Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Núi đổ

Núi đổ

- Lê Minh Hà — published 06/12/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
truyện ngắn


Núi đổ


Lê Minh Hà



Dưới là thác, thác cao nhất nước. Trên, núi, đồng cỏ, những triền những triền, nhà cửa đẹp như trong những câu chuyện cổ tích người phương tây kể cho nhau và người ta nghe và người ta chỉ hình dung ra khi nó hiện hình qua phim, thường là phim của Hollywood. Phần lớn là nhà nghỉ, du khách dập dìu. Nhưng đi vào sâu trong cánh đồng vẫn thấy đôi ba ông nông dân quần áo bảo hộ nhem nhuốc đứng phì phèo thuốc lá bên máy cày máy kéo. Mùa thu, cỏ trên đồng đã được cuộn thành từng bó tròn như cái bánh xe đại tướng chờ chụp cho cái túi nilon rồi cẩu lên xe đưa về trang trại. Bầy bò an nhàn nằm chổng đít vào nhau bên những cuộn cỏ còn thơm mùi của một mùa nắng nỏ. Thỉnh thoảng, một chàng một nàng thong dong đứng dậy dẫn nhau ra chỗ cái máng đục bằng gỗ lúc nào cũng róc rách nước chảy từ một khe ngầm, trong vắt, lạnh buốt. Mỗi bước đi của chúng là một cái lắc đuôi dịu dàng, và tiếng lục lạc vang lên, leng keng, loong coong. Đất và cỏ, cả những triền thông xa chỉ vừa ra khỏi vạt nắng đã trở màu lục tối nhận vào lòng tiếng lục lạc và làm dịu đi những hợp âm kim loại, hình như bằng chính cái vẻ chắc chậm và điềm tĩnh của mình.


Gia đình ấy tới nhà nghỉ vào buổi chiều. Cô bạn chủ nhà đón khách từ nhà ga rồi đưa khách thẳng lên núi cùng một cốp xe chứa đồ ăn cô đã mua trước khi tàu tới. Đường quanh co với bao nhiêu cua tay áo, nhưng cô dận ga phóng xe vèo vèo làm khách phục lăn xanh mắt. Núi núi núi. Thông thông thông. Trong lưng chừng sương xuống sớm. Đứng dưới chân bậc thang chỉ nhìn thấy một nửa ngôi nhà xây trên triền núi, ngói đỏ cùng dầm gỗ màu sáng và khuôn kính mênh mông dẫn thẳng tới mái. Đi vài bước lên cao mới nhận ra ngôi nhà thật đồ sộ, dẫu chỉ có ba tầng. Chủ nhà dành cho khách tầng trên cùng, nguyên mặt tường áp mái là kính nhìn thẳng sang triền núi trước mặt, nơi bầy bò đang lang thang dưới bầu trời ùng ũng màu bụng con tằm bệnh, dấu hiệu báo trước tuyết sắp rơi. Đêm đi qua thật nhẹ dưới quầng sáng vàng ấm áp của chao đèn treo trên bàn ăn. Tuyết rụng từng bông từng bông phủ kín dần mặt kính trên mái. Trong giấc ngủ sâu thẳm có xa gần tiếng lục lạc bò và rì rào sát bên là tiếng suối. “ Sao người ta không đưa bò về chuồng nhỉ đêm lạnh thế này… „. Chị trở mình, tự hỏi rồi lại thiếp đi. “ Cửa kính dày thế này mà vẫn nghe thấy suối chảy chắc là nước xiết ... ngày mai…„. Anh tự hỏi, trở mình, rồi lại lịm vào giấc ngủ. Lâu lắm rồi họ mới có dịp nằm riêng và cảm giác dễ chịu làm họ ngạc nhiên, nhưng dễ chịu đến nỗi không ai buồn ngẫm nghĩ để nhận ra nó thật bất thường. Nằm riêng, dễ chịu, sau ngần ấy năm hạnh phúc.


