Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Mỹ : một chút ăn và một chút uống

Mỹ : một chút ăn và một chút uống

- Xuân Sương — published 15/10/2010 00:31, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20




MỸ : MỘT CHÚT ĂN
VÀ MỘT CHÚT UỐNG


Xuân Sương

IN-N-OUT

Là tên quán ăn Mỹ.

Người Mỹ thực dụng, and thì viết n, đọc cũng không sai âm và ai cũng hiểu. Đây là quán ăn nhanh như Mắc đô nồ, nhưng không phải tiểu bang nào cũng hân hạnh có, và điểm đặc biệt hình như nhân viên toàn là da trắng. In-n-out, may quá, vào rồi ra, không phải như nhà lao. Thong thả thì ngồi bàn ăn hoặc lái xe vào mua rồi đi.

Có lần anh người Việt mới qua ghé mua lần đầu, không vào tiệm, chỉ muốn tìm quầy bán mà chẳng thấy chỗ nào, lại lái xe ra, lại lái xe vào. Mãi mới hiểu phải đi thẳng vào phía parking, thì cái đuôi đã dài, anh đã mệt, chửi thề :

—  Mẹ nó, quán xá gì mà rắc rối !

in_n_out

Trước khi đến quầy lấy thức ăn là ngang qua cái máy đặt món trước để người ta chuẩn bị sẵn cho nhanh. Thế mới gọi là in-n-out, nếu không đã là in-n-wait, thời buổi này ai có thì giờ mà rỗi hơi chờ. Cũng hạ cửa kính xuống như mọi xe trước, nhưng nói cái gì bây giờ ? Trong máy, giọng cô Mỹ xướng lên cái gì đó. Cóc hiểu. Hai lần rồi ba lần, anh nổi nóng :

—  Mẹ mày, mày muốn bán cái gì cho tao cũng được.

Cô Mỹ ô kê (té ra cô này hiểu tiếng ta à ?). Yêu cầu cái gì mà nghe mới ớn, chớ ô kê là ổn rồi, anh hạ sốt lái xe tới chỗ có cái cửa vừa chứa nửa thân trên cô Mỹ. Cũng chẳng hiểu cô xí xô xí xà cái gì, mà ông bà đã dạy cứ hễ tiền trao cháo múc, trên tay cô thủ sẵn gói thức ăn thì bổn phận anh là xìa tiền ra lấy. Và vì chẳng biết bao nhiêu, cứ đưa tờ 10 đô cho chắc. Ra ngoài chỗ sân trống mở ra mời chị tôi cùng ăn, anh xịu mặt nổi cáu :

—  Mẹ nó, tưởng ngon lành gì, bánh gì mà khô khốc như rơm.

Chả là cô Mỹ đưa cho anh 3 cái bánh không nhưn nhị rau rác gì, bởi thế mới chỉ tốn 99 xu. Anh kiểm tiền và lại chửi thề lần nữa :

—  Mẹ nó, ai ham rẻ đâu mà nó bán thứ dở ẹc vầy nè.

Đó là chuyện anh ấy, cái thời còn vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay. Sau này anh vi vu tiếng Mỹ, chị tôi nhắc lại anh cười ha hả như cười thằng ngố nào, hỏi thiệt hả chị.

Phần chúng tôi thì đứa cháu nói dẫn đi cho biết. Anh bạn đến thăm, hỏi có sắp đi đâu không, tôi cứ thiệt tình khai con cháu sẽ dẫn đi in-n-out. Trong bếp nó nghe, bật cười nói chết mẹ ơi quê quá. Chả là đó là món ăn bình dân của Mỹ, nghe người ta nói qua Mỹ mà chưa “ vào và ra ” thì coi như chưa biết nước Mỹ nên muốn cho dì dượng nếm mùi đi thực tế. Gì mà ghê gớm thế. Thì đi. Té ra đó chỉ là hamburger thôi mà, chỉ vì thiên hạ đồn thịt thà ở đây tươi phơi phới. Chắc là dân sành ăn khứu giác vị giác siêu nhạy , còn mình lâu lâu mới ăn một cái hem bược gờ thì trừ phi nó thiu, ngoài ra cóc thấy gì khác lạ. Chỉ cái không biết có cảnh như máy hình quay lén, là ở Mắc đô nồ có lần trước khi bỏ cái hem bược gờ vào hộp đưa ra cho khách, chú chàng nhân viên đã giở nách lên, chăm chỉ quẹt cái bánh vào ! Thì khách cũng suýt soa khen thơm thôi. Mỹ mà, thế nào chẳng bôi nước hoa ngạt ngào. Nước uống thì có trà nhưng nguội ngắt. Chắc tại có lần một bà mua cà phê nóng đem đi, lại kẹp giữa hai đùi mà lái xe, đổ, phỏng, kiện, thắng. Đất nước của giấc mơ này, muốn thành thánh cũng được mà muốn thành quỷ cũng dễ dàng, nổi tiếng gì cũng kiện, hay cũng kiện dở cũng kiện, đâm đơn kiện một cái, mọi việc hết nghiêm trang ! Trà đã thế, sinh tố kem thì đặc quánh, hút muốn hụt hơi mới lên, và ngọt thì thụt lưỡi. Ouf, dù sao cũng “ biết ” nước Mỹ rồi đấy!


