Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nhớ Sài Gòn

Nhớ Sài Gòn

- Ninh Kiều — published 04/08/2007 23:55, cập nhật lần cuối 14/03/2018 17:39


Nhớ Sài Gòn

 

Ninh Kiều

 

Đêm đầu tiên trở về nhà ở Paris, sau mấy tháng ở Sài Gòn, bỗng nửa khuya thức giấc ngồi dậy thảng thốt không biết mình hiện đang ở đâu. Mấy giây sau mới tỉnh hồn, lặng lẽ nằm xuống trăn trở đến sáng, hoá ra mình nhớ Gài Gòn.

Nhớ buổi chiều trời đổ mưa, thấy có gánh bánh dừa núp trong một buồng điện thoại không cửa,  bên lề đường. Gồng gánh không vào lọt bên trong song chị bán bánh ngồi chồm hổm nửa trong nửa ngoài, cho đỡ ướt. Một Euro hai chục cái bánh dừa, nhỏ bằng ngón út. Dây chuối cột bánh thành từng chùm treo lủng lẳng trên đòn gánh. Bứt rời ra một đòn, tháo dây, bóc mối lá dừa trên đầu bánh hơi trũng xuống rồi xoay mối lá theo chiều ngược kim đồng hồ, thế là lộ ra đòn nếp trắng nhỏ xíu, nhai trong miệng, nếp trộn dừa thơm thơm. “Tui núp mà cô cũng thấy”. Thấy chớ, chị bán bánh ơi, thấy từ lâu lắm rồi, nhiều ngày và nhiều đêm, nay mới có dịp dừng lại, đứng duới tàn cây me có giọt mưa rơi trên tóc theo kẽ lá, để thưởng thức và để thán phục bàn tay nào đó khéo quá, kiên nhẫn quá. Gói nếp bằng tấm lá dừa vàng tươi, quấn tỉ mỉ từng vòng từng vòng một, lớp lang, theo chiều kim đồng hồ. Rồi dằn mối lá trên đầu bánh hơi trũng xuống để dễ cho người ăn tháo lá.

Nhớ buổi trời sụp tối đón chuyến xe buýt cuối cùng ở trạm xe chật hẹp cạnh bùng binh trước cửa chợ Bến Thành, cửa chợ có cái đồng hồ hướng về phương Nam đó mà. Người và xe buýt đan nhau. Chỗ chật cứng, nhỏ xíu mà không thiếu thứ gì. Tôi mua vé buýt, một tập ba chục, hơn 3 Euro một chút cũng ở chỗ đó. Mua cái lược nhỏ, khăn giấy hỉ mũi cũng ỡ chỗ đó. Đi tiểu có nơi chốn đàng hoàng thì cũng ở chỗ đó. Cứ xuống tại đó rồi đổi xe buýt để đi đến bất cứ nơi nào mình muốn trong Sài Gòn và luôn cả ngoại ô. Tấm bản đồ đường đi xe buýt cho không cũng ở đó mà hỏi xe buýt nào để đi cũng ở tại đó. Có nhân viên túc trực ngồi sau bàn giấy, đông không thua khách hàng, hỏi đâu chỉ đó như thuộc nằm lòng mọi ngõ ngách của thành phố. Chật như nêm mà từ sau đứng bóng vẫn có chỗ cho chiếc xe đẩy bốc khói từ bốn vun xôi bốn màu khác nhau trụ đó. Ngày nào có dịp đi xe buýt ngang qua cũng thấy xe xôi đứng đó, cũng tại chỗ đó. Xôi đen nếp than thiệt, xôi đỏ có màu đỏ của gấc, xôi đậu có đậu trắng và xôi vàng nhạt hơi giống xôi vò. Hôm ấy đang trả tiền mua mấy gói xôi thì chuyến xe buýt cuối cùng của tôi cũng vừa trờ tới. Vậy rồi sau tiếng kêu thất thanh “công an” không biết từ đâu đến, cậu bán xôi nói với tôi thiếu điều như ra lịnh “Cô đứng yên, đợi đó”. Xôi thì chưa lấy, tiền thì chưa kịp thối, tôi đứng tần ngần nhìn cậu bán xôi đẩy chiếc xe băng băng ra giữa lộ, ngó dáo dác, quay xe qua quay xe lại, nửa như muốn chạy trốn nửa như muốn nán lại để xem động tĩnh. Xe cộ vẫn xoáy quanh bùng binh không ngừng, tránh chiếc xe xôi như nước chảy tránh hòn đá giữa dòng. Ngập ngừng, do dự giây lát rồi cậu bán xôi mạnh dạn quay xe trở về chỗ cũ và cũng là lúc chuyến xe buýt của tôi sắp chạy. Tôi chỉ còn kịp vồ lấy cái bao nóng hổi đưa vói phóng lên xe buýt qua cánh cửa đang từ từ khép lại. Ngồi yên chỗ rồi tôi mới mở bao để nhìn thấy bốn gói xôi và tiền thối đầy đủ.

