Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng

Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng

- Trần Tuấn — published 22/01/2008 16:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Bút ký


Anh em nhà Thạch Lam,
từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng



Ký của Trần Tuấn


Sáng cuối tuần chớm đông Hà Nội, ra phố ngồi lơ ngơ với ly chè chén ghế gỗ. Gọi cho Phạm Xuân Nguyên tính cà phê tán phét, thì nghe đầu bên kia chàng đầu bạc ham chơi bảo đang trên đường đi Hải Dương. Dăm phút sau, nghe anh gọi lại : “Mới qua cầu, đang ở đâu tớ quay lại đón, hôm nay đi trại Cẩm Giàng chơi !”. “Cẩm Giàng” ! Hai chữ ấy chợt nhói trong tôi một thứ gì đó, như có cơn gió thốc nhẹ...

Trong “Tuyển tập Văn miền Trung thế kỷ XX”, Nhất Linh (Nguyễn Tuờng Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) – hai nhà văn gốc miền Trung mỗi người góp 1 truyện. Nhất Linh với truyện “Nhặt lá bàng”. Kể về một nhà văn trong đêm đông gác lạnh chong đèn viết nhưng bất lực trước trang giấy. Cảm hứng của chàng là gió. Trong khi ấy dưới đường có hai chị em đứa bé co ro rét run nhưng suốt cả đêm cũng vẫn lạy giời cho những đợt gió đông nổi mạnh nữa để thổi rụng những chiếc lá bàng chín. Rụng chiếc lá nào là chạy đi nhặt lấy, từng cái một, buộc thành gánh đem về bán. Để cho người ta sưởi ấm. Thạch Lam có truyện “Gió lạnh đầu mùa”. Ký ức về Cẩm Giàng hiện rõ. Đứa bé trai tên Sơn và chị gái tên Lan, có bà mẹ hiền từ, có người vú nuôi chăm chút, trong một ngôi nhà ấm cúng, đủ đầy áo rét cho cả nhà vào buổi sáng trời bất chợt nổi bấc vào đông. Buổi sáng đầu đông, xóm nghèo bên cái chợ chơ vơ mấy túp lều tranh lộng gió ấy là những đứa trẻ vẫn quây quần chơi nghịch như thường ngày, nhưng áo quần rách rưới đang run lên vì lạnh. Chị em Sơn đã chạy về nhà lấy chiếc áo bông cũ đem cho một đứa con gái nghèo con bác Hiên hàng xóm. Sau hai chị em sợ mẹ mắng, đi tìm đòi lại chiếc áo. Nhưng khi về nhà đã thấy bác Hiên đem trả lại áo rồi. Mẹ đã giúi vào tay bác Hiên năm hào để về may áo cho con. Chuyện đơn giản, hầu như không có cốt truyện, không thắt mở kịch tính. Nhưng lại toát lên cái lạnh lẽo của phận đời và sự ấm nóng của tình người...


duong-thach-lam

Đường Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giàng bây giờ


Chiếc xe ôtô nhỏ xíu do chính Tổng biên tập Ngô Hà Thái của Văn Hóa Thể Thao cầm lái loay hoay một đỗi rồi cũng đậu lại được ngay Cẩm Giàng. Quê ngoại anh Thái cũng chẳng cách Cẩm Giàng bao xa. Hai “lão” bạn thân này thường có cái thú ngao du đâu đó vào cuối tuần, không xa ngái như kiểu Nguyễn Tuân lọ mọ về Cửa Đại (Hội An) hóng gió một đêm hay về làng Bảo An – Gò Nổi Điện Bàn xứ Quảng thăm chơi với Phan Khôi, ..., mà gần gần kiểu như ngày xưa những khách văn chương Đinh Hùng, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Khái Hưng, Trần Tiêu, ... về trại Cẩm Giàng này uống rượu. Có lẽ thị trấn Cẩm Giàng với cái ga xép hiu hắt, cái xóm chợ âm thầm với những ngôi nhà cũ mới lặn vào tâm trí tôi từ thuở đọc trang văn đầu tiên của anh em nhà Thạch Lam so với thực tế hiện tại, cũng không khác nhau là mấy. Tôi cũng có một tuổi thơ nơi ga xép Phú Xuyên – Hà Tây ngót bốn mươi năm trước, cho đến giờ ký ức vẫn ám muội với hồi còi thê thiết cùng cột khói than đen dài như bất tận thả vào những buổi chiều đông vắng. Và những cây bàng, thật nhiều lá bàng đang chín đỏ trên cây, đến nỗi anh Nguyên phải bật hỏi : “Cây bàng, chính là ở đâu nhỉ ?”. Tôi trả lời, bàng thì nhiều nơi có, nhưng vùng này thì quả thật nhiều. Những chiếc lá bàng chín đỏ lác đác rơi theo gió, mà những đứa trẻ xưa nay đâu ?


