Phải đi
Phải đi
Nguyễn Thị Từ Huy
– Thầy lại gọi anh sang.
– Thầy ở bên kia ư ? Anh định thế nào ?
– Anh định bàn với em. Anh phải đi. Anh không thể tiếp tục như thế này.
– Anh xem, mọi người vẫn tiếp tục đấy thôi.
– Mỗi tháng đến kỳ nhận lương, anh lại thấy nguyên vẹn nỗi nhục nhã ấy, nó bám chặt từng tế bào da, ăn sâu vào từng thớ thịt anh.
– Anh nhạy cảm quá rồi.
– Anh giảng dạy ở trường đại học đã mười năm, bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài, và lương anh chưa bằng lương khởi điểm của một người công nhân lần đầu được tuyển dụng vào một công ty tư nhân hay một công ty nước ngoài. Giá trị của anh không bằng một người công nhân. Không. Anh không có ý coi thường người công nhân. Anh muốn nói rằng lao động của anh bị coi rẻ hơn lao động của họ. Trong khi mà anh phải mất bao nhiêu năm học hành. Mỗi lần cầm đồng lương anh lại tự hỏi : giá trị của mình chỉ đáng như thế này thôi sao ? Sao mình có thể tự khinh bỉ bản thân mình đến mức chấp nhận bị đánh giá rẻ mạt như vậy. Anh nhớ câu chuyện của Mathieu, anh ấy và anh có cùng một thầy hướng dẫn. Anh ấy hối tiếc vì đã đề nghị mức lương khởi điểm là ba mươi lăm ngàn euro một năm và sau đó đã đề nghị tăng lương với lập luận rằng giá trị lao động của anh ấy phải cao hơn như vậy. Không phải là mức lương mà đó là giá trị của con người anh ấy, giá trị mà lao động của anh ấy sẽ mang lại. Jin Chen, một người bạn Trung Quốc, kể với anh rằng cậu ấy sẽ về nước vì ở đó cậu ấy sẽ dễ dàng được tuyển dụng vào các môi trường làm việc bậc cao và thu nhập rất tốt, còn ở lại châu Âu thì sẽ bấp bênh hơn. Em còn nhớ Sinh không ? Cậu ấy bảo vệ cùng đợt với anh. Về đại học Nông Nghiệp nhận hai triệu rưỡi một tháng, rồi bỏ vào Sài Gòn làm cho một công ty thực phẩm với mức lương khởi điểm cao gấp mười lần. Chính Sinh đã nói với anh hôm qua, khi cậu ấy ra Hà Nội : « Sao anh có thể chịu nhục mãi như vậy.»
– Vâng, anh …
– Anh thì sao ? Anh cầm mấy tờ bạc và tự hỏi mình có còn là con người không, mình đã làm gì để đáng bị đối xử như thế này ? Sao anh lại chấp nhận bị khinh bỉ như vậy chứ ? Anh đã làm việc cật lực để rồi tự khinh bỉ mình như thế này sao ? Anh phải đi em ạ. Đáng sợ hơn là rồi sẽ đến lúc anh không còn cảm giác nhục nhã nữa. Lúc đó thì anh sẽ chẳng khác gì một con vật. Người ta muốn đối xử với anh như thế nào cũng được, người ta muốn hạ giá trị của anh đến mức nào cũng được, người ta muốn sỉ nhục anh như thế nào cũng được. Người ta bảo anhh làm gì anh sẽ làm nấy. Người ta sai anh đi đâu anh sẽ đi đó. Người ta muốn nói gì anh cũng được. Anh sẽ im lặng như một con thỏ.
– Em xin anh, anh đừng chia động từ thời tương lai nữa. Những người rất giàu cũng im lặng hơn cả thỏ, thì có sao đâu. Im lặng hiện đang được đánh giá là một phẩm chất tốt. Ngày tết người ta bán đầy đường chữ « Nhẫn » bằng tiếng Tàu, chẳng phải để khuyến khích im lặng sao ?
