Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trường ca Hồi ức về những con đường... / Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (34)

Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (34)

- Nguyễn Thanh Hiện — published 16/11/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Nguyễn Thanh Hiện


TRƯỜNG CA


HỒI ỨC VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT

TÔI ĐÃ ĐI QUA




Ba Mươi Bốn,


Em,
Cái Có Thể,
Và Nhà Nghiên Cứu Phong Hoá [*]
Của Một Vùng Đất,



lỡ dấu tình em vào năm tháng
một cánh chim bay
mỏi mắt trông
đường trần thăm thẳm
chân chưa chán
xương lỏng áo mòn vẫn cứ đi
tôi ngồi giữa trời cao đất rộng
thấy mây bay hiểu cuộc phù sinh,


nhà nghiên cứu phong hoá tiếp tôi và em như những khách quí, tôi hơi bàng hoàng khi bước vào căn phòng ấy, bởi những nỗi niềm của nhà chép sử bằng đất là còn tác động tâm trí tôi, bấy giờ là tôi cảm thấy có cả uyên ương gãy cánh, có cả lác đác mưa ngâu, và cả những vị thần tài hớn hở (là rất nhiều vị, chứ chẳng phải là một) ở nơi phòng làm việc của nhà nghiên cứu phong hoá của một vùng đất, quả thực là sau khi vượt qua thứ bố cục văn minh vô cùng phức tạp của làng phố núi, tôi và em bỗng bước vào nơi làm việc của của một nhà phong hoá, sang trọng thì chưa phải là sang trọng, có điều, cách bày biện trú sở làm việc kiểu vương quyền ngay giữa cái không khí văn minh có cả thứ mông muội tiền sử lẫn hiện đại tân kỳ khiến tôi có cảm tưởng là mình đang trải qua một thứ cung đàn lỡ nhịp, cái cung cách nói năng tiếp đãi của con người đó quả là chịu ảnh hưởng khá rõ thứ hành chính pháp trị xưa nay các bậc trị nước vẫn yêu thích, các vị đến với nền văn minh non trẻ đang phát triển này là để chơi một chuyến cho biết hay là đã có tính kế an cư dài lâu, ông ấy đã đặt vấn đề định cư ngay sau khi tiếp trà nước tôi và em, về sau mới biết quả tình nơi đó người ta đang cần sự nhập cư của các dân tộc đa số, là trong nước hay ngoài nước cũng được, nhằm để cho các dân tộc thiểu số ở đó không còn chiếm đa số, còn lúc ấy thì tôi cứ nghĩ đấy chỉ là cách ăn nói ngoại giao của một nhà phong hoá, là cũng có ý muốn lập nghiệp ở đây, nhưng chẳng dám nghĩ là có thực hiện được hay không, tôi nói như một thứ kế hoãn binh, đẹp, những người hầu của ngài nghiên cứu phong hoá của một vùng đất quả là những cô gái đẹp có tầm cỡ, sau những giây phút lượn lờ qua lại nơi phía nhà sau của đám gái hầu là một bữa tiệc được bày biện có vẻ hơi linh đình ở nơi phòng khách có cửa sổ trông ra khu nhà sàn có nhiều tiếng cười đùa của đám người nước ngoài mà theo lời chủ nhân đó là khu du lịch giá cao dành cho loại khách nhiều tiền, chim cuốc nướng lá lốt, thịt mang hấp gừng, tất nhiên không phải là bia rượu ngoại, mà là rượu cất từ hạt cây tu mu ngâm sừng con mân mê, phải nói là một nhà phong hoá vừa đa cảm vừa có khí vị đế vương, khi tôi hỏi hạt cây tu mu là hạt gì, và sừng con mân mê là sừng con gì, thì ông ấy cùng lúc dùng cả hai bàn tay sang trọng của mình để cùng nâng hai bàn tay của hai thực khách, là tôi và em, và đặt lên đó những cái hôn theo cung cách của các vì vua cổ đại, xin các vị chớ hỏi, vì đó là những gì để khiến đám khách ngoại quốc phải kính nể nền văn minh của chúng ta, hoá ra việc tôi tò mò về tên gọi các thứ món ăn rừng đã đánh động thứ nhiệt huyết dân tộc độc đáo ở con người ấy,


