Tản mạn về đường ray, sân ga và những chuyến tàu
Tản
mạn về đường ray, sân ga
và
những chuyến tàu
Nguyễn Thị Hậu
1. Sân ga đời người
Nếu có hình ảnh nào miêu tả cuộc đời một cách ngắn gọn, chính xác và cũng lãng mạn nhất, thì đó là hình ảnh đường ray, sân ga và những chuyến tàu.
Hình ảnh này luôn gợi nỗi niềm chia ly, dù cũng đường ray ấy, sân ga ấy chuyến tàu ấy đã mang đến cho biết bao nhiêu con người cuộc gặp gỡ được chờ đón và cả những tình cờ có thể làm thay đổi số phận. Nghe tiếng còi tàu rời sân ga ai cũng buồn bã, bởi vì nó báo hiệu giờ chia tay, bởi vì đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn văng vẳng, như hình bóng người thân còn mãi trong tâm tưởng.
Ngược lại nghe tiếng còi tàu vẳng đến sân ga người ta chưa vội vui mừng, vì tàu còn xa, còn chưa nhìn thấy chiếc đầu máy với làn khói mịt mù hơi nước. Và khi đoàn tàu kéo hồi còi vào ga, người ta chỉ mải ngóng tìm nhau trong sân ga ồn ào náo nhiệt. Tiếng còi tàu lịm đi lúc nào không ai để ý.
Cuộc đời mỗi người cũng hệt như một chuyến tàu. Cũng có ga khởi hành và ga kết thúc, cũng những mục tiêu lớn nhỏ ta phải đạt được như những nhà ga con tàu phải đến, tại đó có thể dừng lại chốc lát nhưng sau đó vẫn phải tiếp tục chuyến đi… Cuộc đời, may mắn thì ta được là người lái chuyến tàu của đời mình, nhưng phần lớn chúng ta là hành khách của một chuyến tàu mà đầu tàu và đường ray bên dưới dẫn nó chạy theo. Trên chuyến tàu ấy mỗi người có ga đến của mình, có khi nhiều người cùng xuống một ga nhưng mục đích đến đó khác nhau, và thời gian dừng ở đó cũng không giống nhau.
Trên cuộc đời có những con người mà số phận dành cho ta vì cùng chung chuyến tàu cùng chung những ga dừng và cùng đến ga cuối cùng, thậm chí đến đó “sân ga chỉ có hai người”. Thế nhưng đôi khi ta không ý thức được điều đó. Chúng ta cứ yên tâm ngồi trên toa tàu của mình, yên tâm rằng bạn vẫn ngồi trên toa của bạn, chỉ cần bước qua đoạn nối toa là sẽ gặp nhau, yên tâm thả hồn qua khung cửa sổ lớn bằng kính trong veo mở rộng tầm mắt. Và khi tàu dừng ở một ga xép nào đó, chỉ vài phút thôi, nhưng các toa tàu đã bị cắt rời nối vào những đầu máy khác nhau. Và khi tàu chuyển bánh chúng ta không biết rằng đường ray đang dần tách làm hai ngả, tôi và bạn đã đi theo hai con đường không bao giở gặp lại.
Có thể chúng ta vẫn ngồi cạnh nhau đây, trò chuyện suốt quãng đường đã qua. Nhưng ở một sân ga đông đúc nào đó bạn và tôi bất ngờ chia tay nhau, và chỉ một tích tắc thôi chúng ta không bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Từ đó đến cuối đời chuyến tàu ấy như là một ảo ảnh, đôi khi chúng ta tự hỏi, hay đó chỉ là một giấc mơ?
Trên đường ray của cuộc đời ga chính thì chỉ có vài nhưng ga xép thì nhiều lắm. Ga xép có khi giữa đồng không mông quạnh, có khi ở một thị trấn nhỏ đìu hiu… Ở ga xép, người ta ít “đề phòng” trễ tàu hay sự cố, càng không nghĩ ở đó đoàn tàu có thể bị tách ra, bởi vì sự yên tĩnh của ga xép cho ta cảm giác an toàn.