– Để anh chia nốt mấy động từ này. Khi không còn cảm giác nhục nhã nữa thì anh có thể làm tất cả mọi việc, anh có thể ăn cắp túi xách của đồng nghiệp, có thể gạ tình sinh viên… tất cả mọi việc trừ những việc mà một người làm khoa học cần làm.
– Anh đang sử dụng thao tác khái quát hóa của khoa học đấy thôi : em biết anh đang nói chuyện gì, nhưng một người ăn cắp túi xách của đồng nghiệp không có nghĩa là tất cả mọi người trong cơ quan anh đều ăn cắp.
– Nếu ngồi nhìn người khác bị ăn cắp mà không nói gì thì mình có phải đồng lõa với kẻ cắp không ? Anh từng chép vào sổ tay hồi trung học câu này của L. King : « Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì lời nói và hành động của kẻ xấu, mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt ». Anh đã chép, và đã im lặng. Triền miên im lặng.
– Nhưng anh làm được gì ? Chuyện nhỏ đó gọi công an vào là giải quyết được ngay. Nhưng không ai muốn tìm kiếm kẻ ăn cắp. Mà không tìm ra thủ phạm thì coi như là không có ai ăn cắp. Một tình thế như vậy dễ chịu hơn là tìm ra rồi để mang tiếng là một tập thể có kẻ cắp, như thế ảnh hưởng rất nhiều đến thi đua. Đấy là cái lý để lựa chọn.
– Người ta lặng lẽ biến mình thành kẻ cắp, trong khi đó công sức lao động của họ lại bị đánh cắp một cách công khai. Tất cả vận hành theo nguyên lý đó, đánh cắp lẫn nhau và đánh mất sự tôn trọng đối với bản thân mình. Và chịu đựng.
– Em có thể giúp anh, không, giúp chúng ta, anh đừng buồn quá. Anh phải tập cách nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn mới được.
– Em không phải trải nghiệm cảm giác của anh. Anh, một thằng đàn ông, không thể nuôi vợ con. Nói thế làm gì, anh không nuôi nổi bản thân, nói gì đến việc nuôi vợ con hay nuôi cái ước mơ khoa học của mình.
– Em xin lỗi, em đã làm gì hay nói gì khiến anh phải chạnh lòng chăng?
– Không, em quá tốt với anh, như thế lại càng khiến anh thêm cảm thấy mình lố bịch, anh càng thấy nhục nhã. Lẽ ra anh không nên lấy vợ. Anh không được quyền lấy vợ.
– Anh đừng làm em buồn. Tình yêu của chúng mình thì sao? Em không đòi hỏi anh phải nuôi em và các con.
– Em không đòi hỏi, nhưng anh thì có đấy. Anh được ăn học đàng hoàng trong bao nhiêu năm để rồi phải dựa dẫm vào em. Giá em khinh thì anh còn thấy đỡ nặng nề. Anh đáng bị em khinh bỉ. Anh đã để cho người ta khinh bỉ với mấy đồng tiền còm đó mà em vẫn trọng anh, thế là thế nào? Nếu muốn làm khoa học và muốn giữ phẩm giá thì không nên lập gia đình. Vì anh không thể đảm nhận được trách nhiệm của người đàn ông. Lẽ ra anh phải sống như Hưng.
– Anh gắng chấp nhận tình thế đi. Chúng ta phải hy vọng. Thời kỳ này sẽ qua. Anh cười gì kỳ vậy?
– Em hy vọng sao mà lạ lùng? Em nhìn chúng ta xem. Bốn người chúng ta sống trong hai mươi mét vuông. Mà ta may mắn vì gia đình đã giúp chúng ta được khoảng không gian này. Em nhìn Hưng xem, cậu ấy không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Tiền lương còn không đủ để thuê nhà. Và có bao nhiêu người như Hưng ? Bọn anh thuộc về bóng tối. Ở đó câm lặng chịu đựng nỗi nhục nhã đeo bám khắp cơ thể. Rồi làm việc như trâu bò để nhấn chìm nó vào một góc nào đó trong vô thức.
