Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tiệm cơm Tân An

Tiệm cơm Tân An

- Trương Tuyết Mai — published 18/09/2014 15:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Chương 2 phần II hồi ký "Lật từng mảnh ghép" : Tiệm ăn miền Nam giữa lòng Hà Nội, nơi gặp gỡ của những người miền Nam tập kết. Một cô gái khu Năm, tuổi vừa 17. Và một "ông Tây mắt xanh" : Georges Boudarel.

Trích hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP

Chương 2 phần II (Vào đời)




Tiệm cơm Tân An


Trương Tuyết Mai


Trưa chủ nhật, tiệm cơm Tân An phố Hàng Bông Hà Nội luôn đông nghẹt người. Những người miền Nam tập kết ở Hà Nội rất thích tới đây ăn cơm tháng, vì tiệm này có nấu các món ăn đặc trưng miền Nam như canh chua cá lóc, cá kho tộ, thịt kho tàu, khổ qua hầm nhồi thịt. Vào ngày lễ hoặc chủ nhật, tiệm còn có thêm món gà xé phay và chè trôi nước. Ai thích ăn món gì của quê hương cũng có. Khách tới tiệm cơm này đủ mọi thành phần, có cả trí thức và nghệ sĩ. Nhiều người còn đưa bạn bè tới đây ăn để giới thiệu món ngon của quê mình. Một nơi chốn ẩm thực độc đáo như vậy giữa lòng Hà Nội dĩ nhiên luôn đông khách.


Trong không gian chật chội chỉ đặt được hơn mươi bộ bàn ghế, mọi người chen chúc nhau chẳng còn chỗ ngồi. Bữa cơm đầu tiên, tôi được các anh phân công lo việc bàn ghế. Nhìn quanh không thấy chiếc bàn nào còn trống, ba anh em đành đứng nép bên tường, cạnh một bàn ăn khách sắp đứng lên. Anh Thành Lang nghiêng đầu qua tôi nói nhỏ :


– Tuyết Mai đứng chờ ở đây nghen. Khi khách đứng lên, em phải ngồi xuống chiếm chỗ và giữ mấy cái ghế ngay. Tụi anh đi xếp hàng lấy cơm và đồ ăn nha.


Tiệm cơm không có người phục vụ, nên thực khách phải tự làm mọi việc, từ lấy chén đũa đến bưng thức ăn. Quán nhỏ, người đông, lại phải len lách chen lấn với cơm canh trên tay, trông rất lộn xộn. Ăn xong, mọi người phải vào góc phía trong để lấy tăm xỉa răng và xếp hàng uống nước ; nơi ấy có một thùng thiếc nhỏ đã pha sẵn trà, được đặt trên một bàn gỗ hình chữ nhật, cùng những chiếc ly thủy tinh nhỏ.


Tuy tôi rất ngại ngùng trước đám đông, nhưng được giao nhiệm vụ thì phải nghe và làm theo, không thì biết chừng nào mới được ăn. Hơn nữa, cả buổi đi chơi lang thang, ba anh em cũng thấm mệt và đói lắm rồi.


Bữa cơm diễn ra trong nóng bức, ngột ngạt và tiếng cười nói ồn ào. Ai cũng nhễ nhại mồ hôi, khó lòng thưởng thức được món ngon cho tử tế.


Anh Thế Bảo thấy tôi có vẻ ái ngại, lên tiếng an ủi :


– Ngày thường ở đây dễ chịu hơn, không đông đúc ồn ào vậy đâu.      


– Dạ, không sao, anh đừng lo cho em.


Rồi bắt đầu từ chiều hôm đó cho đến nhiều tháng sau, bữa ăn nào cũng có mặt chúng tôi ở đây. Đúng như anh Thế Bảo nói, trừ ngày chủ nhật được nhiều thực khách chiếu cố, ngày thường đến quán cơm này đa số là người ăn cơm tháng. Họ mê những món ăn Nam Bộ mà bà Tư đặc biệt lưu ý để chiều khách.  Họ thường là người lịch lãm, nên không khí trong quán cũng trật tự và yên tĩnh hơn; người ta có thể nghe được khách ở bàn bên cạnh chuyện trò.


chandung

Chân dung Trương Tuyết Mai
(ký họa Huỳnh Phương Đông, 1984)



Như mọi hôm, tôi giữ bàn và xếp ghế trong khi anh Thành Lang, Thế Bảo và Lê Đức Thiện đi lấy chén đũa và thức ăn. Nhiệm vụ tôi đã xong mà các anh vẫn chưa đến lượt. Tôi ngồi chờ, bâng quơ hờ hững nghe loáng thoáng những câu chuyện chung quanh.


Bỗng một người đàn ông ngoại quốc bước vào quán, lẳng lặng tiến sâu vào phía trong để qua một phòng khác. Hình như chủ quán có dành một bàn riêng cho ông thì phải. Sự xuất hiện và thái độ lạnh lùng bất cần không chào hỏi ai của người khách này làm cho không khí trong quán đột nhiên xôn xao khác hẳn mọi khi. Người ta tò mò đặt ra những nghi vấn. Có vài người ra vẻ biết chuyện, hạ thấp giọng rì rầm to nhỏ trả lời.  


– Người này là ai vậy? Tại sao đến đây ăn?


