Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chiến trận: người và kiến, tự học

Chiến trận: người và kiến, tự học

- Ngu Yên — published 29/05/2014 19:34, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Thơ Ngu Yên


Chiến trận: người và kiến, tự học



fourmiChuông chùa đổ
bồ câu đậu bay lên
kinh hãi.

Sư tử gầm
thú rừng thất kinh
chạy tán loạn.


Bên này
đắp đất lên dãy núi dài chập chùng, những đỉnh nhọn chiến lược, những khe sâu phòng thủ. Trồng cỏ lớn làm cây, cỏ thấp làm bụi rậm, tạo chướng ngại vật. Đặt những khúc xương bò ngang dọc, chồng lên nhau, làm đồn trú. Cảnh trí trở thành nơi đóng quân kiên cố, khá an toàn.

Bên kia
tạo những núi cao có triền dốc chạy xuống đồng bằng đất sỏi cằn cỗi. Tiếp theo bày những dãy rừng thưa vừa đủ ẩn núp. Đặt những ống hút, lấp đất lên làm những đường hầm dài dẫn ra bãi trồng cỏ lùn như lau sậy.

Ranh giới
đào rãnh lớn, lót bọc nhựa, đổ nước làm con sông chạy uốn quanh đồi núi, chia đôi hai miền. Chặt đũa bắt ngang làm nhiều cây cầu. Bỏ vài viên đá lớn nhỏ như trời đất tình cờ dựng lên

Bấy giờ
cắm chiếc dù lớn, kẻo trời mưa.


Trò chơi điện tử: kết quả sáng tạo của lòng tham lam hay chứng minh trí tuệ thông thái? Càng ngày trò chơi càng tràn ngập, càng cao cấp, càng phẫn nộ, càng đánh động ngũ quan, gây bệnh tâm thần. Trò chơi điện tử chiến tranh nhiều vô số. Chiến tranh dưới lòng biển, trên mặt biển, trên đất liền, trên không trung, kể cả trên tinh tú. Chiến tranh từ giao đấu tay chân đến gươm đao đến súng ống bom đạn, xe tăng, máy bay, hỏa tiễn, phi thuyền. Tất cả để chứng tỏ người là thượng đế: sáng tạo, điều khiển các nhân vật trò chơi.

Ai là thượng đế của người?

Càng ngày chiến tranh càng nhiều, càng khủng khiếp, càng phức tạp. Chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Đại Hàn, chiến tranh Iraq, chiến tranh Afganishtan, chiến tranh Trung Phi, lẽ tất nhiên còn nhiều chiến tranh lẻ tẻ, rồi chiến tranh tương lai. Đơn giản, mặt đất là màn ảnh. Con người là nhân vật. Trò chơi được sáng tạo.

Ai sáng tạo?


Chuông nhà thờ đổ
bồ câu kinh hãi bay lên
đàn chiên nghe kéo đến.

Sư tử gầm
thú rừng chạy tán loạn thất kinh
những thú già nằm run rẩy.


Ổ kiến vàng ở gần.
Buổi sáng, rải đường ngọt từ ổ kiến đến đồn xương bò. Trong khoảnh khắc, đàn kiến thợ đánh hơi, hối hả, mừng rỡ như bắt được manna từ trời rơi xuống. Đàn kiến vác từng hạt đường trắng về hang. Nhìn những sợi râu rung động đủ biết kiến vô cùng hoan hỉ, tin rằng đã tìm ra hạnh phúc như Zarathustra đã từng tin như thế. (1)

Kiến nối đuôi nhau trật tự, lối đi khác lối về, chen chúc tạo thành đường vận chuyển lương thực, càng lúc càng dài. Sử gia kiến gọi: đường Viện Trợ, chúng ta gọi: đường Thì Thâm.(2)

