Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tin dữ từ Paris

Tin dữ từ Paris

- Trương Tuyết Mai — published 14/10/2014 11:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
trích đoạn (kỳ chót) hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP


Trích hồi ký LẬT TỪNG MẢNH GHÉP



Tin dữ từ Paris



Trương Tuyết Mai



Hai giờ sáng, điện thoại bàn réo gióng giả. Tôi hoảng hốt bật dậy, chạy vội vàng ra phòng khách nhấc máy. Một giọng đàn ông từ đầu giây bên kia, tức tưởi :

– Mất rồi em ơi !

– Anh nói sao ?

Anh Phước (1) nhắc lại mà như gào lên trong máy :

– Boudarel mất rồi. Anh vừa xem cáo phó trên truyền hình Paris. Không thể đợi đến ngày mai mới cho em hay, nên anh phải gọi ngay về cho em giờ này.

Tôi choáng váng muốn xỉu :

– Anh Phước nói sao ? Làm ơn nói lại cho em nghe đi !

Tự nhiên anh nói với tôi chậm rãi hẳn lại :

– Georges Boudarel đã mất rồi. Ngày 26 tháng 12. Em nghe rõ chưa ?

– Dạ, em nghe được rồi. Mà... có thiệt không anh Phước ?

– Em hỏi kỳ cục quá, truyền hình Pháp đọc cáo phó mà không đúng hả !

– Em xin lỗi. Họ còn cho biết thêm gì nữa không anh ?

– Anh không nhớ hết đâu. Chỉ nhớ là họ có nhắc nhiều đến công trạng của Boudarel đối với Ðảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam.

Tôi lẩm bẩm như người mất hồn : “ Bouda ơi ! Vậy là em vĩnh viễn mất anh thật rồi sao…”

– Em bình tĩnh nhé, đừng quá buồn mà ảnh hưởng sức khoẻ. Xin chia sẻ với em. Anh sẽ gọi về cho em biết thêm thông tin sau.

– Dạ, cảm ơn anh Phước đã báo cho em tin dữ này. Anh cho em gửi lời thăm chị.



Buông rơi điện thoại, ngã người xuống salon, tôi nghe những tiếng ong ong vang trong đầu. Thứ âm thanh kỳ dị này như cắt cứa từng nhát sắc ngọt vào óc tôi. Vội vàng nhắm mắt lại, tôi thấy mình hụt hẫng, chao đảo như đang quay trong tâm bão… Chỉ còn một mình, với nỗi đau, nỗi kinh hoàng thật sự, tôi cắn chặt răng để không bật ra tiếng khóc. Hai quai hàm bỗng nhiên bị cứng lại, run rẩy lắp bắp tên anh. Sao lại như thế ! Mới vài đêm trước thôi, trong chiêm bao tôi đã nghe anh gọi tên mình, tuy yếu ớt nhưng có vẻ khẩn thiết, hối thúc lắm. Hình như có điều gì linh thiêng mách bảo tôi phải sang Paris với anh ngay. Chưa kịp làm gì hết thì anh đã… “ Mới gọi đó mà Bouda ! Lẽ nào anh trốn chạy em nhanh như vậy chứ ? Không nhớ mình đã hẹn hò gì với nhau sao !... Bây giờ mới hơn hai giờ sáng, em phải làm gì cho anh được đây ”.

Tôi luống cuống, quýnh quíu. Biết là mình phải làm gì đó cho anh ngay tức khắc nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Cứ ngồi thần ra đó mà đau hoài thì cũng không ổn. Tôi thật sự muốn bay qua Paris để thắp cho anh nén nhang rồi quay về cũng được. Nhưng tôi lại không có điều kiện để thực hiện một chuyến bay quá gấp gáp như vậy. Phải làm sao đây ? Tôi không thể yên lòng nếu không làm một việc gì đó cho anh ngay. Chợt nhớ tới cuốn nhật ký – trong đó tôi đã cẩn thận chép lại những lá thư của anh gửi về, những cuộc chuyện trò qua điện thoại và những trang tôi viết về anh. Tất cả giờ bỗng trở thành quá khứ. Ranh giới giữa hiện tại và quá khứ sao mong manh như tơ tóc. Sẽ chẳng bao giờ tôi còn được nghe giọng nói trầm ấm của anh từ Paris gọi về nữa. Những lá thư điện tử, thư qua bưu điện hoặc thư tay của anh sẽ không bao giờ tôi còn được nhận nữa. Không thể tin điều đó Bouda ơi… Tôi bật đứng dậy lục tìm cuốn nhật ký, rồi đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối. Càng đọc càng nhớ và càng thương anh vô cùng.

