Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Quà đường sơ tán

Quà đường sơ tán

- Lê Minh Hà — published 03/01/2015 18:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Quà đường sơ tán


Lê Minh Hà



Gọi là quê, nhưng nếu không có những ngày đi sơ tán, không hình dung được rồi sẽ có một ngày nhớ quê như thế nào. Nỗi nhớ, có cái gì từa tựa như nỗi thiếu mẹ của một đứa trẻ mồ côi sớm, già đi rồi mới thật sự cảm ra.

Nhớ, là bắt đầu nhớ ngay đường về. Không còn gì bóng dáng đường về ngày đó nữa, càng nhớ.

Đâu xa xôi gì, nhưng ở những năm tháng người quê ra Hà Nội, ra tỉnh, thường cuốc bộ, may ra thì vẫy xe tải đi nhờ được dăm ba cây số, về quê là cả một sự kiện. Hoặc là lếch thếch đi bộ lên Bờ Hồ, chỗ bến xe buýt đầu Thủy tạ bắt xe vào Hà Đông, rồi chen chúc mua vé xe về Ba Thá. Còn nếu được đèo về bằng xe đạp thì khổ cho cái mông còm, ê ẩm mấy tiếng đồng hồ mới tới. Không có cái đận sơ tán này, khéo mà chả biết mặt quê.


Về quê, chỉ cần đi qua khu Cao Xà Lá là đường phố đã nhuốm chút gì đó khác lắm rồi. Vào tới Hà Đông càng khác. Nhà cửa tơ hơ, không san sát và kiểu cách gì, chốc chốc lại thấy một cái đầu hồi bếp nhà nào gạch cũ không trát vữa che nửa chừng rơm rạ. Qua Thanh Oai làng đạo, có tượng Đức Mẹ đứng bồng con đường bệ bên đường, nhìn vừa thích vừa sờ sợ. Vào tới Bình Đà càng khác. Mặt đường trải nhựa sạch bóng nhóng nhánh dưới nắng như mạch nha, nom giống thanh kẹo vừng cẩm khổng lồ chạy giữa cánh đồng, sát bên đường là lạch nước cỏ xùm xòa, chẳng biết bắt đầu từ đâu và chảy tới đâu nữa. Ở nơi ấy, đứa trẻ không biết chính xác là lên mấy nhớ mãi hàng tân binh hành quân, những gương mặt, những chiếc mũ cối, ba lô và những bộ quân phục tinh tươm, và những cánh tay vẫy từ hàng quân của các chú bộ đội trẻ ơi là trẻ. Bao nhiêu năm nhỏ dại, con bé đã hiểu câu thơ „đường ra trận mùa này đẹp lắm“ theo nghĩa đen chỉ vì hình ảnh ấy, đâu biết rằng…


Đường đi sơ tán cũng sao mà đẹp. Tới Vác là tới nơi bắt đầu những ngả đường lưu dấu trong bao nhiêu tác phẩm văn học thời kháng chiến: đường về mấy làng Vân, rồi xa xa nữa hướng Miếu Môn, đường ngược thành Sơn, Bất Bạt Ba Vì mây trắng, đường xuôi Vân Đình Khu Cháy, thủ phủ thịt chó cà phê của vô khối văn nghệ sỹ đi kháng chiến một thời. Có một dòng sông quẩn quanh qua những miền những làng xứ Đoài, sông Đáy, trong vắt thêm qua Quang Dũng một thời Tây Tiến, cho đò dọc và tiếng cười của bao người con gái yếm trắng áo tứ thân bao lưng xà tích xuôi tới tận chùa Hương. Bây giờ thì sông ấy nhiều khúc cạn rồi, có lênh đênh chăng cũng chỉ là phận lênh đênh của bèo và rau muống.


Vác, nhớ, vì tới đó lại có gì như phố huyện, với hàng quán và vô số khách dừng chân. Nhớ, còn vì tới đó thì hai chị em được xuống xe, giải phóng cái mông khỏi nỗi ê ẩm vì ngồi lâu trên cái poorbaga quá cứng, và được ăn quà.

Mẹ hay cho chúng mình vào hàng nước lụp xụp bên lề đường, nhìn cheo chéo qua con đường xuôi Vân Đình. Hàng nước nhà quê thường bán nước vối, hàng này lại có chè tươi. Nước chè tươi múc bằng cái gáo nhỏ khoét từ gióng tre dùng lâu đã thâm mặt, uống trong bát sành xấu xấu, trẻ con chưa biết nhắm nhót những chua những chát những đắng những cay, chỉ thấy béo thấy ngọt đầy bụng là quyến rũ. Bánh nếp gù lưng, nhớ không, quê mình gọi là bánh rợm, bột nếp chắc không pha phách gì dính tới mức muốn nhổ luôn cái răng sữa lung lay. Bánh tẻ nhỏ nhỏ dài dài buộc từng chục chiếc, lá chín ngả màu sẫm, lạt giang cuốn từng vòng như cái thắt lưng con chuồn chuồn ngô. Nhân bánh, nếp hay tẻ, cũng chỉ là hành với chút thịt băm, điêu trác một cách lành hiền. Nhà quê, hay chỉ là ở miền này, tuyệt nhiên không thấy món bánh giò cũng quấy từ bột tẻ trong nhồi cục thịt hạt tiêu mộc nhĩ như ở Hà Nội. Nói thật là loại bánh này, cứ bảo ăn lành, hợp với người ốm dậy, nhưng thật thì cảnh vẻ quá và ngậy quá. Nếp tẻ nhà quê sướng miệng mình hơn.


