Nhà văn Bùi Ngọc Tấn như tôi biết
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn như tôi biết
Tây Hà
Làm quen, rồi đi lại thân thiết với Bùi Ngọc Tấn là một vinh dự, một nguồn vui trong một cuộc đời. Anh là một nhà văn lỗi lạc, đứng hàng đầu trong hàng ngũ các nhà văn Việt Nam hiện đại. Trong quan hệ người với người, anh là một người rất dễ mến, chân thật, nhiệt tình, biết cười. So với những bạn thâm niên đã cùng anh hàng chục năm tranh đấu, chịu đựng, tôi là người mới đến. Nhưng nghiền ngẫm hai cuốn tiểu thuyết đồ sộ và ngót mươi tập truyện ngắn, để dịch cho xứng đáng, tôi hiểu anh nhiều. Và kính phục, quý mến anh nhiều. Anh và chị. Một cặp vợ chồng uyên ương đến tuổi bạc đầu. Chị đã dũng cảm cùng anh đương đầu với bao nỗi gian nan của cuộc đời.
Người Việt cũng như người nước ngoài ngưỡng mộ anh. Bà Marion Hennebert, trong nhóm lãnh đạo nhà xuất bản Aube của Pháp, người đã tìm ra Cao Hành Kiện, hiểu nổi tầm cỡ của ông, và cho in sách của ông trước khi ông được giải Nobel, đánh giá Bùi Ngọc Tấn rất cao. Bà đã mong muốn xuất bản sách anh từ lâu, và mừng rỡ khi nhận được bản dịch đầu tiên của tôi. Trong những thư từ trao đổi với tôi, bà luôn luôn gọi Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn vĩ đại, trội bật của văn học Việt Nam ngày nay.
*
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại huyện Thủy Nguyên gần Hải Phòng, thứ tư trong một gia đình sáu con, năm trai, một gái. Năm 1947, sau khi tác chiến bùng nổ, hai anh lớn tham gia kháng chiến, gia đình bỏ nhà chạy lên Việt Bắc. Trên đường, hai em, một trai một gái bỏ mình cho bệnh đậu mùa. Trong những năm chiến tranh, ông được học ở Thái Nguyên. Năm 1954 ông được tuyển vào đội Thanh Niên Xung Phong về tiếp quản Thủ Đô. Hòa bình trở lại, là một sinh viên xuất sắc, ông được đề nghị đi học nước ngoài. Nhưng không, ông chọn ở lại trong nước, sáng tác văn chương, lấy môi trường đất nước làm nguồn cảm hứng. Ông làm báo và viết văn. Đầu tiên với báo Tiền phong, Hà Nội, sau chuyển về Hải Phòng. Trong nghề phóng viên với hai tờ báo này, ông chuyên chú tìm hiểu đời sống của người nông dân thôn quê và người lao động ở các công sở. Ông luôn đến sống tại chỗ để nhìn nhận. Ngoài việc viết báo, ông bắt đầu viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Dần dần ông đã có uy tín trong làng văn. Với tuổi ba mươi, được có một buổi gặp độc giả ở Hà Nội.
Thế rồi ngày 8 tháng 11 năm 1968, ông bị công an đến nhà bắt, tống giam. Không được một phiên tòa xử xét. Những bản tự tay ông viết ra, bị tịch thu. Trong đó ba tập tiểu thuyết còn ở dạng bản thảo. Ông bị giam, nhưng không phải là đi tù, vì không được một tòa nào tuyên án, mà đi tập trung cải tạo để trở thành người tốt. Tổng cộng năm năm. Sáu tháng xà lim, rồi một năm phòng giam tập thể, tại nhà giam Hải Phòng. Sau đó đi hai trại giam vùng rừng núi miền Bắc. Nơi ta gọi là rừng thiêng nước độc. Mùa đông rét, quanh năm ăn đói. Phải tránh mắt quản giáo, kiếm rau cỏ hoa quả của rừng, thằn lằn ếch nhái (thật ra nhái chứ ếch lấy đâu ra), ăn giấu giếm để bổ sung cho tiêu chuẩn hàng ngày.