Buổi sáng đầu tiên ở nhà nghỉ còn dễ chịu hơn. Hai đứa trẻ kinh ngạc bổ ra cửa sổ nhìn sang triền núi đối diện. Tuyết. Trắng tinh như là mộng mị. Bầy bò trong đêm khua lục lạc giờ nằm im chổng đít vào nhau hình như vẫn còn đang ngủ, tuyết rụng phủ kín mình. Hé cửa sổ, không khí trong buốt ùa vào, cùng tiếng suối. Ban ngày tiếng suối như nhỏ lại, nhưng nghe vẫn biết là nước chảy xiết. Anh nhìn sang triền núi bên kia, giảng giải cho bọn trẻ con về khả năng mùa đông chỗ đó chắc chắn là nơi trượt tuyết của du khách. Dốc và phẳng, lại còn cáp treo, các con thấy không, chắc chắn là mùa đông, ừ các con muốn mùa đông lại tới đây…? Đột nhiên anh có một cảm giác lạ lùng, dữ dội tới mức anh phải thọc tay vào túi quần nỉ thể thao giữ chặt lấy bụng dưới, chỗ đó. Mùa đông. Một đất nước khác. Một vùng núi khác. Tuyết rơi rất dày. Suối đóng băng từng đoạn. Anh cười vang, ngã, rồi đứng dậy trên thanh trượt, rồi lại ngã. Xung quanh anh bao nhiêu người kín mít trong áo quần trượt tuyết sặc sỡ. Xung quanh anh là tiếng cười. Tuyết sống động và âm vang. Và cô, thoải mái trên thanh trượt cúi nhìn anh, đôi mắt hình quả trám đen lấp lánh. Cô đã bao nhiêu lần kể cho anh nghe về nơi cô sinh ra, tuyết, băng, bát chè sữa nóng bỏng pha mật ong, lều da và thịt nướng, ngôi trường ở thủ đô mà cô được gửi tới và những buồn nhớ kinh khiếp cô đã trải qua khi phải xa cái mùi thân thương, quê hương, mẹ, chăn đệm, thức ăn, cừu dê bò. Cô kể và cô kể, lúc đi cùng anh ven hồ dẫn tới giảng đường, lúc trong lòng anh trên giường cô. Vậy mà không hiểu sao anh chưa từng bao giờ cảm thấy hứng thú muốn biết về nơi ấy dù là anh luôn muốn gần cô, áp mũi vào bầu vú trắng sữa, và. Thật lạ lùng là anh gần gũi cô nhiều đến thế nhưng lại không thật sự muốn âu yếm cô. Nhưng buổi trưa trong buốt ấy, giữa triền tuyết không còn trinh bạch, đột nhiên anh muốn cởi bỏ hết áo quần lù xù trên người cô, tại chỗ, để xem giữa tuyết mùi hương con gái thật sự thế nào, mùi hương của người đàn bà trinh trắng một mình anh có và vì thế mà anh bị bao nhiêu thằng bạn sinh viên đồng hương hay nửa nạc nửa mỡ bảo là chúng nó vừa ghen vừa ghét.

Cô bây giờ có còn nhớ cái ngày cô thích nằm co áp lưng áp mông vào anh và ấp chặt bàn tay anh lên bầu vú căng ấm của mình? Hôm vừa rồi anh vô tình thấy cô trên ti vi, chương trình thời sự.


Chị đứng bên bàn bếp, bận bịu với hũ bơ, dao nĩa, đĩa chén, mứt quả và đủ kiểu pho mát xúc xích, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn ra bức tường kính bao trọn vẹn cả bầu trời triền núi trước mặt. Anh và hai đứa nhỏ vẫn đang bám bên nhau chỉ trỏ nói cười. Không thấy bầy bò, chúng lang thang đi đâu rồi chăng? Chắc chưa xa. Vọng trong gió tiếng lục lạc lúc hớt hải lúc ơ hờ. Tuyết đã ngừng rơi. Mái kính và mặt tường kính đột ngột lóa lên ánh dương sớm. Chói loà. Chị nhắm mắt lại. Cảm giác như có một đường đạn vừa sượt qua mình.
Cũng tuyết.


Chị, khi đó là sinh viên. Nước Nga, tổng thống trán vá đã mất quyền vào tay tổng thống mũi đỏ. Chuyện thừa ăn thừa chơi vẫn đủ tiếp tế bàn là hoa dâu tủ lạnh Saratov chậu nhôm nồi áp suất cho gia đình với học bổng hơn bảy mươi rúp tháng của ông anh chỉ là kỉ niệm của lớp sinh viên thời liên bang còn là xô viết. Mấy đồng rúp học bổng mất giá lứa chị chỉ đủ cho cả lũ nốc sữa ăn khoai tây luộc với pho mát loại thường. Đứa nào cũng cắm cổ vừa học vừa làm, khổ nhưng giữ phận từng con ngoan trò giỏi, mấy năm đầu còn cố học thật. Nhưng rồi một đứa, hai đứa, và lần lượt cả bọn bắt đầu bị bệnh tiền hành. Trừ mấy thằng giỏi nhất và ngớ ngẩn nhất là tiếp tục học thật. Bọn đó giờ dạt hết sang mấy nước phương tây thành giáo sư tiến sĩ cả rồi, không biết còn nhớ không cái ngày được bạn bè nhanh nhảu sớm biết vật lộn với đời cưu mang, thỉnh thoảng lại mở rộng tầm nhìn cho bằng một trận nhậu nhẹt say nhừ. Người yêu đầu đời của chị là một trong nhóm thiểu số thông minh ngơ ngẩn bất thường đó. Ngày ấy ai cũng vừa phục vừa thương đôi bạn trẻ cùng tiến. Chàng, cắm cổ theo thầy. Nàng, cắm cổ theo chàng, vừa học, vừa đi bán hàng thuê, sau dịch cho người mình đang đổ sang họp chợ phục vụ nhân dân cựu xô viết anh em. Tối về cuống quýt nấu ăn cuống quýt lên giường ôm nhau. Ngày đó không hỏi và không bao giờ chị hỏi được sẽ-thành-giáo-sư có như chị, mỗi ngày, về được căn phòng kí túc xá, lúc ôm được nhau, lúc tạm quên được nỗi vất vả trong ngày là lúc hiểu ra mình nhỏ bé và cô đơn thế nào. Chị sẽ sống như thế, sẽ là bà giáo sư vợ của người yêu ở xứ Mỹ tít mù tắp bây giờ, gái có công chồng biết đâu không phụ.