– Ông này là người Pháp, đã ăn cơm tháng ở đây lâu nay. Chắc từng sống nhiều năm ở miền Nam nên hợp khẩu vị các món ăn ở đây.


– Là “Tây thất trận” (*) hả? Sao trông phong thái có vẻ đàng hoàng vậy?


– Ông này là trí thức chứ không phải “Tây thất trận”. Nghe nói có nhiều công trạng với dân mình lắm.


Một người đàn ông khác, vẻ mặt hằm hằm nói xen vào:


– Công trạng gì tui không cần biết, hễ thấy thằng nào mắt xanh mũi lõ là tui ghét lắm, chỉ muốn xông vô “quánh” chết cha nó. Vì tụi nó mà gia đình, xóm làng tui tan hoang.


– Bình tĩnh đi ông, không phải người Pháp nào cũng ác với mình đâu. Cũng có nhiều người tốt và hết lòng với dân mình đó chứ !


Một người đàn ông khác kéo ghế từ bàn mình qua ngồi góp chuyện, có vẻ thân thiện và thán phục :


– Nghe nói Bác Hồ rất quý người này, đặt cho tên Việt là Đại Đồng đấy.


Một người khác cướp lời, đầy vẻ hằn học:


– Trông bộ điệu đi vô mà không thèm nhìn ngó ai là tôi không ưa rồi. Đã bị mình đánh cho te tua, đại bại rồi còn gì đâu mà làm bộ làm tịch.


– Ông suy nghĩ hẹp hòi và cố chấp quá. Bộ dạng chỉ là bề ngoài, không nói lên được tính cách của người ta. Hơn nữa, ai cũng biết có nhiều người Pháp rất ủng hộ cuộc kháng chiến của mình. Ông này là một trong những người này đó.


 “Thì ra vậy!” Tuy chỉ nghe lõm bõm được vài câu nhưng tôi có cảm giác như đã hiểu sơ sơ về người này. Không biết có phải vì thái độ đường hoàng, đầy vẻ tự tin của ông hay không mà trong đầu tôi lúc ấy đã có sự khẳng định: “Đó là một người tốt!”.


*

Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên tiếp chuyện với ông. Hôm đó là ngày thứ ba, bữa ăn trưa lần thứ năm của tôi tại tiệm cơm này. Sau khi sắp xếp ngay ngắn bàn ghế đủ cho bốn anh em, tôi chống tay lên bàn, tựa cằm lên những ngón tay đan vào nhau, chăm chú quan sát phòng ăn và thực khách chung quanh; chờ mấy anh đem thức ăn tới để bắt đầu bữa cơm. Đang mải mê theo dõi những phát hiện ngồ ngộ diễn ra chung quanh, bỗng người đàn ông mắt xanh ấy xuất hiện sát bên tôi lúc nào không biết. Ông xin phép được ngồi cùng bàn khiến tôi vô cùng lúng túng, ngượng nghịu nhìn ông ấp úng:


– Dạ thưa, bàn đã đủ người rồi ạ.


– Xin lỗi, tôi không ngồi lâu đâu. Muốn được nói chuyện với em một chút thôi. Em cho phép?


Tôi ngại ngùng nhưng vẫn lịch sự đáp:


– Dạ được ạ, mời ông ngồi.


Tôi ngoài mặt ra vẻ bình tĩnh nhưng trong lòng thì run thật sự. Có lẽ mặt tôi khi ấy tái mét không còn hột máu. Ðầu tôi bưng bưng khó chịu: “Tại sao? Tôi biết gì mà nói chuyện với ông? Ông là Tây chính cống mà. Có gì liên quan với tôi đâu chứ”.                                                                                   


Ông ngồi xuống đối điện, thân thiện nhìn tôi cười hiền hòa giống như  đã quen nhau từ lâu. Rồi nhỏ nhẹ nói với tôi bằng tiếng Việt vẫn còn lơ lớ:


– Không sao đâu, em đừng ngại. Tôi muốn đến gặp em từ ngày hôm qua, nhưng không kịp. Sau khi uống nước, em và những người bạn ra về nhanh quá. Không muốn đường đột nên tôi đành ngồi lại.


Tuy có lúng túng nhưng tôi cũng cố gắng trả lời từ tốn:


– Xin lỗi, dạ… thưa ông là…? Ông cần gì không ạ?


– Tôi là Boudarel. Georges Boudarel (**). Tên Việt là Đại Đồng. Tôi không cần gì cả. Chính bộ bà ba đen, mái tóc và đôi mắt em đã khiến tôi phải đến xin phép nói chuyện. Em mặc bà ba đẹp lắm.


Tôi ngờ vực, ngần ngại hỏi lại:


– Ông nói nghe lạ quá. Sao một người Âu lại để ý một cô gái Việt mặc bà ba. Chắc có điều gì đó khiến ông liên tưởng, phải không ạ?


– Tôi từng ở Nam Bộ nhiều năm. Em làm tôi nhớ đến những nơi mình đã sống và làm việc. Giữa thành phố Hà Nội, em rất đặc biệt với bộ bà ba đen này đấy.