– Thôi mà anh.
– Anh không bao giờ thoát khỏi nó. Anh nhận tiền làm đề tài nghiên cứu khoa học như thế nào, em biết không? Để có được số tiền mười lăm triệu đồng cho hai năm nghiên cứu của anh, anh đã phải làm nhiều chứng từ giả. Vì trong văn bản quy định, mỗi năm người chủ trì đề tài như anh chỉ được trả một triệu hai trăm ngàn mà thôi. Anh, cũng như tất cả mọi người ở cơ quan, buộc phải làm chứng từ giả. Một nhà khoa học buộc phải gian lận để nhận một số tiền công còm cõi cho lao động nặng nhọc của mình. Một kẻ gian lận như anh làm sao có đủ tư cách của người làm khoa học ? Hô hô, gian lận là con đường đến với khoa học đấy em ạ. Em chưa thấy anh đủ nhục nhã sao ? Anh đã bôi tro trát trấu lên cái gọi là tinh thần khoa học. Anh đã làm nhục nó. Anh đã làm nhục hai từ khoa học. Anh đã bán rẻ nó vì mấy đồng bạc. Em khinh bỉ anh đi, em khinh bỉ anh đi.
– Bình tĩnh đi anh, bình tĩnh đi anh ! Đừng tự trách mình, anh không có lỗi.
– Đúng là anh buộc phải gian lận. Anh không cố tình. Nhưng điều đó không rửa được tội cho anh. Mỗi một chứng từ giả mà anh ký vào và buộc người khác ký vào là một nhát dao khoét sâu, cắt bỏ các tố chất của người làm khoa học. Anh thấy máu mình đen ngòm, anh đang tự nhuộm đen mình. Vậy mà anh còn dám mở miệng rao giảng cho sinh viên nào là sự trung thực, nào là khả năng tìm kiếm chân lý của khoa học, nào là… Chân lý đi như thế nào trên cặp giò gian lận?
– Thôi mà anh… Ích gì khi tự dằn vặt như vậy chứ. Người ta còn gian lận hơn anh gấp hàng bao nhiêu lần. Anh cần tập quen dần với những chuyện như vậy. Anh phải vượt thoát lên những thứ đó mới được. Và phải thực tế nữa. Làm gì có cái gì hoàn toàn tinh khiết, vô trùng. Mà vì không tinh khiết, không vô trùng nên mới cần khoa học chứ. Nếu nước sông nào cũng sạch và uống được thì cần gì đến công nghệ xử lý nước sạch, cần gì đến nghiên cứu nữa.