Nếu không có T. – người đàn ông đã chính thức một vợ hai con sang làm nghiên cứu sinh và ở lại làm ăn.

Nếu không có tuyết.


Lần đầu tiên chị gặp T. tuyết đã rơi quá nửa ngày. Tuyết xốp ngậm nún đôi ủng lông. Lạnh đến mức có cảm giác nước mũi chảy ra đông ngay lại. Tuyết mờ mắt. Tuyết tan đi trên gò má con gái da vàng. Giá trẻ mà thật khoẻ, gò má ấy sẽ đỏ hồng. Nhưng giờ thì tái bợt. Cô gái đói. Đoạn đường từ kí túc xá tới chợ gặp tay soái mới để xin việc và bị từ chối đủ làm tiêu tán mấy lát bánh mì phết tí bơ và mứt. Đột nhiên cô nhớ người yêu, nhớ gian phòng đọc mênh mông ấm áp và yên tĩnh gần như tuyệt đối mà cô và người cô yêu đã bao nhiêu lần rủ nhau tới. Bây giờ anh chắc cũng đang ở đấy. Còn cô, bé nhỏ, gầy teo trong cái áo khoác lông lù xù dài tới đầu gối trông chả ra hình thù gì. Gần như là hoảng hốt, cô gái thấy mình ngờ vực những việc đang làm, những gì mình đang cố để có, lần đầu tiên cô ngờ vực tình yêu của mình. Nó sẽ đi tới đâu, có bị đoạn giống như đường học hành của cô không? Hay như là tương lai của liên bang xô viết mà khi cô tới đây nó vẫn đang còn là nó? Chỉ có mấy năm trời, cái liên bang đó rã, rời, vụn thành các nước cộng hòa. Chỉ có mấy năm, từ một cô học sinh thông minh sang đây như một sinh viên, giờ cô thành gái gọi. Là bọn cô tự đùa thế. Moskva thành nơi vô số người Việt từ trong nước tràn qua rồi tụ lại cũng như dân lao động xuất khẩu mấy nước cộng hòa cũ dồn về. Thành ra bọn cô có việc. Ai gọi đi dịch là chạy. Thuê nhà, gia hạn giấy tờ, khám chữa bệnh… May mà nói đi học ở Liên Xô nhưng ngày đó cô lại được phân về Moskva, còn sống dễ. Chứ như cô bạn thân thời còn học tiếng trong Thanh Xuân, giờ đang không biết như thế nào ở Trung Á, nơi có những vùng dân cư đàn bà đẻ vẫn lo đùm túm bọc cứt đái của con chưa hề biết mặt cái bỉm, lạc hậu hơn cả ở Việt Nam đang đùng đùng tiến nhanh tiến mạnh tới một nền kinh tế thị trường có định hướng.


Chính cái lúc cô đang nghĩ tới cái từ mình vẫn gọi đùa mình: gái gọi, và nhớ vẻ mặt ngây ra của người yêu khi nghe từ đó, rồi bỗng dưng giận đùng đùng thì xe T. trờ tới.
Vì quá lạnh? Vì màu tuyết rỗng không? Vì đói? Vì bỗng dưng nổi cáu với người yêu thiên tài vô tích sự? Vì biền biệt một nỗi chán chường?


Chưa bao giờ cô dám hỏi mình đến tận cùng vì lẽ gì đã bước vào xe T – người đàn ông vừa từ chối làm ông chủ cô. Tuyết ngừng rơi, lặng lẽ rắn lại bên đường, bị xẻ thành những rãnh bẩn tưởi vàng nhờ nhờ rồi xám lại vì bánh xe ô tô qua lại. T. nhoài ngang người cô gái dập lại cửa xe. Hơi ấm tỏa ra từ xe, xộc lên từ đùi cô. T. bảo ngăn chỗ cửa xe bên phía cô có mứt gừng. Không chỉ mứt gừng, còn những gói ô mai ăn dở. Cô hiểu, đã có nhiều người đàn bà từng ngồi đúng chỗ mình ngồi. Lòng cô rắn lại.Mười bốn ngày sau cô chuyển tới sống cùng T. Một tháng sau cô chính thức bỏ trường. “Nó theo soái„. “Sinh viên„. Bạn bè của cô và T. thông báo cho nhau. Chẳng ai kinh ngạc.


