Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / KẺ ĐI TÌM HÌNH THÙ CỦA TÌNH YÊU

KẺ ĐI TÌM HÌNH THÙ CỦA TÌNH YÊU

- Nguyễn Thanh Hiện — published 16/04/2011 22:48, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

truyện ngắn


KẺ ĐI TÌM HÌNH THÙ
CỦA TÌNH YÊU


Nguyễn Thanh Hiện



Thuở ấy có người con gái đi tìm tình yêu vĩnh hằng. Sấm chớp ở trên trời. Và sự bủa vây của những mưu toan đen tối nơi mặt đất. Hãy chờ em bên dưới vòm trời sao buổi sớm. Cứ sắp xảy ra một ngày mới là nàng lại nói với người mình yêu qua thứ ánh sáng có cả những yếu tố của ngày và đêm. Đem thân gái ra thử thách với chớp bể mưa nguồn thì gian truân đã đành. Đằng này, những mưu toan đen tối nơi mặt đất tựa sự ngu xuẩn lớn nhất trong những ngu xuẩn của con người làm cho nàng như chẳng còn bước nổi. Vào một ngày có ánh nắng chói chang của mặt trời tháng sáu, nàng dừng chân ở khu rừng thông ấy. Những con đường đầy cát. Và gió biển thì đang mang lại hương vị của bao la thoáng đãng. Tựa số phận run ruổi, nàng đã dừng chân chính nơi đang diễn ra sự cố coi như có tầm mức quan trọng của thế kỷ. Các nhà thông thái có vầng trán vừa đủ để tỏ ra mình là thông thái đang rao giảng thứ thuyết lý cao siêu vốn lấy từ kinh điển của thế kỷ trước nhưng đã được sửa sang qua nhiệt tình cháy bỏng của các vị. Nếu không có nó, đám trẻ tuổi các người hỏng bét hết… Cứ sau một hồi giảng thuyết, các vị lại thét vào tai đám cử tọa trẻ tuổi thứ lửa hỏa ngục chết người ấy. Là bị bắt buộc nghe giảng thuyết. Người ta đã tập hợp vào nơi rừng thông có tiếng biển gào cái đám trẻ tuổi đầu óc tăm tối gây bởi những năm tháng tăm tối trước đó. Nàng là tuổi trẻ, tất nhiên là nàng phải nghe giảng thuyết. Bởi các vị liệt vào loại đầu óc tăm tối hết thảy đám tuổi trẻ từng sinh ra và lớn lên ở miền đất ấy. Như chẳng thể kiềm giữ được lòng kiêm ái bao la như biển cả, các nhà thông thái của thế kỷ đã lăn xả vô dòng sông cuộc sống để cố vun bồi tri thức cho một lớp trẻ mà theo các vị, nếu không được vun bồi là hỏng bét cả. Các người là rường cột của đất nước, là vốn quí của dân tộc, nghe chưa? Sau những giảng thuyết tuy phức tạp nhưng cao sang, và sau những lần thét lớn để kích thích trí não đám tuổi trẻ, các vị thường dừng lại với những lời lẽ thâm u, vừa nói, vừa rớm nước mắt nhìn đám tuổi trẻ vốn bị quá khứ tăm tối làm cho đầu óc tối tăm. Vào một hôm có tiếng sóng vỗ vào rừng thông, có một vị trong các vị thông thái chăm chắm nhìn nàng, rồi bất chợt nắm lấy bàn tay mảnh mai của nàng, bảo là ông vô cùng yêu quí nàng, bởi trong những lần giảng thuyết ông đã nhìn ra những năng lực tiềm ẩn ở nơi người nàng, nên muốn đích thân truyền cho nàng những tri thức mới. Hãi quá, ngay tối hôm đó nàng đã trốn khỏi rừng thông, vì sợ đầu óc tăm tối của mình không thu nhận nổi thứ tri thức mới của nhà thông thái ấy. Và sau đó là nàng lạc vào miền đất đường đi thì trông thấy trải trước mắt nhưng đi mãi chẳng tới đâu