Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ký ức về một làng quê – II

Ký ức về một làng quê – II

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 03/04/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Ký ức về một làng quê – Mỹ Lợi


Nguyễn thị Kim Thoa


Phần II – Đời sống và sinh thái



Ăn Tết


Chuyến về Mỹ Lợi thứ hai của tôi là vào dịp Tết Đinh Tỵ (1977). Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Tết ở quê chồng. Nhà toàn người lớn nên Tết thiếu những âm thanh náo nức của trẻ thơ. Là cái Tết thứ hai trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa và đang ở đỉnh cao của thời kỳ ngăn sông cấm chợ nên từ trong làng đến ngoài chợ không khí kém phần tưng bừng rộn rã. Tuy vậy, dù tình thế ra sao, con người, vừa là con trẻ của tự nhiên, vừa là ông già của truyền thống, cho nên, chừng mực nào đó chúng tôi vẫn thấy “xuân về trong nắng mới”, vẫn có câu đối đỏ, vẫn có bánh chưng xanh.

Cha mẹ chồng tôi đã tuy đã ngoài bảy mươi, nhưng sức khỏe vẫn còn khấm khá, nên còn đủ sức để coi trong ngó ngoài. Anh em trai của chồng tôi, hai người, đều có gia đình riêng và ở xa, chẳng ai về. Em gái út của chồng tôi đang học y khoa ở Huế, về làng cùng chúng tôi chung lo và ăn tết. Do vậy dù là con dâu, tôi không phải đảm đương chợ búa, bếp núc.

Cha chồng tôi là người nửa nông dân, nửa thầy đồ, ông tỏ ra ung dung thư thái, chứ không bị áp lực của thời thế làm căng thẳng như anh Chu Sơn đã qua tuổi ba mươi mà chưa “lập”.

Chúng tôi về đến nhà vào xế trưa 28 tháng Chạp. Ngoài ngõ, trong nhà đều đã gần như tươm tất. Cát trắng đã một màu trắng xóa từ đầu ngõ đến khắp sân và quanh hè. Các đồ khí bảo như độc lư, chân đèn, bát hương, bình bông, các khay bình, dĩa, chén, tách trà, ly rượu đã được đánh bóng, lau rửa phơi trên chõng tre trước hiên. Đặc biệt trên hai trụ xi măng ở hai bên bàn thờ đã treo hai bức đại tự bằng chữ Hán có chua quốc ngữ: bức bên trái viết hai chữ NHÂN LUÂN, bức bên phải viết hai chữ TRUNG ĐẠO. Anh Chu Sơn kể:

«Ngày xưa cha đã có lần làm liễn từ đầu tháng Chạp, đến gần tết anh mang đi bán dạo từng nhà ở các làng Nghi Giang, Diêm Trường. Đi rã chân suốt năm sáu ngày chỉ bán được năm sáu đôi. Sau này nghĩ lại lấy làm buồn cười, vì cả người bán (là anh) lẫn người mua đều không biết chữ nghĩa viết trên các bức liễn là gì. Tiền bán được từ năm sáu đôi liễn không nhiều hơn số tiền bỏ ra mua bút giấy và mực để làm 30 đôi liễn. Thấy số liễn không bán được đem về để một đống, mẹ càm ràm bảo hai cha con mất công toi cả tháng mà chẳng được gì. Cha chỉ cười mà không tỏ ra buồn rầu áy náy. Dường như ông tìm thấy niềm vui khi một mình chơi với chữ nghĩa. Ông không quan tâm đến việc bán được liễn hay không. Từ đó ông không làm liễn nữa, mà tiếp tục làm đối, làm thơ. Làm đối, làm thơ rồi vô ra đọc một mình hay trao đổi cùng một vài người bà con, bạn bè trong họ ngoài làng. Anh có người bà con (kêu bằng dượng) là ông Tôn Thất Hoanh, anh em cột chèo vừa là bạn tâm giao của cha, là một nhà thơ thứ thiệt, rất tài hoa, là tác giả của nhiều bài thơ Đường bằng chữ Hán, chữ Nôm. (Hầu hết đã bị thất lạc vì con cháu chẳng biết trân trọng)

Anh Chu Sơn tiếc và tự kiểm điểm mình là đã chạy theo xu thế chữ quốc ngữ, định kiến một cách sai lầm về chữ Hán, chữ Nôm, nên không chịu học. Không biết chữ Hán, chữ Nôm là một thiệt thòi, một thiếu sót trước hết với chính bản thân mình.

Việc chuẩn bị và lo sắm tết tại nhà chồng tôi năm đó, một phần do bối cảnh chung (bà con chung quanh đang thiếu đói) một phần do tình hình riêng (nhà ít người và cũng không khấm khá gì) nên cha mẹ chồng tôi đã chuẩn bị một cái tết kiệm ước nhưng tươm tất.

Các loại bánh mứt đã nhờ mấy gia đình bà con làm mỗi thứ một ít vừa để cúng, vừa để có hương vị ba ngày tết. Dưa món đã làm từ mùa hè. Bánh chưng (mẹ chồng tôi không làm bánh tét) thì đã chuẩn bị các thứ để làm và nấu vào chiều tối ba mươi. Nếp đã vút từ sớm, nhụy thịt ba chỉ xắt nhỏ xào với nấm mèo và đậu xanh (đã đãi vỏ) tiêu hành mắm muối, lá dứa thơm to bản bẻ khuôn như khuôn bánh su sê. Cái bánh nấu xong bỏ vừa trong lòng cái dĩa con rạm (đường kinh dĩa chừng 10cm).

Sau tết 1976, anh Chu Sơn đã mang bánh chưng kiểu này từ làng lên tặng chúng tôi. Nói một cách chủ quan: chưa bao giờ tôi được ăn bánh chưng thơm ngon như thế.

Tôi đã tham dự vào việc làm bánh chưng và ăn tết lần đầu tiên tại Mỹ Lợi như một du khách. Những kỷ niệm của tôi về tết nhứt tại Mỹ Lợi còn nhiều… Sau khi đã có hai con, mặc dù đường đi lại khó khăn cách trở, chúng tôi còn về tết Mỹ Lợi đến bảy lần. Các con tôi cũng được ông bà nội chào đón như những du khách đặc biệt – những du khách ruột rà máu thịt.

Trong khi tôi và em chồng gói bánh chưng thì cha chồng tôi và anh Chu Sơn bàn luận về bốn chữ nho viết lớn treo trên trụ xi măng và chuẩn bị cúng tất niên.