cái đó là thuộc về chủ nghĩa dân tộc

bỏ vào miệng nhai là lập tức nghe thấy mùi vị của một dân tộc

khi gọi cái hạt cây có tên tu mu

và khi gọi con vật rừng có tên con mân mê

là nghe thấy âm vang dân tộc truyền lại từ những ngàn năm trước

thứ gì trên đời này cũng hư hao

nhưng chủ nghĩa dân tộc thì không

nếu một người nào đó

sau khi uống chén rượu ngâm sừng con mân mê thì kêu lên là anh ta muốn mãi mãi ở lại nơi này

thì chúng ta sẽ sẵn sàng để cho anh ta ở lại

chuyện đó là thuộc về chủ nghĩa dân tộc

chuyện đón nhận một người khác yêu mến nền văn minh này là thuộc về chủ nghĩa dân tộc

hoặc một vị đứng đầu một nền văn minh giàu có nào đó

sau khi đặt chân lên nơi đây thì thích thú la lên các anh là bạn của chúng tôi

và sau đó thì vì bạn hữu bọn họ đã đem cả tiền của và khoa học kỹ thuật làm giàu có thêm nền văn minh chúng ta

thì chuyện đó là cũng thuộc về chủ nghĩa dân tộc,


tôi nhớ bấy giờ em cứ đưa mắt sang phía tôi như để chia sẻ về sự hoang mang trước một thuyết lý có vẻ hơi mới mẻ, là thứ chủ nghĩa dân tộc có tính toàn cầu, hay chủ nghĩa dân tộc hướng ngoại, hay là một thứ chủ nghĩa dân tộc mang tính thực dụng, tôi thấy chẳng có giả thiết nào ổn cả, nhưng chẳng lẽ một nhà nghiên cứu phong hoá của một vùng đất lại ba hoa nhăng cuội để che đậy sự dốt nát, tôi nghĩ, và bắt đầu thấy lo cho em, liệu một con người đang mang trong mình một thứ chủ nghĩa có vẻ khó hiểu như thế có phát hiện ra dòng máu nguy hiểm em đang mang người hay không, nhưng dường bấy giờ có ngọn gió núi mát lành nào đó đã thổi qua chỗ đa cảm trong con người đang mang trong mình thứ chủ nghĩa khó hiểu, kể từ giờ phút này, nếu cô gái thấy thích, là có thể bắt đầu làm trợ lý cho tôi, ông nói thẳng với em về quyết định của ông, có vẻ quá đường đột, như thể là em đang có một thứ khả năng kỳ diệu nào đó chỉ có con người đang mang trong người thứ chủ nghĩa kỳ dị ấy là mới nhìn thấy được, và em, cùng với tôi, lúc bấy giờ như đang đứng trước một canh bạc quá lớn, người chơi bạc đòi đặt cược bằng chính con người em, và bấy giờ thì em cũng nghĩ như tôi, là cứ liều một phen coi thử, nên sau cái nháy mắt ra hiệu của tôi là nên đồng ý đi, thì em liền nói, rất cám ơn ông,


tôi quyết định ngồi viết nơi khu rừng cạnh nhà bảo tàng nghệ thuật của nhà chép sử kỳ cục, thỉnh thoảng lại sang trò chuyện cùng ông

vui vì đã có một người bạn lạ thường

và vì em đang có thể tìm được cái có thể ở nơi đó

nhưng vào một chiều mùa hạ

buổi chiều ảm đạm nhất trong cuộc đời tôi và em

từ chỗ nhà nghiên cứu phong hoá em trở lại chỗ tôi với gương mặt u buồn

thì ra nhà nghiên cứu phong hoá nhận em làm trợ lý cho mình là để ông có thể thực hiện một công trình nghiên cứu mới về đẻ,

ông đã nói với em rằng việc đầu tiên của ông là sẽ thăm dò khả năng sinh đẻ của em,


những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang làm hoen ố xứ sở

vào cái buổi chiều mùa hạ ảm đạm ấy em chỉ nói với tôi mỗi lời ấy

và trong suốt cuộc hành trình đi tìm cái có thể sau đó em đã trở thành kẻ lặng lẽ

mãi khi chỉ còn mỗi mình tôi nơi xứ sở của mình tôi đã phát hiện ra những mảnh nhật ký em đã để lại cho tôi

những mảnh nhật ký không đề ngày tháng tôi vẫn gọi là Nhật Ký Ngoài Năm Tháng và vẫn đem ra đọc khi buồn nhớ em,


