Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tự vấn

Tự vấn

- Dạ Ngân — published 27/01/2013 22:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Truyện ngắn

Tự vấn


Dạ Ngân



DL

Dạ Ngân, Phan Thiết 2010
Ảnh Nguyễn Hiệp

Chị không biết sự trục trặc này bắt đầu tự khi nào. Đảm bảo không phải chuyện vợ chồng, xời, chuyện nhỏ, nói theo giọng điệu bất cần của các ả “chán tất” ngày nay. Chuyện vướng trong tâm can chắc chắn không là riêng tư, cá biệt. Có điều người khác thắc mắc một chút hay một quãng rồi quên đi, hay là họ bị cuốn đi, như những con cá nhỏ xuôi dòng. Chị cũng nhỏ, không kích cỡ gì, nhưng chị muốn ngoi lên, hít thở, truy vấn.

Thường phải khuya. Khuya để không bị phát giác. Khuya những năm tháng đó nghĩa là đèn đường không có bóng cao áp, chúng mang những bóng đèn dây tóc tù mù, thê thảm. Khuya các con còn mê ngủ, chồng không mê nhưng chồng biết trước, sẵn sàng nằm giữa hai con nếu nó tỉnh dậy hỏi mẹ đâu. Khuya phố xá vắng tanh nhưng đã đói thì không nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ các con đói. Chúng đói, đứa gái năm tuổi đầy ghẻ chốc trên đầu vì cơm hẩm độn bo bo, đứa trai hai tuổi khóc rã đêm, mẹ hết sữa mà không có tiêu chuẩn sữa phân phối. Đường sữa trôi nổi trên thị trường kín vẫn bí mật trôi nổi duy chị không biết nó được đưa vào đất nước đang tan nát này bằng con đường nào. Chỉ có trời mới biết.

Phải đội nón lá lên, làm như để tránh sương tránh gió. Phải đựng mớ “nhu yếu phẩm” đó trong chiếc giỏ đan bằng sợi bàng thịnh hành. Khi khép cửa mà túi đeo ở vai, đích thị là mình đang gian, đang đi bán thứ gì đó, tức là đi quan hệ với bọn chợ đen, chợ trời, hành vi để bị quy là phản động đây. Hai vị cán bộ nhà ở hai bên bắt gặp thì nguy mà dân phố biết được, mình mất thể diện. Kệ, thây kệ hết đi, chặc lưỡi vậy nhưng hai đầu gối run run, run vì sợ, run vì con mình đang đói, run còn hơn thời chiến bị bom dập hay pháo dồi. Run ở đây vừa là sự lên tiếng của danh dự, thứ danh dự có tên là cán bộ, tót vời chiến thắng. Run, như đã nói, run vì cái lý chính danh với bản năng làm mẹ, làm người đang xung khắc với cái tổ chức mà mình đã dấn thân, thề thốt, trung thành, đủ cả.

Lần đầu run nhiều, lần sau run ít, nhưng lần nào cũng run vì chị không quen khuất tất. Nhảy ra phố, sãi chân trên vỉa hè là thoát, nếu phải chạm trán người quen thì sẽ bảo “tranh thủ đi sớm ra chợ đen đổi sữa cho con, mua được rồi mà không ưng ý nên giờ đưa đi đổi”. Bắt đầu nói dối, nói dối phải có chuẩn bị và chuẩn bị công phu là đằng khác. Nghe hợp lý lắm. Chợ đen không họp ban ngày, chợ như ma, tảng sáng là tan, như chưa từng tồn tại. Đi đổi sữa là phải đi khuya, đáng tin quá còn gì. Tiền đâu mua sữa chợ đen, mặc, không người quen nào tra tới cỡ đó trừ hội nghị chi bộ. Nhưng chưa lần nào chi bộ đặt loại vấn đề đó ra, vì chi bộ cũng gồm những con người, những ông cha bà mẹ đói có lũ con đói. Có người còn đến sở làm với mùi heo, vì họ cho heo ở trong bếp mà không phải lúc nào con người cũng đủ xà bông để tắm trước khi đi làm.

