Nẻo xuân nhung nhớ
Nẻo xuân nhung nhớ
Đỗ Phấn
Căn hộ tầng cao ở phía bờ sông Hồng. Rét tháng chạp nửa đêm kéo về im lìm không tiếng động. Người Hà Nội chỉ nhận biết gió mùa khi kéo tấm rèm che cửa nhìn ra khoảng trời âm u xám. Những cánh én luồn lách đan dệt trong khoảng trống những khối nhà vút cao lầm lì xị mặt. Đôi cánh sắc cắt từng vụn gió ngập ngừng đổi hướng.
Cành đào trong nhà tác giả
Rét tháng chạp mang về hồi ức. Những phố phường Hà Nội xưa trong veo chậm rãi. Nhàn nhạt nắng trên những cành bàng hắt hiu vài chiếc lá đỏ. Nhàn nhạt mưa bụi giăng trên đường Yên Phụ trong vòm cây cơm nguội rũ lá chỉ còn những cành thưa tơ tóc. Gánh hoa trên làng Ngọc Hà đủng đỉnh xuôi con phố Tràng Thi lênh đênh in bóng lên những bức tường vôi trắng. Những bước chân hoa như thế đã lẳng lặng trôi vào quên lãng từ bao giờ. Người Hà Nội phải rất lâu mới quen được với việc vắng đi cái làng hoa đầy kỉ niệm của mình. Những vườn hồng, cúc, shusi, glaieul, violet dập dìu cánh bướm. Cái tĩnh lặng ồn ào của hương sắc không gì thay thế nổi. Giờ thì đường làng là con ngõ hẹp luôn tắc tị. Khái niệm ở làng mà tắc đường có lẽ cũng ra đời từ đây.
Chợ hoa trên đường Hoàng Hoa Thám họp theo phiên chợ Bưởi đã bắt đầu nhộn nhịp. Hoa của thời công nghệ sinh học đang ào ạt tứ xứ đổ về. Năm nay là cúc trái mùa trồng trong những chậu nhựa trắng. Có thể treo hoặc bày trên đôn cao. Cúc thiên đóa hai màu vàng trắng rủ những cành hoa trĩu nặng xum xuê. Lác đác những chậu mai trắng uốn tỉa tạo hình cổ kính truyền thống tuốt hết lá đang đâm những mầm hoa li ti xanh. Phập phồng chờ đợi nó nở hoa vào dịp tết không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm và can đảm. Giá tiền của nó rất đắt. Phong lan hoang dã mang từ trên núi về bày thẳng xuống đất bán như rau muống. Cũng đủ cả đuôi cáo, hoàng thảo, phi điệp, hài vệ nữ, quế lan hương. Không một mầm hoa hứa hẹn nào cả. Những loài hoa đã từng sinh trưởng đơm hoa dưới bàn tay các nghệ nhân Nghi Tàm thuở trước bây giờ người Hà Nội mua về chỉ là để an ủi một thời nhung nhớ. Không một loài phong lan hoang dã nào còn có thể sống nổi trong bầu không khí ô nhiễm nơi này nói gì đến việc trổ hoa. Đã có lan phi điệp biến đổi gien như hoa nhựa thay vào. Loài hoa đặc biệt phù hợp với việc mang biếu cấp trên vào dịp tết. Thậm chí nhìn chậu hoa trong nhà ai đó có thể biết được độ quan trọng của chủ nhân đến mức nào.
Con đường ven làng đào Nhật Tân nay đã thành phố. Cửa kính tấm lớn và biển hiệu san sát. Nhà nghệ nhân trồng đào nổi tiếng năm xưa nay đã thành quán karaoke. Nghe nói còn “ươm đào” cho cả những phòng hát lân cận trong vùng. Nhớ quá vài gốc đào bạch tạng đơm những bông hoa trắng như ngọc chuốt. Thứ đào không bao giờ mang bán ở chợ. Nhớ quá chén rượu xuân năm nào với những cánh hoa đào thắm đỏ bời bời rắc quanh chỗ ngồi. Cây bích đào chủ nhân trồng trước sân nở bùng như một ngọn lửa lớn ấm áp cả một khoảnh vườn ngăn nắp. Giờ thì môi son má đỏ tấp nập chào mời. Dừng chân thôi cũng đã ái ngại.
Ảnh : Minh Hà
Nhưng đã tết thì không thể thiếu đào. Mà đào thì vẫn luôn là loài hoa đáng tin cậy nhất. Chưa có kĩ thuật cho đào nở hoa trái mùa theo ý muốn. Người chơi được thưởng thức cái mong manh may rủi của thời tiết hàng năm có khi còn quan trọng hơn chính hoa đào. Không còn đất trong đê dành cho hoa đào Nhật Tân nữa. Vài bờ hồ quanh vùng cố chen thêm mấy gốc đào trông cũng thiểu não nhiều phần giống với cây giả. Người Hà Nội mất đi cái thú chơi đào vãng lai khi đi qua rừng đào rộng lớn phía khu đô thị Ciputra bây giờ. Chơi đấy mà cũng là để thầm dự đoán về được mất vụ đào mà quyết định mua vào lúc nào. Đào ra bãi gió Tứ Liên đã nhiều năm rồi. Không hợp thung thổ, người trồng đào còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể làm cho cây đào quen với đất mới. Chẳng biết có đủ thời gian làm quen? Đất cát ngoài ấy cũng rục rịch vài lần đầu quân cho các dự án. Không có dự án nào trồng đào cả. Người trồng đào cặm cụi với công việc của mình. Không có những ánh mắt qua đường ngắm nhìn bình phẩm chia sẻ dường như công việc chỉ còn đơn thuần là lao động chân tay. Cây cũng như người. Không được uốn nắn cắt tỉa bằng thẩm mĩ số đông đã bắt đầu đâm ra những cành thiếu kiểm soát.
Vài chục triệu mới có thể thuê được một gốc đào cổ thụ xén tỉa hoàn chỉnh nghệ thuật bày trong nhà dịp tết. Giá của nhớ nhung ấy chỉ còn vài người Hà Nội có khả năng chi trả mà thôi.
12-2013
Đỗ Phấn
Các thao tác trên Tài liệu