Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thời gian. Giả định. Nhận thức.

Thời gian. Giả định. Nhận thức.

- Phạm Điệp Giang — published 12/12/2013 02:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Thời gian. Giả định. Nhận thức. 


Phạm Điệp Giang


DL

Tác giả trong Viện bảo tàng Escher,
Den Haag, Hà Lan

1. Giấc mơ kỳ lạ của tôi diễn ra trên một bến tàu. Khung cảnh giống hệt bến tàu cánh ngầm Bạch Đằng nơi tôi đi Vũng Tàu một vài tuần trước. Tôi đứng trên boong tàu nhìn xuống bãi nước lẫm chẫm sỏi phía dưới thân tàu và đột nhiên chiếc đồng hồ Milieris của tôi rơi xuống nước. Trong suốt, tận đáy. Tôi vẫn nhận thấy nó nằm đó len giữa những sỏi và đá. Chiếc dây làm từ đồng tái chế, mặt khắc rõ mồn một những con số – chiếc đồng hồ thứ 151 trong số 1000 chiếc bán trên toàn thế giới.

Rồi như không thể kiểm soát bản thân, tôi nhảy xuống tàu và rơi tõm xuống vùng nước nông đầy sỏi. Tôi đã thấy nó ở ngay đấy nhưng sóng và nước loang loáng do những bước chân và cánh tay tôi khua gấp gáp tìm kiếm đã khoả lấp tất cả. À, tôi thấy nó rồi, đúng mặt đồng hồ Milieris đó, và khi tôi nhấc lên. Không, không phải nó, là một chiếc tương tự nhưng kích cỡ to gấp đôi. Chiếc đồng hồ của-ai-đó. Nếu không tìm được chiếc đồng hồ của mình thì mình cứ cầm tạm nó đi vậy, dẫu sao thì người ta đã đánh rơi nó rồi. Tôi tự nhủ rồi lại tiếp tục tìm kiếm. Tôi thấy chiếc đồng hồ Milieris thứ hai, nhưng nó vẫn không phải là của tôi. Nó nằm đó, in hệt, chiếc dây từ đồng tái chế, mặt thép ánh bạc, con số đúc bên ngoài khuôn mặt đồng hồ, nhưng đó là một chiếc Milieris có kích cỡ chỉ nhỏ bằng một nửa. Không sao, mình cứ cầm nó đi, biết đâu mình không tìm được chiếc đồng hồ của mình, tôi nghĩ.

Tôi tiếp tục tìm kiếm và cuối cùng, tôi tìm thấy chiếc đồng hồ của mình khi trong túi đang có hai chiếc đồng hồ khác của-ai-đó.

2. Ẩn ý của giấc mơ này là gì ? Tôi nghĩ về nó suốt cả ngày hôm qua. Tôi đã có cả 3 chiếc đồng hồ từ nhỏ tới lớn, nhưng thời gian vẫn cứ là thời gian đó. Tôi không thể có thời gian của cả ba người cộng lại. Và cho dù khi có cả 3 chiếc đồng hồ ấy, tôi nhận thấy rằng tôi vẫn cứ phù hợp nhất với thời gian của tôi – với chiếc đồng hồ phiên bản giới hạn số 151 của tôi, chứ không phải của bất kỳ ai khác.

Hay giấc mơ nói rằng tôi nên sống gấp ba lần? Hoặc một ẩn dụ khác rằng tôi đang quá thừa thãi thời gian khi tôi có thời gian của cả những người khác cộng lại ? Hay nó chỉ là sự giễu cợt rằng sự tham lam trong giấc mơ  của tôi khi “ chiếm đoạt ” hai chiếc đồng hồ khác cuối cùng cũng chẳng giúp ích gì, vì khi tỉnh mộng, tôi cũng chỉ có duy nhất chiếc Milieris thứ 151 đó mà thôi ?