Nhớ những ngày ngồi trên xe buýt, nghe Céline Dion hát, nghe nhạc nước ngoài, nghe những bài hát trữ tình xưa và nay, nghe kịch vui, nghe mục gỡ mối tơ lòng, nghe mục giáo dục thanh thiếu niên vv. Bên ngoài có khi thì mưa như cầm chĩnh mà trút, có khi thì nắng đổ lửa, có khi thì kẹt xe, mà trong xe buýt vẫn mát lạnh, bình yên. Tha hồ cho tôi bấm điện thoại di động, trò chuyện, hẹn hò. Có thể bấm gọi cả tổng đài xe buýt để hỏi đường đi nước bước. Trong 45 phút nếu không kẹt xe, cùng một chuyến buýt mà tôi có thể đi từ quận 7 ở hướng đông-nam Sài gòn qua tận chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh ở hướng đông-bắc, dọc theo bến cảng Gài Gòn trên đường Nguyễn Tất Thành, xuyên qua quận 4, vào quận 1 bởi đường Nguyễn Thái Học, ghé bùng binh chợ Bến Thành rước khách, qua dinh Thống nhất bằng đường Pasteur, đi ngang qua nhà Văn Hoá Thanh Niên rồi mới đến chợ Tân Định, chợ Phú Nhuận để cuối cùng tôi xuống cái trạm trước cửa nhà thương gần Lăng Ông Bà Chiểu. 

Trong khoảng thời ấy, tôi nhìn thấy đường phố Sài Gòn sống như trong phim câm tô màu. 

Ở chỗ ngã tư kia, dưới ngay cột đèn xanh đỏ, lúc nào cũng thấy một chị ngồi bào bắp tươi, bình thản, nhiều thau bắp bào rồi để dưới chân, hàng đống bắp tươi ngồi chờ chung quanh. 

Có một cô đi xe vespa, tóc xoã dài ngang lưng bay phất phới ven mang tai, áo hai dây hở hai cánh tay đeo găng dài lên tới vai, eo thon, cứ chạy chờn vờn trước xe buýt từ nãy giờ. Khi xe buýt qua mặt xe cô, tôi ngoái đầu nhìn lại để kịp thấy khẩu trang che kín mặt chỉ còn chừa đôi mắt của cô.

Có anh ngồi sau xe gắn máy dang hai tay ôm tấm kiếng rất to, cao khỏi đầu, không còn tay mà vịn. 

Có cả nhà đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, một cháu ngồi trong lòng bố phía trước, một cháu đứng trên yên sau trong vòng tay mẹ, hai tay để trên vai bố. Tóc cả nhà bay phất phới trong gió ! 

Có anh đạp xích lô, vừa đạp vừa cuối xuống phía trước nói chuyện với ông khách ngửa cổ ra sau, chắc là Tây. Không biết họ nói với nhau bằng thứ tiếng gì. Xích lô càng ngày càng ít thấy, nhiều con đường xích lô không được chạy vào.

Có hai cô đứng đối diện nhau sau cửa kính ra vào khép kín của một hãng bán xe hơi mới, mặc đồng phục, áo trắng, váy xanh da trời. Tôi không kịp nhìn xem hai cô làm gì khi khách đến trước cửa nhưng tôi đoán rằng mỗi cô sẽ mở một cánh cửa, cúi đầu chào mời khách vào. Chắc là suốt ngày như vậy.

Xe đạp ít thấy, xe hơi xe gắn máy thì nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn còn thấy một xe đạp chở lu, lu sành cao cả thước. Chỉ thấy lu là lu, ngất ngưỡng như Kim Tự Tháp thu nhỏ, không còn thấy người.

Đâu cũng có quán giải khát, nhưng ít khi thấy phụ nữ ngồi. 

Các cửa hiệu quần áo, bán toàn đồ đầm, loại đi dạ hội, hở ngực, hở vai. Đã có bán thì chắc có người mua. Mua rồi mặc vào thì chắc phải có chỗ để đi. Nhiều cửa hàng quần áo rộng thênh thang mà thấy vắng tanh. Đôi khi tôi lạc vào đó, thế nào cũng có một cô bán hàng thường rất trẻ tiếp đón và hay nói “cô mặc sang lắm”. Chắc là khách hàng thích sang. Mà hễ đã sang thì ắt phải đẹp, chắc là vậy.