– Sau khi anh lấy bằng tiến sĩ trở về, thêm vào việc giảng dạy, anh còn được phân công phụ trách việc giấy tờ hành chính, chẳng liên quan gì đến công việc của anh. Anh chỉ đáng làm những việc như vậy thôi sao ? Phải, anh chỉ đáng cho những công việc như vậy. Đó là chỗ của anh. Lẽ ra thời gian phải được tập trung vào việc nghiên cứu. Chất xám của anh tiêu tán hết giữa đống giấy tờ ấy, các tế bào não chết và rơi rụng giữa đám bụi giấy. Não anh teo lại từng ngày một. Rồi sẽ đến lúc những giấy tờ ấy sẽ khiến anh mất khả năng suy nghĩ. Bao nhiêu chất xám của bao nhiêu người khác cũng đang tiêu tán vì những công việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn. Rồi em biết là anh đã quyết định không chấp nhận cái bàn giấy ấy nữa, và anh đã bị quy kết đủ điều. Anh, một kẻ kiêu ngạo, cái tôi quá to, hoang tưởng về bản thân, vô kỉ luật, không thực hiện nhiệm vụ được giao… Anh tưởng mình là ai mà dám đòi hỏi nọ kia… Và một lần nữa anh lại im lặng đón nhận những quy kết ấy trong nhục nhã. Em thấy không, suốt đời anh sẽ ở trong bóng tối mà âm thầm đưa đám lòng tự trọng. Mà ngay cả cảm giác nhục nhã rất cá nhân này của anh cũng rất có thể bị kết tội. Anh sẽ bị kết tội vì cảm thấy nhục. Anh không được phép cảm thấy nhục. Vì anh sẽ lăng mạ người khác bằng chính cảm giác nhục nhã của mình. Em hiểu không. Để tôn trọng người khác thì anh không được phép cảm thấy nhục, thì anh phải chấp nhận, phải ở lại. Ở lại để cống hiến, để đóng góp. Nhưng ai tôn trọng anh, ai tôn trọng các đồng nghiệp của anh? Bọn anh làm gì để đáng bị đối xử như vậy? Người ta thường lấy lí do rằng nước ta còn nghèo. Có thật như vậy không? Sự thật là đa số bọn anh chia nhau đói nghèo để đảm bảo sự giàu có cho một thiểu số. Em đọc báo đi, một đêm nghỉ ở khách sạn của lãnh đạo Bộ cao hơn tiền lương cả tháng của giảng viên trẻ ở đại học. Ai tôn trọng bọn anh? Vậy mà đến cả nhục anh cũng không được phép cảm thấy!
– Anh đừng nhìn mọi việc một chiều được không. Em nghĩ đời sống phức tạp hơn như vậy. Anh thử nghĩ xem vì sao mọi người chấp nhận được và không đau khổ như anh. Chắc họ phải có cái lý của họ. Anh tự khép mình quá rồi, tự làm khổ mình. Anh thử suy nghĩ về cái lý của những người khác, rồi anh sẽ thấy dễ chịu hơn.
– Anh phải đi. Đến em còn không muốn suy nghĩ về cái lý của anh. Anh đã cố nhìn, đã cố hiểu trong mấy năm nay. Có lẽ anh cũng hiểu cái lý ấy của mọi người. Nhưng anh không thoát khỏi cảm giác tủi nhục. Anh thương cho anh, anh nhục cho chính mình. Và nếu anh nói ra điều này thì sẽ bị lên án là ích kỷ. Nhưng một ai đó đã nói rằng nếu ta không yêu mình, không tự tôn trọng giá trị của mình thì làm sao có thể thương người khác, làm sao có thể tôn trọng người khác? Em thấy không, sao người ta có thể bán điểm dễ dàng và rẻ rúng như vậy? vài trăm ngàn đồng bạc hay vài triệu bạc. Giá trị của người thầy đấy. Cho dù không phải tiền triệu mà là tiền tỷ thì anh cũng không thể tự bán mình như vậy. Đây là cơ hội cuối cùng của anh. Sang năm anh quá ba lăm tuổi, sợ sẽ không còn cơ hội nào nữa.
– Sao anh không tin là sẽ có những cơ hội ở đây?
– Thú thật là anh còn may mắn hơn nhiều người khác. Anh còn có thể lựa chọn.
– Anh không thể chọn ở lại ư ?
– Anh đã lần lữa lâu quá rồi.
– Em không có ý nghĩa gì sao ? Các con không có ý nghĩa gì với anh sao ?
– Em và các con đi cùng anh chứ.
– Còn bố mẹ em…
– Chúng ta sẽ cố thu xếp cho các cụ.
– Còn em, em sẽ sống như thế nào ? Em biết làm gì ? Em không biết tiếng.
– Em có thể học được.
– Nhưng anh ở lại đây sẽ đơn giản hơn là em sang đó.