_________


[*] Nói Thêm Về Nhà Nghiên Cứu Phong Hoá,



Để hiểu thêm về nhà nghiên cứu phong hoá ấy, tôi xin chép ra đây bài diễn thuyết của ông về Đẻ, bài diễn thuyết đã khiến ông trở thành nhà nghiên cứu phong hoá của một vùng đất,


Đẻ là chuyện của muôn loài. Từ cỏ cây đến muông thú, không loài nào là không đẻ. Chỉ khác nhau ở cái cách thức đẻ mà thôi. Chuyện đẻ của cỏ cây là tùy thuộc vào cuộc lang bạt kỳ hồ của hạt. Vì bắt đầu chuyện sinh đẻ của cỏ cây là đơm hoa, kết trái. Và trái sinh hạt. Và hạt già rụng (hoặc đem gieo) để nảy mầm trong đất mà mọc thành cây. Cho nên khi nói cỏ cây đẻ mà không thấy đẻ. Còn chuyện kết trái từ hoa là phải nhờ có trời đất, là bàn tay của gió mưa, bàn tay của ong bướm. Chuyện sinh đẻ của cỏ cây là chuyện vòng vo thế sự. Nhưng các loài muông thú thì khác với cỏ cây. Các loài muông thú là chẳng nhờ ai. Con vật đực là cứ việc ăn nằm với con vật cái. Chỉ có điều, mỗi loài muông thú lại có cách ăn nằm với nhau và cách đẻ của loài giống mình. Con gà thì đẻ trứng, sau đó mới nở ra con. Nhưng con ngựa thì đẻ liền ra con. Con gà đẻ một lần cả chục cái trứng. Tức mỗi lần đẻ đến chục đứa con. Nhưng con ngựa thì mỗi lần chỉ đẻ một đứa (Nếu đẻ hơn một đứa là chuyện hiếm) Con có lông như gà, lại đẻ trứng. Nhưng có lông như ngựa, sao không đẻ trứng mà đẻ con, chỉ trời mới biết. Con người thì chỉ biết lơ mơ rằng, lông mao như ngựa, như trâu bò, thì đẻ con. Còn lông vũ, như chim như gà, thì đẻ trứng. Và cũng chỉ biết lơ mơ rằng, do con người lông mao, nên con người cũng đẻ con. (Còn như con người mà đẻ trứng lại là chuyện trần gian mộng ảo). Có một chuyện con người biết đích xác là hết thảy các loài muông thú khi ra khỏi lòng mẹ là liền biết đi đứng. Nhưng con người khi ra khỏi lòng mẹ thì chỉ nằm khóc. Hay là trời sinh ra chỗ khác này là để cho con người làm ra văn minh. Nhất định các loài muông thú khác là không có văn minh. Từ buổi có mặt trong trời đất, lũ chim chóc, lũ trâu bò, là vẫn cứ đẻ theo cái cách thức trời sinh. Nhưng con người, khi đã có văn minh, là đẻ theo cách của văn minh. Là đàn ông  đàn bà vẫn ăn nằm với nhau như thuở chưa có văn minh. Nhưng muốn đẻ hai đứa là đẻ hai đứa. Muốn đẻ ba đứa là đẻ ba đứa. Còn như không muốn đẻ nữa là không đẻ nữa. Nhưng phải nói một câu, nếu không có sự hợp tác của cái bộ máy đẻ của phụ nữ thì văn minh cũng bó tay. Nói rõ ra, nếu không có sự hợp tác của cái buồng trứng phụ nữ, thì ánh sáng văn minh cũng bó tay. Hay nói một cách khác nữa là nếu không có sự giác ngộ của cái buồng trứng của phụ nữ thì văn minh cũng bó tay. Đã đến lúc toàn thể loài người trên thế giới phải thừa nhận sự vĩ đại của cái buồng trứng của phụ nữ thời đại. Hoan hô cái buồng trứng của phụ nữ thời đại.



