Khi con người biến mất...
Khi con người biến mất…
Nguyễn Thị Từ Huy
Vật chất lên ngôi và khả năng con người bị đồ vật hóa. Điều này từ lâu đã đi vào tác phẩm nghệ thuật, trở thành nỗi ám ảnh của bao nhiêu nghệ sĩ từ đầu thế kỷ XX. Con người có thể biến mất trong những chiếc ô tô láng bóng, trong những tòa nhà kiên cố và đắt tiền. Kiên cố và đắt tiền nhưng có khi lại chẳng đẹp tí nào, thậm chí có thể rất xấu nữa. Dưới sự thống trị của vật chất, con người bị vật chất hóa trở thành những bộ máy di động. Cái ô tô chẳng có tội tình gì khi nó là một đồ vật phục vụ con người. Nhưng một khi cái vật đó quay lại điều khiển kẻ cầm lái, thì con người và ô tô sẽ chẳng khác gì nhau, cái này điều khiển cái kia, một kẻ điều khiển, một vật bị điều khiển. Con người bị ô tô điều khiển khi bằng mọi giá để được lái cái ô tô nó chấp nhận đánh mất nhân tính của mình.
« Hãy trở thành ông chủ của ngươi và trở thành kẻ kiến tạo nên chính bản thân ngươi ! », Nietzsche kêu gọi như vậy. Còn trước Nietzsche, vào thế kỷ XVI, Montaigne lại nói : « Điều lớn lao nhất trên đời, đó là biết thuộc về chính mình (...). Không nên trao mình cho người khác mà chỉ trao mình cho chính mình mà thôi ».
Đã không nên trao mình cho người khác thì lại càng không nên trao mình cho đồ vật.
Trở thành ông chủ của chính mình chẳng có gì giống với trở thành ông chủ của cái ô tô, của cái biệt thự… những thứ đó có thể là nguyên nhân của biết bao thảm kịch. Khi mà cùng lúc trở thành ông chủ của cái biệt thự thì người ta có thể không biết rằng đã để cho cái cái biệt thự làm chủ mình. Đồ vật hóa, tiến trình này những tưởng đã có thể kết thúc cùng văn học nghệ thuật thế kỷ XX. Nhưng không hẳn thế, đồ vật lúc nào cũng có khả năng nắm giữ trái tim con người, vô hiệu hóa nó, bắt nó lệ thuộc, và kể cả biến nó thành ra đồ vật. Những chiếc ghế trong kịch của Ionesco thay thế cho sự hiện diện của con người, có ghế mà không có người, có thể nhìn thấy ghế, có thể nghe thấy tiếng người, nhưng không nhìn thấy người. Ngày nay chẳng phải những chiếc ghế vẫn tiếp tục làm cho con người biến mất, bởi ghế trở nên quan trọng hơn người, vì ghế mà người ta lãng quên những gì tạo nên các giá trị người ? Ta cũng biết câu chuyện về những tòa nhà được xây trên máu như thế nào, ngay trong thời bình. Máu của con người phải đổ ra vì trái tim của những kẻ cướp đất xây nhà đã hóa thành đồ vật.
Hãy nhìn một số ngôi chùa xây ở thời này mà xem. Có chút tinh thần nào trong đó ? To vật vã, hoành tráng một cách lạnh lùng và phi nhân. Khi chúng được xây lên thì Phật biến mất. Đó là nơi không có Phật. Chùa thành chốn cư ngụ của tham sân si. Phật tính và nhân tính đành biến mất khi vật chất trở thành mục tiêu săn đuổi của phật giới. Kiến trúc không chỉ là kiến trúc. Kiến trúc cho thấy con người và đời sống tinh thần của con người, thanh tao hay tục lụy, thuần khiết hay ô tạp, yêu thương hay vô cảm…
Khi đồ vật trở thành ông chủ thì con người biến mất.
Còn để trở thành ông chủ của chính mình nhiều khi con người lại phải học cách biến mất. Dĩ nhiên, không phải là biến mất dưới dưới sự thống trị của đồ vật. Mà biến mất như một thách thức đối với mọi sự thống trị.
Bao nhiêu người đã phải biến mất vì muốn được làm người ?
Nguyễn Thị Từ Huy
Trích trong tập Biến mất
Các thao tác trên Tài liệu