Tôi đã hiểu ra phần nào và tủm tỉm cười, tuy vẫn còn ngỡ ngàng khi nghe anh trả lời. Dù muốn dù không, tôi cũng phải lịch sự tiếp tục chuyện trò với anh như có thể:


– Dạ, cảm ơn ông. Nhưng xin lỗi, tôi chưa được biết gì về…   


– Tôi từ Pháp qua Việt Nam, dạy học ở trường Marie Curie Sài Gòn từ cuối những năm bốn mươi, rồi theo Việt Minh đi kháng chiến. Tôi đã từng phục vụ tại Đài phát thanh Sài Gòn Chợ Lớn Tự do ở chiến khu Đ, rồi sau đó ra chiến khu Việt Bắc. Tôi đang làm việc ở Nhà xuất bản Ngoại văn và Ban tiếng Pháp Đài Tiếng nói Việt Nam… Em cần biết thêm gì về tôi nữa không?           


Tôi bẽn lẽn nhìn anh:


– Dạ, cảm ơn ông.


 Khi hỏi tôi câu cuối cùng, anh nhìn tôi đầy thiện cảm, đuôi mắt nheo lại như cười. Trời ơi trời! Tôi hoang mang chẳng biết phải hiểu thế nào nữa. Hình như “Người Mắt Xanh” chỉ mong đến ngồi bên tôi để khai lý lịch. Mà phải khai vội vàng cơ! Chắc muốn tôi nhanh chóng biết mọi điều về anh, như sợ không còn cơ hội nào khác. Tôi chưa kịp nói gì thì anh nhìn thẳng vào mắt tôi,  giọng chân thành:


– Tạm biệt em. Đừng lo lắng nhé. Sẽ gặp lại sau.


Nói xong không chờ câu trả lời, anh đứng lên nhìn tôi mỉm cười rồi đi thẳng vào bên trong. Ngay sau đó có mấy người đàn ông tự tiện ngồi vào bàn tôi, hạch hỏi với một giọng đầy ác cảm: 


– Cô là ai ? Sao quen thằng đó ? Nói chuyện gì mà lâu vậy ?


Tôi vô cùng ngạc nhiên trước thái độ bất lịch sự và thô thiển của những người này. Chợt nhớ bao nhiêu cặp mắt đã đổ dồn về phía tôi khi “Người mắt xanh” đến ngồi trò chuyện. Một cảm giác hoảng hốt, sợ sệt từ từ xâm lấn. Chưa kịp hoàn hồn để trả lời thì người ngồi bên cạnh lên tiếng dữ dằn hơn nữa:


– Cô biết thằng đó là ai không mà nói cười với nó? Làm vậy chẳng khác gì thách thức mọi người, hiểu không? Mới chút tuổi mà bày đặt!


– Cô là con gái mới lớn mà dám nói chuyện với Tây giữa thanh thiên bạch nhật, cô muốn thách đố ai vậy ?…


Những câu hỏi không khác lời kết tội cứ dồn dập làm tôi ngu ngơ không hiểu. Càng khó hiểu hơn nữa là sự can thiệp trắng trợn của những người không hề liên quan một mảy may với tôi hay ông Boudarel. Mà tôi có làm điều gì sai đâu cơ chứ. Tuy vậy tôi vẫn cố gắng trấn tĩnh trả lời:


– Sao các anh nói người ta như vậy? Ông ấy là người tốt mà.


– Quen lâu rồi hả? Sao biết thằng đó tốt?


– Tôi không quen lâu, nhưng biết chắc họ không phải người xấu.


– Ngây thơ khờ dại lắm nhỏ ơi! Có biết quan hệ với người ngoại quốc là mắc tội gì không ? Thôi đừng có to gan nha !


Tôi không kìm được, tức tối hỏi vặn lại:


– Như vậy mà đã mắc tội sao? Nhưng tội gì chớ? 


Họ nhìn tôi với vẻ hung dữ, nói giọng uy hiếp :


– Cô không thôi ngay thì sẽ biết!


Đang lúc căng thẳng, bức xúc thì tiếng anh Thành Lang vui vẻ vang lên phía sau :


– Cơm canh có rồi đây, mình bắt đầu thôi.                           


Mấy người đàn ông hung dữ thấy vậy cũng tự động đứng lên giải tán. Tôi nhẹ lòng vì thoát nạn, nhưng tình trạng bất an của tôi không giấu được các anh, nhất là Thế Bảo: 


– Có chuyện gì hả Tuyết Mai? Họ làm gì em mà mặt mày xanh mét vậy? Có quen người ta không?


– Dạ, em không quen, nhưng không sao đâu anh ạ.


Anh Thành Lang vừa xới cơm vô chén vừa liếc mắt nhìn tôi lo lắng, nhưng làm ra vẻ không quan tâm:


– Thôi trễ rồi, mọi người ăn cơm cho nóng. Có chuyện gì thì lát nữa về nhà nói sau.




 *



Chiều hôm đó tôi có giờ học xướng âm đầu tiên với anh Thành Lang. Chỉ có một thầy, một trò và cây đàn piano trong phòng học. Khu nhà hai mươi sáu, đường Cột Cờ lặng như tờ vì các em học sinh đã nghỉ hè từ tuần trước. Chỉ còn số ít cán bộ giảng dạy thì vẫn có mặt thường xuyên ở đây. Tất cả các phòng học được khoá cẩn thận. Chỉ khi nào tôi có giờ lên lớp thì người bảo vệ mới mở cửa thôi.