Phụ Lục,

Nhật Ký Ngoài Năm Tháng, [*]



[…]

xin cho tôi
những ngày tháng bình yên…


lúc bấy giờ thì tôi đã chết nhưng còn bị những kẻ ngông cuồng của thế kỷ truy đuổi, tôi chạy trối chết, còn bọn họ thì đuổi sát sau lưng, phải bắt cho được nó, tôi nghe những giọng nói thật quen, những giọng nói tôi vẫn nghe thấy trong những buổi mét ting diễn thuyết ở làng, buổi ấy, cứ năm ba hôm các nhà thông thái lại mở mét ting, diễn thuyết về tình hình trồng lúa trồng mía ở trong nước, về những xung đột ở các nước phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn, bấy giờ thì tôi chạy trối chết, quả là thân gái cố cùng, tôi chạy trốn trong niềm đơn độc vô biên, bởi chẳng thấy nửa bóng dáng ai nhìn thấy mình trong cuộc hoạn nạn khốn cùng, đừng chạy nữa, hãy dừng lại chịu trói đi, cái cách hô hét ấy khiến tôi kinh hãi vô cùng, hô hét như thế có nghĩa là những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang nắm phần chắc trong tay, là bọn họ sẽ bắt được tôi, sẽ trói tôi, và lôi tôi đi như một con vật, vừa chạy, vừa hình dung cảnh ấy, tôi nghe não lòng đến chẳng còn muốn sống chút nào, nhưng lại nghĩ là mình còn trẻ, còn có thể góp một chút gì cho đời, trong giờ phút hiểm nguy tôi đã nghĩ ra được một cách trốn chạy coi như giải pháp tối ưu vào lúc ấy, là không nên chạy trên con đường chính của làng, mà chạy trở lại những con đường tuổi thơ tôi đã trải qua, tôi quyết định, và vụt cái, đã thấy mình đang chạy trên những bờ cỏ trên đồng làng, nỗi sợ hãi vẫn không thể xoá đi những ký ức trong tôi, bấy giờ là tháng ba, cỏ mồng gà đang trổ hoa, tháng ba là mùa chọi cỏ mồng gà, tháng ba lũ con trai vào hội đánh cù, còn bọn con gái bọn tôi vào hội chọi cỏ, tôi sợ muốn chết, nhưng đầu óc vẫn cứ nghĩ đến hội chọi cỏ, phải bắt cho được đứa mang trong người dòng máu nguy hiểm, những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đã vào tới đồng làng, tới giây phút ấy dường như bọn họ trở nên hung dữ hơn, hãy giết nó đi thôi, đồ nguy hiểm, cứ nghe những hô hét của bọn họ lúc bấy giờ, tôi biết là họ trở nên hung dữ, không được, cứ chạy trên đồng làng thế này thì bọn họ sẽ dễ dàng bắt được tôi, tôi nghĩ, và quyết định tiến vào khu rừng tái sinh dưới chân dãy núi phía nam đồng làng, chốn giang sơn phù hoa của thuở ấu thơ, thuở ấu thơ của lũ trẻ chúng tôi thì khu rừng tái sinh ấy là thiên đường của mơ mộng và những niềm hạnh phúc giản đơn, chỉ nghĩ đến việc lùa bò vào rừng, trưa, bày cơm mo cau lên gọp đá chỗ bờ suối, ăn