Bàn thờ đã sắp xếp lại từ sáng sớm. Nhành mai đẹp nhất trong vườn đã được chọn, cắt, cắm vào bình bông. Các nải chuối và trái cây cũng đã được đơm thành các dĩa quả phẩm. Trầm, hương, rượu, trà đều được mua mới. Trầu đã têm. Các thức cúng đã được cánh phụ nữ chúng tôi nấu nướng múc dọn sẵn ở bàn soạn. Anh Chu Sơn chỉ việc bưng lên và sắp đặt ở các vị trí khác nhau trên các bàn thờ theo sự chỉ dẫn của cha chồng tôi. Trước khi vào lễ, cha chồng tôi mặc áo dài đen quần dài trắng, đầu đội khăn đóng. Anh Chu Sơn thì mặc áo quần tây tươm tất chỉnh tề. Có một sự khác biệt nhỏ trong việc thực hành cúng kiến tại nhà tôi ở Huế và nhà chồng tôi ở Mỹ Lợi: Tại nhà tôi ở Huế, việc lau dọn và tân trang khu vực bàn thờ, việc nấu nướng, cũng như bày biện các thức cúng đều do cánh phụ nữ chúng tôi thực hiện. Đàn ông (người chủ tế) chỉ việc mặc áo quần chỉnh tề (có thể là áo dài đen khăn đóng, có thể là đồ tây) thắp hương, khấn vái và bái lạy. Ở Mỹ Lợi nhiệm vụ của cánh nữ dừng lại ở ngưỡng cửa nhà dưới nhà trên. Về sau tôi thắc mắc việc này, anh Chu Sơn giải thích: «Theo quan niệm truyền thống, người phụ nữ được xem là không tinh sạch, cấm lai vãng (qua lại) khu vực thờ tự. Ở nhà thờ họ và đình làng tình trạng cấm kỵ còn nghiêm khắc hơn. Mọi việc bếp núc trong hầu hết các dịp tế lễ đều do cánh đàn ông (gọi là thủ dịch) thực hiện

Có hai sự việc liên quan đến tết Mỹ Lợi có thể thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc, đó là việc xuất hành đầu năm và chợ Cồn.


Giờ và hướng xuất hành đầu năm


Không như gia đình tôi ở Vỹ Dạ, để có được một năm yên vui và thịnh vượng, trong đêm ba mươi, mẹ tôi đem lịch ra coi giờ và hướng xuất hành mơi xưa: Giờ xuất hành phải hạp với tuổi của người chủ gia đình. Hướng xuất hành tùy thuộc vào hướng đến của hai vị thần Hỷ và thần Tài, (tùy lựa chọn của mỗi nhà, mỗi người). Ở Mỹ Lợi giờ và hướng xuất hành đầu năm của gia chủ có từ lâu đời. Giờ xuất hành khoảng trước sau 4 giờ sáng (cuối giờ sửu đầu giờ dần) và hướng xuất hành là nhà thờ họ. Vào giờ đó, đại diện các gia đình xa gần từ bốn hướng tề tựu tại nhà thờ họ để tham dự lễ cúng đầu năm.

Họ lớn (như họ Nguyễn, họ Đoàn, họ Trần…) có hằng trăm người tham dự. Mọi người, từ các ông, các chú bác có vai vế trong họ, đến mấy anh con cháu mới lên họ (đủ 18 tuổi), tất cả đều đồng phục: khăn đóng, áo dài đen, quần trắng. Nội dung lễ cúng họ đầu năm là chào mừng tổ tiên về sum họp cùng con cháu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu an khang thịnh vượng.

Chiều 30, các chức sắc trong họ (gồm trưởng họ, thầy lễ, các trưởng nhánh…) đã tổ chức cúng tất niên mời tổ tiên về.

Sau lễ cúng tại nhà thờ họ, một vài đại diện của họ đi thẳng ra đình làng hoặc chùa để tham dự lễ tế cúng đầu năm (do Hội đồng hương chính, Ban đại diện hay Ủy ban tổ chức) cầu mong Thần Phật phù hộ cho dân làng có được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân tình ấm no hòa thuận.


Chợ Cồn Mỹ Lợi


Từ chợ Mỹ Lợi đi theo hướng đông vài trăm mét đến một cồn cát trống là chợ Cồn. Chợ chỉ họp trong ba buổi sáng mùng một, mùng hai, mùng ba Tết hàng năm gồm ba thành phần: Trẻ em, những người bán hàng và tổ chức cờ bạc không chuyên, và vài người bán kẹo kéo, kẹo tơ đường chuyên nghiệp từ xa đến.

Trẻ em là đối tượng được phục vụ trong ba phiên chợ Tết đặc biệt này. Những người bán hàng và những người tổ chức cờ bạc không chuyên thuộc về những gia đinh làm tạp vụ quanh năm trong khu chợ chính: (quét rác, dọn hàng, bốc vác, gác chợ).

Trong lúc những người buôn bán chính (tư nhân – ngày xưa, hay cán bộ thương nghiệp thời cách mạng Xã hội Chủ nghĩa) tại chợ Mỹ Lợi nghỉ ngơi ăn tết, vui chơi tại nhà, đánh bài chòi ở sân (chợ) thì một vài thành viên trong hầu hết các gia đình tạp vụ mang hàng (đã chuẩn bị từ trong năm) và các dụng cụ thô sơ của mình lên bày biện ở chợ Cồn. Mươi người bán đồ chơi, mươi người bán bánh kẹo, năm bảy người bán hàng ăn, vài người bán mía và mấy tay tổ chức cờ bạc tài tử. Họ ngồi đứng rải rác trên một mặt bằng rộng chừng vài trăm mét vuông. Những người bán đồ chơi và bánh kẹo để hàng trong những cái thúng, trên thúng là một cái mẹt bày các hàng mẫu.

Đó là những con tò huýt, tò he bằng đất nung màu nâu đỏ, những con bột xanh đỏ tím vàng có hình con gà mẹ ấp trứng, con gà trống gáy, con công, con trĩ xòe cánh, con cò bay con trâu nằm…, các quả phẩm nào là nải chuối, trái cam, trái quít, trái mãng cầu, trái đu đủ…

Đó là các thứ bánh in làm từ bột nếp, bột đậu gói trong giấy ngũ sắc, các thứ kẹo như kẹo gừng (kẹo ú), kẹo cau, kẹo đậu phụng…

Những người bán mấy thứ đồ chơi khác như lùng tung, bông giấy Thanh tiên, thằng người đánh đu thì cắm hàng trên những cây giá bằng rơm, còn có cả mấy người bán bong bóng. Và đương nhiên mấy người bán kẹo kéo, kẹo tơ bông đường không để hàng trên mẹt mà trong khay đặt trên giá xếp.

Trò chơi đỏ đen cũng được mấy tay đầu nậu nghiệp dư chuẩn bị sẵn như bài vụ, bầu cua tôm cá, tào cáo, xóc dĩa, bắn phi tiêu…

Ngoài ra còn có mấy gánh hàng ăn như bánh đúc, bánh canh, bánh bèo và các loại chè: chè đậu ván đặc, chè bột lọc bọc đậu phụng hay dừa, mấy hàng nước giải khát: nước xi rô hạt é, nước đậu ván ran... và mấy hàng bán mía cây.