Chị không nhớ mình có bao nhiêu lần thức khuya để đeo giỏ bàng ra phố. Nhiều năm như vậy đếm sao cho xiết. Nón lá sùm sụp, nón lá và áo bà ba thời đó là biểu tượng để phân biệt người bên thắng với đám phụ nữ bên thua áo màu áo hoa cổ hở. Bên này chúng tao mực thước, lý tưởng, truyền thống, thấy không? Chị cắm cúi bước, phố xá đất miền Tây mùa nào buổi sớm cũng se buồn. Có cái gì đang chao đảo trên đầu, trước mặt, dưới chân, trong lòng, cái gì đó ghê gớm đang lung lay, đổ vỡ. Phố kia, bí thư tỉnh ủy an nhiên, vốn là khu biệt thự vào loại đẹp nhất nhì thị xã. Phố nọ, nhiều căn hộ im ỉm cửa sắt cài giấy niêm phong, hẳn của đám vượt biên bỏ của chạy lấy người. Trong chợ vắng bóng những sạp hàng ăn làm nên tên tuổi của khu nhà lồng có từ thời người Pháp, trong đó có hàng hủ tiếu mà chị luôn ao ước được nhiều tiền để đưa con ra đó mỗi tuần. Bàn ghế của bà sạch sẽ nhất, dáng vẻ của bà phong lưu nhất, chắc là nghề hàng ăn gia truyền. Hủ tiếu trụn vừa mềm, bà trộn nước sốt và tỏi phi vào, những con tôm lột vỏ tươi căng, những lát tim gan khéo mỏng, xà lách, giá sống, cần tây, chao ơi, trau chuốt và điệu nghệ. Nghe đâu bà cũng di tản rồi, ai cũng vượt, vượt hết thì rỗng ruột sao? Có mấy đồng nghiệp giở giọng “phản động” sớm, kháy ngay khi nghe chị than phiền, “Lo gì, miền Bắc đất chật người đông, miền Bắc xếp hàng cả ngày, miền Bắc trám kín hết!”. Lại ai đó giả đò ngơ ngác, “Sao bảo miền Bắc thiên đường?”. Lại ai đó, “Thiên đường của đám con ông nhà thơ phó thủ tướng chứ thiên đường gì ai!”

Khu chợ đen nằm bên hông nhà lồng, như cái ruột thừa, cắt bỏ lúc nào cũng được. Một dãy đèn dầu dưới những tấm vải bạt cũ, như người ta đang bày ra để cầu nguyện điều chi. Kiểu chợ không biết ai là người nghĩ ra đầu tiên, khi chị “quan hệ” với nó thì nó đã đường hoàng mỗi khuya, những sạp hàng, cách xếp các thứ hàng, và những ngọn đèn dầu có ống khói, dè chừng mà vẫn chuyên nghiệp. Cánh quản lý thị trường có biết không, có một sự không ngây thơ bên trong chị trả lời: chắc chắn họ có biết và chắc chắn họ là những người bảo kê số một! Chị bước vào, phập phồng và tò mò như thể đi xem bói. “Bán gì?”, “Bán gì đây mua cho”, “Ghé đây đi, đâu cũng vậy mà!”. Chèo kéo, thẽ thọt, thậm chí du dương. Những phụ nữ dây mơ rể má với phe thua, công chức không được lưu dung, vợ của sĩ quan đang kẹt trong trại, hoặc đi Kinh tế mới tháo về. Họ gan góc hơn chị, họ chường ra thân phận mình, họ không cần ngụy trang bằng nón lá với giỏ bàng. Họ chấp nhận làm ma, gắn bó với đèn dầu để rồi tảng sáng là tan ra, mất hút, nhường những cái sạp tạm bợ cho hàng trái cây chưa bao giờ bị hợp tác hóa hay quản lý thị trường điểm danh.

