Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tìm cha

Tìm cha

- Trương Tuyết Mai — published 07/09/2014 23:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Chương 5 hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP

Trích hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP


Tìm cha


Trương Tuyết Mai

"Chỉ ít dòng vậy thôi, là món quà cuộc đời dâng lên hương hồn mẹ cha, tặng các con thương yêu và bạn hữu để chia sẻ cùng tôi, một Trương Tuyết Mai đa tình và đa đoan, 'một vẻ đẹp u huyền của đời sống này'", tác giả đã viết như vậy trong lời mở đầu tập hồi ký vừa xuất bản. Ở tuổi bảy mươi, nhà soạn nhạc, nhạc sĩ flute, nhà thơ, nhà văn ấy đã an nhiên kể lại cuộc đời của mình, những ngày gian khổ ở Khu Năm, tập kết, đi B,... Được sự đồng ý của tác giả, Diễn Đàn giới thiệu dưới đây chương 5 của tập hồi ký. Trong một kỳ sau, sẽ là những trích đoạn về mối tình đầu, trắc trở với Georges Boudarel (1926-2003).

Cuối năm 1954, một trận lũ khủng khiếp tràn qua đất La Hai tỉnh Phú Yên. Con sông La Hai hiền hòa, trong xanh đến thế bỗng đỏ ngầu, ầm ào cuộn xoáy và hung dữ chưa từng thấy. Nước từ trên nguồn đổ về nhiều vô kể, cuốn băng đi nhà cửa, trâu bò nhấp nhô trôi trên biển nước mênh mông. Nước ngập hết cánh đồng phía La Hai Bắc, tràn cả vào phố thị. Phía La Hai Nam, tuy dân cư thưa thớt nhưng gần mé sông hơn, nước càng được thể cuốn hết nhà cửa hai bên đường. Khắp nơi mọi người hớt hải dắt díu nhau chạy lũ. Ai cũng chỉ mong một điều duy nhất là được bảo toàn tính mạng. Họ kéo nhau chạy về hướng đất cao – nơi có đường sắt, có những ngôi nhà nhỏ nằm trên các triền núi. Mọi người sẽ dựng lều, cậy nhờ tá túc tạm trên đó để chờ nước rút.

Tình hình càng khốn đốn hơn đối với gia đình tôi khi đó.


bia

Lật từng mảnh ghép, hồi ký của Trương Tuyết Mai, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014, 388 trang.

Sau khi ngừng bắn theo Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, ba tôi từ chiến trường được điều thẳng cùng đơn vị ra quân cảng Quy Nhơn để tập trung, chuẩn bị xuống tàu tập kết ra miền Bắc. Má tôi vì bệnh nặng phải nằm một chỗ. Nhà nghèo quá, không có cách gì trị bệnh cho má được. Từ ngày má ốm đau, chị em tôi càng nheo nhóc hơn, nhờ hàng xóm láng giềng mới có được bữa đói bữa no. Má con tôi sống dưới một mái nhà mong manh, gió lớn một chút đã xiêu vẹo chứ nói gì đến lũ quét.

Mọi người cuống cuồng chạy lũ, chẳng ai rảnh rang mà giúp đỡ má con tôi. Nếu chạy không kịp, nhà sẽ sụp và dòng nước hung hãn cuốn băng cả gia đình tôi. Nước đã dâng tới đầu gối mà chị em tôi cứ luýnh quýnh kêu khóc quanh giường nằm của mẹ. Tôi nghe giọng bà thều thào với chị Hai :

– Dắt các em ra đường đi con, theo các cô chú chạy lên núi, mau lên.

– Không được má ơi, tụi con ở lại với má chớ không đi đâu hết.

– Mau đi con. Nước lên nhanh lắm. Không được cãi lại má! 

– Dạ, để con chạy ra đường coi có nhờ được ai không. Má nằm vầy làm sao tụi con đi cho được. Má ráng chờ, con chạy đi một chút thôi.

Chị Hai vừa nói với má vừa khóc, rồi chạy vụt ra ngoài mưa. Nước mắt má cũng ràn rụa… còn mấy chị em tôi thì khóc gào thảm thiết. Nước sông chảy xiết đã dâng lút chân giường mà má vẫn không ngồi dậy được.