Buổi trưa, đàn kiến vượt đèo trèo núi đến đồn Địa Đàng, nơi tủy mỡ gân sụn đang chờ đợi. Thử tưởng tượng những con kiến đầu tiên chạm mặt kho tàng vĩ đại, phải chăng chúng sửng sốt, ngây người, không thể reo mừng khi sung sướng đã khoá chặt đôi càng và đóng cứng bầy chân xuống đất. Những trái mỡ chín trên cành cây xương làm sao lòng Eva không khao khát? Kiến Adong cũng không sao tránh được thèm thuồng. Nếu Eva không hái xuống, Adong sẽ leo lên ăn. Thú tính là con thú dữ vô hình, không ai thấy, kể cả tuệ nhãn. Con rắn là thú tánh. Để Eva nhận tội, anh hùng không dám cứu mỹ nhân. Sau khi xử phạt Eva, đàn kiến Adong tung hoành leo cây hái mỡ. Lập tức một làn sóng thông tin truyền đi trên đỉnh ngàn râu theo gió, quê nhà bừng bừng vui mừng như tìm ra đất hứa. Dân kiến lũ lượt đưa nhau đến định cư.

Buổi chiều, đồi núi trở thành màu vàng, nắng cuối ngày chiếu đàn kiến bóng lộn, phát lóng lánh lớp lớp ngọc châu. Những khúc xương được mạ vàng di động, kiến bu kín đục khoét cắn rứt miệt mài tranh nhau mang tủy mỡ gân sụn về dự trữ. Chuẩn bị chè chén đêm liên hoan. 

Đêm đến, kiến bắt đom đóm nằm chồng lên nhau thành những cột điện cao chiếu ánh đèn khắp đồi núi, những đom đóm khác nằm ngửa thành nhiều vòng tròn lớn nhỏ, chớp nháy sáng rực một góc âm u. Hàng ngàn con bay qua bay lại trên không, kết đèn di động rọi ánh sáng xuống đêm mừng lễ hội tư bản.

Bắt đầu cúng thần Kiến. Chẳng ai biết từ đâu ra. Tượng thần kiến giống như kiến nhưng đứng trên hai chân theo kiểu con người mà kiến trông thấy, thần cao lớn, có hai càng uy dũng. Loài sống nào chẳng có thần thánh, nếu không, trật tự sẽ loạn ly. Loài sống nào cũng sợ chết là hết, kiến tin rằng sau khi chết sẽ về với mưa, kiến tốt theo mưa ra biển sống đời sau mênh mông. Kiến xấu bị mưa cuốn vào rác rưỡi. Hàng ngày kiến sợ nhất là mưa lụt.

Biển là nơi kiến không thể đến. Thỉnh thoảng vài nhà thám hiểm kể chuyện biển, cõi sống huy hoàng một cách mơ huyền, kiến cúi đầu thán phục. Không có kiến tốt nào chết rồi ra biển trở về báo mộng. Biển vẫn là nơi bí mật của hạnh phúc và kinh sợ. Thần kiến đến từ biển. Thần Kiến sinh ra kiến không cần kiến chúa. Mục đích của Thần Kiến đã thỏa thuận, không cần tìm hiểu thêm. Cho dù cách đây hơn trăm năm, có người nói:"Thượng Đế đã chết" (3). Nếu có thắc mắc về thân thế, câu trả lời sẽ là: trí tuệ kiến như hạt bụi, làm sao hiểu được chuyện thiêng liêng.

Sau khi cúng, đàn kiến tự do múa hát ăn mừng nô đùa thâu đêm. Từng bầy kiến tụ tập, đứa đập lên đá làm trống, đứa thổi cuốn lá làm kèn, đứa khảy nhụy hoa làm đàn. Đám kiến thiếu nữ liên tục lúc lắc bờ mông tỏa ra mùi hương tình tự. Đám kiến trai lăn vào ca hát, cờ bạc, rượu chè, vui gái, không còn biết đâu là lý tưởng. Quân cũng như dân ăn chơi, cầu nguyện Thần Kiến và sống mỗi ngày hoang tưởng.