Chị tìm được một người hơn tuổi mình. Hai phụ nữ từng bên này bên kia. Chiến tuyến vẫn hằn, trong sự im lặng cảnh giác nhau. Bên này như đang đọc được bên kia đang nghĩ gì, đánh giá sao về mình. Cả hai chắc đều có con đói mà không thể hỏi han. Rất nhiều nón lá lướt qua sau lưng chị, êm ru, chắc chắn đó là những người cùng mác cán bộ như chị, cùng chiến hào và cùng chiến thắng, ngất ngây. Chị và họ cũng đã là ma, trong thế giới đang được che đậy này. Hễ có một nón lá dừng ở một dãy hàng thì những “ma nón lá” khác né đi, tìm lối khác trong khu chợ bàn cờ. Thành thạo ý tứ, người mua không moi hàng đưa lên, chỉ vạch giỏ ra nhìn và ước tính. Hai cây thuốc lá đen Hoa mai, một chục diêm quẹt, hai cục xà bông Cô Ba (chị nghĩ mình để xà bông cục sặc nùi dầu dừa lại tắm cũng được còn gội thì lắng nước tro như má ngày xưa), mấy gói trà Thái Nguyên…Chị đổi được hai hộp sữa đặc, hiệu Kim Cương. Giờ thì có sữa trong giỏ đây này, gánh nặng giả dối được cất đi phân nửa. Chị đi đổi sữa đây này, ai muốn nhìn mặt tôi, cứ việc, trời cũng sắp sáng rồi, cứ việc!

Con trai chị sẽ không khóc đêm hai tuần. Sẽ thêm nhiều đường, chỉ cần có mùi sữa là thằng nhỏ sẽ ực một hơi rồi ngủ thêm tới sáng. Chị có thể quên cảm giác run đầu gối khi bước vào khu chợ đèn dầu nhưng hình ảnh đứa con có sữa thì không bao giờ phai được. Chiếc gưiờng đẫm mùi nước đái, bóng đèn ngủ hình trái cà na, không khí đặc sệt mỏi mệt và thằng nhỏ ngồi chềm chệp như một con cóc bên mí mùng. Nó nhắm mắt khóc chờ, khi ly sữa âm ấm kề vào miệng là nó nín ngay, từ lúc đó cho tới cạn ly không lần nào ngẩng lên để thở. Rồi nó rên khẽ và tìm gối vật xuống, đúng là thiên thần no nê, mãn nguyện.

Chị luôn nằm lại với con những khi đó. Nằm nghe xương sống cấn với sạp giường, biết là hai xương chậu nhô lên như một người tù đói nhưng vẫn rờ để xem nó đã có thêm thịt bao quanh chưa. Những ý nghĩ rã rời. Sao mọi chuyện lại ra nông nỗi? Chị tham chiến như một cánh bèo trong cơn lũ, nước và bèo, nhiều cánh bèo thì cũng làm nên một thứ lực cản với đối phương chứ. Vì nếu trì níu với ruộng vườn thì sớm muộn gì cũng bị chiến tranh phân loại, bật gốc, văng ra vùng tản cư. Lúc ấy cũng là bèo, một cánh bèo có thể là gái, là con ở, là vô định. Không có vị trí ở giữa hai dòng nước dốc ngược ấy. Mãi rồi cũng kết thúc, phe thắng tưng bừng, phe thua cũng tưng bừng. Chấm dứt súng đạn đao binh, không gì có thể sánh với sự hồi sinh đó. Vợ chồng chị vác con gái hai tuổi lên vai, đạp trên binh khí, áo sống, giày vớ của phe thua mà đi, một cuộc trẩy hội nóng rãy, đỉnh điểm, ngút trời. Cơ man xe máy vô chủ lăn lóc trên đường, rất nhiều kẻ hôi của như trong Công xã Paris, nhưng những người như chị bước qua chúng, kiêu hãnh, tự hào. Đứa con không dám đi trên phố, mỗi khi xe máy ré qua, nó ôm riết lấy cổ ba, khóc ngất, nó sinh ra trong chiến tranh, nó sợ tiếng gầm rú, nó thấy không có công sự để an toàn. Đêm đêm phố thị, nó thảng thốt trong giấc ngủ, riêng nó là không tưng bừng gì cả, chỉ có sợ và sợ.