Giai đoạn này là một quãng ngoặt của đời ông. Sau khi được trả tự do, trong hai năm ông bị cấm không được làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà Nước. Ông phải làm đủ nghề chân tay : đẩy xe bò, khuân vác, cuốn thuốc lá. Có lần định làm miến, nhưng không có vốn nên thất bại. Sau hai năm cực khổ, ông được ông Hoàng Hữu Nhân, một cán bộ cấp thứ trưởng, có tinh thần công lý, giúp cho vào làm phụ trách thi đua ở một xí nghiệp đánh cá quốc doanh. Làm thi đua là tổ chức những cuộc khen ngợi, ban thưởng, để khuyến khích nhân viên hăng hái làm việc, thay cho đồng tiền ô uế của các xã hội tư bản. Ông ở chức vụ này cho đến khi về hưu. Công việc này tạm giải quyết được vấn đề sinh sống. Nhưng trong hai mươi năm ông vẫn không được quyền viết văn, là nghề thật của ông.
Phải sau chính sách đổi mới, chế độ giảm phần khắc nghiệt, ông mới được trở lại viết văn. Ông viết Một thời để mất, về nhà văn Nguyên Hồng, một người bạn hơn tuổi của ông, được nhận in năm 1995, và sau này sẽ được giải ‘Sách hay’ của nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 1996. Liền sau thắng lợi đầu tiên này, ông viết ngay hai truyện ngắn được đăng trên báo, Cún, chuyện con chó của anh hàng xóm, Người ở cực bên kia nói về một buổi liên hoan với thầy cô bạn học những năm trung học, mỗi người đã theo một số phận khác nhau, người thứ trưởng, kẻ ở tù ra. Rồi ông cũng cho ra, rải rác qua thời gian, những truyện ngắn như Người chăn kiến, chuyện một ông giám đốc đi tù oan vì lẽ gì đó, trong tù bị gã trùm anh chị trong tù hành hạ, bắt khỏa thân làm tượng thần tự do, rồi chăn mấy con kiến cho bò ở dưới sàn nhà, sau khi được giải oan trở về tự do, ông vẫn nhớ đến nhà tù và mê việc chăn kiến ; Trung sĩ, chuyện một cô ý tá đi bộ đội chiến trường Trường Sơn, hàng ngày sống dưới bom đạn, hòa bình trở lại, làm điếm để có được cuộc sống đầy đủ, nuôi con ; Một cuôc thi hoa hậu, một cuộc thi đua nhan sắc giữa những cháu bé học cấp một (tiểu học), một cháu đau khổ vì không trúng cử ; Vũ trụ không cùng (viết xong năm 2004), ngẫm nghĩ, trong lúc tuổi già, về số phận con người nhỏ bé, về không gian và thời gian bao la… Một số truyện đã được tuyển dịch ra tiếng Pháp thành hai tập. Một tập bảy truyện, được đặt nhan đề theo tên truyện Cún, có thể dịch trở lại tiếng Việt là Một đời chó má, được nhà xuất bản Aube (Bình Minh) ấn hành năm 2007 (1). Một tập nữa cũng bảy truyện đã dịch sang tiếng Pháp với nhan đề Vũ trụ không cùng, tên của một truyện trong tập ; chưa được xuất bản (2).
Cùng với những truyện ngắn viết nhanh, ông soạn ra hai tập tiểu thuyết đồ sộ, Chuyện kể năm 2000 và Biển và chim bói cá.