Ổ kiến đỏ ở xa.
Tuần sau, rắc bột mì từ ổ kiến đến bờ sông. Đàn kiến đỏ bắt đầu di chuyển. Mùi thơm lúa mì gây ảo ảnh thực tập một thiên đường tại thế. Đàn kiến đỏ ùa đi vì quê nhà khô hạn nay nghe tin màu mỡ, không khỏi thiếu thốn sinh lòng tham vọng. Tiếng chuông Ivan Pavlov (4) gõ từng hồi, lũ lượt, đua nhau chen lấn đường nam tiến, sử gia gọi: đường Mòn Bột Mì, chúng ta gọi là Mê Lộ.

Mê Lộ là con đường đi trên hai chân bị sai khiến với đôi mắt chỉ thấy vài màu sắc vài hình ảnh một mục đích và không thấy gì xa quá vài với tay. Mê lộ làm cho đôi tai không nghe được gì khác hơn tiếng loa tuyên nhiễm và tiếng thì thầm run sợ. Đôi tay không làm gì khác hơn những hoạt động của hình nhân cắm trên ruộng dọa dẫm chim muông xuống ăn mùa lúa chín. Tệ nhất, cái miệng chỉ biết hô hào theo biểu ngữ, ca hát vinh danh không cần biết nhân vật là ai, có hay không có. Cái miệng nối liền tử tế và hiểm ác, lịch sự và chửi bới, không ranh giới. Cái miệng không phân biệt nổi ý nghĩa thế nào là tráo trở, làm sao là giả hình.

Mê Lộ là chất xám thiếu màu nên lợt lạt, dù lưu giữ bao nhiêu điều, chỉ như cỏ mọc không bám rễ, có kiến thức mà không có trí thức, nói chi đến lòng yêu học thức. Con voi đầu nhỏ chân to, nếu không thể khuân vác, nên dùng ra chiến trận, nếu không, sẽ đạp phá xóm làng.

Kinh hãi nhất phải nói Mê Lộ trong lòng. Những từ ngữ đi chung với Mê Lộ là độc ác, gian hiểm, tham lam, biển lận, đố kỵ, ganh tị, dối trá, hống hách và nịnh bợ. Lòng mê lộ khiến cho trí có ánh sáng mà không thấy, lòng có can đảm mà điên cuồng, tim có yêu thương mà ích kỷ. Con voi đầu nhỏ bụng to, ăn mấy cũng không vừa, nếu không có lá non, cỏ tốt, thứ gì voi cũng vòi vào miệng, sẵn sàng chiến đấu vì mất ăn.

Mê Lộ khiến kiến đỏ tập đoàn chặt chẽ, hùng hậu dù lúc nào cũng canh chừng giết nhau. Bầy kiến lãnh tụ, kiến tướng, đầu lớn, càng to, quen thuộc xác chết. Dẫn đàn kiến lính, kiến thợ, kiến dân đi theo mùi lúa mì, mơ tưởng nền văn minh nghèo đói. Đầu ngẩn cao nhìn thiên đường Karl Marx (5) bình đẳng ấm no sau đám mây báo mùa dông bão, dù bao tử lớn nhỏ khác nhau. 

Buổi trưa, kiến đỏ chạm bờ sông. Đứng bên này đã bắt được mùi béo mỡ từ dãy núi theo phấn hoa bay trong không trung Bên kia bờ những nhóm kiến vàng vô tư canh giữ hòa bình một cách mệt mỏi, chờ hết phiên về phố thăm nhà, vui chơi hưởng phước.

Kiến đỏ tràn qua sông. Ngàn ngàn con tuôn qua cầu. Thả lá làm ghe, chồng chất sang bờ. Vài kiến vàng tháo chạy vội vã mang tin cấp báo. Những con còn lại bị tràn ngập bởi màu đỏ trùng trùng. Bạo lực cướp tư bản, thần kinh hệ Mao, bắp thịt bần cố nông,
không sức mạnh nào sinh tồn hơn sức đói. (6)

Kiến hay hơn người, không bao giờ bỏ chạy. Kiến vàng chiến đấu cho đến khi cụt đầu, rụng hết chân, mình đứt làm đôi. Như cơn lụt máu, màu đỏ tràn lên núi, đè bẹp bụi rậm, cây cao. Tất cả sâu, bọ, côn trùng không kịp thoát thân đều làm mồi cho bụng dã thú đang đói rỗng.

