Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tình Nhã Nam

Tình Nhã Nam

- Trần Tuấn — published 05/12/2011 10:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

       

Tình Nhã Nam


Tùy bút của Trần Tuấn


1.

Cây khế già trước sân nhà văn Nguyên Hồng ở trên đồi Cháy (Bắc Giang) có vị thật lạ. Hay đó chỉ là cảm giác của riêng tôi, kẻ lần đầu tiên về Nhã Nam trong tâm trạng đón đợi từ quá lâu?. Khi mấy chữ ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Nguyên Hồng đầy sức ám gợi về một thời, một đời văn chương nhiều lạ lùng…

 

bia



bia


   

Những quả khế chín vàng, căng mẩy được Bình – cháu nội nhà văn hái xuống còn đính theo cả chùm lá xanh mướt. Nhấm nháp múi khế, cùng chén rượu Vân Hà. Vị chua dịu ngọt dịu thơm dịu của khế với vị nồng dịu của thứ rượu làng Vân nổi tiếng đất Bắc Giang khiến kẻ khách lạ chếnh choáng. Cái hương vị lạ lùng dẫn dắt tôi nhìn ra một con mắt khác như câu thơ của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn Mưa Nhã Nam: “Có đôi mắt nào mở to trong tim ta/ Và mỗi cái chớp mắt đều khiến ta nhói lòng ...”.


Con trai nhà văn Nguyên Hồng (bên phải) và tác giả

Ông Nguyễn Vũ Giang, người con thứ hai của nhà văn, hiện sống tại chính ngôi nhà xưa để quản thủ di sản tinh thần của cha mình, cùng tôi ngồi dưới gốc khế nhấm nháp chén rượu khế. Kể, từ hơn 60 năm trước, Nguyên Hồng ngồi tàu từ Hải Phòng về Bắc Giang, ôm khư khư cái nồi đất có ươm cây khế nhỏ xíu. Giờ thì nó đã tỏa bóng rộng dài xum xuê thế này đây. Gốc cây già đã bạch phếch theo thời gian, vậy mà hương vị, hoa trái, lá cành vẫn tươi mởn sức sống. Lại kể, sinh thời Nguyên Hồng mỗi lần viết, thường ra vườn hái một quả ổi còn nguyên lá đặt trên bàn như một cách tìm cảm hứng. Nhưng chính khế, mới là món nhâm nhi với rượu của nhà văn lúc cao hứng. Cái món nhắm dường như chỉ mang nặng hương vị tinh thần, giữa cảnh sống lao lực, đói rét thời ấy. Người ta đang tôn vinh Cây di sản, như cây me của anh em nhà Tây Sơn đất võ Bình Định. Còn với đất Văn trên đồi Cháy - Nhã Nam này, nơi những danh tài Ngô Tất Tố, Kim Lân, Đỗ Nhuận, Trần Văn Cẩn. Tạ Thúc Bình ... từng đưa gia đình về quây quần làm hàng xóm của nhau trong những ngày kháng chiến, như một làng văn chương, thì cây khế Nguyên Hồng có xứng đáng là cây Di sản ?

Tôi về Nhã Nam đúng bữa giỗ bà Nguyên Hồng. Nghe kể khi cùng chồng ôm 5 đứa con dứt áo rời đất Hà thành, cụ Vũ Thị Mùi đang làm ở hiệu sách ngoại văn, biết tiếng Pháp. Nhiều lúc hai vợ chồng nhà văn người ngợm lam lũ như thợ cày trong căn nhà tranh vách đất lè tè trên ngọn đồi Cháy vẫn đàm đạo với nhau bằng tiếng Pháp. Đêm đêm, cụ bà vẫn thường giúp chồng chép bản thảo. Thế mới biết đức nhẫn nại hy sinh của vợ nhà văn, cùng chia sẻ bầu khí khái với chồng dám bỏ tất cả để về sống đời đói rét mà thanh thản.


2.