Chuyện kể năm 2000 bắt đầu được viết từ 1990, là một cuốn tiểu thuyết dựa trên kinh nghiệm ông bị đi tập trung cải tạo năm năm, và sống không có việc ổn định trong hai năm sau khi được trả lại tự do. Chuyện ở tù viết thành tập 1 ; cuộc đời gian nan sau tù viết thành tập 2. Bắt đầu có tên là Mộng Du, sau mới đổi ra Chuyện kể năm 2000. Cuối năm 1991 bản thảo cho hai tập đã xong. Nhưng tu sửa, đánh máy, tìm nhà xuất bản, mãi đến năm 1999 mới được nhà xuất bản Thanh Niên nhận, và đầu năm 2000, mấy ngày trước Tết Canh Thìn, mới được xuất bản. Bộ sách làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Nhưng sách ra được hơn một tuần, mấy ngày sau Tết thì bị thu hồi và tiêu hủy. Ngay lập tức những bản chui (tức không có sự đồng ý của tác giả) đã nảy ra nhan nhản, trong nước, ngoài nước : Mỹ, Canada, Úc, Đức, và trên mạng Internet.
Biển và chim bói cá được xuất bản năm 2008. Chuyện này diễn tả cuộc sống và sự suy biến của một xí nghiệp đánh cá Biển Đông, không đương đầu nổi hai thử thách là sự biến hóa của xã hội đi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường và tình thế biển cạn cá vì bị khai thác không điều độ. Chuyện không có nhân vật chính. Có thể nói nhân vật chính là cái xí nghiệp đang thoái hóa kia. Trong đó những tế bào là người mà ta được nhìn những mảnh đời giao nhau như trong một ống kính vạn hoa. Người lao động vật lộn với đời để ngày qua ngày sống xót nuôi vợ nuôi con, kẻ khôn ngoan giàu có sống trong xa xỉ. Một thế giới vi mô phản ánh xã hội xung quanh.
Biển và chim bói cá được dịch sang tiếng Pháp và xuất bản năm 2011 do nhà Aube (3). Năm 2012 được giải Henri Queffélec dành cho các tác phẩm viết về biển. Chuyện kể năm 2000 được dịch ra tiếng Pháp với nhan đề là Chuyện kể cho những kỷ mai sau, và được nhà Aube xuất bản năm 2013 (4).
*
Các truyện ngắn diễn ra những chủ đề ta sẽ thấy trong hai quyển chuyện đồ sộ về sau.
Một cuộc thi hoa hậu là một câu chuyện xinh xắn thương tâm. Câu chuyện nói lên những ước mơ của tuổi thơ khi mới vào đời. Trong một ngõ hẻm, những cháu bé khoảng mười tuổi trở xuống thi đua nhan sắc. Cuộc thi chấm dứt, hoa hậu, các á hậu phấn khởi, mọi người hớn hở vui mừng. Nhưng một cháu không được giải, một mình ngồi khóc. « Bé ơi. Đừng khóc. Đời các con mới chỉ bắt đầu ». Trong Vũ trụ không cùng, ở cực bên kia cuộc đời, khi đã trải qua một cuộc bể dâu, một ông già ngẫm về phận mình và về vũ trụ. Phận mình bé nhỏ cô đơn. Khi ra đi sẽ thật cô đơn. Người mình yêu, yêu mình, trong suốt cuộc đời, cũng sẽ không kèm mình trong bước đi cuối cùng. Ông tưởng đến vũ trụ, không gian và thời gian, bất tận. Chủ đề vũ trụ không cùng, quyến luyến với tác giả, sẽ trở lại trong Chuyện kể năm 2000.
Giữa hai thái cực, cuộc đời diễn ra những thảm kịch kinh hồn.
Nhà tù. Nhà tù như tác giả đã từng trải, nó cải tạo con người trong chiều sâu, làm cho dù có được trả lại tự do, thể xác đi lại bình thường, người đã vào thứ tù ấy, tâm óc vẫn luôn luôn trở về với nó. Trong Người chăn kiến, ông giám đốc không thể thoát khỏi sức hút của nhà tù ông đã trải qua. Ngày ngày thấy phải sống lại những cảnh ông đã nếm mùi trong đó. Chủ đề này cũng sẽ trở lại trong Chuyện kể năm 2000.
