Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nhạc Trịnh Công Sơn từ Paris qua Nhật Bản

Nhạc Trịnh Công Sơn từ Paris qua Nhật Bản

- Võ Quang Yến — published 28/03/2014 17:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Đóng góp vào Gác Trịnh ở Huế


Nhạc Trịnh Công Sơn
từ Paris qua Nhật Bản


Bài và ảnh (*) Võ Quang Yến


Ngày thứ bảy 11 tháng sáu năm 2011, nhân kỷ niệm mười năm ngày Trịnh Công Sơn mất, một đêm văn nghệ với Đức Tuấn, Hồng Anh, Thanh Hải và ban hợp xướng JVOX đã được tổ chức ở thị trấn Sceaux, miền nam Paris. Khán giả lại dự rất đông, nhà hát 500 chỗ ngồi chật kín. Khách mời có Khánh Ly ở Hoa Kỳ sang, phần giới thiệu do anh Cao Huy Thuần đảm nhiệm. Như vậy là người nhạc sĩ nổi tiếng xứ Huế luôn tồn tại trong lòng người Việt ở Paris nói riêng, ở nuớc ngoài nói chung. Từ nay với Hội Văn hoá Trịnh Công Sơn, tên nhạc sĩ lại càng được ghi kỹ trong tâm tư. Thật ra, Paris đã nghe nói đến Trịnh Công Sơn từ khá lâu, bắt đầu với bài viết rất dài của anh bạn Jean-Claude Pomonti trong tờ báo le Monde (1969). Bản thân tôi được nghe chính nhạc sĩ đàn và hát qua những băng cat xet tòa soạn báo Bách Khoa gởi tặng trong những năm thập niên 60-70. Trong những buổi găp mặt trước hè của ban Việt ngữ viện Đại học Paris 7 ở nhà chúng tôi trên đồi Hắc Ký Ni Sơn trong Thung lũng Chevreuse, những năm 1987-90, mỗi lần cô sinh viên Yoshii Michko ôm đàn lại hát Trịnh Công Sơn. Ngày 16 tháng năm 1987, nhà Việt Nam ở đường Cardinal Lemoine, Paris quận 5, tổ chức một cuộc nói chuyện về người nhạc sĩ xứ Huế do anh Đặng Tiến trình bày. Vào thời ấy, Hội Người Yêu Huế đang trên đường phát triển, mỗi lần có dạ hội là có nhạc Trịnh. Hai năm 1985 và 1987, tổ chức tại Nhà Sinh viên Đông Nam Á ở Paris, đại lộ Jourdan, lần nào Hội cũng mời ca sĩ Thanh Hải từ Đức sang hát Trịnh Công Sơn. Có cả một người Đức, cô Inger Pichner, hồi ấy có chồng người Việt, lại hát vài bài như Diễm xưa, Ngủ đi con, tiếng Việt đệm giọng Đức nghe rất dễ thương. Ở Paris, còn có cô Ỷ Lan Pénelope Faulkner, người Ái Nhĩ Lan, hát bài Diễm Xưa (và nói) với giọng Huế thuần túy. Giọng hát trong suốt của Thanh Hát khác với giọng hát mượt mà của Khánh Ly nhưng rất hấp dẫn và với một băng cat xet để lại, chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi cuộc qua Pháp viếng thăm của chính nhạc sĩ.


      Thanh Hải 1985                  Yoshii Michiko 1989                  Inger Pichner 1987