Để thẩm định thính năng của tôi, anh Lang dùng piano đánh đi đánh lại vài ba lần những câu nhạc lạ từ dễ đến khó, rồi bảo tôi lập lại cho đúng luôn cả cao độ, trường độ và phách nhịp. Tôi cố gắng tập trung làm theo lời anh dặn, sợ lỡ sai thì mắc cỡ lắm. Thật may mắn, tôi không làm anh Lang thất vọng, trái lại anh vui vẻ khen trí nhớ âm nhạc của tôi và sôi nổi khẳng định:


– Tốt lắm Mai à. Em có thể chọn âm nhạc làm nghề được đó.


Tôi hơi ngỡ ngàng trước niềm vui của anh:


– Ủa, anh bất ngờ lắm hả? Sao có vẻ vui quá vậy?


– Anh rất vui vì thính năng của em khá tốt. Em tha thiết với âm nhạc quá mà không có khả năng thính âm thì anh cũng chịu thua thôi. Nói thiệt nghen : Trước khi thử, anh cũng hồi hộp lắm.    


Tôi tròn mắt ngây thơ hỏi lại :                                           


– Thính năng quan trọng vậy hả anh?


– Quan trọng lắm chứ em. Sẽ vô cùng gay go nếu em chọn học âm nhạc mà không có khả năng nghe chính xác. Cho dù có khổ luyện cũng khó mà thành công được.


– Vậy thì may cho em quá! Thực ra anh không cần đánh đàn ba lần cho mỗi câu nhạc, chỉ một lần thôi là em đã nghe được rồi. Em thấy không khó lắm ; tuy vậy em sẽ hết sức cố gắng trau dồi hơn nữa cho khỏi phụ công thầy.  Chỉ lo thời gian ít quá không kịp chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.


– Anh cũng lo như vậy, nhưng đâu có cách nào khác. Phải ráng thôi em.


– Dạ, em sẽ cố hết sức.



Buổi học đầu tiên anh Lang kết thúc sớm hơn dự định. Anh dùng thời gian còn lại khéo léo hỏi chuyện hồi trưa ở tiệm cơm. Tôi không muốn giấu anh điều gì nên thật thà kể hết đầu đuôi, hy vọng anh sẽ bảo vệ tôi và lên án những người đàn ông thô lỗ kia.


Nghe xong chuyện, anh Lang suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói:


– Thái độ của mấy người đó thật không ổn. Anh không tán thành cách nói năng thô thiển và có hàm ý đe dọa của họ như thế. Nhưng có một điều em phải hết sức lưu ý, vì họ nói đúng.


Không để anh Lang nói hết, tôi hỏi dồn:


– Đó là điều gì hả anh? Họ đúng chỗ nào chớ? Anh bênh họ hả?


– Em bình tĩnh nghe anh nói nè. Vì em không biết nên anh phải nói rõ ràng để em tránh. Việc em chuyện trò với người ngoại quốc là không bình thường trong con mắt mọi người. Nhất là có quan hệ tình cảm thì lại càng không được. Nhà nước mình nghiêm cấm chuyện đó, em biết không.


– Anh nói gì kỳ cục vậy. Em với người đó có gì với nhau đâu. Họ tự đến chuyện trò với em đó chứ. Chỉ vậy thôi mà em đã mắc lỗi sao?


– Em chưa mắc lỗi, nhưng nếu không dừng lại thì anh không dám chắc.


Anh Lang ngưng một lát rồi nói tiếp:


– Anh biết anh chàng này. Những điều anh ấy nói với em đều đúng cả, và đây là người tốt thật sự. Nhưng chủ động tới chuyện trò với em là không bình thường trong hoàn cảnh hiện nay. Em phải biết là người ta chỉ quen và muốn nhìn những gì bình thường quanh mình thôi, nên chỉ cần ra khỏi khuôn khổ đó một chút xíu là đã thành đề tài cho thiên hạ xôn xao, bàn tán rôi. Đời là vậy đó em. Huống hồ…


Anh Lang bỏ lửng câu nói, nhìn tôi khẽ rướn lông mày, nhún vai tỏ ý không tiện nói tiếp. Thái độ của anh khiến tôi cảm thấy mình đã thât sự mắc lỗi. Tôi im lặng nhìn anh, buộc miệng nói:


– Cảm ơn anh Lang. Em sẽ lưu ý những điều anh đã trao đổi. Nhưng thú thật là em không biết phải phản ứng thế nào nếu người đàn ông đó lại đến chuyện trò với em.


– Anh thấy cũng khó cho em. Chẳng lẽ nói thẳng với người ta là không được làm vậy nữa. Vô lý quá… Thôi bỏ việc đó qua một bên đi, từ từ rồi tính tiếp. Tối nay anh sẽ đưa em đến nhà chị Nhật Ánh. Chị là giảng viên piano của trường âm nhạc Việt Nam, và đã nhận lời dạy đàn cho em trong thời gian luyện thi rồi đó.


Tôi ngạc nhiên, tròn mắt lên phản đối:


– Chỉ có thời gian rất ngắn thôi, làm sao em học piano cho nổi. Anh tính lại giùm em đi.


– Tất nhiên là em không thể học như những thí sinh piano khác có điều kiện học đàn từ nhỏ. Chị Nhật Ánh chỉ tập trung giải quyết cho em những vấn đề thật cơ bản và dạy em vài tiểu phẩm nhỏ để dự thi thôi. Em phải hết sức cố gắng mới được.


