Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / NHÌN SKY NHỚ BỐ, VÀ MẸ

NHÌN SKY NHỚ BỐ, VÀ MẸ

- Mạch Nha — published 10/01/2013 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


NHÌN SKY NHỚ BỐ, VÀ MẸ


Mạch Nha



Mẹ tôi Tết tới đây sẽ vào tuổi 77. Tôi dửng dưng với con số này. Như tôi vẫn luôn dửng dưng với tất cả những con số đã đi qua đời mẹ hằng năm. Khi gần, tôi thích nhìn môi và mắt mẹ. Khi xa, tôi thích nhớ môi và mắt ấy. Ngoài ra, là vóc dáng, là cử chỉ, lời nói. Ngoài ra nữa, cách mẹ đối đãi, ăn ở với đời. Tôi thường nghĩ đến cái tên của mẹ khi nhớ bà. Nhưng tuổi thì không. Tôi dửng dưng với số. Không biết tại sao.

Mẹ tôi thường được khen là có giọng nói và tuồng chữ trẻ hơn tuổi của bà một cách không thể tưởng tượng. Dạo này, ra đường, mẹ lại còn hay được khen đẹp. Đẹp, chứ không phải đẹp lão. Thế mới ghê chứ !

Những lời khen này là sinh tố giúp mẹ tôi khỏe. Hạnh phúc gia đình của người em trai duy nhất của tôi – thứ hạnh phúc nhân gian bình thường nhưng để có được không biết bao nhiêu nước mắt lớn nhỏ đã chảy xuống – cũng là sinh tố giúp mẹ khỏe. Ngoài ra, mẹ tôi còn nương nhờ một số nguồn trợ lực khác như nước cốt Noni, cao, sâm các loại để khỏe. Cái khỏe của một người ở tuổi 76. Mẹ thường trả lời như thế khi tôi thăm hỏi. Mẹ tôi bị số tuổi của bà ám ảnh. Mỗi năm, bà đều trịnh trọng thông báo sự tăng trưởng số tuổi của bà với tôi vào dịp Tết đến. Hết Tết, mẹ vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại : « Năm nay mẹ đã 70 / Năm nay mẹ đã 71 / Năm nay mẹ đã 72 / …, rồi. » Dần dà, mẹ khiến tôi không thể không gắn thêm những con số đáng ghét vào mẹ trong khi tôi chỉ yêu thích hình ảnh đôi môi và đôi mắt của bà. Đôi mắt mẹ tôi là bằng chứng của một đời chịu đựng. Đôi môi lại mang dáng nét vừa đầy đặn chín mùi vừa e lệ kín đáo của một đóa sen sắp nở.

Tôi theo chồng bỏ mẹ đã 17 năm. Thời gian đầu, khi mới qua Pháp tôi có gửi tiền về giúp gia đình vì khi ấy em trai tôi còn đi học. Vài năm sau, em ra trường, tìm được việc làm và thăng tiến rất nhanh. Em thành công nhiều đến nỗi có thể một mình lo lắng cho bố mẹ hơn cả mức đầy đủ. Đến nỗi, bên nhà còn gửi ngược quà qua Pháp cho gia đình nhỏ của tôi. Thế là tôi dần dà không gửi tiền về nhà nữa. Thay vào đó, tôi chỉ thỉnh thoảng gửi quà bánh. Mỗi lần nhận quà, mẹ đều hoặc chê thật hoặc chê vờ để ngăn cản hành động mà mẹ cho là phung phí không cần thiết của tôi. Những thức ăn được quý chuộng nơi tôi ở như phó mát, sô cô la, cá hồi xông khói, ba tê gan ngỗng… mẹ đều chê không hợp khẩu vị. Quần áo thì mang tội chở củi về rừng bởi vì, không sai, những hiệu quần áo thuộc loại khá ở Pháp bây giờ cũng đều từ những lò nhân công rẻ tiền như Việt Nam, Tàu, Miến Điện, … mà ra. Hàng hiệu thật lẫn hàng hiệu giả tràn lan khắp các chợ lớn chợ nhỏ, các siêu thị, các « square », các « center » ở Sài gòn. Riết, tôi không biết phải làm gì cho mẹ nữa. Mẹ nói gọi điện về là đủ. Tôi gọi điện về nhưng thấy không đủ ! Loay hoay mãi, cuối cùng, tôi bắt đầu chú ý đến con số 76 của mẹ để tu zuy thử coi cái gì có thể làm cho mẹ cười, ở tuổi này.

Tháng mười một năm nay, Paris triển lãm tranh của Yue Minjun, một họa sĩ Trung Hoa. Lúc đầu, tâm lý dị ứng với tất cả những gì Made in China khiến tôi lướt hẳn tin này khi đọc báo. Sau, sực bắt gặp một bức tranh của ông đi trên tờ Le Figaro, tôi phải ngưng tay lật những trang báo sau. Bức tranh có một sức hút mãnh liệt đối với tôi. Tôi thích nó đến độ ngắm nhìn cả tháng trời không chán, ngày nào cũng phải giở ra nhìn. Bây giờ là cuối tháng mười hai. Tôi chợt biết tôi sẽ tặng mẹ tôi món quà gì khi Tết tới đây, mẹ sẽ thông báo cho tôi hay : « Năm nay mẹ đã 77. »

Có chút thời gian, và nếu đủ tò mò, mời bạn gõ thử chữ SKY và Yue Minju trên Google, ngắm thử tranh và đọc thử món quà tôi chuẩn bị cho mẹ tôi :



QUÀ CHO MẸ, TUỔI 77


Mẹ hãy nhìn Sky - Trời của Yue
Bố bay
Những con hạc không gầy
Có lẽ vì hạc không gầy lắm
Nên bố cười đến vỡ cả mây
Mẹ hãy nhìn Sky giữa nắng mai
Những đường bay trên hạc không gầy
Tiếng cười mây vỡ vang trên ấy
Bố đang chờ cái hẹn mẹ bay
Mẹ có thích không, tiếng cười bay?
Tiếng cười trên lưng hạc không gầy
Tiếng cười của thiên thu không mỏi
Của: Ôi, đời bên dưới chán thay!


Mạch Nha,

Thứ năm, ngày 20 tháng mười hai năm 2012,
một ngày trước ngày tận thế.


[Điều tôi muốn làm trước ngày tận thế là ôm mẹ như ôm con vào lòng. Cái gì có thể vô hiệu hóa được sự tận thế ngoài Luân Hồi? Xin cho tôi được luân hồi. Đây là lời cầu xin của tôi trước ngày tận thế. Xin cho tôi được trở lại làm người. Được gặp lại những người tôi yêu quý ở đời sống này và những người tôi từng hoặc sẽ yêu quý ở những đời sống khác. Cho tôi được làm người Việt Nam, ăn phở, ăn chè và bao nhiêu món ngon Việt Nam tuyệt cú mèo khác. Cho tôi được nghe tiếng Việt, nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, viết tiếng Việt. Xin cho đất nước tôi luân hồi. Một Việt Nam khác được sinh ra và lớn lên trong sướng nhiều hơn khổ.]


tranh


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us