Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Mẹ và con

Mẹ và con

- Đà Linh — published 14/01/2013 18:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Truyện ngắn


MẸ VÀ CON

 

Đà Linh



Ông ấy hơn ba tôi khá nhiều tuổi, sống ở căn nhà bên cạnh, cùng người mẹ rất già. Cửa nhà ông thường xuyên đóng kín. Ngược lại, nhà tôi khá đông: Ba, mẹ, và ba chị em tôi, lại mở tiệm điểm tâm, nên gần như mở cửa cả ngày. Tôi là chị đầu, giống mẹ, hai đứa em pha trộn.

Hồi còn nhỏ, tôi không ít lần thắc mắc rằng ba mẹ tôi luôn nói ông ấy là nghệ sĩ! Thực sự tôi không thấy điều gì ở ông có dáng dấp là nghệ sĩ như theo tưởng tượng. Ngoại trừ một dấu ấn tình cảm giữa hai nhà, theo lời kể của ba mẹ tôi: khi gia đình tôi chuyển về đó thì ông ấy trồng một cây bàng giữa hai nhà, tự ông xây bờ bảo vệ cẩn thận. Ông ấy đã nói để kết giao tình xóm giềng. Cũng là sự ngẫu nhiên, cây đó lớn bao nhiêu, tôi chừng đó tuổi.

Có thể ba mẹ tôi nói đùa vì buổi sáng ông thường pha trò, hài hước ở nhà tôi. Khi đôi ba chuyện tây, tàu, khi danh nhân, mỹ nhân... Nhưng cũng có khi ông ngồi im lặng, bàn tay gầy guộc gân xanh không ít lần để ly dính luôn vào miệng dù không còn giọt nào. Có đôi ba người đến tiệm cũng kêu ông là nghệ sĩ. Không rõ ông ta nghĩ gì về những lời chào như vậy, còn tôi đã có lúc nghĩ nó giống như lời trêu nghịch của tụi con trai ở lớp, không hơn không kém.

Có lần đang học ở nhà, tôi nghe tiếng ồn ào ở nhà bên, rồi tiếng ông la hét. Tôi tò mò chạy ra xem, thấy nhiều người đứng trước nhà ông. Nhìn lên gác không khỏi nhịn cười, hóa ra mẹ ông đang cầm roi đánh ông, người ta ông gầy gò, tóc tai lõa xõa, mặt nhăn nheo, cái quần xà lỏn rộng thình. Ông vừa né, vừa gập mình trên ban công chịu đòn, tay quẹt nước mắt. Có người còn cổ vũ “đánh nữa đi! đánh cho chừa!”.

Ông ấy không có vợ, trong nhà có một người ở. Có lần mẹ tôi nói “Bà già ấy dâu nào sống nổi, chỉ có ông ta mới thương mẹ như vậy!”. Tôi biết vậy. Dù sao đó cũng là nhà bên. Có lần tôi nghe một bà gánh hàng rong lầm bầm trước cửa “Gọi người ta, lại không trả lời... như ma... kinh bỏ mẹ!”.

Đôi lúc tôi giáp mặt ông ấy khi đứng tiệm thay mẹ. Đúng là chỉ có mẹ tôi mới để ông nợ nhiều và lâu như vậy. Tính cho ông cũng rẻ hơn mọi người. Có lần hình như tôi đã làm ông phật lòng khi nhắc đến số tiền nợ của ông. Lúc ấy ông cau mày một chặp rồi đưa tay chỉ lên gác nhà ông. Tôi lại nghĩ ông ra hiệu nói nhỏ, kẻo mẹ ông nghe được. Khi kể lại, mẹ tôi đã cười đến chảy nước mắt và giải thích “Ông đã đệ trình, mẹ ông chưa chịu chi”. “Trình gì mẹ” tôi hỏi lại. Mẹ tôi đã nói thêm “Ông đệ trình mua vật liệu để vẽ, chi phí này thì mẹ ông chịu, rồi ông san sớt ra trả nợ”. Từ đó tôi mới biết ông là họa sĩ.