Năm 1989, từ 27 tháng năm đến 26 tháng sáu, Trịnh Công Sơn, vào tuổi 50, được Hội Người Việt Nam tại Pháp mời qua Pháp cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đối với chúng tôi, nhạc sĩ là tiêu biểu cho xứ Huế trước khi là một nghệ sĩ dân gian, một nhạc sĩ đã sáng tác ra những bài hát vang dội khắp hoàn cầu, không chỉ ở những nơi có người Việt định cư. Vì vậy, dù không phải là khách mời của Hội Người Yêu Huế, chúng tôi chia phiên nhau đưa đón, dẫn di thăm viếng, mời về nhà ăn cơm,…  Chúng tôi không dè có chuyện khó khăn. «Một số Việt kiều ở Mỹ bay qua Pháp với ý đồ hành hung và bắt cóc nghệ sĩ của thành phố, họ đã chặn đường đoàn để hành hung. Ý đồ của họ không thành… Hai chúng tôi phải tản cư về một tỉnh lẻ. Ở Paris, anh em khoanh vùng nơi nào Trịnh Công Sơn được đến, nơi nào là vùng cấm, và Trịnh Công Sơn tuyệt đối không được đi một mình » (NQS). Có lẽ vì vậy mà vợ chồng chúng tôi hụt đón nhạc sĩ tại tư thất trên đồi Hắc Ký Ni Sơn. Tuy đã có hẹn từ trước, hôm sắp đưa xe lại đón thì tôi được cho biết nhạc sĩ đã được mời đi ở nơi khác. Tội nghiệp cho nhà tôi, biết khách họ Trịnh thích uống rượu hơn ăn cơm nên mất công chạy vạy tìm hỏi cách soạn đồ nhắm… Dù sao, chiều thứ bảy 27 tháng năm và tối thứ bảy 10 tháng sáu, hai buổi Gặp gỡ Trịnh Công Sơn - thảo luận, bàn tròn, văn nghệ đã được tổ chức tại Nhà Việt Nam. Khách lại dự, bạn bè quen biết hay chỉ nghe tiếng, hâm mộ đến đông chật kín ngôi nhà nhỏ. Trong số khách có Trịnh Vĩnh Trinh, cô em gái của nhạc sĩ, từ Canada qua, ca sĩ Thanh Hải từ Đức lại, cô sinh viên Yoshii Michiko ở Paris. Chuyện trò huyên náo, ồn ào nhưng biết bao vui vẻ, thân tình thật là tứ hải giai huynh đệ. Ngày 27.5, hôm khai mạc cuộc triển lãm tranh Trịnh Công Sơn ở Unesco cũng là một thành công mỹ mãn vì có rất nhiều khách lại xem và mua tranh. Nghe nói trong thời gian ở Paris, như Ngưu Lang Chức Nữ, nhạc sĩ có dịp gặp Khánh Ly từ Mỹ sang thăm.



Riêng bên phần nhạc sĩ họ Trịnh cũng cảm thấy xao xuyến trong lòng không ít và như mọi nghệ nhân gốc Huế si tình khác, gặp cảnh ngộ thì dễ yêu dễ thương, đi xa nước thì mau nhớ quê, nhớ nhà. « Tôi đã nhớ Paris dù chưa bao giờ gặp. Tôi nghĩ về Paris đã từ lâu lắm. Những dòng suy nghĩ đã trôi đi không có ngày hẹn. Trôi đi. Đời sống đã trôi đi, đã trôi qua như bây giờ trước mắt là dòng suối Loiret, nhìn từ căn nhà của Đặng Tiến, cũng trôi đi lặng lẽ. Những con thiên nga cũng trôi đi trên dòng suối nầy. Lười biếng trôi đi mà vẫn giữ riêng cho mình một vẻ đẹp không thể nào trách móc đươc. Lac des cygnes, Ballet về cái chết của Thiên Nga. Tháng 5 trời đất đề huề một bầu không khí ấm áp rất thuận lợi cho một cơ thể ốm yếu như tôi. Paris ồn quá. Ồn ào một cách hơi hỗn đối với những tâm hồn tĩnh lặng Đông phương. Tôi thích phố xá nhưng không phải là một loại phố xá làm đau đớn đời sống riêng tư của mình. Về Orléans nghe chim chóc ca hát quanh đời (sic). Những cây platane già, những cây platane trẻ phủ xuống một nỗi nhớ nhung riêng. Tháng 5, những lớp da bệnh hoạn được sưởi ấm. Những giọt máu dưới làn da đã trỗi dậy ca hát một mùa không tuyết phủ… Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau, nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu đến đâu hãy chỉ thấy những nụ cười, những nụ cười như đóa hồng đứa bé cầm trên tay đi qua đường phố, rực rỡ một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái. Buổi chiều tháng 5, dòng suối Loret chảy nhẹ nhàng. Đi bộ từ bờ nầy sang bờ kia còn dễ dàng gấp nghìn lần những mùa lụt ở Huế. Buổi chiều ở Orléans bỗng nhiên tôi nhớ về quê nhà quá. Có những cái đầu không bình tĩnh lắm sẽ trách móc tôi vì sao ở một nơi sung sướng như vầy mà vẫn nhớ nhà nhớ quê. Than ôi ! Quê nhà chính là tôi rồi tôi biết làm sao được. Paris ơi ! Đã một thời yêu Paris lắm dù chưa gặp. Nhưng bây giờ Paris sẽ là một trong muôn vàn kỷ niệm của tôi. Đừng buồn, vì Paris vẫn là Paris và tôi có thể chỉ là một người quan sát nghèo nếu chưa hiểu được những gì trong lòng Paris muốn giấu kín. Tôi không còn trẻ và Paris cũng chưa già. Paris hãy mãi mãi giữ gìn một Paris như thế và tôi, tôi cũng sẽ mãi mãi giữ gìn một sự mất đi không cần thiết cho cuộc đời » (TCS, Orléans, 22.05.1989).



