Một nhà thơ không đến được vườn Thơ IDS
Một nhà thơ không đến
được
vườn Thơ
IDS
Phạm Toàn
Không biết sao, trong câu chuyện, tôi lại giới thiệu với giáo sư André Nayer rằng Viện IDS (*) là nơi người ta am hiểu Thơ và thích Thơ và rất yêu Thơ.
Có lẽ vì vị giáo sư kém tôi gần hai chục tuổi này, tuy chuyên ngành Luật và Kinh tế, nhưng lại hay làm thơ, và làm thơ rất hay ! Chính vì cái duyên đó mà hai chúng tôi thành bạn : anh đã nhờ tôi dịch thơ anh sang tiếng Việt. Lần gần đây nhất, tháng 5 năm 2008, tôi dịch cho anh hẳn bốn năm bài và cho đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Anh đề tặng số báo cho tôi thế này, “ Cảm ơn Toàn, cậu đã dùng Lời để dịch Thịt da mình ”.
Thứ sáu, ngày 18 tháng 9 năm 2009, lẽ ra ở viện IDS có cuộc nói chuyện của André Nayer, một giáo sư người Bỉ dạy tại Université Libre de Bruxelles về một đề tài rất hay liên quan đến “ độc lập, tự do, hạnh phúc ” của người Việt Nam chúng mình.
Khi nhận được tiếng anh gọi từ đầu dây phía đằng kia từ một khách sạn tại Hà Nội, báo tin về cuộc nói chuyện ngày 18 tháng 9 và rủ tôi tới tham dự, ý nghĩ đầu tiên của tôi không phải là về Kinh tế hoặc về Luật, mà tôi liền nghĩ ngay rằng, khi tới cái phòng họp ấm áp ở số nhà 53 phố mang tên nhà thơ Nguyễn Du đó, việc đầu tiên phải là giới thiệu chàng giáo sư đa tình này với mấy người chắc hẳn cũng cùng hội cùng thuyền với anh : nhà chính trị mơ mộng Trần Việt Phương, và có thể cả giáo sư Toán-Lý tên là Phan Đình Diệu người thuộc thơ Tagore vanh vách. Và anh Nguyễn Trung, một nhà chính trị của nước nhà, nhưng lại là người từng làm luận án về thơ Schiller…
Tiếc thay, cuộc gặp gỡ trong mơ đó đã không thành. Vì ba ngày trước ngày 18 tháng 9, tức là đúng ngày 15 tháng 9 định mệnh, cái ngày ấn định chấm dứt các phản biện, mà chỉ còn “ thư góp ý ” gửi đến để các loại đương sự thản nhiên cất vào ngăn kéo… Đúng ngày đó, Viện IDS đã tuyên bố tự giải thể. Nó tự giải thể, nó phải tự giải thể, chắc hẳn vì nó thấy mình không thể còn có tác dụng gì nữa. Nó không muốn tồn tại chỉ để tạo ra những ảo tưởng dân chủ cộng hoà độc lập tự do hạnh phúc cho mọi người.
Giáo sư Nayer gặp tôi hôm nay, 15 tháng 9, ngày trang Bauxite Việt Nam nghỉ một kỳ để làm thành tấm băng tang tiễn đưa một tổ chức thông thái, chân chính, chân thành, trách nhiệm. Anh hỏi tôi biết gì về Viện IDS. Tôi nói với anh nguyên văn như sau : “ Tôi biết ít về Viện IDS nhưng tôi biết chắc một điều : tất cả những thành viên của Viện này đều là rường cột của đất nước Việt Nam ”. Tôi đã dùng chữ pilier để chỉ định cho những “ cây cột chống ” tinh thần và trí tuệ đó của đất nước mình. Tôi thấy mình được thơm lây khi kể cho giáo sư André Nayer về anh Hoàng Tuỵ, và sau khi trịnh trọng kể về cụ Hoàng Diệu người đã tuẫn tiết vì cảm thấy như thể đã thiếu trách nhiệm không giữ được thủ đô – cũng là một hành động “ tự giải tán ” đó – tôi đã nói với anh rằng, “ Lạ thật đấy, mấy anh em trong gia tộc nhà ông họ Hoàng này, có sao toàn là những người giỏi, thế là thế nào ? ”
Tôi đã tường thuật cho anh giáo sư người Bỉ kia nghe về một vài buổi thuyết trình mình từng tham dự. Lẽ dĩ nhiên, là người yêu Thơ, làm sao tôi bỏ qua cuộc thuyết trình đẫm chất Thơ của anh Tương Lai ? Giáo sư xã hội học Tương Lai báo cáo về những điều tai nghe mắt thấy ở nông thôn, những cuộc “ điều tra ” hoàn toàn không khô khan số liệu, mà ngùn ngụt cảm tình và dạt dào cảm xúc. Báo cáo của một nhà khoa học mà như của một nhà thơ lã chã nước mắt trước nỗi đau người dân quê hiện đại. Nó gợi cho ta vạt áo đẫm lệ của quan Tư mã áo xanh nào đó trên đất Giang Châu trong bài thơ Tì bà hành.
“ Tiếc quá ! ”.
“ Đúng thế, tiếc quá… một nhà thơ không đến được vườn Thơ ở số 53 con phố đầy cây xanh mang tên một nhà thơ … Tiếc thật ! ”.
Tiễn chân anh, tôi chỉ còn biết tự an ủi qui vivra verra [1]… Không ai nghiến răng ken két cả đêm và tay nắm đấm được đến mãi sáng hôm sau đâu ! Đấy rồi mà coi ! Và sẽ thấy rằng Thơ rất mềm song lại rất mạnh. Tôi không doạ dẫm ai đâu.
Hà Nội, 15-9-2009
Phạm Toàn
(*) Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) : xem Tuyên bố ngày 14.9.2009
[1] Khắc sống khắc biết - (Chú thích của Biên tập)
Các thao tác trên Tài liệu