IN-N-SEE

Là sinh hoạt quán uống Việt.

Tên quán thì tùy hỉ tâm tư ông bà chủ.

Vào những năm 90 với phong trào đổi mới rầm rộ, người ta nói ở Việt Nam có cà phê “ que diêm ”. Tức là quán tối thui như đêm ba mươi, khách tới có người chờ sẵn dắt vào bàn rồi muốn “ thấy gì ” thì mua mỗi que diêm 50 nghìn. Quẹt lên đã thấy lồ lộ một toà thiên nhiên đang ngắm khách trong… bóng tối. Tùy khách khéo tay cầm que diêm sao cháy cho lâu thì được ngắm nghía nhiều đến lúc bỏng tay, rủi que diêm cùi hoặc xúc cảm quá run tay diêm tắt thì đành tốn 50 nghìn khác. Hồi đó số tiền này hãy còn giá trị.

Nghe đồn vậy mà chẳng biết thực hư, về Việt Nam hỏi thì chẳng ai biết, hay tại mình gạ chưa đúng đường dây. Bây giờ nghe bên Mỹ có nhiều quán cà phê bikini, được các cháu cho “ đi thực tế ”, dẫn vào các tiệm tiêu biểu ở quận Cam. “ Vào và thấy ”. Mà thấy thì ngắm. Ông chủ quán thấy khách vừa lạ vừa có đàn bà, trố mắt nhìn mãi, là mình đã bị người ta ngắm trước rồi ! Ông bắt tay chào hỏi, đem báo mới tới biếu.

Khách dĩ nhiên toàn là đàn ông, vẻ bình thường chẳng có gì “ bệnh hoạn ”. Quán có tivi. Hồi World Cup thiên hạ xem đá banh, bình thường xem băng Thúy Nga nhạc vàng dân tộc. Các bàn cách nhau rộng rãi, máy vi tính trên các bàn sát vách, thiên hạ dán mắt vào đó xem cái gì hay làm việc hay… ngửi màn hình (bởi vì bên trong cái hộp này cũng tràn ngập các em thơm như múi mít), có ai thao láo vào các cô gái mởn mơ đang trà pha cà rót đâu. Trừ phi họ kín đáo đưa mắt xé không gian mà mình chẳng biết, nhưng tuyệt đối chẳng thấy ai có thái độ gì đẩy đưa hay suồng sã.

Cứ nghĩ đây là bãi biển thì vẫn còn “ nực ” lắm vì không topless. Cô nào cũng ngầy ngậy núi non, lừng lựng da đào. Cặp chân dài mang đôi guốc hay giày cao một gang tay như người mẫu nên bước đi cũng nền nã khẽ khàng. Tóc dài tới eo. Nói chung các cô đều xinh xắn, thân hình lý tưởng. Dĩ nhiên, nếu không thì chẳng được job này. Cái duy nhất khác nhau là tiệm nào “ dữ ” hơn một chút thì các cô xăm mình hay dán hình. Cũng chẳng gì ghê gớm vì không xâm đại bàng cọp beo hay rồng bay phượng múa hay đầu lâu xương chéo hay con tim vĩ đại bị mũi tên vĩ đại xuyên thủng tiết canh đầm đìa, mà chỉ là e ấp cánh hoa hoặc con mèo nhỏ, sau lưng gần eo ếch hoặc trên gót chân một tí.

Thỉnh thoảng các cô đến ngồi chuyện trò với khách. Cũng chẳng khách nào lom lom nhìn thân thể duyên dáng lồ lộ sát bên mình. Không phải vì cái gì đẹp tới đâu nhìn hoài cũng chán, mà thấy rõ là người ta không đến đây vì điều ấy, cũng không hẳn chỉ vì cà phê. Thật ra là vừa nhâm nhi cà phê mà con mắt “ thoải mái ” thì thú vị quá đi chứ ! Thằng cháu kể dẫn mấy chú thanh niên Mỹ vào cà phê kiểu này, thấy các cô bước tới gần là họ vội hối nhau uống nhanh nhanh cho hết ly trà. Bước tới đâu các cô liếc tới đó, hễ thấy ly trà vơi là châm tiếp ngay. Cô đến châm trà thì họ được nhìn thêm một tí, hoặc cũng chẳng nhìn, nhưng “ cảm ” được là có thân hình xinh đẹp ấy kế bên mình. Thích chứ. Mình mà còn thích huống chi đàn ông.