– Sao đơn giản hơn được ? Anh không biết cách luồn cúi, nịnh bợ. Anh không biết cầm phong bì của học sinh. Anh sẽ không tiếp tục làm các hóa đơn, chứng từ giả. Anh không có cách nào để sống với đồng lương hiện tại. Mà anh cũng không thể làm bẩn con người mình thêm nữa. Anh cũng không thể tự coi thường hơn được nữa. Cũng không muốn bị coi thường thêm nữa. Anh muốn được nhìn em, yêu em mà không phải tự khinh mình.
– Anh có thể dạy thêm để kiếm tiền mà.
– Anh đã mất hai mươi năm để học hành. Anh muốn được làm công việc mình yêu thích, anh muốn được làm việc theo đúng khả năng của mình. Anh muốn được sống với con người thật của mình. Anh muốn tay mình sạch sẽ, đầu mình sạch sẽ, lòng mình sạch sẽ. Sạch sẽ, em tin được không ? Anh muốn em có thể tự hào về anh, dù anh chỉ là một người bình thường. Trời ơi, anh nói cứ như là sách vở thế này. Anh không muốn đi dạy tại chức, anh không muốn bị bóc lột tàn tệ để rồi các bài giảng của anh chỉ là để nhằm hoàn tất quá trình mua bán bằng. Anh không thể đi dạy luyện thi. Anh không muốn biến học sinh thành những con vẹt, không muốn tước đoạt khả năng suy nghĩ tự do của họ. Anh không muốn đặt nền móng để cho họ có thể bị biến thành những công cụ sau này. Anh không làm được. Và rồi bản thân anh cũng lặp lại như một con vẹt ngày này qua ngày khác những điều đã được dùng làm chuẩn mực. Rồi đầu óc anh cũng chỉ còn duy nhất cái khả năng thu vào và phát ra của cái máy mà thôi. Anh còn nhớ một cuộc triển lãm, nhớ nhất là hình ảnh một phụ nữ trong một vidéo clip, suốt mấy chục phút bà ta cứ quấn vào rồi tháo ra một cái khăn quàng cổ trông như sợi dây thừng, hết tháo ra rồi lại quấn vào, động tác mỗi lúc một bạo liệt, mắt mỗi lúc một đờ đẫn. Triển lãm có tên là « Chịu đựng ».
– Em xin lỗi ! Em không hình dung được cuộc sống bên đó như thế nào, em sợ.
– Rồi sẽ ổn thôi. Mọi người đều ổn, em đừng lo.
– Em muốn nói với anh chính điều đó, anh hãy ở lại, rồi sẽ ổn thôi. Tất cả mọi người đều ổn. Thôi anh ra chơi với con, em làm bếp đây, chúng ta cần có thời gian.
– Anh xin lỗi, anh không thể chơi với con lúc này, anh chưa bình tĩnh lại được, anh thấy xấu hổ vì chúng phải có một người cha như anh. Cha anh đã chịu đựng, đã sống trong nghèo khổ, nhưng chưa bao giờ thỏa hiệp, chưa bao giờ ăn bằng một đồng tiền bẩn nào. Còn anh… Sao anh có thể nhục nhã đến thế này ?
– Anh đừng nói nữa…
– Chỉ nói với em thôi mà.
– Ôm em đi, đừng nói nữa, ôm em chặt vào.
– Cho anh nói một lần thôi.
– Đợi em, có ai gõ cửa, em quay vào ngay.
– Ai vậy em, em sao vậy, sao lại khóc ?
– Chú em, chú vừa đưa bố em vào viện, chẩn đoán ung thư. Anh phải đi một mình thôi.
– Anh làm sao đi được ? Ôm anh đi. Không nói chuyện đó nữa. Không đi đâu nữa.
– Sao có thể thế chứ, bố em sống nhân đức như vậy, sao trời lại hành hạ bố ?
– Chúng ta sẽ lo bố. Ôm anh chặt vào. Anh sẽ cùng em lo cho bố.
Tháng 9/2011
Nguyễn Thị Từ Huy
Các thao tác trên Tài liệu