Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tình Thủ đô

Tình Thủ đô

- Hữu Loan/Dương Tường — published 21/03/2010 17:44, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Dương Tường giới thiệu bài thơ Tình thủ đô của tác giả Màu tím hoa sim

Tình Thủ đô
Một kiệt tác đời hồ như quên hẳn 

 

Dương Tường


Là do cô nhà thơ trẻ Dạ Thảo Phương tự dưng bàn sang chuyện cầu Long Biên, cái tháp Eiffel nằm ngang vắt qua sông Hồng ấy. Ấy thế là quẫy lên từ sâu thẳm ký ức tôi những câu đầy hào khí: “Qua cầu Long Biên/ Sông bóng người đi/ Vai cao rộng/ Mặc núi rừng Việt Bắc...” trong bài thơ “Tình Thủ đô” của Hữu Loan.

Bài thơ mà cách đây nửa thế kỷ, bọn tôi, mấy gã lính văn nghệ tuổi ngoài hai mươi, thường say sưa cùng nhau tấu lên giữa rừng sâu Việt Bắc hay Trung Thượng Lào mà nước mắt giàn giụa. Tôi bảo Thảo Phương: “Có một bài thơ về Hà Nội kháng chiến mà chú coi là một kiệt tác bị lãng quên, nghĩa là chưa từng được đưa vào bất cứ tuyển tập thơ Việt Nam nào từ trước tới nay. Cháu có muốn nghe không?” và tôi cao hứng đọc luôn. Nhưng đến câu: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa...” thì tôi bỗng khựng lại, không sao nhớ tiếp được. “Chao, trí nhớ suy yếu cùng với tuổi già dạo này luôn chơi mình những vố thật khăm!” - tôi bực bội nghĩ thầm.

Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi, đào bới ký ức, và nhớ thêm được nhiều đoạn khác nhưng vẫn không nối lại được mạch ở chỗ bị khựng lại lúc chiều. Ngày xưa, bọn tôi – Tất Vinh, Vũ Như, Mạc Lân và tôi - thường đọc với nhau theo kiểu đồng ca hoặc “hát đuổi”, người nọ nối người kia, câu trước gọi câu tiếp theo... Giá lúc này, tụ lại cùng nhau “đồng ca hát đuổi”, chắc thể nào cũng nhớ ra hết. Tất Vinh mất đã hơn hai mươi năm, Vũ Như cũng đi từ lâu, chỉ còn Mạc Lân...

Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện cho Mạc Lân. Từ đầu dây đằng kia, một giọng thều thào: “Tường đấy hở? Tao mệt lắm. Mấy hôm nay ngất hoài. Tao bây giờ sống thêm ngày nào là ăn gian của trời đất ngày ấy”. Tôi lưỡng lự một chút, e vấn đề đặt ra không đúng lúc, nhưng rồi quyết định cứ hỏi: “Mày (bọn tôi bây giờ đều đã ngoài bảy mươi, thậm chí ngót tám mươi, nhưng vẫn không thể nào thay đổi cách xưng hô mày - tao thuở xưa) còn nhớ bài “Tình Thủ đô” cua Hữu Loan không?” – “Nhớ chứ, sao lại không!” Giọng nói ở đầu dây đằng kia bỗng trở nên tỉnh táo, linh hoạt. Và Lân đọc luôn trong máy: “Trên những chuyến xe bò/ Đi về đường Chèm - Vẽ...”. Lân đọc mỗi lúc một bốc, ờ, vẫn cái giọng sang sảng ngày xưa. Thế là chúng tôi lại “hát đuổi” với nhau một lúc, trước khi tôi hẹn vào thăm Lân ngay trong buổi sáng hôm ấy để chụm đầu với nhau ôn lại từng khổ, từng câu cho đến hết bài.

Thật cảm động và kỳ diệu đến mức khó tin, lòng yêu thơ, như một thứ thần dược, đã làm cho Mạc Lân như khoẻ hẳn lên. Mạc Lân, một người với cả nửa tá bệnh hiểm nghèo đóng trụ sở thường trực trong phủ tạng - tim, gan, thận, phổi, thần kinh...- suốt hơn hai mươi năm nay chống chọi với cái chết luôn rình rập, tháng nào cũng dăm bảy lần ngất, có đận trên 20 lần một tháng. Nhưng lúc này, anh như một người khác. Giọng vang vang, mắt anh long lanh như mỗi lần nhắc đến những bài thơ và người thơ anh yêu. “Không thể để một bài thơ như thế này mất đi”, chúng tôi bảo nhau thế. Mấy ngày liền, tôi đi xe ôm vào Cầu Giấy làm việc với Lân. Có đêm, rất khuya rồi Lân còn gọi điện ra: anh vừa nhớ ra cái đoạn mà hồi chiều chúng tôi bị vấp và chững lại.

Cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn tất công việc “phục chế” bài thơ.

