Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ông ấy là ông TA

Ông ấy là ông TA

- Lê Minh Hà — published 31/05/2016 20:00, cập nhật lần cuối 13/10/2016 19:11

Ông ấy là ông TA

Lê Minh Hà


Ông ấy làm quen với tôi bằng một câu hỏi còn tệ hơn hỏi tuổi. Ông ấy hỏi tật. “Bạn bị hen à?”. Không biết nếu nghe hỏi thế thì phụ nữ nói chung sẽ thế nào? Tôi không nghe, tôi đọc, một câu hỏi chưa từng ai hỏi, và không trả lời. Nào tôi có biết ông ta là ai. Fb (từ viết tắt đã trở thành quen thuộc của Facebook – chú thích của người đánh máy) như một bãi biển, nơi người nhát như tôi thường không có ý định bắt quen làm thân cùng ai, do không tài nào quen được với khái niệm bạn xã hội, dù chả hiểu sao lại khoái mấy chữ bạn giang hồ.

Fb là nơi tôi giang hồ vặt. Và tôi gặp lại ông ta. Cái ông tên là TA ấy. Ở một truyện ngắn. Một ông già, hình như cũng đã thất thập, xơi ngay cô giúp việc chưa tới đôi mươi trước bàn thờ Phật bà vợ già vẫn ngày ngày ngồi tụng kinh gõ mõ. Một truyện khác: cô gái điếm đêm đêm hóng lên một khung cửa sổ nơi có một tay bụng phệ hóng xuống, chỉ mong có một người đến mua mình, chỉ mong được đi cùng một người khác trước cặp mắt không biết nó ra thế nào của tay đàn ông ấy, người mà cô đã từng yêu, chắc là mê mụ, nên nỗi tỉnh táo mụ mẫm với khao khát trả thù thế này. Những câu chuyện của những ẩn ức dồn nén, từng chi tiết hình ảnh thì Việt đặc, mà từng li ti cảm xúc lại cho thấy một tiếp biến chữ nghĩa của phương tây. Kể đời văn có vài mươi truyện như vậy đem in thành một tập là nên chuyện trong giới giời đày phải viết đấy. Này anh TA, anh còn nhớ mấy truyện này không? Nếu, thì chắc ông ấy sẽ nhớ đấy không phải là lí do thật sự để có một tình thân giữa chúng tôi, tôi muốn tin như thế, ngay từ khi chưa từng gặp mặt.

Mà vì những gì tôi đọc sau đó, của ông TA đó.

Hình như đó là tập hợp những bài ông góp mặt với báo chí nhiều năm? Khi tôi gặp chữ của ông, tôi không biết điều này. Chỉ đơn giản là gặp, rồi thấy.

Thấy lại một thành phố của tuổi nhỏ những năm chiến tranh nhiều lần xa vẫn mong về. Thấy lại một tuổi trẻ tự bức bách mình bởi bao nhiêu ao ước và thất vọng. Thấy lại một kiểu người giữa lòng phố. Hôm qua. Hôm nay. Hoang mang và thiết tha.

Hà Nội không phải chỉ là phố, Hà Nội của thời tôi, còn ngõ, còn xóm, còn những khu tập thể được xây lên như là biểu tượng của một thời nhắm mắt lại mà hân hoan hát “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua… Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta…” Nhốn nháo quẩn quanh trong đó là rất nhiều kiểu người, cuộc đời, cách sống. Nhưng có phải là thành phố này hôm nay vẫn được người ta nhắc nhớ, đôi khi với cả niềm phẫn nộ bỉ báng vì nó không còn giống nó như nhiều đời đã thế là bởi cái vị hào hoa thấm trong một lối sống của một kiểu người không? Và chỉ người ở đó mới cảm ra không?

Những trang viết nhiều khi rất ngắn, không kể chuyện gì cao cả bi hùng éo le thời thượng, chỉ như một cái vẫy tay rất nhẹ mời người đọc dừng ở một cảm giác, một nghĩ ngợi, để mà tự mình đi xa hơn tới một diễn trình lớn lao. Là lối sống trong một phức thể không gian thời gian vừa đầy biến động vừa tù đọng, gần là thủ đô, xa là những làng những thành phố, xa nữa là đất nước.