Sương tan, mặt trời lên, chợ Cồn đã được bày biện sẵn để chờ đón các khách hàng đặc biệt – trẻ em – đang nao nức từ thôn Một, thôn Hai kéo về, từ thôn Ba, thôn Tư kéo ra, từ xóm Đình, xóm Bàu, xóm Chợ của thôn Năm kéo lên. Tất cả trong những bộ áo quần mới, mặt mày hớn hở, tóc tai mới được cắt, chải gọn gàng, nhóm năm, nhóm ba, nhóm trước, nhóm sau, đứa nhảy lò cò, đứa cõng em, đứa dắt cháu… tất cả đang lục tục tề tựu càng lúc càng đông.

Chẳng mấy chốc cái cồn cát trắng biến thành sân bãi cho một cuộc tụ họp, một cái chợ đặc biệt của hàng trăm trẻ em Mỹ Lợi, mà những ngày tháng khác trong năm vì nhu cầu sinh hoạt và cư trú xa cách, chúng không có điều kiện giao tiếp, làm quen và cùng vui chơi hò hẹn. Mua bán, ăn quà, thổi tò he tò huýt, rung lùng tung, đánh bạc, trò chuyện, nói cười, kêu réo, chạy nhảy… Tất cả những khuôn mặt, những dáng vẻ, những động thái, những âm thanh vui tươi hồn nhiên ấy của trẻ em thể hiện một bức tranh quê thân ái và thanh bình.

Mặt trời lên cao, cuộc chơi tàn, chợ Cồn bãi. Từ cồn cát trắng, nhóm năm, nhóm ba, các em bé, đứa thì thổi tò he, đứa thổi tù huýt, đứa rung lùng tung, đứa huơ huơ mấy cành bông Thanh Tiên, đứa huơ mấy cái bong bóng xanh đỏ tím vàng, đứa vác cây mía, đứa nói, đứa cười, đứa lò cò chạy nhảy… Chúng đem cái vui sướng mà chúng vừa mới có được tăng cường về cho mọi nhà. Chợ Cồn và trẻ em đã tô điểm những ngày đầu xuân ở làng quê Mỹ Lợi có thêm những sắc màu.

Chúng tôi đứng lại một hồi lâu trên cồn cát ngóng nhìn và lắng nghe tứ phía. Tôi nhớ nghĩ về một kỷ niệm 20 năm trước (1957), sáng mồng một tết Đinh Dậu, sau lễ cúng Phật tại chùa Phước Huệ mẹ tôi đưa tôi đi chơi chợ Gia Lạc. Cũng những đối tượng họp chợ ấy, cũng những đồ và trò chơi ấy, cũng những quà bánh ấy, cũng mua bán, cũng những nét mặt và niềm vui xanh tươi ấy, phải chăng chợ Cồn ở Mỹ Lợi và chợ Gia Lạc ở Vỹ Dạ có mối dây liên hệ nào đó vào một thời điểm nào đó… xa xưa?


Nương - vườn Mỹ Lợi.


Trước khi đi Buôn Mê Thuột (tháng ba - 1978) anh Chu Sơn đưa tôi về Mỹ Lợi lần thứ ba. Lần này chúng tôi lưu lại Mỹ Lợi lâu hơn hai lần trước, khoảng một tuần. Cha mẹ chồng tôi nghe chúng tôi sẽ đi và cư trú lâu dài tại Buôn Mê Thuột thì đâm hoảng. Mẹ chồng tôi bảo:

«Nếu bỏ Huế sao không đi Sài Gòn? Thành thị không tới sao lại tới núi rừng?»

Cha chồng tôi nói:

«Sẽ rất khó khăn khi quyết định lập đời ở nơi xa lạ. Hai đứa bay đi Buôn Mê Thuột bây giờ cũng như mấy trăm năm trước tổ tiên mình từ Lương Niệm - Thanh Hóa vào đây. Không đâu bằng quê cha đất tổ.»

Ý ông nói nếu chúng tôi không ở Huế thì về làng. Chẳng có gì hay ho khi phải tha phương cầu thực. Còn bàn thờ, còn mồ mả, còn tổ tiên, còn xóm làng họ tộc. Những điều cha mẹ chồng tôi nói càng về sau chúng tôi càng thấm thía. Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ đi. Hết Buôn Mê Thuột, lại quay về Đà Nẵng, rồi thành phố Hồ Chí Minh, rồi Đà Nẵng, rồi Huế, rồi Mỹ Lợi. Chúng tôi như là những kẻ mộng du.

Chuyến về Mỹ Lợi lần thứ ba ấy, anh Chu Sơn đưa tôi đi thăm hết trong làng, trong rú, ngoài biển, ngoài chợ, trong sông.

Đã ở trong làng mà còn đi vô trong rú, trong sông.

Người Mỹ Lợi từ “trong làng” đi vô “trong rú” cũng như người Huế từ “trong thành” đi vô “trong nội”. Bởi “Rú” là nơi những vị khai canh gốc Lương Niệm làm chốn dung thân lúc ban đầu, và cũng bởi rú là bức tường, là mái nhà che chắn gió lạnh, cát bay, nắng nóng và thiên tai địch họa. Rú là vật giữ nước, là nơi cung cấp củi đốt và là nguồn phân bón cho cây trồng. Rú còn là nơi hò hẹn của các đôi trai gái. Rú cũng là nơi lũ trẻ tập trận và tổ chức các trò chơi. Người Mỹ Lợi đinh ninh rằng “Rú tan thì làng nát”.

Từ “trong làng” chúng tôi băng qua một trảng cát để “vô rú”. Trảng cát mấp mô những lăng mộ giữa những thửa đất bỏ hoang, lác đác có một vài đám hoa màu và mấy cây dương liễu. Anh Chu Sơn nói:

«Thời trước (từ 1954 trở về trước), đi qua đây, người ta chỉ thấy một màu xanh bát ngát của cánh đồng, nào là dâu, thuốc lá, đậu phụng, khoai lang và các loại hoa màu khác. Dầu phụng và thuốc lá mà mẹ em mua sản xuất từ trảng cát đã từng là cánh đồng xanh này. Ngày nay, em thấy đó, cánh đồng phát triển thành nghĩa địa và suy thoái thành một vùng cát bán sa mạc. Rú tan, đầm bị nhiễm mặn triệt tiêu nguồn phân bón chính, đất bị nhiễm khuẩn, bạc màu. Vải vóc và thuốc điếu công nghiệp tràn lan thị trường, người Mỹ Lợi phải giải thể nghề dệt, chấm dứt việc trồng dâu nuôi tằm. Các cây đậu phụng, thuốc lá sống dai ngoai một thời gian, nay chỉ còn lưa thưa một vài đám nhỏ thuốc lá của mấy nông dân “tự cung tự cấp” và nghiện “cây nhà lá vườn”. Mẹ em bỏ nghề buôn hàng nằm (trữ hàng) từ thực tế này».