Người yêu thiên tài của cô chuyển toàn bộ nỗi hoang mang thành niềm hứng khởi học học rồi học nữa học mãi. Cô vẫn giữ địa chỉ cũ, chỉ với một mục đích để cậu không phải lo chuyển nhà và để mình vẫn tự do đi đi về về, mỗi lần về lại khệ nệ mấy túi đồ ăn lèn chặt tủ lạnh, băm băm chặt chặt nấu nấu kho kho rồi rủ một đống bạn chung tới ăn, như thể mọi điều chẳng có gì quan trọng. Từ bạn bè thành người yêu rồi quay lại thành như bạn bè có vẻ dễ. Tuổi trẻ cao ngạo và thích tự ái, nhưng mới chỉ được bảo hiểm bằng tương lai có thể rỡ ràng và ý thức về tự do của mình của người thì nó chưa có tiếng nói gì đáng kể để mà có thể to giọng. Có thể T. nghĩ thế chăng, mà anh bình thản khi cô người yêu bé nhỏ vốn sinh viên thứ thiệt đều đặn đi về tiếp tế lương thực thực phẩm cho người từng chung phòng chung giường. Cũng bình thản bảo cô thu xếp qua nhà vợ chồng thằng em đồ đệ làm ăn khi vợ báo tin đưa con qua nghỉ hè với bố. Đêm, cô đứng từ cửa sổ căn phòng đang ở tạm nhìn chéo qua đường về phía ngôi nhà mới hôm qua dường như cô vẫn đang là chủ cùng T., nghĩ tới cái câu đùa nhạt bao đôi vẫn réo rắt “nghe tin sửng sốt bàng hoàng vợ con anh sẽ bay sang chuyến này„, nhếch mép cười, tự hỏi sao mình lại nghe lời ông bồ già đi ở nhờ ở đậu thế này mà không quay về căn hộ mình vẫn đóng tiền trả hàng tháng. Có phải vì những phi vụ làm ăn cô đã bám theo T.? Hay vì thói quen xa xỉ cô đã có với T. sau những lần thót tim thót chim vì hiểm nguy và liều lĩnh? Cảm giác ấy, và cả cảm giác phát rồ vì vào cầu lửa trúng quả đậm, tưởng chừng có thể thâu tóm tất cả bằng tiền, dẹp được vào tít tắp nỗi sợ và niềm chán ngán vì hóa ra cuộc sống lại như thế này, vì mình lại dày dạn như thế này, vì những khao khát chỉ mới hai ba năm trước thôi thiết tha như là da thịt giờ đây rã rời trôi tuột cả.

Hóa ra nỗi sợ còn đó. Hơn cả sợ. Kinh hoàng.

Cửa căn hộ của người bạn sập lại sau lưng anh và cô. Ngay lập tức, đầu cô bị dúi xuống. Súng. Mắt đen. Tóc đen. Râu đen. Những ngực như đá tảng. Người bạn rũ trên ghế, không lăn đùng ra được vì dây trói. Ông bố vợ của anh ta co quắp dưới sàn. Con đường của một tú tài toán tây thành giáo già ở một trường cấp 3 Hà Nội rồi qua Angola làm chuyên gia của ông đã kết thúc trong một căn phòng mà nếu nhìn qua cửa sổ có thể thấy những cái tháp củ hành ở quảng trường Đỏ. Toàn bộ số đô la ông giáo già don góp suốt hai năm trời đi châu Phi tính dồn cho con rể làm ăn trên đất nước anh em cũ mất. Vốn liếng ông con rể mất. Mấy bó đô to đùng anh và cô mang theo mất. May họ trẻ, không ai bị đột qụy không được cấp cứu như ông già. May, mấy thằng Grudia đầu đen chỉ cốt cướp không cốt giết.

Những ngày sau đó đã có lúc cô nghĩ giá chết được ngay trong căn hộ ấy! Cùng nhau. Hoặc anh. Hoặc cô. Vẫn còn hơn phải là người chứng kiến nỗi hoảng loạn, sự bất lực ê chề của nhau, vẫn còn hơn phải nhìn nhau chăm sóc cho nhau và tránh mắt nhau như thế này.


Anh chưa bao giờ biết những gì vợ từng trải. Anh chỉ biết vợ từng trải và biết điều. Nói chung, để cưới vợ thì lấy một người đàn bà như thế là trúng số. Anh hiểu điều đó sau những đoạn đời khác nhau với những người đàn bà khác nhau. Khi cô gái của anh tốt nghiệp và về nước, họ chia tay nhẹ nhàng. Cả hai đều biết mọi hò hẹn đều không dễ gì thành thực và cả hai đều hiểu không thể có một cuộc sống chung, nơi này hay nơi kia. Anh có người bạn thân yêu một cô sinh viên Lào và theo vợ về bên ấy. Lào, nghe có vẻ nhỏ nghèo yếu thế hơn Việt Nam, nhưng thật thì bình yên và dễ sống. Và dễ đi đi về về. Nhưng đất nước cô gái anh trở về thì khác. Khóa anh có thằng bạn bị phân sang học thú y bên đó đã bỏ cả suất đi nước ngoài để ở nhà học nhân y. Chẳng ai thiết tha, lý do chỉ vì chẳng ai biết xứ đó ra thế nào ngoài một sự nó là khu phi quân sự của hai nước to vật Liên Xô và Trung Quốc, rét teo chim và tha hồ ăn thịt nếu ăn được.