Hôm Gặp gỡ Trịnh Công Sơn ở Nhà Việt Nam, một người lên hát Diễm xưa và nhiều bài khác được đặc biệt chú ý là cô Yoshii Michiko (viết chữ Hán đọc âm Việt là Cát Tỉnh Mỹ Tri Tử), đã tốt nghiệp cử nhân bên Nhật Bản (trên đề tài ca sĩ nổi tiếng đương thời Miyuki Nakajima), hiện đang dự thảo một luận văn cao học ở viện Đại học Paris VII. Ở bên Nhật cô đã từng nghe mấy người anh hát Trịnh Công Sơn bằng tiếng Nhật nhưng vì còn nhỏ cô chẳng có một ý niệm gì về chiến tranh. Qua Paris học tiếng Việt ở Paris VII, cô bảo cũng có nghêu ngao nhưng lúc ban đầu chưa sành tiếng nên chỉ hát cho vui. Dần dần, khi bắt đầu thấu hiểu nghĩa lý các bài hát, cô nhận định không chỉ có những bài tình ca mà còn có một số các bài chống chiến tranh. Cô tìm hiểu từ đâu phát sinh những bài hát nầy, trong điều kiện nào chúng đã phát triển và được phổ biến rộng rãi thế nào. Cô sưu tầm các băng cat xet phần lớn nhờ gởi từ Hoa Kỳ qua, những tài liệu nhờ tác giả sao chụp ngay từ bản chính, qua điện thoại thường xuyên bàn bạc với chính Trịnh Công Sơn… Các bài hát sưu tập (69 bài phản chiến trong số 196 tác phẩm), sắp đặt lại, dịch một số (toàn vẹn 7 bài), bình luận chu đáo, tuy không có dự kiến kinh sử, trở thành luận văn cao học với đề tài Chansons anti-guerre de Trịnh Công Sơn (Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn). Với những nhận xét tế nhị, tinh vi, cô lần lượt đề cập đến thái độ ban đầu của nhạc sĩ khi đang chỉ còn là một nhân chứng quan sát (1966-67), rồi dần dần mô tả những nổi đau của người dân trong chiến tranh, đòi ngưng tiếng súng chấm dứt thảm họa đang dày vò đồng bào (1968). Các giáo sư nhận định cô đã làm một công việc dịch thuật mạch lạc, trình bày nghiêm túc các bài hát lắm lúc khó hiểu, phức tạp trong bối cảnh chính trị (Đặng Tiến). Cô cũng đã có công phân tích kỹ thuật phần ký âm nhưng đồng thời mạnh dạn vượt ra khỏi khuôn khổ âm nhạc để đạt đến phương diện nghệ thuật hiện đại của xã hội Việt Nam (Langlet). Luận văn được bảo vệ ngày 2 tháng bảy năm 1991 ở viện Đại học Paris VII trong khuôn khổ khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông, trước ban giám khảo gồm có các vị giáo sư và cán bộ giảng dạy Philippe Langlet, Đặng Tiến, Phạm Đán Bình, Trần Văn Khê (đặc biệt được mời vào bàn giám khảo). Theo câu cách ngôn « một trăm lần đọc không bằng một lần nghe », cô bắt đầu buổi bảo vệ luận văn với hai bài hát Đại bác ru emNgủ đi con du dương, tự đệm đàn lục huyền cầm. Tuy là phòng bảo vệ luận văn nghiêm trang, khán giả bạn bè rầm rộ vỗ tay như ở rạp hát. Sau khi giải thích lý do cuộc khảo cứu, xác định vị trí cùa nhạc sĩ trong ngành nhạc học Việt Nam, cô bình luận thái độ của nhạc sĩ đối với chiến tranh. Ngày nay, tiểu sử cũng như tư tưởng phản chiến của Trịnh Công Sơn đã được bàn luận sâu rộng. Để kết thúc buổi bảo vệ luận văn, cô còn hát ba bài Ca dao Mẹ, Tôi có người yêu chết trận PleimeNối vòng tay lớn, được đông khán giả cùng hát. Đây là một thủ tục thú vị chưa từng có ở đại học.