Có thứ bánh này Hà Nội hay nhà quê đều có, là bánh rán. Bánh rán Hà Nội nhân ngọt nhân mặn đủ cả, nhào lộn trong chảo dầu, rủ nhau ra đầu Thi Sách hay chỗ chợ Hôm lúc chiều lạnh lạnh mà ăn, rót tí nước chấm chua chua có su hào cà rốt thái mỏng tang vào trong cái bánh nhân mặn vừa vớt ra, nghe xèo một tiếng như hơi thở dài khoái trá. Nhưng chưa chắc hơn được cái bánh rán tẩm mật để trong lọ thủy tinh trên cái chõng của bà hàng nước chỗ Vác. Khéo không bằng béo với ngọt, đã hẳn với những cái dạ dày phải thỏa mãn bằng định lượng thời bao cấp, nhưng cái ngon ở thứ bánh này thì không phải chỉ là béo với ngọt đúng độ, mà là ở cái thật thà của bột nếp, không như cũng bánh rán tẩm mật có dạo người ta bán rong ngoài phố, vào cái lúc chị em mình đã lớn, đã đi làm, hàng tháng cầm về đồng lương đùa nhả có bù giá vào lương mà chẳng khác gì bù da vào xương. Ăn, tưởng như bột nếp trộn với cơm nguội nghiền ra, ngọt đáng ngờ, lại chua chua bở bở. Vứt.


Nếu không được xơi qua tất tật mấy thứ bánh ngon lành có trên chõng bà hàng, mình sẽ chọn một bánh rán hai kẹo dồi. Lớp kẹo kéo vừa dẻo vừa giòn đánh cấc trắng tinh ôm ấp những hạt lạc rang vừa chín, nổi sắc nâu vàng, quyện với nhau trong mạch nha trong vắt óng a óng ánh, lại áo qua lớp bột nếp rang, cũng đựng trong lọ thủy tinh như bánh rán. Bà hàng chùi tay vào ống quần, rồi mở nắp lọ, thò tay nhặt ra một hai ba miếng kẹo thái vát, đặt vào miếng lá chuối khô chìa cho hai chị em mình, xong lại phủi phủi làm phép mấy ngón tay, chùi vào đùi cái nữa. Nhớ không? Tin chắc thứ kẹo nhà quê ấy chẳng phải chỉ quyến dụ mỗi một mình mình. Thì bà chị Hậu Khảo Cổ hôm rồi chẳng kể chuyện kéo nhau đi về đâu đấy, hình như là về nhà ông Phạm Lưu Vũ tác giả cái câu mình rất chịu “quanh bàn chân không ai bàn chuyện lối đi„, phải ăn đường ăn sá, ăn xong bà chị hí hửng nhặt ngay một gói kẹo dồi, và thất vọng, không tìm ra cái vị của miếng ngon ngày cũ. Chắc vậy, vì sau này kẹo dồi người ta làm ẩu, lớp kẹo kéo bên ngoài bở, ăn vào thấy bột bột ghê ghê, lạc rang hạt lành hạt thối, đụng phải là phải nhè tắp lự. Nhưng cũng chắc không hẳn chỉ là vậy. Có miếng ngon nào không đưa ta về với một miền tâm tưởng mà khi đó ta thấy mình thấy đời còn tử tế ngây thơ dẫu nhọc nhằn đâu.


Kể chuyện đi mà mình lại nói toàn chuyện ăn. Thôi đang thèm cho nói nốt. Từ Vác theo đê quanh co về làng, qua mấy làng Vân, mắt dập dềnh bên nọ bên kia lúc sông Nhuệ khi sông Đáy lúc làng lúc xóm lúc ruộng đồng lúc bờ bãi cho tới nơi hai con sông chạm mặt nhau, nơi sẽ cho người làng cái danh kẻ Thá, bắt nguồn từ tên làng Ba Thá, tiếng cổ có nghĩa Ba Dòng, cả nhà sẽ dừng, đi bộ qua cầu.

Bên kia cầu, có cửa hàng hợp tác xã mái ngói, hiên rộng và cao, cửa giả thông thống chẳng có cái gì mà bán ngoài ít kim chỉ với mấy bánh xà phòng Thiên Lý, nhưng còn mấy hàng nước, hàng trầu cau vàng hương. Hàng nước thì cũng như ngoài Vác. Hàng vàng hương trầu cau chẳng hiểu sao còn bán cả kẹo vừng kẹo bột.

Năm ngoái năm kia, vào Đà Nẵng mình gặp lại cái bánh rán tẩm mật chân chỉ ngọt ngào của một anh chàng xởi lởi còn rất trẻ.

Kẹo bột, thơm mùi gừng với mật mía đùm trong lá chuối khô, còn ở đâu bây giờ?

Đâu nữa, những háo hức ngây ngô khi phải đi tránh bom tránh đạn lại tưởng được về quê nhởn? Đâu nữa, những cô độc ngày thơ bé, khi chuyến đi tưởng chơi mà chơi mãi thương nhớ lắm rồi vẫn chẳng được quay về? Đâu nữa, nỗi nao nao nghẹn ngang lồng ngực gầy còm lúc vừa bắt gặp một khung cửa sổ rực ánh điện, trên tầng một ngôi nhà cao xây giữa cánh đồng, đứa trẻ biết được về nhà, sắp rồi, Hà Đông rồi, rồi Hà Nội, hòa bình rồi.


Loay hoay nhớ thế này, những người trẻ tuổi sẽ mắng mình già xơ già chát mất. Rồi cũng sẽ đến ngày họ hiểu ra thôi, có những tháng ngày đi qua, biết nhớ nó là biết mình còn đang lớn.
Ừ, đang, nhưng những năm tháng dài suốt cái thời đẹp nhất đời người ấy, những năm tháng đạn bom đứa trẻ bất an theo những lo sợ và hi vọng của người lớn, sống qua rồi, có thật đáng gì không?

18.12.2004

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us