Được viết vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước – chắc chắn là sau chiến dịch biên giới (1950) và trước chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - với một xu hướng cách tân rõ rệt, trường ca Tình Thủ đô là một trong số những bài thơ tự do hiếm hoi trong Kháng chiến chống Pháp thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của dòng Thơ mới (1939 - 1945). Tiết tấu hoạt, gân guốc, câu ngắn (thường chỉ hai, ba âm tiết), sắc gọn như mũi chông, hình tượng bất ngờ cắm phập vào cảm quan: “Đoàn Giải phóng quân đi/ Như gại dao trên đường nhựa... Nắng loá tường vôi/ Chữ cào xương nhức nhối...”, những điểm chấm phá gợi cảm như tranh Seurat: “Mắt em biếc/ Một chiều xưa/ Quan Thánh/ Cổ Ngư/ Bạch Mai/ Bóng liễu/ Tháp Rùa...”. Ngoài giá trị nghệ thuật cao – chuyện này còn phải bàn dài dài khi có dịp - bài thơ còn đặc biệt thân thiết với thế hệ chúng tôi bởi lẽ nói cách nào đó, nó là một phần của cái quá khứ mà bọn tôi vẫn coi là thời hoàng kim của cách mạng. Cùng với những câu thơ, khổ thơ được hồi nhớ, những kỷ niệm cũng trỗi dậy, chúng tôi như sống lại cả một thuở xa xưa. Bài thơ gắn liền với tuổi trẻ của chúng tôi, những gã trai Hà Nội đã bỏ lại “cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (Ngày về - Chính Hữu) để theo Cụ Hồ đi kháng chiến chống Pháp. Bởi thế, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà nó vẫn sống trong lòng bọn tôi, từng câu từng chữ vẫn tươi sắc hồng cầu trong huyết quản - ký ức bọn tôi. Nói cách khác, nó đã thành một mảnh hồn của chúng tôi.

Nghĩ rằng thế hệ trẻ hiện nay, dù không từng sống “những ngày thủ đô/ như ộc máu triền miên” ấy, vẫn có thể cảm nhận ở những mức độ khác nhau những gì được chuyển tải trong “Tình Thủ đô”, chúng tôi quyết tâm ghi lại để chờ dịp công bố rộng rãi. Tôi những muốn nhân dịp này vào Thanh Hoá thăm anh Hữu Loan để anh duyệt lại bản ghi cho thật chính xác trước khi công bố, nhưng thật tiếc là không có điều kiện. Với lại, dạo xưa, tuy rất quý mến anh nhưng tôi không có dịp gần anh nhiều, chỉ đôi lần trò chuyện sơ sơ, chẳng biết anh có còn nhớ tôi không. Dù sao nếu bản ghi này tới được anh, cũng mong anh bổ chính cho những chỗ còn sót hoặc chưa chính xác, và nhất là, nhận ở đây tấm lòng của những kẻ đã suốt nửa thế kỷ mang trong tim mình bài thơ của anh mà đời hồ như đã quên hẳn.

Nguồn: Trong tập Chỉ tại con chích choè, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2009. Tác giả gửi cho Diễn Đàn khi được tin nhà thơ Hữu Loan từ trần.


tình thủ đô


Hữu Loan

Trên những chuyến xe bò
Đi về đường Trèm Vẽ

Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Người Thủ đô tản cư
Đoàn xe đi
Chở nặng tâm tư
Một góc nhà
Một hè phố
Mắt em biếc
Một chiều xưa
Quan Thánh
Cổ Ngư
Bạch Mai
Bóng liễu Tháp Rùa
Một thằng bạn
Một thằng con
                ở lại

*

Khấp khểnh xe đi
Vấp vào đêm tối

Thủ đô
Ngày mùa thu

Thủ đô
Cờ bốc lửa
        phố dài
Cờ bốc lửa       
        công trường Nhà Hát lớn.

Thủ đô
Ngày Tổng Khởi Nghĩa
Ngày Thủ đô chờ đón
Đoàn Giải phóng quân về

Qua cầu Long Biên
Sông bóng người đi
Vai cao rộng
Mặc núi rừng Việt Bắc
Ai về Thủ đô
Khăn thầm nước mắt
Quốc ca mình
Đoàn lính Việt đầu tiên
- Có người làng đi
Trong đoàn lính trẻ.

Thủ đô
Tuần Lễ Vàng
Hà Nội dãy dọc toà ngang
Quên giai cấp
Trong căm thù dân tộc

Thủ đô
Ngày Tuyên Ngôn Độc Lập

Thủ đô
Ngày Tổng Tuyển Cử đầu tiên
Những ngày Thủ đô
Như ộc máu triền miên
Máu những người Tây giết
Chảy về từ lịch sử
Tiếng hát
Vùng lên
Xích xiềng rơi vỡ.

Thủ đô
Ngày Tàu trắng
Quốc dân đảng
Và thực dân
Nghênh ngang phố chật
Bắt cóc
Tống tiền
Khiêu khích
Bắn người
Đám ma đi
Cờ đỏ phủ quan tài
Phố Ôn Như Hầu
Những người bị giết
Xác quăng đầy hố
Đoàn Giải phóng quân đi
Như gại dao trên đường nhựa.

