viên Ueno (Tokyo).
Các thao tác trên Tài liệu