Tôi rất khoái vì không bị ngợp đi trong những kiến giải mà một người làm nghề kiến tạo không gian rất dễ ụp vào đầu mình. Nói thật, cứ có một nghề khác mà viết thì bao giờ chẳng có cái gì khác với bọn chỉ biết độc có mỗi trò xóc chữ. Nhưng cái có thể khác ấy rất dễ trở thành loè đời và ở bình diện này tác giả có nhiều cơ hội để trở thành kẻ thông minh nhất trong những kẻ ngốc và là kẻ ngốc nhất giữa những kẻ thông minh. Nội lực của chữ như thế không bắt đầu từ những kiến thức phổ thông ở từng cấp học, từng ngành nghề, mà nằm trong nội lực của người viết. Cái gì làm nên nội lực này, thật khó nói. Nhưng cảm? Phải, tôi đã cảm ra qua chữ của ông TA. Khi ông ấy viết về phố, về những ngôi nhà, về chuối về cau, về rừng về biển, thật ra ông ấy viết về ông ấy đấy. Đọc, cảm như thấy một lớp người dường như cũ từ khi mới sinh ra từ lòng phố. Qua cách họ trìu mến một bậc cầu thang, một vật dụng, một cách nhấm nháp nêm nếm, một gì đấy, thấy như hồn phố được nâng niu. Họ đích thị là cậu ấm của một Hà Nội tàn phai vì cách mạng, chắc không hình dung mình được sinh ra không phải là để ngăn nhịp điệu tàn phai đó, mà ngăn thế quái nào được, nếu không nói là còn bị đột bị dập vì thời thế, nhưng đúng là họ sống như thể để níu giữ lại hồn phố theo một cách riêng, của những người cảm ra cái lịch ở đất này bằng chính nếp nhà mình.
Một đô thị thật sự là một đô thị cần có gì? Nhà và người. Theo một kiểu nào đó, chắc vậy. Nhưng người thành thị là người nào? Ngày dọc ngang trên phố, đêm nằm mơ gió vườn trước vườn sau trâu dộng sừng vào gióng chuồng thở phì phò chó cấm cảu sủa trăng và gà lục sục giục nhau lên giọng? Có thể. Nhưng cũng có thể là một kiểu người khác, không ngần ngại với gốc rễ nhà quê của mình bởi đã hoàn toàn thoải mái giữa lòng phố, với một cung cách sống hoàn toàn khác. Mọi đô thị đều cần cho mình một tầng lớp thị dân thật sự, và nó chỉ thật sự không nhem nhuốc khi biên độ sống của giới trung lưu trí thức của tầng lớp ấy mở rộng. Với Hà Nội, mà người ta muốn nghĩ như là nơi tụ tán của hào hoa, lịch lãm, thực tế đã vậy ở một thời nào đó, chưa xa lắm đâu nhưng hình như khó có cơ hội quay về.
Lối sống của giới đấy thật ra không dễ bắt chước. Hào hoa chứ không hào nhoáng hoa hoè hoa sói, lịch lãm, là không tan hòa mà lại dễ giao hòa trong những chằng chịt các mối giao tình, và tuyệt nhiên không có gì chung với cái hách dịch trưởng giả, cũng là một sắc thái rất Hà Nội, ở một cơ cảnh khác. Bao nhiêu lâu nay, khi nghĩ về người ở người đi tự cái đất thần kinh này, tôi tin rằng những yêu và ghét ngay cả khi chính mắt thấy tai nghe mà người ta vẫn nói đều bắt đầu từ sách vở, mà cụ thể gần là từ thuở Tự lực văn đoàn, và cả từ một chút mặc cảm không đâu, còn không cần thiết nữa. Người lịch đất này có muốn buông chữ lịch cũng không nổi, khó nói lắm, chỉ có thể cảm ra trong cái kiểu cầu kì đến độ giản dị tận cùng, trong cái kiểu sống nhiệt thành mà bình thản, lắm lúc tưởng bâng quơ, nhưng đó là một bâng quơ có sự định hướng tự động của ý thức. Phải vì ý thức ấy mà họ cảm ra được hoan lạc giữa một thời loạn lạc. Hoan lạc, trong một status ông ấy đã viết thế. Hoan lạc, không phải là sung sướng nhé, giả dụ ông ấy bảo là sướng và thi vị hoá cái thành phố hệt một ngôi làng nằm rìa thị xã của tôi hôm qua và hôm nay, tôi sẽ cãi nhau với ông ấy.
Tôi thấy điều đó khi đọc những tưởng ơ hờ mà quá chừng mẫn cảm của ông TA.