– Sao trước đây anh Lang bảo em là thí sinh năng khiếu cơ mà?


– Anh cũng đã tính như vậy, nhưng nghĩ lại thì thấy không được. Thí sinh năng khiếu thường được tuyển từ bảy đến mười hai tuổi thôi, đó là hệ sơ cấp. Còn tuổi mười bảy của em thì phải thi vào hệ trung cấp cơ bản. Hệ này chỉ học bốn năm là thi tốt nghiệp. Hiện tại, nhà trường chỉ đào tạo hệ sơ cấp bảy năm, trung cấp dài hạn mười một năm và trung cấp cơ bản bốn năm. Với nhu cầu phục vụ trước mắt, thì học xong trung cấp cơ bản ra làm việc cũng khá tốt rồi.


– Vậy em nhất thiết phải là thí sinh piano, đúng không? Mắc cỡ chết! Đã học hành gì mà dám dự thi môn nhạc cụ “quý tộc” đó chớ. Người ta sẽ cười nhạo em mất thôi. Em không dám đâu. Rắc rối quá anh Lang ơi, hay là em không thi nữa?                                     


– Em đừng nói lung tung. Ráng tập trung cật lực để đạt nguyện vọng. Chưa gì đã nản thì coi sao được.


Nghe anh Lang nhắc nhở, tuy trong lòng còn nhiều hoang mang nhưng  tôi cũng phải im lặng vâng lời. Liền sau đó, tôi đi cùng anh Lang ra phía cổng chính, là “mũi tàu” của ngôi nhà 26 Cột Cờ. Anh mở cửa đưa tôi vào một căn phòng xinh xắn có hai cửa sổ thật cao ở hai vách tường bên, sơn màu ngọc thạch rất thanh nhã và chiếc piano nhỏ ở tường đối diện với cửa ra vào.


Anh Thành Lang hồ hởi nói với tôi:


– Đây là phòng học đàn của em với chị Nhật Ánh. Em thích không? Mỗi lần học xong, em nhớ đóng cửa sổ, tắt đèn, khoá phòng, khóa cổng cẩn thận rồi hẵng về nhé.


– Dạ vâng. Phòng học tuy nhỏ nhưng đẹp và sang trọng, em thích lắm. Nhưng tại sao em được học ở đây? Anh Lang lo cho em chắc cực lắm?  


– Cũng may là học sinh đã nghỉ hè nên sắp xếp phòng học cho em không khó khăn gì. Điều kiện cho em học hành đang rất thuận lợi, chỉ cần em tập trung và cố gắng nữa thôi.


– Dạ, em biết rồi.


Trong lòng tôi thầm biết ơn anh Lang rất nhiều vì sự quan tâm lo lắng cho việc luyện thi của tôi. Anh chu đáo mọi việc, không có điều gì khiến tôi phải buồn phiền cả, chỉ có mỗi việc học và học cho tốt. Nhất định tôi phải thật chăm chỉ, thật cố gắng để thi đậu thì mới không phụ công sức và nhiệt tình của anh.


                                                               


*



Đời sống tiếp diễn ngày này qua ngày khác không có gì thay đổi, vẫn hai lần đi bộ từ nhà hai mươi sáu Cột Cờ qua ngõ Cấm Chỉ đến tiệm cơm Tân An, nơi tôi có nhiệm vụ giữ bàn xếp ghế, còn các anh thì xếp hàng lấy chén đũa và thức ăn. Ngoài chuyện học hành, chỉ có người đàn ông mắt xanh làm tôi phân tâm nhiều nhất. Anh không biết tôi phải chịu nhiều áp lực nặng nề như thế nào, nên vẫn tiếp tục đến ngồi bên tôi trò chuyện như chẳng có gì bất thường.


Lần thứ hai gặp nhau anh không lịch sự xin phép như lần đầu, mà ung  dung ngồi xuống đối diện, nhìn thẳng mắt tôi cười rạng rỡ:


– Hãy nói gì về em đi, anh muốn biết lắm. Hôm trước anh nói về mình rồi. Bây giờ đến lượt em nhé.


– Dạ xin lỗi, em đâu có gì để nói với ông.


– Có nhiều chứ, ví dụ như em là ai, tên gì, từ đâu đến v.v… 


Tôi bỗng nhớ việc “khai lý lịch” của anh lần trước, liền che miệng cười tủm tỉm:    


– Dạ, em không muốn “khai lý lịch” như ông đâu.


– Ít nhất anh cũng được biết tên, chẳng lẽ em không cho phép?


Tôi nghĩ, những thông tin vô hại thì người ta có biết cũng chẳng sao, nên liếng thoắng đáp:


– Dạ em là Mai, Trương Tuyết Mai. Mười bảy tuổi. Là học sinh miền Nam tập kết…


– Em Mai mới về Hà Nội phải không?


– Dạ phải, nhưng sao ông biết?


– Nhìn dáng vẻ và mắt em, anh đoán thế thôi.


– Em có dự định thi vào trường Âm nhạc Việt Nam, nên phải về Hà Nội chuẩn bị. Em chỉ ở đây một thời gian ngắn, nếu thi đậu thì mới quay lại để tiếp tục học.