Bỗng ngoài cửa có tiếng người xôn xao rồi họ nhào vô nhà rất nhanh, ai cũng ướt sũng từ đầu xuống chân. Có hai chú vội vàng đặt chiếc võng đay lên giường rồi khiêng má tôi nằm lên đó. Các chú xuyên đòn khiêng vào hai đầu võng rồi mỗi người đưa vai vào một đầu, nhấc má tôi lên. Tôi cõng em Kỳ bám vào tay chú đi trước, chị Hai bồng em Giang bám níu tay chú đi sau, vừa khóc vừa bì bõm trong dòng chảy cuồn cuộn dưới làn mưa xối xả.

Các chú vừa khiêng má vừa dìu chị em tôi chạy về phía núi, nơi ấy đoàn người tránh lũ đang nhốn nháo khiếp sợ thất thần vì bỗng chốc chỉ còn hai bàn tay trắng. Má con tôi được tá túc trong một căn nhà bỏ hoang của chú Tám. Gọi là nhà chứ thực ra chỉ là túp lều rất nhỏ, thấp tè lợp bằng lá tranh đã cũ nát, muốn ra vào cửa phải cúi thấp người xuống mới được. Dù sao nó cũng ấm áp và trông khá hơn chiếc lều của người chăn vịt, vì bốn bức tường được trét bằng đất sét nhồi rơm, chứ không còn trống trải mặc cho gió thốc. Ðược vậy là đã hơn bao nhiêu người đang rét mướt dưới mưa tầm tã ngoài kia. Má tôi được nằm trên chiếc chõng tre nhỏ ở trong buồng, còn chị em tôi nằm co ro la liệt trên nền đất ướt át ở gian ngoài.


Nước dâng mỗi lúc một nhanh và dữ dội, không ai tưởng tượng nổi sức tàn phá ghê gớm của nó. Luỹ tre sau nhà tôi cao như thế mà chỉ còn vài ba ngọn phất phơ, vật vã gắng gượng nhô lên mặt nước. Hình ảnh những ngọn tre yếu ớt quằn quại, ẩn hiện trên dòng chảy đỏ ngầu cuộn xoáy, giống như những bàn tay vẫy chỉ còn chút tàn lực thoi thóp đang cầu cứu, cứ bám theo tôi, ám ảnh không rời. Nước dâng mấp mé mặt cầu xe lửa, làm cản dòng trôi của những ngôi nhà từ phía nguồn dạt xuống. Khắp mặt sông trâu bò, heo gà nổi trôi nhiều vô kể.

Nhiều người vẫn chưa hoàn hồn, đứng trên núi đăm đăm nhìn xuống dòng nước hung hăng, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao với hai tay trắng. Tôi không thấy họ kêu trời, không la khóc, oán than, mà họ chỉ lặng im chôn chân như tượng – nén thắt và câm lặng đến dễ sợ.

Những ngày sau đó, dòng sông như dần bình tâm. Sự hung hãn lắng dịu dần, nhưng để dịu dàng trong xanh như cũ thì phải còn lâu nữa. Sự nổi giận của nó đã để lại không biết bao nhiêu vết tích tàn phá khủng khiếp. Đất phơi la liệt những hoang tàn – không ai nở được nụ cười trên môi mà chỉ lầm lũi cúi đầu, lang thang tìm kiếm, mong nhặt được chút gì còn vương lại trên nền đất. Có cách nào khác ngoài đành chấp nhận, dũng cảm làm lại từ đầu. Nhất định phải tạo ra sự sống trên mảnh đất chết này.


Một buổi sáng, chị Hai bảo tôi vô buồng má – với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Má ra hiệu cho tôi cúi xuống thật gần để nói thầm. Tôi áp tai sát bên miệng má, lắng nghe :

– Ba đang chờ má con mình ở trạm Mục Thịnh. Con ra đó gặp ba nói là “ má đau nặng lắm, không làm theo kế hoạch đã định được ”. Nói vậy là ba hiểu và sẽ quay về đơn vị chứ không chờ đợi nữa ; vì ba không có nhiều thời gian, con hiểu không ?