Ðọc xong cuốn nhật ký thì trời cũng vừa hừng sáng, tôi ra phòng khách bật đèn, tìm chọn một nơi thích hợp để sửa soạn hương khói cho anh. Tôi phải làm công việc thiêng liêng này, vì biết anh chẳng có ai chăm sóc cho việc ấy. Hơn nữa, trọn một đời anh đã vì Việt Nam, ít nhất cũng còn một người Việt tưởng nhớ tới anh chứ! Tôi muốn tỏ lòng yêu kính, biết ơn và thương tiếc anh theo phong tục Việt Nam. Nhất định tôi phải làm một việc gì đó để phần nào bù đắp cho sự quên lãng của nhân tình thế thái. Và tôi sẽ làm được.



Nhà tôi nhỏ lắm, nơi đẹp nhất, trang trọng nhất đã dành đặt bàn thờ ông bà và cha mẹ rồi, chỉ còn nơi đặt tủ sách gia đình là tạm coi được thôi. Tôi quyết định chọn nóc tủ sách làm bàn thờ anh. Phủ ngay ngắn lên nóc tủ một tấm vải trắng rồi đặt di ảnh của anh lên đó. Chờ trời sáng rõ, tôi đi chợ mua hương hoa, trái cây, chân đèn, bát nhang và nến về làm lễ. Có một việc quan trọng tôi cần làm ngay là phải thông báo tin dữ này cho những người bạn của anh biết, đó là anh Bảy Cần, chị Xuân Mai, anh Huỳnh Văn Tiểng, anh Nguyễn Văn Kiên... Họ là những người bạn rất quý trọng và thương mến anh, từng đồng cam cộng khổ ở chiến khu Ð thời chín năm kháng chiến, và ở Ðài Tiếng nói Việt Nam lúc miền Bắc mới trở lại hòa bình (1954). Tôi cảm thấy ấm lòng khi nhận được những lời an ủi, chia buồn từ bạn bè của anh, nhất là những nhắc nhớ về kỷ niệm một thời oanh liệt. Họ đã cùng bên nhau chia sẻ bao hy sinh gian khổ, mà vẫn giữ vững lòng tin vào một ngày mai của Việt Nam. Tôi nén nỗi buồn đau vào lòng để lo chu toàn cho anh. Mỗi bữa tôi đều cúng cơm và thầm thì chuyện trò với anh bên di ảnh. Vẫn ánh mắt sáng và nụ cười trìu mến nhân hậu, anh nhìn tôi an ủi nâng đỡ. Ánh mắt ấy như níu tôi gần bên anh mãi.


*


Một hôm chị Hai tôi đến thăm, sau khi thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên ông bà, chị cũng thắp nhang và khấn trước bàn thờ Boudarel. Lòng tôi ấm lên một chút vì được chị của mình chia sẻ. Không ngờ sau đó chị gọi tôi lại gần, ôn tồn nói :

– Em không đặt bàn thờ “ ông Tây ” này ở đây được đâu. Nó vừa đối diện lại vừa cao ngang bằng với bàn thờ ông bà cha mẹ mình. Coi không ổn chút nào. Hơn nữa bạn bè tới nhà chơi, em sẽ trả lời với họ ra sao ? Có phải rắc rối cho em lắm không !

– Em chỉ đặt bàn thờ anh ấy tạm thôi mà, để tiện hương khói và cúng cơm mấy ngày đầu. Boudarel được một trăm ngày thì em sẽ đưa anh lên chùa Thiên Minh. Em đã xin phép thầy trụ trì ở chùa đó rồi, đến ngày thì các thầy sẽ làm lễ cầu siêu và nhập Hương Linh anh vào chùa, chị à.

Tôi muốn dừng lại, nói như vậy chắc chị Hai hiểu và thông cảm rồi. Tự dưng, như cảm thấy còn ấm ức trong lòng, tôi lại ngập ngừng nói tiếp :

– Nhưng mà… chị Hai à… đây là nhà của em… nên… em có quyền làm những việc cần thiết mà lòng mình muốn chứ. Em có làm ảnh hưởng gì tới ai đâu. Bạn bè có hỏi thì em trả lời : “ Ðó là một người đặc biệt ”. Vậy cũng được chứ sao !

Chị Hai có vẻ phật ý, nghiêm mặt nhìn tôi, giọng hờn mát :

– Ai không biết là nhà của em. Chị chỉ nói vậy, còn tùy em suy nghĩ.