Yoshii Michiko Trịnh Công Sơn Trịnh Vĩnh Trinh

Trước khi đi đến kết luận, cô dành cả một chương về kích thước quốc tế của nhạc Trịnh Công Sơn. Thật vậy nhạc họ Trịnh, ngay trong thời kỳ chiến tranh, không chỉ nghe ở các hộp đêm, phòng trà thành phố mặc dầu bị cấm đoán, lan sâu vào các vùng chiến khu xa lánh mặc dầu bị cho là Nhạc vàng đồi trụy mà còn được phổ biến ra nước ngoài, đặc biệt ở các nước mến chuộng hòa bình hay dính líu đến cuộc chiến. Ngoài nước Pháp dễ hiểu là nơi có nhiều người Việt, nhạc Việt Nam lan tràn ra quốc tế nhờ đã đón tiếp nhiều nhà báo tứ phương lại săn tìm những thiên phóng sự giật gân. Cũng rất dễ hiểu nhạc Việt được nghe nhiều ở Hoa Kỳ với số lớn quân nhân gởi qua đây. Cô Yoshii Michiko chú ý là bất cứ ở đâu, nhạc Trịnh Công Sơn cũng được hát theo nguyên văn tiếng Việt, chỉ có ở Nhật Bản là bài hát được dịch ra tiếng địa phương. Nguyên là năm 1968, nhà báo Asai Takashi ở đài Truyền hình Mainichi đem về Tokyo một dĩa thâu 23 bài hát phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh. Từ dĩa nầy, ca sĩ Takaishi Tomoya chọn ra hai bài Ngủ đi conTôi sẽ đi thăm, đặt lời Nhật, có khác đôi chút như không còn chuyện da vàng vì không muốn nhấn mạnh đề tài nội chiến, hay mẹ ru con mất cha thay vì mẹ mất con chết ở chiến trường,… Năm 1969, hãng Nihon Victor cho xuất bản một dĩa 45 vòng (Ngủ đi con) lập tức đạt thành công phi thường, nhờ các bản nhạc du dương đã đành mà cũng nhờ đã phát hành đêm khuya. Nhằm vào lúc phong trào phản chiến lên cao, nhiều ca sĩ nổi tiếng khác như Moriyama Ryoko, Carmen Maki, Katô Tokiko hay nhóm Dyuku Eisesu cũng đua nhau hát Trịnh Công Sơn, rút cuộc nhạc sĩ họ Trịnh đoạt giải Dĩa Vàng năm 1969 ở Nhật Bản.



Đằng khác, năm 1970, ca sĩ Khánh Ly được mời qua hát ở Hội chợ Quốc tế Osaka. Cô trình bày một số bài trong ấy Diễm xưa, Ca dao mẹ qua hai thứ tiếng làm rung động lòng người Nhật vốn đã quen thuộc và ưa thích nhạc điệu rất Á Đông của Trịnh Công Sơn. Sau nầy, cô còn qua Nhật nhiều lần khác, hát ở đài truyền hình, trước những khán giả không phải Việt Nam. Lần cuối năm 1989 cô hát song ca với ca sĩ nổi tiếng Katô Tokiko. Bên phần Trịnh Công Sơn, đài truyền hình Mainichi đặt một bài hát về Hiroshima và Nagasaki. Có lẽ không sống trong cuộc, chưa khi nào viếng đất Phù tang, bản nhạc không có chút hiện thực, không làm rung động thính giả Nhật, lại đúng vào năm 1972, chiến tranh sắp chấm dứt ở Việt Nam nên không thấy được phát hành. Trái lại, năm 1979, hảng Nippon Columbia cho xuất bản một dĩa 45 vòng (Diễm xưa) hai thứ tiếng với Khánh Ly, được phát trên mạng mỗi kỳ trước tác phẩm của Kondô Kôichi Vợ tôi và con tôi đến từ Sài Gòn. Tuy dĩa bán không chạy bằng dĩa xuất bản năm 1969, nhưng phát hành trên làn sóng quốc gia, bài hát đã được phổ biến rộng rãi trong nước. Cô Yoshii Michiko bảo thấy bên nưóc cô ta, có nhiều người chưa từng nghe nói đến Việt Nam, không dính líu gì đến chiến tranh, cũng nhận ra bài Ngủ đi con vì làn điệu đằm thắm nầy đã ru ngủ họ cả một thời niên thiếu qua các đài phát thanh và truyền hình. Trịnh Công Sơn chắc chắn hả lòng dưới suối vàng. Còn cô Yoshii Michiko thì luận văn được chấm hạng Tối ưu (Très Bien).