– Dạ, nhưng trạm Mục Thịnh ở đâu, có xa lắm không ? Ði bộ hả má ?

– Trạm đó cũng cách xa nơi mình ở, phải đi bộ trong rừng, con làm được chứ ?

– Con sợ lắm, lỡ gặp cọp thì chết !

– Con đừng sợ, can đảm lên vì chỉ có con mới làm được việc này cho má thôi. Con cứ theo người lớn, thấy họ làm sao thì mình làm theo như vậy.

– Sao chị Hai không đi mà lại là con hả má ? Xa xôi vậy, làm sao con đi một mình được.

– Cố lên con ! Má nghĩ nhiều rồi, chỉ con làm mới được thôi. Chị con tuy mười ba tuổi nhưng cũng là lớn trong nhà, phải ở lại để chăm sóc hai em và chăm sóc má nữa. Vả lại chị con đi thì không an toàn bằng con.

– Bao giờ thì con đi hả má ?

– Sáng sớm mai con sẽ đi. Nhớ theo sát người lớn. Ðường rừng nguy hiểm lắm, con không được tách ra đi một mình nghe chưa.

– Dạ, con nhớ rồi.

Tôi cứ “ dạ ” cho má yên lòng chứ thực ra tôi rất lo sợ. Lo đủ thứ. Một đứa nhỏ mới hơn mười tuổi vốn chậm chạp nhút nhát như tôi, gặp gì cũng sợ, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn bên má, đã làm được gì đâu mà má tin tưởng chớ. Nhưng đúng là không còn ai ngoài tôi để má có thể sai bảo việc này. Muốn má được vui, tôi cũng phải gắng “ to gan ” một lần. Theo chỉ dẫn của má, nhất định tôi sẽ làm được. Vả lại, tôi cũng muốn chứng tỏ mình có ích khi má cần đến.

Sáng sớm hôm sau, với túi xách nhỏ trên vai, tôi ra nhà ga để đi xe goòng qua La Hai Bắc.


* * *


Theo lời của má, đây là vùng trắng giáp ranh giữa hai bên, có khoảng cách độ ba mươi cây số. Ranh giới phía Bắc từ Mục Thịnh trở ra. Ranh giới phía Nam từ La Hai Bắc trở vào. Ðầu ranh giới của mỗi bên đều có đồn bốt canh gác và có trạm kiểm soát nghiêm ngặt. Ðể qua mắt các trạm kiểm soát của đối phương, tôi buộc phải làm quen với một người đàn bà lớn tuổi trên chuyến xe goòng đó, và nhờ họ nhận mình làm con hoặc cháu cùng đi. May quá, có một bà đã luống tuổi nhận lời, tôi đàng hoàng thành “ cháu nội ” của bà, nhờ vậy mà tôi thoát qua các trạm kiểm soát được dễ dàng. Tôi nhớ việc đầu tiên phải làm sau khi rời xe goòng là vào ăn ở một quán cơm. Thấy mọi người gọi cơm dĩa – tôi cũng bắt chước làm theo. Ðang ăn thì nghe người ngồi cạnh hỏi thăm chủ quán về trạm Mục Thịnh. Tôi chú ý lắng nghe vì cảm thấy điều đó có liên quan tới mình. Người chủ quán đưa khách ra cửa chỉ tay về hướng Bắc nói : “ Mục Thịnh ở phía ngoài này thôi, cứ đi thẳng hoài là tới ”. Ông khách trở về bàn tiếp tục ngồi ăn nhưng tôi thì không thể, vì mừng vui quá đỗi. Vậy là con đường tìm đến với ba dễ dàng chứ có gì đâu mà má lo lắng quá. Với đầu óc non nớt của mình, tôi đã mường tượng ba đang ở rất gần đây thôi. Nghĩ vậy là làm liền. Bỏ dở dĩa cơm, tôi tức khắc đứng lên ra cửa, đi theo hướng tay người chủ quán đã chỉ.


Ði hoài đi hoài, nhà cửa hai bên đường đã thưa thớt dần. Tôi vẫn hăm hở bước vì trước mắt cứ hiển hiện hình bóng của ba. Ông sẽ ôm tôi vào lòng hôn hít, hỏi han. Tôi sẽ từ từ kể hết mọi chuyện ở nhà cho ba nghe.