Người Mỹ Lợi trong làng thích dùng tiếng nương hơn tiếng vườn. Ở Huế từ vườn thông dụng hơn từ nương. Tôi lớn lên trong thế giới vườn mà Hàn Mạc Tử đã tuyệt tả qua bài thơ nổi tiếng : “Ở đây thôn Vỹ Giạ”. Ở đó từ tấm bé tôi lắng nghe và hát cùng cha: “Chiều ơi lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi ơi chiều…Thu về đồng lúa nương chiều, tay dân cày ngừng giữa làn gió, lúa ngát thơm trên những cánh nương…, lấy sức anh chen với sức tôi, lấy máu tô cho thắm lúa xanh… chiều ơi…” (Nương chiều của Phạm Duy). Ở đó tôi đã tập viết và học thuộc lòng: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà / Trẻ thời đi vắng chợ thì xa / Ao sâu nước cả không chài cá / Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà / Cải chửa ra cây cà mới nụ / Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa…” (Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến). Ở đó tôi mê đọc “Văn minh miệt vườn” của Sơn Nam… Ở đó tôi tiếp cận nương vườn Mỹ Lợi qua những món quà trái cây của bà Khiêm và nghe lóm những câu chuyện về Mỹ Lợi giữa cha mẹ tôi và ông bà Bửu Đáp. Ở đó, trước khi cưới nhau, tôi đã nghe anh Chu Sơn đôi lần nói về quê làng mình.

Cũng trong lần về Mỹ Lợi lần thứ ba ấy, anh Chu Sơn dẫn tôi đi thăm quanh làng. Trên đường đi anh Chu Sơn nói thêm:

«Vườn nhà anh xây dựng từ năm 1963, khi những khu vườn truyền thống “trong làng” đã suy thoái. Nó được làm trên đất lở ( không là đất ươn – để lập vườn, cũng không là đất khô – để trồng dâu, thuốc lá…), nó thuộc vùng ven của Mỹ Lợi “trong làng”, không thích hợp cho việc lập vườn, công sức đổ ra rất nhiều, chất lượng cây trái không cao. Nó không tiêu biểu cho vườn Mỹ Lợi. Anh sẽ đưa em đi thăm vườn Mỹ Lợi “trong làng”. Ở đó mới là vườn Mỹ Lợi đích thực.»

Theo một con đường tắt, anh Chu Sơn đưa tôi đến cuối thôn Tư. Từ cuối thôn Tư chúng tôi lên thôn Ba, thôn Hai, rồi thôn Một trên con đường cái duy nhất rộng chừng 2 - 3 mét (tùy theo từng khúc đoạn) nằm cạnh con khe chính chạy thẳng từ cuối đến đầu làng. Ở thôn Tư khe hẹp và cạn, đường hẹp và thấp. Càng đi lên (các thôn trên) khe càng sâu, rộng hơn, đường cũng to và cao hơn. Đến thôn Một đường cao đến 2 - 3 mét, chân đường rộng đến 3 - 4 mét, mặt khe rộng, lòng khe rộng sâu chừng 3 - 4 mét. Hai bên đường khe từ đầu đến cuối làng là vườn - nhà, vườn - nhà kế tiếp nhau, thỉnh thoảng mới bị đứt đoạn bởi một đường xương cá nhỏ (đường xóm) hay lớn (đường ranh giới giữa hai thôn). Vườn - nhà là anh Chu Sơn nói. Tôi chỉ thấy có vườn, còn nhà thì thỉnh thoảng mới xuất hiện thấp thoáng một mái ngói hay một mảng tường. Càng lên các thôn trên (thôn Hai, thôn Một) vườn càng sâu hơn.

Ở thôn Tư cây lá xơ xác, nhiều vườn bỏ hoang. Càng đi lên các thôn trên hiện tượng nương - vườn suy thoái càng giảm, cây lá xanh tươi hơn, ao vồng tươm tất hơn. Theo anh Chu Sơn vào thời điểm đó (1977) những khu vườn ít suy thoái nhất cũng chỉ còn giá trị khai thác kinh tế khoảng mười đến ba mươi phần trăm.

Từ thôn Một chúng tôi bỏ đường khe, đi theo ngõ xóm để về lại nhà.

Ở Huế mỗi khu vườn có hàng rào bốn phía, mỗi nhà có một ngõ riêng, nên mới có tình trạng “gần nhà mà xa cửa ngõ”. Ở Mỹ Lợi vườn nhà liên cận không rào giậu, chỉ cách nhau một bờ ao, cư dân đồng thuận cắt vườn theo chiều ngang làm một lối đi nhỏ phía trước sân mỗi nhà. Do vậy việc đi lại từ nhà này qua nhà kia sẽ ngắn tiện hơn, mối quan hệ láng giềng gần gũi thân mật hơn.

Chúng tôi đi theo những ngõ như thế, hết thôn Một, thôn Hai, về thôn Ba, bên này và cả bên kia khe và con đường chính, thỉnh thoảng tôi mới thấy có những cái ngõ chung đứt đoạn, anh Chu Sơn giải thích:

«Cái ngõ đứt đoạn xảy ra do một trong ba trường hợp: Một là ngõ đụng phải khuôn viên nhà thờ của một họ tộc nào đó. Để giữ cảnh quan tôn nghiêm cho khu vực thờ tự, họ quyết định không cho ngõ đi ngang qua trước sân nhà thờ. Hai là có sự xung đột dẫn đến chia lìa giữa chủ nhân hai khu vườn nhà liên cận. Ba là ngõ dụng phải môt đường xương cá.»

Đi hết các ngõ xóm tôi mới thấy tổng quan qui hoạch và xây dựng nương - vườn và khu dân cư của Mỹ Lợi “trong làng” theo nguyên lý và mô hình sau đây:

1/ Tất cả các ngôi nhà vườn còn nguyên vẹn (chưa cắt chia để bán hay tạo lập chỗ ở cho các thế hệ kế tiếp) ở Mỹ Lợi đều dựa lưng vào lùm cây, quay mặt theo hướng nước chảy ra khe và đường cái, bất kể hướng mặt trời hay vì một lí do nào khác.

2/ Cấu trúc các khu vườn đều giống nhau. Mỗi khu vườn chia làm nhiều vồng, mỗi vồng có chiều ngang chừng 3,5 mét, chiều dọc tùy thuộc vào khoảng cách giữa lùm và khe (đường cái), chừng 50 - 150 mét. Giữa hai vồng là một cái mương (người Mỹ Lợi gọi là ao) rộng chừng 4 - 6 dm. Giữa lùm và vườn cũng có ao, giữa vườn và bờ khe cũng có ao, đều gọi là ao ngang.