cơm mo cau, uống nước suối, nằm ngủ trên đá dưới bóng cây rừng, chỉ nghĩ đến đó là chúng tôi, đám trẻ chăn bò trong làng, đã cảm thấy mình đạt được niềm hạnh phúc vô biên, tôi chạy vào khu rừng tuổi thơ, cứ nghĩ là ký ức tuổi thơ sẽ giúp tôi chiến thắng bất cứ nỗi đe dọa nào của trần gian, nhưng là tôi ảo tưởng, hãy đuổi theo, nó kìa, là bọn họ đã trông thấy tôi, trong phút hiểm nguy, tôi nhoài xuống lòng con suối, nép người vào bờ đá, nhưng người ta đã bắt được tôi, đưa tôi tới một nơi, mới bước vào tôi đã nhận ra đó là chỗ ngồi của vua những người chết, ông ấy môi dày, mũi to, mắt to, hình ảnh vua diêm vương ngồi trên chiếc ngai vàng màu đen trong những câu chuyện kể của mẹ tôi vẫn còn nguyên trong trí nhớ, tôi thấy những kẻ ngông cuồng của thế kỷ nói gì đấy vào tai vua của cõi chết, vẻ rất thân thiện, vua diêm vương mà cùng phe với bọn họ thì tôi chết là cái chắc, tôi cứ thấy bủn rủn chân tay khi nghĩ đến chuyện chết, hãy giết nó đi, lời phán quyết của vua cõi chết vang lên như tiếng sấm ở trên trời, và người ta liền đưa tôi đến một gian phòng rộng thênh thang, tòa án diêm vương, tấm biển treo nơi bậu cửa đập vào nỗi sợ hãi ở trong tôi, nhưng không có lũ đầu trâu mặt ngựa như mẹ tôi kể, những vị quan tòa y như những nhà thông thái tôi nhìn thấy trong các buổi mét ting diễn thuyết ở làng, tất cả các vị công tố của tòa án diêm vương đều đứng lên buộc tội tôi là kẻ đang mang trong người dòng máu nguy hiểm đối với xứ sở chốn trần gian, cuối cùng thì ngài chánh án, người mặc áo chùng đen với cổ cồn đỏ và đội mũ đỏ, đứng lên đọc lời phán quyết của tòa, hãy giết nó đi, vị chánh án lập lại lời vua diêm vương, cũng giọng nói y hệt như giọng nói của vua diêm vương, có nghĩa giống nhau cả về tiết tấu và nhịp độ ở trong cách nói, và ở chốn pháp trường tôi lại gặp lại vị chánh án sang trọng ấy, ở chốn pháp trường tôi đã rơi vào tâm trạng dửng dưng đối thân xác của mình, thì còn nghĩ chi nữa khi tôi sắp bước vào cõi không còn là cuộc sống, tôi cứ nghe dửng dưng, chẳng chút nghĩ ngợi, khi nghe ngài chánh án của tòa án diêm vương hô to đã đến giờ hành quyết, tôi thấy ông ấy ném thẻ lệnh xuống trước mặt tôi, và hô chém, lúc nghe cây đao của tên đao phủ chạm vào cổ tôi thì tôi giật mình tỉnh ra, việc làm đầu tiên là sờ thử lên cổ của mình, thấy tôi còn sống thì mừng vô kể, thì ra tôi chỉ nằm mơ mà thôi, tôi nằm mơ thấy mình đã chết mà còn bị những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đuổi bắt được, đem ra chém,