Nhưng chính cảm giác an toàn lại làm ta chủ quan, không biết rằng nó đang ẩn chứa điều bất thường. Những chia ly trong cuộc đời có khi bắt đầu từ sự bình yên như thế, bình yên đến nỗi ta tưởng là nhàm chán, rồi nhạt nhẽo, thờ ơ, rồi dửng dưng… Và thế là cuộc đời của chúng ta cứ dần dần trôi về hai phía. Để khi dừng lại một sân ga nào đó mới chợt nhận ra thì đã muộn. Cho đến nhiều năm sau ta vẫn ân hận vì không có gì để có thể đánh đổi lấy sự bình yên của ngày tháng cũ…
Nếu được đi bên nhau như hai đường ray thì còn là hạnh phúc, bởi vì cùng đi một hướng đến ga cuối cùng. Biết đâu ở đó chúng ta sẽ được gặp nhau?
2. Con đường đến với thế giới
Có lẽ không nơi nào trên thế giới không có hệ thống đường sắt.
Tàu hoả luôn là phương tiện di chuyển của số đông. Ngay cả khi mới xuất hiện chỉ kéo theo một, hai toa và thường dành cho tầng lớp thượng lưu thì số người sử dụng nó vẫn nhiều hơn một vài chiếc xe song mã tứ mã. Vì ưu điểm nhanh hơn, tiện nghi hơn, nhưng còn vì ở đó cơ hội giao tiếp, và thể hiện mình cũng nhiều hơn. Sau này tàu hoả phổ biến, trở thành phương tiện giao thông công cộng được nhiều người sử dụng vì giá rẻ và chỉ đi một tuyến đường sắt có thể qua nhiều vùng miền, nhiều quốc gia.
Bây giờ “tàu hoả, xe lửa” là tên dùng gọi chung cho nhiều loại tàu chạy trên đường ray, từ đầu máy hơi nước đốt bằng than củi rồi than đá, đầu máy diesel cổ điển, đầu máy diesel truyền động điện, rồi đầu máy điện… Đầu máy nào cũng phải chạy trên đường ray. Đầu tàu kéo theo những toa chở người hay hàng hoá, nặng hay nhẹ, lên đèo hay xuống dốc… đều phụ thuộc vào đường ray ở dưới. Đường ray có sự cố thì tai nạn xảy ra, nhẹ thì trật bánh mà nặng thì lật tàu. Đầu tàu được thay đổi nhiên liệu và hình thức ngày càng hiện đại, kiến trúc nhà ga cũng vậy, chỉ có đường ray âm thầm thay đổi khoảng cách rộng hơn mà thôi. Nhưng sự thay đổi này góp phần quan trọng cho việc tăng tốc độ và sự an toàn của đoàn tàu.
Nối liền những tuyến đường sắt là những nhà ga. Ga chính ở thành phố lớn, những trung tâm kinh tế văn hoá. Trước đây nhà ga thưởng ở trung tâm thành phố, sau này ga trung tâm thường được xây dựng ở vùng đô thị mở rộng. Từ đó có những tuyến tường toả đi mọi nơi, dọc theo đó là hệ thống ga nhỏ ga xép. Đến ga chính tàu nào cũng dừng, ít thì vài phút nhiều thì vài chục phút. Ga nhỏ ga xép ít khi tàu tốc hành dừng lại nhưng tàu địa phương thì vẫn đều đặn dừng nhận và trả khách mỗi ngày vài lần.
Mấy năm trước tình cờ tôi xem trên mạng một bộ phim về chuyến tàu đi tới tương lai. Tại một nhà ga cũ kỹ và nhếch nhác có một chuyến tàu mới đến. Sau khi mọi người chen chúc lên tàu và giành giật chỗ ngồi thậm chí cả chỗ đứng trên các toa tàu thì tàu chuyển bánh. Số đông yên chí ngồi vỗ tay ca hát hò reo, tin tưởng rằng đoàn tàu đang chạy đến xứ sở như thiên đường như tấm bảng treo ngoài thành tàu. Họ không biết rằng nhiều đoạn đường ray đã bị “bẻ ghi” làm đoàn tàu chuyển sang hướng khác “đi về nơi xa lắm”... Trên các toa tàu là những đám đông chưa ý thức mình là hành khách, giữa các toa không có cửa thông nhau, cửa sổ lại không phải bằng kính trong suốt để có thể nhìn ngắm phong cảnh, biết những sân ga đang lướt qua ngoài kia… mà là những tấm cửa sắt kéo xuống kín mít. Nhà tàu lo ngại người trên tàu gây tai nạn hay cũng có khi lo sợ kẻ dưới đường ném đá lên vì chưa từng một lần được đi tàu như thế.