3. “ Những giấc mơ của Albert Einstein ” là một truyện dài tôi rất thích. Tôi đã đọc nó rất nhiều lần tuy tôi không thực sự hiểu lắm các định luật của Einstein dù tôi có thể lải nhải như con vẹt để nói về nó. Kỷ niệm duy nhất mà tôi có với Einstein là tôi đã giúp một công ty mua hình ảnh bản quyền Einstein cho một phi vụ quảng cáo nên tôi chắc rằng Einstein chỉ là cái cớ, mà tôi thích Alan Lightman – tác giả của truyện nhiều hơn.

Alan đã nói về thời gian (khi đặt mình vào quá trình phát triển tâm lý và tư duy của Einstein) với những ẩn dụ dễ hiểu và thơ mộng. Hãy hình dung thời gian có thể như một đường thẳng, nó cứ chạy miết và ngày mai không bao giờ lặp lại hôm nay, thời khắc sau đã biến đổi so với thời khắc trước, và nếu vậy, nhiều người trong chúng ta sẽ luôn sống trong hoài niệm và hối tiếc vì thời gian đã một đi không trở lại.Nhưng cũng có thể thời gian là một tuyến vòng tròn, nó lặp đi lặp lại xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân, hạ, thu, đông,... lặp đi lặp lại hai mươi tư thời khắc trong ngày, hôm nay có bảy giờ sáng, ngày mai cũng vậy, và nếu thế, nhiều người chúng ta sẽ chán mớ cái vòng tròn nhàm tẻ của cuộc đời này. Hoặc thời gian cũng có thể được nhìn thấy ở những chiều khác nữa, với toàn bộ những gì chúng ta có thể tưởng tượng về nó.

4.  Năm 17 tuổi, lần đầu tiên tôi biết đến sự nhàm chán của đời sống. Không nói về một bi kịch gia đình khi người chị tôi vô cùng yêu quý ra đi ngay trong ngày đi lấy giấy đăng ký kết hôn bởi một tai nạn giao thông đúng vào những ngày Tết. Tôi sẽ không bao giờ quên khi trong tiết học tiếng Anh của thầy Tùng Cương, tôi không thể tin được khi người thầy trẻ tuổi và rất đẹp trai của mình lại giải thích cho chúng tôi về “rat-race”(*) – và điều đó gần như sự chấn động trong tâm lý của tôi hơn là một buổi học bình thường vì lần đầu tiên tôi biết được rằng đa số chúng ta ra đời để tham gia vào một cuộc đua có thể không hề có ý nghĩa. Thầy Cương cũng là người cho chúng tôi mượn bản dịch Nguyên Phong của cuốn Đường mây qua xứ tuyết với thứ chữ to cộ như các bản kinh kệ đi chùa của các bà và dặn chúng tôi “ cần cẩn thận vì đây là sách cấm ”. Tôi đã đọc nó ngốn ngấu và giấu nó dưới ngăn kéo tủ quần áo của mình vì trong gia đình chúng tôi, đạo Ông bà là thứ tín ngưỡng duy nhất mà tôi được biết cho đến lúc đó.

5. Thời gian và sự trải nghiệm làm giàu có thêm những tư duy của chúng ta. Và dần dần, chúng ta hình thành sự đoán trước, rồi giả định, đặt ra các tình huống, lựa chọn,... để tiếp tục. Nhưng không phải bao giờ sự đoán trước hoặc giả định cũng đưa ta đến những kết luận đúng. Một đứa trẻ đã từng bị bỏng trong đời sẽ luôn sợ hãi bình nước nóng và biết rằng nếu để tay nhúng vào nước sôi nóng sẽ bị bỏng. Nhưng người ta có thể không tưởng tượng được nếu để tay ở môi trường lạnh như băng thì tay cũng có thể bị bỏng. Đó chính là sự thú vị của trắc nghiệm mà nhiều tờ báo còn bán được cũng chỉ vì những trò suy đoán như thế về tâm lý của chúng ta. Giả định là cần thiết và việc lường trước các tình huống và kịch bản thậm chí là vô cùng quan trọng trong kinh doanh hay chính trị. Nhưng những giả định không được thiết lập trên nền tảng vững chắc mà do những ý nghĩ chủ quan hoặc sự chủ quan trong nhận thức với một nền tảng nghèo nàn có thể dẫn đến những hệ quả tệ hại.