Xã hội. Cái xã hội sau chiến tranh không có khả năng đáp ứng những nhu cầu tầm thường của con người. Và cũng không có lý tưởng dể dìu dắt con người trong cách sống. Cái gì cũng giả dối, nông cạn, bằng vào đâu mà cố gắng chịu đựng ? Và để đi tới một tương lai nào ? Sống bình thường cùng cực, sao không làm điếm để có một cuộc đời dễ thở, dễ thở chứ không gọi được là xa hoa. Cô trung sĩ anh hùng trong chiến tranh sau cũng làm điếm. Làm được vì cô có nhan sắc và có tư cách. Còn người khác thì thế nào ?
Nhân vật chính của Chuyện kể năm 2000, Nguyễn Văn Tuấn, nhà báo, nhà văn, được gọi là « hắn » trong chuyện. Giống như tác giả, đang thành công trong nghề làm báo, và viết sách đã bắt đầu có tiếng thì bị bắt, tống giam, không án. Ban đầu ở nhà giam trong thành phố, sau đó đi trại cải tạo. Những chi tiết trong truyện đều chân thành với sự thật. Những nỗi khổ trong tù : đói, những việc nặng nhọc, bẩn thỉu, những ông quản giáo khắc nghiệt, đều được phô bày ra. Nhưng đọc ra thấy sách chủ yếu nói về cái xã hội vi mô của người tù. Hoạt động của mọi người trong đủ các công việc mà nhà tù giao cho. Khai thác rừng, chăn nuôi súc vật, gánh phân, đập đá… Quan hệ người với người, thường là nghi kỵ, nhưng « hắn » cũng có quan hệ thân tín hay ít ra cũng mật thiết với vài người, như già Đô, một Việt kiều bỏ nước Pháp về, tưởng giúp nước, nhưng đi tù vì quen thói công lý tự do của Tây Phương ; Giang, chàng thanh niên ngoài đời thuộc phường anh chị, vào đấy cũng tin tưởng và quý mến hắn. Còn có các ông quản giáo, các ông giám thị, mỗi người một tính. Bao vây chung quanh trại giam là khu rừng nguyên sơ, thơ mộng, thần tiên, với những tiếng chim kỳ quái. Sau này, bốn mươi năm sau, khi trở lại, thấy rừng đã bị khai thác, biến thành rừng trồng mềm dịu, tác giả còn nhớ tiếc. Phải nói là tất cả tác phẩm tràn đầy thi vị. Dường như hồn thơ bay bổng trên cõi độc ác của con người. Hồn thơ trong cảnh rừng già. Hồn thơ lãng mạn trong cảnh hai vợ chồng hắn yêu nhau dưới ánh trăng, cảnh đẹp nhất trong tập truyện. Tác giả trình bày những sự hiện thực, khi ta đọc đến những điều tàn ác thì đau thương, oán giận, nhưng ông diễn tả một cách điềm nhiên không có lòng thù ghét. Thật ra trong trại giam, thì thù ghét ai ? Tất cả đều là nạn nhân của một guồng máy vô tri vô giác. Kể cả những ông giám thị, những ông quản giáo. Ông Thanh Vân, viên hạ sĩ quản giáo khắc nghiệt, cũng được miêu họa với những nét rất có tính người. Khi ông chăm chú học những quyển sách vật lý trung học cấp hai hay cấp ba gì đó ; đáng cười mà cũng tội nghiệp. Khi ông nô đùa vời các cô trung sĩ. Khi ngạc nhiên thấy quyển sách chính ông mang vào trại cho các cán bộ đọc là của hắn. Trong mắt Bùi Ngọc Tấn, con người phần đông không độc ác. Chẳng qua là hoàn cảnh. Một mặt khác, ông cho ta chứng kiến cái mà Hannah Arendt gọi là sự bình thường của điều ác (banalité du mal).