Bất ngờ một cơn mưa rừng ào xuống, hạt to như hạt bắp, rơi xéo quất vào người, vào mặt tôi đau điếng. Một mình trơ trọi giữa đường rừng hun hút không một mái che, quần áo ướt bết vào người; mặt mũi, tóc tai cũng đầm đìa nước. Lạnh quá, tôi chợt nhớ đến túi xách mang theo, mới hay đã bỏ quên ở quán cơm, không quay trở lại lấy được vì đã cách một quãng đường khá xa. Đành tiếp tục đi tới bởi đã hứa với má rồi.

Bỗng trước mặt tôi xuất hiện một vực sâu, đó là đoạn đường bị mưa xói lở. Vừa sợ vừa băn khoăn không biết làm sao đi tiếp, thì tôi chợt nhìn ra một lối mòn nằm phía trên đoạn đường bị xói lở ấy. Tôi sẽ phải bám cây rừng men theo lối mòn mới sang được gờ đất bên kia. Tự nhủ như vậy nhưng nước mắt vẫn tuôn trào, nhờ vậy hai gò má tôi cũng đỡ tê cóng. Qua khá nhiều những đoạn đường bị mưa phá lở, tôi đã biết cách vượt qua một cách dễ dàng trong những lần sau.

Rõ ràng ông chủ quán đã chỉ tay nói : “ Mục Thịnh ở phía ngoài kia, cứ đi thẳng hoài sẽ tới ”, tôi đã làm đúng như vậy mà sao chỉ thấy chập chùng rừng núi và mưa xối xả. Nỗi sợ hãi và cái lạnh khiến tôi run lập cập, phải cắn răng cho khỏi đánh bò cạp. Chợt tôi nghe tiếng khóc của chính mình vang dội trong mưa… Phải chi nghe được tiếng của ba lúc này để còn biết hướng đi tiếp !...

Người ta nói cọp hay ngồi trong bụi rậm rình mồi lúc trời mưa. Biết có đúng vậy không ? Lúc này mà cọp bất thần xông ra thì tôi chết là cái chắc. Chết lặng lẽ mất xác không ai hay biết thì sẽ thế nào nhỉ ? Nhưng chắc sẽ tức lắm vì việc má giao đã không làm tròn… Tôi càng nghĩ lung tung càng khóc to dữ dội. Tiếng khóc không thấu tới đâu hết, chỉ có nước mắt chan hòa nước mưa tuôn tràn đầy mặt mũi tôi.

Mưa bỗng nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. Tuy vậy, đường vẫn còn trơn trượt nhiều lắm. Bầu trời trở nên quang đãng hơn. Tôi chợt thấy trên nền trời xa xa một chấm đỏ. Ðến gần hơn thì chấm đỏ ấy lay động chậm chạp. Ồ ! Là một lá cờ ! Nó không tung bay được vì đẫm nước mưa. Lòng tôi reo lên : “Sắp tới nơi rồi ! Ba đang ở đâu đó thôi ! ”. Tôi đi như chạy. Dù bị té lên té xuống bao lần vẫn tiếp tục chạy. Nhưng sao lâu đến nơi quá ! Lá cờ vẫn thấy đó mà chạy hoài không tới. Tôi đâu biết cờ được treo vào một trụ cao trên đỉnh đồi, nên dù ở xa vẫn thấy, nhưng đến được tận nơi thì phải lâu lắm. Trời lại đổ mưa nhưng tôi cứ nhằm hướng lá cờ mà chạy, chạy mãi…


Rồi tôi cũng đến được chân ngọn đồi nơi lá cờ đang nặng trĩu nước mưa. Tưởng đã vui, đã hết gian nan, nhưng nào có phải. Tôi còn vượt một quãng dốc nữa mới lên tới đỉnh đồi được. Sau một hồi liên tục té lăn quay vì phải trèo lên trượt xuống bao lần trên đoạn dốc trơn như đổ mỡ - mình mẩy mặt mày tôi bê bết bùn đất. Chiếc áo lụa mới màu xanh da trời của tôi giờ trở thành vàng nâu màu đất sét. Cả cái quần đen cũng vậy. Ðây là bộ đồ mới đẹp nhất má may cho, đi gặp ba tôi mới được mặc, nhưng trông như tấm giẻ chùi nhà.