– Anh hiểu rồi. Trong thời gian ở Hà Nội, em có gặp nhiều khó khăn không? Nếu có thể thì cho phép anh được giúp đỡ em.


– Dạ thưa, em rất ổn. Cám ơn ông.


Bất ngờ anh nắm lấy hai bàn tay tôi đang đặt trên bàn, nhìn thẳng vào mắt rồi nói khẽ vừa đủ cho tôi nghe:


– Vậy thì, cho phép anh được nghĩ tới em nhé.


Tôi như bị điện giật, vội rút phắt tay về, kinh hãi nhìn anh. Sợ quá đi mất! Trông người đàng hoàng, lịch sự vậy mà nói năng lạ lùng. Còn dám nắm tay người ta nữa chứ! Trời ạ!... Tôi sợ hãi đưa mắt nhìn xung quanh thật nhanh xem có ai nghe những lời anh vừa thốt ra. Tôi luống cuống, chưa biết phải trả lời sao thì anh đã dịu dàng nói tiếp:


– Anh xin phép mà. Có gì khiến em hốt hoảng vậy?


– Dạ… dạ, em sợ!                           


Anh nhìn tôi khẽ lắc đầu, mỉm cười:                                              


–  Ôi, cô bé! Cho anh xin lỗi.


Thật ra, đó là cách tỏ bày tình cảm đẹp và lịch sự, nhưng vì xảy ra bất ngờ giữa đám đông nên đã khiến tôi kinh hãi và vô cùng luống cuống. Hơn nữa, một cô bé tuổi mười bảy, chưa thoát khỏi vòng giáo huấn nghiêm ngặt của gia đình và nhà trường – những điều giáo huấn ấy vẫn còn ngấm sâu trong huyết mạch. Tôi lại chưa có chút kinh nghiệm trong tình yêu thì làm sao biết chống đỡ và không sợ hãi trước thái độ đường đột, cũng như những lời nói ngọt ngào đường mật. Nghĩ lại cũng thấy tội nghiệp! Nào anh có lỗi gì. Tôi cố gắng bình tĩnh nói với anh vài lời, chứng tỏ mình cũng là người cứng cỏi và biết  phép tắc:


– Dạ xin lỗi, em không thể trả lời gì cho ông được bây giờ.


– Anh không hy vọng nghe em trả lời ngay. Nhưng em sẽ trả lời cho anh sau chứ? Tạm biệt. Chúc em ngon miệng.



Rồi với ánh mắt nhìn tôi thân thiện, anh ung dung đứng lên đi vào phía trong quán ăn. Ngay lập tức, một người đàn ông trung niên sấn sổ tới, hầm hừ những câu đe dọa làm tôi sợ chết khiếp, nhớ đến tận bây giờ:


– Cô muốn bị ghi sổ đen hả ?


Tôi tròn mắt hỏi lại :


– Sổ đen là sổ gì, thưa ông?


– Là sổ sẽ làm cho cô bị công an theo dõi sát và suốt đời không ngóc đầu lên nổi đó.


– Ai sẽ ghi tôi vào sổ đen ? Về tội gì, thưa ông ?


– Đó là tội nặng ghê gớm – giống như tội phản quốc vậy!


– Tôi phản quốc hồi nào ? Ông đừng uy hiếp tôi độc ác như thế.


– Cô to gan quá mà. Dám quan hệ với người ngoại quốc, dám thách thức những quy ước xã hội. Dám vi phạm điều cấm kỵ của nhà nước. Dám… Dám… Dám…


– Ông nói sai rồi. Tôi không vi phạm điều cấm kỵ nào hết.


– Không cần biết đúng hay sai, hiểu chưa? Những gì cô làm là đã vi phạm rồi đó. Còn khờ lắm nghen nhỏ !


Tôi hoàn toàn không hiểu gì hết, chỉ bất lực nhìn họ và lắc đầu ngao ngán. Những chuyện vô lý và ngu xuẩn như vậy có thật sao? Không lẽ nói  chuyện với người nước ngoài là bị ghi sổ đen, là bị theo dõi? Nếu có quan hệ yêu đương chắc càng bị bao vây, trấn áp và có thể…ngồi tù nữa. Tôi không tin nhà nước có chủ trương lạ lùng dốt nát như vậy. Chắc họ thấy tôi còn con nít nên làm dữ để dằn mặt thôi.                                    


Nhưng họ không ngờ là càng dữ dằn thì tôi càng gan góc. Tôi không thách thức ai, chỉ lẳng lặng làm những gì mình cho là đúng. Điều đáng buồn là anh Lang cứ nhất quyết tôi và “người mắt xanh” yêu nhau, nên sau mỗi lần lên lớp, thế nào anh cũng mang chính trị, đạo đức và nhân cách làm người ra thuyết giảng. Để giám sát và nhắc nhở tôi, anh luôn nói: “Đồng bào và con em miền Nam đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, đầu rơi máu chảy từng giờ. Phải chịu đựng trăm ngàn đắng cay tủi nhục để em được ra miền Bắc học hành. Em làm như vậy là có tội, là phụ công ơn Đảng Bác và đồng bào miền Nam, hiểu không? Em đang sống trong hạnh phúc mà không biết! Yêu ai không yêu, lại đi yêu thằng Tây! Tôi đã nói với em nhiều lần rồi: Đó là điều tuyệt đối cấm kỵ, tại sao em không hiểu?”