Nhớ buổi đi buýt lên thăm mộ ởThủ Đức, bận về đi ngang qua một con đường hai bên có nhà hàng ăn san sát, trước mỗi cổng nhà hàng có hai hay ba cặp cô dâu chú rể đứng, tôi đếm sơ sơ dễ chừng có đến năm lần một chục cặp. Tôi không còn thấy những đám ma dài lê thê nữa mà lại thấy áo đầm cô dâu tô trắng cả con đường.

Nhớ buổi sáng nọ đi thăm bạn học cũ, thấy gánh tàu hủ trước cửa nhà bạn, mừng như tìm lại được một tấm ảnh cũ có cô bé thắt bím hao hao giống mình. Ăn liền ba bát, nóng hôi hổi, tốn 30 xu.

Sao mình hay nhớ chuyện ăn uống quá vậy, trời !

Có lẽ vì sau những cái vụn vặn đó, một bát tàu hủ nóng có gừng, một dĩa bánh bèo có tép mỡ, một dĩa bột chiên có đập trứng vịt, có cái gì đó thiết tha, gợi thương gợi nhớ với mảnh đất nầy. Và nhất là sau những cái ấy, hiện hữu không chối cãi được một người nào đó, ăn ít làm nhiều, nắng cũng phải ưa, mưa cũng phải chịu, ngày qua ngày, gồng gánh. Mà lạ lùng thay, những cơ nghiệp xem chừng nhỏ nhoi kia lại dường như tồn tại rất lâu, ít khi phá sản, ít khi bị thụt két và cũng không phải bù lỗ. Mà những con người gồng gánh suốt đời như vậy có phải vạm vỡ gì cho cam. Họ đứng không quá vai tôi, họ lép kẹp như con tép khô vậy mà họ gánh cái gánh dễ chừng nặng ngàn cân đi bươn bươn. Khi tôi hỏi “ảnh còn đánh chị nữa không”. Chị trả lời “Đi miết lấy đâu mà đánh”. Đi miết là đi vô Sài gòn bán tàu hủ, sữa đậu nành. Đó là chuyện chị tàu hủ gần Sở Thú, mấy năm về trước. Một giờ sáng chị thức dậy, đem đậu đã ngâm từ chiều đến chỗ xay, về nấu đến sáu giờ sáng để có mặt ở cái hẻm đối diện sau Sở Thú. Ngày giống ngày. Mỗi khi thấy tôi đứng đợi thì chị gánh bươn bả đi tới, xin lỗi rối rít. Có hôm, đến ba giờ trưa, tôi vẫn còn thấy chị lẩn quẩn trong khu phố. Tôi tò mò hỏi chuyện đời chị thì chị kể bằng cái giọng miền trung trài trại, không gợn chút oán hờn về người chồng của mình “buồn, uống rượu, đau hoài”. Chị chỉ có một yêu cầu đối với tôi : cô nhớ mua mở hàng dùm. 

Lần nầy về Sài Gòn tôi ở gần khu chế xuất Tân Thuận, vùng đô thị mới thuộc quận 7. Trước nhà đại lộ sáu xe chạy được, rộng thênh thang. Sáng sáng hàng nghìn công nhân đổ về khu, hàng quán mọc lên như nấm. Ăn sáng gần cổng vào thì không thiếu món gì : xôi bắp, bánh cuốn, bún riêu... Quán nhậu khang trang bên nầy đại lộ, gồng gánh lụp xụp bên kia, ăn đứng, ăn ngồi.

Ở Sài Gòn mấy tháng, tôi làm y như người Sài Gòn. Muốn qua đường là tôi cứ từ từ bước xuống, mắt nhìn thẳng vào xe cộ đang đổ về phía mình, rồi xe cộ né mình hết, rồi cũng bình yên, không sao cả. Có hôm băng qua bùng binh chợ Bến Thành cùng với một anh bạn Việt Kiều, hai đứa nắm tay nhau lúc nào không hay, mười ngón tay đan lại. Vượt xong hiểm nghèo, thả tay nhìn nhau cười... trừ.

Rồi tôi cũng như họ, bình thản từ chối những người bán vé số và cả những người ăn xin. Họ đông lắm những người bán vé số. Người ăn xin thì ít hơn trước rất nhiều, không biết họ biến đi đâu. 

Rồi tôi cũng phóng lên xe buýt đang chạy rà rà, vừa dợm ngừng đã bắt trớn chạy lại, đặc biệt dành cho khách chưa đến nỗi lụm cụm, như tôi, xui xẻo leo lên xe buýt một mình đúng lúc không có khách xuống xe. Một biện pháp thường được thi hành không nằm trong luật lệ nào nhầm đỡ mất thời giờ cho cả làng. Mà rồi tôi cũng bình an vô sự sau khi có cánh tay mạnh mẽ của cậu bán vé vừa hô to “lên đi, lên đi, chạy”, vừa kéo tôi bay lên mấy bậc thang và đẩy tôi ngồi trên một chỗ trống. 

