Phượng
PHƯỢNG
Vĩnh Sính
“Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang. Phượng không phải là một đoá, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực.... Màu hoa phượng chói lói như sắc máu người.... Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui, mới thực là nỗi niềm bông phượng. Một làn gió hẩy tới; từng đợt sóng rào rào trên biển hoa.... Người ta trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường... Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa-học-trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi ! Còn ai có linh hồn tươi thắm để quan hoài cùng với phượng thắm tươi ?”
Mấy câu của Xuân Diệu không hiểu vì sao cứ ám ảnh tôi mỗi lần tôi thấy bóng hình hoa phượng. Tôi còn nhớ trong tủ sách cũ của anh chị tôi, tôi thường ghiền gẫm cuốn Trường ca, xuất bản vào khoảng năm 1945. Đoạn trích dẫn nằm trong chương “Hoa học trò”, phần cuối của sách. Trong chương này, trừ một đôi chữ đã cũ với năm tháng ; những nhận xét của nhà thơ thường gần gũi và đượm chất thơ, có sức quyến rũ người đọc. Khó kiếm một tác phẩm viết về phượng với những ý tưởng cô đọng như thế.
Kể từ khi sách ra đời đã hơn 60 năm, hôm nay người viết có cảm tưởng gì khi đọc lại mấy dòng trên ?
*
1. Nói tới “hoa phượng” tưởng cần biết sơ về hoa phượng ta. Phượng ta, cây không lớn, có ở Việt Nam hình như từ lâu, ít ra so với “hoa phượng” tức “hoa phượng tây”.
Từ điển tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê) ghi rằng cây phượng ta, dùng như chữ “kim phượng”, là loại “cây nhỡ cùng họ với vang, muồng, hoa màu đỏ hay vàng, có nhị mọc thò ra ngoài như đuôi phượng, thường trồng làm cảnh”.
“Phượng vĩ” trước đây dùng để chỉ cây phượng ta, nhưng vì từ mấy chục năm nay cố đô Huế đã biến thành ‘thủ đô của phượng’ (danh từ tác giả đặt), “phượng vĩ” đã trở thành “hoa phượng”. Dĩ nhiên một khi đã có “hoa phượng” rồi thì chẳng ai truy nguyên gốc gác của nó là “hoa phượng tây” làm gì !
2. Phượng, cũng theo từ điển trên, là “loài cây to cùng họ với cây vang, lá kép lông chim, hoa mọc thành chùm, màu đỏ, nở vào đầu hè, thường trồng lấy bóng mát. Mùa hoa phượng (mùa hè)”. Tiếng Anh gọi phượng là Royal Poinciana, hay Flamboyant có gốc của tiếng Pháp cổ. Tên khoa học là Delonix Regia. Thân cây cao chừng trên 10 m và chỉ mất vài năm để ra hoa. Phượng có xuất xứ từ Madagascar, trước đây thuộc Pháp. Ngay trong từ điển người ta cũng không để, hay là không ý thức, đến gốc gác cây phượng nguyên ở đâu – huống hồ là người thường !
Từ Madagascar đến Việt Nam có bao xa, dẫu thuở ấy là thời Pháp thuộc ...
*
3. Khi viết ngang mấy dòng trên, tôi chợt nghĩ thi sĩ Xuân Diệu có lẽ cũng vô tình cảm thấy cây phượng có một lịch sử dài như vô tận. Với nhà thơ, cây phượng tuồng như không có điểm khởi đầu. Nhưng Xuân Diệu và chúng ta nào đâu có dè rằng cây phượng ở Việt Nam chỉ có 40, 50 năm lịch sử là nhiều nhất ! Đó là tính từ ngày cuốn Trường ca ra đời.
Phượng làm quen với đất thuộc địa mới ở Đông Nam Á của người Pháp vào cuối thế kỷ 19 -- đầu thế kỷ 20 qua mảnh đất Việt Nam. Tôi lật những sách như từ điển Huỳnh Tịnh Của ra năm 1896 hoặc Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 để kiếm một đôi điều nói về cây phượng vốn là “cây phượng tây” này, nhưng các cuốn đó tuyệt nhiên không đề cập gì cả.