Nhã Nam – miền đất của tình văn chương. Bắt gặp trong cuốn nhật ký Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc một Nhã Nam trong trẻo: “Tới đây từ 1.10, thế mà đã gần 2 tháng. Hai tháng đi qua cái cửa tre quen thuộc, cái thanh tre chống khung cửa dưới dốc, cái hàng rào dứa khi mình đến, còn lưu lại vài quả chín vàng, thơm lựng … Ta muốn thăm lại thị trấn Nhã Nam, quả bàng chín rụng, thăm hòm thư của bưu điện giấu một niềm tâm sự, một lời thủ thỉ… Ta muốn lại ngồi trong quán nước, gặp bà hàng nhai trầu bỏm bẻm, muốn đi qua sân bóng, muốn vào thăm mái lều san sát của bãi chợ ồn ào… Ta muốn vào thăm nhà bên kia đồi, có cái xe bò và có anh chàng canh đồi dẻ, thăm cụ già mù bật ngón trên cái kèn đưa người ra ruộng. Ta muốn mãi ngồi trên “đồi mặt trời” để sớm sương giăng, mặt trời đỏ ôm lấy ta mà bay lên. Muốn mãi ngồi trong bếp của bà, nghe bà kể chuyện …” (trích nhật ký đề ngày 23.11.1971).

Chợ Nhã Nam

Nhã Nam là nơi chàng trai Hà Nội giỏi văn nhất miền Bắc Nguyễn Văn Thạc được đưa đến huấn luyện để hành quân vào chiến trường. Thi sĩ nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm, tác giả của “Xúc xắc mùa thu” cũng cùng tuổi Nhâm Thìn (1952) với Thạc, cùng đi bộ đội và cùng những ngày tháng quân trường ở Nhã Nam. Trong nhật ký, Nguyễn Văn Thạc nhiều lần nhắc đến người bạn lính Hoàng Nhuận Cầm như là một chàng thi sĩ hơi ngang tàng, suy tư nhiều về đời sống, thường hay “lang thang trong đêm”, từng có những ngày “bê tha ở chợ Nhã Nam”... Thạc hiểu về sự suy tư trước tuổi của bạn mình, bởi anh nhận ra ở con người đó một tố chất thi ca mạnh mẽ.

Cũng cùng một tuổi với Cầm và Thạc, cùng đợt 3 tháng luyện quân ở Nhã Nam là nhà văn Bảo Ninh. Và cũng kỳ lạ, khi Nhã Nam là một chốn đi–về đau nhói của Bảo Ninh, qua nhân vật Kiên trong tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi Buồn Chiến Tranh. Câu chuyện tình không tên, một hơi thở lạ mát mịn thoáng qua của Kiên với cô bé Lan con bà mẹ Lành trên Đồi Mơ mà tổ tân binh “tam tam” của anh ở nhờ. Ra khỏi cuộc chiến, Kiên trở thành một người đàn ông váng vất, u buồn. Sau nhiều năm, anh trở lại Đồi Mơ – Nhã Nam, gặp lại Lan, giờ đã thành người đàn bà luống chiều tuổi tác, xạm xĩnh vì thời gian, không chồng con, cứ bên Đồi Mơ mong ngóng về một thứ ngày xưa nào đó... Bà mẹ Nhã Nam năm xưa từng cưu mang những chàng trai văn chương xếp bút nghiên lên đường, như Cầm, như Thạc, như Ninh, đã mất quá lâu rồi, ngay sau khi cùng lúc nhận được 2 giấy báo tử của hai đứa con trai. Chiến tranh mà, ngay cả hai người bạn cùng tổ tam tam với Kiên trên Đồi Mơ ngày ấy, cũng đều nằm lại chiến trường.

Đồi Mơ – Nhã Nam đã làm Kiên “tỉnh lại trong ý thức về một thiên mệnh đầy thôi thúc. Thôi thúc một cách tha thiết và u buồn. Đời anh rộng mở: hãy đi và hãy sống …”. Để người lính trận nhận ra rằng phải cầm bút viết về cuộc chiến tranh, “viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ …”.