Anh về nước, nhận công tác ở một trường đại học lớn giữa đất Sài Gòn. Sài Gòn những năm 80 đã tiêu điều nhiều rồi nhưng không xơ xác như Hà Nội, thế mà không hiểu sao càng làm ai từng ra đi quay quắt nhớ cái đất nước xa lạ vừa từ đó trở về, nhớ cái nhịp sống đã trải. Chưa đầy chín tháng sau khi nhận phân công công tác, anh đặt đơn xin đi làm phiên dịch cho lao động xuất khẩu. Ông hiệu trưởng vừa nghe vừa lắc lắc đầu, rồi kí, rồi lặng lẽ nhìn qua cửa sổ. Ngày đó cái mốt tặng nhau chữ tâm chữ nhẫn chưa rầm rộ, mà nếu có, thì chắc những người trẻ tuổi cũng không chơi. Nếu biết nhẫn, chấp nhận dự kiến của tổ chức, sang làm cờ đèn kèn trống cấp cao bên Thành đoàn, có lẽ giờ anh đã leo cao đi xa lắm lắm rồi. Cái ông cùng ngành trên anh mấy khóa giờ đã phó thủ tướng. Ở nhà có khi anh cũng thành cánh tay trái phải gì đó của tay ấy. Chuyện nước nhà thì xa xôi, chuyện nhà đất thì gần gũi. Biết đâu đấy. Điều chắc chắn là nếu vậy anh sẽ không có kiểu sống và nói như bây giờ.


Làm phiên dịch cho một đám công nhân xuất khẩu có tới nửa là đàn bà bận mà sướng. Cái bận khó nói nhất cũng như nỗi sung sướng khó nói nhất đều có nguồn gốc từ đàn bà. Con gái mới lớn xa nhà, chỉ năm trước còn chao mặt kiêu kì với những cậu chàng cùng học, qua xứ người cô đơn dăm ba tuần đã mụ mị đầu óc vì mấy thằng đàn ông có vợ. Đàn bà xa chồng xa con thì tỉnh. Nhưng ở nơi mà tất cả chẳng khác gì câm điếc, có giá chăng chỉ là sự bền bỉ của tứ chi, nỗi cô độc đủ sức quật ngã tất cả. Họ chiều chuộng anh – người đưa họ đi khám thai nạo thai, người giúp họ à ơi với mấy tay trưởng nhóm trưởng ca, người họ tôn sùng thật chứ không phải tôn sùng đểu như với mấy tay đội trưởng đội phó. Họ thành tình nhân của anh. Đôi khi nhớ cô gái có màu da như sữa đông chân dài mắt to và xếch ra xếch, anh cũng hơi ngượng ngùng khi tưởng ra nếu cô biết được thì cô sẽ bình luận như thế nào về cái Harem mở này của anh chàng cựu người yêu dị chủng nhưng thuần Á như mình. Song khi quyết định chung sống có hôn thú đàng hoàng với cô nhân viên phòng nhân sự của nhà máy thì anh không nghĩ gì nữa. Quan trọng là không phải trở về. Cô sẽ hiểu, nếu như cô có một tuổi thơ và một tuổi trẻ đang qua đi như anh ở một đất nước đến nhạc cũng được pha màu cho dễ nhận nên hát hay không nên hát. Dĩ nhiên vợ anh thì không cần biết điều này.


Nếu biết, chưa chắc vợ anh buồn, nhưng sẽ phẫn nộ, khi mà anh đề nghị li dị. Không yêu thì thôi, nhưng tận dụng nhau nhân danh tình yêu hay bất kể tình gì thì thực sự là một sự phỉ báng và tự phỉ báng. Cô không biết, nên anh và cô vẫn giữ được một quan hệ tử tế mà không cần có những đứa con chung làm cầu nối, và những lần đi cà phê với nhau cô vẫn hỏi thăm những cô người yêu đồng hương của anh. Sau khi bức tường Ô nhục sụp và Đức thống nhất, đội ngũ này không thâm hụt mà ngược lại được bổ sung khá đều qua các ngả đường Đông Âu. Người kéo theo người. Đi. Chỉ với một chút khoái cảm được mạo hiểm và rất nhiều hi vọng vào một cuộc sống khác. Khác như thế nào thì chẳng mấy người ra đi khi đó hiểu, nhưng phần lớn biết mình cần gì. Tiền.


Tình yêu, tình dục, nghĩ cho cùng là cái vốn trời cho từng người, tiêu trước khỏi tiêu sau. Khối đàn bà ăn chơi tung trời từ lúc mười lăm mười bảy chỉ cần vừa đi qua tuổi bốn mươi là bỗng dưng sống chậm hẳn lại, và già đi thật là nhanh trong cái nhịp sống đó, già ngay trong cái kiểu phô bày sự trẻ trung hở càng nhiều càng ít và trong cung cách đi tìm chỗ gửi niềm tin, ở đoạn đời này thì cái chỗ đó càng mơ hồ càng tốt, ví dụ đền miếu điện phủ chùa nhà thờ. Chỉ chưa thấy các bà nhà ta xin cải đạo Hồi và tự nguyện trùm khăn bịt mặt. Khối đàn ông cũng thế, đến nỗi người ta khó mà tin được khi anh, bây giờ là một mặt sạm trung niên chí thú, ngồi kể chuyện tung hoành thời trai, đốt, hít, và vô số thú khác, yêu, dĩ nhiên.