Ví dụ từ điển Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của chỉ có từ “phụng” với nghĩa là “Chúa các loài cầm, lông năm sắc, ở trong số tứ linh”. Từ “Hoa phụng” có trong từ điển là cây có lá “dùng làm thuốc tẩy trường”, nhưng thuộc “thứ cây nhỏ” – như vậy chắc chắn là khác với cây phượng mà ta đang kiếm rồi. Chúng ta có thể phỏng đoán cuối thế kỷ 19, cây phượng chưa có tại Việt Nam, hay nếu có chăng nữa thì cũng rất ít. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Việt Nam là nước Đông Nam Á trở thành thuộc địa Pháp trước tiên thì Pháp phải mất thì giờ để tìm hiểu con người cũng như cây cỏ !
Cuốn Việt Nam từ điển (Khai Trí Tiến Đức) thì sao ? Theo sách này, “phụng” có khi đọc là “phượng”, nhưng nghĩa thì chẳng khác gì Đại Nam quốc âm tự vị.
Tóm lại, cho đến đầu năm 1930 những cuốn từ điển ở Việt Nam vẫn chưa có từ “phượng” theo nghĩa “cây phượng” mà chúng ta đang tìm.
4. Nhưng từ nửa sau thập niên 1930 hoa phượng “đột nhiên” xuất hiện rầm rộ trong thơ văn. Vì sao vậy ? Phải chăng có đợt trồng phượng rộng rãi ở Việt Nam trước năm 1935 ? Hay có nhân vật nào của chính quyền thuộc địa thấy cây phượng thích hợp với khí hậu Việt Nam và đã trồng thử trong khoảng thời gian đó ? Vân vân và vân vân.
Chúng ta thấy rằng những câu hỏi như trên vẫn còn thiếu sót, nếu không nói thêm rằng đó cũng là khoảng thời gian mà vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, sự vùng dậy của tiếng Việt, cùng với các vận động quần chúng đã ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp, đến sự bành trướng trên nhiều mặt trong xã hội, kể cả sự lan rộng của bóng hình cây phượng trong tuổi trẻ Việt Nam.
“Học trò” từ đây làm quen với những gốc phượng trong sân trường. Một khi đã quen rồi thì sự gắn bó với hoa phượng cũng đi nhanh gấp bội : từ cây “phượng tây” hoặc cây “phượng lai” phút chốc đến “hoa phượng” rồi đến hoa-học-trò đâu có bao xa ! Trái “phượng tây” to mấy lần trái bồ kết cũng trở thành trái phượng hiền lành như muôn ngàn cây trái khác, khi viên đá hay mảnh gạch của mấy anh học trò tìm cách khẻ mãi mới ra hột phượng xanh rờn !
*
5 . Một trong những thi sĩ có thơ nói về phượng sớm nhất chính là Hàn Mặc Tử. Năm 1937, thi sĩ đã nói lên “màu máu” của hoa phượng trong bài “Những giọt lệ” của tập Đau thương. Ở đây ta sẽ không bàn đến sự thiên phú của nhà thơ hoặc tính cách siêu nhiên (“bỏ dưới trời sâu”) để chỉ xin nói về màu huyết của “bông phượng” :
Tôi
vẫn ngồi đây hay ở đâu ?
Ai
đem tôi bỏ dưới trời sâu ?
Sao
bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ
xuống lòng tôi những giọt châu ?
“Màu hoa phượng chói lói như
sắc máu
người” (Xuân Diệu) đã được nhắc lại
trong một số bài thơ của các tác giả
qua sự gắn bó của hoa phượng với dải đất Việt
Nam. Các chữ “sắc hây
hây” và “màu
lửa” trong trường hợp này, không hiểu
sao
cũng làm gợi nhớ đến sắc máu người :
Từ
cỏi lòng trai nở dẫy đầy
Một
trời phượng đỏ sắc hây hây,
Nắng
ơi, xin rực thêm màu lửa
V.B., 1990
Màu hồng của hoa phượng là màu của tương lai rực rỡ. Có bạn chắc còn nhớ bài hát khoảng 1954 của nhạc sĩ Hùng Lân :
Trời
hồng hồng, sáng trong trong,
Ngàn
phượng rung nắng ngoài song ...