cả. Chính ông cụ có những nếp nhăn nơi vầng trán mà ông gọi là vết sẹo, người thuộc phe toàn cầu hóa, đã chỉ cho nàng chỗ ẩn náu để khỏi bị bom đạn của cuộc chiến đang diễn ra ở miền đất ấy. Mấy thằng cha ấy khi ngồi ở bàn hội nghị thì nói như diễn thơ, nào trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, nào toàn cầu hóa là nhu cầu của văn minh đương đại, nhưng cũng chính mấy chả đã đi tuyên chiến với kẻ khác. Ông cụ nói. Và bảo nàng phải ngồi im ở đó, chờ cho hết cuộc chiến mới được đi. Nàng hỏi bao giờ thì hết cuộc chiến. Ông cụ sờ tay lên trán mình, bảo khi không còn đếm nổi số vết sẹo ở trán của mình thì cũng chưa chắc hết cuộc chiến. Nàng bảo như thế là có thể sẽ chết ở nơi trú ẩn. Ông cụ bảo có chết ở nơi trú ẩn cũng được, chứ sao đâu. Nơi trú ẩn của nàng là một ngôi làng nhỏ nằm heo hút bên một dãy núi lớn. Đồng ruộng thì hoang hóa. Số người đi lại trong làng thì như là ít hơn số nhà cửa. Hỏi thăm mới biết là người làng đã chết dần mòn trong cuộc chiến nhằm biến ngôi làng ấy thành một đất nước riêng biệt. Trước cũng có tổ quốc, nhưng là tổ quốc chung, giờ là muốn có tổ quốc riêng. Những người nàng gặp bảo với nàng thế. Té ra là đang diễn ra cuộc chiến nhằm tách ra khỏi một đất nước cũ. Là có một hôm, một người ăn bận sang trọng xưng là con cháu của một dòng họ trong làng mới từ cuộc hội nghị thế giới trở về, hô hào người làng hãy đứng lên giành lấy quyền tự trị của làng, chúng ta là có thần thánh riêng, có tổ tiên riêng, là có tập tục ăn nói ngủ nghỉ riêng, nên chúng ta phải có tổ quốc riêng, người sang trọng ấy nói, những lời nói như có phép màu, khiến cho người làng nghe theo, súng đạn là người ấy chở tới, mười người cầm súng ra đi, chưa chắc đã còn một người trở về. Nàng đã nghe người ta kể thế. Té ra là đang diễn ra cuộc chiến tranh bộ tộc của thời hiện đại. Anh cứ chờ em ở bên dưới bầu trời sao buổi sớm. Và nàng đã leo lên tận đỉnh núi ấy để gào to lên thế. Ông cụ thuộc phe toàn cầu hóa cũng leo lên đỉnh núi ấy để tìm nàng. Có nhìn thấy chúng đánh nhau hay không? Ông hỏi. Nàng bảo đúng là cuộc chiến tranh bộ tộc của thời hiện đại, bọn họ vừa bắn nhau bằng súng đạn, vừa cắn nhau bằng răng. Như có còn sót lại sau cuộc chiến thì hãy tiếp tục cuộc hành trình. Ông cụ khuyên nàng. Nàng bảo như có chết ở nơi ẩn náu này, thì sau khi chết nàng cũng vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình. Tình yêu vĩnh hằng cũng giống như hương hoa đồng nội, chỉ chiêm ngắm bằng tri thức, chứ chẳng thể nhìn thấy. Ông cụ nói, rồi từ biệt nàng, ra đi. Nàng có hỏi là ông sẽ đi đâu về đâu. Nhưng ông cụ chỉ mỉm cười, lặng lẽ xuống núi. Lát sau thì nàng trông thấy có đám mây hình thù kỳ dị đang rơi xuống trên đầu mình. Nàng cứ nhắm hai mắt lại thật chặt vì sợ. Nhưng khi lén hé mắt dòm thì thấy mình ở trên một con thuyền đang lênh đênh giữa trời mây.


Nguyễn Thanh Hiện

2010


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us