Nếu nghĩ thế thì anh đã phanh giảm tốc độ đời mình cực kì hợp lý. Bằng cách cưới chị, có con với chị, mua nhà và đổi xe to cho tiện những chuyến đi xa khi bọn trẻ có kì nghỉ.

Chỉ anh biết tại sao mình lại làm thế. Đấy là người đàn bà duy nhất không cần anh giữa đám đàn bà Việt vẫn nhờ anh đi dịch và càng quen thì càng hay tìm cách trả công anh bằng mọi thứ, trừ tiền. Giữa bùng nhùng đủ thứ quan hệ có vẻ như rất ân tình đồng bào đồng chí lợi quyền gắn bó, anh đột ngột thấy mình bị hút vào cô, chỉ vì một cái nhìn bình thản, có phần như ơ hờ. Luôn luôn như vậy, lúc cô gặp anh, thường là cuối chiều. Cô ngồi ở một xó hành lang, cái xe đẩy lủng củng xô chổi chai lọ khăn lau bên cạnh, thản nhiên đọc sách. Tiếng Anh. Tiếng Nga. Philippinen? Malaysia? Korea? Những câu hỏi thoáng qua, tan đi, chưa khi nào là Việt Nam, cho tới một lần anh nhìn thấy trên cái ghế cô thường ngồi một thằng bé con đang đung đưa đôi chân ngắn tũn, mắt lông mày tóc đen nhánh y như một thằng cu người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đi ngang, mỉm cười và thằng bé hét. Mẹ. Tiếng Việt. Nó tụt khỏi ghế, miếng bánh từ trên lòng rơi xuống, nhào về phía anh. Cô từ một căn phòng bước ra, tay kéo lê cái chổi có giẻ ướt. Nắng hắt qua khung cửa kính cao tới tận trần nhuộm mái tóc cô thành một màu nâu đỏ vừa nhẫn nhục vừa bền bỉ, làm đôi mắt vốn như ơ hờ của người con gái có một chiều sâu khoan xoáy khác thường.

Sau này thì anh biết, cái nhìn ấy mới thực là cái nhìn của vợ anh, rất ít khi nó ánh lên, nhưng khi đó chị mới thực là chị.



Rồi một ngày cả hai không còn chịu đựng nổi nữa. Người đàn ông của cô, lần đầu tiên kể từ cái ngày khủng khiếp ấy, nhìn vào mắt cô. Anh sẽ trở về. Vợ con. Lẽ ra. Anh. Nhưng. Còn em. Anh tính thế này. Có lẽ. Có dây rồi. Em gật anh trả tiền. Qua Ba Lan. Tuần tới.

Cô gật. Cô không kể cho T. người yêu cũ của cô tìm cô. Cậu không biết, cậu không biết gì cả. Cậu kể đã bảo vệ xong và cậu được mời làm nghiên cứu viên ở một nước phương tây. Cậu nói cậu vẫn yêu, hỏi cô muốn đi cùng không? Vậy là cậu không vô tâm. Giá mà cậu vô tâm, và từng trải hơn. Kiểu như T. hồi T. và cô gặp nhau. Chấp nhận nhau, một cách thẳng thắn, sòng phẳng. Lúc cô xuống thuyền bơi ngang con sông Neisse giới tuyến Ba lan và Đức, cô không nghĩ về T., cả gia đình cũng không. Có ai đâu ngoài mẹ. Đã không còn. Ngay sau ngày đại thắng. Nỗi sợ túm chặt dạ dày, bóp, vặn. Tháng mười, đêm tối um và buốt. Người duy nhất cô nhớ lúc đó là người con trai ấy, người đã bay cùng cô từ quê hương sang nước Nga xa xôi, đã cho cô biết hơi ấm lạ lùng làm người ta hết hoang mang trong nỗi cô đơn và bây giờ đã bay qua một đất nước khác, không cô. Cô biết, vĩnh viễn không bao giờ cô có thể yêu vô tư và tận hiến như thế nữa.


Buổi chiều cả nhà đi dạo. Đầu tiên là đi xuống, chân núi có phố, cửa hàng, be bé xinh xinh và giá trên trời. Sau đó thì về, đi lên. Mùa thu, nắng trong óng như mật ong mới vừa nhuộm rực những triền cỏ và những mái ngói đỏ chợt lịm đi. Sương mù ngần ngừ dâng lên từ thung lũng rồi cuồn cuộn bao phủ. Triền thông xa đột nhiên như được nhấc lên trong sương, lừng khừng bay giữa trời đang tối xuống thật là nhanh. Không còn gì cho cả nhà định hướng đường về. Sương bện lấy người, bịt lấy những khung cửa nhất định phải sáng đèn của rất nhiều nhà nghỉ xung quanh, cao thấp trùng trùng. Hai đứa trẻ phấn khởi chơi trò trốn tìm ngay trên một con đường. Không ai nhìn thấy ai. Thằng bé con bắt đầu sợ hét toáng lên gọi cả nhà. Sương bùng nhùng, bình nguyên mênh mông nuốt lấy tiếng chân đi. Chị hoảng hốt bước dúi về phía trước túm được thằng con, giữ chặt lấy bàn tay bé bỏng. Đi mãi, xuống, xuống, lên, xuống, hình như lạc hướng dù vẫn bước trên đường. Những con đường nho nhỏ quá thuận cho bước chân du khách. Chẳng ai nhìn thấy ai, và tự dưng không ai nói với ai, chỉ cắm cúi đi. Thỉnh thoảng phía trước phựt lên một quầng sáng tỏa từ cái đèn gia chủ lắp đặt trước cửa vườn tắt bật tự động theo chân người. Một chốc cả nhà lại bước dúi vào nhau. Rồi lại mạnh ai nấy đi vào trong sương, về phía trước.