Ra tù hắn mới gặp kẻ ác trong lòng. Ông Trần, người đã ra lệnh bắt hắn, và cố giữ cho hắn không được có việc làm. Mở đầu tập 2, khi hắn ở tù ra, có đoạn hắn đứng cạnh những ngôi mộ, nhìn trời sao. Trời sao vô tận làm hắn cảm thấy phận bé nhỏ của con người mà sẵn sàng tha thứ, cả cho ông Trần. Ngẫm rằng nếu ông được đối thoại với các vì sao, thì trong lòng ông sẽ giảm đi sự tàn ác.
Bùi Ngọc Tấn rất cảm phục Dostoïevsky. Nhưng không sợ phạm thượng, ta có thể nói là Chuyện kể năm 2000 hơn nhiều Kỷ niệm nhà mồ của nhà đại văn hào người Nga, cũng là chuyện nhà tù. Phải nói là nếu không kể những viết lách lặt vặt tuổi trẻ thì Kỷ niệm nhà mồ là tác phẩm đầu tay của Dostoïevsky. Câu chuyện cho ta gặp những tù nhân mà nhân vật chính đã gặp, cho ta biết tội của họ ra sao, họ đã làm những gì, nhưng không có chiều sâu, không biết được họ là những người thế nào. Các nhân vật của Chuyện kể năm 2000 có da có thịt có hồn, làm ta xúc động, chứa chan tình cảm khi ta đọc đến. Ta thương xót già Đô, ta muốn biết số phận của Giang trong đời thật ra sao.
Biển và chim bói cá nói về con người, về biển, về xã hội.
Tác phẩm có một cấu trúc dị thường. Không viết về một mà về nhiều nhân vật, tác giả tự tạo điều kiện để thoải mái diễn tả mọi tính tình của con người. Nói về người, Biển và chim bói cá là một phòng trưng bày hình ảnh con người, từ nhiều khía cạnh.
Đây thuyền trưởng Trần Bôn, ngăn nắp, quy củ, yêu vợ và trung thành với vợ. Đây thuyền trưởng Trần Nhân Chơn, hồn thơ, bồng bột, hào phóng, lãng mạn, yêu người cũ một cách nồng nàn. Nhạn, cô đánh máy xinh xắn, láu lỉnh, đùa cợt những đồng chí chuyên gia nước ngoài, trịnh trọng com-lê ca-vát, chế giễu thân mật các sếp, và không thân mật lắm các nhà chức trách. Cảnh, anh chàng phụ trách việc nhổ cỏ dại (trong cái xí nghiệp quốc doanh đang đi dần đến giai đoạn cáo chung ấy, có nhiều chức vụ mà ta khó tưởng tượng được nó có tích sự gì), thông minh, không chịu được chỗ đứng của mình, quá thông minh đối với cha, tuy một nhà lãnh đạo được nhiều người khâm phục, quá thông minh để sống trong hoàn cảnh mà số phận đã dành cho anh. Thuyền trưởng Huy, một ngưởi sẵn sàng làm đủ mọi điều đê hèn, phản trắc, nịnh hót, để thỏa mãn tham vọng của mình. Ở cực bên kia, thuyền trưởng Lê Mây là một người ngay thẳng, nhưng lại không biết mềm dẻo với sự đời. Lại có Quán Mèo một gã xuất thân chăn vịt rồi đi đến giàu có, quyền thế, nhờ chăm chỉ, khôn khéo, mánh khóe, liều lĩnh, xét cho cùng, con người không ác, chẳng qua chỉ là biết lợi dụng nhân tình thế thái. Nhiều nhân vật được mô tả cả về hình dáng. Đây thuyền trưởng Lê Mây « khuôn mặt sạm nắng gió và muối mặn, vuông vức, râu ria, mắt dữ dội nhìn thẳng trên một nền trời biển ».
