Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Quê hương và Ký ức di truyền

Quê hương và Ký ức di truyền

- Nguyễn Thị Hậu — published 08/12/2011 17:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

   

Quê hương và Ký ức di truyền

 

Nguyễn Thị Hậu


(1).

Nhiều người, quen biết tôi hơi lâu lâu, rất ngạc nhiên khi biết tôi là “người Nam bộ” bởi tôi vẫn nói giọng Hà Nội dù đã 36 năm sống ở Sài Gòn. Có người đã hỏi: vậy quê bạn ở đâu? Tôi hỏi lại, vui vui: Quê theo nghĩa nào? Là An Giang quê cha Đồng Tháp quê mẹ (theo kiểu ghi lý lịch hiện nay), là Hà Nội nơi mình sinh ra, sống thời thơ ấu và bị dứt ra khỏi vùng ký ức nghèo khó và êm đềm vào tuổi thiếu nữ? Hay Sài Gòn - nơi mình đã trưởng thành và có lẽ sẽ sống cho đến hết đời?

Không phải tự dưng mà tôi hỏi lại bạn như vậy, bởi vì đã nhiều lần tôi cũng tự hỏi mình: Thế nào là quê hương?

Một cách truyền thống, giữa những người Việt Nam, khi được hỏi quê bạn ở đâu, nhiều người thường nói đến quê cha, dù họ đang sống ở Hà Nội, Sài Gòn hay thậm chí, ở nước ngoài. Có thể lý giải điều này: trước kia khi mà con người ít được/ phải đi đâu ra khỏi mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên thì quê hương cụ thể là nơi ông bà cha mẹ và mình đã sống, rồi con cháu mình đang và sẽ sống ở đó. Nó vừa là khái niệm trừu tượng vừa cụ thể bởi những quan hệ huyết thống và quan hệ “cư trú” láng giềng chằng chịt với nhau, bởi hình ảnh “vật chất” quen thuộc hàng ngày vẫn nhìn thấy như cây đa bến nước con đò dòng sông, (nhân tiện, tôi nhận thấy hình ảnh quê hương trong văn thơ Việt Nam thường là làng quê đồng bằng, ít được nhắc đến vùng địa lý khác như hàng dương bãi biển cồn cát hòn đảo, hay ngọn núi, nương rẫy, cao nguyên… làm như là ký ức quê hương Việt Nam chỉ là đồng bằng và của người Kinh-Việt?!). Nếu bị buộc phải dứt ra khỏi quê hương là đã bị mang một định kiến nặng nề như “dân lưu tán”, “tha phương cầu thực”, “dân ngụ cư”… càng làm cho người ta ngại đi xa… Cứ thế, “quê hương” ngày càng buộc chặt người ta vào với nó.

Thời thế thay đổi, xã hội cũng thay đổi… Việc rời quê hương đến sinh sống ở một vùng đất khác không còn là cá biệt, thậm chí giờ đây còn khá phổ biến, không chỉ đến những vùng miền khác trong nước mà còn đi đến nhiều nước khác… Khi ấy truyền thống “quê hương” được củng cố thêm bởi các Hội Đồng hương (tất nhiên, Hội đồng hương chỉ có ở nơi xa, chứ có ai lập hội này ngay nơi quê mình đâu?). Ở một nơi khác, những người cùng quê thấy gần gũi nhau hơn không chỉ vì cùng “quê quán” mà còn vì họ có chung nhiều yếu tố thuộc về văn hóa: ngôn ngữ, ẩm thực, lối sống… họ có nhiều ký ức chung về “văn hóa vật thể” hay “phi vật thể” của quê hương: đình chùa đền miếu nhà thờ, con đê giếng làng hay các lễ hội, đặc sản vùng miền… Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn có vô số những Hội đồng hương, không chỉ cùng Tỉnh mà còn có đến cùng huyện, thậm chí là cùng xã… Hình như ở một số nước mà có nhiều người Việt Nam sinh sống cũng có các “hội đồng hương” như vậy thì phải?

Truyền thống xem quê hương là quê cha ngày càng được củng cố bởi thủ tục hành chính về mặt “lý lịch” theo kiểu “huyết thống phụ quyền”: nguyên quán là quê cha (thậm chí đến cả quê của ông nội), dù có khi đời cha và con đã không còn sống ở đó. Đọc tiểu sử của nhiều nhân vật nổi tiếng hay thấy ghi thế này: quê cha của ông ở X. nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Y.… Cái chữ NHƯNG này bây giờ phổ biến đến mức, nó chính là nguyên nhân làm nhiều người như tôi phải băn khoăn tự hỏi “thế nào là quê hương”? Vì nó mà bây giờ nhiều người hỏi nhau “người ở đâu” thay vì hỏi “quê ở đâu”, và câu trả lời người Hà Nội, Thái bình, người Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, người Quảng Nam, người Đồng Nai… có khi vừa là “quê hương” nhưng có khi/ nhiều khi đấy là nơi mình đã sinh ra và sống một khoảng thời gian ngắn dài nào đó. Rồi nếu sống ở nước ngoài, khi ra nước ngoài, quốc tịch có phải là một yếu tố để nhìn nhận về quê hương không? Hay như trường hợp của chính tôi chẳng hạn: Người Hà Nội nhưng quê An Giang, và sống ở Sài Gòn. Bạn bè quen thân lâu ngày thường nói: bà/chị/cô này là đúng là người Nam bộ! Có sao đâu nhỉ?