Bệ vệ quá. Đàn bà ở xứ đó mà. Chắc do chế độ ăn. Hay là do gene. Ngày xưa chân dài thế. Mắt to lại xếch. Giờ mặt mũi bụ bẫm thế này. Đã bộ trưởng rồi. Làm gì mà lên được thế. Chắc ở đó cũng kiểu cơ cấu như ở mình… „ Anh bất chợt nghĩ tới cô và những câu chuyện cô kể, về bình nguyên, cái rét, những ban mai sương mù nồng nặc mùi gia súc, và lại nhớ ngày tháng mới bắt đầu biết tiêu hao dương khí tuyệt vời như thế nào. Cô không trở về với đời sống đồng cỏ của đại gia đình. Anh không biết cô đã sống thế nào, chắc không dễ dàng. Đàn bà tây ta gì mà bị cuốn vào chuyện chức quyền thì đời sống riêng cũng không thể hoàn toàn an ổn. Hôm vừa rồi anh gặp cô. Trên màn hình. Trong đoàn cán bộ cao cấp. Nếu biết người con gái quần đảo với mình trên giường đến mệt lử rồi im ngoan như một con mèo trong lòng mình sẽ thành một phụ nữ quyền uy, có thằng con trai nào cảm thấy hào khí dâng tràn, hay là? Anh mỉm cười với mình. Bây giờ anh băn khoăn một điều khác hẳn : bà bộ trưởng bệ vệ đang chuyển giao nụ cười photocopy kia có bao giờ nhớ tới người con trai đã biến mình thành phụ nữ không nhỉ?


Những người con gái nào anh đã biến thành đàn bà còn nhớ anh? Họ nghĩ gì? Những người đàn bà nào đã tạt ngang đời anh? Họ sống như thế nào? Đường lên núi dốc, anh vã mồ hôi, song mặt cứng lại vì sương rất lạnh. Nhưng mà anh muốn như thế mãi, đi, như là không phải biết tới ai. Cả vợ. Cả con. Thằng lớn đang sải chân đâu đó trong sương ngay gần anh đây thôi, đứa trẻ đứng lũn chũn ngang đùi anh hoảng hốt nhìn anh bên cái xe chở đồ làm vệ sinh của mẹ nó ở góc hành lang ấy giờ cao mét bảy. Thằng bé con đâu sao không thấy tiếng. Nó thì có khi nào chịu nắm tay bố nếu có thể nắm được tay mẹ.


Thằng bé cun cút đi bên cạnh mẹ. Cổ chân nó đau vì trèo dốc. Nó im lặng, xoè bàn tay đan lấy ngón tay mẹ, níu chặt. Không khí vừa đằng đặc vừa loãng loãng làm nó đau đau trong ngực. Mẹ. Đây. Nó gắng vừa đi vừa nhìn nghiêng. Phía ấy, cuối trời tối đen lấp lánh đôi vì sao nhỏ. Còn trước mặt, cái gì thật là to thật là đen cứ lừng lững giữa bầu trời. Nhỡ nó đổ ụp xuống. Lúc nãy anh nó loay hoay dùng Iphone chụp, bảo những cánh rừng trong sương trông thật thích, như là đang bay. Chẳng giống gì. Bóng tối này. Đột ngột phực lên một quầng sáng đèn đường. Nhà. Không phải là nhà nhà nó nghỉ. Thằng bé nhớ một căn nhà mà chỉ mấy hôm trước nó còn vào ra, đứng dưới phố còn nghe được tiếng nhạc mơ hồ nhưng nghe cái biết ngay là bố đã về, nhớ đồ chơi, nhớ cái giường và con thú bông có cái mùi rớt dãi của nó. Lần đầu tiên con người bé nhỏ ấy biết đến cảm giác nao nao, mơ hồ mà thắt ruột, chỉ có khi người ta bất lực, một mình.