Tất cả các nhân vật đó vật lộn với đời, ở buổi giao thời, chính sách đổi mới chưa có kết quả, cái gì cũng thiếu. Trong quan hệ người với người, những hành vi bất lương, vô sỉ, cũng có. Nhưng nổi bật trên hết là tinh thần tương trợ, trước cảnh cùng khổ chung, chất phác tự tâm phát ra, chứ không rườm rà đạo đức. Cùng khổ không chỉ có cuộc đời của các anh thủy thủ, ngày đêm trên boong dù mưa dù nắng. Nghèo đói là số phận của mọi người, trên bờ hay trên biển, cần cù mệt nhọc để chưa đủ nuôi vợ nuôi con. Sự liên đới giữa những người khổ sở đôi khi cũng dẫn đến những cảnh ngộ nghĩnh ; đọc đến đoạn cô gái chuyên ăn cắp dầu của cảng, đứng chửi anh công an vì anh ta khám tầu để tìm hàng lậu của những anh thủy thủ buôn về làm kế sinh nhai, mà phải buồn cười « Người ta đi vất vả, sông nước kiếm miếng ăn, lại kéo đến ăn hớt tay trên của người ta ». Ăn cắp là một nghề rồi.
Sau cùng, cái tinh thần tương trợ ấy cũng phai nhạt đi, khi xã hội dần dần ra khỏi tình trạng thiếu thốn. Làm ta tự hỏi có nên tiếc nuối cái cảnh bần cùng thuở ấy không ? Tác giả cho ta xem mọi khía cạnh của sự tình.
Tình yêu, qua các nhân vật khác nhau, được xem dưới đủ mọi dạng. Thay vì tình yêu, nói về tình dục nam nữ đúng hơn. Đây là những anh thủy thủ thả lên bờ, từng đoàn hớn hở đi tìm thú vui xác thịt, nơi những cô gái đợi sẵn bên đường. Ở cực bên kia xã hội những ông tổng giám đốc rủ nhau tung tiền đi những nơi trụy lạc xa hoa. Tình yêu cũng có. Đây anh thuyền trưởng mê vợ, luôn luôn nhớ đến vợ. Đây anh bác sĩ đi buôn trích vốn ra mua một loạt quần trong kích dục để về ngắm vợ. Cũng có anh thủy thủ mê vợ, hãnh diện về vợ, rồi đi biển lên bờ cũng theo bạn ăn chơi dâm dãng.
Tác phẩm cũng về biển. Biển trong quan hệ với người. Biển với vẻ đẹp tuyệt đối của biển.
Đời sống trên tàu đánh cá rất cực nhọc. Làm việc ba ca tám tiếng. Ban đêm cứ hai tiếng rưỡi lại phải thức dậy, hai tiếng rưỡi là thời gian một mẻ lưới : thả lưới, đi ngủ vội để cho tàu kéo, nhấc lưới, dỡ cá, cho ướp đá, rồi lại thả lưới… Tàu thì luôn luôn rầm rập máy nổ. Nhưng biển cũng có nguồn lợi cho người hưởng. Trong tình cảnh thiếu thốn thời bấy giờ, đặc biệt thiếu thốn về chất đạm, người đánh cá thật là may mắn, ăn tôm ăn cá suốt ngày, trong bữa ăn, ngoài bữa ăn, trong những buổi liên hoan tổ chức trên tàu.
Biển cũng có bao nhiêu cảnh huy hoàng. Cảnh mơ hồ của những buổi hoàng hôn mặt trời chìm dần trên mặt biển, cảnh thần tiên những ngọn sóng tóe lửa lân quang trong cơn gió bão.
Câu chuyện cũng không khỏi phô bầy cả một môi trường sinh sống. Tác giả không tố cáo những tệ đoan của xã hội. Không. Chỉ kể lại những điều có thật. Những lễ vật biếu các quan chức, từ vật nhỏ như con gà luộc, đến những cống hiến hàng trăm hàng ngàn đô-la. Những mánh khóe để chia nhau tài sản của Nhà Nước. Những sự chênh lệch giàu nghèo hiển hiện ra đấy. Tất cả được diễn tả một cách hồn nhiên. Thì có gì đâu ? Đời sống bình thường. Nhìn bởi con mắt sắc bén của tác giả.