6. Nếu nói về trà và cà phê bạn sẽ nghĩ đến gì ? Còn nếu nói đến cà phê và nước cam bạn sẽ nghĩ đến gì ? Theo kinh nghiệm, bạn sẽ nghĩ rằng trà và cà phê đều là thức uống có khả năng kích thích và hàm lượng cafeine cao. Cà phê và nước cam có thể chỉ giống nhau ở chỗ đều là đồ uống nhưng có thể cà phê lợi hơn hoặc hại hơn nước cam theo một khía cạnh nào đó. Thế nhưng nước cam, trà và cà phê đã trở thành chủ đề tranh luận rất sôi nổi trong hội thảo về Sự tăng trưởng châu Á bên lề Davos khi đại diện các doanh nghiệp châu Âu nói rằng “ họ đã chưa bao giờ và có thể sẽ không bao giờ hiểu nổi châu Á khi châu Á luôn bắt chước Mỹ một cách mù quáng và tất cả những gì họ nghĩ về châu Âu chỉ là máy móc Đức, mỹ phẩm Pháp, thời trang Ý và ngân hàng Thuỵ Sĩ ”.  Khi các học giả tranh luận về việc thiếu vắng những người đến từ chính các thị trường châu Á trong Ban giám đốc điều hành của các tập đoàn châu Âu khi họ kinh doanh tại thị trường này có thể là một nguyên nhân dẫn đến “ châu Âu chưa được tôn trọng ở châu Á ” thì một giáo sư Nhật Bản – người phụ nữ thứ hai cùng tôi trong phòng hội thảo toàn đàn ông – sau khi kết thúc phiên thảo luận đã nói với tôi rằng “ họ sẽ chẳng bao giờ hiểu chúng ta vì mỗi nước châu Á dù là Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... mỗi chúng ta là một thế giới ”.

7. Khi bạn giả định rằng bạn hiểu tất cả mọi thứ, khi bạn giả định rằng bạn đi guốc trong bụng ai đó, bạn thừa hiểu chiêu bài của đối thủ,... cũng là khi bạn bắt đầu sự sai lầm của mình. Trên thực tế, sự biểu hiện bề mặt của sự vật, sự việc là kết quả của cả một quá trình chuyển đổi và phát triển. Bản thân nó chuyển đổi và chính nhận thức của bạn cũng chuyển đổi theo thời gian. Ở tuổi 17 tôi đọc “ Quy luật của muôn đời ” và hiểu nó khác với năm tôi 25 tuổi và lại càng khác khi tôi 33 tuổi và đọc lại nó. Tại sao vẫn chỉ cùng một cuốn sách mà mỗi lúc đọc ta lại hiểu nó khác đi ? Tại sao vẫn chỉ là những con số, những dòng chữ đó,... mà ở mỗi thời khắc, nó lại cho ta những hiểu biết và gợi ý khác nhau ? Nếu không nắm được nguyên lý vận động của mọi sự ẩn đằng sau đó, bạn sẽ chỉ là chiếc máy photocopy kệch cỡm khi làm những điều tưởng như “ chẳng khác gì họ đã làm ”. Bản thân số liệu và dữ liệu là những thứ vô hồn, nhưng với cách tiếp cận và “ đọc ” chúng, bạn sẽ có thể có những giả định tốt, cũng giống như khi bạn xem bản đồ Atlas, một số người chỉ nhìn thấy ở đó các bình nguyên, đồng bằng, đồi núi, sa mạc, biển,... còn số khác nhìn thấy những cơ hội làm ăn, sự ổn định an ninh...