Chân dung Nguyên Hồng

Tôi nhớ bốn chữ “Huyết Lệ Thành Văn” đóng khung trên tường nhà cụ Nguyên Hồng, trên nền giấy đã ngả màu rêu ẩm cứ hồng lên tưởng chừng vẫn đọng từng khối nước mắt bên trong, khi nhớ tới một Xuân Hồng chợt cười, chợt khóc. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, tôi gặp tại một đêm rượu Nhã Nam, khi còn đương là Trưởng ban Văn nghệ đài PT-TH Bắc Giang chuẩn bị chuyển sang làm Phó TBT Tạp chí Sông Thương. Gương mặt sần sùi đỏ hồng, giọng nói giọng cười sang sảng. Cụ Nguyễn Hoạch - thân phụ của anh ngày trước là bạn với nhà văn Nguyên Hồng. Thời còn bé, thỉnh thoảng các văn nghệ sĩ từ ấp Cầu Đen đến nhà chơi, anh thường được giữ chân “điếu đóm”. Nhiều lần bố sai mang rượu đến nhà cụ Nguyên Hồng. Nhiễm máu văn chương đã đành, ngay cái “bệnh” thương người, hay khóc của nhà văn Bỉ Vỏ tự bao giờ cũng lẫn sang anh. Bởi vậy hai tập thơ của Xuân Hồng đều chất chứa cái tình ngay từ tên sách: Nước Mắt Đòng ĐongBây giờ, Cơm Nắm.Cơm nắm à/Cơm nắm ơi/Quê mình cơm nắm ở/Cơm nắm đừng bỏ quê mình đi/Đêm nao con khóc thầm thì/Mẹ ơi, bây giờ cơm nắm”. Cả một lần dừng chân ở đất Quảng Nam sau cơn bão, Xuân Hồng cũng ầng ậng nước mắt: “Không thể nuốt trôi, miếng rượu đắng ngầu bọt bể/Không thể nghe hết bản tin cơn bão số một chưa tan/Bé em ơi – là em bé Quảng Nam/Tôi là kẻ giang hồ, qua đây gặp bé/-Nước mắt bé em, đã mặn hơn muối bể …”. Bây giờ thì sau một cơn bạo bệnh, Xuân Hồng đã đi gặp cụ Nguyên Hồng …

Lúc lên thăm mộ Nguyên Hồng trên đồi Án, tôi bắt gặp nơi an nghỉ của thầy giáo Khuất Chi Mai nổi tiếng đất Nhã Nam, người bạn vong niên với nhà văn. Một cái tên như bút danh thi sĩ. Kỳ thực cụ Mai bị mất một cánh tay, nên chọn cái tên chữ cho mình như vậy. Cụ Mai ngày ấy là hiệu trưởng trường cấp 2 xã Quang Tiến (huyện Tân Yên), cách nhà Nguyên Hồng vài trăm mét. Năm 1972, mái rạ của ngôi trường tuềnh toàng ấy bị tốc, học trò lướt thướt gió mưa. Nhà văn Nguyên Hồng khi ấy dù cảnh nhà hết sức neo bấn, đã đem tặng cho trường toàn bộ số tiền nhuận bút tiểu thuyết Sóng Gầm vừa mới nhận. Số tiền ấy đủ để lợp ngói cho 2 lớp học. Là những lớp học đầu tiên được lợp ngói tại đất này, lợp bằng mồ hôi nước mắt trên từng trang sách của nhà văn nghèo. Sau này ngôi trường ấy được mang tên nhà văn Nguyên Hồng.

3.

Tôi nhớ trong thiên truyện ngắn Mưa Nhã Nam, Nguyễn Huy Thiệp đã tả người anh hùng Đề Thám một mình phóng ngựa trong đêm mưa Nhã Nam về Yên Thế. “Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng òa khóc. Ông khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người. Đề Thám sụt sịt như một người thường: một anh bán bánh đa mật ở chợ Kế, một viên công chức quèn, một chàng thợ bạc vụng về, một ông giáo nghèo … Ông khóc như chưa bao giờ là một anh hùng, một người khởi nghĩa”. Mối tình sét đánh giữa Đề Thám và cô Xoan, một sơn nữ chỉ qua cái nhìn đầu tiên. Nhưng Đề Thám đã hãm mình, bởi biết không thể bước qua giới hạn. Điều người khiến “hùm xám” quật cường ấy bật khóc, lại là một chữ “tình”.

Tình Nhã Nam …


bài và ảnh: Trần Tuấn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us