Song
màu đỏ của hoa phượng cũng mang lại không
khí
đượm buồn, một nỗi buồn man
mác, của cảnh xa trường qua
mấy tháng Hè :
Phượng
đem duyên thắm cho hiu hạ,
Nhuộm
đỏ lòng tôi sắc biệt ly,
Khi
trường đóng cửa xa chân bước,
Không
hiểu
rồi tôi sẽ nhớ gì ?
Bài
thơ trên tôi thuộc từ hồi còn
bé,
nhưng tôi không có dịp hỏi tên
tác
giả trước khi anh tôi vội thành người
thiên
cổ. Bạn nào vui lòng chỉ giáo
tôi sẽ
xin đội ơn vô cùng.
Ở
Huế, cạnh chùa Thiên Mụ có mấy gốc
phượng. Ngay từ cuối những năm 1930, những gốc phượng
đâu đây đã làm chứng
nhân cho
những buổi “gặp nhau” rất vô tư, nhưng
đẹp và
lãng mạn. Thi sĩ Nam Trân, trong
“Cô gái
Kim Luông” (Đẹp và Thơ,
1939), đã
ghi lại mẩu chuyện đó như sau :
Thuyền
nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô
gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi
xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng
Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
6. Đoạn văn trích ở đầu bài đã được nhà thơ Xuân Diệu viết để tả vùng nào ? Huế.
Tại sao ?
Bởi trên khắp lãnh thổ Việt Nam, hay nói cho sát nghĩa thì từ Nam chí Bắc, chỉ có người Huế mới nói “Người ta trồng phượng ngoài thành và trong thành”. Ở Huế “thành nội” là khu vực ở “trong thành”, và vùng phụ cận người ta gọi là “ngoài thành”.
Cũng cần nên nói thêm rằng trước 1945, Xuân Diệu sống ở Huế khoảng 1937-38 và có lẽ cũng đã ghé Huế trong những lần ra Hà Nội, hay trong những chuyến về quê ở Bình Định hay Hà Tĩnh.
7. Phượng có thể trồng sát bên sông hay bên bờ hồ. Phượng nằm gần bờ nước trông thật xinh. Ở Hà Nội cạnh hồ Hoàn Kiếm có một gốc phượng. Đây là nơi trai thanh gái lịch đua nhau chụp hình trong mùa phượng nở. Đà Lạt có hồ Xuân Hương, Đà Nẵng có sông Hàn, phong cảnh thật là thanh lịch. Nhưng ven bờ nước tôi không nhớ có gốc phượng nào.
Huế có nhiều phượng hơn cả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thích chọn cảnh cây phượng rủ bóng sau Đài Phát Thanh (cũ) cạnh bờ sông Hương, làm hình cho những tấm carte postale. Với mây, với núi, với nước, hoa phượng đẹp vô vàn. Vật đổi sao dời và mấy cơn binh lửa lại làm cho hoa phượng ở Huế như muốn đậm đà và lộng lẫy hơn !
Phượng với lịch sử trên dưới một trăm năm đã chia sẻ nhiều nỗi niềm của dân tộc. Tưởng chừng như cả nghìn năm. Xuân Diệu vẫn có lý. Bóng dáng của cây phượng khó tách rời với người dân đất Việt.
Đố ai tìm được một hình bóng gì rất Việt Nam ngay từ buổi ban đầu, mà lại không phải Việt Nam ? Cái kỳ bí của hoa phượng nằm nơi chỗ đó.
Giữa
tháng 7 năm 2006
VĨNH SÍNH
Các thao tác trên Tài liệu