Đang năm thứ hai đại học thì mẹ tôi mất, đúng tuổi 49. Một thứ bệnh quái ác gì đó thuộc tim mạch đã cướp mẹ tôi đi, khi mẹ tôi đã thực sự coi tôi như một người bạn. Mẹ tôi hay nhắc “Chị cả luôn chịu thiệt thòi”. Tôi luôn tự hào vì ai cũng khen tôi giống mẹ. Mẹ tôi có lẽ là người đẹp nhất, tốt nhất. Nghĩ đến mẹ, tôi thấy đau đớn, thật khó tin mẹ tôi có thể chết... Năm đó tôi học hành chuệch choạc, phải rất lâu sau mới bắt kịp bạn bè.

Trước tình hình đó, ba tôi đã quyết định nghỉ hưu để thay mẹ điều khiển tiệm điểm tâm, có vậy mới nuôi nổi ba chị em tôi ăn học.

Vừa dứt kỳ thi năm cuối, tôi ào về nhà thật nhanh để kịp ngày giỗ ba năm mẹ tôi. Đứng trước phòng mẹ, tôi thấy mẹ hiện về tràn ngập không gian, tôi thấy cả cái cây bàng rợp bóng trước nhà, nơi mẹ tựa vào và đưa tay... Tôi đã hét “mẹ! mẹ!...”, rồi ngã quỵ vào lòng mẹ. Tôi đã khóc rất nhiều, nói với mẹ đủ điều. Không rõ sau bao lâu, tiếng ba tôi vang lên:

- Đây là bức tranh của ông họa sĩ bên cạnh tặng gia đình ta. Ông ấy nói còn nợ mẹ rất nhiều!

Bừng tỉnh, tôi chạy sang bên hàng xóm. Trước căn nhà im ỉm ấy, tôi đã đập cửa rầm rầm gọi ông. Đáp lại tôi khá lâu là giọng the thé của bà già: “Cho chúng bay đi hết, đi theo nhau đi...”. Vừa nói, bà vừa dậm chân. Sau đó là tiếng động trên ban công, bà già vừa thở vừa kéo lê một tấm tranh khá lớn, ném xuống hè, sát chỗ tôi đứng, mắt nhìn nảy lửa như muốn ăn sống nuốt tươi tôi.

Đúng lúc đó, người ở mở cửa, chào tôi và nói:

- Mời chị vào, ông ấy mới mất sáng nay, sau khi từ nhà cô về chừng hai giờ.

- Ông ấy đâu? Tôi nói như ra lệnh.

- Đó. Người ở chỉ chiếc giường trong góc nhà, nói tiếp - chờ thầy đến cô ạ.

Tôi tiến đến chiếc giường, run run tay, kéo tấm chăn phủ mặt ông ấy, rồi để tay lên trán ông. Cái lạnh từ đâu ùa vào người tôi, tôi thấy không đủ sức lực để đứng thêm được nữa. Tôi lảo đảo đi trở ra, tai nghe câu được câu mất của người ở “bất ngờ quá... bà già như vậy...”. Đến ngưỡng cửa, người ở giữ tôi đứng lại thì thầm “ông dặn tôi mang tất cả tranh qua nhà cô, chỉ để lại bức chân dung mẹ ông thời còn trẻ”.

Sau khi mai táng ông chu tất, chị em tôi đã treo tranh của ông khắp các phòng trong nhà. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến lượng khách tăng vọt. Từ tiệm điểm tâm nhỏ, nhà tôi bỗng trở thành Hội quán lớn ở Đà Nẵng. Bằng cử nhân của tôi lại có ý nghĩa thiết thực. Trong số tranh của ông, có đến một nửa vẽ về người phụ nữ “hao hao như tôi” - như một số người nhầm lẫn. Điều này cũng thật tự nhiên. Sắp đến sinh nhật của tôi và cây bàng trước cửa, ba tôi bảo tôi đã đến lúc đặt tên cho Hội quán này, tôi thực sự băn khoăn: Nếu đặt là nghệ sĩ, ông ấy sẽ nghĩ gì nhỉ?


Đà Linh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us