– Dạ, tất nhiên rồi. Em sẽ liệu mà.

Thấy tôi xuống giọng, không ngờ giọng chị cũng mềm lại, nhưng chẳng khác mệnh lệnh tí nào :

– Nghe lời chị, tính liệu ngay đi !

Tôi buộc miệng lẩm bẩm : “ Tội nghiệp cho anh quá ! Nhang khói chưa ấm chỗ ! ”.

Nhà tôi nhỏ hẹp nhưng lại nhiều cửa sổ. Cái nào cái nấy chiếm gần hết diện tích mấy bức tường. Ðã vậy bức tường bên trái còn bị thấm ẩm, không thể đặt bàn thờ anh vào đó được. Những khoảng trống còn lại thì đều không thể là nơi đặt bàn thờ. Tôi thấy ý kiến chị Hai cũng đúng, vậy phải làm sao đây. Suy đi tính lại mãi, tôi đành quyết định dời bàn thờ anh vào phòng ngủ của mình. Chỉ có cách đó là ổn nhất, không sợ ai nhòm ngó, cũng không sợ có lời ra tiếng vào. Phòng ngủ là thế giới riêng biệt của tôi, chắc chắn sẽ an toàn tuyệt đối. Nghĩ sao làm vậy. Tôi thắp cho anh ba nén nhang và nói rõ việc di chuyển bàn thờ, xin anh hiểu và phù hộ : “ Vậy cũng tốt anh ạ. Em sẽ nhang khói và chuyện trò với anh mỗi đêm…”.

Tôi loay hoay xếp đặt cho yên chỗ của anh trong phòng mình, phải là nơi trang trọng nhất mới được. Di ảnh của anh được đặt trên mặt chiếc tủ nhỏ bằng gỗ gõ màu ấm, nằm sát tường gần cửa phòng. Lư trầm, lọ hoa, bình nhang, chân nến cũng được sắp bày ngay ngắn. Tôi hài lòng ngắm nghía rồi mỉm cười, cảm thấy rất ấm áp vì điều đó. Phòng ngủ là không gian riêng tư, không ai tham gia ý kiến gì được. Tôi hoàn toàn yên tâm với quyết định của mình.

Ban thờ anh đặt trong phòng tôi được gần ba năm, cứ ngỡ là sẽ mãi mãi. Nhưng không ngờ bất ổn lại đến, khiến tôi muốn làm ngơ cũng không được.

Bữa đó là một ngày hè oi ả, tôi nhìn ra cổng khi nghe có tiếng còi xe hơi. Vui quá vì Lệ Trâm và Mỹ Dung đến thăm. Chúng tôi là bộ ba thân thiết từ nhiều năm trước. Tôi là biên tập âm nhạc, Lệ Trâm là ca sĩ, Mỹ Dung là kỹ thuật âm thanh của Ðài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Mấy chị em thường hỗ trợ nhau trong công việc và có nhiều điểm chung nên mỗi lần gặp mặt là chuyện trò không dứt. Tếu táo thả ga, những trận cười cũng được xả ra hết cỡ.

Ðang ăn uống ngon lành, quạt máy đã bật số lớn nhất mà Lệ Trâm vẫn luôn miệng kêu nóng bức chịu không nổi. Tôi đành thỏa hiệp với hai nàng :

– Ðược rồi, cứ ăn xong thì sẽ mát ngay. Vào phòng chị mở máy điều hòa là ổn chứ gì.

Lệ Trâm nhanh nhảu :

– Ðem đồ ăn vô phòng luôn đi chị. Bảo đảm sẽ ăn ngon hơn đó.

Mỹ Dung lên tiếng phản đối liền :

– Ðem đồ ăn vô phòng ngủ cho nó hôi rình hả. Ăn xong đã cô nương !

– Yên trí đi, chị vô phòng mở máy điều hòa trước nghen.

Ba chị em tôi chất lên một cái giường đôi, trong căn phòng tuy nhỏ nhưng mát rượi. Tha hồ “ tra khảo ” nhau đủ chuyện buồn vui. Ðang cười như nắc nẻ bỗng Lệ Trâm lộ vẻ thảng thốt, khựng lại hỏi :

– Ủa, chị Mai thờ ai vậy ?

– Bí mật.

– Bí mật lắm hả ? Sao tụi em không biết gì hết ?

– Ðã nói là “ bí mật ” mà tụi em biết sao được.

Mỹ Dung cũng vội quay về hướng có đặt bàn thờ, lên tiếng :

– Người Pháp hả chị Mai ? Ðẹp quá ! Chắc là người vô cùng đặc biệt của chị phải không. Kể cho tụi em nghe “ bí mật ” này đi. Giữ kín hơi bị lâu à nhen.