Những lần như vậy, tôi và anh Lang cãi nhau kịch liệt chỉ vì tôi muốn bảo vệ lý lẽ của mình, nhất định không tin điều anh và mọi người nói. Tôi nghĩ rằng họ bịa đặt những chuyện ấy để uy hiếp tôi vì một lý do nào đó.


Thật tình, tinh thần tôi đã bắt đầu lung lay sợ hãi, vì ai cũng nhìn tôi với vẻ khinh khi lạnh nhạt, không thương mến thân thiện như trước nữa. Có lần tôi tình cờ nghe chú Tăng Lộc tức giận nói với anh Lang: “Nó là đứa nhỏ vừa ngu vừa ngông và hết sức lì lợm bướng bỉnh! Không đúng với vẻ ngoài nhu mì, hiền thục của nó chút nào. Sao không lo học hành mà mới “chân ướt chân ráo” đã sanh chuyện rồi. Cậu phải cẩn thận, những đứa có cá tính như vậy không dễ cầm cương đâu”.


Tôi xấu xa đến vậy ư? Chú Tăng Lộc mà cũng nói tôi như thế? Không tha thứ hay chấp nhận tôi thật sao? Mà tôi đã làm gì nên tội chứ? Những gì anh Lang và những đàn ông trong quán cơm đã nói, không hề làm tôi lo nghĩ, vậy mà những lời nghe lỏm từ chú Tăng Lộc lại khiến tôi hoang mang khổ sở vô cùng. Đó không phải là lời trách cứ, chê bai bình thường mà là sự phán quyết về nhân cách và đạo đức của tôi. Hóa ra dưới mắt họ tôi đã làm một điều thật sự tồi tệ. Vậy là những lời họ cảnh báo tôi ở tiệm cơm đều là thật cả – một sự thật tuyệt đối ư? Trời ơi, làm sao đây? Trái tim thơ dại của tôi run rẩy vì bị tổn thương nặng nề. Tôi buồn bã chẳng còn thiết gì nữa…


Bữa cơm trưa hôm đó Boudarel vẫn đến ngồi bên tôi như thường lệ. Nhưng tôi không vui, lòng nặng trĩu những muộn phiền. Anh nhìn tôi lo lắng, hỏi dồn:


– Em Mai sao vậy? Mắt em buồn lắm. Có điều gì làm em lo lắng phải không? Cho phép anh được biết nhé.


Boudarel yên lặng, chăm chú nghe tôi trả lời từng câu hỏi của anh. Đột nhiên anh xin lỗi cắt lời:


– Em đừng buồn nữa. Anh hiểu hết rồi. Đúng là nhà nước Việt Nam có những quy định như thế. Từ từ anh sẽ tìm cách. Chỉ cần em luôn nghĩ đến anh là được.


– Nhưng em sợ lắm. Họ nói em sẽ bị ghi sổ đen nếu còn tiếp tục quan hệ với anh.


– Chúng ta không làm gì nên tội. Em đừng sợ. Đó chỉ là những quy ước của nhà nước Việt Nam đặt ra để tiện việc quản lý. Những quy ước ấy chỉ áp dụng trong một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, chứ không thể duy trì mãi để làm khổ mọi người được. Anh nghĩ, dần dần rồi những vô lý cũng sẽ được xóa bỏ.


– Anh tin như thế chứ? Nhưng đến bao giờ mới có sự đổi thay?


– Em nói đúng, không biết đến bao giờ. Nhưng anh tin chắc chắn sẽ thay đổi. Để em bớt lo sợ, từ ngày mai anh không đến ngồi bên em nữa.


– Vậy là không có cách nào? Phải chấp nhận thực tế này hả anh?


– Anh sẽ nghĩ cách. Hứa với anh là đừng quá lo lắng và nghĩ ngợi nhiều nhé. Chúc em ngon miệng. Tạm biệt.


Vẫn ánh mắt ấy, nụ cười ấy – anh dịu dàng nhìn tôi như muốn cho tôi thêm sức mạnh. Anh giữ đúng lời hứa, không ngang nhiên ngồi chuyện trò bên tôi nữa.


                                                           


*





Nhưng có lẽ số trời đã xếp đặt cho chúng tôi có cơ hội tiếp tục gặp nhau. Vì trong quán cơm không có ấm tách uống nước trên bàn, nên sau khi ăn, ai cũng phải đến chỗ có thùng nước, xếp hàng chờ đến lượt. Nhờ vậy, mà ngày nào chúng tôi cũng được đứng bên nhau sau bữa cơm như thế. Những lúc ít người, anh tranh thủ nói với tôi vài điều gì đó, lúc thì: “Em khỏe chứ? Còn lo lắng nhiều không? Để anh nghĩ cách, em đừng buồn…” Lúc thì  quan tâm hỏi han: “Sắp đến ngày thi rồi, em chuẩn bị đã tốt chưa? Tự tin nhé!”                                    


Có một lần anh nói nhỏ rất nhanh:                                              


– Hãy lấy xe đạp của anh mà đi Mai à. Anh đã có xe máy nên em đừng băn khoăn. Thấy em đi bộ hoài anh ái ngại lắm.                                                                       


– Không được đâu anh. Em không bao giờ làm thế.


– Em ngại vì nó là xe course phải không? Anh sẽ tìm cách đổi xe dame cho em. Đồng ý nhé?