Đoàn tàu cứ đi, đi mãi… Dần dần nhiều người nhận ra con tàu không đưa mình đến cái đích mong muốn, phần đông trở nên hỗn loạn, phần còn lại thì cam chịu, và số ít người tìm cách cắt toa của mình ra khỏi đoàn tàu… Họ đi tìm tổ lái tàu để đòi phải giải thích. Nhưng tổ lái tàu đã lần lượt nhảy tàu bỏ trốn, mặc cho đầu máy kéo đoàn tàu lao trên đường ray đang lung lay vì mất những con ốc vít và những thanh tà vẹt. Cuối phim là cảnh mịt mù sương khói che khuất vực thẳm ở phía con tàu đang lao đến.
Bộ phim này ám ảnh tôi rất lâu có lẽ vì tôi từng nhiều lần đi những chuyến tàu hoả cũng nhếch nhác, cũng bịt bùng và cũng nguy hiểm như thế. Hồi nhỏ đi về bằng tàu chợ từ Hà Nội đến nơi sơ tán. Tàu chạy ban đêm để tránh máy bay Mỹ ném bom. Những toa tàu sơn đen sì hay loang lổ màu xanh “phòng không”, trong toa trống rỗng không đèn không ghế ngồi. Người, hàng hoá, gia súc… chen chúc nhau trong bóng đêm dày đặc, nghe tiếng động hay ngửi mùi thì biết đang ngồi cạnh người hay con gì. Nhiều lần tàu phải dừng giữa đường vì báo động, nhảy xuống khỏi tàu mạnh ai nấy chạy tìm chỗ trú ẩn, rồi khi còi tàu hú lên lại vội vã chạy về, người nào cũng sợ trễ tàu hay bị bỏ rơi.
Rồi những chuyến tàu “thống nhất” thập niên 80,90 thế kỷ trước. Vật vã bốn, năm ngày có khi cả tuần từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ghế ngồi đầy rệp, có phòng vệ sinh cũng như không vì người đi buôn, nhà tàu chất đầy hàng lậu trong đó. Đồ ăn bán trên tàu hay dọc đường rất dễ làm người ăn bị “tào tháo đuổi”. Không hiểu sao ai cũng chịu đựng được những ngày đi tàu đói khát bẩn thỉu như thế! Cảm giác thường trực khi đi tàu xe là lúc nào cũng lo lắng, lo đủ thứ, lo từ khi chưa lên tàu, ngồi trên tàu rồi vẫn lo, đến lúc xuống tàu ra được khỏi ga thì mới tạm hết lo.
Bây giờ tàu Thống nhất đã tốt hơn trước nhiều lần, tàu tốc hành chỉ 32 tiếng, ghế mềm giường nằm, máy lạnh toàn tàu, toa ăn, nhà vệ sinh nước nôi sạch sẽ… Nhiều người lại mơ ước đến tàu cao tốc như ở nhiều nước khác, không đến nỗi như ai đó tưởng “tàu cao tốc để Hà Nội – Sài Gòn có thể đi chợ đi học hàng ngày” nhưng chắc chắn là thuận tiện hơn cho hành trình Nam Bắc của hàng triệu người từ mọi miền nhập cư đến thành phố Hồ Chí Minh làm ăn. Chỉ mong tương lai ấy đến nhanh hơn!
Sau này đi trên những chuyến tàu từ Paris qua Berlin, từ Amsterdam qua Paris, từ Krakow đến Budapest, Praha, Vienna… bỗng thấy nhàn quá, chẳng phải lo gì, thậm chí không cần nhìn đồng hồ cũng không lo trễ tàu hay quên ga phải xuống. Ngồi trên tàu tha hồ mơ mộng hay lướt web, chẳng khác gì đang ngồi ở quán cà phê quen thuộc, quen đến cả cảm giác cô đơn…
Thời đại internet, thế giới toàn cầu hoá… dù phương tiện giao thông công cộng hay cá nhân phát triển nhanh chóng thì những chuyến tàu vẫn được ví như mạch máu của cơ thể sống. Nhìn vào hệ thống đường sắt và sự vận hành nó người ta có thể nhận biết sự phát triển và trình độ của một quốc gia.
Sài Gòn 5.2.2016
Nguyễn Thị Hậu
Các thao tác trên Tài liệu