Lên đến đỉnh đồi, tôi đi thẳng vào bót gác, đinh ninh sẽ được gặp ba ngay. Một chú bộ đội mặc đồ xita 1 màu xám tro, bồng súng đứng gác. Thấy tôi lem luốc tới gần, chú cúi xuống ôn tồn hỏi:

– Cháu bị lạc hả ? Ba má đâu ?

– Cháu đi tìm ba. Chú chỉ giùm cháu đi.

– Ba cháu tên gì? Ở đâu ? Cháu tìm có việc gì?

– Ba cháu là bộ đội, tên là Trương Hữu Học. Ba hẹn đón mẹ con cháu ở trạm Mục Thịnh.

– Ðây đúng là Mục Thịnh rồi, nhưng không có ai tên như vậy. Chắc ba cháu ở trạm nghỉ chân dân chánh phía ngoài kia. Các chú ở đây có nhiệm vụ canh gác thôi. Trạm ngoài đó mới là nơi cháu cần tới.

Một chú bộ đội khác từ phía sau đồn xuất hiện, ân cần dìu tôi đi xuống chân đồi cho khỏi ngã. Vừa đi chú vừa hỏi han, dặn dò khiến tôi cảm thấy gần gũi và ấm áp như chú ruột của mình. Theo tay chú chỉ dẫn, tôi được khích lệ và tự tin bước tiếp.

Mới đi một lát, tôi đã thấy thấp thoáng mé đường bên phải nhấp nhô lán trại. Mừng không kể xiết, tôi lại chạy để tìm ba cho mau. Hai mắt cá chân quýnh quýu cứ va vào nhau đau điếng.


Trời xẩm tối tôi mới tới nơi. Phía trước tôi là một chòi nhỏ dựng tạm làm trạm kiểm soát, nơi một chú mặc thường phục đang ngồi trong đó. Bên ngoài, có rất nhiều người đứng lố nhố chờ đợi. Tôi không thể chờ như người lớn vì đang mệt như đứt hơi, vì đói khát và quá nóng lòng gặp ba. Tôi cần biết chắc chắn ba có đang ở đây không, hay tôi còn phải tiếp tục chạy tìm nữa. Dồn hết sức chen lấn ra phía trước, dù có phải nghe những tiếng lầm bầm của người lớn ; tôi lí nhí trong miệng với người bên cạnh :

– Xin cho cháu được nói chuyện với chú này trước, cháu đang có việc cần lắm.

Người đó nhìn tôi từ đầu đến chân, tỏ vẻ thương cảm – quay lại phía sau nói với mọi người :

– Cháu nhỏ cần giúp đỡ, các anh chị thông cảm.

Vừa lúc đó, chú ngồi trong trạm kiểm soát nhìn lên thấy tôi nhỏ xíu, quần áo mặt mũi lem luốc, liền hỏi :

– Cháu ở đâu tới và cần gì ?

Tôi mếu máo trả lời chú :

– Dạ cháu ở La Hai ra đây tìm ba. Chú chỉ giùm ba cháu ở đâu ? Má cháu đau nặng lắm ! Hu… hu hu.. hu…

Nói đến má, tự nhiên tôi bật khóc lớn. Tiếng khóc òa vỡ dữ dội không kìm lại nổi vì được dịp xả hết. Tiếng khóc vang động như làm xốn xang mọi người. Họ xúm lại vây lấy tôi hỏi han nhưng tôi không thể nín được để trả lời. Tôi đã khóc nhiều lần trên suốt con đường dài tới đây, nhưng mỗi lần đều do nỗi sợ hãi tấn công. Lần này thì khác. Ở đây mới đúng là nơi để tôi được khóc hết nước mắt, được “ xả hết ga ”. Nhiều người từ trong lán trại nghe tiếng khóc cũng ùa ra xem. Họ xúm xít vây chung quanh, chắc ai cũng muốn ngó xem mặt đứa nhỏ tội nghiệp ra sao. Rồi một vòng tay ôm tôi vào lòng vỗ về :

– Con ráng nín đi, nói đầu đuôi cho các cô chú nghe coi, ai ức hiếp con ?