Trong khi chờ tin báo về ổ chỉ huy, đàn kiến vàng đầu tiên từ núi tràn xuống hàng ngang, con này nối đuôi con kia, hàng dài, theo thứ tự đi vào cõi chết. Chúng có nhiệm vụ ngăn chận địch quân chờ quân cứu viện. Chúng phải giữ cho được đất đai màu mỡ mà thế hệ trước không biết quí trọng. Những con kiến mở rộng càng hết mức, đón những hơi gió rực lửa chiều mùa hạ để thét lên những tiếng xung phong cuối cùng.

Đỏ nhiều như nước dâng lên. Nắng xế trưa chiếu vào chiến địa, như ai nhỏ những dòng sơn vàng dọc theo triền núi, chảy xuống thấm vào biển đỏ. Từng dòng sơn nhấp nhô, màu vàng tan ra, loãng dần rồi biến mất trong màu đỏ lúc nhúc.

Kiến hay hơn người không bao giờ bỏ chạy. Dàn trận từ trên cao, đàn kiến vàng thứ hai xông xuống sau đợt lính đầu tiên hầu như biến mất trong biển máu. Một lớp sơn vàng chảy lan, hòa vào sơn đỏ, đường ranh lượn sóng, hai màu loang lổ, thành bức tranh trừu tượng. Đời sống vốn cụ thể. Trừu tượng: vẽ lại cụ thể với bí mật của nó


Có bao giờ ai hỏi
khi lính chiến xung phong
nghĩ gì?
quê hương?
gia đình?
lý tưởng?
hay giết kẻ thù và đừng chết?


Kiến xáp trận, đối đầu, nhe càng, đẩy tới. Kiến nào yếu thế, tụt lui, té ngửa,địch thủ cắn đứt cổ, đứt eo lưng. Những cặp ngang sức, ôm lấy nhau, lăn tròn, cắn chặt, chết một lượt, không nhả ra.

Kiến vàng ít, một chọi năm chống mười. Chưa hết nửa cây nhang, màu vàng tan biến. Kiến đỏ trèo lên tràn ngập đồn Địa Đàng. Đám kiến vàng ít ỏi còn lại chốt giữ những khúc xương, nghinh chiến anh dũng cho đến mạng cuối cùng.

Kiến không biết nói. Âm thanh chiến thắng vang rền trên đôi râu. Có chiến thắng nào không sung sướng. Có thất bại nào không đau buồn. Chiến thắng và thất bại giống nhau trên xác chết. 

Từ trong đồn ra đến triền núi, xuống tận bờ sông, xác kiến la liệt. Vàng đỏ đóng cục. Đỏ vàng ôm cuộn tròn. Vàng đỏ chồng lên nhau. Xác chết cong queo. Nắng chiều kéo đi từng vệt trên chiến địa, để lại bóng âm u.

Những kiến bị thương chưa kịp tắt thở: đứa không đầu, thân bò đi không thấy đường về, lần mò từng bước lanh quanh; đứa đứt làm hai, đầu đi tìm thân, thân không nhận ráp đầu; đứa gãy càng; đứa mất chân mất tay; những cử động lặng lẽ trong giờ hấp hối, chợt đời sống thêm tả tơi.


Kiến hơn người
vào chiến trận không bao giờ bỏ chạy
có người chết nhiều lần
kiến chỉ chết một lần.

Người hơn kiến: có linh hồn
vào trận không chết biết bỏ chạy
chết một lần hoặc chết nhiều lần
hồn vẫn sống.

Kiến khác người: không có chữ 'Anh hùng'
dù giống nhau: chiến tranh.

Thế nào là anh hùng?
tuẫn tiết khi thua?
thua khi tuẫn tiết?
không chịu khuất phục?
chết ngoài sa trường?
nhẫn nhục phụ trọng?

" Chết nặng như núi Thái Sơn mà nhẹ như lông hồng"

Anh hùng: biết phân nặng nhẹ
không phải nặng như núi nhẹ như lông
nặng như sống để làm gì?
nhẹ như chết để làm gì?