Thằng anh nó cũng đang muốn đập phá vì bất lực. Không phải vì sương giăng mắc làm chậm đường về. Nó không nhớ gì ngày đầu tiên gặp bố. Nó yêu bố. Bố cho nó ra sân chơi, dạy nó những trò khiến cho bọn con trai cùng học kính nể dù nó bé nhất lớp. Bố không ép buộc nó. Nó chưa khi nào cảm thấy uất ức như đám bạn tuổi mười lăm mười sáu của mình vì các bậc già cả trong nhà. Nhưng nhiều lúc nó muốn gào lên vì đơn độc. Có phải bố để nó tự do, có phải bố tôn trọng nó chăm chút nó như thế này chỉ vì là. Không thể hỏi mẹ. Sương bủa bốn bề, cho nó một không gian chưa bao giờ từng có. Thằng bé cúi cả thân mình lều nghều về phía trước theo mỗi bước sải dài, hai bàn tay nắm chặt đến phát đau dúi sâu vào túi áo khoác. Ai? Ai là? Ở đâu? Bỗng dưng nó hiểu ra. Không ai cả. Ngay cả khi có nhau thì con người cũng sẽ một mình. Như là trong buổi tối sinh nhật 15 tuổi huy hoàng của thằng bạn thân tuần trước. Bỗng dưng nó thấy cơn tức giận quen thuộc lại bùng lên. Đèn đèn đèn. Những ngọn đèn tự động phựt sáng rồi tắt phụt theo bước chân xa gần của cả nhà nó, không chỉ ra lối gì. Đôi khi ánh sáng thật khó chịu. Vô nghĩa. Mắt nó mờ đi và nó mừng sương giăng.

Người mẹ không biết ý nghĩ của thằng con lớn. Nhưng chị biết câu hỏi đã len lỏi rồi ở lại trong lòng nó ít lâu nay. Cũng biết mình không có câu trả lời. Thế gian mênh mông. Có kĩ thuật kiểm tra ADN. Nhưng tìm đâu? Tìm đâu? Những kẻ từ đâu im lìm va vào đời chị, làm sụp đổ tất cả, trong im lìm? Thỉnh thoảng chị vào mạng đọc báo online tiếng mình.

Thỉnh thoảng thấy T. Tóc nhuộm đen. Bệ vệ. Nói những điều hoành tráng, tự tin. Về hội nhập. Đạo đức xã hội. Sự xuống cấp. T. rất hay dùng từ nên chăngchúng tôi. Hai từ này hồi còn làm ăn bên đó và sống với chị T. không nói. Khi đó T. thường chỉ rất nhẹ nhàng tôi, ừ phải, làm đi, được rồi, thế nhé. Cậu con trai tình yêu đầu đời ngày xưa giờ nom đường bệ nhưng phong thái vẫn giản dị. Báo chí ở nhà từ ngày cậu thành giáo sư ở cái trường đại học lừng lẫy thế giới ấy hay viết về cậu, những hợp tác, nghiên cứu, thành công, vợ con. Chị theo dõi đường bạn mình đi, thỉnh thoảng thấy tim hẫng một nhịp khi tưởng tượng ra thân dáng con trai đầu tiên trong đời. Đúng sinh nhật mười chín tuổi. Ánh chiều đang lịm. Lá vàng rơi vèo vèo bên ngoài khung cửa. Mùa thu. Moskva. Cả hai người đàn ông, người bỏ chị ra đi và người bảo chị ra đi khi đó không biết, nhiều phần không biết chị đã đi qua những gì và bây giờ sao. Chính chị cũng không biết ngày xuống thuyền liều lĩnh qua sông, về mầm sống trong lòng mình. Không thể tưởng được rằng những ngọ nguậy của nó lại thành nơi bấu víu của chị, cho chị thấy mình không cô đơn và còn sức. Sống. Đơn giản là sống.


Anh nghĩ đấy là kết quả của lỡ dở, của ngây thơ, ngoe nguẩy cái đuôi tình yêu có oán hận hay là tiếc nuối và không bao giờ anh hỏi, y như chị lúc nào cũng chỉ cười nhẹ nhàng khi bạn bè đùa cợt về những tháng ngày trước anh đã sống. Sống là chấp nhận nhau như chấp nhận chính mình. Ngày đó thì chưa, nhưng bây giờ thì chị hiểu rằng không phải tính mình cương cường gì, cũng chẳng phải chồng đi tây học sớm đầu óc tự do gì, chẳng qua biết chấp nhận thế đã là duyên nợ. Chỉ có điều ràng buộc với nhau bằng tự do, mà sao càng tự do càng thấy thừa mình, càng cô độc.


Sương giăng. Từng lúc ánh sáng lại phựt lên khi bàn chân đưa dần tới một căn nhà nào im lìm trong bóng tối đặc quánh. Người đàn bà lặng lẽ đi. Hơi ấm duy nhất cảm thấy được là bàn tay đứa con bé.


Mỏi. Nóng hừng hực bên trong. Vẫn cảm thấy sương buốt trên từng ngọn tóc. Đèn đường lại bất chợt phựt lên. Họ đột ngột hiện ra trong tầm mắt của nhau, trong sương. Họ lơ ngơ nhìn quanh, nhìn lên, nhìn xuống, lắng nghe. Suối chảy. Hình như còn tiếng lục lạc rải ơ hờ.
Bất chợt họ cùng kêu lên : Ơ đây rồi.

Trong đêm tuyết lại rơi. Sáng ra hai thằng bé lại chúi mũi vào cửa kính. Anh giúp chị chuẩn bị bàn ăn sáng rồi hò hai thằng con.

Ngày đi qua như rất nhiều ngày.

6-7-2014

Lê Minh Hà


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us