Câu chuyện được kể với một nụ cười chua xót, nhưng trên hết, với đầy tình cảm, làm ta cười, ta khóc, theo từng hoàn cảnh. Một câu chuyện chan chứa tình người. Khiến độc giả quyến luyến với những nhân vật mà được thấy một mảnh đời trong đó. Một câu chuyện đầy thi vị, lôi cuốn những người yêu vẻ đẹp của văn chương. Mười năm sau Chuyện kể năm 2000, một kiệt tác, nghệ thuật của Bùi Ngọc Tấn đã đến một trình độ phi thường.
Những tập truyện ngắn, hai tác phẩm đồ sộ, biểu hiện con người và thiên tài của Bùi Ngọc Tấn.
Ông là người chân thật. Nói ra những gì ông thấy, không thêm, không bớt. Giản dị và trung thành, như ông nói trong tập hồi ký Thời biến đổi gien. Những tác phẩm của ông là những bản báo cáo về một thời đại. Mà vượt qua thời đại, nó cũng là những suy tưởng sâu sắc về số phận con người.
Văn của ông chan chứa hồn thơ. Cách hành văn cũng nhịp nhàng nhạc điệu. Để ý ta thỉnh thoảng thấy một câu thất ngôn, hoặc đúng nhịp một câu thơ tám chữ. Nhưng trên hết là những hình ảnh mê hồn. Cảnh rừng nguyên sơ với những cây già oai linh đầy hăm dọa, những dòng suối nước trong đẹp như tranh vẽ, những tiếng chim kêu huyền bí, thấm tận đáy lòng. Cảnh biển muôn dạng, những buổi chiều trên mặt nước khi trời yên gió lặng, những cơn bão hãi hùng nhưng biết bao vẻ đẹp. Còn có những cảnh thần tiên hư cấu : đàn bướm lượn trên suối, một trang trại với những con vật hiểu được người.
Bùi Ngọc Tấn có nghề kể chuyện. Đọc rồi cứ muốn đọc tiếp. Mà khi thôi không đọc, dư âm của chuyện cứ vẫn phảng phất trong tâm hồn. Người Pháp sành rượu đánh giá cao những thứ rượu khi uống rồi hương vị còn âm ỷ lâu trong miệng. Văn của Bùi Ngọc Tấn là thứ văn như thế. Đọc rồi cứ ưa nghĩ lại. Càng nghĩ càng thấy thấm thía.
*
Tôi gặp được anh Bùi Ngọc Tấn là phải tìm kiếm. Khi anh sang Pháp hai lần, tôi không được gặp. Năm 2010, đọc quyển hợp tuyển văn thơ Việt Nam của G.S. Lê Thành Khôi (Histoire et Anthologie de la Littérature Vietnamienne des Origines à nos jours) thấy anh được giới thiệu là một trong những nhà văn quan trọng nhất trong nền văn học Việt Nam hiện thời, tôi muốn gặp để dịch sách của anh. Nhưng biết anh ở đâu ? Tôi không nghĩ ra hỏi những bạn đã tiếp anh khi anh sang Pháp. Thật may một cô công an từng có nhiệm vụ theo dõi anh là con một người trong họ tôi thường gặp khi về nước. Khi hỏi người họ thì có ngay điện thoại và địa chỉ của anh. Mong lộ ra điều này không hại cho cô. Tôi không gặp cô bao giờ mà chắc địa chỉ của anh Tấn cũng chẳng phải là một bí mật nhà nước.
Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn và
dịch giả Tây Hà
(ảnh chụp tháng 4.2013, Hải
Phòng)
Hôm đó chị không ra, kín đáo vào phòng trong để tôi nói chuyện với anh. Chỉ khi nào tôi nói một câu anh cho là chí lý, anh gọi vọng vào cho chị và vui vẻ nói lại câu tôi vừa nói.