3/ Khoảng cách giữa hai vườn nhà thuộc về hai gia chủ khác nhau cũng chỉ có một cái ao như thế, ngoại trừ trường hợp có một con đường xương cá cắt ngang tạo nên sự ngăn cách đột xuất. Bên kia đường xương cá lại là một con ngõ của một bức (đơn vị dân cư nhỏ hơn xóm) dân cư khác.

Tổng quan mô hình và cấu trúc vườn tại Mỹ Lợi gần giống mô hình và cấu trúc vườn tại một số vùng quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây nam bộ tôi có dịp đi thăm: Thủ Đức, Giồng Ông Tố, Thạnh Mỹ Lợi, Lái Thiêu, Nhơn Trạch, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Việc trồng trọt trên các vồng trong vườn Mỹ Lợi cũng tương tự trên các giồng tại nhiều nơi thuộc vùng đất “Văn minh miệt vườn”: chen canh, đa tầng, chỉ hơi khác một chút là khoảng cách giữa các giồng và giữa các cây ở miền Nam rộng hơn, do đất đai nhiều hơn, chẳng cần phải tận dụng không gian như Mỹ Lợi. Thậm chí người Mỹ Lợi còn trồng môn ở dưới ao, trong khi đó ở miền Nam mương (ao) chỉ để thông nước. Tôi nghe nói (chưa thấy) nhiều nơi ở miền Nam cây trầu được trồng cạnh gốc và cho leo theo thân cau như ở Mỹ Lợi. Anh Chu Sơn nói: “Vào thời thịnh vượng (nương vườn còn xanh tốt, cau trầu còn có giá) rất ít cây cau đứng trơ trọi một mình”.

Ở Vỹ Dạ - Huế và nhiều vùng nông thôn ở Quảng Nam tôi đã đi qua, tôi chưa thấy có qui hoạch, cấu trúc và mô hình trồng cây vườn như ở Mỹ Lợi. Tôi nghĩ đến lời anh Chu Sơn đã nói trước đây: “Nhiều người Mỹ Lợi theo Nguyễn Ánh “tẩu quốc,” đến khi Gia Long thống nhất sơn hà, đã đem mô hình vườn miền Nam ra xây dựng nương - vườn ở quê làng mình.”

Sau này mỗi lần có dịp quay trở lại vấn đề nương - vườn Mỹ Lợi, anh Chu Sơn đã làm rõ hơn những thắc mắc của tôi:

«Em thấy đó: mức độ suy thoái nương - vườn ở Mỹ Lợi mỗi nơi mỗi khác. Thôn Tư suy thoái hoàn toàn, thôn Ba còn ngoắc ngoải, thôn hai còn khá hơn thôn Ba tí chút, thôn Một cũng khá hơn thôn Hai tí chút. Lý do là thôn Tư không có rú, cũng không có lùm động làm chỗ dựa cho nương - vườn . Các lùm cây ở thôn Ba, thôn Hai, rồi thôn Một tuần tự cao hơn nên có sức che chắn và giữ nước tốt hơn. Nương - vườn thôn Tư suy thoái trước, tuần tự lây lan lên thôn Ba, thôn Hai rồi thôn Một. Vi khuẩn xâm nhập vào trong đất cũng như vi trùng xâm nhập vào cơ thể con người, cũng như giặc xâm lăng một đất nước, chúng tấn công vào nơi nào dễ dàng, thuận tiện và sức đề kháng yếu nhất.

Nương - vườn Mỹ Lợi một thời tươi tốt, trái cây có phẩm chất tốt hơn các địa phương khác ở miền Trung một phần nhờ vào hệ thống thủy lợi ao - khe - kinh, phân bón và cách bón phân của nông dân Mỹ Lợi. Mỹ Lợi ở xa nguồn, suối, sông nên tránh được họa nước lũ. Nước mưa thì từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp. Từ lùm động chảy xuống ao, ao chảy ra khe, khe chảy ra kinh. Ít khi Mỹ Lợi bị lụt lớn nhờ hệ thống thủy lợi ấy. Hết mùa mưa chủ vườn đóng cửa ao, cửa khe để giữ nước lại. Cây bụi trên lùm động cũng giữ nước và độ ẩm cho cây vườn. Vì thế quanh năm nương - vườn Mỹ Lợi “thủy hạn vô ưu”. Thủy hạn vô ưu có nghĩa là không lo lũ lụt, cũng không lo hạn hán. Khi rú và lùm bụi còn nguyên vẹn, nước trong ao vườn ở Mỹ Lợi đến mùa hè vẫn chưa khô cạn, ở thôn Một nhiều ao vẫn còn đầy.

Dinh dưỡng chủ yếu cho cây vườn Mỹ Lợi là phân rong, người Mỹ Lợi gọi là phân đầm (phân lấy từ các đầm ), bổi lấy từ rú và từ các vùng núi Đá Bạc, Cầu Hai. Phân đầm bón quanh dưới gốc cây (rộng hẹp, dày mỏng tùy cây lớn nhỏ). Bổi tủ một lớp dày ở trên khắp mặt vồng. Công dụng của bổi vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa giữ ẩm cho đất, vừa ngăn cỏ mọc.

Đất cát pha mùn, thủy hạn vô ưu, hàng năm bổ sung dinh dưỡng đầy đủ từ phân đầm và bổi là những điều kiện cần và đủ cho cây vườn Mỹ Lợi xanh tốt, trái vườn Mỹ Lợi thơm ngon.

Ăn trái cây miền Nam, em thử so sánh trái cây miền Đông và trái cây miền Tây để hiểu ra rằng tại sao trái cây Mỹ Lợi ngon hơn các làng quê khác ở Huế và miền Trung.»


Nhà thờ họ, đình làng, chùa và nhà rường tư gia ở Mỹ Lợi


Trong lúc theo các ngõ để trở về nhà ở thôn Ba, chúng tôi cũng có dịp thăm qua một số nhà thờ họ: Nhà thờ họ Lương ở thôn Một, nhà thờ họ Nguyễn (lớn) ở thôn Hai, nhà thờ họ Trần, họ Đoàn, họ Tô ở thôn Ba. Khuôn viên các nhà thờ họ có diện tích từ hai ba (họ Lương, họ Tô) đến năm bảy sào, đến một mẫu tây (họ Nguyễn, họ Trần, họ Đoàn). Các công trình kiến trúc (nhà chính, nhà phụ, nhà bếp) khá lớn và còn nguyên vẹn, sân vườn tươm tất, sạch sẽ, chứng tỏ được bảo tồn, tôn tạo thường xuyên.