Về chuyện chạy rà rà, có lần tôi đi cáp treo núi Bà Đen, vòng lên bình yên vô sự, vòng xuống tróc một móng chân, ngón giữa thuộc bàn chân mặt vì bước xuống cabin bằng chân trái mà vướng bàn chân còn lại. Dây cáp vẫn kéo cabin chạy, không giảm tốc độ, mà người ta thì vẫn rần rần từ cabin ào lên hay tuột xuống. Bà già, con nít, thanh niên, trong vòng mươi giây mà cứ trung bình bốn người một cabin, có khi lên tới sáu, nhảy lên hay tuôn xuống cửa mở toát hai bên hông, không ngừng. Cabin vừa tuôn người xuống bên nầy thì bốc người lên bên kia. Mỗi bên cửa cabin có một thanh niên mặc đồng phục chực sẵn, trẻ măng, mạnh mẽ xóc nách khách như điệu tù, không cục cựa gì được. Đến nước nầy thì khách không còn giải pháp nào khác là chui cho nhanh vào cái cabin đứng đụng đầu chờn vờn trước mặt. Chưa kịp hoàn hồn thì khách đã choáng ngợp thấy dưới chân mình là các ngọn cây xanh um cao cả chục thước và xa xa kia là non sông đất nước của mình từ trên cao nhìn xuống. Trở lại chuyện cái móng chân, tôi mới cúi xuống nhìn thấy cái móng chân sơn màu trắng bạc rất xí xọn của mình đang được viền thêm chung quanh màu máu đỏ thì đã có ngay một cô mặc đồng phục rất trẻ, ngồi phủ phục xuống, mở cái gói nhỏ kẹp nách, lấy ra bông gòn, băng keo. Chuyện nhỏ. Nghe nói cáp treo nầy do Trung Quốc làm. Việt Nam mình rút kinh nghiệm, sau nầy giao cho Úc làm, ở nhiều nơi đỡ lắm, có giảm tốc độ. Mang theo trên mình một vết thương, đi xa rồi tôi còn ngoái đầu nhìn lại để nhìn thấy trạm cáp treo vẫn đông vui, rần rần, thiên hạ lên xuống. Nhưng không còn tìm thấy đâu người em gái nhỏ đã băng bó cho tôi, có lẽ cô đang ngồi thụp xuống. Chẳng lẽ tróc có một cái móng chân mà đi thưa kiện, tôi đành vui vẻ ra xe đi chơi tiếp, như mọi người.

Sài Gòn có nhiều thay đỗi, mỗi lần về tôi đều có thấy song những gánh bán tàu hủ, sữa đậu nành vẫn còn. Không hiểu sao mỗi lần nhớ Sài Gòn, tôi lại nhớ đến chị bán tàu hủ mà tôi quen, nhớ mảnh đời chị. Cũng có lúc tôi nổi máu Don Quichotte, muốn đánh nhau với cánh quạt cối xay gió, nhưng thôi. 

Như đêm nay, tôi cứ nhớ hết chuyện nầy qua chuyện kia, không đầu không đuôi. Không hiểu sao tôi lại nhớ cô bán vé xe buýt, còn trẻ lắm, chắc độ đôi mươi, mặc áo sơ mi màu xanh da trời nhạt, mặc váy ngắn màu xanh nước biển, mang vớ màu xám đục, bít cả mười ngón chân, một loại đồng phục. Tôi nhớ đến cô vì tôi đã nhờ cô báo cho tôi biết trạm xuống gần chùa Vĩnh Nghiêm mà khi tự tôi thấy mái chùa cong, rồi tự tôi nói to lên nhiều lần về hướng cô “có phải trạm chùa Vĩnh Nghiêm không em”, cô vẫn ngồi yên, quay lưng về phía tôi, làm thinh, không trả lời. Tôi để ý nhiều xe buýt không mấy khi thật đông khách, như chuyến buýt nầy đã qua mấy trạm rồi không thấy có người lên. Chắc cô không có việc gì làm, ngồi nghỉ rồi quên mất tôi. 

Sáng thức dậy sau một đêm trằn trọc, tôi mở máy trả lời mail cho cháu gái kêu bằng cô ruột năm nay hai mươi bốn tuổi, vừa tốt nghiệp một trường thương mãi, đã qua hai cuộc phỏng vấn với hai hãng nước ngoài để xin việc làm, Hàn Quốc và Đài Loan, bằng tiếng Anh mà hai gò má mọc mụn dày cộm. Đang chờ kết quả. Tôi bắt đầu bằng “Má nhớ Xuân Anh lắm” và kết thúc “Ít bữa má về con chở má đi ăn hàng nữa nghen”.

 

Ninh Kiều


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us