ga camgiang

Vẫn đìu hiu ga xép Cẩm Giàng

loivao

Lối dẫn vào Trại Cẩm Giàng xưa


Đầu con đường mấp mô đất dài chưa đầy cây số nối từ thị trấn kết thúc về phía cánh đồng, dưới bụi tre xanh mát có tấm biển bằng sắt màu xanh ghi mấy chữ “đường Thạch Lam” là cái chợ quê chắc chỉ họp vào buổi sáng vẫn còn đượm nét xưa cũ xứ Bắc. Ghé vào chụp tấm ảnh, chưa kịp hỏi han thì các cô các bà đã xôn xao : “Các bác tìm nhà cụ Thông Nhu hồi trước chứ gì ? Cứ đường này đi thẳng, rồi rẽ phải, không thì quay lại đi theo ga Cẩm Giàng ...”. Tôi sực nhớ cái đận năm 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên hỏi tìm đến từ đường dòng họ Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, phố cổ Hội An (Quảng Nam), cũng gặp những sự chỉ vẽ rành rẽ như vậy, rằng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân là những ai, bút danh gì, viết những gì ..., cho dù từ nửa đầu thế kỷ 19, cụ Nguyễn Tường Phổ – tiến sĩ khoa Nhâm Dần năm Thiệu Trị thứ hai (1842) được triều đình điều chuyển từ Cẩm Phô ra làm tri phủ ở Cẩm Giàng trong một lần “luân chuyển cán bộ”, và đã khai nguyên ra nhánh Nguyễn Tường nơi đất Bắc. Sau này, quen thuộc với bao nhiêu lần về Cẩm Phô, tôi vẫn gặp sự ấm áp như vậy. Có một điều chắc hẳn nhiều người nhận ra về con người Hội An, đó là vẫn cương trực, thẳng thắn như mọi người dân xứ Quảng, nhưng người phố cổ lại chứa đựng nét tinh tế, tao nhã đến lạ, điều đáng tự hào của một di sản văn hóa thế giới không chỉ dựa vào tiêu chí những ngôi nhà cổ. “Phố cổ Hội An, những mái nhà rong rêu xưa cũ. Cảm giác êm dịu mát rượi lan tỏa từ những khu vườn thâm u bóng cây bóng lá, từ mùi hương mê hoặc của hoa Đại và Ngọc Lan Hương. Một nỗi buồn xa vắng và thanh tao. Cố nhớ một điều gì đó, một con người nào đó rất đỗi thân quen mà tưởng như đã quên từ lâu lắm ... Thạch Lam ! Đúng rồi, đây chính là thế giới của Thạch Lam, thế giới của những “Nắng trong vườn”, “Dưới bóng hoàng lan”, của “Gió đầu mùa”, và “Ngày mới”, của cả “Hà Nội băm sáu phố phường”, thế giới ngân nga, run rẩy của những sợi tơ hồn có thể cảm nhận được những thay đổi về cường độ ánh trăng hay âm sắc các loại lá khi khô rụng va vào đất như lời nhận xét của một nhà văn thời ấy ...”. Mười lăm năm trước, tròn 50 năm ngày mất của Thạch Lam (28/6/1942 – 28/6/1992), tôi đã viết vậy, và đến giờ, vẫn thấy còn nguyên cái cảm giác ấy, dù Hội An đã có nhiều đổi thay. Dù trong cuộc đời ngắn ngủi 32 tuổi xuân chưa một lần có dịp về Cẩm Phô quê nội, nhưng tôi tin từ trong tinh huyết, Thạch Lam đã và vẫn luôn là chàng trai tao nhã phố Hội, từ trong nếp nghĩ, nếp sống tới trang văn. Một gạch nối tinh tế giữa Tràng An và Hội An, cộng hưởng với nếp đầm ấm tình người của những phận đời đói lạnh dưới những tán bàng thủa ấu thơ nơi Cẩm Giàng ...