Các cháu hỏi chúng tôi “ thấy sao ”. Chẳng thấy gì ghê gớm cả. Người bên nhà hay chê bai người hải ngoại, cho như vầy là “ sa đoạ ” lắm. Nhưng thử nghĩ so với bia ôm hay phở ôm nghe phát gớm, cái nào tệ hơn ? Kẻ viết bài này chưa “ đi thực tế ”, nhưng nghe nói (chẳng biết đúng sai), rằng hai tay các ông không cầm ly bia hay ôm tô phở mà sờ mó ve vuốt lung tung, mặt đỏ gay nham nhở, hơi thở hôi hám nồng bia rượu, và thường người ta có cái háo hức tham lam tranh thủ lợi dụng. Các cô thì ngồi trên đùi, tự ép hoặc bị kéo vào lòng các ông. Đó là chưa kể những tay cơ hội, có chút quyền hành đem ra hù doạ hét tướng lên cho thiên hạ sợ để phải được chìu. Trong khi cà phê loại này, ai sàm sỡ lắm cũng chỉ là ngấu nghiến bằng mắt thôi, chẳng đụng được đến cô nào trừ phi muốn gây sự. Tiệm bia ôm phàm tục ồn ào người ta chỉ biết nhậu, nhậu và nhậu. Trong khi ở cà phê loại này không thấy sự thô tục, nó thanh tao hơn nhiều, mọi người nói năng vừa đủ nghe hay chẳng nói gì, chỉ tiếng gõ bàn phím lách tách mà cũng bị ca sĩ rên rỉ trên màn ảnh nhỏ lấn át rồi.

Ngồi đây chỉ tốn tiền cà phê còn trà miễn phí, có thể rề rà cả ngày mà trà vẫn được đầy ly và tha hồ dùng máy vi tính của tiệm làm việc riêng. (Khách Mỹ rất ngạc nhiên và đánh giá cao dịch vụ hào phóng này. Hiếm hoi vào quán Việt vì hình như dân Việt cóc thèm tiếp họ mặc dù dân di tản chẳng thuộc thành phần wánh cho Mỹ cút, thỉnh thoảng được bạn Việt dắt đi chú Mỹ nào cũng phấn khởi). Tóm lại ở cà phê có không gian và có con người cư xử với nhau tử tế. Thân thể đàn bà đẹp lại là tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá, thô tục chăng là các bà mỡ bệu ra mà không che giấu, còn con gái bụng thon da thẳng thì quả là nghệ thuật. Vừa uống cà phê vừa nhìn nghệ thuật sống, muốn gì hơn ? Được cái nữa là ngoài đuờng, khi tình cờ gặp khách hàng đi với bất kỳ ai khác, các cô làm lơ như không hề quen biết. Chắc đó là chiêu nghề phải thuộc nằm lòng.

Mình thì chẳng thấy gì nhưng con cháu út làm mặt làm mày với hôn phu khi biết thẳng sa chân vào chốn sa trường này để xem World Cup với hai ông anh vợ tương lai. Ghen tuông là bịnh trời cho, trẻ già cùng tâm trạng. Cho nên trước kia họ cho chụp hình thoải mái. Nhưng nhiều người đưa lên web rồi bình phẩm linh tinh, phiền cho các cô và cho nhiều ông đi uống cà phê bằng mắt mà giấu vợ. Nên cấm rồi. Bạn xin chụp hả ? Sẽ nghe lời xin lỗi từ chối rất nhẹ nhàng khả ái.

Tôi hỏi “ Mà thật ra, cà phê có cần phải làm như vậy không ”. Thằng cháu nói ngay là cần chứ, nếu cùng giá tiền cho ly cà phê mà phải nhìn giữa bà già và con gái thì ai mà chẳng chọn con gái. Thường tình vẫn là cái đẹp trước đã, có đẹp bắt mắt người ta nhìn rồi mới tính đến cái nết, huống chi bà già - con gái. Nên loại cà phê này dĩ nhiên đang kiếm ăn được. Tiền bo thường hào sảng, họ bỏ chung rồi chia đều nhau.

Tôi hỏi một con bé mặt non choẹt :

—  Lạnh không cháu ?

—  Dạ có.

—  Mùa đông thì sao ?

—  Dạ lạnh lắm, đành chịu thôi.

—  Ngày cháu làm mấy tiếng ?

—  Bữa nay con làm 8 tiếng, hôm qua làm 15 tiếng.

—  Sao làm nhiều vậy ?

—  Tại con ở một mình.

—  Lương khá không ?

—  Dạ khá, nếu không con không làm nghề này.

Giọng con bé lơ lớ, đĩnh đạc lễ độ. Ai cứ định kiến hễ làm mấy cái “ nghề này ” thì toàn láo lếu đá cá lăn dưa. Vậy các nghề đứng đắn hay “ đầy tớ của dân ” thì đều gương mẫu cả chắc ! Đúng là đời là một giấc mơ vĩ đại !


Xuân Sương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us