– Chuyện dài mà không vui em ơi. Mình nói chuyện khác đi.

Lệ Trâm không chịu thôi, giọng nửa đùa nửa thật :

– Chị không kể cũng được, nhưng em thấy không nên để bàn thờ anh trong phòng ngủ của chị. Bộ định không lấy chồng nữa hả ?

Tôi thụi nhẹ vào lưng Lệ Trâm, trả lời cho qua chuyện :

– Trời ơi, con nhỏ này rắc rối ! Có ai dòm tới chị nữa đâu mà…

Mỹ Dung cũng góp thêm :

– Em thấy Trâm nói đúng đó. Lỡ ai vô phòng chị mà thấy bàn thờ vậy, thì còn dám gì nữa…

– Hai em là ngoại lệ. Chưa có ai dám “ liều mạng  vô đây đâu. Thôi, đừng nói linh tinh nữa. Phòng chị là nơi yên ổn, an toàn nhất cho “ người đặc biệt   này đó. Chị tính rồi, đúng là không có chỗ nào tốt hơn.

Trâm vẫn khăng khăng :

– Em chưa thấy ai đặt bàn thờ trong phòng ngủ bao giờ. Không tốt cho chị đâu. Nghe em, dời anh ra phòng khách đi. Thu xếp chỗ nào đó, cũng ổn thôi mà.

Không ngờ Lệ Trâm tỏ ra quan tâm và ân cần như vậy, tình cảm ấy đã khiến tôi chạnh lòng, cảm thấy quyết định lâu nay của mình bị lung lay.

bm

Ngày tái ngộ (Bệnh viện La Pitié - Salpétrière, Paris,
1999, ảnh do tác giả cung cấp)

Một hôm khác Hữu Dũng đến thăm, tôi đem chuyện này tâm sự với em trai của mình. Dũng trầm ngâm hồi lâu rồi nói :

– Chị để em sắp đặt và dời bàn thờ anh ra phòng khách cho. Ý kiến chị Hai, Mỹ Dung và Lệ Trâm đều đáng quan tâm. Mình sẽ khắc phục để tránh sơ suất chị ạ. Không nên chuyển dời bàn thờ nhiều, dễ bất ổn lắm, mà cũng tội cho anh nữa.

– Nhưng nếu dời anh ra phòng khách thì sao tránh được những tò mò thắc mắc của bạn bè, hả em ?

– Chị lo gì chứ ? Nhà của chị, chuyện của chị, quyền của chị – có nhất thiết phải giải thích với mọi người không ? Ai thân thiết thì chị tâm sự, không thì thôi. Hơn nữa, việc hương khói cho anh Boudarel không phải chỉ cho riêng chị đâu, nó còn mang ý nghĩa lớn hơn nhiều đó.

– Ý em là sao ?

– Chị không nghĩ tới à ? Nếu ai hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của anh Boudarel cũng sẽ nể trọng anh vô cùng. Người Việt Nam lại càng hơn vậy. Em nói thật đó. Nén nhang chị thắp cho anh mỗi đêm còn có sự gửi gắm của nhiều người nữa. Chị đừng quên anh có rất nhiều bạn bè, cả những nhà trí thức lớn trên thế giới, họ rất yêu quý, kính trọng và đã hết lòng vì anh (2). Em tin anh sẽ vui khi biết vẫn còn nhiều người tưởng nhớ và nặng lòng với mình. Ðâu phải thân xác không còn là xong hả chị, ảnh biết hết đó !

– Cảm ơn em đã thấu hiểu và dành cho anh nhiều tình cảm.

– Chị yên tâm, để em lo cho.

Vừa dứt tiếng, Dũng đã rời khỏi salon, đi lui đi tới ngắm nghía căn phòng. Bỗng Dũng quay lại, đột ngột hỏi tôi :

– Mình đặt di ảnh anh trên đàn piano được không chị ? Vừa đạt yêu cầu vừa đẹp và lịch sự.

– Chị sợ bị vang động, ảnh hưởng không tốt em à.

– Chắc không sao đâu, anh sẽ nghe nhạc hàng ngày càng tốt.

Vừa nói Dũng vừa cười.

– Nếu không có chọn lựa nào khác, chị đành phải ít đụng đến đàn thì mới được.

– Quyết định vậy đi. Chị đừng băn khoăn nữa. Em thấy anh “ ngồi ” ở đó là ổn nhất.