Loanh quanh, vẫn chưa minh định được “thế nào là quê hương” ngoài cái ý nghĩa “truyền thống” thường mặc định trong nhiều người và ý nghĩa “hành chánh” mà nhiều người bị quy định. Trong bối cảnh xã hội “mở” và “xáo trộn” phức tạp như ngày nay có lẽ phải nhờ đến “ký ức” chăng?

nth

   

(2).

Ký ức của riêng mình được tích lũy bởi những gì mình đã sống và trải nghiệm. Điều này phụ thuộc nhiều vào (những) thời gian không gian cụ thể, hay nói theo lý thuyết Einstein, đó là Thời – Không gian đã qua.

Với ba má tôi, quê hương cụ thể là cái làng nhỏ Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng bên bờ sông Tiền, nơi mà sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp – cũng là một người bà con gần với nhà tôi – đã ghi lại ký ức về nó qua bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ”. Làng Mỹ Hiệp hiền lành với vườn trái cây, những nếp nhà sàn khuất sau hàng dừa, cánh đồng lúa chín trong mênh mông mùa nước nổi… Cù lao Giêng là cái nôi của Đạo Hòa hảo, lại là nơi có nhà thờ Công giáo được xây dựng vào loại sớm nhất ở Đông dương (hoàn thành vào năm 1889). Vào đầu năm 1945 một cô gái quê Hòa An Cao Lãnh bên kia sông Tiền đã theo chồng về làm dâu, dù chỉ ở đó vài năm thôi nhưng trong tâm thức của má tôi, quê chồng cũng là quê mình. Thậm chí, má tôi còn có nhiều ký ức về quê nội của tôi hơn là ba tôi – phải chăng vì “làm dâu xứ người” nên má tôi lưu giữ nhiều hơn những ấn tượng về quê mới? Và cũng như vậy, quê ngoại của tôi, làng Hòa An kế bên thị tứ Cao Lãnh cũng trở nên gần gũi hơn với hình ảnh cây mận xanh bên chái bếp (loại mận xanh Hòa An nổi tiếng thường được hấp với cá lóc, vị chua ngọt thanh thanh thấm vào miếng cá, nhậu quên say…), vườn thuốc lá Cao Lãnh thơm đậm đà vì được bón phân ủ bằng cá, làn khói thơm mùi lúa mới từ nhà máy xay của ông ngoại lan trên sông…

Những tháng năm sống ở Hà Nội, ký ức về quê hương thường được ba má tôi nhắc đến, bất kỳ lúc nào có gì gợi nhớ. “Ngày Bắc đêm Nam” suốt hai mươi năm không làm nguôi nỗi nhớ mà chỉ làm dầy thêm ký ức về quê hương. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong những ký ức của cha mẹ. Tôi biết về Nam bộ qua những tấm áo bà ba của má mà bà tự may và chỉ mặc kiểu áo này suốt hai mươi năm, cho đến khi về quê và đến tận bây giờ, biết về bà nội bà ngọai qua mái tóc dài bới gọn ghẽ phía sau của má; biết về quê hương Cù lao Giêng và Cao Lãnh từ ấy, biết yêu sông Tiền yêu mùa nước nổi từ ấy, biết thèm ăn mắm lóc, thèm cá rô kho tộ, thèm canh chua cá linh bông điên điển… Lớn hơn một chút, từ những cuốn sách những qua những câu chuyện, hiểu biết của tôi về quê hương cụ thể hơn nhiều hơn nhưng không thể thay thế sự lung linh run rẩy mà ký ức cha mẹ truyền cho.

Một cách tự phát, mỗi khi ghi lý lịch quê quán: Mỹ Hiệp – Chợ Mới – An Giang tôi không hề có cảm giác nơi ấy là xa lạ, chỉ mơ hồ một nỗi buồn có lẽ mình sẽ chẳng được về quê… Cho đến ngày lần đầu về quê nội ngoại, bỗng thấy rưng rưng như thể trở lại nơi mình đã sống tự lúc nào. Đấy, quê hương trong tôi là những ký ức được di truyền, tôi đã có nó từ trong huyết thống, và may thay, khi tiếp cận nó bằng trải nghiệm của chính mình, quê hương càng trở nên gần gũi thân thương.

Nhưng (lại nhưng), với thế hệ các con tôi thì trong tâm thức của chúng, có lẽ Hà Nội – qua những ký ức sống động của tôi - gần gũi hơn là quê ngoại quê nội, phần vì ít được về quê mà “ký ức di truyền” đến đời F2 đã bắt đầu nhạt nhòa cảm xúc – yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng ký ức. Và nếu các con tôi có coi Sài Gòn là quê hương chứ không phải một địa danh nào đó ghi trong chứng minh thư, thì điều đó với tôi cũng không có gì quá ghê gớm. Sài Gòn là nơi chúng sinh ra và lớn lên, tạo nên tính cách của chúng. Nhưng tôi tin rằng, chắc chắn chúng sẽ không quên mình còn có một quê hương nữa, nơi ông bà đã sinh ra và nuôi dưỡng cha mẹ để rồi có mình ngày hôm nay.

Văn hóa được di truyền qua lối sống trong gia đình, qua giáo dục, qua sự duy trì của xã hội. Ký ức của mỗi người, mỗi vùng đất là một phần của sự di truyền văn hóa… Tổng hòa tất cả những yếu tố đó tạo nên căn cước văn hóa của mỗi con người, mỗi cộng đồng người. Căn cước văn hóa nơi nào tạo nên tính cách cơ bản của con người mình, quê hương của mình ở đó. Và như vậy, trong thế giới ngày càng “phẳng” này, quê hương của mỗi người có thể không phải là xã huyện tỉnh cụ thể, mà có khi là cả một vùng miền, thậm chí, một vài vùng miền. Được chăng?

Nguyễn Thị Hậu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us