Khi ông ấy giảng cho người đọc hiểu về mối tương tác giữa con người với không gian sống, cụ thể là kiến trúc của một ngôi nhà, một thành phố, hay là trật tự trước cau sau chuối ở chốn quê xưa. “Một nửa ngôi nhà là của mùa thu.” Ông TA bảo, đọc xong, “à ra thế”. Tính chất con người, đạt tới một độ nào đó mới đòi hỏi và mới tạo ra được những độc đáo trong hình thức kiến trúc. À ra thế! Nhưng ngược lại, những độc đáo trong kiến trúc (ở một cực khác là những biến dị quái đản trong kiến tạo không gian) cũng làm thay đổi tính chất con người. Ông TA ông ấy dùng chữ tính chất, không phải là phẩm cách hay từ gì từa tựa thế, rất trung tính. Bài học này thấm qua những vu vơ ông ấy viết. Từ chuyện hai ông hàng xóm cũng gọi là thuộc giới tinh hoa chửi nhau vì ông giáo kiến trúc nhà có toilett riêng rồi nhưng lại thích bê chim đến hót ở cái ngách cả số nhà vứt đồ tầm tầm góp phần xác lập sở hữu tập thể mà ông giáo âm nhạc rất không may ở ngay sát cứ phải thưởng thức bằng mũi. Từ cái mùi rất phi nghệ thuật ở cái ngách ông ấy gọi là khu phi quân sự, ông TA nhìn ra mùi lịch sử, khai thối đủ vành. Khỉ thế, tưởng ông ấy vu vơ cho vui, ông ấy lại bắt người ta nghĩ. Lưu Quang Vũ từng cho chúng ta một hình dung về Hà Nội thời còn vườn trong phố, cũ kĩ và sang cả hơn, thời còn vườn trong mỗi số nhà, ông TA cho người đọc hình dung mới về một Hà Nội khác, oằn mình sống, với “xóm phố trong nhà”, một trăm phần trăm nhờ Cách mạng. Nhọc nhằn mà không mất vẻ thư thả, qua cách sống hết mình kĩ lưỡng của một kiểu người, dọc ngang bốn trời rồi có lúc về im lìm ngồi cà phê vỉa hè này ngắm qua vỉa hè kia, rồi nghĩ ra bao nhiêu điều bắt người ta ngẫm. Hay là ngắm sự ngược đời gái quê nhuộm tóc cho đen lại để về quê ăn tết, rồi âm thầm thương phận người chẳng dễ gì mà sống cho lành. Như thể người lẩn thẩn.

Tôi chưa có được cái khả năng lẩn thẩn ấy, nhưng mà chung tật với ông. Vì thế và vì một đôi ba điều nữa mà chúng tôi phải bỏ Hà Nội ra đi, nhờ thế mà biết thêm vô khối sự, cũng là biết thêm mình. Nhưng tôi không biết gì về ông cả. Cũng nghĩ không cần. Chữ! Đủ rồi! Nó cho người ta hiểu về nhau ngay cả ở những điều muốn giấu.

Tôi thấy mình gần với ông. Rất. Ở những nỗi niềm kia. Nhưng dù sao thì năm ngoái mùa thu. Dễ gì đâu cho những kẻ phương trời.

Tới tận lúc ấy tôi vẫn quen gọi ông là ông TA. Trên FB ông có tên là Duong Ta. Bạn bè có khi đùa gọi ông là Dê. Mãi tôi mới biết vì sao.

Tôi không dám đùa thế. Tôi biết tên ông TA ấy rồi. Tạ Mỹ Dương. Hóa ra, tôi có chung với ông ấy thêm một con đường, là căn phố nhỏ Hà Nội một cách đặc biệt có ngôi nhà tuổi thiếu thời ông, nơi bao nhiêu năm bé con chiều nào tôi cũng phải rồng rắn xếp hàng chờ vào giờ học ở ngôi trường đầu kia phố. Và ngoài ra còn bao nhiêu quanh quẩn vu vơ nữa về những nơi từng qua, về một nơi chốn loay hoay vẫn phải trở về. Ờ, Hà Nội phố cũ rong rêu, Hà Nội nhà cửa đời mới vừa đẹp vừa dởm rít. Hà Nội sương mù giăng mắc, Hà Nội ngai ngái hương cuối mùa, Hà Nội gió mùa và hanh khô. Hà Nội được đón tiếp quá nhiệt tình khi là khách và Hà Nội cau có hay gây sự, Hà Nội nói khéo và Hà Nội dễ bị nghe chửi. Hà Nội với không khí nhiều mùi vị, đậm đà mặn ngọt chua cay. Hà Nội lờ đờ buồn ngủ, Hà Nội rống lên tự sướng. Hà Nội với “niềm tin và hy vọng”, và còn gì thêm nữa để đủ là một Hà Nội đúng nhất bên cạnh rong rêu?”


Cần một kiểu người mà người đời bảo là lẩn thẩn, hình như vậy.

tmd-pxn

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu sách của KTS Tạ Mỹ Dương (phải), ngày 7.10.2016 tại Hà Nội


Berlin 31.1 2016

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us