Hào quang bên thắng xẹp xuống nhanh như một quả bóng. Những cơn bão tràn vào, bão kiểm kê bão cải tạo, bão hợp tác hóa và bão từ biên ải. Chị cảm thấy một sự tan tác không có thống kê. Thành thị tan hoang và xập xệ như làng. Sao vậy? Chị tự hỏi trong khi xếp hàng chờ mức lương công bằng, chờ một căn hộ diện phân phối có chỗ khả dĩ nuôi heo, chờ đến ngày “nhu yếu phẩm”, chờ đêm khuya để đổi chác chúng và chờ phép màu và chờ một sự lý giải chính danh. “Phong trào” đóng kịch này bắt đầu từ lúc nào vậy? Từ khi các con số được huyền biến trong những bài diễn văn do chồng chị viết ra để phục vụ ngài bí thư ở biệt thự, đi xe Toyota và mặt mũi chắc chắn nhờ bơ nhờ sữa ngoại nhập. Ông chồng mẫn cán của chị hay nhắc chừng: “Em lúc nào cũng xét lại xét lại, chết chùm có ngày!” Xoáy nước chứ không phải dòng trôi nữa. Chồng của chị càng trau chuốt diễn văn thì vị trí dưới chân đế càng tối. Chị thì càng dày những cữ chợ khuya với lũ ma tạp ấy thì càng nhiều những ý nghĩ hoài nghi, chết tiệt.

Một hôm, vào ban ngày, chị ra chợ trời để mua ru-băng cho chiếc máy chữ cơ quan. Ru-băng được phân phối theo diện văn phòng phẩm mêt-đờ-in quốc doanh cứ tóe loe mực và rất hay đứt. Chợ trời có đủ mọi thứ, ru-băng từ các nước Đông Âu do người Việt xách tay về, có cả ru-băng cũ thời Mỹ còn sót lại, hơi khô mực nhưng đánh máy trang đầu coi như bỏ, cốt lấy được những trang sau nếu tờ giấy than còn tốt. Chị mua liền hai cuộn, để dành, nghĩ sẽ thuyết phục kế toán cơ quan “lách luật”. Người đàn ông bán hàng cao dong dỏng, lễ phép và điềm đạm, áng là viên chức bộ máy cũ bị hất ra hay là giáo viên không được đi dạy. Ông ta bất ngờ hỏi: “Chị muốn ghi trong hóa đơn bao nhiêu?”

Đó là năm 1978. Ba năm sau ngày Đại thắng. Ngày ngày trên ghe xuồng nối nhau như một đàn kiến, nông dân từ Bến Tre, Long An, Tiền Giang đổ xuống sông Hậu chạy nạn tập đoàn hoá hợp tác hóa. Ngày ngày Châu Đốc, Long Xuyên dội về tin dân chạy pháo bầy, pháo lẻ của bọn Pôn Pốt được thế lực nào đó chống lưng. Ngày ngày mưa, gạo kém mà lại ẩm, chưa vo đã nát và xuyên tâm liên được phong là cây kháng sinh vào loại nhất thế giới. Chị biết khá rõ nhưng câu gợi ý giá cho cái hóa đơn của người bán hàng khiến chị rùng mình, như vừa thoát khỏi một cơn mê. Anh ta đâu được gì, chỉ gợi ý cho chị có phần, hai cuộn ru-băng, anh ta chắc không mong mình được “lại quả”. Đã đến nước này ư? Chị không nhớ mình phản ứng ra sao, chỉ nhớ thời điểm đó, những đàn kiến, những cơn mưa, những bữa cơm mốc, những cơn đói và những đêm tự vấn, không ngủ.

Thời điểm bắt đầu sự giả dối chắc không giống nhau với mỗi người. Với ngài bí thư, có thể là lúc ông ta bước vào ngôi biệt thự của ai đó và bước ra mỗi ngày, với những bài diễn văn ngây ngất mỹ từ trong túi áo. Với chị là lúc nào, những cữ chợ ma hay là trước đó nữa? Chị coi thời điểm được gợi ý trên tờ hóa đơn hai cuộn ru-băng là một bước ngoặt, nó đóng vào tâm tư chị một thời khắc vừa như chấm hết mà cũng vừa như mở đầu.

Từ lúc đó chị không còn đo từng cây số trên đường công tác để ghi vào công lệnh thanh toán nữa. Chị chặc lưỡi, mình nào có thanh có sạch có sáng mà cứ sợ lấm, trong vòng xoáy này, trong sự biến đổi tanh tưởi này. Chồng chị lên giọng sắt thép, “Không cánh bèo đâu, mắt xích hết, ai cũng mắt xích, ràng buộc, thản nhiên đi cho con cái nó nhờ!”


Nguồn: bài đã đăng trên báo (giấy) Xuân Nông nghiệp Việt Nam, Diễn Đàn trân trọng cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us