DL

Relativity, tranh của Escher, 1953 (hình Wikipedia)

8. Có một nghịch lý là khi người ta bắt đầu trải nghiệm nhiều hơn theo thời gian và năm tháng, khi người ta thậm chí đã bắt đầu biết giả định và đặt ra các tình huống đúng, thì người ta lại quay ngược lại khoảng thời gian với một trí óc của đứa trẻ ngây thơ chưa biết gì. Sinh nhật vừa là một dấu mốc cho sự trưởng thành, lại vừa là dấu mốc nói với anh rằng thực ra anh đang di chuyển dần về dấu chấm hết của cuộc đời. Khi anh phải mất mười mấy năm trong cuộc đời để vào được trung học và để người ta dạy anh cách làm một phép tính toán học khó khăn thì cũng là lúc anh hiểu rằng khi ra đời anh sẽ không bao giờ cần dùng tới nó. Khi anh bắt đầu biết cách nói dối một cách hoàn hảo, che giấu cảm xúc của mình,... sẵn sàng để tự tin bước ra thương trường hay tham gia vào vũ đài chính trị, đấu tranh cho những địa vị trong xã hội thì cũng là lúc anh rời bỏ nhận thức về chính mình để bắt đầu lao đầu vào việc bắt đầu sống cuộc sống của một người khác. Tất cả đều là những nghịch lý của đời sống và nó đòi hỏi anh phải chọn lựa, hoặc là từ chối chính anh để trở thành một phản ảnh của anh trong đời sống – ngõ hầu đạt được những điều anh mong muốn và sẽ thấy vô nghĩa khi khoảnh khắc cái chết cận kề – hoặc là chính anh và trở thành một bản thể lạc loài trong cộng đồng của anh.

Số đông người không có sự dũng cảm để sống như họ chính là, phần lớn họ sống theo hình ảnh người khác nhận thức về họ : một nhà ngoại giao, một doanh nhân, một nhà giáo, một phóng viên, một người bán hàng trên phố... Và phần lớn, người ta thấy rằng khi hấp hối, con người luôn hối hận.

9. Trong nhiều năm tôi đã cố gắng sống như người khác mong muốn về mình. Tôi cũng chẳng là ai cả, chỉ là một người bình thường trong cộng đồng nhưng có thể tôi đã là một kẻ khác thường với chính mình. Giờ đây, ngay ở khoảnh khắc hiện tại với cánh núi trước mặt và tuyết trắng phủ đầy, tôi nhận ra có điều gì đó đã chuyển biến trong nhận thức của mình.

Để kết thúc một năm cũ, tôi gửi tới bạn những dòng này trong Những giấc mơ của Albert Einstein – Alan Lightman mà tôi thích. Có thể đó cũng là ẩn ý mà giấc mơ đêm hôm nọ đã muốn nhắn tới tôi – thời gian không thể phình ra hay nhỏ lại, nó chỉ là chính nó – thứ có thể biến đổi – đó chính là tôi – nhận thức của tôi :

“ Phần lớn người ta đã học sống trong khoảnh khắc hiện tại. Họ bảo rằng nếu tác động của quá khứ lên hiện tại không chắc chắn thì cần chi biết kỹ về quá khứ. Còn nếu hiện tại chẳng ảnh hưởng đến tương lai  thì cần gì phải biết về những hậu quả tương lai của những hành động hiện tại. Đúng hơn thì mỗi hành động đều là một hòn đảo trong thời gian và phải được phán xử độc lập. Một ông chủ đang hấp hối được gia quyến an ủi không phải vì họ nhắm vào di sản của ông mà bởi tình thương trong giây phút đó. Người làm công được tuyển không phải bởi lí lịch mà là cảm tình người ta dành cho anh lúc phỏng vấn. Cấp dưới bị cấp trên xử tệ sẽ chống trả mọi xúc phạm mà không lo lắng gì về tương lai. Đó là một thế giới tự phát. Một thế giới ngay thật. Đó là một thế giới, trong đó mỗi lời nói ra chỉ có giá trị trong khoảnh khắc đó, mỗi cái nhìn nhau chỉ có một ý nghĩa, mỗi gần gũi đều không có quá khứ lẫn tương lai, mỗi nụ hôn chỉ sinh ra vào giây phút ấy.” 

(*) Chú thích của Diễn Đàn : cuộc "chạy đua vô vọng" của con chuột trong vòng bánh xe

Davos, 25/01/2014

Phạm Điệp Giang


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us