– Dạ không. Em không muốn như vậy. Đi bộ cùng mọi người cũng vui mà. Anh đừng lo cho em.


Những lúc có đông người xếp hàng, hầu như chúng tôi chỉ im lặng đứng bên nhau. Chẳng cần gì hơn, vì như vậy cũng đã có thể nghe rõ hơi thở của nhau rồi. Dù chỉ một thoáng cũng đủ làm tôi ngây ngất như có men say.


Tôi thương anh ít được bữa cơm nào trọn vẹn. Bao giờ tôi và các anh Thế Bảo, Đức Thiện và Thành Lang cũng về trước. Dù muốn nấn ná thêm cũng không thể lâu hơn được. Có những bữa tôi đã ăn xong mới nghe tiếng xe máy của anh ngoài cửa. Chỉ cần anh xuất hiện là tôi thấy ấm áp và yên lòng. Bấy giờ tôi có thể xếp hàng uống nước và bình thản ra về cùng mọi người.


Có một lần đang xếp hàng chờ lấy nước uống, không ai xô đẩy hoặc đụng vào người mà tự nhiên tôi thấy nóng ran sau gáy. Quay lại nhìn thì thấy anh đã đứng sát phía sau từ lúc nào. Tôi mỉm cười hỏi nhỏ:


– Anh mới tới hở? Ăn xong chưa mà xếp hàng uống nước vậy?


– Anh sẽ ăn sau. Đứng gần em một chút thôi.


– Gián đoạn bữa ăn sẽ mất ngon. Anh về bàn đi.


– Anh sẽ ngồi vào bàn ngay đây. Tạm biệt em.


– Ngon miệng nhé. Chào anh.


Tôi nhìn theo anh – lòng ngậm ngùi: “Giá như không bị ai cấm đoán, không bị ai theo dõi ghi sổ đen, thì đâu đến nỗi thế này!”


Có một hôm anh em tôi đi ăn trễ hơn mọi ngày. Đến quán đã thấy Boudarel nấn ná ngồi chờ ở bàn ăn. Khi tôi tới địa điểm uống nước, lúc ấy anh mới rời khỏi ghế. Hôm đó anh hỏi:


– Buổi tối em thường làm gì?


– Dạ, em tập đàn ở phòng học phía trước cổng chính. 


– Anh có mấy việc phải làm gấp trong vài ngày tới. Em đừng đợi. Anh về trước nhé. Tạm biệt em.


Đặt ly nước xuống bàn, anh vội vàng ra cửa, gấp gáp lên xe đi thẳng. Tôi đoán anh cần nhiều thời gian cho quyển sách đang dịch dở dang, nên trong giai đoạn này anh đến tiệm ăn không đều đặn và đúng giờ như trước. Anh đã chu đáo dặn dò vì không muốn tôi trông ngóng,


Anh Thành Lang, Thế Bảo, Đức Thiện và tôi thường đến tiệm cơm đúng giờ. Boudarel thì đến trễ hơn một chút. Tôi biết vậy nên hay ngồi quay mặt về hướng cửa ra vào, để khi anh xuất hiện là tôi nhìn thấy ngay, và cũng để tránh cho anh không phải đưa mắt tìm tôi lâu. Chúng tôi nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ và tín hiệu riêng. Ðôi khi chỉ là cái gật đầu khẽ, động tác ngước mắt nhìn, hay một thoáng môi cười. Tín hiệu thầm kín ấy chỉ những người có tình ý với nhau mới cảm nhận được.


Mỗi lần anh xuất hiện, khuông cửa tiệm ăn như bừng sáng. Một thứ ánh sáng dịu nhẹ thánh thiện lạ lùng, cuốn hút tôi không cưỡng lại được. Và tôi buông thả mình mải miết trôi theo dòng ánh sáng đó đến mê muội…  



Trương Tuyết Mai





Bài trước :

Tìm cha

Tập kết


Bài tiếp theo :

BOUDA

Gặp gỡ

Tin dữ từ Paris



CHÚ THÍCH :


(*) Cách gọi bình dân chỉ lính Pháp thua trận ở Việt Nam thời kỳ kháng chiến 9 năm.


(**) G. Boudarel là một trong những người Pháp đầu tiên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân (chú thích trong tài liệu những tiến sĩ Đức trong Việt Minh ” của Heinz Schutte (tạp chí nghiên cứu và thảo luận Thời Đại Mới). Ông sinh tháng 12 năm 1926 tại tỉnh Loire. Xuất thân từ một gia đình công giáo. Cử nhân triết. Gia nhập Đảng cộng sản Pháp năm 1947. Cũng năm đó ông xuống tàu sang Đông Dương làm giáo sư triết học ở trường trung học Pháp ngữ. Năm 1949, (Sau một năm ở nam Lào) ông tới Sài Gòn dạy ở trường trung học Marie Curie. Năm 1950 ông vào chiến khu theo Việt minh – khi đó ông 24 tuổi. Ông được nhà lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ Phạm Ngọc Thạch đón tiếp, cử làm việc ở Cục địch vận Việt Minh và Đài phát thanh Nam Bộ kháng chiến. Năm 1952 được điều ra chiến khu Việt Bắc công tác. Sau hòa bình 1954, ông làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà xuất bản Ngoại văn – Hà Nội




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us