Anh Chu Sơn nói:

«Ở thôn Tư, thôn Năm có nhà thờ họ Lê, họ Huỳnh, Họ Mai, họ Phan, họ Nguyễn (nhỏ). Còn có nhiều nhà thờ của nhiều họ tộc khác tầm cỡ nhỏ hơn ở rải rác trong làng ngoài chợ. Có nhiều họ đến Mỹ Lợi ba đời đã có nhà thờ riêng.

Nhà thờ họ ở Mỹ Lợi là tài sản chung của chú bác, con cháu trong họ.

Nhiều nhà thờ họ ở Mỹ Lợi là những công trình kiến trúc hoành tráng. Đa phần có hồ sen, non bộ, tam quan, bình phong, tiền đình, chính đường, hậu tẩm, nhà phụ và khu vực bếp núc. Tất cả được xây dựng bằng gạch và gỗ quí. Chính đường là một ngôi nhà rường ba gian hai chái, nóc và các đầu hồi được đắp khảm những mô hình tượng trưng trời đất và các bộ tứ linh (long, lân, qui, phụng), tứ quí (mai, lan, cúc, trúc). Phía bên trong là các dãy cột láng bóng, các đầu kèo và các dãy liên ba, thành vọng, các dây đòn tay trước đều được chạm trổ công phu. Các tủ thờ, khám thờ, các bức hoành phi, liễn đối cũng được chạm khắc, cẩn xà cừ với những hoa văn, họa tiết tinh tế và mỹ thuật. Các đồ khí bảo như độc lư, chân đèn, bình hoa, bát nhang, quả bồng đều là những đồ sứ cổ rất đẹp.

Hàng năm các họ tổ chức các lễ tế cúng long trọng, trang nghiêm, toát lên không khí thiêng liêng của những lễ hội tôn giáo với trống chiêng, nhạc lễ, văn tế, các nghi thức bái lạy giữa nghi ngút khói hương trầm. Các nhân vật chủ lễ như trưởng họ, ông lệnh, thầy lễ đều mặc áo thụng xanh, khăn đóng, quần dài trắng. Tất cả các thành viên tham dự đều là người nam từ 18 tuổi trở lên (gọi là dân và chú, bác họ) cũng khăn đóng, áo dài đen, quần trắng. Xuân - Thu nhị kỳ, Chạp và Tết là bốn lễ hội chính trong năm tập trung tất cả các thành viên trên.

Tùy theo vai vế (chức sắc, tân - cựu) và thế thứ (vai ông, vai cha (chú, bác), vai con, vai cháu) mà các thành viên tham dự lễ hội có chỗ đứng (khi hành lễ) và chỗ ngồi riêng: khi bái lạy, khi họp bàn, khi ăn uống đều có thứ bậc trước sau trên dưới.

Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên – những vị có công khai mở ra họ, và những vị kế tiếp đời sau được qui định bởi hội đồng họ tộc. Ví dụ từ đời (thế hệ) thứ nhất đến đời (thế hệ) thứ mười được thờ ở nhà thờ họ. Các vị thuộc đời thứ 11, 12, 13, 14, 15, 16… được thờ ở các nhà thờ Nhánh và bàn thờ gia đình.

Ngày xưa các họ tộc ở Mỹ Lợi được tổ chức theo hệ thống bốn cấp, gồm: họ, nhánh lớn, nhánh nhỏ (lỡ), nhánh nhà. Nhánh nhà thờ từ ông cố trở xuống. Ngoài ra mỗi gia đình hạt nhân còn có bàn thờ riêng, thờ cha mẹ gia chủ. Ngày nay tổ chức họ tộc ở Mỹ Lợi giản lược hơn, chỉ còn lại hai cấp: họ, nhánh và bàn thờ cha mẹ ở mỗi gia đình.

Trước 1945, khi triều đình nhà Nguyễn chưa giải thể, thỉnh thoảng, ba - năm năm một lần, bộ Lễ triệu tập các thầy lễ của các làng xã và các họ tộc để ôn tập, bổ sung hay sửa đổi các kiến thức, kỹ năng thực hành các nghi lễ. Các văn tế thời kỳ ấy đều bằng chữ Hán. Ngày nay thầy lễ ở các họ, ở các nhà thờ làng đều không biết chữ Hán. Các văn tế được phiên âm, sao chép bằng chữ Quốc ngữ và thường được xướng đọc không chính xác.

Cũng nên nói thêm về chùa, nhà thờ làng và các nhà thờ tư nhân ở Mỹ Lợi.

Sau khi thành lập làng, đình, chùa và miếu Ngũ hành được tạo lập để thờ cúng Thần, Phật và sinh hoạt cộng đồng của cư dân. Ngôi chùa ban đầu có lẽ tọa lạc tại một nơi bây giờ gọi là Dốc Chùa (cách nhà thờ làng 500 mét theo hướng bắc, gần bến Đùi). Người Mỹ Lợi “trong làng”lúc đầu đa phần là dân chài cá nên xa dần đạo Phật, phát triển tín ngưỡng vào việc thờ cúng tổ tiên và thần linh. Mãi cho đến khi chợ thành lập và phát triển, đạo Phật mới được phục hồi bởi cộng đồng Mỹ Lợi chợ. Chùa làng được tái tạo bằng vật liệu thô sơ, mãi cho đến khi phong trào Chấn hưng Phật giáo hoạt động, với sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, các phật tử ở Mỹ Lợi mới xây dựng Niệm Phật đường kiên cố và khang trang tại bến Đình. Từ đó Phật sự ở Mỹ Lợi trở nên phồn thịnh vì chẳng những cư dân Mỹ Lợi Chợ phát triển, mà nhiều người Mỹ Lợi trong làng qui y, vừa thờ cúng tổ tiên, vừa thờ và tu Phật.

Bến Đình cái tên được gợi nhớ đến một đình làng được tôn tạo khang trang, hoành tráng tại một khu vực tuyệt đẹp ngày nay gọi là nhà thờ làng. Năm 1808, sau khi Gia Long thống nhất sơn hà và xây kinh đô Huế, Hội đồng kỳ mục Mỹ Lợi với sự hậu thuẫn và đóng góp công sức, của cải của những người Mỹ Lợi theo Nguyễn Ánh “tẩu quốc” trở về đã đứng đơn xin trùng tu đình làng. Nói là trùng tu, thực sự là xây dựng mới bằng những vật liệu kiên cố là gạch đá và gỗ cao cấp không chỉ là đình mà còn có thêm nhà thờ làng. Đình là nơi thờ cúng các thần (thần hoàng…). Nhà thờ làng là nơi thờ cúng các vị khai canh, khai khẩn và các nhân vật đã đóng góp nhiều cho việc phát triển làng. Năm 1945, sau cách mạng tháng Tám, không hiểu vì lý do gì đình bị cháy (có người nói là bị đốt bởi những nhà cách mạng vô thần). Trước sự cố ấy, các vị tiền hiền đã cung kính thỉnh mời các vị thần về ở chung trong nhà mình. Ngày nay nhà thờ làng cũng là đình làng.


dinh lang

Đình làng Mỹ Lợi, Ảnh báo Quảng Nam


Nhà thờ làng Mỹ Lợi là một công trình kiến trúc đặc sắc tại một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Bối cảnh đẹp và các hạng mục kiến trúc tạo thành một cảnh quan thu hút khách tham quan. Nhà thờ dựa lưng vào động cát, bốn bên cây lá, ruộng đồng xanh tươi, bao bọc bởi la thành kiên cố nhưng thấp, đủ để bảo vệ, đồng thời phô tôn vẻ đẹp của các hạng mục kiến trúc bên trong.