boao

Bên bờ ao xưa trại Cẩm Giàng

Men theo con đường sắt ngang qua ga Cẩm Giàng cũ kỹ ắng lặng, rồi qua một đoạn đường lát đá có lẽ đã lâu đời, rẽ tay trái bước qua một cảnh cổng nhỏ, bất đồ chúng tôi bắt gặp bóng mát im lìm trong vườn cây vây bọc ngôi nhà nhỏ trên nền xưa của gia đình họ Nguyễn Tường. Có một chữ rất hay, không rõ thời ấy ai trong số những yếu nhân của Tự lực Văn đoàn đặt ra, đó là chữ “trại” : trại Cẩm Giàng, lấy làm nơi chuyên thù tiếp đàm đạo với khách văn chương của văn phái. Hay hơn cụm từ “Nhà khách văn chương” mà địa phương đang có nhã ý đặt tên khi trưng dụng lại khu vườn mảnh đất này để phục dựng lại một di tích văn chương. Chủ của “trại Cẩm Giàng” hiện thời là một ông lão 75 tuổi quắc thước - ông Nguyễn Văn Đạm, cùng vợ và một bầy con cháu. Ông Đạm vồn vã rót nước mời khách phương xa. Anh Nguyên anh Thái đã chẳng lạ nơi này, mang ra tặng gia đình tờ báo VH-TT có bài viết về Tự lực Văn đoàn và trại văn chương Cẩm Giàng. Nguyên mảnh đất vườn 1.000 mét vuông xanh mát này, từ sau năm 1954 được nhà nước giao cho ông Nguyễn Văn Thiệp - xếp ga Cẩm Giàng lưu dung. Sau 1975, ông Thiệp chuyển về ga Giáp Bát (Hà Nội), giao lại đất nhà cho người em ruột là ông Đạm đây khi đó từ mạn Thái Nguyên xuống. Ông Thiệp nay đã vào tuổi 93. Ông Đạm kể, ngày ấy bom Mỹ san bằng thị trấn, cả khu vườn này cũng không tránh khỏi. Bởi vậy, từ một cái ao nhỏ xưa cũ xuất hiện rất nhiều trong những trang viết của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Tường Bách ..., thì vườn nay có thêm một cái “ao” mới, nhỏ hơn, là hố bom Mỹ để lại. Ông Đạm tuy là dân kỹ thuật, không dây dưa gì với văn chương, nhưng cứ cắc củm từng hoài niệm về gia đình những văn nhân thủa ấy. Đưa ra một chiếc lọ bằng sứ trắng nhỏ xinh, ông Đạm khoe : “Cái này là lọ phấn sáp của gia đình bà Thông Nhu, tôi vét ao tìm được. Có tới 5-6 cái, mấy anh em gánh bùn tranh nhau lấy hết. Dưới ao chắc còn nhiều vật dụng của gia đình mấy ông ấy ...”. Khi Thạch Lam mất ở Hà Nội, vợ của nhà văn đã bồng bế hai con nhỏ, trong đó có một cậu con trai mới sinh được 3 ngày tuổi về sống tại Cẩm Giàng. Ông Đạm giọng có vẻ hơi bùi ngùi : “Mai mốt địa phương thu đất lại làm di tích, tôi cũng hơi tiếc, vì đây là đất đẹp, đất lành, nhưng tôi cũng vui vẻ sẵn sàng giao lại. Để mọi người biết Cẩm Giàng, Hải Dương này đã sinh ra những nhà văn như thế ...”.