Thủ đô
Quân lệnh đêm
Lựu đạn đen ngòm trong nắm tay
Rình sau mái ngói

Nắng loé tường vôi
Chữ cào xương nhức nhối:
THANH NIÊN SỐNG CHẾT VỚI THỦ ĐÔ
!
Mắt em thiếu nhi
Hồ trăng Trung Thu:
Các anh hãy giữ non sông
Cho chúng em!
Bàn tay lớn
Nhận lòng tin bé nhỏ.

Cụ Hồ hỏi anh em bộ đội:
Các chú liệu giữ được Thủ đô
Bảy ngày?
Một rừng nắm tay
Thét tiếng:

Thề với Bác!

*

Lửa cháy Thủ đô
Chân trời hấp hối
Xác thằng bạn
Xác thằng con
Trên hè phố Thủ đô
Giặc khởi hấn rồi!
Đường tản cư khuya
Lửa toé sắt bánh xe bò
Một Quyết tử quân hy sinh
Là một đoàn giặc chết
Một Quyết tử quân hy sinh

Và bắt đầu từ đó
Những ngày đêm Thủ đô
Tàn sát
Khu Đồng Xuân
Lính Trung đoàn Thủ Đô
Đâm giặc trên bàn thịt
Như chọc tiết bò
Đuổi giặc
Vật lăn trên nóc chợ

Hai tháng giết nhau
Một đêm thủ đô
Có đoàn Quyết tử
Cắt máu tay ăn thề
Ngõ vắng Thủ đô
Những đơn vị rút đi
Góc phố Thủ đô
Bóng những người ở lại
ánh hoàng hôn lên
Liệm tròn huyết thệ
Người Quyết tử quân
                cuối cùng.

*

Những người dân Thủ đô
Về với giặc ở chung
Phải đốt cờ đỏ sao vàng
Thức đêm may cờ ba sắc

Và những sớm mai
Tay xót xa
Đem treo cờ giặc trước nhà
Ai về Hà Nội
Thấy Hà Nội xa hoa
Thấy hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội
Giặc xây thêm ngục tù
Xe Phòng Nhì
Chở từ ngoại ô
Từng đoàn người xiềng tay
Về qua phố tối.
Ai về Hà Nội
Thấy Hà Nội xa hoa
Thấy hà-nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội Ngã-Tư-Sở
Hà Nội Khâm-Thiên
Đèn khuya chảy vàng
Những hộp đêm
Mọc theo tiếng giày đinh
Của đoàn Tây mũ đỏ
Tiếng xe tăng viễn chinh
Chiều đi bụi phố
Và giữa trưa Hà Nội yên lành
Hồi còi rú thất thanh
Kêu như người tắc họng

Một xác Việt gian
Ngã tư
            nắng đọng

Lũ lượt kéo nhau về Hà Nội
Từng đoàn thiêu thân
Mang trong mình định mệnh
Mủ đờm nhớt lạnh
Và uế khí hôi tanh
Sợ ánh sáng và gió lành
Tôi thành thép
Cánh tay người Kháng Chiến

Từ vùng tự do
Có người vào nội thành
Ném chứng thư Việt Minh
Trên dòng sông
Chào thằng bạn chiến khu
Mà phục tấm lòng.

Đêm Thủ đô
Rét đến
Trong chăn bông
Nghe lạnh chiến khu Vũ
Cơm gia đình
Đũa bát nhớ người đi.

Và những sớm mai
Từng đoàn phi cơ giặc

Chở tóc tang đầy trong thân sắt
Ra những miền quê xanh
Tiếng bom dội về
Chuyển Hà Nội mênh mông
Tìm người Hà Nội
Rung lên như đất chuyển

Những người Thủ đô tản cư
Những đồng bào kháng chiến.

Những em mùa thu
Đi trong đoàn thiếu nhi
Lớn lên
Tìm đường chiến khu Việt Bắc.
Những người ngày xưa
Ghét Việt Minh
Bắt đầu chờ đợi
Bao giờ Việt Minh
Mới đánh vào Hà Nội
Cho ánh sáng xa hoa
Vỡ rơi thành bóng tối

Trên xác người máu me
Ngổn ngang gạch ngói?
Đến bao giờ Việt Minh
Mới đánh vào Hà Nội?

Những người bắt sống Le Page
                            và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng - Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi Thủ đô.

Mắt vời xa
Cô gái Hà Nội tản cư
Đẹp trong màu áo vải quê mùa
Sẽ còn những ai
Trong đoàn quân trở lại
Ngày thủ đô chiến thắng tưng bừng?

*

Em về Thủ đô
Chân phố cũ
Ngập ngừng

Khoảng cuối 1950 - đầu 1951
(Dương Tường & Mạc Lân ghi lại theo trí nhớ. Tác giả Hữu Loan đã xem lại)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us