Anh hùng: người thành công với lịch sử
Anh hùng: kẻ thất bại đối diện bản thân.

Người quan sát kiến, học hỏi cách làm người
Thượng Đế quan sát người, học hỏi cách làm Thượng Đế
Kiến chết mấy ngàn con
Người chết mấy tỷ.


Chuông chùa đổ bên này

Chuông nhà thờ đổ bên kia
bình an ở giữa
kinh hãi
bay mất.


GHI CHÚ:


(1) Zarathustra: Nhân vật của Friedrich Nietzsche trong tác phẩm Thus Spoke Zarathustra.

(2) Tham thì thâm.

(3) Lời nói của Zarathustra, cũng là lời nhắn của Nietzsche.

(4) Ivan Pavlov: (1849-1936) Tâm lý gia người Nga. Xây dựng lý thuyết về phản ứng tự nhiên của thói quen và điều kiện nhắc nhở thói quen. Ông dùng con chó và tiếng chuông. Khi chó đói, ông gõ chuông rồi cho ăn. Khi đã thành thói quen, cứ nghe tiếng chuông, chó sẽ tìm thức ăn. Vị chất trong bao tử tự động tiết ra, chó cảm nhận bụng đói.

(5) Karl Marx:(1818-1883). lý thuyết gia kinh tế xã hội người Đức. Đưa ra lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Nguồn gốc của đảng Cộng sản về sau. 

(6) Vladimir Lenin (1870-1924) lãnh tụ đầu tiên của đảng Cộng Sản Nga.
Joseph Stalin: (1878-1953) Kế vị Lenin.

(7) Những người nào đã từng quan sát kiến đánh trận sẽ nhận ra hai điều:

Thứ nhất, kiến lính ra trận không bao giờ rút lui, bỏ chạy. Nó chỉ có thắng, bị thương hoặc chết. Những kiến thợ, kiến dân, kiến vận tải, khi gặp địch sẽ bỏ chạy nhưng chúng ngỏng đuôi lên cao để phân biệt.

Thứ hai, kiến đánh nhau ít khi bên nào thua, không bao giờ bị chiếm ổ. Kiến lính chia làm nhiều đoàn và không bao giờ đem hết lính đi đánh xa. Nếu bên nào thất thế sẽ bị bên kia dồn về gần hang. Khi đến một độ nguy hiểm nào, lập tức kiến phòng thủ từ hang tràn lên như sóng nước, đẩy lui phe địch về lại nơi trận địa ban đầu hoặc về gần hang phe địch. Cả hai bên đều dùng chiến lược như nhau nên không bao giờ có thắng thua nhất định. Chiến lược này có tính cách bẩm sinh.

Khi hai ổ kiến đã lâm trận giành mồi thì chỉ có mưa hoặc một biến động nào lớn mới làm cho kiến tan hàng. Đặc biệt, nếu thổi hơi người vào trận chiến, sẽ làm binh ngũ hai bên tán loạn. Khi quan sát kiến, cần phải đeo khăn che hơi thở.

Kiến đỏ, kiến vàng, kiến vàng đỏ, kiến riện đều có cá tính anh hùng giống nhau: Ra đi không về. Ngoại trừ kiến đen, chân dài, khi đối đầu với địch thường bỏ chạy. Hay đứng bên ngoài trận chiến, rình rập, rồi nhảy vào vác thực phẩm chạy mất. Khi không chạy được, phải chiến đấu, kiến đen rất ma giáo. Không đọ càng với địch mà dùng đuôi để dụ địch tấn công rồi xoay ngang cắn đứt hông đối thủ. Hiền lành nhất, có lẽ là kiến hôi.

Lúc còn học tiểu học, tôi nuôi nhiều loại kiến khác nhau, kể cả kiến núi đá, ở vườn sau nhà. Lập trận đồ cho kiến đánh nhau. Trò chơi cuối tuần của tôi như vậy, ngoài trừ trời mưa.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us