Trước cổng tam quan là hồ sen, non bộ và những cây bàng cổ thụ lá xanh lá đỏ theo mùa. Bên trong cổng tam quan là bình phong, đối diện bình phong là ngôi nhà rường năm gian hai chái, mái ngói, nóc và các đầu hồi đắp, khảm các mô hình biểu tỏ sự ngưỡng vọng trời đất, thần linh, các hoa văn họa tiết nói lên khuynh hướng thẩm mỹ và tâm tình ước lệ của người Việt xưa (tứ linh, tứ quí, và các sự tích…). Nhà thờ chính gồm tiền đình, chính đường và hậu tẩm. Hai bên khoảng sân rộng là hai dãy nhà việc thường gọi là tả - hữu vu. Giếng nước và khu vực bếp núc ở phía hông trái.

Thú thật là anh chưa một lần vào bên trong ngôi nhà chính, nhưng chắc chắn là nhà thờ làng có tuổi thọ gần hai trăm năm, lại có quan hệ thường xuyên với triều đình, đương nhiên phải được xây dựng bằng gỗ quí tốt, chạm trổ tinh vi, hoành phi, liễn đối, tủ thờ, bệ thờ và các vật thờ đẹp quí rực rỡ. Nghe nói nhà thờ làng Mỹ Lợi trên đại thể chẳng thua kém Tôn Nhơn Phủ của dòng họ Nguyễn Phước ở Huế bao nhiêu.

Ngoài các nhà thờ họ, nhà thờ làng, ở Mỹ Lợi còn tồn tại bốn năm chục ngôi nhà thờ tư nhân có tầm vóc nhỏ hơn, chạm khắc tô vẽ đơn giản hơn, trang thiết bị nội thất khiêm tốn hơn nhưng đều là những kiến trúc nhà rường ba gian hai chái có tuổi thọ trên trăm năm. Nổi tiếng nhất là nhà thờ cố Hương Thám (họ Trần) ở thôn Hai, nhà thờ cố Trùm Hiệt (họ Tô) và nhà thờ cố Hương Đãnh (họ Đoàn) ở thôn Ba. Hiện tại các nhà thờ tư nhân ỏ Mỹ Lợi đều do con cháu đời thứ ba, thứ tư, thứ năm gìn giữ, hương khói. Tất cả đang trên đà xuống cấp, nhưng các vị thủ từ vẫn trân trọng, kiên trì bảo lưu di sản của cha ông, vì nhà thờ ngoài chức năng thờ cúng tổ tiên, còn là nơi con cháu đoàn tụ, quay về”.


Rú ở Mỹ Lợi


Chúng tôi vào đến khu vực ngày xưa người Mỹ Lợi gọi là Rú. Trước mắt chúng tôi là một khoảng đất bằng phẳng trồng toàn cây bạch đàn. Những cây bạch đàn xơ xác cằn cỗi. Anh Chu Sơn nói:

«Năm 1952 Pháp chiếm Mỹ Lợi và Khu Ba Phú Lộc. Việc đầu tiên người Mỹ Lợi phải làm trước họng súng của thực dân là “đốn rú” để Việt Minh hết nơi trú ẩn. Sau 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục ra lệnh “bới rú” (đào lấy cả gốc rễ) để đẩy đến tận cùng công cuộc tố Cộng, diệt Cộng. Như thế là một dãy sinh thái như một bức tường cao hàng chục mét, rộng chừng non cây số chạy theo bờ biển từ cuối thôn Ba đến đầu thôn Một, dài khoảng bốn cây số trở thành bình địa.

Rú ở Mỹ Lợi không có cây to và thú lớn như núi rừng Trường Sơn. Nó là một mảng thực vật mọc tự nhiên nhiều loại cây tạp. Nhưng người Mỹ Lợi giữ gìn và trân trọng nó như thần hộ mệnh. Rú cho củi, cho phân (bổi và lá cây xanh được khai thác theo kế hoạch và lá khô đều biến thành phân bón). Rú là nơi lưu trú của nhiều loài chim và thú nhỏ. Rú giữ nước và che chắn gió cát. Ngày xưa gió thổi cát bay, rú ngăn lại thành động biển (động cát cao chạy dọc theo bờ biển). Người Mỹ Lợi củng cố động biển bằng việc trồng thêm dương liễu và dứa mộng (một loại cây như cây dứa ăn trái (thơm), tàu lá to dài, gai lớn, rễ nhiều bám chặt vào động biển). Ngày nay rú đã tan, gió cát tung hoành không còn vật cản, động biển, gò đồi bị sang bằng; khe, chằm (chằm là một vùng trũng thấp có nước vào mùa mưa) bị lấp; cát bay qua cánh đồng vào tận “trong làng”, nương vườn và con người ngoắc ngoải.»

Anh Chu Sơn đưa tôi thăm qua “ xứ Khe Long ”, nơi tám vị khai canh từ làng Lương Niệm Quảng Xương Thanh Hóa vào khai mở và tạo lập cơ ngơi cư trú đầu tiên từ hơn bốn thế kỷ trước. Khe Long nay chỉ còn là con mương nhỏ chưa hết mùa xuân mà nước đã khô cạn, lưa thưa hai bên bờ là mấy khu vườn nhà vắng lặng của những gia đình (từ trong làng ra) tái định cư, trước đây sống bằng nghề biển và trồng trọt, hiện tại đang sống bằng hy vọng vào mấy đứa con cháu bất đắc dĩ đã và sẽ vượt biên. Chúng tôi dừng lại bên hai cái miếu nhỏ. Một cái thờ thổ thần bản địa, và một cái thờ bộ xương cá voi đặt trong một cái khám bít kín bằng xi măng. Chung quanh hai cái miếu là mấy chục cây dương liễu đang bị đốn chặt ngả nghiêng. Cả khu vực thiêng liêng mà người Mỹ Lợi gọi là Dinh Ông này, và cả một dãy động biển, bãi biển chạy dài từ cuối thôn Ba lên đầu thôn Hai đang bị đào bới bởi những người xa lạ chẳng biết từ đâu đến gọi là công ty khai thác Titan. Người Mỹ Lợi nghe phong thanh rằng các loại đất hiếm gọi là Titan này được đảng Cộng sản và nhà nước quyết định khai thác để bán cho Nhật Bản. Người Mỹ Lợi cũng nghe nói ở nơi nào cây dương liễu xanh tốt là ở đó có nhiều Titan. Như thế là công ty khai thác Titan được Đảng và nhà nước sai đến khỏi phải thăm dò tìm kiếm, cứ việc đào bới, xúc, lọc đất cát bất cứ khu vực nào có cây dương liễu xanh tốt.