– Dạ… Không ai ức… hiếp… hết. Con muốn… gặp.. ba.. hu.. hu.. hu…

– Ba con tên gì ?

– Dạ.. ba con là.. Trương.. Hữu.. Học.


Tôi cố gắng nín nhưng tiếng khóc vẫn tức tưởi, đứt quãng rồi thút thít dồn dập. Tôi bỗng nghe lõm bõm tiếng của ai đó : “ Hình như trong lán của mình có ông tên là Trương Hữu Học, ổng chờ đã ba bốn ngày rồi ”. Tôi vội vàng ngước lên, thấy thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông cao lớn, tay cầm ly nước từ trong lán tranh đi ra. Mắt tôi chớp lia lịa rồi đưa tay lên quẹt sạch nước mắt để nhìn cho rõ. Người đó tiến lại gần đám đông hơn. Tôi đăm đăm nhìn rồi hét lên mừng rỡ : “ Ba con kia rồi ! ”. Ðám người dạt ra rất nhanh để tôi lao tới ba. Ông bồng xốc tôi lên, siết vào lòng thật chặt, rồi hôn hít. Khi thả tôi đứng xuống đất, người ông vẫn rướn về phía trước, mắt ngong ngóng kiếm tìm. Tôi biết ba đang kiếm má, chị Hai và các em. Chắc ba tưởng mấy má con đang đứng, ngồi đâu đó. Thấy thương ba quá, tôi nói ngay cho ông biết tin tức ở nhà mà tôi đã học thuộc :

– Ba ơi, má đau nặng lắm, nhà mình không thể thực hiện kế hoạch như đã định được. Sợ ba trông nên má biểu con đi tìm ba nói như vậy. Ba sớm quay về đơn vị đi.

– Trời ơi, má con con khổ quá! Vậy mà ba không làm gì được trong hoàn cảnh này…

Ông còn nói thêm điều gì nữa nhưng tôi không nghe tiếp cho rõ ràng được, mếu máo kêu lên:

– Nhưng mà con đói lắm ba ơi…

– Ðược rồi, ba cho con ăn liền đây. Vào trong này với ba.

Ông vào trong lán lấy chiếc mền đơn rồi dắt tôi ra con suối sau nhà, tuột bỏ hết quần áo dơ của tôi. Sau khi được lau rửa sơ, ba quấn chiếc mền đơn quanh người tôi, rồi mau lẹ đưa vào trong lán, ngồi bên đống lửa to tướng giữa nhà. Ba hơ hai bàn tay trên lửa cho nóng rồi áp lên mặt tôi. Ba liên tục xoa xát mạnh lên chân tay tôi vì muốn truyền nhiệt thật nhanh cho con gái. Lúc ấy chắc trông tôi tệ lắm nên mới làm ba lo lắng như vậy.

Ba cho tôi uống một ca nước nóng có pha đường, rồi bảo :

– Con ngồi đây lát nữa cho ấm, ba ra suối giặt quần áo cho con.

Ðêm ấy, tôi ngủ trần truồng trong chiếc mền đơn quấn chặt trông như cái kén, không giường không chiếu. Tất cả mọi người đều nằm chung trên một dãy sạp 2 dài từ đầu đến cuối lán. Hai bên đống lửa là hai dãy sạp như thế cho hàng trăm người nghỉ chân. Tiếng sạp cọt kẹt mỗi khi có người cựa mình, trong đêm khuya nghe lạ lắm. Hàng trăm người nằm trên hai dãy sạp, nên không thể nào tránh khỏi phải nghe liên tục “ tiếng cựa mình ”, tiếng ngáy, tiếng nói mớ hòa với tiếng rừng khuya. Và âm thanh ấy đã theo tôi đến tận bây giờ.


Trương Tuyết Mai



Bài tiếp theo :

Tập kết

Tiệm cơm Tân An

BOUDA

Gặp gỡ

Tin dữ từ Paris


1  Một loại vải để may đồng phục cho bộ đội Liên Khu Năm thời bấy giờ.

2  Một thứ “ giường ” dã chiến làm bằng cây lồ ồ đập dập rồi kết lại.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us