Sau đó tôi đến thăm anh chị nhiều lần. Năm nào tôi cũng về thăm quê hương, mỗi lần về, đi Hải Phòng thăm anh chị ba bốn lần. Anh chị nhiều khi cho tôi ăn. Có khi có nhiều khách, có người đến từ Hà Nội. Bạn văn chương, hay độc giả. Có khi tôi lại chơi, đến giờ anh giữ lại, chỉ có hai anh chị. Có lần tôi đến Hải Phòng sớm, điện thoại hẹn chiều sẽ lại. Anh nói : « Anh đến tôi, chứ ăn ở vỉa hè làm gì ? ». Anh không ra vỉa hè mà cũng biết tôi ăn ở đó. Vỉa hè phố Trần Phú, chỗ Nhà Hát Lớn đi ra, ăn ngon mà rẻ.
Ở nhà anh tôi làm quen với nhiều bạn. Các anh Dương Tường, Châu Diên, anh Công Nam. Và nhiều văn nghệ sĩ chỉ gặp ít lần thôi.
Chúng tôi nói đủ chuyện. Những buổi đầu nói với anh về việc dịch Biển và chim bói cá. Tên các con cá gay quá. Cá vùng nhiệt đới người Pháp đâu biết đến. Tên la-tinh thì ai lại. Anh phì cười khi tôi báo cáo đã tìm ra mười mấy thứ cá trong một bản giới thiệu món ăn, song ngữ. Chúng tôi nói chuyện anh, chuyện tôi, chuyện bên nhà, chuyện bên Pháp. Và dĩ nhiên không tránh khỏi chuyện thời cuộc, xã hội. Những kỷ niệm của anh chị ngày xưa. Anh không tỏ lòng thù ghét. Chỉ cười. Cười những hành vi phi lý. Chắc không xứng đáng.
Anh là người cao cả, bao dung, ôn hòa, có lòng trắc ẩn. Tốt với bạn. Anh thành thực nói, những quyển sách tôi dịch một nửa của anh, một nửa của tôi. Tôi đâu dám nghĩ thế. Dịch giả chỉ là anh thợ viết, diễn lại những tư tưởng quý giá do người sáng tác. Nhưng chúng tôi không tranh cãi nhiều về điều đó (vấn đề tinh thần chứ không phải lợi nhuận, lợi nhuận mỗi người giải quyết riêng biệt với nhà xuất bản).
Nói về anh, không thể không nói về chị. Những buổi vui, chị cười đùa trò chuyện, nâng cốc với bạn. Hiền từ, mảnh khảnh. Thế mà đã mang trong người một nghị lực bất khuất. Khi chị tiếp tế cho anh, đi hàng trăm cây số, tàu hỏa, xe đạp, từ Hải Phòng ra Hà Nội, rồi lên vùng Việt Bắc, vượt đò, băng rừng, đến trại giam anh. Khi chị nhã nhặn mà cương quyết đương đầu với bạo lực, nó bao trùm chị, bao trùm anh. Người ta nói nước Việt ta tồn tại là nhờ người phụ nữ. Đúng thật là như thế.
Trong tập Thời biến đổi gien, hồi ký của anh, có câu « Thời gian sẽ nuốt chửng hết cả ». Những người đương thời quý trọng anh, dần mòn sẽ ra đi. Tôi cũng sẽ chết, và hình ảnh sống động của anh trong ký ức tôi sẽ tiêu tan. Nhưng, như anh cũng biết, nghiệp văn chương lộng lẫy của anh sẽ sống mãi cho những thế kỷ mai sau, bất diệt.
Anh ra đi, các bạn mất đi một người bạn quý, khóc than khôn xiết sự tình, làng văn mất đi một cây bút siêu quần, đất nước mất đi một ngưởi, theo cách xưa gọi là người hiền.
Tây Hà
(1) Une vie de chien – dịch giả Đặng Trần Phương, Nguyễn Ngọc Giao, Vũ Văn Luân, Janine Gillot – éditions de l’Aube 2007
(2) L’Univers sans fin – dịch giả Tây Hà
(3) La Mer et le Martin pêcheur – dịch giả Tây Hà – éditions de l’Aube 2011
(4) Conte pour les siècles à venir – dịch giả Tây Hà – éditions de l’Aube 2013
Các thao tác trên Tài liệu