– Thôi vậy cũng được. Chị vào phòng thắp nhang cho anh rồi mình chuẩn bị làm công việc nha.


Bàn thờ Boudarel đặt trên đàn piano gần sáu năm rồi, không đêm nào tôi quên thắp nhang cho anh. Mỗi lần thầm thì với anh về những buồn vui trăn trở, về những nỗi đời cực nhọc, ngang trái, ánh mắt và nụ cười anh như hóa giải hết mọi điều cho tôi. Ánh mắt và nụ cười ấy luôn tỏa ra ánh sáng dịu nhẹ, vừa đủ ấm áp, vừa đủ nâng đỡ tôi những lúc chông chênh nhất.


“ Bouda ơi ! Cứ thế nhé ! Em sẽ hát bài Đợi chờ (3) cho anh nghe mỗi ngày ! ”.


Trương Tuyết Mai






NGUỒN : Đây là chương cuối cùng mà, với sự đồng ý
của tác giả, chúng tôi trích đăng từ hồi ký
Lật từng mảnh ghép của Trương Tuyết Mai,
nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014, 388 trang.





Các bài trước :

Tìm cha

Tập kết

Tiệm cơm Tân An

BOUDA

Gặp gỡ




1 Một người bạn Pháp gốc Việt ở Paris.

2 - Nhà văn Nguyên Ngọc : “G.Boudarel đã sống một cuộc đời rất gian nan, nhiều sóng gió, nhưng thật đẹp. Luôn là một con người trung thực đến cùng và là một chiến sĩ của tự do”.

- Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn (hiện ở Moskva) : “Anh là một con người luôn luôn quan tâm đến cái mới, luôn luôn đứng về phía cái đúng ; một người bạn thẳng thắn, cởi mở”.

- Nguyễn Văn Kiên (nguyên biên tập Ban Pháp ngữ Đài TNVN, trong bài: Boudarel – người bạn, người đồng chí của nhân dân Việt Nam: “Anh là một người Pháp chân chính đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Anh là người xứng đáng được quý trọng và biết ơn”…

- Daniel Hémery, nhà sử học, là đồng nghiệp của G. Boudarel trong suốt 30 năm, và cùng hoạt động trong Mặt trận Đoàn kết với Đông Dương (FSI): “Georges không phải chỉ là một bộ óc bác học, một giáo sư xuất sắc, luôn luôn tìm tòi, đọc sách bốn phương tám hướng, học hỏi không ngừng nghỉ để giảng dạy, thực sự chiến đấu cho một đường hướng giáo dục mà chúng tôi muốn thực hiện. Bouda thực sự là một militant…”

- Agathe Larcher trong bài viết Thầy Georges : “… Qua những bài giảng của ông, tôi học được nhiều nhất, xa nhất, không phải chỉ học làm sử, mà học cả làm người… Tôi yêu quý thầy Boudarel vì ở ông, tôi hiểu được sự đa nghĩa của con người, sự phức tạp của mỗi chọn lựa vượt ra ngoài khuôn phép của thành kiến và chuẩn tắc của thời đại, sự mảnh mai, mòn mỏi cũng như mạnh mẽ của con người… Georges Boudarel làm tròn công việc của một nhà giáo và thực sự đã làm hơn thế nữa rất nhiều.

- Tạp chí Diễn Đàn số 112, Paris tháng 12. 2001 : “… Bên cạnh Bouda đã thành hình một Ủy ban ủng hộ, mà hàng đầu là hai nhà toán học, bạn chí cốt của Việt Nam – bà Hélène và ông Laurent Schwartz (L. Schwartz, cha đẻ của thuyết phân bố – théorie des distributions, giải thưởng Fields, thành viên Viện hàn lâm khoa học Pháp; người đã thành lập các Ủy ban Việt Nam thập niên 1960)… Một ban trị sự của hội đã được thành lập, gồm Laurent Schwartz (chủ tịch danh dự), Jeanine Gillon (chủ tịch), Catherine Derivery (tổng thư ký), Heinrich Schutte (thủ quỹ), Christopher Goscha, Nguyễn Ngọc Giao, Jean- Claude Serex.

- Tin Nhanh Việt Nam (24.3.2008) trong Câu chuyện đời người của một nhà Việt học (Nguyễn Ngọc Giao) : “…Niềm an ủi lớn là xung quanh Boudarel, đông đảo bạn bè Pháp, Việt, Mỹ, Đức đã bảo vệ ông, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho ông trong suốt 12 năm cuối đời.

3 Là ca khúc Trương Tuyết Mai viết về mối tình của hai người.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us