[…]

là giấc mơ
nhưng chẳng phải giấc mơ…


bà lão ăn xong những chiếc rổ đan bằng nan tre thì xoay sang ăn những chiếc rổ bằng nhựa, tôi thấy lo lắng vô cùng, rổ bằng nan thì còn khả dĩ, đằng này, rổ bằng chất nhựa chế tạo từ công nghệ hiện đại, nếu răng cỏ bà lão còn đủ cũng chẳng thể ăn được, cũng sắp tối rồi, bà không lo cơm nước, ngồi ăn chi những thứ rổ rá, tôi nói như để đánh thức bà lão vì bấy giờ cứ nghĩ là bà ấy đang lầm lẫn chi đó, bà lão ngưng việc ăn những chiếc rổ nhựa, ra hiệu tôi im, từ phía cuối làng đang vọng lại những tiếng hoan hô và đả đảo, hoan hô cái cày gỗ của làng, đảo lũ toàn cầu hoá, thì ra dân làng tôi đang xuống đường phản đối cái gọi là toàn cầu hoá, thú thật, từ ngày mấy tiếng toàn cầu hoá thâm nhập vào làng tôi thì chẳng người làng nào biết nó chính xác là cái gì, chỉ thấy dấy lên một nỗi lo sợ chẳng thể lý giải, nỗi lo sợ vô cớ bỗng ập xuống ngôi làng nghèo khó, theo cách nghĩ của những kẻ đi chân đất ở làng tôi thì toàn cầu hoá có nghĩa là sắp tới chẳng có gì là thuộc về mình, mà thuộc về thế giới, hết thảy những gì con người làm ra được là thuộc về thế giới, và chiều hôm ấy là người làng tôi bắt đầu xuống đường để phản đối thứ tai họa ấy, một lũ vô tích sự, bà lão lầm bầm sau khi nghe thấy những tiếng hoan hô và đả đảo từ cuối làng vọng lại, mà cháu cũng nên về lo việc nhà của cháu đi thôi, bà lão nhìn tôi, nói, rồi tiếp tục ăn những chiếc rổ nhựa, lần này tôi hơi hoảng vì bà lão bỗng ngậm chiếc rổ, ngửa mặt lên trời, thở, chắc bà ấy chết mất, tôi nghĩ, nhưng loáng cái, chẳng còn thấy những chiếc rổ nhựa, cũng hơi khó nuốt một chút, bà lão nhìn tôi, nói, vẫn còn nguyên vẻ mặt cấp bách, thì ra tôi đã hiểu ra, những người làng khác chống toàn cầu hoá bằng xuống đường phản đối, còn bà lão láng giềng của tôi thì bắt đầu ăn những gì bà tạo dựng được, nhưng khi bà bắt đầu ăn những chiếc dao xắt thịt bằng sắt thì tôi mới thực sự lo sợ bà ấy chết, nhưng cuối cùng thì chẳng hề chi, chẳng nhìn thấy giọt máu nào chảy ra ở miệng bà lão sau khi bà ấy nuốt hết mấy con dao bằng sắt, nhưng khi thấy bà lão nằm dài xuống trước bếp nấu, bắt đầu gặm những ông táo kê bằng đá núi thì tôi phải lên tiếng can ngăn, bếp là để nấu ăn bà không nên hủy nó đi, tôi nói, bà lão ngưng gặm những hòn đá núi, giận dữ nhìn tôi, cháu đâu biết nó là của ông nhà tôi hồi còn sống đã mang tự trên núi về, thì ra, đây là thứ tài sản còn quí giá hơn những dao rổ , hình như là máu đã bắt đầu ứa ra từ môi miệng bà lão, tôi sợ, nhưng chẳng dám can ngăn, cũng chẳng còn đủ can đảm để tiếp tục đứng nhìn thứ sự việc chẳng bao giờ tôi nghĩ có thể xảy ra trên đời, tôi về nhà thắp đèn, nằm nghĩ mãi về cách chống nỗi lo sợ toàn cầu hoá của bà lão, nỗi lo sợ vô cớ đã ập xuống xóm làng tôi, những người làng xuống đường chắc đã về cả, chẳng còn nghe thấy tiếng hoan hô đả đảo, vào khoảng quá nửa đêm tôi nghe đánh rầm một cái tựa ai đó đã xô ngã ngôi nhà bà lão láng giềng, tôi lo lắm, song chẳng còn dám sang, vừa hừng đông, tôi hé cửa dòm thử, thì thấy quả nhiên nhà bà lão đã biến mất, tôi vội vã chạy sang, thì thấy bà lão đã chết tự hồi nào, bà ấy nằm chèo queo trên nền nhà trống trơn, miệng còn ngậm mỗi bàn tay của mình, nhờ mấy cọng tranh rạ còn dính nơi môi mép bà lão nên mới biết căn nhà của bà chẳng phải ai mang đi mà do bà ấy đã ăn vào bụng, tới lúc ấy tôi mới hiểu ra, sau khi ăn hết những gì mình đã tạo dựng được, bà lão vẫn thấy chưa yên tâm với cái gọi là toàn cầu hoá, đã quyết định ăn luôn thân xác bà, có điều, sau khi ăn ngôi nhà và những vật dụng trong nhà, bà không còn đủ sức thực hiện quyết định cuối cùng, nên chỉ vừa bắt đầu ăn bàn tay của mình thì bà đã chết, thú thật ,tôi chẳng lo chuyện toàn cầu hoá tí nào, mà chỉ sợ người ta truy đuổi mình, vào những tháng năm ấy tôi luôn lo sợ người ta truy đuổi tôi, và mỗi lần nỗi sợ hãi ấy ập đến thì tôi lại nghĩ đến cách chống nỗi sợ hãi của bà lão, là phải tự ăn mình,