Như thế là một dải động biển, bãi biển mà người Mỹ Lợi bao đời xem như là nền tảng của bức tường thành và mái nhà tự nhiên là “Rú” đã và đang bị đào bới, chặt phá tan hoang.

Như thế là từ 1952 – khi thực dân Pháp tái chiếm Khu Ba - Phú Lộc, qua 1955 – khi Ngô Đình Diệm tiến hành công cuộc tố Cộng - diệt Cộng, đến 1977 – đảng Cộng sản trên đà đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ nghĩa Xã hội, Rú – thần hộ mệnh của người Mỹ Lợi – “trong làng” đã “tan” đến những trụ móng cuối cùng. “Rú tan thì làng nát”. Đứng về phía những thế lực cường bạo và chiến thắng thì đây là một lời nguyền độc địa, đứng về phía những người Mỹ Lợi “trong làng” thì đây là lời đinh ninh căn dặn của cha ông và là tiếng thở dài cam chịu của con cháu.


Trong Sông - ngoài chợ


Sau ngày đi “ra biển”, anh Chu Sơn đưa tôi đi “vô sông”. Đi “vô sông” cũng có nghĩa là đi “ra chợ”. Vì chợ nằm trên bến sông. Vô - ra - trong - ngoài ở đây diễn đạt tâm cảnh của thời trọng nông khinh thương và khát vọng sông nước của người Mỹ Lợi trong làng. Khát vọng sông nước ở đây là nhu cầu giao lưu với “thế giới bên ngoài”, là phương tiện để qui hướng về các trung tâm quyền lực: phủ Chúa mấy trăm năm đầu và triều đình nhà Nguyễn trăm rưởi năm sau.

Anh Chu Sơn đưa tôi đi thăm chợ Mỹ Lợi và những bến sông dọc con đường giữa khu dân cư ven triền đồi phía tây (thuộc thôn Năm, thôn Hai) và cánh đồng lúa.

Chợ Mỹ Lợi nằm giữa bến sông (bến chợ), cồn cát (chợ Cồn) và khu dân cư thuộc thôn Năm, có mặt bằng tổng cuộc chừng 1ha rưỡi, trong lòng chợ rộng chừng ngàn tư mét vuông (20x70). Hai bên theo chiều dọc là mặt tiền hai dãy nhà phố ( bên trong là chỗ ở, phía ngoài là cửa hàng). Ở giữa là một cái đình chia thành nhiều lô là sạp hàng của nhiều tiểu thương cư trú ngoài chợ. Nhà phố và đình chợ là khu vực kinh doanh của những tiểu thương chuyên nghiệp. Ở đó bán buôn các nhu yếu phẩm hàng ngày của dân Mỹ Lợi và các xã kế cận. Chung quanh đình là những khoảng đất trống. Khoảng thấp phía bến sông là chợ cá do dân chài ven đầm Cầu Hai và các vạn biển tới bán. Khoảng trống phía chợ Cồn là khu vực bán mua các sản phẩm nông nghiệp của nông dân và người buôn chuyến.

Anh Chu Sơn còn cho biết:

«Trước 1975 chợ đông nức người bán kẻ mua, còn tràn ra cả các hẻm. Từ chợ Mỹ Lợi, cau trầu, cam quít, chuối, thơm, đu đủ, mãng cầu, ổi, thuốc lá, dầu phụng, thao, lụa, nón lá và các mặt hàng nông, hải sản khác theo đò đến các chợ quê, chợ tỉnh thuộc khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị. Cau tươi, cau khô Mỹ Lợi theo tàu xe ra tận Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (trước 1954). Nón lá Mỹ Lợi vào Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn.

Dân Mỹ Lợi (và các làng thuộc tổng Diêm Trường) tiêu thụ “bách hóa” từ các nơi khác (Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…) đến qua ngã chợ và các bến đò. Từ đầu thôn Năm tới cuối thôn Một (phía sông) có cả thảy 9 cái bến: Bến Mắm, Bến Chợ, bến Ông Vầy, bến Đò, bến Quảng, bến Đình, bến Dốc Chùa, bến Đùi, bến Quan. Mỗi buổi sáng hàng trăm chiếc đò, nốt, xuồng mang hàng đến, chở hàng đi từ bến Chợ. Từ ba bốn giờ sáng hàng mấy chục nốt phân rong từ các làng Hà Trung, Hà Trữ đến neo đậu ở bến Đò. Nông dân từ trong làng và thôn Năm cũng đến bến Đò từ ba bốn giờ sáng. Sau khi đã thực hiện mua bán theo yêu cầu và giá cả, người bán chèo nốt đến đổ phân ở các bến (trừ bến Chợ) theo yêu cầu của người mua. Suốt mấy trăm năm ruộng vườn, đồng bãi Mỹ Lợi xanh tốt, cây trái Mỹ Lợi thơm ngon một phần lớn nhờ những nốt phân rong này. Suốt mấy trăm năm nông dân Mỹ Lợi gánh phân rong từ các bến leo dốc cát (bàn chân người đi sau bám vào dấu chân người đi trước) lên động vào vườn, và qua tận cánh đồng phía trong rú. Chưa thấy được vai trò của phân rong, chưa thấy được nông dân Mỹ Lợi gánh phân rong và nước tưới (từ các giếng đào cạnh các nương dâu, các đám thuốc lá, đậu phụng) leo dốc cát như thế nào suốt mấy trăm năm là chưa thấy hết nỗi nhọc nhằn và bản sắc của người nông dân Mỹ Lợi.

Từ sau 1954, đầm phá bị nhiễm mặn, những nốt phân rong vắng dần trên các bến. Rú tan. Ruộng đồng, nương vườn vừa bị nhiễm khuẩn, vừa thiếu phân bón đã đẩy nhanh tiến trình suy thoái, các sản phẩm nông nghiệp giảm dần cả lượng và chất, nhưng chợ vẫn còn đông.

Từ sau 1975, đảng Cộng sản áp đặt chủ nghĩa Cộng sản, chợ Mỹ Lợi bị cải tạo. Mấy cửa hàng mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán thay thế “đám gian thương”. “Đám gian thương”số thì trốn chạy, số thì ngoan ngoãn lên đồng xuống ruộng cùng các đội sản xuất. Chợ Mỹ Lợi trở nên tiêu điều.»


Nguyễn thị Kim Thoa



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us