       Trịnh Công Sơn – Thanh Hải                       Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh

Tôi có gặp lại Michiko ở Thành phố Hồ Chí Minh hai lần : năm 1992 tại nhà Trịnh Công Sơn và năm 1998 tại nhà riêng. Lúc nầy cô có chồng người Việt (ông Trần Văn Soi tức Thomas Soi, cưới năm 1994) và hai con. Từ 1993, cô làm cho một công ty Nhật Bản và qua nhóm Việt kiều tại Nhật lo việc quyên tiền, góp phần xây cầu bê tông ở miền Đồng bằng sông Cửu Long thay thế các cầu khỉ. Đồng thời cô làm đại diện cho‘’Chương Trình Bạn Trẻ Em Đường Phố tại Nhật’’ giúp đỡ tài trợ trẻ em Việt Nam. Tháng ba năm 2012, cô được mời thăm trường cũ, viện Đại học Paris VII, ở địa chỉ mới. Tuy nói thạo tiếng Việt, cô thuyết minh bằng tiếng Pháp trên đề tài « Ưu tư của chính phủ và xã hội dân sự trước con trẻ ngoài đường ở Việt Nam ». Bây giờ cô là tiến sĩ và giáo sư ở Trung tâm Quốc tế Giáo dục và Khảo cứu CIER ở viện Đại học Mie bên Nhật Bản. (Bắt đầu từ 01.04.2014, cô dọn về Đại học Okinawa, Bộ học Nhân văn). Cuộc khảo cứu về nhạc Trịnh Công Sơn ở Paris đã đưa đường cô đến Việt Nam, và hơn nữa huớng cô về một cuộc khảo cứu liên quan đến tương lai những đất nước đang cần phát triển lành mạnh trong số ấy có tổ quốc của thân phụ các con cô.

Ở Huế, ngày 01.04.2013, đúng sau 12 năm Trịnh Công Sơn mất, khai trương « Gác Trịnh , tên gọi lấy ý tưởng từ câu hát trong bài Đêm thấy ta là thác đổ ». « Đây là căn gác nhỏ, từng là một chốn đi về của Trịnh Công Sơn thời kỳ ông còn sống và sáng tác ở Huế vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Tại đây, nhạc sĩ họ Trịnh đã sáng tác những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của mình ».«  Ðược biết Gác Trịnh sẽ trở thành điểm đến dành cho những ai yêu mến người nhạc sĩ tài danh, và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: triển lãm, giới thiệu gương mặt và những sáng tác mới, giao lưu văn học nghệ thuật... » (theo tin các báo tuoitre.vn, vov.vn, tienphong.vn). Huế sẽ mãi mãi nhớ đến Trịnh Công Sơn.

Thành Xô mùa xuân 2014

Võ Quang Yến


(*) Trừ ba tấm đầu, tất cả những ảnh chụp năm 1989 tại Nhà Việt Nam ở Paris nằm trong cuốn album chọn lọc tôi tặng nhạc sĩ ngày anh lên đường về nước. Nhiều tấm đã được các báo trong nước trích ra phổ biến và quên đề tên tác giả !

Nguồn: Bài đã đăng trên tập san  Huế Xưa và Nay số 121 (1-2 /2014),  đây là bản tác giả gửi Diễn Đàn, có sửa chữa và bổ sung


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us