Nói đến chuyện di tích, tôi lại nhớ về di tích đã được xếp hạng là Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, gọi đầy đủ là Dinh quan Binh bộ Thượng thư - Nhuận trạch hầu Nguyễn Tường Vân – người có tên ghi trong Đại Nam Liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn. Cụ Nguyễn Tường Vân là thân sinh tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ. Nguyên gốc họ Nguyễn Tường là Nguyễn Văn, được vua Gia Long ngự ban đổi thành “Nguyễn Tường”. Dinh hiện tọa lạc tại số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên trên chùa Cầu, vốn được xây dựng từ năm 1806, tái tạo năm Duy Tân thứ 3 (1909), qua nhiều đời đã xuống cấp nặng nề. Sinh thời, trừ Thạch Lam mất sớm, còn lại các anh em họ Nguyễn Tường ở Cẩm Giàng đều đã có dịp về thăm quê nội, và theo học giả Nguyễn Văn Xuân, bức hoành “Nguyễn Tường Từ Đường” đang treo trang trọng nơi di tích là do người con thứ 4 trong số 7 anh em là Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo) cúng dường trong một lần thăm quê vào đầu những năm 30 thế kỷ trước. Năm 1992, tôi về đây, gặp 3 hộ gia đình gồm khoảng 20 người già trẻ lớn bé đang sống tạm bợ trong di tích gần đổ sụp, người lớn tuổi nhất là bà Lê Thị Thanh, 75 tuổi, là dâu trong họ. Bà cho biết đây là nhánh nhất của tộc Nguyễn Tường, hiện tại đây còn 2 người là Nguyễn Tường Dũng và Nguyễn Tường Quý, ở Đà Nẵng có một người là Nguyễn Tường Hưng. Di tích nhà cổ Hội An có ba hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước, tập thể (hội quán, đình chùa) và tư nhân. Hai hình thức sở hữu sau, theo quy định chỉ có thể được nhà nước hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tu sửa, bảo tồn. Di tích này thuộc diện thứ 2, sở hữu tập thể, phải bỏ ra 50% kinh phí để trùng tu lại di tích lớn thế này là điều không thể, nhất là khi mấy anh em ở đây đều là dân lao động. Những lần về thăm lại di tích mùa bão lũ, tôi chỉ thấy “mọc” thêm những thanh gỗ mảnh mai tạm chèn chống vào những chỗ đã mục, để rồi cám cảnh viết ký sự “Nhìn từ chân cột mục di tích tộc họ nhà văn Thạch Lam”. Sang năm 2005, thị xã Hội An đã nâng phần hỗ trợ lên 75%, cùng với sự đóng góp của gia tộc, di tích Nhà thờ tộc Nguyễn Tường đã được trùng tu bề thế, khang trang... Hôm bão lũ Hội An tháng 11 mới rồi, tôi chèo chống về Cẩm Phô. Anh Dũng mới mất, anh Quý đang làm nghề lồng đèn tại nhà. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, người trong họ, cho biết, di tích ngày càng có đông khách đến tham quan ...


tuduong1

Bên ngoài từ đường tộc Nguyễn Tường

tuduong2

Từ đường tộc họ Nguyễn Tường
ở Cẩm Phô, Hội An


Anh Nguyên hứa, bữa nào vào Hội An, sẽ thăm từ đường tộc họ đã sản sinh ra dòng văn chương cự phách. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ, liền bảo : “Hội An nên có con đường mang tên Thạch Lam, một đoạn phố nối từ Văn Miếu tới di tích chẳng hạn. Rêu phong cổ kính như Hội An, cái tên đường Thạch Lam còn gì thích hợp bằng”. Cẩm Giàng là nơi chôn nhau cắt rốn, Cẩm Phô là cội nguồn hồn cốt tinh hoa. Độc đáo và trùng hợp nữa, là trong một hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách – em út trong số 7 anh em, thì thân mẫu của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam cũng xuất phát từ dòng họ Lê của Duy Phước, Duy Xuyên (Quảng Nam) bên dòng Thu Bồn ! Trong nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Tường tại Cẩm Phô, linh cữu cụ cố Nguyễn Tường Phổ từ bao lâu trước đã được mang từ Bắc về an táng. Năm 2001, di cốt của vợ chồng và người con gái đầu của nhà văn Nhất Linh cũng đã được đưa về yên nghỉ tại đây. Nghe kể thời trẻ, bà Nhất Linh thường xuyên từ Hà Nội về Hội An Quảng Nam giao dịch buôn bán với món hàng cau khô. Cau xứ Quảng - Hội An nổi tiếng về sự thơm nồng, đậm đà và vị say dịu nhẹ. Dịu nhẹ, như những trang văn Thạch Lam ...


Trần Tuấn

Cẩm Giàng – Cẩm Phô, 12/2007


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us