[…]

hết thảy những dòng sông
vẫn cứ chảy…


_______


[*] Nói Thêm Về Nhật Ký Ngoài Năm Tháng,



bấy giờ tôi vô cùng hứng thú khi đọc nhật ký không ngày tháng của em, và một hôm tôi bỗng nảy ra ý viết tặng em, cũng là nhật ký không đề ngày tháng, tôi viết để kêu gọi em hãy cùng tôi biết ơn người đã đục thông đêm sang ngày, Ông Hỗn Độn,


hãy tin chắc rằng trên mặt đất hỗn độn này, bạn đã có tri kỷ,

cứ thử chạm vào trí nhớ và lắng nghe, bạn sẽ nhìn thấy những câu chuyện mang cốt cách con người thuở mù tăm, bởi trí nhớ chúng ta chẳng qua cũng chỉ là sao chép ký ức vạn đại phiêu diêu của loài giống con người, nhân loại, nó là cả xác thân thối rữa cùng những phiêu diêu vạn đại khôn nguôi, ta muốn nói là bạn hãy cứ thử chạm vào trí nhớ,


ông hỗn độn đục khí trời tới ngày thứ tám mươi mốt thì nghe chim đa đa phương nam hót
“có gì vui mừng chăng?”
“chờ đến mấy mươi ngàn ngày đêm mới gặp được”
“chim đương nói ai?”
“về người con gái mang trong mình mùi phù sa và gió ”
“nhưng là gặp ai?”
“nỗi cô độc mấy mươi ngàn ngày đêm chảy thành dòng ký ức đen ngòm hành lang phế tích niềm căm giận tà gian cũng thành khối thành tảng rắn tựa ngọc bích kim cương trong niềm tin thần thánh cứ thành dòng thành dòng yêu thương căm giận chảy suốt qua những phế tích hoang tàn những chữ nghĩa cứ tiếp nối nhau sau những gào thét những ngọn lửa thiêu rụi được cả thế giới của quỷ ma vẫn cứ ẩn mình sau niềm câm lặng cho đến hôm thì nghe thấy được mùi phù sa và gió”
“là chim đương nói về chàng trai cô độc nào đó vừa nhận ra mùi phù sa và gió?
“thưa phải”
“một chàng trai cô độc suốt bấy nhiêu năm tháng?”
“và vừa thấy ánh sáng truyền vào  thì nỗi cô độc liền nhận ra mùi phù sa và gió”
“ta đục khí trời cho ánh sáng truyền vào đêm tối khi ngày ấy hiện ra thì thoáng thấy một dạng hình giờ nghe chim nói mới rõ”
,


tôi muốn nói là bạn hãy cứ thử chạm vào trí nhớ
và lắng nghe,


em biết không
là sắp có một cuộc tình tan chảy vào phù sa và gió
sắp có những con người vừa thoát khỏi ngục tù cô độc để bước đi giữa phù sa nguyệt bạch
phương nam dằn dặt bước chân của đất,

là mãi hàm ân
tôi và em là sẽ mãi hàm ân kẻ đục khí trời cho ánh sáng tràn vào đêm tối
cho tôi và em nhận ra nhau giữa trần gian trăm nẻo,


tôi muốn nói là bạn cứ thử chạm vào trí nhớ để nhìn thấy những câu chuyện mang cốt cách con người,


chim đa đa phương nam vẫn hát về mùi phù sa và gió
còn ông hỗn độn thì vẫn tiếp tục đục khí trời cho ngày thông vào đêm,


“khi ta thò tay vén đêm tối cho ánh sáng truyền vào thì thoáng thấy nét vĩnh hằng”
ông hỗn độn nói,

“nét vĩnh hằng khắc vào cuộc phù du”
chim nói,

“phải, lộng lẫy và huy hoàng”
ông hỗn độn nói,


là sắp có những con người bước vào phù sa và gió như tôi và em thuở ấy,
bạn chớ nói với tôi một lời nào về những bài hát đất phương nam
bởi tôi cứ muốn những thứ đó mãi mãi là bí tích của tình yêu,


tôi vẫn muốn nói với em về những bài hát mang nặng mùi phù sa và gió
những bài hát buồn bã của đất phương nam sẽ dày vò tôi đến chết,




(còn tiếp)


Xem các bài đã xuất bản tại đây



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us